Du lịch

Đa dạng các hình thức du lịch ở một địa bàn miền núi

Là vùng đất không có các lợi thế về phát triển công nghiệp - dịch vụ, cùng với việc tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại, những năm gần đây, huyện Thanh Chương (trước đây) đã tập trung phát triển du lịch theo hướng đa dạng với nhiều mô hình và bước đầu đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Hình ảnh Đào Chè từ trên cao

  Đầu tiên, đó là du lịch tâm linh. Là một vùng đất cổ, non nước hữu tình, lịch sử huyện Thanh Chương gắn với lịch sử tỉnh Nghệ An và lịch sử dân tộc nên đây là một vùng đất có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, với một vùng di sản ở hai bên bờ sông Lam. Hiện toàn huyện có hàng trăm di tích đủ tiêu chuẩn xếp hạng. Trong đó có 14 di tích cấp quốc gia và 58 di tích cấp tỉnh. Trong đó có di tích Đến Bạch Mã ở xã Võ Liệt (nay là xã Kim Bảng) là một trong “tứ linh đền” của xứ Nghệ (nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng) và các di tích liên quan đền dòng họ Nguyễn Cảnh nổi tiếng của Nghệ An.

   Sau một thời gian bị lãng quên từ năm 2000, được sự giúp đỡ của Sở Văn hóa, thế thao và du lịch, huyện Thanh Chương đã khôi phục lại Lễ hội Đền Bạch Mã. Lễ hội này được tổ chức vào các ngày 8-10/2 ÂL hàng năm thu hút khoảng 25.000 - 30.000 lượt khách/năm. Ngoài các nghi thức tế lễ và phần hội phong phú, lễ hội này có trò chơi dân gian vật cù được cho là độc nhất vô nhị trên cả nước. Lễ hội Đền Bạch mã đã được công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” năm 2019. Ngoài các ngày lễ hội, Đền Bạch Mã luôn mở cửa phục vụ du khách gần xa và Nhân dân đến dâng hương, chiêm bái.

Vật cù trò chơi dân gian chỉ có ở lễ hội đền Bạch Mã

          Trên cơ sở thành công của Lễ hội Đền Bạch Mã, huyện Thanh Chương đã tổ chức tour Du lịch văn hóa tâm linh kết hợp du lịch sinh thái gồm: Nhà thờ Lê Kim (nằm ngay gần Cầu Rộ - nơi Bác Hồ từng luu trú thuở thiếu thời khi người theo cha về Thanh Chương dạy học) - Đền Bạch Mã - Đảo Chè - nông trại HDT- vườn cam hữu cơ - Thác Liếp". Đây là một “tua” có chặng ngắn nhưng đến được nhiều điểm nên rất được du khách quan tâm.

          Du khách cũng có thể không đi theo tour này mà đi riêng lẻ đến từng điểm. Theo thống kê, điểm Đảo Chè mỗi năm thu hút khoảng 25.000 đến 30.000 lượt khách tham quan; ước tính, các hộ kinh doanh vận tải du lịch có tổng nguồn thu nhập từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch khu vực Đảo Chè thu hút mỗi năm gần 2.000 lượt khách lưu trú, trong đó có nhiều khách nước ngoài.

Du khách tham quan đảo chè Thanh Chương

Cùng với khai thác các tour du lịch, Thanh Chương cũng đã thực hiện việc thu hút đầu tư, xây dựng một số điểm du lịch. Đầu tiên, đó là sự ra đời của Khu du lịch sinh thái tổng hợp HDT xã Thanh Thủy. Từ một nông trại của 3 anh em gồm Hợp, Dũng, Trung - HDT đã nhanh chóng được xây dựng thành điểm du lịch canh nông, sinh thái với tổng mức đầu tư giai đoạn một gần 35 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương, năm 2024 đạt 30.000 lượt khách, doanh số ước đạt 5,5 tỷ đồng; chất lượng dịch vụ ăn uống, lưu trú, trải nghiệm không ngừng được đầu tư. Khu du lịch HDT đã được UBND tỉnh ra Quyết định công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh và cũng đã được phê duyệt hỗ trợ đầu tư mô hình du lịch nông thôn tiêu biểu của tỉnh trong năm 2024.

Khách quốc tế tại trang trại HDT

Sau thành công của Khu du lịch tổng hợp HDT, UBND huyện đã hướng dẫn UBND xã Thanh Sơn chỉ đạo các hộ kinh doanh du lịch khu vực Thác Liếp đăng ký thành lập HTX để quản lý. Thác Liếp là một thác nước lớn với cảnh đẹp hùng vĩ nằm giữa rừng già nằm trong hệ sinh thái vườn quốc gia Pù Mát đã được du khách quan tâm từ nhiều năm nay. HTX Thác Liếp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và lĩnh vực khác, với số vốn điều lệ ban đầu gần 1 tỷ đồng. Mỗi năm, điểm Thác Liếp đón khoảng 10.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 600 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương và khoảng 25 lao động không thường xuyên. Cùng với du lịch sinh thái tại đây du khách còn được tiếp xúc với nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc. HTX ra đời đã mở ra triển vọng mới trong tạo sinh kế và góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số bền vững.

Thiếu nữ Thái bên thác Liếp

Thác Liếp là nơi giải nhiệt được ưu chuộng trong mùa hè

          Để phụ trợ cho các tuyến du lịch sinh thái, du lịch canh nông, các địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng các sản phẩm OCOP. Hiện tại đã có 42 sản phẩm được công nhận từ 3-4 sao. Trong đó nổi tiếng nhất là các món “Nhút Thanh Chương”, “Gà Thanh Chương”. Các sản phẩm OCOP được bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị trên toàn quốc và tại các điểm du lịch làm tăng thêm sự phong phú, hài hòa. Huyện cũng đã phối hợp với Khoa Du lịch và Ngoại ngữ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tiến hành khảo sát, xây dựng dự án du lịch canh nông gắn với Chương trình hợp tác đào tạo sinh viên tại Trang trại cam hữu cơ Ngọc Hường xã Thanh Đức (nay là Hạnh Lâm) và cơ sở chế biến chè hữu cơ Phúc Hưng Thịnh xã Thanh Thịnh (nay là Hoa Quân); phối hợp với Đại học Chu O Nhật Bản tổ chức một vườn rừng sinh thái hơn 10 ha tại xã Thanh Tùng làm điểm trải nghiệm và nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu.

Du khách hào hứng chụp ảnh tại vườn cam hữu cơ Ngọc Hường tại xã Thanh Đức

          Từ không đến có, từ ít đến nhiều, dẫu mới chỉ là bước đầu và đang còn sơ khai nhưng những kết quả trong đầu tư phát triển du lịch ở Thanh Chương (trước đây) là rất đáng ghi nhận. Đầu năm 2023, trong đợt khảo sát du lịch, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Hải - giảng viên, chuyên gia du lịch thuộc bộ môn Quản lý Du lịch và Lữ hành, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá: “Đây là một trong những địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch bậc nhất của tỉnh Nghệ An, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch canh nông. Nếu địa phương nắm bắt được những tiềm năng, lợi thế đó, để ra chương trình thu hút đầu tư phù hợp, du lịch ở đây sẽ khởi sắc, trở thành động lực, điểm tựa cho kinh tế”.

Một góc trang trại HDT

Cũng như các địa phương khác, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, sáp nhập để phát triển tên huyện Thanh Chương không còn nữa nhưng tất cả kết quả đã thực hiện và tiềm lực thì vẫn còn nguyên vẹn. Các xã mằm trong các tour, các điểm du lịch đang cố gắng tiếp cân, kế thừa và đồng hành cùng doanh nghiệp để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ biến tiềm năng lợi thế thành nguồn lực để phát triển, quyết tâm đưa ngành công nghiệp không khói này đi lên phục vụ sự phát triển chung.

                                                                                      TĐH.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114586970

Hôm nay

2156

Hôm qua

2432

Tuần này

22387

Tháng này

224673

Tháng qua

128795

Tất cả

114586970