Trong các ngày 16,17/02/2025 (tức các ngày 19, 20 tháng Giêng năm Ất Tỵ), xã Mai Giang, huyện Thanh Chương phối hợp với các dòng họ tiêu biểu tổ chức lễ hội Đình Bích Thị - di tích lịch sử quốc gia với nhiều hoạt động độc đáo, hấp dẫn.
Trong các ngày 16,17/02/2025 (tức các ngày 19, 20 tháng Giêng năm Ất Tỵ), xã Mai Giang, huyện Thanh Chương phối hợp với các dòng họ tiêu biểu tổ chức lễ hội Đình Bích Thị - di tích lịch sử quốc gia với nhiều hoạt động độc đáo, hấp dẫn.
Đình Bích Thị
Đình Bích Thị tọa lạc ở làng Bình Ngô, xã Thanh Giang (nay là xã Mai Giang), huyện Thanh Chương. Đình có kiến trúc mặt hướng về phía Đông Bắc, phía trước có nhiều cây cối cổ thụ. Ngôi đình dài 16m, kiến trúc đình làm theo kiểu tứ trụ tam oai. Đình có chiều rộng 9m với 3 gian 2 hồi văn, 4 hàng cột dọc, 6 hàng cột ngang. Toàn bộ có 24 cột gỗ lim kê trên chân đá tảng, trong đó có 8 cột to, chu vi mỗi cột là 1,1 m và 4 cột xây vôi vữa đỡ tầng mái, nền láng xi măng, mái lợp ngói vảy. Diện tích khu vực đình rộng khoảng 1.500 m2.
Hội Đình Bích Thị với nhiều trò chơi dân gian
Đình Bích Thị là một công trình kiến trúc cổ kính, được Nhân dân xây dựng vào thế kỷ XVIII để làm nơi sinh hoạt, hội hè của làng, cũng là nơi thờ tự 2 vị Thành hoàng Trần Hưng Học và Trần Hưng Nhượng. Ngoài ra, tại đình còn phối thờ các vị thần được thờ ở các ngôi đền của Tổng Bích Hào xưa, tiêu biểu là 3 vị Tiến sỹ của quê hương là: Nguyễn Tiến Tài, Phạm Kinh Vĩ, Nguyễn Lâm Thái; Đức thánh Bản huyện, nhiều vị quan văn, quan võ khác và và 159 anh hùng liệt sỹ của địa phương.
Năm 1930-1931, hòa trong khí thế đấu tranh sôi nổi của Nhân dân Nghệ An, bà con xã Thanh Giang đã tập trung tại đình mít tinh, biểu tình, tiếng trống làng rộn rã vang dậy cả tổng Xuân Lâm, Võ Liệt. Tự vệ đỏ đã treo cờ búa liềm trên cây gạo cạnh đình, rồi tiến đến huyện đường Thanh Chương cùng với các tổng khác, đốt giấy tờ sổ sách, giải thoát cho các chiến sỹ cách mạng bị địch giam giữ. Năm 1945, đồng chí Nguyễn Côn (sau này là Phó Thủ tướng), cũng đã về đây chỉ đạo cướp chính quyền.
Lễ hội xưa ở Đình Bích Thị được tổ chức vào ngày mồng 7 tháng Giêng - Lễ Khai Hạ và Rằm tháng Bảy âm lịch - Lễ Trung Nguyên. Ngày lễ, ở trước đình có 3 cờ đại, 20 cờ phướn, cờ ngũ hành. Khi rước có 3 kiệu rồng, có bát bửu, siêu, phạng, đoàn bát âm và đông đảo bà con làng xóm. Nhân dân rước thần từ 2 đền Bản Cảnh, Bản Huyện về đình, lễ xong lại rước thần về đền, Chủ tế do quan có tước hầu trở lên đảm nhận. Ban đêm trước sân đình, các già làng, trùm phường tổ chức diễn tuồng Trung Trắc, Trưng Nhị, hát chầu văn, ca trù, có đánh xinh tiền, gõ mõ vui vẻ.
Năm 2002, bằng nguồn vốn xã hội hóa, Đảng ủy, chính quyền xã Thanh Giang đã tổ chức tu sửa, trả lại dáng xưa cho đình. Sau thời gian tu sửa, tôn tạo và xác lập Hồ sơ, Đình đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2015. Lễ đón bằng có sự tham gia của Phó Thủ thướng Chính phủ; Bộ trưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo UBND tỉnh và đại biểu các cục, vụ, viện ở Trung ương, các sở, ngành cấp tỉnh...
Từ sau ngày được công nhận là di tích Quốc gia, dưới sự chỉ đạo và giúp đỡ của ngành cấp trên, Đình tiếp tục được tôn tạo, giữ gìn. Từ năm 2018 đến nay, xã Thanh Giang đã khôi phục tổ chức lễ hội tại đình vào ngày 20 tháng Giêng hàng năm, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách gần xa tham gia.
Trang trọng lễ tế thần tại Đình Bích Thị
Lễ hội Đình Bích Thị gồm có hai phần là lễ và hội. Tại phần lễ, đại diện cấp ủy, chính quyền và các dòng họ tiến hành dâng hương, hoa, ôn lại truyền thống lịch sử của địa phương, công trạng của các vị nhân thần được thờ phụng tại Đình. Sau phần lễ, đông đảo người dân và du khách được tham gia nhiều trò chơi dân gian sôi động, thú vị như: bóng chuyền, đi cầu chiện chiện, leo cây chuối, chọi gà, đập niêu, đặc biệt là trò bịt mắt bắt vịt. Mỗi trờ chơi có một sắc thái cũng như cung cách tổ chức và luật chơi riêng nhưng tất cả đã tạo nên một không khí náo nức vui tươi, có những tình huống dẫn người xem từ hồi hộp đến cười nghiêng ngả.
Lễ hội thành kính và các trò chơi dân gian vui nhộn của lễ hội Đình Bích Thị đã thu hút hàng ngàn lượt người đến tham gia và cổ vũ, tạo nên điểm nhấn của một mùa lễ hội, hướng người dân nhớ về lịch sử và truyền thống văn hóa của một mảnh đất có nhiều danh tướng lương thần.
Một số hình ảnh tại Lễ hội đình Bích Thị:
Một pha bóng chuyền tại lễ hội
Nhiều trẻ em hăng hái tham gia trò đi cầu chiện chiện tại lễ hội
Các thanh niên hào hứng với trò leo cây chuối
Hồi hộp với trò chơi đập niêu tại lễ hội.
Cười nghiêng ngả với trò chơi bịt mắt bắt vịt
Rất đông người dân và du khách tham gia và cổ vũ cho các trò chơi tại lễ hội
244
2251
21218
2114323098
120069
114539895