Tin tức

Kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

Sáng 02/02 (tức ngày mồng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025), tại Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, UBND thành phố Vinh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Về dự lễ kỷ niệm có Thiếu tướng Phan Văn Sỹ - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ tư lệnh Quân khu 4; ông Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; ông Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban thường cụ Tỉnh ủy - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Vinh; đại diện các sở, ban, ngành và đông đảo du khách thập phương.

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm. Ảnh Thành Duy

Ngược dòng lịch sử, cách đây 236 năm, vào tháng 10 năm 1788, Lê Chiêu Thống cầu viện triều đình Mãn Thanh nhằm lật đổ nhà Tây Sơn. Lợi dụng cơ hội ấy, triều đình nhà Thanh cử quân sang với mục đích xâm chiếm Đại Việt. Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị của nhà Thanh chỉ huy 29 vạn quân, chia thành 3 hướng tiến đánh nước ta.

Trước thế sự cấp bách thù trong giặc ngoài, vào ngày 25/11/1788, Nguyễn Huệ đã làm lễ tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng đế tại Phú Xuân, hiệu là Quang Trung và tiến quân ra Bắc. Ông đưa ra lời dụ thể hiện ý chí độc lập tự chủ cao độ và tinh thần quyết tâm tiêu diệt địch: “Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để đen răng/Đánh cho nó chích luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Hoàng đế Quang Trung tự mình đốc thúc đại binh, cả thuỷ lẫn bộ cùng ra trận. Ngày 29/12/1788 đến Nghệ An tuyển lính, luyện quân và chỉ trong một thời gian ngắn đã tuyển được hơn một vạn quân tinh nhuệ kéo quân ra tiến đánh thành Thăng Long.

Đúng vào Đêm Giao thừa Tết Kỷ Dậu 1789, ba đạo quân bộ binh Tây Sơn từ Tam Điệp xuất phát. Mũi tấn công chính do đích thân Hoàng Đế Quang Trung chỉ huy, đánh thẳng vào hệ thống phòng thủ phía Nam Thăng Long, mà đồn Ngọc Hồi là cứ điểm then chốt. Đô đốc Long chỉ huy mũi tấn công, bất ngờ đánh vào đồn Đống Đa, rồi thọc sâu vào đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở cung Tây Long.

Trước đó, đô đốc Lộc và đô đốc Thuyết chỉ huy hai đạo quân thuỷ binh cũng xuất phát từ Biện Sơn, vượt biển tiến vào đánh Hải Dương và bố trí chặn đường rút chạy của quân Thanh.

Với nghệ thuật chuyển quân thần tốc và nghệ thuật tác chiến, chiến lược kỹ càng, chỉ sau 5 ngày đêm, toàn bộ hệ thống phòng thủ và sức chống đỡ của quân Thanh đã bị đập tan. Hai trận Ngọc Hồi, Đống Đa vào sáng mồng 5 Tết là những chiến công vang dội, có vai trò quyết định thắng lợi của cuộc đại phá quân Thanh, giải phóng thành Thăng Long.

Trưa ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), Hoàng đế Quang Trung ngự trên lưng voi, tiến vào kinh thành Thăng Long cùng đại quân của mình. Nhân dân mừng vui khôn xiết. Với thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta đã đập tan âm mưu xâm lược của quân Thanh, giữ vững nền độc lập dân tộc.

Sau khi đại thắng quân Thanh giải phóng Thăng Long, Hoàng đế Quang Trung đã thực hiện canh tân xây dựng đất nước, giao thiệp với nhà Thanh bằng nhiều chính sách bang giao khéo léo để tránh được việc binh đao, chăm lo xây dựng đất nước hòa bình, củng cố chính quyền và tăng cường lực lượng quốc phòng để bảo vệ đất nước.

Cũng trong thời gian này, Hoàng đế Quang Trung đã chọn vùng đất Yên Trường và Vĩnh Yên, nơi có Núi Dũng Quyết và Miêu Sơn (nay thuộc phường Trung Đô, thành phố Vinh, Nghệ An) để xây dựng kinh đô gọi là Phượng Hoàng Trung Đô.

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789 là một trong những chiến công hiển hách bậc nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Với tầm vóc và ý nghĩa to lớn đó, Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được Nhân dân trân trọng ghi nhớ và trở thành lễ hội truyền thống hàng năm vào ngày 5 tháng Giêng âm lịch.

Tại đền Quang Trung, phường Trung Đô, thành Phố Vinh, hàng năm, chính quyền và Nhân dân thành phố đều long trọng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa nhằm tri ân công lao của vua Quang Trung cùng các tướng lĩnh của ông trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm thống nhất đất nước và ôn lại truyền thống hào hùng cùng ý nghĩa lịch sử to lớn của Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, đồng thời biểu thị cao độ tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước, yêu tự do, độc lập từ ngàn đời của người dân đất Việt.

Các đại biểu tham dự lễ khai bút đầu Xuân. Ảnh Thành Duy

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, tại đây, các đại biểu tham dự đã thực hiện nghi thức Khai bút đầu Xuân với ý nghĩa nêu cao tinh thần khuyến học, khuyến tài và tham dự các hoạt động thi đấu thể thao chào mừng Lễ kỷ niệm.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114534185

Hôm nay

247

Hôm qua

2312

Tuần này

247

Tháng này

2114317388

Tháng qua

120069

Tất cả

114534185