Hố sụt trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) Ảnh: Dân trí
Thế rồi, sau mấy ngày tranh cãi, bệnh án của ta cũng đã có lời kết: nguyên nhân cái việc thân ta bị bẻ làm đôi hôm 19-8 là do Trời ! Ta nhận được tin này từ bạn ta, bác Cốc Tao ở Sài Gòn. Cũng như ta, bác ấy trông to con, phong độ là thế dưng mà nhão lắm. Cái nắng miền Nam làm cho bác ấy khó chịu, cơ thể cứ bều bệu, da thịt nhiều chỗ xô lại, nhũn ra tạo thành những cái ụ mấp mô và những cái hố tử thần sẵn sàng chực bắt chết những con xe không may mắn. Đọc tin bác nhắn ra mà ta bàng hoàng rồi bỗng nhiên thấy ớn lạnh, rùng mình, tưởng như muốn sụp thêm lần nữa. Nhưng rồi ta cố trấn tĩnh lại, bình tâm mà suy ngẫm sự đời.
Quả là ông Trời chơi ác. Ông dựng lên cơn bão, rồi từ bão ông lại còn gây ra mưa lớn, mưa lớn làm sụt nền, mà sụt nền thì tất đường ống gãy, đường ống gãy thì mặt đường đổ sập. Lập luận họ đưa ra thật là lô gic, thật là khoa học, không hổ danh là những nhà quản lí tài ba gánh vác trọng trách giao thông ở cái đô thị to nhất nhì cả nước.
Nguyên nhân rành rành ra thế, vậy mà thiên hạ mấy ngày qua hành ta, cứ tranh cãi, cứ đổ tội cho này nọ. Thật oan quá ! Thật không khách quan tí nào. Ông cha xưa đã có câu: “nhất thủy nhì hỏa”. Ông Trời mà không thuận, dội nước xuống thì thử hỏi có công trình nào trên đời này trụ nổi ? Huống chi là một con đường như ta, đã phơi nắng, phơi sương, lại còn phải oằn lưng cõng những chiếc xe quá tải hàng chục tấn. Ta mang tiếng là đại lộ đấy nhưng khi chào đời, ta đã là đứa trẻ thiếu dinh dưỡng dù đường sữa được cấp dư thừa. Bây giờ ta có nói ra thì cũng không ai tin, những bình sữa, hộp đường ấy, bên ngoài nhãn mác vẫn ghi đầy đủ thành phần, trọng lượng, nhưng ôi thôi bên trong nó… nhạt lắm !
Thiên hạ lướt xe vèo vèo, khen ta đẹp mã, thênh thang, phẳng lì. Rồi thì chụp ảnh, quay phim, đưa lên mặt báo. Rồi thì khai trương, cờ xí che khuất cả mặt ta. Những lúc ấy, ta cũng cảm thấy đôi chút hãnh diện. Nhưng niềm hãnh diện nhỏ nhoi phút chốc tan biến vì muốn hay không ta cũng phải đối mặt với cuộc đời. Sinh ra đã thiếu dinh dưỡng, có ai hay trong cơ thể ta đang ủ bệnh. Nhìn bề ngoài ai cũng nghĩ rằng ta khỏe mạnh, cường tráng, đâu biết bên trong ruột gan ta đang phải gồng lên mà chống chọi. Thế rồi, một cơn bão đi qua, một trận mưa ập tới, ta không thể cưỡng nỗi sức trời. Ta gập mình, sụp xuống. Lúc đó ta mới cảm thấy hết nỗi đau cùng cực trên cơ thể mình.
Nhưng ai có thể hiểu cho ta ? Ta không oán ông Trời, trái lại ta rất cảm thông cho nỗi buồn của ông ấy. Ông là cái “bị” đựng chửi, là cái giỏ để người ta đổ hết mọi tội lỗi vào đó. Ông là thần thánh, có sức mạnh vô biên, thế mà ngàn đời nay chẳng làm sao gột rửa được nỗi buồn ấy, thì thử hỏi, một con đường bé nhỏ như ta sẽ làm được gì ?
Ta muốn hét lên một tiếng cho vọng tới trời xanh nhưng bụng ta đã rỗng, hơi sức ta không còn. Ta đành ôm hận, khắc khoải chờ mấy anh chị công nhân mỏi mệt bê từng rổ đất đá san lấp. Chỉ có họ mới hiểu được lòng ta. Nhưng những con người cần lao ấy, mặt mũi thì bịt kín bằng khẩu trang còn đồng lương thì chỉ đủ mua rau muống và đậu phụ, liệu họ còn biết làm được gì cho ta ?
Than ôi ! Ta lại mặc cho mưa tuôn và bão nổi, nằm dài đợi năm tháng dần trôi.
22-8-2012