Cuộc sống quanh ta

Ba lần lên trại Đưng

Tôi đã từng viết không ít bài mang tính chất hồi kí ghi lại những sự việc, những kỉ niệm không thể nào quên song vẫn luôn thầm nhủ rằng, chừng nào chưa viết được về chuyện ba lần lên Trại Đưng thì tôi vẫn còn mang một món nợ rất lớn với mọi người, đặc biệt đối với thân phụ tôi, người đã từ giã cõi đời ở Trại Đưng(1), một nơi hoang vu hẻo lánh dưới chân Trường Sơn, ở một thời điểm lịch sử đặc biệt, vào khoảnh khắc xung quanh tuyệt không có một người thân để ít nhất cũng có thể thốt một đôi lời trăng trối và để được thắp một nén nhang tưởng niệm!

Nghe tôi kể lại vài chi tiết của những chuyến đi ấy, giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm, người đồng hương và là bạn của anh tôi, đã hơn một lần giục tôi viết hồi kí và hứa sẽ tạo điều kiện cho đăng ở một Tạp chí của Hội Khoa học lịch sử mà Giáo sư là Phó chủ tịch, song tôi vẫn chần chừ vì thấy hình như điều kiện vẫn chưa thật chin mùi. Năm Giáp Ngọ là thời điểm hội đủ mọi yếu tố thôi thúc tôi phải vượt qua thái độ quá thận trọng và sự chần chừ ấy: thân phụ tôi đã ra đi đúng 60 năm (1954 - 2014), cũng là lúc đâu đó dấy lên những thông tin nhiễu về những ngày cuối đời của Người .

Trong số anh chị em trong gia đình, tôi là người có điều kiện gần gũi thân phụ tôi hơn trong những năm cuối đời của cụ và là người duy nhất đi ba lần lên Trại Đưng: lần thứ nhất, hè 1954, cùng với em trai - Nguyễn Khắc Phê bấy giờ mới 15 tuổi, chị Chuyết (chị dâu) và Cúc (em gái con chú ruột) đưa thân phụ tôi lên Trại giam - Trại Đưng; lần thứ hai, hè 1957, tôi và chị Chuyết lên thay tiểu (cải cát)  cho cụ; lần thứ ba, cùng anh Viện đưa di hài cụ ra Hà Nội. Lần thứ ba, cùng đi có Nguyễn Thế Việt, sinh viên Khoa Văn ĐHSP Vinh vừa được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, quê gần Trại Đưng và chú Vịnh, lái xe của NXB Ngoại văn (nay là NXB Thế giới).

    Trước khi kể chuyện ba lần lên Trại Đưng, xin được kể về ba lần mất thời cơ của tôi.

Tôi, anh Phan Huy Lê, anh Phạm Hoàng Gia…là thuộc lớp đầu tiên của Trường cấp III Phan Đình Phùng, một trong những trường THPT nổi tiếng nhất của cả nước lúc bấy giờ. Hầu hết bạn bè trong lớp tôi đều học giỏi. Riêng tôi, còn vừa đoạt giải nhất trong đợt thi học sinh giỏi Toán của toàn Liên khu IV. Không chỉ thế, còn được vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc rất sớm, được bầu vào Ban chấp hành hiệu đoàn, được mẹ mua cho xe đạp, đàn ghi - ta … Không phải là “cuộc đờivẫn đẹp sao” mà thật sự là đẹp, không chỉ đẹp mà còn đi lên phơi phới trong không khí “toàn thể nhân dân hiện đương tích cực chuẩn bị để bước qua tổng phản công, ai nấy cũng một lòng tin tưởng rằng sự thắng lợi hoàn toàn đã sắp tới” (Thư của thân phụ tôi gửi cho anh Viện tại Pháp ngày 1 - 6 năm 1950).

Thế nhưng, khi học xong cấp III (bấy giờ chỉ có 9 năm), cửa các trường đại học lại chưa sẵn sàng mở, nên lớp tôi lại phải học thêm một học kì bổ túc nữa (vì vậy lớp tôi còn có một biệt danh là “9 bổ túc”). Sau khi học xong lớp 9 không lâu, chẳng may tôi bị đau ruột thừa rồi vỡ mủ, chuyển thành viêm phúc mạc (pé-ritonite}. Nếu không có bác sĩ Lê Khắc Thiền, quân y trưởng Bình Trị Thiên, con rể của cô ruột tôi, được về nghỉ một tháng trước khi ra Việt Bắc chỉnh huấn, hàng ngày đến chữa chạy cho, trong đó có dùng những biện pháp cực mạnh thì tôi đã không qua khỏi! Thoát tay tử thần nhưng tôi là người duy nhất của lớp đã không được học mấy tháng “bổ túc” và sau đó sức khỏe vẫn còn rất yếu nên đã mất cơ hộiđi học dự bị đại học ở Thanh Hóa như các anh Phan Huy Lê, Trương Hữu Quýnh, Phạm Hoàng Gia, Nguyễn Hồ Quỳnh, Trần Văn Hãn…hay đi sang Khu học xá Nam Ninh như Đinh Nho Chương, Đào Luyện… Sau khoảng nửa năm dưỡng bệnh tại gia, mặc dầu rất buồn và sốt ruột vì thấy bạn bè cùng lớp đi sạch khỏi địa phương, có nghĩa là “được thoát li gia đình” hết, “máu hoạt động” như một thứ bản năng từ bé trong tôi lại hồi sinh: lại tiếp tục sinh hoạt đoàn Thanh  niên Cứu quốc ở địa phương (trong phân đoàn ở xóm có hai “đồng chí” một nam, một nữ là người giúp việc trong gia đình tôi, hầu hết các “đồng chí” khác là con tá điền của gia đình tôi), lại tiếp tục làm công tác thông tin tuyên truyền (viết khẩu hiệu, đi báo cáo thời sự,  hướng dẫn học tập chính trị ở các xóm), đặc biệt là lại hoạt động văn nghệ. Thật khó tưởng tượng là ở một địa bàn như quê tôi hồi đó mà tôi lại có thể tổ chức một dàn đồng ca có thể trình bày được những bài hợp xướng như Du kích Sông Thao của Đỗ Nhuận, Trường chinh ca của Lương Ngọc Trác, Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi! Hăng hái đến mức khi Đội Phát động đã về xã, tôi vẫn còn hồn nhiên dựng vở nhạc kịchLúa thoái tô của Văn Ký mà “diễn viên” 100% là con tá điền của nhà tôi: con chú Cửu Thùy, con Mự Cần, con O Nghiêm…! Thật ra thì từ giữa năm 1953, qua việc thực hiện giảm tô mà gia đình tôi đã chấp hành một cách nghiêm túc và có thể nói là gương mẫu nữa, qua sách báo và cả tin truyền miệng  đồn đại, hình như tôi cũng mường tượng thấy một cuộc vận động lớn sắp diễn ra và cuộc vận động này có thể “đụng”đến gia đình mình, trước hết là ông cụ và biết đâu đến cả mình.  Lo lắng rồi tự giải đáp, yên tâm rồi lại băn khoăn, thấp thỏm. Đây là năm cuối của giai đoạn 2 trong quá trình thực hiện chính sách ruộng đất rồi mà! Tâm trạng bắt đầu có những diễn biến mới, đa chiều nhưng xu hướng chủ yếu  vẫn là hồn nhiên, lạc quan và tin tưởng. Có điều lạ là không chỉ tôi mà thân phụ tôi cũng vậy. Điều này, nghĩ kĩ, không phải không có cơ sở. Không kể anh Viện đang làm Bí thư Đảng ủy Việt kiều tại Pháp, chị Thảo sau khi tham gia nhiều chiến dịch, đang công tác ở thư kí đoàn của Liên khu ủy, các anh rể đều giữ những trọng trách trong nhiều cơ quan nhà nước; còn ở địa phương, cả gia đình đều rất hăng hái, tích cực: mẹ tôi làm Chủ tịch Hội Mẹ chiến sĩ xã, anh em chúng tôi tất cả đều sôi nổi tham gia mọi hoạt động ở nhà trường…, có gì mà phải quá lo lắng? Bố tôi còn đang giữ bao nhiêu chức vụ từ xã cho đến Liên khu, nhiều cán bộ cao cấp vẫn qua lại như tướng Nguyễn Sơn, các ông Tôn Quang Phiệt, Hà Huy Giáp, ...Theo nhà văn - anh hùng lao động Sơn Tùng trong hồi kí Còn in trong cuốn NGUYỄN ÁI QUỐC qua hồi ức của bà mẹ Nga do NXB Thanh niên in năm 2008, thì Hồ Chủ tịch đã 2 lần mời thân phụ tôi ra Việt Bắc, lần đầu do ông Trần Đăng Ninh chuyển vào đầu năm 1948, lần thứ hai vào đầu năm 1951 (mời ra dự Đại hội Toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt ) do Đổng lí văn phòng Bộ Nội vụ Phạm Khắc Hòe đích thân đến Hương Sơn trao tận tay. Do có dịp làm việc với anh Vũ Kỳ, riêng tôi đã kiểm tra lại điều này trước khi cho công bố những tư liệu do người khác viết đề cập những sự việc trên. Quả thật, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc quen biết  nhau từ thuở thiếu thời nhờ chuyến đi của cụ Phó bảng Sắc sang Hương Sơn thăm cụ Cử Hà Học Văn là thầy dạy của thân phụ tôi, thân phụ tôi đã có một tình cảm đặc biệt đối với Hồ Chủ tịch. Điều này đã biểu hiện một cách rõ ràng, nhất quán trong những lời nói, những bài viết đã được công bố. Vậy tại sao cả hai lần thân phụ tôi lại không ra Việt Bắc? Lần đầu thì cụ đã nói rõ, chủ yếu là do mặc cảm: là quan lại cao cấp của chế độ cũ mà được giao nhiều nhiệm vụ như thế là quá ưu ái rồi, ra Trung ương sợ chẳng làm được gì hơn lại làm phiền Chính phủ. Chính thân phụ tôi đã thều thào phân trần lại với tôi như vậy trên con đường tôi đưa cụ lên Trại Đưng. Còn lần thứ hai? Có thể cụ vẫn giữ nguyên ý nghĩ đó, có thể còn do bấy giờ sức khỏe của cụ đã giảm sút rõ rệt (sau đó không lâu, cụ đã phải cho người mang đờm sang Thanh Chương nhờ bác sĩ Khởi xét nghiệm xem có vi trùng lao hay không), cũng có thể do cụ chưa thể tiên lượng được những gì có thể xẩy ra sau đó chỉ vài năm. Khi tiến hành thực hiện các chính sách thuế và chính sách giảm tô, với một cái nhìn sắc sảo tinh nhạy, anh Nguyễn Cảnh Đính, con dì ruột tôi, giáo viên Trường cấp II Hương Sơn ở trong nhà, hình như mấy lần có nhắc nhở - nói đúng hơn là cảnh báo mấy điều gì đó, nhưng thân phụ tôi đều tỏ ý không tán thành, ý nghĩ chính của cụ mà tôi đọc được là: có Cụ Hồ ở trên, người ta không thể làm như thế và nếu có ai đó, nơi nào đó làm sai thì trước sau thế nào cũng sẽ được sửa chữa. Nếu tình cảm không trong sáng, đôn hậu chân thực như thế thì ngày Tết Trung thu năm 1953, thời điểm “đêm trước” những cuộc PĐQC - CCRĐ, phụ thân tôi không thể viết được những vần thơ trong trẻo hồn nhiên như một khúc đồng dao, ở đó chỉ trong 10 dòng thơ, cụ đã 5 lần nhắc tới “Bác” và đến hai câu kết thúc liền sau đó, lại nhắc tới Bác lần nữa: “Đến Tết năm sau, Bác về Thủ đô”. Bài thơ không chan chứa tình cảm chân thực thì tôi không thể nào phổ nhạc ngay được và bài phổ nhạc còn non nớt ấy cũng không thể được thanh thiếu niên địa phương đương thời đón nhận nhiệt tình đến dường ấy. Trong năm 1953, tôi không nhớ rõ tháng nào, có một lần ông Đặng Thai Mai đến chơi (ông có một người bà con lấy Tri huyện Đinh Nho Bằng ở cạnh nhà tôi nên mỗi lần đến thăm đều tạt qua nhà đàm đạo với phụ thân tôi). Lần này có một điều đặc biệt là trước lúc ra về, ông có tặng hai quyển sách in bằng chữ Trung Quốc: một cuốn mỏng, bìa trắng, nhan đề là Tân dân chủ chủ nghĩa luận (Bàn về chủ nghĩa dân chủ mới) do Mao Trạch Đông viết vào tháng 1 năm 1940, một cuốn dày hơn, bìa xám, nhan đề là Hồ Nam nông dân vận động khảo sát báo cáo (Báo cáo về việc khảo sát phong trào nông dân ở tỉnh Hồ Nam) do Mao Trạch Đông viết vào tháng 3 năm 1927. Không rõ vì cuốn thứ nhất mỏng hơn, dễ đọc hơn hay nội dung có phần nhẹ nhàng hơn mà thân phụ đã dùng làm tài liệu dạy cho tôi học. Có thể đây là tài liệu chính trị viết bằng bạch thoại đầu tiên mà cụ đã đọc và dĩ nhiên đây cũng là những trang bạch thoại đầu tiên tôi được tiếp xúc. Chỉ sau mấy ngày, chẳng rõ vì cụ thấy nội dung sách chẳng có ích gì cho con mình hay vì thấy con mình cũng chẳng hào hứng nên thôi không bắt tôi học nữa! Cách đây 10 năm, tôi đã thuật lại những chi tiết này với Quyến, một sinh viên của tôi ở Trường Viết văn Nguyễn Du để cậu ấy làm tư liệu viết một bài báo về GS. Đặng Thai Mai đăng trên báo Giáo dục & Thời Đại. Sau này nhìn lại, có thể thấy đây không phải là việc trao một quà tặng bình thường, mà là chuyển một thông điệp hệ trọng nhưng bằng một phương thức cực kì tinh tế. Mọi người đều biết thầy Mai là nhà Trung Quốc học hàng đầu của Việt Nam, là bố của chị Bích Hà, phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và bản thân cũng là một nhà hoạt động chính trị, bấy giờ đang làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Thanh Hóa. Với những điều kiện và cương vị ấy, tất ông biết điều gì sắp diễn ra và những gì cần thông báo và có thể cần “cảnh báo” nữa cho thân phụ tôi, một nhà khoa bảng mà chắc ông rất kính nể và thông cảm. Không biết cụ có đọc cuốn thứ hai không và nếu có, cụ đã “giải mã” thông điệp nói trên như thế nào.

Trong số anh em thúc bá, Nguyễn Khắc Nhuyên là người có ảnh hưởng rất trực tiếp đến tôi lúc bấy giờ. Nhuyên hơn tôi 2 tuổi, học cùng lớp, nhưng ở trường Huỳnh Thúc Kháng đóng ở Bạch Ngọc (Anh Sơn - Nghệ An). Nhuyên chỉ nhận “tài trợ” của gia đình vài tháng và sau đó quyết tâm tự lập bằng cách xin địa phương hơn 3 sào đất để canh tác. Một việc làm thật táo bạo và có ý nghĩa khiến tôi cũng nghĩ cách học theo. Khốn nỗi, ngày thường, tôi vốn đã yếu hơn, lao động không thạo bằng, không thể làm y như Nhuyên được nhưng hướng “tự lập” thì nhất quyết phải noi theo. Năm 1953, một người con chú nữa của tôi là Nguyễn Khắc Chiêu, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm, được cử về dạy ở Trường cấp II Hương Khê. Thế là tôi xin phép gia đình đi Chu Lễ - Hương Khê, nói là đi thăm Chiêu nhưng thực ra là đi tìm nơi làm gia sư. Mục đích của chuyến đi đã đạt được một cách nhanh chóng vì chỉ sau khi thăm dò một vài gia đình khá giả có nhu cầu, tôi đã được một gia chủ trẻ tuổi tên là Tráng nhận lời. Về nhà, đang tìm cách trình bày với gia đình việc xin lên Chu Lễ làm gia sư thì lại xuất hiện một sự lựa chọn mới: Cơ quan Việt Nam Thông tấn xã ở Việt Bắc tuyển học viên làm phóng viên có trình độ tốt nghiệp cấp III. Tôi làm gấp các giấy tờ cần thiết gửi đi ứng tuyển. Không lâu sau, tôi nhận được một giấy triệu tập ra Việt Bắc, người kí tên ở dưới là Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã Hoàng Tuấn. Dĩ nhiên là tôi sẽ chọn lựa phương án sau. Song, chưa kịp thực hiện thì đầu năm 1954, không chỉ riêng tôi mà tất cả học sinh tốt nghiệp cấp III (bấy giờ số lượng khá đông vì học sinh khóa tốt nghiệp cấp III sau tôi nhiều gấp 3 khóa tôi) đều nhận được giấy của Liên khu ủy IV triệu tập đi chỉnh huấn tại Tân Sơn (Đô Lương, Nghệ An). Chuyện tìm việc, học hành phải tạm gác kể cũng tiếc nhưng chẳng hiểu vì sao bấy giờ tôi lại thấy nôn nao phấn khởi vì lần đầu được học một lớp chính trị quy mô, do Đảng cấp Liên khu phụ trách, lại có cơ hội gặp bạn bè sau bao ngày xa cách, dù với tôi bấy giờ hầu hết đều thuộc lớp dưới. Thực tế quả là như vậy. Có lẽ do tâm thế sẵn sàng đón nhận những điều mới lạ và tiến bộ, tôi thấy bài giảng nào cũng hay và hấp dẫn, từ bài của bí thư Khu ủy Hoàng Anh, phó bí thư Hoàng Văn Diệm kiêm bí thư học ủy cho đến ủy viên thường vụ - giám đốc công an khu Nguyễn Hữu Khiếu…Thảo luận tổ hào hứng, liên hệ chân thành, triệt để, mặc dầu ngay sau đó cũng đã thấy có xu hướng tả khuynh, nhiều chi tiết thiếu chân thực thậm chí là bịa đặt. Ăn uống đầy đủ, chiều ra bơi sông Lam, tối thỉnh thoảng được đi xem phim (Lửa căm hờn của Liên Xô, Bạch mao nữ của Trung Quốc…), xen vào những buổi lên lớp, thảo luận là những tiết mục văn nghệ sôi nổi và có chất lượng do các chi, các tổ trình bày. Bên cạnh các bạn ở cấp III Phan Đình Phùng, tôi làm quen được nhiều bạn mới ở cấp III Huỳnh Thúc Kháng, cấp III Lam Sơn. Không có con số thống kê nhưng phần lớn học sinh tốt nghiệp cấp III thời ấy đều xuất thân thành phần lớp trên, do đó, một trong những mục đích chính của lớp chỉnh huấn là làm cho học viên nhận thức được tính chất đúng đắn của chính sách ruộng đất, của khẩu hiệu “Người cày có ruộng” cùng những biện pháp để thực hiện chính sách, khẩu hiệu ấy, từ đó xác định lập trường kiên định đứng về phía nông dân, thuyết phục gia đình tuân thủ nghiêm nhặt mọi chính sách của nhà nước. Trong những buổi họp cuối cùng, khi liên hệ với hoàn cảnh mỗi người, các bạn trong tổ đã góp ý với tôi là chưa nên đi làm gia sư, cũng chưa nên ra Việt Bắc mà phải ở lại địa phương để thử thách. Cuối buổi chiều trước đêm bế mạc, tôi được ông Hoàng Văn Diệm gọi lên giao nhiệm vụ. Cũng hơi hoảng vì không thể đoán biết được nhiệm vụ sẽ được giao. Thì ra, chẳng biết căn cứ vào đâu, ông Diệm giao cho tôi và Lê Thị Ngọc Chương nhiệm vụ…phát biểu ý kiến và phát biểu cho thật tốt, thật xúc động trong đêm bế mạc (sau khi tốt nghiệp Đại học cùng khóa với tôi, Ngọc Chương về Báo Văn nghệ, lấy bút danh là Thiếu Mai và từng đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Lí luận của tờ tuần báo này). Phải chăng vì bấy giờ chị Phương Thảo đang làm việc ở Thư kí đoàn của Thường vụ khu ủy, nên Bí thư học ủy đã biết tôi để chỉ định?. Ngay từ phút xuất hiện đầu tiên trong buổi lễ khai mạc, ông Diệm đã để lại cho tôi - và có lẽ cho cả rất nhiều người nữa - một ấn tượng đẹp. Có dịp gặp trực tiếp, ấn tượng đó càng được củng cố (2)

Tôi không thể nhớ hết mình đã nói những gì trong lời phát biểu nhưng có một điểm nhấn không thể nào quên là lời hứa ở lại địa phương để động viên gia đình thực hiện đúng chính sách ruộng đất của Đảng và Chính phủ. Hệ quả - mà nói là hậu quả có lẽ cũng không sai - của lời hứa đó là tôi đã chủ động bỏ qua hai cơ hội ngàn vàng nói trên để “được” thử thách. Hệ quả thứ hai là có khi do sợ bố mẹ không chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, tôi đã có những hành vi không thỏa đáng. Điển hình là chuyện, khi nghe có người xì xào gia đình tôi giấu vàng - chả lẽ nhà Thượng thư, có hàng chục mẫu ruộng trong nhà lại không có nổi vài lạng vàng…,tôi đã “xoay” rất dữ mẹ tôi! (Sau này tôi mới biết rõ, hồi đầu Cách mạng, sau khi bố tôi được Tòa án Nghệ An miễn nhiệm, mẹ tôi đã dốc toàn bộ số vàng trong nhà nộp ngân sách để biểu thị lòng biết ơn đối với chính quyền mới; có lẽ số vàng cũng không được nhiều - mà với sự liêm khiết nổi tiếng của thân phụ tôi và lối tiết kiệm của mẹ tôi “có đồng nào tậu ruộng đồng ấy” thì làm sao có nhiều vàng được - nghe nói mẹ tôi đã vét toàn bộ số thóc trong “chạn” đem bán để nộp thêm tiền mặt!). Giờ đây, bình luận về những cách xử sự của tôi hồi ấy, có thể có những ý kiến khác nhau và đều rất thú vị. Lẽ dại khôn ở đời đôi khi thật khó bàn. Chỉ cách đây mấy hôm, gặp Nguyễn Phan Oánh (thứ nam của họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Phan Chánh, được điều qua Việt Nam thông tấn xã khi đang học năm thứ nhất đại học với tôi, sau chuyển qua cơ quan đối ngoại của Mặt trận giải phóng, trước khi về hưu là Phó ban Đối ngoại Trung ương), tôi nói vui: “Giá như hồi 1953 mình lên Việt Bắc thì năm 1954, mình đã ở trong đoàn tiếp quản Thủ đô và năm 1955 khi cậu sang VNTTX thì biết đâu mình  đã là cấp trên của cậu!”. Dĩ nhiên chuyện đời cũng không nên đặt vấn đề “giá như”. Biết đâu ra Việt Bắc, trong PĐQC hoặc CCRĐ, tôi lại bị gọi về (về luôn hay về một thời gian) như một số bạn của tôi (trong đó có anh Phan Huy Châu, một cán bộ quản lí ở Ty Công an Thanh Hóa) lúc học Đại học? Và “giá như” tôi ra Việt Bắc thì việc chuyển thân phụ tôi lên Trại Đưng sẽ diễn ra như thế nào? Xét về nhiều mặt, việc ở lại địa phương đã đưa lại những thiệt thòi lớn đối với cá nhân tôi so với nhiều bạn cùng lớp ở phổ thông, song xét về một vài khía cạnh khác, vấn đề lại không đơn giản vậy. Không phải ngẫu nhiên, nhiều danh nhân đã gọi cuộc đời là một trường đại học lớn. Chính Khổng Tử đã thổ lộ: “Ngô thiếu dã tiện, cố đa năng bỉ sự” (Lúc trẻ ta nghèo hèn nên có thể làm được nhiều việc mọn. Tử hãn. Luận ngữ). Tạm gác ra một bên chuyện tôi đã phải làm những “bỉ sự” đích thực, nếu xét động cơ người sai khiến, như quét rác ở chợ (chợ Gôi chưa đủ mà còn phải sang quét rác chợ Choi thuộc xã khác), những việc tạm gọi là “bỉ sự” như bán lạc rang ở chợ Hạ thuộc Đức Thọ, nơi mà cách đó chỉ mấy chục mét, và chỉ trước đó vài năm, trên sân vận động Châu Phong, tôi và Phan Trần Bảng đã bắt nhịp cho hơn một nghìn học sinh cấp II và cấp III Phan Đình Phùng hát bài Thuyền ta vững lái do chính tôi sáng tác,…những hoạt động lao động chân tay mà tôi đã làm, đối với tôi đều có ý nghĩa về nhiều mặt. Sau trận ốm thập tử nhất sinh, sức khỏe tôi hồi phục rất chậm nhưng tôi vẫn tranh thủ làm việc với ý thức tập luyện. Không dám liên hệ với cụ Khổng, nhưng quả thật, nói hơi mất lập trường một chút, “Trong Phát động quần chúng, bị kì thị nên tôi có thể làm nhiều việc mọn”. Ít ai có thể tin rằng hồi đó, tôi có thể gánh được lúa tám lượm, tức nặng bằng hoặc hơn trọng lượng cơ thể tôi, có thể đẩy xe cút kít chở sọt đất nặng gần một tạ từ dưới ruộng sâu lên mặt đường, có thể thả câu đày, đặt ống lươn, úp nơm bắt cá, đan rổ rá, bắt góc đan thúng mủng, là lá nón trên lưỡi cày , vót vành để làm nón bài thơ… Và, có sống qua những ngày tháng ấy, sau này tôi mới thực sự thấm thía lời của văn hào Lỗ Tấn khi nói về gia đình và thân thế mình: “Những ai từng sống trong cảnh sung túc rồi nửa đường sa sút đi, đại khái mới có thể hiểu được bụng dạ người đời”. Nhân đây, xin có lời bàn về tác phẩm Ba người khác của nhà văn Tô Hoài, đang có ý kiến khác nhau tùy góc độ nhìn nhận. Nếu coi đây là một bức biếm họa (caricature) có quyền phóng đại mạnh tay thì có thể nói đến một số điểm thành công, song nếu xem đây là một bức tranh hiện thực sinh động thì không ít điều còn phải xem xét, dẫu phóng đại cũng là một biện pháp đặc biệt để xây dựng hình tượng. Dẫu trong đấu tố, nơi này nơi khác cũng có một số phụ nữ do bị “Đội” thúc ép đã tố cáo mình bị hãm hiếp, thì tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng điều đó phản ánh bản chất của những người phụ nữ nông dân quê tôi. Chú Trung, cô Thí trạc tuổi tôi, hai người giúp việc cho nhà tôi những năm trước “Phát động quần chúng”, dẫu ai xúi giục, cũng chưa bao giờ lên tố lăng nhăng như vậy. Hè năm 1957, thi tốt nghiệp Đại học xong về thăm quê, khi đến chào Bí thư chi bộ xóm thì ngẫu nhiên gặp cô Thí ở đó. Sau khi lắng nghe tôi nói sơ qua tình tình học hành thi cử thì cô đã hạ một lời phán xét khiến tôi giật bắn mình: “Đấy! Hồi phát động tôi đã nói là không được đổ điêu cho người ta mà có tội. Các ông thấy chưa, trứng rồng lại nở ra rồng mà!”. Tôi không dám nhận liều mình có “gien rồng”, không dám và cũng không nỡ bình luận về câu nói thốt ra bất thình lính này, chỉ biết ghi nhận ở đây tình cảm chân thực, thân thương của một người bạn cũ, của một “đồng chí” Thanh niên Cứu quốc cũ từng cùng sinh hoạt một phân đoàn. “Bụng dạ người đời” ở quê tôi, người thế này kẻ thế nọ, nhờ một thời gian tương đối dài ở lại địa phương để “được thử thách”, tôi đều biết rất rõ. Đấy là những khía cạnh “được”, dẫu là “bị động” và “ngoài ý muốn” bên cạnh cái “mất” đã đề cập. 

                                                          *

                                                                 *        *

Một ngày đầu thu năm 1954, sau khi Tòa kết án phụ thân tôi 20 năm tù, 4 chị em  tôi có nhiệm vụ đưa cụ lên Trại Đưng với sự áp giải của một cán bộ công an xã tên là Trần Minh. Bố tôi đã yếu từ lâu, qua những ngày bị giam giữ và đấu tố, lại càng chóng suy sụp. Bốn chị em tôi thay nhau “gánh” cụ, Phê và Cúc đóng vai chủ lực, tôi và chị Chuyết chỉ thỉnh thoảng thay một lúc cho hai em mà thôi. Với tôi, đường lên Chu Lễ đã quen thuộc, nhờ chuyến đi “tìm việc” chưa đầy một năm trước đó. Với Cúc thì nửa quãng đường đầu chính là nằm trên lộ trình hàng năm về thăm quê ngoại. Từ Chu Lễ - huyện lị Hương Khê ngược lên, người đi lại dần thưa vắng, cảnh vật, núi rừng hai bên đường càng heo hút, thâm u. Sau khi ông Minh “bàn giao” phụ thân tôi cho Ban quản lí Trại là chúng tôi phải về ngay, vả lại, thời gian đã qua quá lâu, chúng tôi không thể  kể mọi chi tiết diễn ra dọc đường cũng như khoảnh khắc thân phụ tôi, mắt rớm lệ, cố quay lại nhìn bốn chị em lần cuối trước khi nhân viên Trại khiêng cụ vào phía trong. Cho đến bây giờ, gia đình chúng tôi cũng chưa hề nhận được thông báo chính thức của cơ quan hữu trách cho biết cụ qua đời vào giờ nào, ngày nào. Qua lời kể của một số người còn sống trở về thì cụ đã qua đời vào ngày 13 tháng 8 âm lịch, và lúc mai táng có anh Tống Trần Bình là con chị ruột của cụ, cũng là một tù nhân của Trại, tham gia. Song khốn nỗi, cho đến bây giờ, bản thân số phận của anh Bình sau đó ra sao, cũng như quá trình hoạt của anh trước đó thế nào kể cả khi Đảng còn hoạt động bí mật, cũng chưa được xác minh, nên câu chuyện của thân phụ tôi cũng đành dừng lại ở đó.

Nói vậy, không phải là chuyến đi lên Trại Đưng lần đầu tiên không để lại trong tôi những ấn tượng, những kỉ niệm sâu đậm.    

Điều đầu tiên làm cho tôi mỗi lần nghĩ đến là thấy day dứt, băn khoăn, xúc động, đó là thái độ của thân phụ tôi biểu hiện trong suốt cả cuộc hành trình. Sức đã quá yếu, hơi thở hổn hển, giọng nói thều thào nhưng cụ như vẫn muốn tranh thủ từng giây để tâm sự với con cháu, đặc biệt là với chị Chuyết và tôi. Điều rất lạ là mặc dầu đã bị ngược đãi trong suốt thời gian trước đó nhưng tuyệt không có khoảnh khắc nào cụ tỏ ra oán hận, mà thường lại tỉ tê về những khiếm khuyết của mình theo tinh thần vừa thanh minh vừa tự phê phán theo phương châm “Tiên trách kỉ hậu trách nhân”. Cụ rất xót xa vì thấy mình dường như có trách nhiệm trong việc làm cho con cháu thêm khổ sở. Chúng ta đều nhớ câu thơ mãi vẫn còn làm xúc động lòng người trong bài thơ Thăm động Từ Thức: “Tiếu ngã đương đồ quy khứ vãn” (Ta cười ta làm quan lại bỏ về nhưng đã bỏ về muộn”. Cụ đã hơn một lần giải thích vì sao lại như vậy, mặc dầu xin về hưu trước tuổi, ở tuối 53, với bổng lộc đương hưởng và chắc còn được hưởng nhiều hơn , thật sự không phải là “muộn” mà là “sớm”, không chỉ là “sớm” mà còn là “quá sớm”, cụ không ngờ rằng chính việc làm mà cụ “tự phê” là “muộn mằn” ấy , hơn 70 năm về sau, đã được nhiều người biểu dương như một tấm gương cho “văn hóa từ chức”! Cuối đời cụ vẫn trăn trở, sợ người đời còn chưa hiểu thấu tâm sự cụ, nên vẫn như còn muốn tiếp tục thanh minh ! Câu chuyện năm 1930 hình như vẫn là điều nhức nhối nhất của cụ ở những giây phút cuối đời. Qua những lời yếu ớt đứt đoạn, cụ không nói rõ là mình oan, nhưng cũng cố cho chúng tôi rõ thêm hoàn cảnh éo le đương thời, chính sách thâm hiểm của thực dân Pháp, nhưng thông điệp quan trọng nhất mà cụ muốn truyền lại là cụ đã không làm gì quá đáng, không mắc bẫy tụi thực dân, biết sớm từ chức “quan nhà” để tránh cái tội “trị dân nhà”. Có lúc, tôi đã phải ngắt lời cụ: “Xin Thầy đừng nói nữa mà mệt. Mọi người đã hiểu rồi, chúng con cũng hiểu rồi. Nếu không như vậy thì làm sao hồi đầu cách mạng Tòa án Nghệ An miễn nghị cho Thầy được”. Gần đây, đọc kĩ cuốn hồi kí mang tên Lạc Viên tiểu sử của Tôn Thất Đàn in trong Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 5 (103) - 2013 của Thừa Thiên Huế, tôi lại càng thấy những lời thổ lộ của cụ là hoàn toàn chính xác. Năm 1926, Tôn Thất Đàn đã dược cử làm Thượng thư Bộ Hình. Năm 1930, khi phong trào Xô  Viết Nghệ - Tĩnh nổi lên, Nam triều và chính phủ Bảo hộ Pháp giao cho ông và Bonhomme (Thanh tra Chính trị và Hành chánh sự vụ Trung Kỳ) nhiệm vụ ra ổn định tình hình tại Nghệ An và Hà Tĩnh. Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng ông đã phải nhận lời. Trong cuốn Hồi kí nói trên, ông đã kể lại hết sức tỉ mỉ những sự kiện lớn nhỏ liên quan đến phong trào Xô  Viết Nghệ - Tĩnh năm 1930, trong đó tuyệt không có việc nào dính líu đến thân phụ tôi. Ông có nhắc tới thân phụ tôi 2 lần nhưng chỉ liên quan đến những việc hoàn toàn khác.

Điều thứ hai làm cho tôi ngạc nhiên không kém là thái độ, cách hành xử của ông cán bộ công an Trần Minh. Tôi chưa hề quen ông bao giờ mặc dầu nhà ông chỉ cách nhà tôi vài trăm mét và cách nhà của thân sinh chị Chuyết chỉ vài chục mét!. Người ông cao và gầy, già trước tuổi, nét mặt đôn hậu nhưng có phần khắc khổ, được trang bị một khẩu súng trường không cắm lưỡi lê để làm nhiệm vụ áp giải. Vì chưa hề quen nhau và “thân phận” đang quá khác nhau, nên lúc đầu tôi hơi ngại giao tiếp. Tuy nhiên, qua quan sát, tôi phát hiện được một điều thú vị: thái độ của ông đối với chúng tôi và nhất là với thân phụ tôi, lúc trước mặt không có người nào khác lạ và khi ở chỗ đông người là không giống nhau. Ở chỗ đông người, tuy ông cố giữ vẻ lạnh lùng song cũng tuyệt không có một tí biểu hiện hách dịch, dữ tợn. Còn khi chỉ có chúng tôi, qua một số lần trao đổi ban đầu, ông dần thể hiện rõ  thiện cảm, thậm chí có lúc còn nhắc nhở chúng tôi phải chăm sóc cụ thật chu đáo. Có câu chuyện như thế này từng được lan truyền rộng rãi ở quê tôi: trong chuyến đi lên Trại Đưng năm ấy, có lần khi cả đoàn chúng tôi đang nghỉ tại một quán hàng vắng người, ông Minh đã rót nước rồi dùng cả hai bàn tay nâng chén lên mời thân phụ tôi uống! Nghe nói, cảnh “ngược đời”  và hành động “mất lập trường” ấy đã bất ngờ lọt vào mắt một thanh niên người Sơn Ninh vốn rất hâm mộ thân phụ tôi là Phan Khánh, sau này là cán bộ ngành Thủy lợi, hiện sống tại TP. Hồ Chí Minh. Ông Minh là một cán bộ công an, không có quan hệ họ hàng, ân nghĩa gì với gia đình tôi, nên tuyệt không thể xem đây là một việc làm mù quáng mà là một hành vi, một cách ứng xử khá dũng cảm, có cân nhắc chọn lọc trong một tình huống mang đầy ý nghĩa. Tôi thầm nghĩ: ở đây không chỉ có  thái độ trân trọng, tình thương người rất đáng khẳng định  mà điều quan trọng hơn, thái độ ấy, tình thương ấy còn phản ánh một cách gián tiếp sự đánh giá công minh của nhân dân quê tôi đối với cụ. Và thái độ đúng mực của ông đã khiến cho thân phụ tôi và cả bốn chị em tôi suốt dọc đường tuyệt không bị ai dè bỉu. Điều quan trọng hơn nữa là, khi đến xin nghỉ tạm tại nhà ông Gia, một nông dân ở ngay cạnh văn phòng trại giam, thân phụ  tôi và cả bốn chị em tôi đều được đối xử rất tử tế. Và mối quan hệ tình cảm mới nẩy sinh này đã đóng một vai trò quyết định cho thành công của hai chuyến lên Trại Đưng lần sau.

Trần Minh là một con người có thể làm nguyên mẫu cho một truyện ngắn cực hay. Nhà anh nghèo lắm nên phải xây dựng gia đình rất muộn. Suốt ngày dựa cột đan lát, nghe nói chiếc cột anh dựa lưng lõm vào một mảng lớn.Thế nhưng anh lại là một con người rất ham mê thơ ca truyền thống, những tác phẩm như Chinh phụ ngâm anh có thể đọc thuộc lòng.

Khi anh Nguyễn Khắc Viện được trao giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp, anh đã trích một số tiền để xây dựng trạm xá xã. Anh Học, Bí thư Đảng ủy xã bấy giờ (cùng với anh Hùng chủ tịch xã) ra gặp anh Viện để tiếp nhận số tiền đó chính là con trưởng của Trần Minh.

                                                          *

Đến mùa hè năm 1957, mẹ tôi và các em gái tôi đã sinh sống tại Vinh được hơn một năm, tình hình gia đình khá ổn định, cả gia đình đã được đăng kí hộ khẩu chính thức tại thành phố, mẹ tôi đã có quyết định thay đổi thành phần… Tạt qua Vinh thăm mẹ và các em, tôi về quê ngay để bàn với chị Chuyết việc lên Hương Khê cải cát cho thân phụ.  Chưa rõ tình hình ở khu Trại giam nay ra sao, để tránh bị động, hai chị em quyết định mua tiểu từ nhà mang đi. Bấy giờ chưa có phương tiện giao thông nào khác ngoài đi bộ. Chiếc tiểu nhẹ nhưng cũng chỉ có thể dùng phương thức “gánh”. Em cao chị thấp, nhìn hơi ngộ nghĩnh và đi đường lắm lúc cũng chao đảo. May đoạn từ Chu Lễ đến Lộc Yên, chị em tranh thủ đi được một quãng đường bằng “goòng”. Chỉ đi mấy cây số nữa là đến nhà ông Gia năm xưa. Ông ấy bấy giờ đã biết rõ thân phụ tôi là người như thế nào nên đón tiếp hai chị em tôi không chỉ nhiệt tình mà ít nhiều còn với thái độ kính nể. Không cần trình bày, nhìn thấy chiếc tiểu, ông cũng đã biết mục đích chuyến đi của hai chị em. Ông cất lời nói trước: “Đã có vài gia đình lên làm chuyện này. Công việc đều thuận lợi vì mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn. Chúng tôi rất kính trọng cụ Hoàng. Có gì cần, bà và cậu cứ bảo”. Công việc có thể được triển khai ngay nhưng theo tục lệ, chuyện này phải làm lúc sáng tinh mơ nên hai chị em phải nghỉ tối tại nhà ông. Mờ sáng hôm sau, tôi và chị Chuyết gánh tiểu, mang hương hoa, ông Gia mang các dụng cụ cần thiết ra nghĩa trang ở Bãi Bưởi Đào cách đấy không xa. Không được biết tình hình nghĩa trang năm xưa nên cũng khó so sánh, song trong lòng cũng thấy yên tâm vì ngoài vài nấm mộ đất còn mới do vừa cải cát, tất cả còn lại cỏ đều phủ xanh và quan trọng nhất, các mộ chí bằng gỗ lim còn nguyên vẹn, tên người đã khuất còn rõ ràng, nên chỉ trong vài phút đã có thể tìm ra mộ thân phụ tôi. Sau khi làm các thủ tục cần thiết, chúng tôi khẩn trương tiến hành công việc. Thú thực là tất cả đều nhờ ông Gia, chúng tôi chỉ thỉnh thoảng phụ trợ vài việc nhỏ. Rất mừng là di hài thân phụ vẫn còn gần như nguyên vẹn. Đúng lúc ông Gia vừa đặt nắp thiên lên và chuẩn bị gắn lại thì …không rõ do một lực lượng siêu nhiên nào ra lệnh hay xui khiến, hai chị em tôi bảo ông Gia dừng tay, làm chính ông Gia cũng vô cùng ngạc nhiên. Việc diễn ra trong khoảnh khắc đúng là như thế song cho đến bây giờ tôi vẫn chưa xác định được 2 điều: Một là ai bảo ông Gia “dừng tay” lại, chị Chuyết hay tôi, hay cả hai thốt ra một lần? Hai là vì sao lại bảo dừng tay, nghĩa là dừng cái việc “gắn nắp thiên” lại? Chỉ biết, sau vài tích tắc trao đổi, hai chị em đều có chung một ý kiến: Nhất định sẽ có ngày đưa di hài cụ về, song đó là lúc nào? Bây giờ mọi thứ ở đây đều rõ ràng, liệu về sau, có thể là rất lâu nữa, tình trạng có được như thế này nữa không?...Đã thống nhất ý kiến như thế thì biện pháp cũng dễ thống nhất đề xuất: Thay nắp thiên bằng sành sẵn có bằng một nắp thiên tự tạo bằng xi măng trộn sỏi cát trên đó đề tên thân phụ tôi cùng năm sinh năm mất. Rất vui sướng là đề xuất ấy cũng được ông Gia hoàn toàn tán thành và chính ông cũng là người đã giúp chị em tôi làm điều đó trong khoảng 2 tiếng đồng hồ. Tôi còn nhớ lúc đó phải nhờ người ở lại bảo vệ di hài đã xếp vào tiểu, còn chúng tôi đều kéo về nhà ông Gia làm nắp tiểu mới. Không phải nắp tiểu đúc xong là dùng ngay được mà còn phải chờ cho khô. Thế là chúng tôi lại phải nghỉ tối ở nhà ông Gia một lần nữa. Hôm sau, trước lúc ra về, tôi đã vẽ một bản đồ chi tiết về Nghĩa trang Bãi Bưởi Đào để sau này tiện tìm kiếm…

                                                          *

Sau khi về nước, anh Viện đã một vài lần đề xuất với tôi và Phê việc đưa di hài thân phụ tôi về, song qua nhiều năm, điều đó vẫn chưa thể làm được vì lệ thuộc vào nhiều điều kiện.

1976 là thời điểm thuận lợi và cũng là thời điểm không thể trì hoãn: đất nước đã thống nhất, hòa bình, đi lại thuận tiện; sau hơn 17 năm công tác tại Đại học Sư phạm Vinh, 1976 là năm nhà trường đã hứa dứt khoát cho tôi chuyển ra Hà Nội. (Việc đưa di hài ra, nhất định tôi phải tham gia và tôi còn ở Đại học Sư phạm Vinh thì việc làm đó sẽ thuận lợi hơn vì có vài sinh viên quê gần Trại Đưng và họ đã hứa sẽ giúp tôi trong việc này).

Thế là năm 1976, cũng vào một ngày hè, chúng tôi lại lên Trại Đưng. Kế hoạch cụ thể, tôi và anh Viện đã trao đổi từ trước. Xuất phát sáng sớm từ Hà Nội, chiều tối anh Viện tới Vinh và nghỉ tại Nhà khách của Tỉnh. Sáng hôm sau, anh qua Đại học Sư phạm Vinh đón tôi và Nguyên Thế Việt rồi đi ngay lên Hương Khê. Trưa, nghỉ và ăn cơm tại nhà Việt, vì nghĩ rằng với dụng cụ đã chuẩn bị (chú Vịnh chuẩn bị một số, gia đình Việt bổ sung thêm nên có thể nói là rất đầy đủ và đồng bộ), với 2 bản đồ trong tay (một bản tôi vẽ năm 1957 và một bản Phê vẽ năm 1963), với 2 người khỏe mạnh như chú Vịnh và Việt, thời gian cả một buổi chiều là chắc chắn sẽ làm xong.

Nào ngờ…Hai bản đồ rải ra trước mắt mà cả 4 người tìm mãi vẫn không thể tìm ra mộ của thân phụ tôi. Bản đồ của Phê thì mục đích chính là xác định cho thật rõ đường đi vào Trại Đưng nên phạm vi không gian bao quát quá rộng, không làm rõ được tương quan vị trí giữa mộ bố tôi và các ngôi mộ khác. Bản đồ do tôi vẽ thì chi tiết nhưng sau khi tôi lên cải cát, nhiều gia đình khác cũng lên làm và một số không đặt đúng lại vị trí cũ, nghe nói còn xuất hiện thêm không ít ngôi mộ khác nên rất khó xác định. Điều làm cho chúng tôi lo nhất là sau gần 20 năm, vật đổi sao dời, hầu hết mộ chí đã biến mất. Lần này là đưa di hài về nên lại càng phải rất thận trọng, đưa về nhầm thì mang tội đủ bề. Vì có phần chủ quan, vả lại tính anh Viện cũng không muốn làm phiền hà người khác nên khi chợt nghĩ tới ông Gia thì mặt trời đã sắp lặn. Tình huống buộc lại phải vào nhờ ông Gia, dù chưa biết tình hình ông bây giờ ra sao vì từ lần gặp trước đến nay đã ngót 19 năm; năm 1963 Phê có về đây và trong bản đồ có ghi vị trí nhà ông nhưng không biết Phê có gặp ông ấy không., . Đến nhà thì biết ông sang giúp người bà con ở xã bên làm nhà, có hôm về, có hôm không. Hơi buồn nhưng lại rất mừng vì biết thế là ông còn khỏe. Tôi gửi lại một bức thư nhờ gia đình chuyển, đại ý: Chúng tôi là con cụ Hoàng Niêm lên để xin đưa di hài cụ về nhưng cả buổi chiều không thể tìm ra được mộ cụ. Gần 20 năm trước, ông là người đã giúp gia đình cải cát cho cụ nên hẳn còn nhớ vị trí. Nếu tối nay ông về nhà thì rất mong ông tạm nghỉ việc làm nhà ngày mai để giúp chúng tôi việc lớn này. Gia đình chúng tôi sẽ rất vô cùng biết ơn… Rất may là đêm đó ông Gia có về…Tối hôm đó chúng tôi lại quay về nhà Việt với tâm trạng lo âu thấp thỏm, buồn vui lẫn lộn. Sáng hôm sau, vì sốt ruột chúng tôi khởi hành rất sớm, đến gần vùng Trại Đưng, nhìn từ xa, tôi đã nhìn thấy ông Gia, bấy giờ đáng phải gọi là cụ Gia, đang lúi húi tìm kiếm trên Bãi Bưởi Đào. Tóc đã điểm bạc nhưng nét mặt vẫn rắn rỏi, tay chân vẫn săn chắc. Chú Vịnh bấm một tiếng còi, ông vụt quay lại, tay gạt cỏ dại, vội chạy ra niềm nở đón chúng tôi. Cụ Gia tìm trên thực địa rồi lại giở 2 bản đồ đối chiếu, thế mà tìm mãi cho đến gần trưa cũng không được. Tự nhiên cụ đi nhanh sang một hướng khác, trầm tư một lúc rồi chỉ vào một ngôi mộ trước mặt và nói: “Tôi đoán là ngôi này, ta cứ thử đào, nếu không trúng thì đắp lại tử tế cho người ta”. Thế là mọi người lại bắt tay đào bới. Trong đời, quả thật chưa bao giờ tâm trạng tôi lại bồi hồi, thấp thỏm đến như thế. Cuối cùng, tên của bố tôi trên nắp ván thiên lộ dần. Đúng là “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân”. Chúng tôi chỉ là những đứa con có hiếu kiên trì việc thực hiện bổn phận. Cụ Gia mới là “hảo tâm nhân” đầu tiên đáng được Trời phù hộ. Chẳng biết đến bây giờ Cụ còn sống hay không. Nếu còn, cũng phải khoảng trên chín mươi rồi!

Về Vinh, anh Viện lại nghỉ ở nhà khách Tỉnh. Anh bảo tôi cùng đi với anh lên đó để bàn tiếp công việc. Lúc ở Hương Khê, chính anh là người giành lấy việc xếp đặt di hài vào một túi ni lông đẹp đã chuẩn bị sẵn. Đoạn anh lại cho túi ấy vào một cái túi du lịch mới. Anh mỉm cười nói với tôi: “Thầy đã 3 lần làm quan đầu tỉnh nên cũng đủ tiêu chuẩn nghỉ ở nhà khách của Tỉnh, Phi nhỉ!”. Nói xong anh trân trọng nâng lên và đặt cái túi du lịch vào ngăn trên cùng của chiếc tủ gương.

Có một chi tiết rất quan trọng cần phải nói thêm: không thể mang về trọn vẹn cái nắp thiên bê tông kì diệu, anh Viện chỉ chọn lấy cái góc còn hằn rõ chữ NIÊM. Mảnh bê tông này, anh đặt trên bàn thờ 8 Nguyễn Chế Nghĩa, mãi đến đầu năm 2013, tức 37 năm sau, khi chị Nhất sắp qua đời, tôi mới bàn với cháu Bình  đưa về nhà tôi.

Chỉ khoảng một tuần sau, tôi nhận được thư anh hẹn ra Hà Nội dự lễ hỏa thiêu di hài bố tôi. Anh đã nêu ý định này với tôi hôm ở nhà khách của Tỉnh nhưng không ngờ anh ấy làm thật và quyết định nhanh thế. Lúc ấy mẹ tôi còn sống. Chắc anh ấy có hỏi mẹ tôi (vì anh rất kính trọng mẹ tôi) và chắc mẹ tôi cũng đồng ý. (Vì mẹ tôi là một phụ nữ cấp tiến ngay từ khi là một phu nhân của quan nhất phẩm triều đình!). Nơi hỏa thiêu chính là căn phòng làm việc nhỏ bé của anh Viện ở số 8 đường Nguyễn Chế Nghĩa, nhiên liệu là xăng, người thực hiện không ai khác chính là con trai cả Nguyễn Khắc Viện! Anh còn chuẩn bị một hộp kim loại đẹp để đựng tro di hài, một hộp sơn mài để đựng hộp kim loại ấy, và trên nắp hộp sơn mài, anh đã tự viết mấy chữ chân phương rất đẹp màu vàng: “Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm. 1889 - 1954”.

Thế là sau lần lên Trại Đưng thứ ba, việc đưa di hài thân phụ tôi đã cơ bản hoàn thành. Nói là cơ bản vì hộp sơn mài đựng di hài thân phụ không thể đặt mãi trên bàn làm việc của người con cả. Có một con số thật đẹp và lí thú đến kì lạ: Nếu từ ngày tôi và chị Chuyết đi Hương Khê cải cát cho cụ đến khi tôi và anh Viện lên đưa di hài về Hà Nội là đúng 19 năm (1957 - 1976). thì từ ngày đưa di hài cụ về Hà Nội đến khi cả gia đình đưa di hài Cụ cùng di hài kế thất (tức thân mẫu của tôi) về quê cũng 19 năm! (1976 - 1995)!

Trong lễ đón di hài bố mẹ tôi tại nhà thờ Đại tôn họ Nguyễn Khắc tại Sơn Hòa,  tôi lại được anh chị em giao cho việc thảo lời điếu và đọc trước sự chứng kiến của lãnh đạo địa phương và tất cả bà con, họ hàng, làng xóm.

Lúc mai táng cụ ở Nghĩa trang Phúc De, chú Nguyễn Khắc Giang, tộc trưởng của họ Nguyễn Khắc tại Hà Nội bấy giờ, quyết định đặt vị trí cao hơn vị trí của chánh thất và kế thất cũng như vị trí của các cô chú cùng thế hệ. Có vài ý kiến đề nghị cân nhắc, nhưng Giang kiên quyết bảo lưu ý kiến của mình. Bây giờ nhìn lại, Giang quả là có viễn kiến. Trong lúc xây dựng hồ sơ để xét công nhận Nhà thờ Đại tôn họ Nguyễn Khắc chi phái Hương An là Di tích Lịch sử - Văn hóa, ngoài cơ sở, công trình chủ yếu là Nhà thờ Đại tôn, còn có 8 cơ sở, công trình phụ trợ, trong đó, phần mộ của Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm là công trình số 7 và Nhà Tưởng niệm Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm là công trình số 8!

                                                          *

Trước khi tường thuật chuyện Ba lần lên Trại Đưng, tôi có kể về chuyệnba lần mất cơ hội của bản thân. Thật ra, những cái gọi là cơ hội đối với tôi hoàn toàn không có nghĩa lí gì so với hai cơ hội ngàn vàng mà vì nhiều lí do Thầy đã khước từ.

Thầy đã làm những gì, không làm những gì, cư xử với họ hàng làng xóm ra sao, trước sau mọi người đều biết, đều hiểu, đều thông cảm. Lịch sử cuối cùng bao giờ cũng công minh. Nhân dân, nhà nước, họ hàng làng xã, các thế hệ mai sau đã và sẽ đánh giá Thầy một cách khách quan và đặt vị trí của Thầy đúng chỗ.

Còn những chuyến đi lên Trại Đưng của Con là cơ hội cho Con thực hiện việc hiếu một cách trọn vẹn, đồng thời góp phần rất nhỏ vào việc lưu giữ di sản quý báu mà Thầy đã để lại mà thôi..

              Hà Nội, ngày Rằm Tháng 7 Giáp Ngọ (10/8/2014)

_____                                       N.K.P

Chú thích

    (1) Trại Đưng: thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, là tên nhân dân địa phương dùng để gọi một trại giam sử dụng một phần diện tích của đồn điền do ông Hoàng Bích, một địa chủ yêu nước hiến cho Nhà nước ngay những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám, vì vậy cũng còn được gọi là Trại Hoàng Bích. Trại Đưng có một tên gọi khác nữa là Trại Xuân Lũng. Riêng với tôi, Hoàng Bích là một người quen thuộc nếu không muốn nói là thân thiết. Cụ xuất thân trong một gia đình có nhiều người nổi tiếng ở làng Đông Thái, huyện Đức Thọ. Ông anh cả của cụ là thân sinh của nhà lí luận mĩ học Hoàng Thiệu Khang, bạn của tôi lúc học Đại học và là thầy dạy của em gái tôi ở cấp III Huỳnh Thúc Kháng - Nghệ An, là con rể của ông Hoàng Văn Diệm, một “cứu tinh” của gia đình tôi. Cụ Bích là con thứ ba. Người con thứ tư là thân sinh của nhà giáo - nhà báo lão thành Hoàng Nguyên Cát, thầy dạy của tôi ở Trường Tiểu học Thịnh Xá, người đầu tiên đã truyền cho tôi niềm say mê ca hát từ thuở ấu thơ. Người con thứ năm là nhà văn Hoàng Ngọc Phách, tác giả cuốn Tố Tâm nổi tiếng. Người con thứ sáu là thân sinh của bà Hoàng Thị Tú, vợ của nhà giáo - nhà từ điển học nổi tiếng Bùi Ý. Người con thứ tám là bố của 2 em Khanh và Mai, ở số nhà 15 phố Hàng Bè, nơi mà 59 năm về trước, tôi đã đến kèm 2 em môn Toán. Sau khi tốt nghiệp Đại học, em Mai vào công tác tại Trường Trung cấp nông lâm Nghệ An, trên đường đi công tác, em đã bị bom nổ chậm của Mĩ sát hại. Sau cách mạng, cụ Hoàng Bích được cử làm chủ tịch Mặt trận Liên Việt xã, bồi thẩm tòa án huyện. Anh Hoàng Dung, con trai cả của cụ, đậu tú tài bán phần, được cử làm huyện đội trưởng,  con thứ là Hoàng Lân, học cùng lớp với tôi ở Trường cấp III Phan Đình Phùng đóng ngay trên quê cụ. Tôi và Lân đều tham gia Ban chấp hành Hiệu đoàn nên tôi có dịp đến nhà cụ luôn. Cụ Bích đứng ra tổ chức một lớp nhạc, mời nhạc sư Nguyễn Đình Chiếu ở Hội Nhạc sĩ Liên khu IV dạy, thu học phí mỗi tháng 2-3 kg gạo. Tôi, anh Phan Trần Bảng, anh Phạm Hoàng Gia…đều theo học lớp nhạc này. Sau 1954, tôi và anh Hoàng Lân lại cùng học một lớp ở ĐHSP Hà Nội, Anh Hoàng Dung là cán bộ về học ĐHSP Hà Nội sau, nhưng cũng được giữ lại làm cán bộ giảng dạy đại học như tôi sau khi tốt nghiệp. Anh Dung đã từng được cử làm Bí thư Liên chi ủy Khoa Văn, cụ Bích ra Hà Nội ở với anh Dung nên tôi lại thường được gặp. Lúc học đại học, chính anh Lân là người đã giới thiệu tôi đến dạy thêm cho 2 chị em Khanh - Mai. Lúc hiến điền, hẳn cụ Bích cũng không ngờ một phần miếng đất ấy đã trở thành nơi yên nghỉ tạm thời hoăc vĩnh viễn của những thân sĩ nổi tiếng của quê nhà như thân phụ tôi, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đản, cậu ruột của anh Nguyễn Khắc Viện, Tiến sĩ Nguyễn Mai, hậu duệ của thi hào Nguyễn Du…!

(2) Ấn tượng đầy tính chất cảm tính đó càng về sau càng được thực tế xác nhận. Ngay sau CCRĐ,  anh Nguyễn Ngọc Cẩn, người con rể tuyệt vời nhất của gia đình tôi, bấy giờ đang công tác ở Sở Giao thông Khu IV, đã gửi đơn lên UBHC Liên khu xin phép cho đưa mẹ và 2 em gái tôi xuống Vinh ở với gia đình anh, ông Hoàng Văn Diệm đã lập tức phê duyệt. Đặt trong bối cảnh đương thời, đó là một hành động nhanh nhạy, sáng suốt và dũng cảm. Vì đây là văn bản có ý nghĩa lịch sử đối với gia đình nên đến nay tôi vẫn còn nhớ thuộc lòng tờ công văn có giá trị ngàn vàng ấy:

                                        Kính gửi: Ủy ban Hành chính huyện Hương Sơn

                                       Đồng kính gửi: Ủy ban Hành chính xã Sơn Hòa

Ông Nguyễn Khắc Niêm là quan lại cũ đã bị kết án và đã chết trong trại giam nhưng có nhiều con và rể là cán bộ của Đảng và chính phủ. Nay, theo đề nghị của con rể là Nguyển Ngọc Cẩn, cán bộ Sở Giao thông Liên khu IV, Ủy ban Hành chính Liên khu IV, sau khi đã trao đổi và thống nhất ý kiến với Ủy ban Hành chính Tỉnh Hà Tĩnh, quyết định cho ông Cẩn về đưa bà Đoàn Thị Viên là mẹ vợ cùng các con của bà xuống Vinh làm ăn sinh sống. Đây là chính sách của Đảng và Chính phủ, nếu có thắc mắc, ủy ban các cấp có nhiêm vụ giải thích cho nhân dân rõ.

                                                             Chủ tịch Ủy ban Hành chính Liên khu IV

                                                                        Hoàng Văn Diệm

Sau khi cấp Liên khu giải thể, ông Diệm chuyển về làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Tỉnh Nghệ An, gần như cùng lúc tôi được cử về công tác tại Đại học Sư phạm Vinh. Một hôm, tôi được triệu tập lên ủy ban tỉnh giữa sự ngạc nhiên của mọi người. Chính tôi cũng ngạc nhiên không kém. Tôi vừa bước vào phòng thì ông đã tươi cười đứng dậy ra bắt tay niềm nở và nói ngay: “Bây giờ lại nhờ nhà văn một việc hệ trọng đây!”. Tôi rất chú ý đến chữ “lại”. Phải chăng ông còn nhớ chuyện giao nhiệm vụ “phát biểu ý kiến” năm nào? Trước đã lạ, bây giờ lại lạ hơn. Không để tôi chờ đợi lâu, ông đi ngay vào vấn đề: “Tỉnh ta sắp làm lễ kết nghĩa với tỉnh Quảng Ngãi. Nhờ nhà văn nhân danh Đảng bộ và nhân dân Nghệ An viết một bức thư gửi tới Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi”

Được tín nhiệm như vậy, dĩ nhiên là tôi vui vẻ nhận lời nhưng đồng thời cũng thanh minh ngay mình không phải là nhà văn. Tôi đã bỏ ra hơn 10 ngày để tìm hiểu lịch sử về mọi mặt của 2 tỉnh. Tôi đã phát hiện ra giữa 2 tỉnh có nhiều điểm giống nhau kì lạ, nhờ đó đã tạo được tứ chủ đạo cho bức thư và đã hoàn thành nhiệm vụ được giao trước thời hạn. Trong cuộc kháng chiến Chống Mỹ cứu nước, bức thư do tôi chấp bút đã được ngành giáo dục Nghệ An đưa vào giảng dạy trong nhà trường.

 

 

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512921

Hôm nay

222

Hôm qua

2436

Tuần này

2858

Tháng này

219794

Tháng qua

121356

Tất cả

114512921