Cuộc sống quanh ta

Thiên tài, năng khiếu và khả năng sáng tạo?

 Khả năng sáng tạo là một nhóm chữ quan trọng.

Quan trọng vì khả năng này lúc nào cũng cần thiết.

1. Khó có hai anh chị em hoàn toàn giống nhau, kể cả những anh chị em sinh đôi thật. Khó có hai hoàn cảnh xã hội y như nhau để có thể áp dụng những khuôn mẫu sinh hoạt. Ta vẫn nói «lịch sử không tái diễn hệt như lần trước» cũng như «nước không bao giờ chảy lại trên một dòng sông». Thế có nghĩa là lúc nào ta cũng phải thích ứng, phải sáng tạo.

2. Thông minh cũng có khi được định nghĩa như khả năng tìm ra và áp dụng, tức là sáng tạo, tìm ra được lời đáp thích ứng nhất cho một vấn đề nào đó.

3. Cha mẹ dạy con giúp trang bị cho chúng khả năng và «bản lĩnh». Bản lĩnh gồm các cấu thành như tự tin, tự trọng mà biết kính trọng người đối diện. Tức là vừa có những kiến thức thực tế vừa giàu vốn liếng tâm lý và triết học, để trẻ có thể sống tốt sau này. Cho chúng nhiều vốn  để chúng có thể sáng tạo.

4. Thầy dạy trò cũng như thế. Thầy giúp trò phát triển để thích ứng với hoàn cảnh – có vốn tri thức thật đó, nhưng mỗi một trong chúng ta thừa biết, tri thức thời nay rất mau lỗi thời nếu ta không tiếp tục cập nhật. Khả năng sáng tạo, một lần nữa, rất cần để nối kết các mãnh ghép của tri thức.

Muôn lời như một, khả năng sáng tạo rất cần để sống.

Năng khiếu, ít nhất là trong nghĩa hẹp, nhấn mạnh trên một tài đặc biệt có sẵn nơi một ai đó, như năng khiếu về âm nhạc, năng khiếu về văn chương.

Còn thiên tài, tiếng Pháp là génie, là một cái gì có vẻ như bẫm sinh. Ta sẽ bàn đến sau.

Từ sáng tạo đến một tác giả: Pierre-Michel Menger

Từ lâu nhiều người  đã cố ý tìm xem ai  sẽ nối nghiệp  Pierre Bourdieu ở Collège de France. Boudieu mất đã hơn mười năm, và ghế Xã hội học của  Học viện này vẫn trống.

Gần đây, Pierre-Michel Menger, một nhà nghiên cứu ở Trung tâm quốc gia khảo cứu khoa học Pháp (CNRS). Ông cũng là giám đốc nghiên cứu ở Trường Cao đẳng Khoa học Xã hội (EHESS) Paris.

tức là ở hai chức vị của Pierre Bourdieu ngày trước – Pierre- Michel Menger vừa được bầu vào «ghế» Xã hội học về công việc sáng tạo ở Collège de France (chaire de « Sociologie du travail créateur »),

Collège de France là Viện Khoa học đặc biệt của Pháp. Đặc biệt vì không phải là Đại học cũng không phải là Trường lớn. Collège de France được xem là Đại học của Đại học, vì là cơ sở uy tín nhất của khoa học. Được bầu làm giáo sư ở Collège de France là vinh danh lớn cho một khoa học gia ở Pháp.

Những nghiên cứu của ông Menger đặt trọng tâm trên việc sáng tạo – khởi thủy là luận án Tiến sĩ của ông trong đó ông đi sâu vào sự sáng tạo trong âm nhạc- . Ông cô đọng những khác biệt giữa các khái niệm thiên tài, năng khiếu và khả năng sáng tạo.

Từ luận án, ông đã quyết định đi “khai quang” vùng đất còn ít được biết và ít nghiên cứu của công việc sáng tạo.

Ngay tới Beethoven, theo ông Menger, cũng không hẳn là một thiên tài. Beethoven có trở thành Beethoven là nhờ sự ủng hộ tiếp sức của những mạnh thường quân thời ấy – để ông có thể tự do tiếp tục viết nhạc và thả mình theo khả năng sáng tạo.

Thiên tài là gì theo Pierre-Michel Menger?

Thiên tài dưới mắt của nhiều người là một khả năng bẫm sinh – từ trên trời rơi xuống – đúng như chữ «thiên» trong thiên tài. Thế nhưng nếu không miệt mài cật lực làm việc thì có lắm thiên tài đi nữa cũng sẽ bị chôn vùi trong tro vụn.

Tại sao có người miệt mài cật lực làm việc ? Làm sao giải nghĩa những động lực giúp ta cố gắng ? Ông Menger nói đến động cơ và đền bù.

Động cơ là lực đẩy ta tiến tới hay tiếp tục làm một việc nào đó. Lòng mẹ thương con là động cơ khiến người phụ nữ sẳn sàng hi sinh cả thân mình để mưu cầu sự sống hay hạnh phúc cho con.

Mengler phân biệt động cơ nội tại và động cơ bên ngoài.

Tôi làm việc vì như thế thỏa mãn được những giằng co bên trong nội tâm, được thỏa mãn, vui với  thành quả thu thập được (động cơ nội tại)

Hay được ngẩng mặt với đời vì kỳ côngcủa mình,  vì đã vượt qua thử thách dưới thanh thiên bạch nhật, vì đã mang về một kết quả mà chỉ riêng cá nhân tôi đã  thực  hiện được  (động cơ bên ngoài – sự hảnh diện- ).

Đó là nói về động cơ.

Cái gì phân biệt động cơ và đền bù?

Đền bù là những gì ta nhận được từ tha nhân. Bổng lộc và chức tước. Nhiều người làm việc chỉ vì cái lợi tức thì. Đền bù – cái kiểu học ngành này thì ra trường được lương cao, lợi tức nhiều hơn hay được bia đá ghi danh. Trong đền bù có sự trao đổi, tính toán và minh bạch. Cũng có có cái thực dụng nữa. Dĩ nhiên cũng có những đền bù ròng tinh thần, như việc được tuyên dương.

Nhưng ranh giới giữa động cơ và đền bù mong manh.

Có những đền bù – nhất là những đền bù tinh thần hay đền bù xã hội – rất gần với động cơ. Người phụ nữ ngày xưa thủ tiết thờ chồng để được đời cho bốn tiếng «tiết hạnh khả phong» là người phụ nữ đi theo động cơ nội tại hay vì mong muốn đạt được cái đền bù của xã hội?

Trong công việc sáng tạo,  ta thường gặp động cơ hơn đền bù. Van Gogh, Mozart, … đến cuối đời chết trong nghèo khổ nhưng đã sáng tạo đến cùng. Tương tự, giải Nobel là một đền bù lớn nhất mà một nhà khoa học có thể mong đợi nhưng khi nghiên cứu tiểu sử của các nhà khoa học, ta chưa thấy ai làm khoa học vì nhắm cái giải Nobel!

Menger định nghĩa năng khiếu là khả năng cho một việc gì – một khả năng vừa thuộc nội tại của cá nhân vừa tùy thuộc xã hội.

Mozart được sủng ái ở châu Âu vào thời của ông. Ông có … năng khiếu về âm nhạc. Nhưng năng khiếu của ông một phần đã được phát triển và vun trồng bởi hoàn cảnh gia đình – cha ông là maître de chapelle,  nhạc sĩ của vua – và những sáng tác thanh nhạc của ông lúc đó là hợp thời. Một cách thái quá, ví dụ như ông sinh ra ở Bali chẳng hạn  thì không hẳn Mozart đã được biết tới.

Trong dấu ngoặc, trường học có bổn phận phải phát triển khả năng trẻ là như thế.

Để «thiên tài» và «năng khiếu» không bị mai một.

Chữ thiên tài được để trong dấu ngoặc vì riêng người viết bài này, tất cả chúng ta đều có những thiên tài tiềm ẩn. Được phát hiện hay không là tùy thuộc phần lớn vào hoàn cảnh gia đình xã hội.

Ta vẫn nói thời thế tạo anh hùng.

Pierre-Michel Menger nghiên cứu và viết nhiều về vấn đề này.

Trong «Chân dung của nghệ sĩ», ông phá vở khái niệm của phàm phu tục tử về thiên tài sáng tạo hay năng khiếu bẩm sinh.

Đối với Menger, sáng tạo nghệ thuật cũng là một công việc như bất cứ công việc nào. Ta có thể nghiên cứu sự sáng tạo dưới khía cạnh xã hội học hay kinh tế học – dù rằng nghệ sĩ thuộc một thế giới mà nhiều người trong chúng ta chưa hay không hiểu được.

Trở về trường hợp của Beethoven, Menger đã  tránh được hai vết xe đổ. Vết thứ nhất là xem thiên tài như một giải thích cần và đủ cho hiện tượng Beethoven. Vết xe đổ thứ nhì là xem Beethoven như một sản phẩm của thời thế.

Thật sự hiện tượng Beethoven cũng như bất cứ hiện tượng nào, phức tạp hơn nhiều.

Có thể lúc khởi thủy, Beethoven không có tài gì nổi bật hơn các nhạc sĩ đương thời của ông nhưng một số mạnh thường quân ở thành phố Vienna lúc đó đã nâng đở ông, xem ông như một đầu tư đáng giá. Đúng vậy, một mạng xã hội rất cần cho một nhạc sĩ. Sáng tác sẽ không có giá trị nếu không có người nghe. Nhạc sĩ sẽ cạn ngưồn sáng tạo nếu không được hoan nghênh.

Thế nhưng sự ủng hộ của môi trường thôi không đủ.

Những người nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc hàn lâm là những trường hợp hiếm, ít người sánh ngang tầm, họ có thể làm ta ngợp và thán phục. Nhưng khi đi vào chi tiết, dùng những dụng cụ phân tích thông thường thì ta thấy gì ?

Họ tự lập tự chủ. Không tùy thuộc đền bù xã hội, không sáng tác theo thời. Beethoven như thế ấy. Beethoven sống với nhạc trong đầu và ông sống để sáng tác. Chuyện ủng hộ của mạnh thường quân, với ông,  là chuyện nhỏ.  Cần nhưng không đủ.

Rời trường hợp của Beethoven, Menger đã khảo sát nghiên cứu thế giới của nghệ sĩ và người sáng tác:  từ nguồn gốc xã hội của họ, quá trình họ được đào tạo, những sinh hoạt của họ sau đó, những hành động trước công chúng, … Đồng thời Menger khảo cứu thế giới xung quanh họ : nhà phát hành, giới phê bình, chính sách công, …để có thể phân tích những ảng hưởng hổ tương và đưa ra một lý thuyết về sự sáng tạo dước góc nhìn tổng thể.

Bàn về công việc mình làm, ông Menger thừa nhận rằng ông không tính toán mà chỉ đi theo sở thích và đam mê muốn giải mã một lĩnh vực chưa có nhiều khai phá.

Có thể vì đó, ông đã so sánh nghệ sĩ và nhà khoa học – khoa học là một việc làm cho thỏa mản cao, một việc làm độc lập, … tương lai của nhà khoa học cũng không ổn định, không phải kiểu sáng cấp ô đi tối cấp ô về, hoàn toàn không như những dòng kẻ sọc của một bản đàn, bất di bất dịch.

Thế giới của khoa học gia  giống với thế giới của nghệ sĩ?

Làm khoa học, ở nghĩa rộng, là công việc những người bán phần mềm tin học, những nhà cố vấn, người bán lời khuyên tức là phần tri thức, thế giới của các kiến trúc sư, của các nhà báo, những người làm nghề độc lập, bán dự án, …

Họ cũng sáng tạo như nghệ sĩ. Việc làm của họ cũng bất định như nghề của nghệ sĩ và lương bổng cũng không cố định ba cọc ba đồng mỗi tháng. Tương lai cũng khó dự trù trước. Có những văn phòng tư vấn gặp thời, nổi danh và làm giàu trong khi những văn phòng khác thì dù trình độ sáng tạo không kém, lại khiêm tốn hơn.

Sự bất định này ông bàn đến trong nghiên cứu «Công việc sáng tạo. Tự tiến thân trong bất định» Le Travail créateur. S’accomplir dans l’incertain (Gallimard/Seuil, 2009).

Những người không có lương. Họ nhận thù lao nhưng thù lao, nói cho cùng cũng chỉ là một cách tính ước lệ giá trị của công việc họ làm.

Công việc sáng tạo khác không việc thường ở chỗ nào ?

Công việc thường nhật là những công việc đã vào lề, đã được qui hoạch có qui trình. Người làm các công việc này chỉ làm một cách máy móc không cần thêm …gia vị hay sáng tạo cá nhân. Sản phẫm của công việc thường là những sản phẫm đã được vào khuôn mẫu rập nhau. Nhưng công việc có thể thành nhàm chán và người làm việc thành người lệ thuộc.

Trong khi công việc sáng tạo thì thử nghiệm, thành công thất bại tiến triển đều là những kết quả bất ngờ.

Người sáng tạo sống với công việc mình. Đi từ trạng thái thai nghén, ấp ủ, thực hiện, giới thiệu, hoàn chỉnh, thất bại, thành công … Thật sự đó là những công đoạn sôi nổi nhưng cũng rất căng thẳng.

Thành phẫm ra đặc biệt có một không hai. Lợi tức của người sáng tạo cũng bất định.

Nhưng thế giới kinh tế  càng ngày càng đòi hỏi nhiều sáng tạo, đổi mới vì hầu như tất cả những công việc thường đều được cơ khí hóa,  không cần can thiệp của người..

Đó là kết luận của Pierre-Michel Menger.

Vài tài liệu của Pierre-Michel Menger về vấn đề này:

Portrait de l’artiste en travailleur. NXB Seuil, 2003.

Le Travail créateur. S’accomplir dans l’incertain. NXB Gallimard/Seuil, 2009.

Portrait de l’artiste en travailleur. Métamorphoses du capitalisme. NXB Seuil, 2003.

Profession artiste. Extension du domaine de la création. NXB Seuil/Textuel, 2005.

Le Travail créateur. S’accomplir dans l’incertain. NXB Gallimard/Seuil, 2009.

Les intermittents du spectacle. Sociologie d’une exception. NXB EHESS, 2011.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441519

Hôm nay

2236

Hôm qua

2283

Tuần này

21423

Tháng này

216693

Tháng qua

112676

Tất cả

114441519