Cuộc sống quanh ta

Phiếm luận về soạn sách giáo khoa

Mấy hôm nay thấy cộng đồng bàn về việc có băm tư nghìn tỷ hay trăm tỷ làm sách giáo khoa. Rồi lại bài về việc mời Ngô Bảo Châu hay anh A, anh B nào đó soạn sách giáo khoa. Tất nhiên, các loại ý kiến đều hay và nên nghe, chủ yếu là để biết người dân thường nghĩ gì về đại sự này của đất nước. Có điều, thấy nhiều người cũng có thể được gọi là có ăn học, cũng có những suy nghĩ rất bầy đàn, không dựa theo bất cứ hệ thống nào, lại suy nghĩ dựa dẫm vào truyền thông và giới quản lý. Vì thế có lẽ cũng nên Phiếm luận về đề tài này một chút.

Thứ nhất, việc giao cho một nhà khoa học rất giỏi làm SGK, cũng ngang như giao cho làm số định danh, thiết kế database, quản lý nhân sự cho VINASHIN, làm chủ tịch liên đoàn bóng đá Việt Nam đều có xác suất thành công xấp xỉ như nhau. Giả thiết xác suất đó đủ lớn. Nhưng tiếc thay, cũng theo như báo chí chúng ta chỉ có một hai người làm được việc đó, mà thời gian rất có hạn, cần phân phối cho chuyên môn, yêu đương, triết học và giải trí phần còn lại mới có thể cho các thứ khác. Có lẽ cần lập một bản danh sách các công việc theo thứ tự quan trọng để các siêu nhân bố trí thời gian tối ưu. Bên cạnh đó, có lẽ phải lập một bộ máy để thực thi và một bộ máy để PR cho được sự đồng thuận của xã hội. Nếu tính cả xác suất có điều kiện thành công của các bộ máy này, chưa có gì đảm bảo thành công hơn các phương án khác. Có lẽ chính vì thế, nước Pháp, nước Mỹ thiếu gì các siêu nhân mà không phải tất cả đều đi soạn sách giáo khoa.

Chúng ta là những người đọc sách đều biết rằng đa số các nhà khoa học giỏi (không phải là tất cả) đều có thể viết sách chuyên khảo, bài review hay, nhưng viết sách giáo khoa (ngay cả cho sinh viên đại học và cao học) cho hay, nhiều khi lại là những cái tên hoàn toàn khác. Tôi biết rất nhiều đại ca, chuyên môn cũng không đến nỗi tồi, đã lăn lộn rất nhiều năm, quen cũng không thiếu ông to, rất mong được lĩnh xướng trong vấn đề sách. Họ cũng rủ tôi tham gia vào việc này với những lý luận "vì dân vì nước" rất hấp dẫn và khó từ chối. Họ đã hình thành những nhóm khác nhau, cạnh tranh với nhau để giành việc này. Ai cũng có rất nhiều quan điểm hay, nhiều khi cũng chẳng khác nhau bao nhiêu, và có thể nói rất nhiều về nhược điểm của đối thủ.  Có điều, cho dù là ai làm, có khác nhau thế nào thì cũng giống nhau là cách làm cũ, không thoát được những hạn chế tầm nhìn cá nhân.
Trong khoa học, có nhiều trường phái, quan điểm có lẽ  cũng là một điều đáng mừng. Tôi tin rằng các "cây đa cây đề" này đều là những người giỏi, có thừa nhiệt tình và thực tế mọi việc chuyên môn cho đến công luận cũng đều trong tay họ. Nếu giao cho những siêu nhân ít thời gian chủ trì, rồi công việc cũng lại do những "cây đa cây đề" này làm hết mà thôi. Như thế còn tệ hơn vì chẳng có ai chịu trách nhiệm trực tiếp. Kiểu làm như thế thì rồi cũng lại có kết quả như từ trước đến nay, không có vấn đề này cũng có vấn đề khác. Cách làm mới là vấn đề, chứ không phải ở chỗ ai làm tốt hơn ai.

Chúng ta không thể thử nghiệm nhiều lần với những cá nhân khác nhau để hết thế hệ này sang thế hệ khác phải chịu đựng. Mỗi lần thử nghiệm là một thế hệ sẽ qua đi. Cho dù là ai làm đi nữa, trước hết chúng ta vẫn cần có một thiết kế tổng thể theo một số tiêu chí nào đó có thể dễ dàng thống nhất với nhau. Có thể nêu ra vài ví dụ về những tiêu chí như thế, không phải khẳng định áp đặt, mà chỉ để minh họa về việc trước hết phải có vài nguyên tắc chung.

Thứ nhất, chúng ta đang sống trong một thế giới đang ngày càng xích lại gần nhau. Không có lý nào chương trình giáo dục Việt Nam lại là một ốc đảo. Có những nguyên tắc, nhân loại đã trăn trở, trả giá bằng nhiều thế hệ. Dẫu rằng chúng ta chưa có nhiều thời gian để hiểu thật sâu sắc. Nhưng có thể tiết kiệm được hàng chục hàng trăm năm nghiên cứu, tại sao không thừa hưởng ngay điều đó. Tại sao cứ phải tìm cách phát hiện lại cái bánh xe, để rồi sau bao nhiêu vật vã mới hiểu ra cái điều ai cũng biết. Chỉ riêng nhận thức được như vậy, đã tiết kiệm được bao nhiêu thời gian và công sức.

Thứ hai, một hệ thống sách giáo khoa bao giờ cũng hướng tới một hệ thống giá trị nào đó. Nếu nhìn thấy được điều đó sau khi tham chiếu một số hệ thống tiêu biểu, chúng ta sẽ dễ dàng thêm được các giá trị mà chúng ta còn thiếu, cần bổ sung để có một khung yêu cầu hoàn chỉnh cho chương trình, làm chuẩn cho các nội dung cụ thể. Nếu chúng ta có những người có thể làm được điều đó, có nghĩa là chúng ta có thể sửa đổi một số chỗ sao cho chương trình của chúng ta hợp lý hơn, tạo được sự đồng bộ giữa các môn học. Chẳng hạn, sao cho đừng biến các môn học vật lý, hóa học và sinh vật thành các bộ môn toán học ngây ngô như hiện nay hay đừng làm các môn xã hội xa rời lẫn nhau và xa rời khoa học tự nhiên, khoa học tự nhiên xa rời thực tế và công nghệ. Nếu chúng ta chưa có những người như vậy, có lẽ nên thuê các chuyên gia nước ngoài, trong nửa năm sẽ có được một cái khung tốt và đào tạo được những người nắm được phương pháp và tinh thần của cái khung đó. Cách đó rẻ hơn nhiều so với việc lập các hội đồng nghiệm thu các đề tài cấp nọ cấp kia mà thực tế chỉ là công nghiệp sản xuất 

Thứ ba, có lẽ là vấn đề cần đột phá nhất, là tạo ra một cơ chế cạnh tranh trong việc viết sách giáo khoa. Ai cũng có thể viết sách giáo khoa, sách giáo khoa của ai cũng có thể được sử dụng, miễn là tuân thủ chuẩn do nhà nước ban hành, thực hiện các nội dung của khung giáo dục. Muốn như vậy cần có hai điều kiện. Thứ nhất, khung phải được công bố công khai, phổ biến rộng rãi. Thứ hai, phải xóa bỏ ngay việc độc quyền về sách giáo khoa. Các sách giáo khoa do các nhà giáo, nhà khoa học hoặc bất cứ một ai khác viết ra đều có thể được công nhận hợp chuẩn, trong một quá trình đơn giản, dễ dàng, minh bạch và công khai. Các thầy đều có thể chọn các sách nào thấy phù hợp nhất trong danh sách các sách đã được công nhận hợp chuẩn. Như thế, bao giờ cũng có sách tốt nhất sẽ được lựa chọn trên cơ sở thực tiễn, không phải là ý chí của riêng ai. Vả lại, có thể huy động mọi trí tuệ tốt nhất vào công việc này. Các sách khác sẽ là tham khảo và trong tương lai có thể sẽ là lựa chọn tốt hơn. Nhà nước chỉ đầu tư là những bộ sách ít người muốn làm. Những bộ sách do nhà nước dùng thuế của dân để làm sẽ phải là tài sản chung của xã hội, và như thế phải có bản quyền mở (Common Creative). Điều đó có nghĩa bất cứ ai cũng có thể sử dụng, thêm bớt để soạn sách khác, với yêu cầu duy nhất là phải trích dẫn nguồn.
Thứ tư, có thể khuyến khích ứng dụng CNTT làm sách giáo khoa điện tử. Như vậy học sinh sẽ không phải gù lưng, vẹo xương sống thồ sách đến trường. Một tablet PC nhỏ có thể chứa hàng nghìn cuốn sách, nếu cần có thể in những trang cần thiết. Đây thực sự sẽ là một cuộc cách mạng cho công nghiệp, CNTT và giáo dục nước nhà. Với một thị trường như thế các tablet PC này sẽ chỉ có giá $30-50.

Có lẽ chỉ cần bỏ một ít thời gian sẽ nghĩ ra nhiều thứ rất hay. Câu hỏi cuối cùng có lẽ sẽ trở về xuất phát điểm: Nếu dễ như vậy tại sao lại đến phần mình phải nghĩ. Có lẽ câu trả lời thế này: đó là chỗ đứng, người mắt tinh đến mấy cũng không thể tự nhìn gáy của mình. Một số người đã chọn chỗ đứng bị che lấp bởi quyền lợi, một số người khác thì chọn suy nghĩ theo lối mòn của đám đông và một số người khác nữa thì chọn cách ... không suy nghĩ. Đó mới là cái nguy nhất. Nếu chúng ta cùng suy nghĩ, đừng lẫn lộn vấn đề này với vấn đề khác như lợi ích, quyền lực,... lo gì không cùng tiến lên. Và nói cho cùng mọi người cùng sẽ thấy quyền lợi lâu dài ở đó. Mà chẳng phải băn khoăn vấn đề anh làm hay tôi làm, ai giỏi ai dốt hơn ai hay nghe theo ai bây giờ./.

Nguồn;nguyenaiviet.blogspot.com

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434832

Hôm nay

2103

Hôm qua

2349

Tuần này

21482

Tháng này

211880

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434832