Từ tháng 11-1959, Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân cả nước tổ chức một ngày “Tết trồng cây”: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích nhiều”, mang lại nhiều nguồn lợi kinh tế to lớn, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân ta. Người khẳng định nếu 11 triệu người từ 8 tuổi trở lên ở miền Bắc đều có thể phụ trách trồng một hoặc vài ba cây trong năm năm từ 1960 đến 1965 thì “chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà”. Sau hơn 50 năm kể từ ngày phát động phong trào Tết trồng cây, đất nước ta đã có thêm hàng nghìn triệu cây xanh tỏa bóng, hàng vạn hécta rừng phủ kín đồi hoang.
Trong khi đó, mãi đến thập kỷ 70, một nhà kinh tế học người Anh là E.F. Shumacher mới có ý tưởng tương tự khi tóm tắt thông điệp của mình về trách nhiệm chăm sóc, giữ gìn sức khoẻ của đất đai và môi trường sống trong một khẩu hiệu giản dị: “Hãy trồng một cây!”. Khẩu hiệu trồng cây đựợc Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động trên phạm vi cả nước từ những năm 1960, nhưng sau khi được E.F. Shumacher tuyên ngôn vào năm 1973, nó đã dấy lên những phong trào xã hội sôi nổi như Hội những người Bạn của quả đất, Hoà bình xanh...ở các nước phương Tây.
Từ ý tưởng “Nhỏ là đẹp” đến phong trào “Hoà bình xanh”
E.F. Shumacher đã dựa vào tư tưởng phương Ðông để đề xướng kinh tế học Phật giáo với phương châm phát triển các kỹ nghệ vừa và nhỏ nhằm đáp ứng những nhu cầu đích thực của con người chứ không phát triển công nghiệp đồ sộ để chạy theo những nhu cầu xa hoa phù phiếm do kỹ nghệ quảng cáo tạo ra.
Những ý tưởng về kinh tế Phật giáo đã được Gandhi đề cập đến từ trước đó, nhưng khi được E.F.Shumacher hệ thống lại trong cuốn Nhỏ là đẹp (E.F.Shumacher – Small is bautiful -New York, 1989) những ý tưởng này đã gây chấn động vì nó thách thức triệt để thế giới sản xuất và tiêu thụ hiện đại, nó bác bỏ các cấu trúc quyền lực hiện hữu của thế giới, không phải vì chúng là tư bản, cộng sản hay phát xít, mà đơn giản vì chúng quá lớn, quá tầm vóc đích thực của con người.
Cảm hứng về lợi nhuận thúc đẩy các quá trình sản xuất và dục vọng về một cuộc sống giàu có xa hoa thúc đẩy các hoạt động tiêu dùng là hai mặt của con người hiện đại. Nhưng có một nghịch lý giữa con người sản xuất và con người tiêu dùng hiện đại là: Nếu như con người sản xuất luôn luôn tằn tiện, giảm thiểu chi phí đến mức tối đa thì con người tiêu dùng lại hướng đến sự lãng phí xa hoa vô bờ bến. Nếu trong quá trình sản xuất, người công nhân ăn ngon như ăn tiệc, đi xe bóng lộn hay dùng các phương tiện đắt tiền thì sẽ bị coi là lãng phí, nhưng nếu trong quá trình nghỉ ngơi, cũng chính anh ta xài những thứ trên thì lại được mang hào quang của con người sành điệu, theo kịp nhịp sống của thời đại văn minh. Thế là, cái lòng tham giảm thiểu giá thành dần dần trở thành đạo lý tiết kiệm trong sản xuất và biến tướng thành một định hướng ăn sẵn từ thiên nhiên: Nhiên liệu và nguyên liệu khai thác trong lòng đất, gỗ quý, đá quý và các loài muông thú, cá tôm bị khai thác, săn bắt trên rừng, dưới biển. Các công nghệ được chế tạo ngày càng tinh vi để khai thác lùng bắt biến thiên nhiên thành đồng tiền, biến những điều kiện sống tương lai thành lợi nhuận. Môi trường, khí quyển và sinh quyển cứ kiệt quệ dần trong hào quang của con người chinh phục thiên nhiên, là hệ quả của sự bành trướng những quy mô quá lớn về sản xuất và công nghệ.
E.F. Shumacher có lẽ là người đầu tiên lên tiếng một cách quyết liệt và thuyết phục nhất về thực trạng này. Ông cho rằng các máy móc ngày càng đồ sộ gây ra những sự tập trung quyền lực kinh tế ngày càng lớn và tác động bạo lực ngày càng mạnh với thiên nhiên nên chúng không hề tượng trưng cho tiến bộ mà chỉ tạo ra sự suy kiệt của môi sinh, sự trống rỗng về tinh thần của các nước giàu và sự chạy đua mù quáng về tiêu dùng của các nước nghèo. Ông cho rằng các nước nghèo đang tự bán mình cho công nghiệp du lịch quốc tế nhằm theo đuôi các biểu tượng về giàu sang và tiến bộ mà phương Tây đã dạy họ thèm muốn: đô thị lộng lẫy, khách sạn chọc trời. E.F. Shumacher đã dựa vào tư tưởng phương Ðông để đề xướng kinh tế học Phật giáo với phương châm phát triển các kỹ nghệ vừa và nhỏ để đáp ứng những nhu cầu đích thực của con người chứ không phát triển công nghiệp đồ sộ để chạy theo những nhu cầu xa hoa phù phiếm do kỹ nghệ quảng cáo tạo ra. Và ông tóm tắt thông điệp của mình về trách nhiệm chăm sóc, giữ gìn sức khoẻ của đất đai và môi trường sống trong một khẩu hiệu giản dị: “Hãy trồng một cây!”.
Phá hoại di sản cây xanh, huỷ hoại ký ức cộng đồng
Trong khi các học giả của các nước phát triển đã ý thức được sự mai một đáng sợ của văn minh tinh thần trước sự phát triển đầy bạo lực của văn minh vật chất, thậm chí còn có xu hướng khôi phục lại các tư tưởng truyền thống phương Ðông để tìm lối thoát cho xã hội hiện đại như cách làm của Shumacher, thì ở các nước nghèo, đa số trí thức lo học theo các mô hình quản lý và các kỹ nghệ phương Tây. Và cái tham vọng công nghiệp hoá, đô thị hoá đã đẫn đến những sự huỷ hoại môi trường thiên nhiên và tiêu xài lãng phí vào những công trình quy mô, xa hoa không tương xứng với thực lực của nền kinh tế. Và sự huỷ hoại môi trường, tàn phá cây xanh cũng đã diễn ra ở Việt Nam như thác lũ từ rừng núi tràn về thành phố. Hà Nội được thế giới mệnh danh là “Thành phố cây xanh”. Vậy mà UBND TP Hà Nội lại ngang nhiên tổ chức đốn hàng ngàn cây xanh đang làm nên bóng mát và hình ảnh Thủ đô trong mắt toàn nhân loại, làm công luận căm phẫn chưa từng thấy. Thậm chí có người còn gọi đây là hoạt động khai thác gỗ của bọn lâm tặc ngay giữa Thủ đô. Nhiều ý kiến cho rằng đằng sau vụ phá hoại có quy mô lớn và gây thiệt hại nghiêm trọng cho đất nước này là những toan tính của nhóm lợi ích, cần được điều tra làm rõ và truy tố trách nhiệm hình sự đúng người đúng tội. Trước sức ép của dư luận cả nước, UBND TP Hà Nội đã phải ra lệnh tạm ngừng việc đốn cây. Song, để xử lý tiếp tục cần nhận thức đúng bản chất của vụ việc này. Việc cưa đổ hàng ngàn cây xanh có tuổi ở Hà Nội gây hậu quả nghiêm trọng hơn việc lâm tặc khai thác gỗ. Đây không chỉ là hành vi khai thác gỗ, mà có thể coi là một chiến dịch phá hoại môi trường văn hoá, phá hoại hoại ký ức cộng đồng và phá hoại hình ảnh Thủ đô một cách có tổ chức.
Cây Hà Nội thấm đẫm tâm linh và văn hoá, những rặng cây cổ thụ không chỉ làm nên bóng mát trên những con đường như Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Bà Triệu..mà còn sống trong tâm hồn bao thế hệ như những ấn tượng văn hoá lịch sử sâu sắc về Thủ đô ngàn năm văn vật. Bao thế hệ mang trong ký ức thẳm sâu tiếng ve kêu mùa hè, hương hoa sữa mùa thu, lá sấu rụng mùa đông. Tên cây gắn liền tên phố gắn với nhiều kỉ niệm thân thương. Hàng sấu cổ thụ phố Phan Đình Phùng khi xanh mướt, khi rải lá vàng rực trên hè phố đã sống trong nhiều bức ảnh nghệ thuật về Thủ đô. Hàng sao đen thẳng tắp cao vút, bốn mùa rợp bóng mát được trồng duy nhất trên phố Lò Đúc đã là nguồn cảm hứng của nhiều hoạ sỹ, ngày xưa cò từ khắp nơi bay về đậu trắng những ngọn cây nên phố Lò Đúc còn có tên gọi là “phố cò”. Hàng cây hoa sữa trên phố Nguyễn Du, Quán Thanh đã trở thành nguồn cảm hứng cho ra đời nhiều tác phẩm thi ca, âm nhạc. mùi hoàng lan dịu dàng đầu đường Thanh Niên, cây bằng lăng phố Thợ Nhuộm, cây me phố Ngô Quyền, cây cơm nguội vàng rực đường Yên Phụ, hàng hoa sưa bất ngờ trắng xoá trên phố Hoàng Hoa Thám vào mùa cưới cuối tháng ba...
Những người có ý tưởng triển khai dự án thay thế cây Hà Nội và tổ chức thực hiện dự án này tỏ ra không hề có hiểu biết tối thiểu về thế giới cây Hà Nội, không có mảy may ý thức văn hoá cây xanh, văn hoá Thăng Long, văn hoá về môi trường giáo dưỡng nhân cách của thiên nhiên. Họ nhìn những cây xanh Hà Nội như những cây trên rừng, không ký ức, không kỷ niệm, không lịch sử. Họ đốn cây, chọn cây và thay cây như những kẻ khai thác gỗ và trồng gỗ, mang tư duy kinh tế của con buôn mà không hề có nhãn quan lịch sử và văn hoá. Họ đã làm một cách chộp giật, thô bạo, như một bầy lâm tặc, giống như bọn giặc Trung Hoa đốt sách ngày xưa. Họ không hề nghĩ đến chuyện sẽ có hàng chục thế hệ trẻ thơ trưởng thành lên ở Thủ đô không được sống trong bầu sữa của cây xanh như các thế hệ cha ông. Họ đã cướp đi của bốn năm thế hệ trẻ thơ tương lai sống trong các con phố trụi cây những cảm xúc về Hà Nội “Thành phố cây xanh”, cướp đi của các em một cơ hội được trưởng thành lên trong văn hoá cây xanh như các thế hệ trẻ ở Thăng Long Hà Nội xưa nay. Những em bé lớn lên đói cây xanh ấy không chỉ mất đi những kỷ niệm trèo me trèo sấu nghe ve kêu trên cành phượng vĩ của hàng trăm thế hệ cha ông, mà còn có thể trở nên lạnh lùng, vô cảm, dễ thủ ác.
Chính vì bản chất của dự án chặt cây thay cây Hà Nội vừa triển khai có bản chất của hành vi phá hoại môi trường văn hoá tâm linh và ký ức lịch sử của Thủ đô nên nó đã gây ra sự xúc động và căm phẫn chưa từng thấy. Đây là điều các cơ quan quản lý và các cơ quan chức năng cần nhận thấy để xem xét đúng bản chất và mức độ nguy hại của dự án kiểu này. Cho dù họ rút kinh nghiệm đề xuất tiếp tục thay cây theo lộ trình nào đó, thì cũng không thể để những người thực dụng, thiếu văn hoá, thiếu tình cảm với cây xanh Thủ đô tiếp tục đứng ra làm một việc hệ trọng và tinh tế như thay những cây xanh có linh hồn trên đất Thủ đô. Hà Nội cần huỷ bỏ dự án này. Việc thay thế, bảo trì cây xanh Hà Nội cần được làm từ góc độ văn hoá với sự chỉ đạo của một tổ chức hỗn hợp tầm quốc gia, chứ không thể để mấy ông quan chức vô cảm, thực dụng, nguỵ biện, vô trách nhiệm, mang nhãn quan kinh tế và nhãn quan trồng rừng đứng ra làm tiếp./.