Cuộc sống quanh ta
Cuộc tìm kiếm mộ Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (Phần III)
Chừng hơn hai tháng sau con cháu họ Hà chúng tôi lại có buổi làm việc tại trung tâm. Hôm đó khá đông đúc. Nhà ngoại cảm Ánh vẫn thỉnh Đức Hoàng về như mọi khi. Đây là cuốn băng ghi âm ngày mùng 3-4-2009 tại Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người.
Đức Hoàng Mười: “Nay mọi người muốn tìm lại phần mộ của cố TBT thì trong dòng họ phải nhất tâm, chứ không phải hôm nay Hoàng nói lần đầu. Chưa thấy thì chưa có gì, nhưng khi thấy rồi không cẩn thận trong dòng họ và Trung tâm sẽ xảy ra cái gì đấy như sự rạn nứt về tình cảm. Cái đó dòng họ phải chuẩn bị tư tưởng, người trong họ Hà phải uốn nắn. Còn hôm nay có cả ông Hà Nho, ông cụ nói là người về khai hoang lập nghiệp ở Tùng Lộc để sau này sinh đẻ ra con cháu trên trần như thế này. Vậy con cháu tự xem trong dòng họ mình có ông Hà Nho không? Ông là người họ Hà ở huyện Can Lộc, hiện ông nói vậy. Ngoài ra có ông Tam Đại của cố TBT, vong hồn bố TBT là ông Hà Huy Tường. Ông Hà Huy Phẩm và trên nữa có ông Hà Huy Đán và một cụ nữa là Hà Văn Minh. Có cụ Hà Huy Phi, Hà Huy Nhiếp. Có một bà cô là Hà Thị Huê. Có cụ Hà Văn Nho trùng tên với ông cụ tổ là Hà Nho. Dòng họ ta có ý kiến gì không. Đó là các vong hiện đã về. Trong số các vong về còn có hai cậu đỏ, một cậu tên là Hà Huy Nguyễn Hoàng và một cậu là Hà Huy Thắng.
Việc nêu danh chính xác, công nhận hay không công nhận thì tự dòng họ Hà xác định với nhau. Người trong họ tấu sao thì Hoàng truyền đạt lại thế cho các bậc tiền nhân của dòng họ nghe”.
Anh Sỹ nói: Tất cả những vị tổ họ Hà mà Đức Hoàng nhắc tên là hoàn toàn chính xác. Tiêp theo anh Sỹ nói mục đích, ý nguyện của dòng họ...
Đức Hoàng Mười: “Hoàng sẽ mời cố TBT về cho dòng họ được gặp. Cố TBT mất khi đó mới 35 tuổi thôi. Người về nói với ta là nơi đây không được khang trang lắm. Lẽ ra hôm nay mà khang trang thì cố TBT sẽ mời thêm các đồng chí của mình cùng về. Lẽ ra hôm nay phải có cả anh Bẩy Già, anh Hạ Bá Cang nữa”.
Anh Hà Vĩnh Tân giải thích và xin Đức Hoàng thông cảm vì điều kiện của Trung tâm hiện tại chỉ có vậy.
Đức Hoàng Mười: “Do địa hình địa thế trước làm việc ở đâu nay cũng phải làm ở chỗ đó, nếu dời sang chỗ khác sẽ lệch đi thì sẽ không đạt được nguyện vọng dòng họ. Nên ở đây Hoàng chỉ nói lại lời của cố TBT như thế. Hiện bây giờ là cố TBT về nên tôi không chỉ vong mà dòng họ tự biết”.
Bác Tập: “Ôi chà, chào các con cháu! (Chỉ vào Sửu, Tộc trưởng họ Hà Huy) ngồi xích lại đây, ông nói này, ông không đồng tình việc con làm đâu. Thôi việc dòng họ để ta bàn sau. Mải mê quá rồi mà quên cả ban lãnh đạo (bắt tay anh Đào Vọng Đức giam đốc và cán bộ Trung tâm). Quay lại nói với Sửu: Việc dòng họ về từ đường để ta bàn sau. Con hứa với ông đây là lần cuối hay chưa cuối?
Sửu lắp bắp: “Dạ dạ...”
Bác Tập: “Thế hôm nay con cháu đến đây để làm chi? Tất cả đã nhất tâm chưa? (chỉ tay vào Dũng) mi có sợ... ?”
Dũng nói không và trình bày sự quyết tâm của dòng họ và con cháu
Bác Tập: “Lẽ ra việc này 7-8 anh em phải xông pha đi trước, dòng họ ta phải bước theo sau. Nay con cháu về đây là ông vui vẻ rồi (chỉ vào Dũng và Thừa) các con nói xông lên thì dòng họ xông lên, các con nói lùi lại thì cả dòng họ lùi lại, không phải phụ thuộc chi mấy o ni cả. Còn lẽ ra việc này trong tháng 3, mùng 10 tiết thanh minh phải thăm mộ tảo mộ. Bây giờ cả dòng họ, cả con cháu tin ông thì cứ làm. Còn cái chi chi đó là điều sỉ nhục đối với ông. Ông chỉ nói thế thôi”.
Dũng nói lên các nguyện vọng của con cháu là tìm bằng được mộ ông và đưa ông về quê hương.
Bác Tập: “Ông phải về, nhưng ông không cần phải qua thử nghiệm, không cần phải qua chi cả. Nay ông về chỉ nói nguyện vọng như thế với con cháu, còn ông ở đâu sẽ có người về nói sau, toàn thể các con cháu có nhất tâm không nào?”
Mọi người đều đồng thanh hô nhất trí.
Bác Tập bay bóng. Đức Hoàng Mười nhập về.
Chị Hà: “Con lạy Hoàng, xin Hoàng dạy cho chúng con những công việc tiếp theo”.
Đức Hoàng Mười: “Bây giờ tôi cho các con cháu gặp ông cụ thân sinh ra cố TBT. Trong dòng họ ta muốn gì thì hỏi”.
Cụ Hà Huy Tường xuất hiện: “Ôi chà, răng bây lại chào cụ, răng bây lại chào cố, tao đẻ ra ông mi... có rượu không, đưa cho ông cái chén (cụ rót một chén rượu mời anh Đào Vọng Đức). Cụ về hôm nay trước tiên là cảm ơn Trung tâm, cảm ơn Đảng và Nhà nước để ông con ta mới có dịp gặp gỡ.
Ông về hôm nay được cố Dư, mi biết không? (chỉ vào anh Sỹ). Trong từ đường dòng họ là mi rõ nhất, rồi là cụ Nho, cụ Nhiếp, cụ Phi, cụ Ảnh, rồi cả trên nữa có cụ Minh, cụ Hà Tông Mục. Các cụ muốn con cháu như thế này, ngày xưa ông cha ta... (cụ chỉ vào Hà Huy Thừa) con này, bây giờ mi nghỉ công tác rồi à. Nghỉ rồi thì làm việc gì cũng phải xông pha lên. (Rồi cụ chỉ sang Dũng) Bây giờ nó đang sợ nhà trường phê bình, phê nọ phê kia đấy, nhưng chẳng làm chi sai mà sợ. Mồ mả ông cha ta thì ta nhận, mồ mả ông cha ta thì ta xây. Nhà nước không nhận thì ta nhận. (Cụ chỉ vào Dũng) Mi còn sợ mất chức, sợ phê bình kiểm điểm không?
Dũng trình bày, giải thích,... cụ Tường bảo: “Thế sao người ta không sợ”
Anh Tân: “Các Viện sĩ khoa học ở đây có ai sợ đâu (ý nói là để quan tâm, củng cố tư tưởng của Dũng)
Cụ Tường chỉ vào Hà Huy Thừa: “Mi thì mi không sợ rồi. Mi nghỉ rồi mi chẳng sợ chi cả. Việc hương khói hương đăng ở nhà là do hắn đấy. Những gì sẽ xảy ra đối với thằng Tập thì chưa biết được. Thế thì các con phải quyết tâm, sau đó mình phải vững; không để một thế lực nào làm gì đó trái đối với lãnh tụ của mình, các con hiểu chưa. Theo ông hiểu, khi cố TBT Trần Phú mất thì cố TBT nhà mình còn viết bài ca ngợi. Bây giờ cố TBT nhà mình mất thì con cháu phải có chi đó để ca ngợi chứ? (Cụ quay sang hỏi Dũng) bây giờ con hiểu rồi thì con định đến khi mô mới đưa về?”
Hà Huy Thừa nói lên tâm nguyện của con cháu và dòng họ.
Cụ Tường: “Mi! dừ mi đang nhầm giữa ông nọ sang ông kia. Ông là người đẻ ra Tâm, Tập đó. Tâm mới đẻ ra Cầm, Kì, Thi, Di đó. Biết thế mà gọi cho đúng. Khi thì gọi bằng ông, khi thì gọi bằng cố chẳng hiểu ra làm sao cả. (Chỉ vào Dũng ông nói). Ngày xưa nói về chữ ông còn nhiều hơn mi, nhưng mà rồi ông không có ra làm quan. Cái chức đó chưa đáng để cho mi phải hy sinh. Bây giờ ở trên trần muốn làm chi thì làm, nhưng con cháu phải bảo nhau, chỉ thế thôi.”
Anh Sỹ: “Cháu xin cụ hai việc ạ. Việc thứ nhất... “
Cụ Tường: “Nói về tuổi tác thì hắn gọi cụ nhưng nói về vai vế thì hắn là bậc trên đó. Con ở chi trên, cụ ở chi dưới”
Anh Sỹ: “Nhờ cụ cho biết chính xác mộ ông Tập để chúng con thắp hương vào dịp thanh minh này. Đó là việc thứ nhất. Việc thứ hai, xin phép các cụ cho các cháu phối hợp với Trung tâm vào dịp tháng 9, tháng 10 âm lịch năm kỷ sửu.”
Cụ Tường: “Cụ về chỉ có ý kiến thế thôi. Trong dòng họ Hà ta thì nói đến cụ Hà Nho, không có tông, có huy gì cả đâu nhá. Cụ Hà Nho muốn dạy bảo con cháu trong từ đường dòng họ: Hôm xưa đón nhận bằng văn hoá danh nhân, nhưng chẳng có văn hoá chi cả. Hôm đón nhận bằng Danh nhân văn hoá Tiến sĩ ấy mà, có mấy đứa mặt cứ sưng cẩy lên... Có thằng cu nó về. Tôi chúc Trung tâm mạnh giỏi đạt được nhiều kết quả cho nhân dân. (Quay sang Dũng cụ nhắc lại) Con cháu trên trần phải bảo ban nhau chứ đừng có tranh chấp công lao người ta lại cười cho. Giờ cụ đi. Cha mi ở dưới đó khoẻ”.
Cậu Đỏ Hà Huy Nguyễn Hoàng xuất hiện: “Cháu chào các bác, các cô. Cháu chào cả dòng họ nhà mình. Hôm nay có cả con nhà chú Phú là Hà Huy Thắng về đây. Trong họ ta có chú Phú còn sống ấy.
Chị Hà hỏi cháu con ai ở đây? cháu không biết. Cháu chỉ biết cháu đi hầu ông Thánh. Chứ mà các bác, các chú đưa cố TBT về a. Từ trong nửa đất nước xa xôi, từ mãi Miền Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội này về đông hề. Đến bao giờ thì chuyển mộ?
Anh Sỹ: “Vừa rồi bác có hỏi cụ cố”
Cậu Đỏ: “Sắp hết tháng đến nơi thì còn làm sao được. Sao bảo có Phó Chủ tịch? Chưa xuất hiện à?”.
Anh Sỹ: “Phó Chủ Tịch hôm nay phụ trách tổng điều tra dân số (ý nói anh Hà Văn Thạch).
Cậu Đỏ: “Vâng, dân số to hơn công việc này à? Vậy trong họ Hà nhà mình có cụ cao cao, cao tổ Hà Nho. Nếu mà cao, cao, cao nữa thì có cụ Hà Dư. Hiện giờ cụ về rồi, cụ chỉ về dự một tý thôi. Và có cụ ba chữ cao nữa là cụ Đán với các cụ Hà Huy Phẩm, Hà Huy Trực, Hà Huy Nhiếp, Hà Huy Phi, Hà Thị Huê. Còn cụ bên trên nữa hôm nay không về được, cụ bảo là hỏi thăm con cháu, cụ chúc con cháu mạnh khoẻ bình an, học hành tử tế, là cụ Hà Công Trình. Cụ còn bảo phải học hành đỗ đạt, phải bằng xịn đấy không được mua đâu. Cụ bảo thế, à các cụ còn bảo trong dòng họ tự nghe cái gì sai thì bỏ luôn, cái gì đã theo thì cứ làm, không cần phải đi thử.... Còn một điều nữa không ai có thể biết được, sẽ nói sau. Thật mà.
Ngày xưa, cụ bảo là năm 1941, ngày 28-8 đến pháp trường bị bắn một phát chết luôn, chôn ở trên ấy, ở gần bến Tắm Ngựa ấy. Thế họ mình đến hôm nào thì đi về đó thắp hương?”
Lợi: “Xin chỉ cho vị trí chính xác để thắp hương”
Cậu Đỏ: “Cứ thắp hương ở chỗ cây bàng ấy. Cây bàng chỗ cái lốp xe ấy. Còn đến lúc khai quật thì phải nhất tâm cơ. Bây giờ lãnh tụ bảo răng ngần này người đi mà cũng chưa nhất tâm đâu. Mai về đóng cửa bảo nhau. Cụ bảo thế nhá. Quan trọng vẫn là mấy người con nhà Cầm, Kì, Thi, Di ấy. Tất nhiên trong dòng họ phải ủng hộ. Nhưng mà mấy anh mấy chị con nhà Cầm, Kì, Thi, Di ấy nhất trí mà trong họ không nhất trí thì vẫn cứ được. Thế trong dòng họ mình hôm nào đi thắp hương?”
Anh Sỹ: “Trước rằm tháng 3 có con nhà ông Di ở trong đó...”
Cậu Đỏ: “Thế sao bảo dòng họ vào trong đấy thắp hương? Nguỵ biện thôi chứ gì?”
Dũng: “Nếu công việc ở đây xong thì bác vào... đến vị trí hôm trước mùng 10-3”.
Cậu Đỏ: “Mùng 10-3 là ngày thanh minh. Mua lễ mua quả, mua thuốc cho đồng đội của lãnh tụ. Bà Khai có ở đấy đâu mà. Ở đấy chỉ có ông Lưu, ông Cừ và ông Thái. Bác đến đó thắp hương cả hai cố TBT đấy. Còn những người ăn theo thì đầy. À cháu còn nghe các cụ nói chuyện về ông trẻ, năm 1928 là vui nhất, năm 1939 là đau khổ nhất trong đời. Thế thì cái này các bác tự nghĩ xem có đúng không?”
Chị Hà: “Cháu có dặn khi đi có cần gì nữa không?
Cậu Đỏ: “Không có tiền còn lâu mới đi được máy bay. Một điều chắc chắn là không có tiền không bao giờ họ cho đi máy bay và cho đi tàu”.
Lợi hỏi: “Khi đi thắp hương cần những ai?”
Cậu Đỏ: “Lúc nào ông chả bảo Tướng, Hiệu, Diệu, Binh. Còn nếu trong họ ai mà không đi được thì ông xá cho. Ai gần thì cứ đến nhà Cầm mà thắp hương...”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải hỏi: “Tình hình đất nước như thế nào?”...
Cậu Đỏ:... Thôi đó là chuyện chính trị làm sao mà biết được. Lẽ ra hôm nay có lãnh tụ mình, có bác Lê Hồng Phong, có bác Hạ Bá Cang, có cả bác Bảy Già nữa,... nhưng tại nơi này sơ sài quá,...”
Dũng: “Xin hỏi mộ chí đằng cụ Cống có tốt không?”
Cậu Đỏ: “Cháu chỉ về làm việc cho lãnh tụ thôi. Nói như chú thì chả là cháu về xem bói cho dòng họ nhà mình à? Họ nhà mình nhiều chi lắm, xem được chi nọ mất chi kia, được lòng cô cả mất lòng cô hai (cậu cười híhí)”
Cô Mỹ: “Cháu nói để cứu người chứ..”
Cậu Đỏ: “Ừ! Cô Mỹ, lãnh tụ đang phê bình cô đấy. Bây giờ cháu đi đây. (Chỉ vào anh Đào Vọng Đức) “sếp” lần này phải đi. Lãnh tụ về gặp dòng họ, vui quá, suýt nữa quên cả bác... Sao “sếp” chẳng thấy nói gì cả, nhưng mà phải tìm bà Minh Khai nữa nhá. Bà còn có người con gái trong Sài Gòn. Ngày xưa Đảng và Nhà nước đã đưa cô ấy ra ngoài này để học. Cái đấy thì chắc các bác biết hơn cháu. Xong cậu nói nhỏ vơí Viện sĩ Đào Vọng Đức: Bây giờ cháu muốn nói với một người trong trung tâm và hai người trong họ Hà (cậu chỉ vào anh Sỹ, anh Tân, anh Đức) với điều kiện tắt hết máy quay...
Lát sau chúng tôi quay trở lại. Đức Hoàng nhập về.
Đức Hoàng Mười: “Bây giờ Hoàng nói thế này, việc của dòng họ có nhất tâm ra đây thì Hoàng chứng nhận. Hiện bây giờ các cụ trong dòng họ Hà về đây nói là nay ta tổ chức đi tìm mộ nhưng chưa đến được cái đích đã có nhiều ý kiến sai lệch nhau của người trần. Vậy những ai đứng đầu trong dòng họ thì phải quán triệt cái đó. Mọi công việc có thế thôi. Khi nào trong dòng họ cần đến Hoàng, ghế Hoàng thì Hoàng sẽ giúp. Dù sao thì Hoàng cũng là người trấn thủ đất Nghệ An, có đền nằm bên Hà Tĩnh cạnh bờ sông Lam. Nói vui là dân ta phải giúp ta. Hoàng sẽ giúp khi nào trong dòng họ và Trung tâm thật sự cần thiết và nhất tâm. Chỉ có thế thôi.”
Sau ngày đó tình hình trên trần xảy ra nhiều biến động phức tạp (chúng tôi xin không nhắc chuyện này). Cho đến tận 16-9-2009, PGS-TS Hà Vĩnh Tân mới chính thức nhận quyết định làm chủ nhiệm đề tài thay TS Bùi Hoàng Oanh. Tôi tạm khép lại giai đoạn đầu, và mở ra giai đoạn hai quyết liệt hơn từ khi Hà Vĩnh Tân làm chủ nhiệm đề tài.
Ngày 19-9-2009, tại điện ở nhà ngoại cảm Ánh chúng tôi được Đức Hoàng Mười cho biết: “Việc tìm mộ lãnh tụ không khó đâu. Cái khó nhất là quan hệ dương trần phức tạp nên dòng họ, con cháu phải vững tâm. Thời gian này cần có sự quyết đoán”. Nói rồi Đức Hoàng Mười cho chúng tôi biết có một cụ là thuỷ tổ dòng họ Hà muốn gặp con cháu và cụ nói là cụ sẽ chỉ đạo giai đoạn này. Vậy con cháu có đồng ý không?”. Mọi người đồng thanh: “Xin Hoàng cho chúng con gặp ạ!” Hoàng gật đầu. Tự dưng chúng tôi nhìn thấy gương mặt nhà ngoại cảm Ánh cau lại, trông già đi rất nhiều. Nhà ngoại cảm nhìn khắp lượt chúng tôi rồi nói: “Chúng bay đi tìm mộ mấy năm nay rồi mà chả ăn thua. Nay Đức Hoàng cho biết rồi mà sao còn như gà vướng tóc? Thế lúc nào chúng bay cũng đợi Nhà nước à? Bây giờ Nhà nước còn trăm công ngàn việc. Bọn bay là con cháu mà còn chưa hết tâm đâu”. Chú Hà Vĩnh Tân vội tâu: “Chúng con chào ông ạ! Nay chúng con muốn gặp gia tiên để...” Chú Tân chưa nói hết câu thì cụ chỉ tay vào mặt bảo: “Mày có phải là Tiến sĩ Hà Vĩnh Tân không? Mày con thằng Hà Xuân Trường phải không?”. Chú Tân: “Dạ, lạy cụ. Đúng rồi ạ. Thế cụ cũng biết con ạ!”. Cụ nói tiếp: “Mẹ cha chúng mày. Tao là Hà Mại, tự Tông Hiểu, sinh năm 1334, chết năm 1410. Tao là Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng Vị hầu, Bắc sứ trấn thủ Nghệ An. Tao còn đẻ ra các tổ chúng bay. Chi nhà mày ở Nam Kim, Nam Đàn, tổ là Hà Quang Huy, thứ là Hà Quang Tốt, tao còn lạ gì”. Nói xong cụ nhìn mọi người và hỏi: “Thế thằng Sỹ đâu mà không đến?”. Tôi vội thưa: “Dạ, xin cụ, anh Sỹ bận không đến được ạ. Có gì cụ cứ dạy, chúng con sẽ nói lại cho anh Sỹ”. Cụ quát: “Hôm nào bảo thằng Sỹ đến gặp cụ. Chỉ có nó mới biết về lịch sử dòng họ, còn bọn bay chẳng biết gì đâu”. Nói rồi cụ chỉ vào Hà Huy Dương: “Anh mày đâu? Mà mày ra bao giờ?”. Cháu Dương vội đáp: “Dạ, con ra đêm hôm qua, còn anh con thì đang bận không về được ạ”. Cụ lại nói: “Nó dạy học cử nhân hả? Họ nhà mình trước là danh giá lắm đấy. Tao đẻ ra Hà Dư, tự Tông Chính, làm Đại tướng Hoàng bảng đấy. Còn chắt của tao là Hà Công Trình, Tiến sĩ Thượng thư Bộ binh, Bộ hình, Tế tửu Quốc Tử Giám, Nhập thị kinh diên. Nó là con Hà Nho, định cư ở Tùng Lộc, Can Lộc. Mà thôi, có nói chúng bay cũng không hiểu đâu. Phải thằng Sỹ nó mới biết”
Tôi hỏi: “Dạ, thưa cụ, xin cụ chỉ cho chúng con để tìm được hài cốt bác Hà Huy Tập”. Cụ bảo: “Được rồi, tao về hôm nay cũng chính là việc đó. Bây giờ tao hỏi bọn bay, thế đưa hài cốt về thì để vào đâu? Mà bây giờ ở nơi thằng Tập nằm nó lại đang làm cái nhà lên đấy”. Chú Tân nói: “Thưa cụ, chúng con cũng nghe nói vậy ạ”. Cụ quát: “Nói gì nữa. Nó làm thật rồi còn nói gì nữa”. Một thoáng đăm chiêu cụ bảo: “Tao là tướng của triều Trần. Mà đã là tướng thì phải biết dùng binh, phải biết cách tổ chức... Mà thôi, lần sau đi nhớ mang cho cụ cái điếu bát. Hồi còn sống cụ vẫn hút điếu bát đấy. Nay cụ đi đây, bọn bay về, lần sau cụ sẽ nói cho biết tiếp.”
Chuyện này chúng tôi có nói lại với anh Sỹ. Anh Sỹ giật mình: “Chết thật! Cụ là thuỷ tổ họ nhà mình đấy, cách đây hơn 600 năm rồi. Cụ là một danh tướng dưới triều Trần. Tiếc thật! Sao hôm đó tôi lại không đến được nhỉ?.” Sau đây tôi xin giới thiệu bài viết về Phụ quốc, Thượng Vị hầu, Thượng tướng quân kiêm Bắc sứ, Trấn thủ Nghệ An của anh Hà Văn Sỹ:
tin tức liên quan
Videos
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Thống kê truy cập
114512204
Hôm nay
2141
Hôm qua
2389
Tuần này
2141
Tháng này
219077
Tháng qua
121356
Tất cả
114512204