Điều làm ông trở nên nổi tiếng như vậy, chính là vì ông vẽ như thật. Các bức tranh của ông được mô tả rất chi tiết, sống động, chân thực đến không tưởng. Rembrandt đã đóng góp quan trọng vào thời đại hoàng kim của Hà Lanthế kỉ 17; và không ít họa sĩ đã vẽ theo phong cách của Rembrandt: chi tiết và chân thực…
Đầu thế kỷ 19, máy ảnh được phát minh, rồi sau đó, nhiếp ảnh, với tư cách là một ngành nghệ thuật ra đời. Hội họa của Rembrandt bỗng dưng bị “cạnh tranh” khốc liệt. Thế mạnh chi tiết và chân thực của trường phái Rembrandt đứng trước công nghệ mới là nhiếp ảnh. Và cho dù họa sĩ có tài năng đến cỡ nào, đôi bàn tay tài hoa khéo léo đến cỡ nào, sao có thể ghi lại hiện thực chân thực và chi tiết hơn máy ảnh? Thay vì ngồi làm mẫu hàng giờ, nay, chỉ cần ngồi trước máy ảnh, “tách”, thế là xong một bức chân dung giống mình như hệt!
Ranh giới giữa hội họa và nhiếp ảnh chính là ở đấy… Một đằng phản ảnh hiện thực bằng cách sử dụng ánh sáng qua hệ thống thấu kính tác động hóa học lên những tấm phim hay các sensor; một đằng là qua con mắt, tâm hồn, trí tuệ riêng biệt của con người thể hiện lên tấm vải trắng, bằng bàn tay họa sỹ…
Những bức ảnh đã làm thay đổi diện mạo thế giới từ đó đến nay. Xem một bức ảnh, có thể tin rằng nó là bản chụp của hiện thực đã xảy ra đâu đó, trong một khoảng thời gian rất nhỏ từ 1 phần mấy nghìn giây đồng hồ trở lên đến tốc độ B… Vì thế, phẩm chất cơ bản nhất của nhiếp ảnh, là trung thực…
Trong nhiều thời gian sau đó, các nghệ sỹ nhiếp ảnh phải đối mặt với một vấn đề chí tử: Hiện thực, không phải lúc nào cũng diễn ra, hiện ra như ý muốn của nghệ sỹ để đưa vào khuôn hình. Bao giờ nó cũng không hoàn thiện, thừa ra hay thiếu đi một cái gì đó thì bức ảnh mới nói lên được một điều gì đó. Và rồi, gần như với nhiếp ảnh nghệ thuật ra đời, thì các kỹ thuật, thủ pháp buồng tối cũng ra đời, cắt ghép, xóa, thêm như là những tiểu xảo tinh vi của người nghệ sĩ. Hiện thực đã được “xử lý”, đã được trau chuốt, gia công làm cho tốt hơn theo quan niệm của người chụp ảnh… Cũng giống như văn chương hay bất cứ ngành nghệ thuật nào khác, ta hãy hiểu đó là phần hư cấu của tác phẩm, không hề có thật trong nguyên bản ngoài đời…
Cho đến cách đây hơn 20 năm, phần mềm Photoshop ra đời, rồi máy ảnh kỹ thuật số xuất hiện. Nghệ sỹ nhiếp ảnh như rồng gặp nước, thỏa sức sáng tác, chỉnh sửa, cắt ghép vô hồi khoáng hậu. Phép màu Photoshop kỳ diệu quá, biến không thành có, biến có thành công… Những bức ảnh qua Photoshop xử lý đến không còn giống hiện thực nữa, có còn là ảnh nữa không?
Quả thật, người viết bài này không đủ trình độ lý luận cũng như thực tiễn trả lời được điều đó. Nhưng có thể nói ngay một điều rằng, với những bức ảnh đó, người xem rất khó tin rằng có một hiện thực, một khuôn hình như thế đã tồn tại ngoài đời sống… Mà nghệ thuật, là “chân thiện mỹ”, người ta đã không tin rồi, hỏi làm sao rung động được?
Nhiếp ảnh đã từng “đánh bại” hội họa Rembrandt bởi sức mạnh ghi lại chân thực và chi tiết đời sống 100%. Nhưng giờ đây, một xu hướng sáng tác ảnh có vẻ đang rời xa thế mạnh đó bằng cách sử dụng các yếu tố hội họa. Phải chăng, nghệ sĩ nhiếp ảnh đã bất lực, không thể nào tự tin với chiếc máy ảnh cùng tấm phim, file ảnh gốc để nói lên rung cảm của mình trước cuộc đời? Họ không đủ tài năng, sự kiên nhẫn cùng sức lực, vật lực để chụp một bức ảnh hiện thực như nó vốn có mà đành phải can thiệp lớn bằng Photoshop?
Một số bức ảnh được giải, thậm chí giải cao ở Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ diễn ra mới đây ở Hà Tĩnh bị dư luận phê phán là “cắt, ghép đến phi hiện thực”, nói lên xu hướng ủng hộ và bảo vệ nhiếp ảnh chân thực trong cộng đồng.
Nhiếp ảnh, không nghi ngờ gì nữa, là khoảnh khắc, là nghệ thuật của ánh sáng. Đấy là chân lý và nếu người nghệ sĩ nhiếp ảnh rời xa nó thì cho dù ngày xách máy ảnh đi “sáng tác”, đêm về lọ mọ Photoshop cắt ghép theo ý chủ quan của mình, sẽ chỉ được những tấm ảnh giả dối và vô giá trị mà thôi!