Trong cái “rừng” thông tin như mê cung ấy, việc bắt giữ một cán bộ hải quan thuộc Hải quan TP HCM, sau khi cơ quan chức trách khám nhà, thu giữ được hơn 60 phong bì do các doanh nghiệp đưa đến nhà cán bộ này trong 5 ngày ông ta đi vắng, có số tiền lên tới gần một tỷ đồng đã làm cho dư luận bàng hoàng!...
Năm ngàyngười ta đưa hối lộ chừng đó, 365 ngày, bao nhiêu năm nay là bao nhiêu? Một cán bộ có chức vị chẳng cao lắm; vậy, nếu có quyền thế hơn, sẽ là bao nhiêu? Sự tràn ngập hàng lậu, hàng độc hại trên cả nước trong thời gian qua, có bao nhiêu phần trăm “LỖI” của hải quan? Cơ chế vận hành ra sao để đến nỗi “người ta” kiếm tiền khỏe thế? Nếu ai có quyền cũng có thể “nhắm mắt” dễ dàng, bất chấp hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất ra bị ế ẩm, rồi phá sản thì tương lai của nền kinh tế sẽ ra sao? Sự “áp bức” của những kẻ lạm quyền đối với các doanh nghiệp không chỉ là tiếng ta thán mơ hồ nữa, mà thực tế đã rành rành, phải giải quyết ra sao?...
Rất nhiều câu hỏi; và, dĩ nhiên, đây không thể là chuyện nhỏ - với những liên quan, hệ lụy nghiêm trọng vô cùng.
Trước hết, phải hiểu rằng lực lượng hải quan có đặc thù khác hẳn với cơ quan an ninh hay biên phòng – bằng chức năng kiểm định, kiểm tra hàng hóa vừa phải bảo đảm các hàng hóa đó an toàn, hợp pháp với những quy định về chính trị và kinh tế của nhà nước, đồng thời phải tạo điều kiện thông thoáng ở mức cao nhất, giúp cho sự phát triển của đất nước mạnh mẽ hơn, nhanh chóng hơn.
Chính vì cái đặc thù có nhiều quyền và dễ sinh ra nhiều lợi lộc bất chính, đạo đức và lương tâm, tinh thần trách nhiệm của nhân viên hải quan ảnh hưởng, tác động rất lớn đến sự vận hành của việc xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng, hình ảnh của đất nước nói chung.
Các doanh nghiệp, do yêu cầu muốn thông quan trong thời gian nhanh nhất, thủ tục giản tiện nhất, hầu như đều tìm cách để biếu xén và, sự sai phạm của cán bộ hải quan TP HCM Nguyễn Tường Duy chỉ mới là trường hợp nghiêm trọng nhất bị phát hiện.
Bằng chứng có thể “thấy” rõ ràng khi hàng lậu, hàng độc hại, thực phẩm bẩn... đã và đang tàn phá dữ dội trên khắp cả nước.
Chưa nói đến chuyện những hàng hóa kém chất lượng, thực phẩm bẩn sẽ ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài đến sức khỏe của người dân; chỉ xét riêng về kinh tế, việc hàng ngàn doanh nghiệp bị phá sản hoặc hoạt động cầm chừng, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, có trách nhiệm rất lớn của ngành hải quan. Chính lực lượng hải quan phải là cơ quan đứng mũi chịu sào trước tình trạng mỗi năm có nhiều tỉ USD hàng lậu tràn lan khắp cả nước...
Số lượng phong bì “tồn đọng”chỉ sau 5 ngày cho thấy mức độ khủng khiếp mà các doanh nghiệp lâu nay bị ông Duy hành hạ, cướp bóc, đồng thời lột trần cái tâm địa đen tối, tham lam đến tận cùng tàn nhẫn của ông Duy.
Câu hỏi tiếp theo là còn có những ai bao che, “cộng sự” trong cái đường dây ma quái ác độc ấy? Kinh nghiệm từ các vụ án nhận hối lộ cho thấy, số tiền buộc người dân, doanh nghiệp đút lót, luôn có cả một nhóm người cùng... hưởng.Hơn nữa, một người từng bị kỉ luật ngành như ông Duy lại tiếp tục leo cao, chui sâu vào ngành hải quan để lộng hành không thể là kết quả của sự... nhầm lẫn! Dư luận có quyền nghi ngờ rằng đã từng có một đường dây tiếp tay từ rất lâu, gây nên rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn mấy chục cái phong bì.
Cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu nào cho biết mức độ tiêu cực của hải quan ảnh hưởng như thế nào đến toàn bộ nền kinh tế? Thế nhưng, rất dễ dàng để khẳng định rằng nếu cán bộ, nhân viên hải quan thiếu trách nhiệm, suy thoái về đạo đức thì nền kinh tế sẽ bị thiệt hại rất nặng nề...
Chỉ một cán bộ bị bắt, 1 tỷ đồng thu được nhưng báo hiệu vô vàn nỗi lo của đất nước.
Huế, 11.1.2016