Diễn đàn

Bia rượu, văn hóa và giống nòi

Mấy ngày tết vừa qua, đi thăm hỏi chúc tết người thân, bạn bè, đồng nghiệp thật không may lại gặp một ông thuộc họ “nhầy”. Hôm ấy chiều mồng 2 tết đến nhà ông bạn đã thấy mấy vị chắc là đồng nghiệp cùng cơ quan có mặt từ trước. Sau màn chào hỏi, chúc mừng năm mới rôm rả, bỗng một ông vận vét tông, com lê cà vạt trông rất sang trọng đứng dậy, hướng về phía tôi vẻ nghiêm trang, ưỡn ngực, giơ tay chào như nhà binh và dõng dạc: “Tôi NTT, tiến sĩ khoa kinh tế, anh trai tôi là giáo sư TT phong cùng đợt với GS. Ngô Bảo Châu…” Tôi giật mình, trố mắt. Chủ nhà thấy vậy, nhìn tôi ái ngại.

Sau màn tự giới thiệu rất chi là… hoành tá tràng, ông tiến sĩ còn thao thao bất tuyệt, rằng ông đương kim là chủ tịch nọ, thư kí kia (chỉ là hội đồng hương cấp… huyện thôi nhé), rằng thằng nọ, thằng kia là cái đinh gì, rằng làm thằng đàn ông gặp nhau mà không uống (cho ra trò) là vứt…

Ôi cha mẹ ơi, nghe ông tiến sĩ “dạy” thế, tôi thấy mình thật kém cỏi, hèn mọn. Vứt! Đời mình thế là vứt! Chẳng có bằng cấp to tát để mà vỗ ngực tự sướng trước mặt mọi người, chẳng có ông anh giáo sư để mà dựa hơi, chẳng giỏi rượu bia để trổ tài cho thiện hạ… lác mắt.

Những ông họ “nhầy” như ngài tiến sĩ nọ thì thường ngày vẫn gặp, nhiều lắm. Dường như đã thành thuộc tính cố hữu, đã là đệ tử lưu linh thì phải “nhầy”, không “nhầy” thì không phải là đệ tử lưu linh, không đạt tiêu chuẩn “cán bộ”.

Vào cuộc nhậu, không kể ngày tết hay ngày thường, bất cứ ở đâu, lúc nào cũng gặp người nhà họ “nhầy”. Họ ép, họ khích kháy người khác, bắt uống cho bằng được để rồi cũng “nhầy” như mình. Triết lí mà họ đưa ra là đã nhậu thì phải tới bến, ai không nhậu “nhiệt tình” thì được coi là "cùi bắp", là "hèn". Với họ, tửu lượng là thước đo cho tình thân, tình bằng hữu.

Ớn nhất là chẳng may ngồi gần mấy đại ca “nhầy”. Hai tay vừa bốc thức ăn hay cầm đùi gà nhầy nhụa mỡ vừa véo tay, giật áo, bấu vai người bên cạnh, bị nhắc nhở thì cười hềnh hệch coi như là một thú vui độc của riêng mình. Có ông mồm đang nhai nhồm nhoàm, nước mỡ nhểu ra bất chợt ghì má người ngồi bên, chụt một cái rõ to rồi ngửa mặt cười ha hả. Tàn cuộc chẳng còn nhận ra chính mình nữa: Mặt mũi cho đến áo quần nhầy nhụa những dầu mỡ, thức ăn…

Còn cái màn “tra tấn” lỗ nhĩ nữa. Cuộc nhậu nào mà chẳng hét lên hết cỡ: Một hai ba! Dô! Trăm phần trăm!... Rồi bình phẩm, rồi khích bác, chê bai đủ kiểu với ngôn từ chợ búa dù cho những bợm nhậu ấy thường ngày vẫn luôn tự vỗ ngực mình là ông nọ bà kia…

Một đất nước mà lượng tiêu thụ bia rượu luôn đứng tốp đầu thế giới, đàn ông Việt uống gấp 4 lần bình quân thiên hạ thì đấy là điều đáng lo ngại. Cho nên chẳng có gì là khó hiểu khi nạn nhậu nhẹt tràn lan từ cán bộ công sở cho đến người dân bình thường, đặc biệt là lớp trẻ. Cái được của việc tiêu thụ bia rượu năm sau cao hơn năm trước có thể tính bằng tiền lời lãi của doanh nghiệp nhưng cái mất vô hình đối với sự phát triển của xã hội, của đất nước chưa ai đong đếm được.

Đó trước là sự tha hóa về đạo đức cũng đồng thời là sự gia tăng của tội ác. Biết bao vụ án đau lòng đã xảy ra, biết bao gia đình khuynh gia bại sản, tan vỡ hạnh phúc vì ma men. Có ông trình độ học vấn nghe rất oai, nhưng hễ rượu vào là lè nhè, về nhà ghen bóng ghen gió hành hạ vợ không thương tiếc, không khí gia đình ngày nào cũng như nhà có đám, vậy mà ở cơ quan ông ta vẫn là điển hình tiên tiến, là cán bộ gương mẫu, khen thưởng hết cấp này đến cấp nọ.

Đó là sự thui chột về trí tuệ, một thực tế đáng lo ngại đối với một “bộ phận không nhỏ” cán bộ công chức hiện nay. Suốt ngày ăn với nhậu, lúc nào cũng sương sương thì những vị công bộc ấy lấy đâu ra tâm huyết, trí tuệ sáng suốt để mà lo nghĩ đến việc công? Vấn nạn công chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về một phần không nhỏ cũng do ma men mà ra cả.

Đó còn là sự hủy diệt chất lượng giống nòi. Hơn bảy mươi năm trước, chúng ta đã từng lên ác tội ác của thực dân khi chúng tìm cách đầu độc dân ta bằng rượu cồn và thuốc phiện. Bây giờ thuốc phiện đã thay bằng ma túy nặng đô hơn, còn rượu độc thì nhan nhản khắp nơi. Biết bao người trong đó có không ít cán bộ đương chức đốt tim gan phèo phổi của mình bằng bia rượu, đành sớm phải từ giã vợ con, bạn bè đồng nghiệp để về với tiên tổ dù cho ngành y cố sức huy động mọi phương tiện “chữa cháy” hiện đại để cứu nguy? Thế mà có địa phương còn ra công văn, chỉ thị cổ vũ cho phong trào uống… bia tỉnh nhà để tăng nguồn thu cho ngân sách (!)

Còn bao nhiêu hệ lụy khác từ bia rượu mà ra khi người ta tự nguyện làm nô lệ cho nó? Có thể bạn đọc sẽ phản ứng lại những điều tôi trao đổi trên đây nhưng chẳng lẽ văn hóa rượu bia lại là như vậy ư?

Tết đã qua rồi nhưng mùa lễ hội thì mới bắt đầu và chuyện bia rượu còn dài dài suốt cả năm. Một phong cách uống rượu bia tao nhã, lịch sự trong sinh hoạt đời thường, góp phần làm đẹp thêm cho văn hóa ẩm thực của đất nước, tại sao không?

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512741

Hôm nay

2278

Hôm qua

2400

Tuần này

2678

Tháng này

219614

Tháng qua

121356

Tất cả

114512741