Cuộc sống quanh ta

Chính phủ kiến tạo để phát triển

CHÍNH PHỦ PHẢI LÀ MỘT CHÍNH PHỦ KIẾN TẠO ĐỂ PHÁT TRIỂN. YÊU CẦU CÁC ĐỊA PHƯƠNG PHẢI COI LỢI ÍCH CỦA NHÀ ĐẦU TƯ LÀ LỢI ÍCH CỦA TỈNH, CỦA ĐẤT NƯỚC. KHÔNG THỂ ĐỂ TÌNH TRẠNG: TRÊN THÌ TRẢI THẢM ĐỎ MÀ BÊN DƯỚI THÌ LẠI RẢI ĐINH. TÂN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC ĐƯA RA NHỮNG YÊU CẦU ĐỂ HỖ TRỢ CÁC DOANH NGHIỆP CHO GIAI ĐOẠN TỚI NÀY.

Cho đến nay, sau khi đã hoàn tất những thay đổi nhân sự ở các cấp cao nhất, truyền thông quốc tế đang dồn sự chú ý vào các chính sách dưới thời bộ máy lãnh đạo mới của Việt Nam. Việc chuyển giao sớm hơn về bộ máy chính phủ so với ở các thời kỳ trước, phần nào cho thấy sự quan tâm đối với yêu cầu khẩn trương xử lý các vấn đề trong cải cách và điều hành kinh tế - xã hội, cũng như yêu cầu nhanh chóng chuẩn bị cho những vận hội, thách thức mới từ quá trình hội nhập quốc tế. Theo những ưu tiên và giải pháp chủ chốt nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2016 của Chính phủ thì Việt Nam vẫn nhấn mạnh yêu cầu cải cách kinh tế vi mô và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, trong một bối cảnh kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định hơn. Chính phủ sắp tới được giao nhiệm vụ cải cách một nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực tư nhân hoá và đối phó với vấn đề về nợ công. Tân chính phủ Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ điều hành một nền kinh tế sau một năm tăng trưởng khá cao, với tỷ lệ tăng 6,7% và một sản lượng trị giá 200 tỉ USD.

Thách thức về nội trị

Ngày 12/4/2016, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam vì lý do hạn hán và ngập mặn. Theo Báo cáo “Cập nhật Kinh tế Đông Á Thái Bình Dương” vừa được WB công bố sáng 11/4, cầu trong nước và xuất khẩu sản phẩm chế tạo của Việt Nam sẽ tăng mạnh nhưng rủi ro vẫn tồn tại do còn bị sức ép về tài khóa và thực hiện tái cơ cấu khá chậm. Từ đầu năm đến nay, đồng bằng sông Cửu Long bị nạn hạn hán và nhiễm mặn khủng khiếp. Cá, tôm, lúa, cây trồng chết như rạ và người nông dân khốn khổ gấp bội so với trước đây. Đấy là bối cảnh không mấy thuận lợi đối với tân chính phủ vừa lên nhận nhiệm vụ. Bên cạnh đối phó với thiên tai, còn nhiều việc phải làm khác như củng cố lãnh vực ngân hàng dễ tổn thương, đẩy mạnh việc bán cổ phiếu các công ty quốc doanh hiện đang rất chậm chạp và quán xuyến số nợ công được ước lượng lên đến trên 60% tổng sản phẩm nội địa. Còn có những thay đổi lớn khác phải thực hiện để phù hợp với các yêu cầu của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), kể cả việc thành lập công đoàn độc lập cho hàng triệu công nhân trong lãnh vực sản xuất đang phát triển.

Vấn đề nợ công giờ đây cũng đã nổi lên một cách gay gắt hơn, hoàn toàn không phải là tỉ lệ từ 50-55% GDP như trước đây vẫn thường báo cáo, mà thực chất, từ năm 2011 đã vọt lên đến ít nhất 98% GDP. Trong khi đó, nợ xấu chiếm đến 17% tổng nợ, nhưng mới chỉ xử lý được chưa đầy 10% bằng “tiền tươi thóc thật”, tức con số báo cáo của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước trước đây nói đã giảm nợ xấu xuống dưới 3% là không chính xác. Cùng lúc, bội chi năm 2016 lên đến 6,1% GDP, chỉ thua mức bội chi năm 2013 là 6,3% GDP, nhưng hơn hẳn con số 4,5% GDP mà chính phủ trước đây đã cam kết với Quốc hội vào cuối năm 2015. Bội chi đến thế mà các địa phương xin kế hoạch chi cho năm 2016 vẫn đưa tổng chi dự kiến gấp 20,5 lần con số mà ngân sách trung ương có thể chi, chứng tỏ những kế hoạch xây trụ sở, các công trình ngàn tỉ hoặc chục ngàn tỉ vẫn còn nguyên vẹn, nằm chờ ngân sách vay mượn từ Viện trợ ODA.

Trước đó, tháng 12/2015, WB cũng đã đột ngột quyết định ngừng cung cấp các khoản vay ưu đãi đối với Việt Nam. Vào đầu năm 2016, cả hai chuyến làm việc tại Hà Nội của Chủ tịch nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Jong Kim và Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde đều không mang lại bất cứ hứa hẹn nào về việc Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ tiếp tục cho Việt Nam vay vốn ưu đãi. Chúng ta đều biết rằng, WB và IMF từng chiếm một tỉ trọng rất lớn trong tổng vốn cho Việt Nam vay. Tháng 3/2016, đến lượt Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) cũng tuyên bố ngừng cho Việt Nam vay vốn ODA ưu đãi. Như vậy là sau Đại hội XII Đảng Cộng Sản và kỳ họp thứ XIII Quốc hội Việt Nam, việc ưu tiên trước mắt của Ban Lãnh đạo mới chính là trả nợ. Chỉ riêng năm 2016, số tiền phải trả nợ chiếm tới gần 1/4 số thu ngân sách, tương đương khoảng 150.000 tỉ đồng. Những năm sau đó còn phải trả nhiều hơn. Nhưng “hầu bao” nhà nước thì thế nào? Cuối năm 2015, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh lần đầu tiên tiết lộ “ngân sách trung ương chỉ còn 45.000 tỉ đồng”. Còn vào đầu năm nay, Viện trưởng Kinh tế Trung ương Trần Đình Thiên phải kêu lên “ngân sách năm nay gay rồi!”.

Báo cáo Việt Nam 2035, do Chính phủ Việt Nam và Nhóm Ngân hàng Thế giới cùng thực hiện, đề ra những biện pháp cải cách chủ yếu nhằm giúp Việt Nam – một nước thu nhập trung bình thấp - phát triển kinh tế, nâng cao công bằng xã hội, và xây dựng được một nền quản trị hiện đại trong vòng 2 thập kỉ tới. Báo cáo được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia đến từ Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và nhiều chuyên gia khác từ Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đã kết luận: “Để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là thực hiện cải cách. Nếu không, chúng ta không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức, và nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khó có thể tránh khỏi”. Phát biểu của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói lên một sự thật hiển nhiên: Nếu không cải cách thật mạnh mẽ và triệt để, vẫn tiếp tục cách lựa chọn như đã theo đuổi suốt những năm qua, Việt Nam sẽ ngày càng gặp khó khăn hơn so với đòi hỏi phát triển mới của chính mình và so với những thách thức từ thế giới bên ngoài, nguy cơ tụt hậu và rơi vão bẫy thu nhập trung bình là khó tránh khỏi.

Khó khăn ngoại giao

Chính sách đối ngoại không chỉ là lĩnh vực riêng của Bộ trưởng Phạm Bình Minh; nhưng khi trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, uy tín và sứ mệnh của vị Ngoại trưởng này sẽ chịu áp lực và thách thức lớn hơn. Một trong những thách thức của ngoại giao hiện nay là làm sao tạo được thế quân bình giữa các nước lớn đang theo đuổi các lợi ích đối ngẫu của họ với nhau ở Việt Nam và trong khu vực. Điều này rất cần có bản lĩnh và sáng tạo. Trước đây rất lâu, Việt Nam từng tuyên bố, muốn là bạn của tất cả các nước. Nhưng ngay trong giới ngoại giao chuyên nghiệp, sau một thời gian thực hiện phương châm “đa dạng hóa” ấy, đã từng có nhiều ý kiến cho rằng, không thể duy trì mãi một khẩu hiệu chung chung như thế! Làm bạn với tất cả: đối tác, đối tượng đều là bạn, kẻ thù và người giúp chống kẻ thù đều là bạn cả, thì nghe không ổn, chứ chưa nói đến thực thi! Không hoàn toàn ngẫu nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội vừa qua cũng nêu đòi hỏi phải xác định rõ hơn khái niệm bạn thù trong hoàn cảnh mới. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đã tích hợp giữa các yêu cầu về nội trị và ngoại giao: “Bạn là những ai ủng hộ một nước Việt Nam độc lập, chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn thù là thế lực thù địch, đó là những thế lực cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn, an ninh của đất nước”.

Một đại biểu khác, ông Lê Văn Lai từ tỉnh Quảng Nam, khi đọc các tờ trình về Biển Đông, đã tỏ ra hoài nghi về những đánh giá lạc quan trong các báo cáo ấy. Đại biểu Lê Văn Lai chỉ ra hàng loạt diễn biến “không thể coi là bình thường”. Theo vị đại biểu này “Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của chúng ta với tần suất 20 năm một lần. Năm 1956 chiếm Đông Hoàng Sa. Năm 1974 lấy Tây Hoàng Sa. Năm 1988 lấy đảo Gạc Ma. Năm 2014 kéo giàn khoan vào Biển Đông và sau đó tần suất dày hơn, để xâm lấn chủ quyền. Trong khi chúng ta ngồi đây và yên bình đánh giá là đảm bảo chủ quyền quốc gia. Liệu điều đó có công bằng. Đánh giá như thế thì chúng ta đưa ra quyết sách, sự phản đối, đối kháng đã đủ chưa, phù hợp không?” Nhìn cách đặt vấn đề thẳng thắn như vậy, rõ ràng thời gian qua, chúng ta chưa bảo vệ tối đa độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của quốc gia. Cục diện thế giới ngày nay đang đặt ra những thách thức lớn hơn bội phần so với cách đây 5—7 năm. Riêng trong hai năm 2014 – 2015 Trung Quốc đã xây xong và đưa vào sử dụng hành lang các căn cứ quân sự xây trên các đảo và bãi đá tại Hoàng Sa – Trường Sa lấn chiếm của nước ta. Cái “Vạn lý trường thành trên Biển Đông” này (từ của Đô đốc Harry Harris) đang đặt Việt Nam vào trạng thái bên miệng hố chiến tranh! Nghĩa là, hiện nay đang có khoảng cách ngày càng lớn giữa một bên là các thách thức Việt Nam đang phải đối phó với một bên là khả năng thích nghi không tới tầm của Việt Nam[1].

Trong bối cảnh ấy, tờ “Hoàn Cầu Thời Báo”[2], Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc lại khuyên Việt Nam không nên thay đổi (!). Tờ báo đánh giá, vừa qua Việt Nam có một chính sách đối ngoại duy trì các quan hệ hữu nghị với tất cả các cường quốc: Trung Quốc, Nga và Mỹ, trong khi không ngả về bất cứ nước nào. Bài báo kết luận rằng bất kể những thay đổi nhân sự sâu rộng tới chừng nào, chính sách ngoại giao của Việt Nam sẽ không thay đổi đáng kể. Mặc dù cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, một nhân vật đầy thế lực từng ủng hộ cải cách kinh tế đã ra đi, nhưng chính phủ mới theo dự kiến sẽ duy trì các chính sách tương tự. Về cuộc tranh chấp trên Biển Đông mà tờ báo này cũng cho là thử thách lớn nhất giữa Bắc Kinh và Hà Nội, trong bối cảnh các cường quốc thế giới, kể cả Mỹ và Nhật Bản, đang “chống lưng” cho Hà Nội, bài bình luận cho rằng, Việt Nam hiểu rất rõ về tầm quan trọng của nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc, đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam trong 12 năm liên tiếp. Và với sự trỗi dậy tiếp tục của Trung Quốc, Việt Nam sẽ ngày càng lệ thuộc hơn vào nước này về mặt thương mại và kinh tế. Tờ báo cũng nêu lên những ảnh hưởng sâu đậm của Khổng Tử đối với nền văn hoá của Việt Nam.

Bình luận về việc Việt Nam mới đây đã bắt tàu của Trung Quốc vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền của ta, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một chuyên gia về các vấn đề quan hệ quốc tế hiện làm việc tại Singapore đã phát biểu: Lâu nay thái độ của Việt Nam đối với các tàu vi phạm của Trung Quốc là họ thường xua đuổi ra khỏi vùng biển Việt Nam, tuy nhiên vừa rồi Việt Nam lại cho bắt giữ và công khai các thông tin này trên báo chí chính thống. TS Hiệp cho rằng về phương diện nào đó, có sự thay đổi trong thái độ của Việt Nam đối với vấn đề này, thể hiện một quan điểm cứng rắn hơn. Tuy nhiên, cũng theo ông Hiệp, “chúng ta khó có thể xác định nguyên nhân chính xác sau sự kiện này là gì. Tôi nghĩ rằng nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam muốn thể hiện một thái độ cương quyết hơn, cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng áp đặt sức mạnh trên Biển Đông”. Vị TS về quan hệ quốc tế cũng cho rằng, có thể nó liên quan ít nhiều đến quá trình thay đổi nhân sự ở Việt Nam gần đây, cũng như là vị thế được tăng cường của Việt Nam thông qua mối quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác. Tuy nhiên điều nhà nghiên cứu quốc tế này chắc chắn hơn cả là Việt Nam muốn thể hiện một sự cứng rắn hơn của mình trong thái độ với Trung Quốc, do Việt Nam không thể tiếp tục kéo dài sự im lặng hay nhún nhường trước những vi phạm của Trung Quốc./.

 



[1] Bài tham gia Hội thảo "Quan hệ Mỹ - Nga - Trung trong bối cảnh thế giới mới và vấn đề đặt ra cho Việt Nam" - của Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, ngày 24-03-2016.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558420

Hôm nay

218

Hôm qua

2384

Tuần này

21979

Tháng này

225963

Tháng qua

122920

Tất cả

114558420