6 giờ sáng, người dân tập trung rất đông xung quanh khu vực nhà tang lễ Bệnh viện quân y 4 (TP Vinh, Nghệ An) dự lễ viếng, lễ truy điệu Đại tá Trần Quang Khải. Nhiều người dân vượt đường sá xa xôi, thức dậy lúc sáng sớm để tiễn Đại tá Trần Quang Khải về nơi quê nhà... Hai bên đường người đến dự lễ viếng chật lối đi, ai cũng muốn nán lại để tiễn đồng chí Khải thêm một đoạn đường. Trong nắng hạ, bầu trời trong xanh, từng dòng người mang theo nỗi xúc động và những vòng hoa tươi thắm muốn bày tỏ sự tiếc thương đối với một người quân nhân đã hy sinh vì đất nước.
Trong dòng người đến đưa tiễn, chúng tôi trò chuyện Trung úy Phan Duy Tứ, Phi công, Phi đội 1, Trung Đoàn 923, Sư đoàn 371, cùng đơn vị với Đại tá Trần Quang Khải. Anh không nén được lòng mình, ngẹn ngào: “Tôi rất vinh dự, tự hào từng được sống và công tác cùng anh Khải. Anh vừa là người thầy, vừa là người anh, là người chỉ huy mẫu mực. Anh sống tình cảm, luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người. Tôi mới ra trường và đã được bay cùng anh Khải... Anh Khải đã tận tình hướng dẫn, truyền đạt cho tôi nhiều kinh nghiệm bay. Bây giờ, anh đã ra đi, nhưng lớp phi công trẻ trong đơn vị chúng tôi nguyện tiếp bước anh, sẽ ra sức học tập, huấn luyện, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc! Từ nay, mỗi chuyến bay lên bầu trời của chúng tôi, luôn có hình ảnh thân thương, gần gũi và tin tưởng của Đại tá Trần Quang Khải"
Chị Nguyễn Thị Hưng, Hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã thức dậy lúc 1 giờ sáng để vào TP Vinh, dự lễ viếng. Đôi mắt chị rưng rưng, chị Hưng nghẹn ngào nói: “Lâu nay, tình cảm kết nghĩa giữa Trung đoàn không quân 923 và trường Tiểu học thị trấn Lam Sơn rất gắn bó, yêu thương nhau như anh, chị em ruột thịt. Hôm nay, các thầy cô giáo nhà trường vào đây để cùng thân nhân gia đình, đồng đội đón và đưa anh Khải về quê nhà. Chúng tôi muốn được ở bên cạnh anh ấy những giây phút cuối cùng... Anh Khải đã hy sinh, nhưng hình ảnh về một người anh với nụ cười hiền lành, người cán bộ quân đội mẫu mực sẽ mãi in đậm trong tâm trí và trái tim thầy trò chúng tôi ”.
Thời tiết rất oi nóng. Người dân và các đoàn, đơn vị đến viếng trật tự, trang nghiêm vào viếng Trần Quang Khải. Nhiều cụ già đã luống tuổi, tóc bạc, lưng còng, các bạn thanh thiếu niên chưa từng gặp mặt Đại tá Trần Quang Khải bày tỏ sự mong muốn được thắp hương, tiễn đưa anh về đất mẹ.
Bạn Nguyễn Văn Thực (xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) sinh viên năm thứ 2, Học viện cảnh sát nhân dân nói: “Tôi vừa về quê nghỉ hè tối hôm qua, nghe tin lễ viếng Đại tá Trần Quang Khải được tổ chức tại Bệnh viện Quân y 4 tôi liền đến đây... Tôi thật sự xúc động trước sự hy sinh và sự cống hiến của anh. Đại tá Trần Quang Khải sẽ là tấm gương cho thế hệ trẻ chúng tôi học tập và noi theo”.
Trong niềm thương tiếc người đồng đội xuất sắc của mình, Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Chính ủy Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân tâm sự: “Đồng chí Trần Quang Khải là người rất chất phác, sống hòa đồng với đồng chí, đồng đội. Trên cương vị là người chỉ huy trung đoàn, đồng chí luôn đi sâu, đi sát với tất cả mọi hoạt động của đơn vị. Đặc biệt, trong công tác huấn luyện bay và thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Về công tác chuyên môn, là một phi công đồng thời là giáo viên bay, đồng chí đã đào tạo, kèm cặp được rất nhiều phi công trẻ của trung đoàn nâng cao trình độ, kỹ thuật bay, thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu... Đồng chí Trần Quang Khải là tấm gương về lòng dũng cảm, sự cần cù chịu khó trong thực hiện nhiệm vụ để cán bộ, chiến sỹ đơn vị chúng tôi học tập. Chúng tôi xin hứa trước vong linh đồng chí Khải, sẽ cùng cán bộ, chiến sỹ trong Sư đoàn thực hiện tốt phần việc mà đồng chí Khải để lại...
10 giờ cùng ngày. Đoàn xe đưa tiễn Đại tá Trần Quang Khải rời Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 4 về Bắc Giang. Đồng đội, nhân dân TP Vinh đi theo cùng đoàn xe một quãng đường dài... Người dân TP Vinh đứng chật hai bên đường đưa tay chào... Bầu trời xanh trong vô ngần. Dường như, ở trên ấy, thấp thoáng những chuyến bay...