Nhân dịp mộc bản Trường Phúc Giang được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới, chúng tôi xin giới thiệu về nội dung bản Thư viện quy lệ - Một trong những nội dung quan trọng của tư liệu mộc bản Trường Phúc Giang.
Nhân dịp mộc bản Trường Phúc Giang được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới, chúng tôi xin giới thiệu về nội dung bản Thư viện quy lệ - Một trong những nội dung quan trọng của tư liệu mộc bản Trường Phúc Giang.
1. Thư viện Phúc Giang
Thư viện Phúc Giang (福江書院/Phúc Giang thư viện) do Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) thành lập, nằm ở làng Trường Lưu, nay thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện chưa có một tài liệu nào ghi chép cụ thể về thời gian thành lập Thư viện Phúc Giang, nhưng dựa vào những cứ liệu hiện có, thì chúng ta có thể biết được thư viện này đã được thành lập trước năm 1767 (năm Đinh Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28)([1]). Tuy nhiên, khái niệm Thư viện Phúc Giang không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là một thư viện chứa sách, mà chính là một trường học kiêm thư viện, vì nơi đây không chỉ “chứa mấy vạn quyển sách([2])” mà còn là nơi mà “học trò đến mấy nghìn người, nhiều người thành đạt([3])”. Điều đó chứng tỏ rằng Thư viện Phúc Giang là một trung tâm giáo dục, trung tâm văn hóa lớn đương thời ở xứ Nghệ nói riêng và cả nước nói chung. Thư viện Phúc Giang không chỉ là nơi tổ chức thực hiện biên soạn và khắc in sách vở, mà còn là nơi giảng dạy học tập các sách kinh điển và đào tạo học trò, “trường học Phúc Giang đã đào tạo được hơn 30 vị tiến sĩ còn hương cống, cử nhân thì nhiều không kể xiết, nhiều người trong số họ là các nhà hoạt động xã hội xuất sắc, là các nhà giáo nổi tiếng([4])”.
2. Kho mộc bản của dòng họ Nguyễn Huy
Năm 2013, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện số hóa, sử dụng kỹ thuật chụp âm bản chuyển thành dương bản toàn bộ kho mộc bản của dòng họ Nguyễn Huy([5]).
Kết quả kiểm kê cho thấy, kho mộc bản của dòng họ Nguyễn Huy hiện còn tổng cộng 715 mặt ván in, tức tương ứng với 715 tờ, con số này là quá ít so với số mộc bản thực tế, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan nên số mộc bản nói trên chỉ còn lại số lượng ít ỏi như vậy. Theo Tiến sĩ Phạm Văn Ánh, thì được biết “một cách tổng thể, các ván in này thuộc về ba sách: 1/ Ngũ kinh toản yếu đại toàn (五經纂要大全), 2/ Tính lí toản yếu đại toàn (性理纂要大全), 3/ Thư viện quy lệ (書院規例)([6])”. Thực tế thì các sách được khắc in và lưu trữ tại đây không chỉ giới hạn ở 3 sách nêu trên, vì còn nhiều loại sách khác được khắc in và tàng bản ở đây. Tuy nhiên, trên cơ sở số mộc bản còn lại thì thấy, nội dung chỉ xoay quanh các sách mà Tiến sĩ Phạm Văn Ánh đã khảo sát, đó chủ yếu là các sách thuộc hệ thống kinh điển Nho học.
2. Nội dung bản Thư viện quy lệ
2.1. Tình hình văn bản
Bản Thư viện quy lệ 書院規例tổng cộng có 6 tờ, tức 6 mặt ván in([7]), nhưng hiện nay chỉ còn lại 5 ván in, bao gồm các tờ đầu (首/thủ), tờ 3 (三/tam), tờ 4 (四/tứ), tờ 5 (五/ngũ) và tờ 6 (六/lục), thiếu tờ số 2 (二/nhị). Kích thước mỗi ván in là 30 x 20 x 2cm. Trong 5 tờ còn lại, chỉ duy nhất tờ số 3 là còn nguyên vẹn đầy đủ về nội dung, các tờ còn lại ít nhiều đều bị hư hỏng mất chữ, trong đó hai tờ số 4 và số 5 là mất nhiều chữ nhất.
Ở ngay chính giữa của mỗi tờ, bên trên khắc 4 chữ “Thư viện quy lệ 書院規例” (Các quy định ở thư viện), chính giữa khắc số thứ tự tờ (ván in), bên dưới khắc 4 chữ “Thạc Đình lưu bản 碩亭留” (Thạc Đình giữ bản in). Nội dung ở tờ thứ 6 cho chúng ta biết được thông tin về người thảo ra bản lệ quy này và thời gian khắc in như sau: “Thời, Hoàng triều Cảnh Hưng Cường ngữ Đại uyên hiến, phụng sứ đại bồi thần Nguyễn Lựu Trai thư vu Bắc Kinh Hội đồng quán. 時, 皇朝景興強圉大淵獻, 奉使大陪臣阮榴齋書于北京會同館” (Năm Đinh Hợi niên hiệu Cảnh Hưng (1767), Đại bồi thần vâng lệnh đi sứ là Nguyễn Lựu Trai viết ở quán Hội đồng tại Bắc Kinh). Điều khá thú vị là ở cách ghi dòng niên đại, ở đây tác giả không ghi niên đại theo lịch can chi truyền thống, mà ghi theo lịch Tuế dương, tức lịch Thái tuế. Trong đó, “cường ngữ 強圉” tương ứng với can “Đinh 丁” , “Đại uyên hiến 大淵獻” tương ứng với chi “Hợi 亥” trong lịch can chi. Như vậy, Nguyễn Huy Oánh đã thảo ra bản Thư viện quy lệ này trong dịp ông đi sứ nhà Thanh năm 1765- 1766. Thông tin ở cuối tờ số 6 còn cho biết, người khắc in bản Thư viện quy lệ này là Đệ tử Nguyễn Huy Vượng 弟子阮輝旺刊.
2.2. Nội dung[Do khuôn khổ có hạn, chúng tôi in nguyên văn chữ hán và phiên âm; Sẽ đăng tải trên phjieen bản điện tử vanhoanghean.com.vn]
Các quy định ở Thư viện Phúc Giang [bản dịch nghĩa]
Tựu vị (đứng nghiêm trang), Thầy hướng dẫn trò cùng vào trước bàn thờ. Cúc cung bái (cúi lạy) [...], Quán tẩy (rửa tay), Thầy đi tới chỗ chậu rửa, rửa tay, dùng khăn tay lau tay. Nghệ hương án tiền (tới trước hương án) [...]. Thượng hương (dâng hương). Thầy [...] vốn có, nước An Nam [...], (mỗ) sinh năm, tuổi..., mới nhập học [...].
Phủ phục (Cúi lạy). Hưng, bình thân, phục vị (Đứng lên, đứng ngay thẳng, trở về vị trí).
Sơ hiến lễ (Dâng rượu tuần đầu). Viện sư quán [...] (Thầy rửa [...]). Hưng, bình thân (Đứng thẳng). Viện sư phục vị (Thầy trở về vị trí).
Độc chúc (Đọc văn tế). Thầy cùng với trò đều quỳ xuống, người đọc văn tế lấy bản văn tế tuyên đọc.
Quốc hiệu, giờ, ngày, tháng, năm (can chi). Nguyễn (tên chủ tế) cùng [...] thuộc xã…huyện…phủ…nước An Nam. Kính cẩn giải bày trước thần vị chư Thánh Tiên sư Khổng Tử, trò mới nhập tiểu học([8]), cúi xin hành lễ. Kính nhớ tiên sư Tổ thuật Nghiêu Thuấn, san định pháp độ, điển chương, Lục kinh để lưu truyền muôn thuở. Nay học trò mới kính bày lễ vật [...].
Phủ phục (Cúi lạy). Hưng bình thân (Đứng thẳng). Phục vị (Trở lại vị trí). Á hiến lễ (Dâng rượu tuần thứ hai). Thầy rửa tay rồi tới trước Thánh vị, châm rượu, dâng tế Thánh vị tứ phối([9]).
Mỗi khoa khi mà học trò học trong thư viện được dự trúng kỳ thi Hương, thì cả trò và thầy viết giấy báo tiệp dán ở trên tường của thư viện, để tuyên dương (giấy viết thì dùng loại giấy nhuộm hùng hoàng của Trung Quốc).
Thể thức viết giấy báo tiệp Hương cống:
- Báo tiệp
Quý Viện đại tông, các quan, cùng các học trò trong viện. Ông Nguyễn cùng con là Nguyễn mỗ. Nay Khoa thi … ngày … tháng, ra bảng đã trúng Hương vi. Nay báo tin mừng. Tiền trình thật xán lạn.
- Báo tiệp
Quý Viện đại tông, các quan, cùng các học trò trong viện. Ông Nguyễn cùng con là Nguyễn mỗ. Nay Khoa thi … ngày … tháng, Xướng danh dự trúng Hương cống (xếp thứ mấy). Nay báo tin mừng. Trúng liền Tam nguyên([10]).
Nếu trong chi phái và trong hội nào mà có con em cùng với học trò trong viện dự trùng kỳ thi Hội (Hội bảng) thì dùng loại giấy chu sa đỏ của Trung Quốc viết giấy báo tiệp, dán lên tường của viện, rồi ở phía bên ngoài cổng viện lại dựng một cây cờ (đậu Tam khôi thì cờ cao 30 thước, đậu Tiến sĩ thì cờ cao 20 thước) để tỏ sự vinh diệu.
Thể thức giấy báo tiệp thi Hội:
- Báo tiệp:
Quý Viện đại tông, các quan, cùng các học trò trong viện. Ông Nguyễn cùng con là Nguyễn mỗ. Nay Khoa thi … ngày … tháng..., yết bảng đã trúng kỳ Xuân vi, đỗ Tiến sĩ (xếp thứ mấy). Nay báo tin mừng. Nhất phẩm đương triều.
Hàng năm, cứ ngày mùng Hai tháng Giêng. Chủ hội chuẩn bị một hộp trầu cau, 1 bình rượu, [giá tiền 1 mạch]. Mọi người trong Hội cùng đến Thư viện làm lễ Khai hạ. Chiếu theo thứ bậc, sẽ bầu một người luân phiên làm Chủ hội trong một năm. Phàm gặp các ngày rằm, mồng Một hàng tháng, thì vào buổi sáng đến thắp hương (hương đó do Chủ hội biện ra).
Số tiền lời thu được trong vòng một năm, nếu gặp các ngày tế lễ hay hội hè ca hát, thì chuẩn bị đầy đủ các loại như chiếu, tre, nứa [...], [nếu theo thứ tự đến lượt người được bầu làm Hội chủ mà vì việc khác thì phải bẩm báo được chấp thuận để người thứ tự tiếp theo thay thế], mọi việc cùng hội bàn bạc.
Nếu con cháu [...]
Hàng năm [...] giữ lại tiền lời, biện 3 mâm xôi [...] trầu, trà, rượu. Trong đó, chuẩn tiền mỗi mâm là 2 quan 5 mạch. Vẫn thỉnh Hội tư văn của bản thôn [...], trong Hội mà con em phụ nữ ai có thể đến lễ bái được thì đều đến dự [...], không được cáo vắng. Khi lễ xong thì học trò các chi các phái mới được vào lạy, [...] số mâm tuế thì tùy theo số người đến đưa lễ và kính khách khứa hương ẩm một mâm. Các hội tuyên đọc, ca hát ngoài chủ Hội thì toàn Hội đều được chia đồ ăn [Mỗi một mâm đều dùng mỹ vị] [...], tại gian chính giữa để nghe hát [Hội chủ chiếu theo thứ bậc mà ngồi trước sau], gian bên trái là nơi đặt chiếu ngồi của các chi phái, gian bên phải là nơi cho các chức sắc hương đảng đặt chỗ ngồi. Hoặc như [...] [Hoặc có thể dùng tiền của viện để tạm dựng gian nhà tranh cũng được, đến giờ Thân sẽ tiễn khách].
Nghi thức tế lễ:
Tự lập (Đứng nghiêm trang). Phần hương (Dâng hương). Cúc cung bái (Cúi lạy). Bình thân (Đứng thẳng). Hội thủ nghệ vị tiền, quỵ (Chủ Hội tiến về phía trước, quỳ xuống). Châm tửu (Rót rượu). Đồng hội giai quỵ (Toàn Hội đều quỳ). Độc chúc (Đọc văn tế). Phủ phục (Lạy mẹp). Hưng - bái (Lạy hai lạy). Hưng - bái (Lạy hai lạy). Hưng giai bái (Toàn hội lạy hai lạy). Bình thân (Đứng thẳng). Quỵ (Quỳ xuống). Hội thủ độc quỵ (Mình chủ Hội quỳ). Châm tửu (Rót rượu). Phủ phục (Lạy mẹp). Hưng, bình thân (Đứng thẳng). Quỵ (Quỳ xuống), hội thủ độc quỵ (Mình chủ Hội quỳ). Châm tửu (Rót rượu), phủ phục (Lạy mẹp). Hưng, bình thân (Đứng thẳng), hội thủ phục vị (chủ Hội trở về vị trí). Cúc cung bái (Cúi lạy). Bình thân (Đứng thẳng). Phần chúc (Hóa văn tế). Lễ tất (Lễ xong).
Mẫu văn tế:
[...] Năm, tháng, ngày mùng Một, can chi (giờ) [...] đệ tử trong Hội Mộc ân([11]) (Chủ Hội đứng đầu, những người còn lại theo thứ bậc đứng trước sau), kính cẩn dâng lễ, xôi, rượu [...] (Trường sinh lộc vị([12]) [...] Tam dương khai thái, nay tiết Mạnh xuân, lễ đặt theo nghĩa, thân gần đã đến, tốt lành ban xuống, che chở cháu con [...]
[...] Cẩn cáo
Mức thưởng cho hội ca hát là: Tiền 6 mạch, một bữa ăn 2 mâm [Mâm cơm đó do Hội chủ biện ra].
Hàng năm, vào dịp tháng Tư, ngày lễ Thường tân (lễ tiến phẩm vật đầu mùa cho người trên) thì Hội Mộc ân cùng với các chi phái và trong bản thôn nếu có con em là học trò trong viện, thì mỗi nơi phải biện một mâm cơm để kính tế, [Mâm cơm đó chủ nhân để lại thì do Hội chủ biện ra], lễ xong thì được mang về.
Hàng năm, vào ngày 17 tháng 9, buổi sáng sớm, phải biện lễ đầy đủ gồm vàng bạc, trầu, rượu, hoa quả [...] ở viện lạy 4 lạy. Trong lễ đó, các chi phái học trò, nam nữ đều phải đến hầu [...] phải nhanh chóng đến tham dự, không được cáo vắng. Nếu người nào đang phụng lệnh ở kinh [...]
Hàng năm, vào ngày 21 tháng 12, toàn bộ những người trong Hội cùng đến viện lễ bái [...], kiểm tra tiền lời cho đủ số đã ghi rõ ràng trong sổ sách, [nếu có thiếu thì phải lấy tiền bồi thường ở chủ Hội], rồi đem tiền vốn [...] trong sổ bạ tính toán lấy số tiền lời là 3 quan 5 mạch để dành cho việc chi dùng sang năm [...], gửi cho Tộc trưởng hay người giữ chức quyền ở địa phương giữ, số còn dư thì đem chia đều, [Ngày hôm đó làm 2 mâm cơm thường, chuẩn chi số tiền là 2 mạch].
Đầu năm mới, vào ngày lễ Khai hạ thì toàn Hội cùng tập trung tại nhà Tộc [...]
[Tờ số 6, ảnh 0531 bản số hóa]
Học trò lấy phẩm hạnh làm đầu, mọi việc phải hợp với quy định, phải đúng mực thước, muốn giữ mình cho được vẹn toàn thì phải có đủ các đức hiếu, đễ, hòa mục [...] làm người mà không hổ thẹn với chính mình. Giữ khí chất liêm sỉ, thì có thể giáo hóa được kẻ thô lậu thành người độ lượng, kẻ đức mỏng thành người đôn hậu, đó là công năng của tố chất bên trong. Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân (Thu)([13]) [...] người học không phụ công lao sinh thành của cha mẹ.
Quan Văn lâm lang Triệu Kỳ của Thiên Triều.
Sách Thánh hiền có ngàn câu vạn chữ, vốn chẳng phải là công cụ để hậu thế dành chiếm khoa danh, mà nên phải chiêm nghiệm từ bản thân mình.
Chúng ta đọc sách tạp học cổ xưa([14]), thực là như thuốc châm cứu cho kẻ mù ngày nay, nhưng chẳng ai nhận ra đó là lời lẽ khuôn sáo.
Quan Trung hiến đại phu thiên triều Trần Triệu.
Thuận theo tính gọi là đạo, vua tôi, cha con, anh em, vợ chồng, bè bạn, từ xưa đến nay, đó là cương thường luân lý.
Giữ điều thiện đó là thầy, học rộng, hỏi kỹ, nghĩ sâu, biện rõ, chăm làm, từ hiền tới thánh, phải nên tận lực cả hai.
Tiến sĩ Hồ Nam Phiên bộ Lễ Thiên triều.
Theo đất trồng cây, ngay chỗ giao nhau giữa Hành sơn và Diễn thủy, hai bên núi dựng sông chảy, quyết không sót nơi biên cương.
Vì người lập giáo, đức lớn tài cao, rồi sau thống nhất lễ nhạc, quả là đấng phụ bật quốc gia.
Thiên triều Tổng đốc Đường Anh.
Năm Đinh Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng, Đại bồi thần phụng mệnh đi sứ là Nguyễn Lựu Trai viết tại Quán Hội đồng ở Bắc Kinh.
Đệ tử Nguyễn Huy Vượng khắc in.
3. Một số nhận xét bước đầu:
Qua nội dung bản Thư viện quy lệ trên đây, chúng ta thấy đó hoàn toàn không phải là những quy định liên quan đến hoạt động như thư viện hiện đại, hay nói đúng hơn là khái niệm “thư viện” ở đây là chỉ về phạm vi một trường học, với những quy định cụ thể về các nghi thức hành lễ mà người học phải tuân theo. Những quy định chặt chẽ thiên về lễ pháp đó còn cho chúng ta thấy một xã hội và môi trường giáo dục đặc biệt coi trọng chữ “lễ”. Người muốn xin vào học phải có lễ, làm lễ, vào học rồi phải tuân theo các nghi lễ của thư viện dưới sự dẫn dắt của các viện sư.
Trong Thư viện có những quy định chi tiết về cách thức viết giấy báo tiệp dành cho những người thi đỗ trong kỳ thi, những ai đỗ đạt đều được viết giấy dán lên tường của Thư viện. Việc làm này không chỉ nhằm biểu dương bản thân người học, tôn vinh người thầy, mà đó còn nhằm khích lệ tất cả “viện sư” và “đồng sinh”, phải xem những người đỗ đạt đó là những tấm gương mẫu mực để noi theo. Điều đó cũng thể hiện sự kính trọng và tôn vinh đặc biệt dành cho những người theo nghiệp khoa cử.
Bản Thư viện quy lệ còn sao chép những câu nói của các quan “thiên triều”, đó là những câu nói hàm súc, cô đọng được trích rút từ kinh điển thánh hiền nhằm răn dạy và nhắc nhở người học phải noi theo.
Có thể nói, những gì mà Thư viện Phúc Giang làm trong quá khứ đã có những đóng góp to lớn đối với giáo dục và văn hóa xứ Nghệ nói riêng và cả nước nói chung. Những thành tựu, kết quả và di sản của Thư viện Phúc Giang là điều mà sử sách đã ghi nhận, đó là điều mà ngày nay chúng ta tích cực học hỏi và phát huy./.
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Huy Mỹ, “Lịch sử, nguồn gốc, bối cảnh xuất xứ của Mộc bản Trường Lưu”, Kỷ yếu Hội thảo Nghiên cứu bảo tồn mộc bản Trường Lưu, Hà Tĩnh, 27/3/2015.
[2] Nguyễn Tá Nhí, “Bàn thêm về nội dung các sách được khắc in ở Phúc Giang thư viện”, Kỷ yếu Hội thảo Nghiên cứu bảo tồn mộc bản Trường Lưu, Hà Tĩnh, 27/3/2015.
[3] Nguyễn Hữu Tâm, “Tìm hiểu về Phúc Giang thư viện, nơi lưu giữ kho mộc bản của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu”, Kỷ yếu Hội thảo Nghiên cứu bảo tồn mộc bản Trường Lưu, Hà Tĩnh, 27/3/2015.
[4] Phạm Văn Ánh, “Lược khảo về các bản ván gỗ hiện lưu tại gia tộc Nguyễn Huy Trường Lưu”, Kỷ yếu Hội thảo Nghiên cứu bảo tồn mộc bản Trường Lưu, Hà Tĩnh, 27/3/2015.
[5] Lại Văn Hùng (chủ biên). Kỷ yếu Hội thảo khoa học Danh nhân văn hóa Nguyễn Huy Oánh. Viện Văn học, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, 2008.
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, bản dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006.
[7] Nguyễn Huy Mỹ chủ biên, Các tác giả dòng văn Nguyễn Huy - Trường Lưu cuộc đời và tác phẩm, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2012.
([1])Đây là ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm (Viện Sử học). Xem thêm: Nguyễn Hữu Tâm, “Tìm hiểu về Phúc Giang thư viện, nơi lưu trữ kho mộc bản của dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Nghiên cứu bảo tồn mộc bản Trường Lưu, tr. 57.
([2])Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, bản dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 237.
([4]) Nguyễn Huy Mỹ, “Lịch sử, nguồn gốc, bối cảnh xuất xứ của mộc bản Trường Lưu”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Nghiên cứu bảo tồn mộc bản Trường Lưu, tr. 38.
([6]) Phạm Văn Ánh, “Lược khảo về các bản ván gỗ hiện lưu tại gia tộc Nguyễn Huy Trường Lưu”, Kỷ yếu Hội thảo Mộc bản Trường Lưu, tr.40-59.
([7]) Một số tác giả như Nguyễn Huy Mỹ, Nguyễn Tá Nhí cho rằng bản Thư viện quy lệ có 7 ván in là không đúng. Xem: Nguyễn Huy Mỹ, bđd, tr.40. Nguyễn Tá Nhí, “Bàn thêm về nội dung các sách được khắc in ở Phúc Giang thư viện”, Kỷ yếu Hội thảo Mộc bản Trường Lưu, tr.43.
([8]) Tiểu học: Khái niệm Tiểu học ở đây không phải là chỉ một cấp học như bậc Tiểu học trong hệ thống giáo dục phổ thông của chúng ta hiện nay. Mà đây là một khái niệm thuộc nền giáo dục khoa cử truyền thống. Tên gọi Tiểu học 小學thấy xuất hiện sớm nhất trong Hán thư ·Nghệ văn chícủa Ban Cố (32 – 92 CN) thời Đông Hán. Sách Hán thư ·Nghệ văn chí 漢書·藝文誌căn cứ vào Thất lược 七略của Lưu Hâm 劉歆(? – 23 CN) cuối đời Tây Hán đã gọi chung các tự thư dùng cho trẻ con học chữ và giải thích nghĩa chữ phụ sau Lục nghệ lược 六藝略là “Tiểu học”. Trong Chu lễ ·Bảo thịcũng có nhắc đến danh từ “Tiểu học”: “古者八歲入小學, 故周官保氏掌養國子, 教之六書。Cổ giả bát tuế nhập tiểu học, cố Chu quan Bảo thị chưởng dưỡng quốc tử, giáo chi Lục thư. Xưa 8 tuổi vào nhà Tiểu học, cho nên Chu quan Bảo thị trông nom các công tử, dạy Lục thư cho họ.” Sách Tam tự kinh 三字經có câu: “為學者必有初. 小學終至四書- Vi học giả, tất hữu sơ. Tiểu học chung chí Tứ thư– Làm người học, ắt có bước đầu. Tiểu học xong, đến Tứ thư”. Tiểu học ở đó vừa chỉ cấp học thấp cho người mới học vừa mang một nội dung cụ thể của ngữ văn học Trung Hoa truyền thống để chỉ 3 bộ phận cấu thành nên nó: Tự thư học – Âm vận học – Huấn hỗ học.
([9]) Tứ phối: Bốn bậc hiền, được thờ chung với Khổng Tử, bao gồm Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử.
([10]) Trúng liền Tam nguyên: Trong chế độ khoa cử truyền thống, được chia thành thi Hương, thi Hội, Thi Điện, người đỗ đầu tương ứng của mỗi kỳ được gọi là Giải nguyên, Hội nguyên và Trạng nguyên. Trúng liền Tam nguyên là chỉ người đỗ đầu (Đệ nhất danh) trong cả 3 kỳ thi đó.
216
2359
21391
217890
121356
114511017