Nhu cầu trang bị kỹ năng sống cho trẻ ngày một tăng
Tại Nghệ An, dù câu chuyện này còn khá mới mẻ song thực tế cho thấy hiện nay các phụ huynh ngày càng quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống cho con em mình. Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh văn phòng Sở Giáo dụcvà Đào tạo Nghệ An cho biết: Sở luôn khuyến khích các trường triển khai dạy kỹ năng sống. Bộ GD & ĐT cũng đã có các buổi tập huấn và cũng có một số sách mang tính tham khảo về dạy kỹ năng sống trong nhà trường song nhìn chung vẫn là để các trường tự mày mò. Phương án chủ yếu hiện vẫn là lồng ghép, tích hợp vào các tiết ngoại khóa, môn giáo dục công dân chứ chưa thực sự có một chương trình cụ thể và các trường chưa được “mặn mà” lắm vì cũng khó làm.
Trong khi trường học còn khó khăn trong triển khai thì ở ngoài, các lớp kỹ năng sống liên tục được mở nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Tại Nhà văn hóa thiếu nhi Việt – Đức, hè năm nay có 9 lớp dạy kỹ năng sống với số lượng hơn 30 em/lớp (so với năm ngoái chỉ 7 lớp và trên 20 em/lớp). Chi phí cho một khóa học là 700.000 đồng/em. Trong 20 buổi, các em sẽ được học các bài về xử lý tình huống, tự vệ bản thân, chào hỏi, làm việc nhóm, giáo dục đạo đức thông qua các buổi giảng của sư thầy…. Lớp kỹ năng thuyết trình, MC cũng được nhiều phụ huynh lựa chọn với học phí là 600.000 đồng/khóa. Ngoài ra, tại các câu lạc bộ võ thuật và 11 bể bơi trên địa bàn thành phố Vinh, phụ huynh cũng đăng ký cho con em theo học rất đông. Nhiều bể bơi như bể bơi tại khách sạn Mường Thanh Sông Lam rơi vào tình trạng quá tải. Trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh cũng mở nhiều lớp dạy kỹ năng sống vào dịp hè. Đặc biệt chương trình học kỳ quân đội do Tỉnh đoàn phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức mang lại cho các em những trải nghiệm lý thú, bổ ích. Tuy nhiên chi phí tham gia khá cao (3 triệu đồng/em/khóa(10 ngày)).
Một trong những trung tâm dạy kỹ năng sống được biết đến lâu và quy mô nhất tại Vinh là Tâm Việt Nghệ An. Sau gần 7 năm hoạt động, trung tâm này đã không chỉ thường xuyên mở các lớp đào tạo kỹ năng sống mà còn tập huấn cho giáo viên dạy kỹ năng sống. Hiện nay, tại đây có các chương trình dạy kỹ năng sống trong nhà, ngoài trời cho đủ các lứa tuổi từ mầm non đến trưởng thành với các khóa học như: Sóc con tự tin (40 buổi/khóa), Hành trang vào lớp 1(40 buổi/khóa), Kỹ năng sống mùa hè (40 buổi/khóa), Trại hè kỹ năng sống và kỹ năng sinh tồn (7 ngày 6 đêm), Ứng phó với nguy hiểm (40 buổi/khóa)…Chi phí cho các khóa học này từ 1.800.000 – 2.100.000 VNĐ. Tại trung tâm luyện toán tư duy Vinabacus Nghệ An, hiện nay cũng đã tiến hành lồng ghép dạy kỹ năng sống với thời lượng khoảng 15 phút trong một buổi học. Bên cạnh đó, trung tâm này còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hợp đồng với các bể bơi để dạy bơi cho trẻ và phối hợp với Viện phát triển giáo dục và trí tuệ IEDV tổ chức các khóa huấn luỵẹn 3 ngày 2 đêm hoặc 2 ngày 1 đêm để dạy trẻ những kỹ năng sinh tồn, kỹ năng chăm sóc bản thân khi không có bố mẹ bên cạnh,…Ngoài ra còn có những trung tâm khác, thậm chí tour du lich kết hợp dạy kỹ năng sống cho trẻ xuất hiện ngày một nhiều trên địa bàn thành phố Vinh, nhất là vào dịp hè.
Thực tế cho thấy các trung tâm này chủ yếu ở thành phố Vinh, khu vực nông thôn, miền núi, trẻ em không có những địa chỉ như vậy để tham gia. Mặt khác, chi phí cũng là một vấn đề đối với nhiều gia đình. Như vậy nếu không đưa kỹ năng sống vào dạy ở các trường học thì trẻ em vùng nông thôn, miền núi, gia đình khó khăn sẽ ít được tiếp cận, có nguy cơ thiếu hụt kỹ năng cần thiết. Thực tế cũng ghi nhận tai nạn thương tích thường xảy ra nhiều ở địa bàn nông thôn, miền núi hơn. Tại thành phố Vinh, giữa rất nhiều những trung tâm và khóa học kỹ năng, các bậc phụ huynh nên xem xét kỹ lưỡng về chất lượng, không chạy theo phong trào, vội vàng đăng ký cho con em mình để tránh tình trạng lãng phí tiền bạc mà không thu lại hiệu quả.
Cần hiểu đúng để làm đúng.
Một thực tế đang diễn ra là người ta nói nhiều đến kỹ năng sống và sự cần thiết của nó nhưng lại rất mơ hồ về khái niệm, bản chất. Để giáo dục đúng hướng, trước hết phải bắt đầu bằng việc hiểu cho đúng. Hiện nay có nhiều định nghĩa khác nhau về kỹ năng sống nhưng tác giả bài viết này đồng tình với quan điểm được đưa ra trên trang của UNICEF. Theo đó, kỹ năng sống (life skills) được định nghĩalà các năng lực tâm lý xã hội cho khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép các cá nhân giải quyết hiệu quả các nhu cầu và thách thức của cuộc sống hằng ngày. Chúng có thể được phân chia thành 3 nhóm lớn: kỹ năng nhận thức (phân tích và sử dụng thông tin), kỹ năng cá nhân (phát triển năng lực cá nhân và quản lý bản thân); kỹ năng giao tiếp (giao tiếp và tương tác hiệu quả với người khác)[1]. Thoát khỏi sự phức tạp của khái niệm và định nghĩa, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản đó là tất cả những kỹ năng cần thiết, hữu dụng để một cá nhân có thể sống tốt. Như vậy, tùy vào từng độ tuổi và đặc điểm tâm sinh lý của giai đoạn phát triển mà chúng ta có những bài học phù hợp. Với trẻ nhỏ, sẽ bắt đầu từ kỹ năng đơn giản nhất như chào hỏi, vệ sinh cá nhân, buộc giây dày, dọn vệ sinh, đi lại, ăn uống,…Với những độ tuổi lớn hơn đó là kỹ năng lựa chọn, đưa ra quyết định, xác định phương hướng, quản lý thời gian, làm việc nhóm..v..v…Như vậy đó phải là một quá trình liên tục, bắt đầu từ khi đứa trẻ được sinh ra cho đến khi chúng lớn lên. Theo cách hiểu đó, hàng ngày, từ bao đời nay, chúng ta vẫn đang dạy cho con em mình những kỹ năng sống, nhũng kỹ năng cần thiết để sinh tồn. Chỉ có điều là không phải cha mẹ nào cũng có đủ năng lực dạy hết những kỹ năng cần thiết để một đứa trẻ lớn lên có thể tự tin đối mặt, giải quyết những khó khăn và tránh rủi ro. Chính vì thế mà chúng ta cần đến trường học, các trung tâm dạy cho trẻ những kỹ năng cơ bản một cách đầy đủ, bài bản hơn.
Trao đổi với ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh văn phòng Sở GD & ĐT có thể thấy, nhận thức về kỹ năng sống ở các trường hiện nay còn khá mơ hồ. Đó cũng là nguyên nhân khiến chương trình khó triển khai trong trường học. Tại các trung tâm dạy kỹ năng sống, chất lượng cũng là câu chuyện đáng bàn. Câu hỏi đặt ra: Ai là người đủ trình độ/khả năng dạy kỹ năng sống cho trẻ tại các trung tâm? Ai là người kiểm duyệt nội dung chương trình giảng dạy tại đây? Trao đổi với một số trung tâm trên địa bàn được biết phần lớn các đơn vị này đều được cấp giấy phép của Sở GD & ĐT cũng như được thẩm định chất lượng.
Về vấn đề giáo viên và chương trình giảng dạy, ông Nguyễn Nghĩa Lâm, trung tâm Tâm Việt Nghệ An chia sẻ tại cơ sở của ông đang áp dụng 2 giáo trình cơ bản của Australia và Mỹ với phương pháp giảng dạy khá mới mẻ, sinh động. Các giáo viên ở đây là những người tốt nghiệp sư phạm và đã trải qua khóa tập huấn 6 tháng của trung tâm. Ông cho rằng không nên quá đặt nặng vấn đề giáo viên. Ông nói “Về bản chất ai cũng có quyền dạy. Vấn đề là dạy cái gì và tại sao lại dạy như vậy?”. Không thể phủ nhận kỹ năng sống của một người được học hỏi và tiếp thu từ nhiều nguồn khác nhau. Người thân, bạn bè, môi trường xung quanh dạy cho chúng ta những bài học về sinh tồn, cư xử,...Một khi cho trẻ đến trung tâm là khi gia đình tự nhận thấy không đủ khả năng, trình độ, điều kiện để dạy cho trẻ những kỹ năng đó hoặc tự bản thân nó không thể tiếp thu từ xung quanh. Vậy người hướng dẫn ở đây phải là những người thực sự được đào tạo, có chuyên môn, có kỹ năng thành thạo chứ không thể quan niệm ai cũng có thể trở thành người dạy như trên được. Dù đầu tư bài bản, tốn kém, phân chia theo từng lứa tuổi một cách khoa học song đọc qua chương trình trung tâm công bố nhận thấy một số nội dung còn nặng tính lý thuyết, khá xa vời, chưa phù hợp hoặc bài dạy chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Ví dụ như khóa học Sóc con tự tin cho các bé 4-7 tuổi có nội dung dạy về khoan dung và tha thứ (buổi 15 và buổi 16) nhưng nội dung học lại chỉ cho các bé gấp giấy, gấp thuyền theo phương pháp Origami của Nhật. Buổi 40 của chương trình là dũng cảm vượt qua thử thách có nội dung tập đi trên thảm thủy tinh.
Tại một số trung tâm khác như Cung văn hóa thiếu nhi Việt – Đức, giảng dạy lớp kỹ năng sống thường là giáo viên ở các trường, đặc biệt là giáo viên phụ trách đội. Kỹ năng thuyết trình, MC, giảng viên được mời từ đài truyền hình. Tham gia một buổi dạy kỹ năng sống cho trẻ lứa tuổi THCS tại đây nhận thấy có nội dung chỉ là bài học chào hỏi đơn giản. Nội dung này đáng lẽ nên dạy cho trẻ ở tuổi mầm non và tiểu học thì phù hợp hơn. Buổi học tại đây cũng được tổ chức khá đơn điệu, các em ít có cơ hội trải nghiệm, thực hành kỹ năng và rèn luyện tư duy sáng tạo, độc lập, mới mẻ. Đây cũng là tình trạng chung của các lớp kỹ năng sống hiện nay.
Trước thực trạng trên, đã đến lúc các trường học nghiêm túc nhìn nhận và triển khai việc dạy kỹ năng sống. Đối với các trung tâm bên ngoài, chương trình dạy và giáo viên dạy phải được thẩm định chất lượng kỹ lưỡng trước khi cho phép hoạt động bởi câu chuyện này không thể xem như hoạt động ngoại khóa đơn giản bởi việc giáo dục sai, không đúng hướng có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân cách và sự phát triển của trẻ sau này. Thiết nghĩ, cần thiết hơn, những bậc phụ huynh, những người trước khi làm cha làm mẹ hãy tự tìm hiểu và tham gia học về các kỹ năng sống để sau này có thể tự giáo dục con mình thay vì đưa đến các trung tâm tràn lan bởi xét cho cùng, cha mẹ mới là những người dạy kỹ năng sống tốt nhất cho con trẻ, từ khi đứa bé chào đời cho tới lúc trưởng thành. Sau đó trách nhiệm mới thuộc về nhà trường, xã hội.
[1] "Life skills" are defined as psychosocial abilities for adaptive and positive behaviour that enable individuals to deal effectively with the demands and challenges of everyday life. They are loosely grouped into three broad categories of skills: cognitive skills for analyzing and using information, personal skills for developing personal agency and managing oneself, and inter-personal skills for communicating and interacting effectively with others. http://www.unicef.org/lifeskills/index_7308.html.