Cuộc sống quanh ta

Vì sao hát "Biển và... Tôi..."

Năm 1975, chiến tranh kết thúc, mạ miềng từ Đoàn văn công Vĩnh Linh chuyển ngành về một bệnh viện ở bên bờ biển Cửa Tùng, Quảng Trị. Từ một người diễn viên tài sắc, nổi tiếng trong vùng, mạ miềng trở thành người nhân viên bình thường... Mạ nói với mọi người:

 "Từ nay tui thôi không hát nữa. Vì chiến tranh hết rồi. Tui không cần hát nữa... Tui về đây mần mạn, nuôi con...".

Suốt cuộc chiến tranh, mạ miềng ở trong Đội văn nghệ tuyên truyền xung kích của Trung đoàn giới tuyến 270, sau chuyển về Đoàn văn công Vĩnh Linh, đi biểu diễn trên khắp các mặt trận, hát cho bộ đội, thương binh ta nghe, và cả hát cho những người bên kia chiến tuyến nghe, làm công tác địch vận. Hát để lay động trái tim họ buông súng, ngõ hầu chiến tranh mau kết thúc... Mạ miềng từng vào sinh ra tử, bom B52 rải trên đầu, pháo bầy pháo chụp từ Hạm đội 7 nã vào đường hành quân, và cả đôi khi, vào sân khấu mạ đang hát... Trong ký ức của miềng, còn nhớ loáng thoáng có đôi lần mạ buộc miềng trong tấm vải dù, treo bên cánh gà sân khấu, để đứng hát, dưới bầu trời sáng chấp chới ánh hoả châu từ bờ Nam sông Bến Hải hắt sang...

Ở cùng Đoàn văn công của mạ, có những người tài danh như nhà biên kịch Đào Hồng Cẩm, nhà văn Xuân Đức cùng rất nhiều người tài hoa khác... Họ đã sống và ghi lại, viết lên những trang sách tuyệt vời. Và mạ cùng những đồng đội của mạ đã hát, đã diễn kịch, những tác phẩm nghệ thuật đầy cảm động, về sinh mệnh con người trong cuộc chiến khốc liệt... Vở kịch thơ "Đường biển" của cậu Xuân Đức, hồi đó thành công vang dội đã khiến cho cậu từ một anh lính binh nhì sau này trở thành nhà văn nổi tiếng... Vở kịch "Tổ quốc", được bác Đào Hồng Cẩm và cậu Xuân Đức cùng viết, lấy chất liệu, bối cảnh vùng giới tuyến, Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị dàn dựng, biểu diễn, là tác phẩm xuất sắc vang dội một thời..

Rồi múa. Miềng còn nhớ những cậu, những dì diễn viên trình diễn những tác phẩm múa dân gian hay hiện đại, trên nền sân khấu là ụ đất đắp cao. Múa chân trần, bàn chân các dì có khi đã dẫm lên mảnh bom, mảnh đạn nằm lẫn trong đất, bật máu! Có hôm, trong bữa cơm chiều trước đêm diễn  bày ngay ra trước sân khấu được chất lên bằng những thùng đạn, một quả pháo vu vơ từ bờ nam bắn sang, một mảnh pháo nhỏ như hạt gạo vô tình găm trúng vào giữa trán dì Kim, diễn viên múa xinh đẹp và tài năng nhất đoàn... Dì chết, miệng còn vẫn ngậm đầy những hạt cơm trắng...

Chả hiểu sao, những hình ảnh đó cứ găm vào trí óc miềng khi đó mới chừng 2 tuổi, lâu đến thế...

Và rồi, chiến tranh đã kết thúc! Mạ có nhiều lời mời ra làm việc ở Đài tiếng nói Việt Nam, Đoàn dân ca Bình Trị Thiên, rồi Đoàn văn công Tổng cục Chính trị... Nhưng mạ kiên quyết từ chối... "Tui không hát nữa mô... Tui hát rứa là được rồi...".

Mạ về bệnh viện điều dưỡng Cửa Tùng, hàng ngày chăm sóc bệnh nhân, những người vừa trải qua cuộc chiến, nhiều người tàn tật, thương binh nặng. Đôi khi họ yêu cầu mạ hát... Phần lớn, mạ đều từ chối, nhưng có khi nhiều người yêu cầu quá, mạ đành phải chiều. Rứa là, đứng dưới gốc cây thầu đâu tỏa bóng, mạ cất tiếng hát... Những bài ca mạ hát, phần lớn đều buồn. Dân ca. Những điệu lý, câu hò Bình Trị Thiên, miềng còn nhớ nó mênh mông, da diết nỗi thân phận con người... Miềng nhớ, có lần một người bệnh nhân cụt hai chân ngồi trên xe lăn, nghe mạ hát xong, thì thốt lên:

          - Chị ơi. Răng hồi xưa em nghe chị hát bài ni ngoài mặt trận, khác nhiều lắm!

          - Khác răng chú?

          - Hồi đó chị hát vui, nồng nàn. Chúng em đang chiến đấu, nghe chị hát là muốn xung phong liền... Bây giờ chị hát, sao buồn?

          - Chắc là tại vì hồi đó chú chưa bị thương... Bây chừ... Mà chừ tui cũng khác rồi, già rồi, giọng hát không còn trong nữa...

Rồi mạ vội vã bước đi, về nhà nấu cơm cho anh em miềng... Mạ giấu một giọt nước mắt, lặn vào trong khóe mắt...

Thật là may mắn, miềng được mạ đưa về sống bên bờ biển. Ngay từ hồi đó, 3,4 tuổi, miềng đã một mình chạy ra đứng trên bờ biển mà nhìn từng con sóng... Biển cả, đại dương đã thấm đẫm trong tâm hồn miềng từ thuở ấy, với vô vàn kỷ niệm. Ký ức nào cũng mặn mòi, khoáng đạt... Tiếng sóng biển đêm đã tràn ngập tuổi thơ miềng. Trong những đêm mùa đông tối trời miềng nằm lắng nghe tiếng sóng đổ dài từ Mũi Hàu đến Mũi Si, có khi đều đặn, có khi dồn dập, lao xao, ràn rạt, ì ùng... Sau này mình mới biết, đó là bản giao hưởng của biển cả, của thiên nhiên tự do mà mỗi người chỉ cần sống lắng động, êm đềm một tí, sẽ nhận ra...

Đến năm miềng học lớp 7, miềng đòi đi thi tuyển vào đoàn văn công ngày xưa của mạ, các dì các cậu đồng nghiệp của mạ hồi xưa bảo miềng rất có năng khiếu... Nhưng mạ miềng không đồng ý. Mạ nói nghề ni bạc lắm... Con đừng có theo mạ, mạ biết rồi, khổ lắm con ơi...

Miềng nghe lời mạ. Nhưng rồi, cuộc đời miềng đi vòng qua nhiều nơi, đến một ngày, bỗng dưng thèm được hát, nghe hát... Có những đêm mất ngủ, miềng ôm cây đàn guitar bật lên từng âm thanh nhại tiếng sóng biển, trong tâm hồn ngân nga bao nhiêu là giai điệu của riêng miềng. Nhưng miềng bất lực, không thể nào ghi nó lại được... Rồi đến khi mặt trời lên thì quên hết...

Miềng nghĩ, âm nhạc cần thiết cho chúng ta bởi vì ... không cần phải nói! Hát về biển, còn hơn thế nữa, vì đó là hát về nơi tất thảy muôn loài đã hoài thai, sinh ra, lớn lên, trưởng thành. Tất cả những cơn mưa rồi sẽ quay về biển. Tất cả mọi bước chân loài người, đều vô thức đi về phía biển. Vì đó là nơi ta có thể nằm dài trên bãi cát, ngẫm ngợi về cuộc đời, mơ ước hay sầu muộn...

Ở TP Vinh, miềng được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều bạn trẻ yêu âm nhạc, yêu biển. Họ làm nhiều nghề khác nhau... Họ từng đàn, hát về biển, về tình yêu hay nỗi buồn. Nhưng để tập hợp lại trong một chương trình gồm những ca khúc rất hay về biển, thì chưa từng... Chính vì thế, những ngày này miềng và họ tập trung nhau lại, ai biết đàn thì chơi đàn, ai biết hát thì hát, ai biết nói thì làm người dẫn chuyện... cùng xây dựng một đêm nhạc "Biển và... Tôi...", dự kiến tổ chức vào 20 giờ ngày 19-7-2016 tại PiPa cf, Cung Lễ Hội. Xin mời mọi người đến nghe.

 Biển và Tôi. Chỉ có Tôi và Biển. Đấy là khoảnh khắc tuyệt diệu, khi mỗi người đối diện với Biển, đối diện với chính mình, tưởng rằng đơn độc mà không đơn độc, tưởng rằng u sầu mà không u sầu... Tưởng rằng tuyệt vọng nhưng  đầy hi vọng... Biển chính là quá khứ, và cũng là tương lai, của mỗi người...

Miềng kiểm tra lại, thì trong suốt cuộc đời ca hát, mạ miềng chưa từng hát bài ca nào về biển... Những bài ca mạ hát, là để cho cuộc chiến đấu sinh tử đang diễn ra, cho ngày chiến thắng, ngày thống nhất non sông... Vậy thì, hôm đó, miềng sẽ mời mạ miềng từ trong Quảng Trị ra nghe "Biển và... Tôi...".

.......................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................                                                                 (Dự kiến: 20 giờ ngày 19-7-2016 tại PiPa cf, Cung Lễ Hội, TP Vinh)

 

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558417

Hôm nay

215

Hôm qua

2384

Tuần này

21976

Tháng này

225960

Tháng qua

122920

Tất cả

114558417