Cuộc sống quanh ta

Bứt khỏi đám đông

Hiệu ứng đám đông

Cuối năm 2013, hơn 1.300 thùng bia rơi xuống đường tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), những người dân đi qua đã xông vào “hôi bia” như trẩy hội và hậu quả là 1.000 thùng bia bị lấy đi. Cộng hưởng với nhiều vụ việc tương tự xảy ra sau đó, đã có ý kiến cho rằng “hôi của, hôi chửi, hôi đòn” là một trong những căn bệnh xấu xí của người Việt thời hiện đại.

Tháng 6 năm 2014, truyền thông lại sôi sục với “thảm họa” bể bơi miễn phí tại công viên nước Hồ Tây. Chen lấn, xô đẩy trong cảnh tượng hỗn độn, nhiều người còn bế con trèo qua hàng rào sắt khi công viên đã đóng cửa, cái hành động mà ở nước ngoài cũng có thể khiến một bậc phụ huynh bị tước quyền nuôi con. Thêm vào đó, một cô gái rách bikini bị hàng chục thanh niên trai tráng bủa vây té nước đến khiếp đảm. Trong số đó, có không ít người sau khi tàn cuộc đã hối hận vì hành động nhất thời hồ đồ của mình.

Đó đều là những hiệu ứng đám đông, khi mà người ta làm điều gì đó chỉ vì đám đông làm. Không chỉ biểu hiện bằng những hành động cụ thể của một tập thể người, đôi khi hiệu ứng đám đông là những điều khó nắm bắt nhưng hoàn toàn có thực như dư luận xã hội. Kevin Carter, người đã vinh dự nhận giải thưởng Pulitzer cho bức ảnh “Em bé và kền kền”, đã tự sát chỉ vì dư luận đối với chính bức ảnh đó. Khi dư luận có thể giết chết một con người thì sức mạnh một đám đông bạo động đến đâu?

Đặc biệt, với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, điển hình là Facebook, một tin đáng chú ý cũng có thể trở thành tin cực “hot” trong chớp mắt. Trong một tuần dài, đâu đâu trên Facebook cũng thấy những hình ảnh chế về “cô giáo Bọ Cạp”, với tốc độ chia sẻ clip đi kèm một cách chóng mặt. Cư dân mạng cảm thấy thích thú và khoái chí khi tạo ra được những hình ảnh có tính hài hước và châm biếm, và không tiếc lời bình luận về cô với mọi loại ngôn từ. Họ say sưa đến nỗi, nếu ai có ý kiến trái chiều hoặc muốn lên tiếng bênh vực cho cô giáo của mình cũng cảm thấy ái ngại.

Sự thống soái của mạng xã hội với sức lan tỏa chóng mặt của những lượt “like” và “share” ồ ạt đã không ít lần chứng minh sức mạnh khủng khiếp của nó. Nhờ đó, hiện tượng Lệ Rơi đúng như câu nói “từ zero thành hero” (từ số 0 thành anh hùng) đã trở thành đề tài của truyền thông trong một thời gian dài. Từ một anh chàng nông dân trồng ổi chính hiệu, anh dễ dàng bước chân vào làng giải trí và cuối cùng lại về trồng ổi ở quê. Có thể nói, hiệu ứng đám đông đã dễ dàng khiến con người ta lẫn lộn giữa cái ảo và cái thật, giữa giải trí và nghệ thuật và mang đến những khủng hoảng tức thời về các hệ giá trị.

Vậy khi ở trong những đám đông đó, cái bản ngã được xã hội hiện đại đề cao đang “dạo chơi” nơi đâu, để họ đánh mất lòng tự trọng, chính kiến của bản thân, và rồi những cái lợi trước mắt, thú tiêu khiển trong giây lát của cả tập thể tự phát cuốn họ đi, đẩy họ vào cuộc chơi một cách hăng say đến thế?

Tâm lý số nhiều

Đi nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, có một điều không cần để ý cũng thấy là ở đâu đàn ông cũng có thể “tè bậy” được, chỉ với một bờ tường hay một gốc cây. Đến nỗi mà, những ai yêu quý và quan tâm tới con đường Gốm Sứ xinh đẹp của Hà Nội sẽ thấy một đoạn tường đã bị ố vàng.

Không hiểu khách nước ngoài đến Việt Nam sẽ có cảm quan như thế nào khi thường xuyên bắt gặp cảnh này, nhưng không ít phụ nữ Việt thực sự cảm thấy chướng mắt, khó chịu, tất nhiên không phải vì nữ giới không tiện có những thói quen như thế. Khi mà người ta thấy những người xung quanh mình đều làm một việc, dù cho họ biết hành động đó không đẹp, không tốt, họ vẫn thấy bình thường và sẵn sàng hùa theo, dần dà biến thành thói quen lúc nào không hay.

Và những tâm lý như thế dễ dàng được hợp lý hóa bằng sự cổ vũ thầm lặng của những người xung quanh, điều khiến những thói quen cả trong tư duy và hành động có thể trở thành một thứ “văn hóa”.

Việt Nam bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng Trung Hoa từ ngàn xưa, trong đó có quan điểm giáo dục. Học tập là con đường tiến thân duy nhất, hành lễ quan trọng hơn kiến thức, văn chương quan trọng hơn toán pháp, chú trọng khả năng ghi nhớ, áp đặt trong khuôn khổ… đều là những lối tư duy sâu rễ bền gốc từ trước tới nay của không ít người Trung Quốc và Việt Nam. Và nó ảnh hưởng không nhỏ đến phương pháp giáo dục của nước Việt, người Việt. Học xong phổ thông, các sĩ tử đều đua nhau thi vào các trường đại học, bố mẹ sẵn sàng hi sinh tất cả để con có được tấm bằng, mà quên mất định hướng tương lai của con mình là gì, năng khiếu của con mình nằm ở đâu…Để rồi dẫn đến tình trạng, tốt nghiệp xong có bạn ngồi ngắm bằng đại học mà chẳng biết dùng nó vào việc gì, đưa ảnh lên Facebook và hứa sẽ đốt bằng nếu nhận được nghìn “like” (như một cựu sinh viên trường ĐH Bách khoa).

Nếu nhìn nhận một cách đa diện, có thể thấy nhiều nguyên nhân dẫn đến việc con người dễ dàng bị tâm lý số nhiều thao túng. Việc thiểu số phục tùng đa số, số đông thường đúng trong sinh hoạt tập thể hay hội họp, bình bầu khiến người ta dễ nảy sinh tâm lý sợ sệt khi bản thân tách khỏi quan điểm chung của những người xung quanh. Đặc biệt, với văn hóa phương Đông, khi cái ta được đề cao khiến cho cái tôi không hiếm khi phải co mình lại, việc bộc lộ cá tính cũng trở nên e dè trước những cái nhìn không thiện cảm và lời đàm tiếu sau lưng. Đi ngược lại những tư duy và hành động tập thể khiến người ta có cảm giác mình là kẻ “ngoại đạo” đơn lẻ.

Để những cái tôi chung sống

Mỗi chúng ta sinh ra là một cá thể riêng biệt và khác biệt. Theo quan điểm về giáo dục của Unesco, chúng ta “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình”. Và yếu tố cốt lõi để mọi người có thể chung sống đó chính là tôn trọng sự khác biệt và cá tính của người khác. Bởi vậy, ngạn ngữ Anh có câu “Live and let live” – sống và hãy để người khác sống theo cách mà họ muốn.

Chương trình “60 phút mở” của VTV6 số đầu tiên được bình luận rôm rả trên mạng xã hội suốt một tuần lễ. Nếu chương trình “mở” được như cái tên của nó, có lẽ khán giả đã không bức xúc gọi đó là 60 phút “đấu tố” MC Phan Anh, đơn giản bởi người ta không thể tranh luận đa chiều cởi mở với một luận điểm đã được đóng đinh từ đầu chương trình, rằng hành động đó là sai trái và tạo hiệu ứng xấu. Và ý kiến của các khách mời trong chương trình cũng chỉ để phục vụ cho luận điểm đó mà thôi.

Năm 2016, Nghệ An chỉ có 60% học sinh tốt nghiệp phổ thông dự tuyển vào các trường đại học, một thay đổi đáng mừng trong việc hướng nghiệp và phân luồng giáo dục phổ thông của tỉnh nhà. Có lẽ trong số 40% đó, nhiều em đã nhận ra rằng, cần phải thay đổi tư duy mẫu số chung về thành công theo số đông, tự xây dựng cho mình một phân số về thành công khác.

Chúng ta đang sống trong một xã hội bùng nổ công nghệ, nơi mà cái mới, cái khác biệt phân loại và đào thải con người rất nhanh. Chính vì thế mà ông Nguyễn Mạnh Hùng, tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đã phát biểu “Thế giới này rộng lớn nhưng nó khắc nghiệt tới mức, với mỗi công thức thành công thì chỉ có một người thành công. Nếu chúng ta muốn thành công thì phải có công thức mới của riêng mình, phải có một ý tưởng độc đáo và xuất sắc…” Tôn trọng sự khác biệt cũng chính là mở đường cho sự sáng tạo, thành công của người khác.

Và cũng chính những cái tôi dày dặn, vững chắc (và nó phải là cái tôi xuất phát từ bên trong chứ không phải sự bắt chước đơn thuần hay cuốn theo chiều gió) là những từ “không” mạnh mẽ trước bóng râm của hiệu ứng, tâm lý đám đông. Vốn sống, phông văn hóa và tri thức được tích lũy và cá nhân hóa qua năm tháng, thêm một phút chậm lại để tư duy trước mọi hiện tượng trong xã hội sẽ khiến ta tỉnh táo và bước ra khỏi đám đông để khước từ những hiệu ứng tiêu cực tỏa lan.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558417

Hôm nay

215

Hôm qua

2384

Tuần này

21976

Tháng này

225960

Tháng qua

122920

Tất cả

114558417