Cuộc sống quanh ta

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ: Hướng tới nhân văn, thiết thực,hiệu quả cao

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Nghệ An mới  thành lập được 2 năm nhưng đã sớm ổn định tổ chức và có nhiều hình thức  hoạt động phong phú, thiết thực và hiệu quả cao.  Nhân Ngày Thương binh Liệt Sỹ [27.7], phóng viên VHNA đã có cuộc trao đổi với  ông Hồ Đức Thành - Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Nghệ An.

Phóng viên (PV): Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ là một tổ chức khá mới mẻ, tôi đoán rằng, có rất nhiều người chưa biết/chưa quan tâm về tổ chức này. Vậy, ông có thể cho bạn đọc VHNA biết một vài nét khái quát về tổ chức Hội của mình?

Ông Hồ Đức Thành: Sau chiến tranh, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với người có công, song số lượng đối tượng người có công quá lớn, Nhà nước lo không xuể, đòi hỏi sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Từ thực tế đó, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ ra đời. Tính đến nay, Trung ương Hội thành lập được gần 06 năm, Nghệ An ta mới được 02 năm (thành lập ngày 18/06/2014).Đây là một tổ chức xã hội, với tôn chỉ là Tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Mục đích chủ yếu của hội là Hỗ trợ: Hỗ trợ tìm kiếm thông tin về liệt sỹ; Hỗ trợ giám định khoa học AND; Giúp các gia đình liệt sỹ tiếp cận, thực hiện và thụ hưởng các chế độ, chính sách liên quan. Tham gia với Đảng và nhà nước về giải pháp thực hiện chính sách đối với liệt sỹ, gia đình liệt sỹ.

Với tôn chỉ mục đích như vậy, nhưng trước mắt hội tập trung vào việc thu thập thông tin, nhắn tìm đồng đội; Tư vấn trực tiếp hoặc qua các kênh khác giúp đỡ các GĐLS tìm kiếm hài cốt liệt sỹ và những người đã hy sinh mà chưa được công nhận liệt sỹ; hỗ trợ giám định AND; Và Hỗ trợ giúp đỡ những gia đình liệt sỹ còn khó khăn về nhà ở….

PV: Ông có thể chia sẻ với bạn đọc VHNA về hoạt động của Hội trong hai năm qua?

Ông Hồ Đức Thành: Trong hai năm qua, Hội HTGĐLS Nghệ An đã tập hợp được những hội viên là những người tâm huyết, trách nhiệm, nghĩa tình (trong đó có rất nhiều cán bộ đương chức tham gia) và sớm có đầy đủ văn bản pháp lý để hoạt động. Nếu so với một số Hội này ở các tỉnh khác thì Trung ương Hội nhận xét Hội Nghệ An có 03 cái nhất: Từ vận động đến thành lập với thời gian nhanh nhất (02 tháng); Làm bài bản nhất; Hoạt động hiệu quả, thiết thực nhất.

Hội đã tổ chức giao lưu truyền hình trực tiếp, tổ chức hai đại lễ cầu siêu; Hỗ trợ xây 70 nhà tình nghĩa (3,5 tỷ đồng), tặng 115 sổ tiết kiệm (566 triệu đồng), tặng 34 xe lăn, 117 bộ quần áo, 15 xe đạp; 400 suất quà (315 triệu đồng) nhân dịp 27/7, 22/12, tết Nguyên đán; Phối hợp với Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Quỳ Hợp vận động xây dựng Nghĩa trang xã Châu Hồng (1,1 tỷ đồng); Vận động Công ty Tân Nam xây dựng Nghĩa trang huyện Yên Thành (250 triệu đồng), 200 triệu xây dựng Nghĩa trang liệt sỹ xã Thanh Chi và xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương…. Tổng cộng trong 2 năm qua, Hội đã huy động được gần 12 tỷ đồng, trong đó khoảng 40% từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa để ở huyện, thành phố, thị xã.

PV: Từ thực tiễn hoạt động ở Nghệ An trong thời gian qua, vấn đề nào của gia đình liệt sỹ làm ông băn khoăn, trăn trở nhất? Tại sao?

Ông Hồ Đức Thành:Trong công tác hỗ trợ gia đình liệt sỹ, dù chúng tôi đã cố gắng nhưng so với nhu cầu thực tế thì còn quá ít. Còn rất nhiều việc cần phải làm lắm, nhưng có hai việc khiến chúng tôi băn khoăn, trăn trở nhất. Thứ nhất, làm gì để giảm nhanh số bia mộ “liệt sỹ chưa biết tên”; Thứ hai là nâng cao mức sống của thân nhân liệt sỹ, nhất là nhà ở. Kết thúc chiến tranh, Nghệ An có 4,5 vạn liệt sỹ, nhưng gần 2 vạn liệt sỹ chưa có đủ thông tin, trong rất nhiều giấy báo tử chỉ vẻn vẹn ghi một dòng “Hy sinh tại Mặt trận phía Nam”. Ở nhiều nghĩa trang còn có rất nhiều bia mộ “liệt sỹ chưa biết tên”. Việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, sớm trả lại tên cho các Anh là cực kỳ khó bởi chiến tranh đã lùi xa, chiến trường lại trải rộng. Đồng thời, hiện nay toàn tỉnh còn khoảng 1.500 gia đình liệt sỹ còn đặc biệt khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ. Ngoài việc hỗ trợ nâng cao mức sống cho thân nhân liệt sỹ, mỗi năm cần phải xây dựng thêm một số nhà để thân nhân liệt sỹ có nơi thờ phụng tổ tiên, thờ phụng liệt sỹ.

PV: Ông có thể chia sẻ những khó khăn, trở ngại lớn mà Hội đang phải đối diện trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình? Nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ?

Ông Hồ Đức Thành: Hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khó khăn thì rất nhiều nhưng khó khăn nhất là tìm kiếm thông tin về liệt sỹ. Đến nay, Hội đã nhận được hơn 4.000 thông tin, đã gửi về các phòng LĐTB & XH các huyện, thành phố, thị xã thông báo cho thân nhân liệt sỹ; Hội cũng đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh mở chuyên mục này để thông tin kịp thời tới thân nhân liệt sỹ; Đề xuất với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giải mã thông tin về liệt sỹ; phối hợp với Hội Trung ương lấy mẫu để giám định AND…

Việc huy động nguồn lực để hỗ trợ cho thân nhân liệt sỹ nâng cấp nhà ở đang chủ yếu nhờ vào Doanh nghiệp và những người hảo tâm. Nguồn lực này cũng bị động bởi phụ thuộc vào khả năng tài chính của doanh nghiệp và cá nhân. Sản xuất kinh doanh có lãi thì dễ vận động còn không thì khó lắm, với lại nhiều tổ chức, đoàn thể khác cũng vận động họ.

Không phải là Hội đặc thù nên chúng tôi phải tự trang trải trong hoạt động theo đúng quy định của Pháp luật và của tỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xác định tuy không đặc thù, nhưng đây là Hội “đặc biệt”, do vậy mọi người phải cố gắng, hãy cứ làm tốt, đúng mục đích, hiệu quả thì xã hội sẽ quan tâm và giúp đỡ. Chúng tôi cứ tâm nguyện như vậy. Mới 02 năm hoạt động nhưng có nhiều gương ủng hộ tốt lắm, chúng tôi tin họ sẽ tiếp tục đồng hành.

PV:Trở lại với vấn đề tri ân các gia đình liệt sỹ, ông thấy chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với thân nhân các gia đình liệt sỹ lâu nay đã phù hợp chưa? Nếu chưa thì theo ông nên điều chỉnh, bổ sung như thế nào?

Ông Hồ Đức Thành: Hiện Nghệ An có gần 80 vạn người hưởng chính sách người có công và số tiền chi trả cho đối tượng này là 117 tỷ đồng/tháng và đang tiếp tục bổ sung. Tuy nhiên, với góc nhìn từ Hội HTGĐLS, tôi thấy còn rất nhiều việc cần phải làm. Trước hết, cần tiếp tục khảo sát để có kế hoạch giải quyết khó khăn cho thân nhân liệt sỹ để họ có mức sống ngang bằng trong khu dân cư. Sớm lập được hồ sơ, giải mã đối với liệt sỹ. Nghiên cứu nhiều cách để tìm được hài cốt, định danh tính cho liệt sỹ. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các chính sách đối với người có công, đảm bảo công bằng, không chồng chéo, không bỏ sót. Xử lý nghiêm minh đối với những sai phạm. Mọi sai phạm về việc này đều có tội lớn đối với người đã hy sinh cho đất nước, bởi sự hy sinh của họ “phải được báo đáp thế nào cho xứng đáng” như lời bác Hồ đã từng dạy.

PV: Chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 69 năm ngày TBLS (27/7/1947-27/7/2016), Hội HTGĐLS tỉnh nhà có những hoạt động gì để tri ân các gia đình liệt sỹ?

Ông Hồ Đức Thành: Hướng tới kỷ niệm 69 năm ngày TBLS (27/7/1947-27/7/2016), chúng tôi đã có kế hoạch ủng hộ 07 nhà tình nghĩa, mỗi nhà 50 triệu đồng; Phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Nghệ AN tổ chức lễ cầu siêu, thắp nến tri ân liệt sỹ tại một nghĩa trang trong tỉnh; Tổ chức Đại hội thành lập chi hội Thanh Chương. Nói thêm là chúng tôi đang phấn đấu trong năm nay thành lập được 5-7 chi hội ở các huyện, thành, thị để công tác hỗ trợ gia đình liệt sỹ trong tỉnh có hệ thống chặt chẽ và ngày càng lan tỏa, có hiệu quả. Ngoài ra còn đi thắp hương ở Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Đường 9 Việt Lào, tặng 10 sổ tiết kiệm, tặng quà cho một số thân nhân liệt sỹ và một số hoạt động khác. Nói tóm lại, mọi hoạt động của hội đều hướng tới nhân văn, thiết thực, hiệu quả

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558413

Hôm nay

211

Hôm qua

2384

Tuần này

21972

Tháng này

225956

Tháng qua

122920

Tất cả

114558413