Trung tâm hành chính thành phố khi đưa vào sử dụng sẽ chấm dứt sự manh mún, luộm thuộm của công chức, tiết kiệm được nhiều thứ, trong đó có xe công, từng bước chấm dứt tình trạng lãng phí công”.
Hai năm sau, tình hình thay đổi, bài báo viết tiếp theo:
Theo đại biểu Trường, ông được biết lý do phải di dời Trung tâm hành chính vì toà nhà hiện nay ở vị trí không phù hợp, ảnh hưởng đến giao thông trong giờ cao điểm, hệ thống thông gió không được đảm bảo, thiếu không khí, thiếu ô xy ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ, công chức.
Thế nên bây giờ phải di dời, và lần này sẽ trưng cầu lấy ý kiến của dân.
Sau khi nghiên cứu, lựa chọn, tính toán việc xây khu hành chính sẽ lấy ý kiến dư luận rộng rãi, tạo sự đồng thuận, đảm bảo sau này địa điểm chúng ta chọn hoặc chúng ta có di dời thì cũng thỏa mãn các điều kiện phục vụ người dân cũng như làm biểu tượng của thành phố.
Cuối cùng,
Kết luận vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, xác nhận thành phố có chủ chương di dời Trung tâm hành chính.
Di dời rồi lại di dời.Người phương Tây nói “Ba lần dọn nhà bằng một lần cháy nhà”. Vì mỗi lần thay đổi địa chỉ là một lần tốn kém – dời nhà ba lần, mỗi lần mỗi mất mát thì, tổng cộng, không khác gì bị bà hỏa làm cháy tiêu tan hết gia sản…
Lần đầu tiên, khi có dự án lập Trung tâm hành chính và khi thực hiện dự án này, có lẻ giới quản lý Đà nẵng đã quyết định quá vội vàng, thiếu nghiên cứu tường tận:
. không “tính” trước các ảnh hưởng tới giao thông khi 1600 công nhân viên, khi từng ấy người phải di chuyển đến nơi làm việc mỗi ngày – đó là chưa nói đến các “chuyển động” của dân cần tới cùng chỗ ấy để lo giấy tờ,
. không giám sát công trình kỹ lưỡng cho vấn đề thông gió chẳng hạn vì thông gió là một vấn đề mà bất cứ kiến trúc sư, kỹ sư nào cũng nằm lòng: xây dựng cho con người mà thiếu không khí để con người có thể thở được thì nhóm kỹ sư kiến trúc có lẻ cần phải trở về trường học lại!
Ngoài ra, dù không là nhà quản lý công, bất cứ ai cũng kỳ vọng là khi xây cất một công trình nào thì công trình đó cũng cần phải được sử dụng trong ít nhất là 30 năm để “khấu hao” hay “trừ vốn”. Mới đi vào sử dụng hai năm mà đã tính dời đi thì quả là một tổn thất lớn.
Đà nẵng là một thành phố năng động. Tới bây giờ, quản lý Đà nẵng đã có những điểm son – chả nhẽ bây giờ Đà nẵng “tự thưởng“ cho mình quyền … liệng qua cửa sổ 2000 tỉ đồng. Trước khi quyết định này, chả nhẽ ở Đà nẵng không có nhu cầu nào ưu tiên hơn? – Trường học hoặc bệnh viện chẳng hạn, hay trợ giúp người nghèo?
Đó là chưa nói đến vấn đề môi trường. Bất cứ cư dân nào trên quả đất này đều phải biết rằng bê tông hóa địa cầu mãi rồi ai sẽ lo cho các thế hệ con cháu chúng ta? Biến đổi khí hậu, ngập lụt, … ta bắt đầu thấy rồi đó.
Thế nên, có lẽ hai lý do đưa ra trên đây là chưa thực sự xác đáng – còn có những lý do khác khiến ngay đến ông Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Đà nẵng xác nhận là thành phố có chủ trương di dời.
Còn việc lấy ý kiến của dân, có lẽ nhiều người không hoàn toàn tin cậy. Đó chỉ là một hình thức, tổ chức lấy ý kiến để dựa vào đó mà mang …tấm áo dân chủ nhưng quyết định của dự án vẫn là …”sự đã rồi”. Các nhà truyền thông và các xã hội học gia vẫn biết rằng có rất nhiều cách để trưng cầu … ý kiến đồng thuận – và chỉ ý kiến đồng thuận – của dân.
Rốt cuộc mục tiêu dự án 2000 tỉ từ tiền thuế của dân thành mây khói? Và bây giờ sẽ còn tốn bao nhiêu nữa? Một số nhà toán học vẫn bảo phải tối ưu hóa các ràng buộc, nhất là trong bối cảnh của nước ta còn nghèo và gánh nặng nợ công đang nặng.
Câu chuyện lãng phí công sở không chỉ có ở Đà Nẵng mà có ở tất cả các địa phương trong cả nước. Tại sao vậy?