Hiện nay, hầu hết các xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) đều tổ chức Lễ đón bằng công nhận đạt chuẩn rất hoành tráng và tốn kém, lãng phí.
Hiện nay, hầu hết các xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) đều tổ chức Lễ đón bằng công nhận đạt chuẩn rất hoành tráng và tốn kém, lãng phí.
Tháng 4/ 2015, xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) tổ chức Lễ đón bằng công nhận đạt chuẩn NTM hết sức hoành tráng. Địa phương thuê dựng rạp, mời hàng trăm quan khách, tổ chức đeo hoa, đính băng đỏ cho khách. Tại buổi lễ, xã được UBND tỉnh thưởng 550 triệu đồng, nhưng số tiền đó chẳng thấm tháp vào đâu so với số nợ khổng lồ từ xây dựng NTM là 30 tỷ. Tháng 12/2014, xã Thịnh Sơn (Đô Lương) cũng tổ chức Lễ đón nhận bằng công nhận NTM rất hoành tráng, mặc dù còn nợ khoảng 20 tỷ đồng.
Các địa phương đều cho rằng việc xã “về đích” NTM là sự kiện lớn, đáng tự hào nên thường tổ chức Lễ đón bằng công nhận rất hoành tráng, mời nhiều quan khách, tổ chức văn nghệ, ăn uống, quà cáp rất tốn kém. Một số địa phương thuê hẳn đơn vị tổ chức sự kiện, có MC, dựng rạp, hoặc dựng lễ đài, tổ chức diễu hành… “Kịch bản” các Lễ đón bằng NTM cũng na ná nhau, sau màn đón tiếp là chương trình văn nghệ, diễn văn, báo cáo thành tích của địa phương, rồi phát biểu của lãnh đạo, trao bằng, khen thưởng…Chi phí cho mỗi cuộc cũng trên dưới vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, dù không ít địa phương còn ôm nợ lớn. Theo số liệu của UBND tỉnh Nghệ An, đến tháng 7/2016, các xã xây dựng NTM nợ 751 tỷ đồng; 100 xã về đích còn nợ 400 tỷ đồng, trung bình mỗi xã nợ 4 tỷ. Có địa phương sau khi đã đạt chuẩn, phải tổ chức thu theo khẩu trong nhiều năm để trả nợ các công trình NTM. Như vậy, sau khi đạt chuẩn, đời sống người dân các xã NTM không những không có sự cải thiện rõ rệt so với khi chưa đạt chuẩn, mà còn thêm khó khăn khi phải đóng góp để trả nợ. Tại xã Nghi Thái về đích NTM từ năm 2014 dẫn đầu huyện Nghi Lộc, đến nay còn nợ các nhà thầu hàng chục tỷ đồng, dân vẫn còn phải đóng mỗi năm 200 nghìn/khẩu để trả nợ các công trình. Nếu không có nguồn thu khác, thì khoảng 20 năm nữa, xã này cũng chưa trả hết nợ.
Việc các địa phương “về đích” NTM không có gì quá tự hào, vì đằng sau danh hiệu là gánh nặng nợ nần đè lên vai dân. Mặt khác, các xã về đích NTM là các vùng địa bàn thuận lợi, dân có điều kiện kinh tế khá, đã tích lũy trong nhiều năm; nên đạt chuẩn NTM là điều đương nhiên, “trăng đến rằm thì trăng tròn”. Ngược lại, những xã khó khăn, được đầu tư từ ngân sách hoặc vay mượn để đạt chuẩn, thì càng không có gì để tự hào. Mục đích thực sự của chương trình xây dựng NTM là người dân phát triển kinh tế, có thu nhập cao, địa phương có nguồn thu, từ đó xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang. Thực tế xây dựng NTM hiện nay ở nhiều địa phương đang có “quy trình ngược” là ưu tiên hạ tầng đi trước một bước, tập trung đạt các tiêu chí một cách máy móc, trong khi đó đời sống người dân không được cải thiện, nâng cao rõ rệt so với trước khi đạt chuẩn. Một số địa phương đạt chuẩn NTM nhưng có nhiều mục tiêu về phát triển vẫn chưa đạt được, nhất là các tiêu chí phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề. Ví dụ như xã Sơn Thành (Yên Thành) là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM, nhưng nguồn thu chủ yếu của người dân là từ xuất khẩu lao động (địa phương có khoảng 2.000 người ở nước ngoài) chứ không phải là nội lực phát triển kinh tế tại chỗ của địa phương; Kim Liên có lợi thế là quê Bác nên được đầu tư rất nhiều các công trình hạ tầng từ nhiều chục năm nay…
Theo Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP của Chính phủ, một trong các mục tiêu quan trọng của chương trình “tam nông” là: “Nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là ở các vùng còn nhiều khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trong khi đó, tại nhiều địa phương được công nhận đạt chuẩn NTM, đời sống vật chất của người dân chưa thực sự có tiến bộ đột phá, đời sống tinh thần cũng chưa được chú trọng, chưa được nâng cao. Các xã NTM có thể có sân vận động lớn hơn, nhà văn hóa khang trang hơn, nhưng các hoạt động văn nghệ, thể thao của quần chúng không có gì thay đổi.
Khái niệm “về đích” NTM cũng sẽ gây ra tâm lý tự mãn. Trong khi đó, các địa phương đạt chuẩn vẫn còn phải phấn đấu, nỗ lực liên tục để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, vốn đã quá cách biệt so với đô thị. Thực chất, danh hiệu xã đạt chuẩn NTM không quan trọng, điều quan trọng là đời sống của người dân được nâng cao như thế nào. Do đó, không nên tổ chức lễ đón bằng công nhận NTM một cách quá hoành tráng, hình thức, tốn kém, mà nên làm giản dị, tiết kiệm, để khỏi tạo thêm gánh nặng nợ nần cho dân.
210
2384
21971
225955
122920
114558412