Đã nhiều lần tôi đến, “sống” với bệnh viện khi người thân, bạn bè đau ốm hay bị tai nạn. Tất nhiên, đó là nơi ít người muốn đến bởi nó luôn đồng nghĩa với muộn phiền, nặng nề, vất vả, lo nghĩ và… tốn kém!
Đã nhiều lần tôi đến, “sống” với bệnh viện khi người thân, bạn bè đau ốm hay bị tai nạn. Tất nhiên, đó là nơi ít người muốn đến bởi nó luôn đồng nghĩa với muộn phiền, nặng nề, vất vả, lo nghĩ và… tốn kém!
Tôi đã nghĩ và tin rằng, bệnh tật nào cũng đi kèm với đớn đau, và nỗi đau, dẫu có tự an ủi cách nào đi nữa, chẳng dễ chịu, bao giờ. Thế nhưng, có lẽ, không có nhà thương nào nhiều “không khí” bi thương hơn những nơi điều trị căn bệnh lây nhiễm – trong đó có bệnh lao.
Có một cái gì đó như đặc sánh lại trong huyết quản làm cho ta thường trực cảm giác u uẩn, ngột ngạt; “nó” như làm nghẹn lại hơi thở mỗi khi ta muốn “vận hành” cái lẽ thông thường để… sống; nó vây bủa sự bất an về cái mơ hồ đang đến, mang theo mối “đe dọa” rất rõ ràng…
Nhìn đâu cũng thấy những chiếc khẩu trang màu xanh dìu dịu – đây là khác biệt lớn nhất giữa bệnh viện lây và không lây. Những chiếc khẩu trang ngăn chặn mọi sự biết ai là ai; và, bạn chỉ có thể biết được phần nào tình cảm của người đối diện qua từng ánh mắt.
Dường như để cộng hưởng cái tình trạng u u minh minh ấy là âm thanh của những tiếng ho quằn quại, đớn đau, những búng máu tươi, những thân hình tiều tụy – chắc chắn làm cho ta nhớ đến cô gái xinh đẹp nhưng vô cùng bất hạnh có tên là Fantine, với những cơn ho khủng khiếp, kéo dài – nhức nhối như cuộn đời cô. Dĩ nhiên, nếu như bạn đã đọc Những người khốn khổ…
Cái không khí bị ô nhiễm từ vô thức ấy ám ảnh tôi suốt mấy ngày đầu chăm sóc mẹ. Không biết tự khi nào, cứ thêm một ngày trôi qua, sự nặng nề, ám ảnh lại vơi đi…
Tôi chợt nhận ra rằng các bác sĩ, nhân viên điều dưỡng, hộ lý… chính là những người làm thay đổi bầu không khí ấy. Dù là bác sĩ Phượng, bác sĩ Nga, bác sĩ Sim hay điều dưỡng Thoa, Trang…; mỗi khi đến thăm bệnh nhân, ai cũng có phong thái thật dễ gần. Chắc chắn những ánh mắt đầm ấm, tự tin là liều thuốc vô giá, động viên người bệnh rất nhiều. Còn gì dễ chịu hơn khi bệnh nhân và người nhà của họ “thấy” được sự tin tưởng, an tâm khi được chăm sóc bởi những thầy thuốc tận tâm và chu đáo đến thế?
Bạn hãy tin rằng không ở đâu (khoảng mươi bênh viện mà tôi biết) mà các thầy thuốc có nhiều nụ cười (nhìn từ ánh mắt) đến thế!
Điều “lạ kỳ” hơn nữa là một số người nhà bệnh nhân cho biết, họ đã tìm mọi cách để “bồi dưỡng” cho bác sĩ nhưng… không thành công. Chị Ng., người nhà bệnh nhân quê ở Hải Dương kể với tôi rằng, khi đưa phong bì, bác sĩ Phượng, Trưởng Khoa nói rằng, “Rất cảm ơn gia đình.Nhưng để chừng dăm – bảy năm nữa, bệnh khỏi hẳn, chúng tôi sẽ nhận sự tri ân”. Chẳng có cách từ chối nào dễ chịu hơn thế bởi nó đồng nghĩa với… không bao giờ! Anh P., người nhà bệnh nhân ở Hà Nội kể rằng, anh muốn bồi dưỡng cho các bác sĩ nhưng ai cũng nói với anh ấy rằng “Bệnh phổi là bệnh của người nghèo – 90% là bệnh nhân nghèo nên các bác, các anh không nên làm thế”…
Những điều đặc biệt nho nhỏ ấy có lẽ đã tiếp cho tôi rất nhiều sức lực để cố gắng “bám trụ” suốt 21 ngày (từ 26.7 đến 15.8.2016), ròng rã một thân một mình chăm sóc mẹ ở Khoa Lao – Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, tôi cảm thấy mình dường như đã được tiếp thêm sức mạnh diệu kỳ…
Khó có thể nói hết niềm vui của tôi khi được bác sĩ Phượng – Trưởng Khoa báo tin chuẩn bị cho mẹ ra viện.
Lúc chia tay, tôi đến chào 40 cán bộ, nhân viên của Khoa Lao – Hô hấp mà ấp úng, nghèn nghẹn như thuở nào “phát biểu” trong đám cưới con gái rượu…
Cố nén xúc động, tôi bày tỏ niềm biết ơn đối với những người thầy thuốc đã và đang sống xứng đáng với hai chữ lương y. Bác sĩ Nga đã cười và nói với tôi rằng: “Được những người như bác cảm thông, hiểu chuyện là chúng cháu quý lắm rồi. Bác chưa hình dung nổi nghề của chúng cháu cô đơn và không ít khi tủi thân ghê gớm. Bạn bè, người thân xa lánh – bởi ai cũng nghĩ mỗi chúng cháu là một “ổ truyền bệnh di động”, bác à”…
Có lẽ, lời “thú nhận” giản dị mà sắc sâu ấy sẽ chẳng có bút mực của cuộc đời nào diễn đạt đủ những trăn trở, day dứt mà, phải có tấm lòng thật nhân hậu, trách nhiệm – bổn phận lớn lao, mới có thể cống hiến hết sức mình như thế. Riêng tôi, tôi cảm thấy rất rõ trong lồng ngực của mình cùng với trái tim đang đập rộn rã hơn, là hơi thở đích thực của cuộc sống.
Tôi như bừng tỉnh lúc nhận ra rằng hơi thở đó của nguồn sống nằm trong lồng ngực luôn nâng dìu, ấp ủ nhịp đập của mọi con tim…
Quảng Trị, 11.9.2016
26
2384
21967
225951
122920
114558408