Mời các bạn xem toàn văn thư kiến nghị của các nhân sĩ - trí thức
>> Rà soát thiết kế các hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên
>> Đại dự án bô-xít Tây Nguyên và ý kiến nhiều chiều
>> Chuẩn bị kiểm tra thực địa các dự án bôxít
Nghiên cứu lại tổng thể vấn đề bô-xít Tây Nguyên
Với tư cách "những người Việt Nam gắn bó với vận mệnh tồn vong của đất nước", bà Nguyễn Thị Bình và các nhân sĩ trí thức đã gửi thư tới Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Cùng kí tên trong thư với bà Bình còn có Thiếu tướng Lê Văn Cương, GS Hồ Ngọc Đại, nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang, GS Chu Hảo, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nhà văn Nguyễn Khắc Mai, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhà văn hóa Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu Trần Đức Nguyên, nhà thơ Trần Việt Phương, Vũ Quần Phương, nhà nghiên cứu Nguyễn Trung, TS Tô Văn Trường, GS Hoàng Tụy, và GS Đặng Hùng Võ.
Trong thư, bà Bình và các nhân sĩ trí thức "khẩn thiết yêu cầu" Bộ Chính trị, BCH TƯ Đảng, Quốc hội và Chính phủ xem xét lại việc khai thác bô-xít Tây Nguyên.
Trên cơ sở "lường trước nguy cơ không thể kiểm soát nổi vấn đề bùn đỏ độc hại trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên", các nhân sĩ kiến nghị Đảng và Nhà nước "quyết định cho ngừng ngay việc xây dựng nhà máy chế biến alumina ở Tân Rai, Lâm Đồng để nghiên cứu tiếp cách xử lý; tạm hủy dự án đang đàm phán tiếp với đối tác nước ngoài về nhà máy Nhân Cơ ở Đắc Nông; tạm thời đình chỉ việc triển khai toàn bộ tổng dự án hiện thời về việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên để tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc và khoa học".
Đồng thời đề xuất "nghiên cứu lại một cách tổng thể vấn đề bô-xít Tây Nguyên" trên cơ sở "lập một nhóm nghiên cứu độc lập (nhóm đặc nhiệm)". Nhóm này gồm những cá nhân có uy tín và có tâm huyết với đất nước trong giới các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế và những người hoạt động xã hội độc lập, để tiến hành nghiên cứu toàn bộ vấn đề bô-xít Tây Nguyên.
"Những kết quả nghiên cứu lại một cách tổng thể vấn đề bô-xít Tây Nguyên của nhóm đặc nhiệm này sẽ được trình bày trước Quốc hội, đồng thời được đem trưng cầu ý kiến nhân dân cả nước về đề tài kinh tế - xã hội vô cùng nhạy cảm này để quyết định", các nhân sĩ - trí thức viết.
Báo chí đưa tin chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa nhiều mỏ khai thác bô-xít trên lãnh thổ Trung Quốc để tránh thảm họa môi trưởng. Vì vậy, chúng ta có căn cứ để giải quyết vấn đề này với phía đối tác nước ngoài tham gia dự án. |
Lời cảnh báo nghiêm khắc từ thảm hoạ bùn đỏ Hungary
Trong thư, các nhân sĩ nhắc lại tính "phi kinh tế, hủy hoại môi trường, để lại nhiều hệ quả khó lường về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội, uy hiếp nghiêm trọng an ninh quốc phòng của quốc gia" của dự án bô-xít Tây Nguyên đã được giới khoa học chỉ ra trong các cuộc hội thảo tiến hành trong hai năm 2008, 2009.
Khả năng sinh lời trong khai thác bô-xít Tây Nguyên "không hiện thực, thậm chí hầu như chắc chắn là lỗ". Vấn đề vận tải và cảng cho việc sản xuất, xuất khẩu alumina hiện tại và trong vài năm tới "hoàn toàn bế tắc chưa thể giải quyết". Nhà máy sản xuất alumina Tân Rai nếu làm xong, cũng có thể có nguy cơ phải nằm đắp chiếu một thời gian.
Hơn nữa, "việc sản xuất ra alumina với khối lượng vài triệu tấn/năm là quá nhỏ so với thị trường bô-xít/nhôm trên thế giới và trong thực tế chỉ có thể bán được cho một thị trường duy nhất là Trung Quốc,... tạo thêm nguy cơ phụ thuộc kinh tế và chính trị rất bất lợi cho đất nước".
Vả lại, "cứ sản xuất một tấn nhôm sẽ tạo ra 3 tấn bùn thải có chứa hóa chất độc hại, càng sản xuất nhiều đòi hỏi phải có hồ chứa bùn đỏ càng lớn, nguy cơ thảm họa môi trường càng hơn".
"Thảm họa vỡ hồ bùn đỏ Ajka ở Hungary là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với vấn đề hồ bùn đỏ chứa chất thải trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên", các nhân sĩ viết trong thư.
"Không thể hình dung nổi nguy cơ thảm họa môi trường của một hồ chứa bùn đỏ hàng triệu hay hàng chục triệu m3 treo lơ lửng trên đầu đồng bằng sông Đồng Nai và Bắc Nam Bộ, miền Nam Trung Bộ...".
"Các hồ chứa bùn đỏ sẽ là những quả bom độc treo trên đầu hàng chục triệu người với tai họa khôn lường", lá thư lưu ý. Đó là chưa kể, "khả năng quản lý, thực thi pháp luật, lực lượng vật chất kĩ thuật phòng chống thiên tai của ta chưa thể so sánh với Hungary".
Trách nhiệm tuyệt đối với vận mệnh quốc gia
Từ những phân tích khoa học, các nhân sĩ cho rằng, việc tạm ngưng khai thác bô-xít và nghiên cứu tổng thể lại toàn bộ vấn đề bô-xít Tây nguyên "là phương án an toàn nhất, có thể giúp đất nước có đủ thời gian tìm ra những phương án tối ưu trong việc xem xét vấn đề bô-xít Tây Nguyên nói riêng và cho vấn đề phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên nói chung".
Nhìn lâu dài về tổng thể, đây còn là phương án tốt nhất, kinh tế nhất và toàn diện nhất, với nghĩa các tổn thất được tạm hủy ngay hoặc thậm chí có khi phải đi tới kết luận sẽ phải hủy hoàn toàn việc khai thác bô-xít Tây Nguyên.
Theo các nhân sĩ - trí thức, thực hiện thỉnh cầu này đồng nghĩa với việc phải thực hiện "một quyết định rất đau đớn chưa hề có trong lịch sử kinh tế Việt Nam và sẽ là một tổn thất lớn mà nền kinh tế phải chịu đựng, nhất là Nhà máy chế biến alumina Tân Rai đã hoàn thành một phần lớn và đã làm được nhiều việc quan trọng trong triển khai dự án Nhà máy Nhân Cơ".
Nhưng "dù sao, sẽ vẫn còn rẻ hơn cái giá phải trả không thể lường hết được và thậm chí không thể cứu vãn được cho những hệ quả và thảm họa có thể xảy ra", các nhân sĩ viết trong thư.
"Chỉ có lòng dũng cảm và ý thức trách nhiệm tuyệt đối với vận mệnh quốc gia" của các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước, cùng "sự thông cảm" của nhân dân cả nước "mới đủ sức đi tới thực hiện quyết định khó khăn này", các nhân sĩ nhấn mạnh.
Hiện nay, đã có hơn 1500 người cùng kí tên vào thư kiến nghị này.
TẠI ĐÂY.(Đọc thêm TRONG MỤC NÀY)