Cuộc sống quanh ta

Trần Đăng Khoa suốt đời vác cây thánh giá tuổi thơ

Tôi rơi vào bối rối từ dạo mùa hè năm ngoái. Ngày sách Việt Nam. 17 tháng 4 năm 2015. Khi Trần Đăng Khoa thổ lộ: đã đánh mất tuổi thơ từ năm lên tám. Đầu tháng bảy âm lịch vừa rồi. Vanvn.net lại thông tin. Người bạn vong niên của ông muốn tìm thuốc cai thơ. Tôi nhớ. Khi Xuân Diệu kết án các thi nhân đủ hạng những năm 80 là lâm tặc; dám phá rừng làm giấy in thơ và cả nước đua nhau làm thơ thì chết đói. Trần Đăng Khoa đã không ngần ngại bênh vực thi nhân, làm nức lòng bao kẻ có chữ đang mong mỏi được phụng sự nàng thơ dẫu biết rằng nàng là con gái của thần trí nhớ. Thêm một người làm thơ là thêm một sự hướng thiện… Chao ơi, người xưa đã từng than rằng Bất năng thi, ư lễ mậu kia mà. Một người như Xuân Diệu bỏ cả đời để làm thi sĩ cũng như Trần Đăng Khoa, khi nói về điều ấy chỉ vì yêu thơ, giữ gìn sự trong trắng và sang trọng của nàng thơ mà thôi. Cứ nghĩ như thế, tự dưng lại muốn phát du tìm bạn. Bỗng đâu có điện thoại. Nguyễn Huy Thiệp bảo ra bờ hồ Ngọc Khánh uống nước. Nói chuyện chơi. Lâu lâu rồi mới gặp. Dạo này Thiệp để râu dài kiểu Trần Dần. Mấy chục năm trong cõi văn chương đã làm Thiệp thân tàn ma dại. Bộ mặt sương gió và già nua khi ở cằm được kéo dài ra bởi chùm râu ngô có hơi hướng xén bằng phía dưới. Bạc phếch và thưa thớt. Chuyện loanh quanh thế nào mà mấy lần gặp mặt, Thiệp lại nói nhiều nhất về Trần Đăng Khoa. Trong Giăng lưới bắt chim, ông đã gọi Trần Đăng Khoa là một sự tích. Xứng danh là “ông lớn” trên thi đàn và là một thần đồng. Lần này, bên bờ hồ Ngọc Khánh, ông đẩy sự ngợi ca lên một bậc nữa. Trần Đăng Khoa đang giữ y bát… của văn chương nước nhà. Kiểu như tiếng Việt còn thì nước Nam còn vậy. Một tay giang hồ và tàn tạ bởi chữ nghĩa như Thiệp thì thường là kiệm lời khen lắm. Vậy mà tiểu thuyết Bên rìa nước chưa xuất bản, Thiệp để nhân vật của thời đại chúng ta ngay ở chương đầu với màu sắc huyễn hoặc thật lạ lùng. Ông ta gọi Khoa là nhà thơ có thiên nhãn. Là một người giời. Một sự thay đổi ghê ghớm thế chăng ? Kể từ khi vở kịch Mổ nhà văn của Thiệp ra đời. Chưa hết 20 năm của thế kỷ mới mà cái sự văn chương đã biết bao dâu bể ?.

Đề cập đến lịch sử thi ca Việt Nam hiện đại mà không nói đến Trần Đăng Khoa với danh xưng thần đồng thơ thì thật là khiếm khuyết. Những người cùng thời đại với ông, không ai là không biết tên gọi ấy. Và ít ai xứng danh hơn Khoa được thời cuộc gọi là người của công chúng. Bằng cớ là những tập sách như Tuyển thơ Trần Đăng Khoa, Nhà xuất bản Kim Đồng in 2016, Đảo chìm – Trường sa, Nhà xuất bản Văn học in 2015, Chân dung và Đối thoại, Nhà xuất bản Thanh niên in 1999, Hầu chuyện thượng đế, Nhà xuất bản Văn học in năm 2015, bên cạnh nguyên tác, dường như đều có ý kiến của đông đảo quần chúng bạn đọc. Mà cái hay ở chỗ phần lớn trong số họ đều là người bình dân.

Sẽ không mới nếu nói về những bài thơ thể hiện óc quan sát tinh tế và hồn nhiên của một tài năng thơ phát lộ từ năm lên 8; Điều mà Nguyễn Huy Thiệp gọi là sự chất phác của một tâm hồn trẻ thơ có ở hầu hết các bài. Ò.ó.o ... Đám ma bác giun. Sao không về vàng ơi. Mưa v.v.. Tôi cho rằng nếu chỉ có sự chất phác và hồn nhiên như thế thôi thì cơ hội sẽ ít hơn để làm nên một Trần Đăng Khoa thi sỹ ở tuổi trưởng thành. Tôi muốn đi tìm những hình tượng và cảm xúc kỳ lạ, độc đáo kiểu như Điêu tàn, cái chất thơ vượt lên trên số phận, thời gian và tuổi tác như những ánh sáng kỳ ảo của trí tuệ và linh cảm làm nên những câu thơ cốt nhục cho thi sỹ khi được làm người lớn. Một đời thơ, có người chỉ làm được dăm câu như thế. Và tôi nghĩ, tôi đã tìm thấy. Mặc dù là nó hiền dịu và thanh bình hơn vẻ kỳ dị của ma hời bóng tháp.

Một ánh chớp trên dòng sông tuổi thơ. Một lần thôi mà chẳng bao giờ xưa cũ. Và thật lạ lùng nó lại xưa cũ như câu dân ca không biết sinh ra tự thủa bao giờ.

Cánh cò chớp trắng trên sông Kinh Thầy

Góc sân và khoảng trời.1966

Một sự lắng nghe đầy chiêm nghiệm về cái chớm thu rất đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ. Như cảm xúc của một thiền sư vì cái lạnh của hơi thu và hương thơm của loài hoa rất đỗi quê mùa trong sự thanh thản vô cùng ở chốn làng quê.

                   Nghe trời trở gió heo may

                   Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau

                                                                    Chớm thu. 1967

Một tiếng cuốc kêu kéo dài đằng đẵng đã bao năm cả trong văn chương và thế sự để mùa hạ dứt ruột làm ra một cành lựu nở trong vườn. Sự nối dài từ âm thanh đến hoa cỏ để bày tỏ tâm trạng con người.

                   Cuốc kêu chưa dứt mà cành đầy hoa.

Hoa lựu. 1967

Một phong cảnh thủy mạc đâu chỉ tả núi tả sông mà nghe như thân phận con người khép mở trong cõi nhân gian. Tôi cứ hình dung cây cũng như người đang đi dần về phía xa kia. Xa lắm ở dưới màu mây không giới hạn.

                   Núi xa lúp xúp chân mây

                   Bờ sông khép lại hàng cây thấp dần.

Em lớn lên rồi. 1968

Một sự kết hợp cái tinh tế của khả năng quan sát với cái siêu thực của đời sống tự nhiên đã làm nên câu thơ hay nhất của Khoa thời thơ ấu. Lá đa rơi vào đầu tháng 4 âm lịch không rơi như thế. Đó là lá đa không có thực. Lá của thiền đấy thôi.

                   Ngoài thềm rơi cái lá đa

                   Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng.

Đêm Côn Sơn. 1968

Khoa bắt đầu tập làm người lớn ở năm 11 tuổi khi viết bài Xem ảnh bạn thiếu nhi Mỹ đi biểu tình ở Báo ảnh Việt Nam. 1-7-1969. Và tiếp theo đó là các bản trường ca. Đánh thần hạn. 19-8-1970 với 4 chương 532 dòng thơ. Khúc hát người anh hùng với 5 khúc, 1273 dòng thơ. Năm 1974. Trường ca Trừng phạt có trích đoạn Đập cửa Diêm vương trong tuyển thơ của ông. Có lẽ không phải Khoa đánh mất tuổi thơ vào năm lên 8 mà muộn hơn. Vào vài năm sau. Mặc dù tôi hiểu đó là cách nói tượng trưng mang nhiều ngụ ý của ông. Trong Chân dung và Đối thoại, Khoa bảo viết trường ca để thể nghiệm, để thử bút lực và tự nhận nhắm mắt lao đầu vào vách đá răng ngựa... Trong văn chương, tôi thấy ít ai có sự chân thành như thế. Mặc dầu vậy, tôi ngạc nhiên với Xuân Diệu. Khi được hỏi ý kiến về trường ca, ông ấy đã nói với cái giọng thật phũ phàng và hơi có mùi ... thực dân nữa. Có cả cái sự thô tục. Caca tiếng tây là gì cậu có biết không? Lại còn đem cả “chú Tố Hữu” ra dọa... Nhưng tôi không nghĩ Xuân Diệu là lý do để Trần Đăng Khoa giã từ trường ca. Khoa nói. Không có nhu cầu viết dài nữa. Đơn giản vậy thôi. Và mùa trường ca sử thi nửa sau thế kỷ 20 bắt đầu từ khoảng 1977 trở đi. Rầm rộ như không có gì dừng lại và không có ai nói. Hỡi các thi sỹ, hãy xem như thế nào đã? Đến nay vẫn còn vang lên ở đâu đó câu hỏi về trường ca. Rằng chất tự sự của nó không bằng truyện nôm, chất trữ tình không bằng khúc ngâm của văn học trung đại hai, ba thế kỷ trước. Đương nhiên, đây không phải là ý kiến của Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều hay Đoàn Thị Điểm ... Trong khi, không thể không nói rằng trường ca đã góp một phần quan trọng làm nên vóc dáng của thi ca hiện đại.

Khúc hát người anh hùng ra đời 1974. Khi Khoa 16 tuổi. Cùng năm đó có Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm. Bây giờ sau 40 năm đọc lại Khúc hát người anh hùng không khỏi cảm phục về khả năng tổ chức một trường ca dài tới 5 khúc và hơn 1200 câu thơ. Việc sử dụng linh hoạt các thể thơ tự do và lục bát. Cậu bé 16 tuổi đã đặt lên trang viết của mình những vấn đề triết lý nhân sinh về thương đau, nước lửa và cõi vô cùng. Số phận của con người trong đó gắn với sự sinh tử của đất nước, quê hương. Và có cả những câu thơ tài hoa nữa

                    Sông Kinh bên lở bên bồi

                   Mái gianh nghiêng xuống bao đời vẫn xưa.

Khúc hát người anh hùng không phải tác phẩm hay của tác giả. Điều đáng nói nó thể hiện bản lĩnh, trường cảm xúc và suy nghĩ của ông, nó được xem là một trong tác phẩm góp phần mở đầu cho mùa trường ca nửa sau thế kỷ 20. Sau 1974, cả Trần Đăng Khoa, Nguyễn Khoa Điềm không thấy trở lại với trường ca nữa. Nói thế để minh oan cho Xuân Diệu. Ở một khía cạnh nào đó, Xuân Diệu đã đúng chăng khi ông nói Thơ cốt gợi chứ không phải kể. Trường ca thì dường như lạc mất đường thơ. Tôi nghĩ, hình như Xuân Diệu đã không để ý đến yếu tố tự sự, kể chuyện đóng vai trò nòng cốt trong trường ca từ thời cổ đại đến nay. Trong khi phần lớn các trường ca hiện đại của chúng ta thời cuối thế kỷ 20 lại không dựa vào cốt chuyện và được coi đó là một sự đổi mới. Không hiểu đây có phải là bài học kinh nghiệm của Xuân Diệu hay không? Sau khi ông viết Ngọn quốc kỳHội nghị non sông hồi 1945, 1946?

Nhà văn Hungary Marai Sandor có lần nói. Ở một số nhà văn, tuổi vị thành niên kéo quá dài. Với Flaubert, nó kéo dài tới khi chết. Và chàng thi sỹ Rimbaud đã từ bỏ vòng nguyệt quế thi ca mà không có nó chàng chẳng là gì hết, để đi gian díu với giang hồ. Năm 18 tuổi. Thần đồng Trần Đăng Khoa nổi bật nhất với bài Hạt gạo làng ta. Rớm lên ở bài thơ đó mơ hồ cái lô gíc siêu thực của ẩn chứa cái kỳ diệu của chất phác tuổi thơ với sự manh nha của suy tưởng và diễn giải trong liên tưởng mùi thơm của gạo, lao động vất vả của người nông dân đến đường ra tiền tuyến của hạt ngọc bóc ra từ bông lúa chín vàng như băng đạn ... Nhưng phải đợi đến 6 năm sau, Trần Đăng Khoa mới từ biệt được tuổi thơ của mình, trong quân phục người lính biển. Năm 1975. Ông là nhà văn đầu tiên có mặt ở Trường sa không phải với tư cách nhà văn, nhà thơ mà với tư cách một người cầm súng – người lính biển. Và vì thế ông đã vẽ lên trong tha thiết và đầy mẫn cảm về những người lính cùng thế hệ như những đám mây trắng ngời từ hải đảo của đất nước vừa mới trải qua cuộc chiến dài khốc liệt. Đất nước lại phải gửi những đứa con trẻ nhất của mình ra canh giữ biên thùy – Nơi đảo Sơn ca không có sơn ca. Cây phong ba hàng năm chịu hàng trăm trận bão. Biển khơi bao la mà thiếu nước uống cho người – Thay ca cho hàng triệu chiến binh già mặt mày đen xạm lên những chuyến tàu rời khỏi chiến tranh về với hòa bình. Trần Đăng Khoa Ra khơi từ tháng 9 – 1975 và mang về cho làng thơ một trong những chùm thơ đầu tiên đầy mới lạ về biển khơi. Cây phong ba trên đảo Nam Yết. Chim sơn ca trên đảo Sơn ca. Đợi mưa trên đảo Sinh tồn. Ghi ở đảo chìm. Hát về một hòn đảo. Thơ tình người lính biển. Đồng đội tôi trên đảo Thuyền chài...    Tổ quốc, tình yêu và người lính là cảm hứng chủ đạo của chùm thơ biển.

Một không gian đầy thi vị mang nhiều ý nghĩa trong sự phi lý của biện chứng thơ.

                   Tổ quốc thì gần. Làng quê thì xa

                   Phía cuối biển trời ngổn ngang mây trắng.

1975.

Tổ quốc hiện lên từ những đảo chìm dưới biển trong long lanh của huyền thoại và tưởng tượng. Có cả sự nâng niu và tự hào trong đó.

                    Tổ quốc Việt Nam, một lần nữa nổi lên

                   Những quần đảo long lanh như ngọc dát.

4-1978

Và đợi mưa không đến trên đảo nhỏ Sinh Tồn như câu chuyện cổ tích về điều không viên mãn của mưa trong sự thăm thẳm vô cùng của biển với tình yêu trong sáng của những người lính trẻ giữa đại dương không có bóng người.

 

                    Mưa vẫn giăng màn lộng lẫy phía xa khơi

                   Mưa yểu điệu như một nàng công chúa

                   Dù mưa chẳng bao giờ đến nữa

                   Thì cứ hiện lên thăm thẳm cuối chân trời.

 1982

Bài thơ hay nhất của chùm thơ biển – Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài – viết năm 1975, khi Khoa 17 tuổi. Không giống như Flaubert hay Rimbaud, Khoa giã biệt tuổi thơ của mình trên cương vị một người lính và đã viết nên câu thơ hay nhất cho thế hệ mình.  

Đảo tự giấu mình trong màu nước lam xanh

Cái giọt máu thiêng ngầu ngầu bọt sóng

Tổ quốc ơi! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống

Bóng chúng tôi chùm khắp đảo Thuyền Chài

1975

Từ Góc sân và Khoảng trời ra đến biển khơi là một đường bay thẳng của thi ca.

Tôi không hiểu vì sao ở châu Âu người ta mỗi khi nhìn nước Nga lại thấy xa xôi đến thế? Còn chúng ta không thấy điều đó. Mặc dù một thế kỷ vừa qua, biết bao vinh quang và hoang tàn đã xảy ra ở xứ sở tuyết phải thay người cai quản một vùng lãnh thổ rộng lớn. Tôi muốn tìm ảnh hưởng của nền văn hóa Nga tới viên đại úy Trần Đăng Khoa, sau những năm tu nghiệp ở Viện văn học Gorki. Đọc đi đọc lại những bài viết của Khoa về nước Nga. Ở nước Nga. Bí mật của lão Khoa ở nước Nga. Sergei Yesenin. Marian Tkachop với Nguyễn Tuân. Ivan Novitxki ... Tôi chăm chú theo dõi để xem ông đã ngã vào lòng nền văn hóa ấy như thế nào? Và thơ nữa. Trăng Mascova. Qua Brodino. Uống rượu với người bạn Nga. Qua Xuzdan. Đêm Nga. Chiều Riazan ... Tôi mơ hồ nhận thấy nỗi buồn Nga đã đôi lần phủ bóng u hoài trong thơ ông ở Xuzdan và Riazan. Nơi thời gian lãng đãng sương khói đi qua trên đỉnh những tháp nhọn nhà thờ già nua nhắc nhở người ta về quá khứ hơn là hiện tại. Nước Nga không phải là những lâu đài tráng lệ mà là màu úa vàng của mùa thu về náu mình yên lặng ở ven hồ. Giống như đôi mắt buồn lơ đãng của mùa thu mà tình cờ ta nhận thấy. Ở nơi đó, bỗng vang lên câu hỏi: Lẽ nào Yesenin vẫn còn mà nước Nga lại chết? Sau khi bước ra khỏi cửa của Viện văn học Gorki, cái phông văn hóa của Trần Đăng Khoa rộng lớn hơn nhiều so với thời ông cùng đồng đội đợi mưa ở đảo Sinh Tồn. Nhưng, như một định mệnh, những gì Khoa viết như là một sự kéo dài của phong cách thơ đã tròn đầy từ lúc ở biển khơi. Tôi chưa nhận thấy sự thay đổi nhiều lắm về mặt thi pháp. Ngoại trừ sự mở rộng chủ đề trong cái khoảng bâng khuâng của một hồn thơ?.

Goether nói về Byron một cách hóm hỉnh như sau: Anh ta chỉ vĩ đại khi làm thơ. Khi bắt đầu suy nghĩ anh ta là một đứa trẻ. Thần đồng Trần Đăng Khoa còn có duyên với phê bình văn học, lĩnh vực vốn đòi hỏi sự sắc sảo của kiến văn với sự tinh tế của cảm thụ. Có người nói: phê bình văn học vừa là con cáo lại vừa là chùm nho. Cái khác biệt của phong cách phê bình Trần Đăng Khoa ở hai đặc điểm. Đó phải chăng là sự hài hước một cách trẻ thơ và đặt phê bình văn học luôn luôn ở trong thế đối thoại một cách chân thành với người đọc. Cách làm đó dễ tiếp cận và diễn giải với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm và đôi khi cũng không phải là ít hiểm nguy của văn chương. Một người Mỹ nói với tôi rằng: pháp luật tốt là nghệ thuật của sự thỏa hiệp. Tôi thấy Khoa cũng làm như thế trên những trang phê bình văn học của ông.

Chân dung và Đối thoại có 23 bài. Chỉ có 8 bài về thơ và các nhà thơ. Nhưng chứa đựng nhiều ý kiến xác đáng mà chân thành. Có lẽ chân dung Xuân Diệu là đầy đặn và sâu sắc hơn cả. Lại sòng phẳng nữa. Sau Thơ thơGửi hương cho gió, Xuân Diệu một lần nữa lại chói sáng trong lĩnh vực phê bình và nghiên cứu thơ ... Sau câu nhận định này, tôi hiểu còn ẩn chứa một ý khác quan trọng hơn. Mà ý này mới là ý chính. Điều không nói lên đó đúng ở sự siêu hình của nó. Cái mà người ta gọi là dư ba trong phê bình văn học chăng?

Bàn luận về thi ca và cách mạng thi ca trong Câu chuyện bên bàn trà. Tản mạn xung quanh giải thưởng Hội nhà văn 1993. Ngẫu hứng du ngoạn qua giải thưởng Văn nghệ Quân đội... thể hiện một phong cách không ngại va chạm và điều quan trọng hơn – đã gợi mở cho việc lý giải một số vấn đề chung của văn học đương đại. Ví như Trần Đăng Khoa so sánh cuộc cách mạng thi ca thời phong trào thơ mới 1930 – 1945 với thơ mới cuối thế kỷ 20 với câu hỏi nó tựa vào cái gì? ... thật đáng để tâm suy nghĩ.

Làm phê bình cũng như làm một nhà văn. Nó thể hiện nhân cách của người ấy. Ở đây tôi nhận thấy là sự chân thành.

Đúng vào dịp ngày cúng xá tội vong nhân năm nay, tôi cùng nhà thơ Ngô Thế Oanh đến gia đình Phạm Tiến Duật và Phùng Cung ở khu Trung Tự và làng Ngọc Hà; những nơi ra vào, nương náu của người bình dân ở Hà Nội. Sau khi đặt quyển Giọt nước trong lá sen có đánh dấu bằng giấy đỏ bài viết về họ lên bàn thờ, chúng tôi xin phép gia đình thắp hương làm lễ hương hồn của các thi nhân. Tự dưng lại nhớ lời Trần Đăng Khoa trích dẫn một người Nga gọi Phạm Tiến Duật là nhà truyền giáo vĩ đại, có khả năng thôi miên hàng triệu người. Nhưng khi nói chuyện với các thiếu nữ Nga ở ga tàu bến xe đôi khi lại thấy không tin lắm vào điều mình nói ... Ai đó nói rằng. Trường Sơn giành cho Duật. Trường Sa giành cho Khoa. Tôi không hiểu mọi người có đồng ý với ý này hay không? Nhưng trong cảnh đầu thu chợt mưa, chợt nắng đi đâu trên phố phường Hà Nội cũng thấy người ta đốt vàng mã cầu phước an lành cho cả người cõi âm lẫn cõi dương. Những ngọn lửa mỏng thảng thốt ấm lạnh trong tiết mưa thu bàng bạc nhân tình của trời Hà Nội, khiến người ta nghĩ nhiều về thi nhân trong thân phận làm người hơn là thi ca của họ. Một nỗi buồn nhân thế không thể dứt được trong lửa khói vàng mã phả vào những góc nhỏ nhân gian chút nhang thơm của sự cứu rỗi. Những thi nhân đã một đi không trở lại. Chỉ còn những căn nhà nhỏ xuyềnh xoàng và người thân của họ ở trong đó. Chỉ những người đó mới biết rõ hơn ai hết họ đã mãi mãi không trở về dù chỉ là siêu thoát trong ngày xá tội vong nhân. Họ không bao giờ viết được nữa cho sự thăng trầm của xứ sở này. Đúng như Trần Đăng Khoa đã viết từ lâu trong Hầu chuyện thượng đế: thi sỹ cũng là người bình thường như mọi người khác mà thôi. Vâng. Phạm Tiến Duật. Phùng Cung. Xuân Diệu. Flaubert. Rimbaud. Trần Đăng Khoa. Nguyễn Huy Thiệp và tất cả các thi sỹ trên thế gian này... Họ trước hết là một con người. Cả thế gian đều biết họ đâu phải Người giời để được hưởng vinh hoa.

Nhưng họ khác người khác bởi vì họ không có một thứ vũ khí hay quyền lực nào khác để chống lại sự xói mòn của thời gian và sự hung hăng, ngạo mạn, ngu tối của cái ác; Cũng như nhân danh lương tâm thời đại để bảo vệ và ca ngợi phẩm giá con người – ngoài sáng tạo văn chương. Nhờ có họ, thế giới chúng ta đang sống được mở rộng đến vô cùng. Năm mươi năm qua. Nối hai bờ thế kỷ. Thơ Trần Đăng Khoa như một hiện tượng độc đáo để chúng ta yêu quý hơn đất nước và quê hương mình từ những gì gần gũi nhất; từ đàn kiến nhỏ bò trên đất sau mưa đến mây trời nhu mì và tư lự trên biển khơi xa. Và Khoa đã tự trào với vẻ khiêm nhường mà không hẳn là không có ngụ ý về bản thân mình: Y đã già và dứt khoát không phải kẻ đắc đạo. Vậy mà y vẫn phải còng lưng vác cây thánh giá ở lứa tuổi trẻ con. Trần Đăng Khoa không đánh mất tuổi thơ từ năm lên 8. Xét cả nghĩa đen và nghĩa bóng của câu này. Thơ và tuổi thơ ông, những giá trị tinh thần của thời đại ông đã trở thành tài sản và nỗi ám ảnh của một thời đã qua và những năm sắp tới. Bởi vì đó là những điều có thật của thân phận con người đã thuộc về lịch sử trên dòng chảy bất tận của văn chương.

Chỉ có điều nghiệp chướng văn chương vẫn còn đó. Trần Đăng Khoa viết cái gì và như thế nào luôn luôn bị chiếu dọi bởi cây thánh giá của sự sáng tạo được làm nên từ buổi thiếu thời có tên gọi: sự ám ảnh của thi ca.

Mưa ngâu 2016      

          

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558411

Hôm nay

29

Hôm qua

2384

Tuần này

21970

Tháng này

225954

Tháng qua

122920

Tất cả

114558411