Chuyện người
Một trong những lễ hội hoa độc đáo và xuất hiện từ lâu đời là Lễ hội diễu hành hoa hồng tại Pasadena, California, Mỹ. Lễ hội này lần đầu tiên được câu lạc bộ Valley Hunt Club tổ chức vào năm 1890 để đón chào năm mới. Từ sau đó, lễ hội diễn ra vào ngày 01/01 hàng năm, trừ khi ngày 01/01 rơi vào Chủ nhật. Người dân ở đây không bao giờ tổ chức lễ hội vào ngày Chủ nhật vì họ tin rằng đã có một thỏa thuận với Chúa trời. Nếu họ không tổ chức vào Chủ nhật thì Chúa sẽ giúp trời không mưa trong thời gian diễn ra diễu hành. Ngoài ra, không tổ chức vào Chủ nhật cũng để tránh ảnh hưởng tới việc đi lễ nhà thờ và tránh trùng với một hoạt động thường niên khác tại đây. Trong trường hợp này, lễ hội sẽ được tổ chức vào ngày 02/01. Những cư dân ở Pasadena luôn tự hào về vùng đất mà mình sinh sống, nhất là thời tiết ôn hòa vào mùa đông, khi mà những nơi khác bị chôn vùi trong tuyết thì ở đây trăm hoa đua nở, cây trái ngọt lành. Bởi thể các thành viên của câu lạc bộ đề xuất hãy tổ chức một lễ hội để cho thế giới biết về thiên đường chúng ta đang sống. Kể từ đó, mỗi năm lễ hội lại diễn ra với một chủ đề khác nhau. Người ta kết những xe hoa rực rỡ sắc màu trong đó hoa hồng là chủ đạo và tổ chức thi chọn một cô gái làm Nữ hoàng hoa hồng, mặc lễ phục màu trắng, ngồi trên xe diễu hành qua các phố. Hiện nay lễ hội được Hoa Kỳ phát sóng trực tiếp và truyền đến 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Rất đông du khách kéo nhau về đây từ đêm 31/12 chỉ để có được một vị trí đẹp ngắm đoàn diễu hành vào sáng hôm sau. Một trong những điểm đặc biệt đáng chú ý của lễ hội là các xe hoa ở đây tuyệt đối phải được kết hoàn toàn từ vật liệu thiên nhiên, không sử dụng hoa hay cành lá giả. Đó là cách mà người dân ở đây quảng bá cho địa phương mình đồng thời nhắc nhở mọi người biết yêu và bảo tồn thiên nhiên.
Tại Medellin, Colombia, lễ hội hoa Feria de las Flores hàng năm cũng là một nét văn hóa độc đáo. Colombia được biết đến là một nguồn xuất khẩu hoa chính của thế giới. Lễ hội này là một trong những hoạt động góp phần quảng bá thêm thương hiệu, hình ảnh của thành phố Medellin nói riêng và đất nước Colombia nói chung. Lễ hội này lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 01/5/1957 và diễn ra trong 5 ngày. Năm 1958 trở về sau, lễ hội được chuyển sang tổ chức vào tháng 8 để kỷ niệm ngày độc lập của Antioquia và thường diễn ra trong 10 ngày. Nét độc đáo của lễ hội này là những người tham gia sẽ cõng trên lưng mình các tác phẩm kết từ hoa gọi là Silletas. Điều này bắt nguồn từ việc trước đây cư dân sống ở vùng núi đã cõng hoa trên lưng đi bán cho nhiều nơi khác nhau trên cả nước. Ngoài ra, đó cũng là hình ảnh tượng trưng cho việc kết thúc thời kỳ nô lệ khi mà những người nô lệ phải cõng chủ trên lưng thay vì hoa vượt qua những ngọn đồi. Lễ hội thể hiện niềm vui mừng của cư dân nơi đây khi lại được tiếp tục truyền thống địa phương. Đó là dịp người ta tôn vinh nghệ thuật làm vườn và chuyển tải những thông điệp về hòa bình, cuộc sống thông qua những tác phẩm hoa mang trên lưng mình.
Tại Ottawa, Canada, người ta lại biết đến lễ hội hoa Tulip lớn nhất thế giới. Lễ hội này lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1953. Năm 1945, sau 5 năm lưu vong tại Canada, công chúa Juliana và các con cô đã được đoàn tụ với Nữ hoàng Wilhelmina tại Hà Lan. Do đó, công chúa đã gửi một số quà tặng trong đó có 100,000 củ hoa Tulip. Năm sau đó 20.500 củ hoa tiếp tục được gửi sang Canada để trồng trong khuôn viên bệnh viện mà công chúa đã sinh con. Những bông hoa tulip thu hút được sự chú ý của người dân nơi đây và nhanh chóng trở thành điểm nhấn của thành phố. Năm 1953, một nhiếp ảnh gia đã đề xuất tổ chức lễ hội hoa Tulip vào tháng 5 hàng năm để chào đón mùa Xuân cũng như nhắc nhớ về sự kiện lịch sử đầy ý nghĩa ấy. Hiện nay, hoa tulip đã trở thành biểu tượng của Ottawa và hàng năm lễ hội này thu hút khoảng 500,000 du khách và được biết đến là lễ hội hoa tulip lớn nhất thế giới. Ban tổ chức cũng rất khéo léo khi chọn các điểm thiết kế vườn hoa tulip đặc biệt là những điểm văn hóa, lịch sử . Hiện nay, Canada đã lập một trang web riêng cho lễ hội,cung cấp đầy đủ thông tin về lịch sử, các hoạt động, chủ đề của lễ hội.
Một trong những lễ hội quen thuộc với người dân Việt Nam là lễ hội Hoa anh đào tại Nhật Bản được gọi là Hanami. Đây là một trong những lễ hội lâu đời nhất và là một nét văn hóa đặc trưng của đất nước mặt trời mọc. Hoa anh đào được xem quốc hoa và gắn liền với văn hóa Nhật. Nó thể hiện sự thanh khiết, trong trắng và mong manh. Trong triết lý sống của người Nhật, hoa anh đào là hình ảnh của cuộc sống vốn dĩ tươi đẹp nhưng lại rất đỗi mong manh. Lễ hội này bắt nguồn từ tục lệ cách đây hàng ngàn năm, khi mà các quần thần thường dâng cành hoa lên cho Thiên Hoàng thưởng lãm mỗi dịp đầu năm. Kể từ sau đó (từ thời Edo), khi hoa anh đào được trồng phổ biến trên khắp đất nước Nhật Bản, mỗi mùa xuân về (tháng 3, tháng 4), người dân trên khắp các thành phố lại tổ chức lễ hội ngắm hoa. Trong dịp này người ta thường chọn những điểm đẹp, dưới những tán cây hoa nở rực rỡ nhất để cùng với bạn bè, gia đình ngồi ngắm, thưởng thức những món ăn truyền thống, chúc rượu, ca hát.
Như vậy, du ngoạn qua một số lễ hội hoa trên thế giới, ta thấy đằng sau đó đều là những câu chuyện thú vị, gắn với văn hóa, lịch sử của địa phương. Mỗi một lễ hội là một sự kỷ niệm, là một sự ngợi ca và là thông điệp mà trước hết là cho chính cư dân nơi đây và sau đó là gửi đến bạn bè khắp nơi trên thế giới.
Chuyện ta
Quay trở về trong nước, chúng ta cũng có rất nhiều lễ hội hoa: Lễ hội hoa Đà Lạt, lễ hội hoa Ban, Lễ hội hoa Tam giác mạch, Lễ hội hoa phượng đỏ. Ngoài lễ hội hoa Đà Lạt có quy mô và thu hút nhiều du khách tới dự, các lễ hội hoa khác nhìn chung chưa thực sự hiệu quả.
Lễ hội hoa Đà Lạt được tổ chức 2 năm 1 lần vào tháng 12 dương lịch. Trong dịp này, người ta thường trưng bày, triển lãm các loại hoa, cây cảnh, rau quả đặc trưng của địa phương, quảng bá hình ảnh Đà Lạt – một vùng đất có khí hậu ôn hòa, trăm hoa đua nở. Những thiết kế hoa dọc các tuyến đường kết hợp với không gian hoa; chợ rau, quả; không gian thư pháp, nhiếp ảnh; tuyến phố rượu vang, cà phê,… tạo sức hút lớn với du khách trong cũng như ngoài nước.
Lễ hội hoa Ban ở Tây Bắc là một nét văn hóa độc đáo của người Thái, được tổ chức vào tháng 2 âm lịch. Lễ hội tổ chức để bày tỏ lòng tri ân và thỉnh bái các thần linh phù hộ cho đời sống bản làng luôn ấm no, hạnh phúc. Lễ hội gắn với hoa Ban, loài hoa đặc trưng của vùng Tây Bắc. Loài hoa này gắn với truyền thuyết về nàng Ban, biểu hiện cho sự trinh trắng và lòng thủy chung của người thiếu nữ Thái.
Lễ hội Hoa phượng đỏ (Hải Phòng) và Lễ hội Hoa Tam Giác Mạch (Hà Giang) đều là những lễ hội mới được tổ chức. Lễ hội hoa phượng đỏ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2012, lấy hình ảnh hoa phượng – loài hoa biểu trưng cho vùng đất và con người nơi đây làm chủ đạo cho các hoạt động nghệ thuật, biểu diễn. Trong khi đó, lễ hội Hoa tam giác mạch được tổ chức lần đầu vào năm 2015, gắn với hình ảnh loài hoa Tam giác mạch, một loài hoa thường nở rộ vào dịp tháng 10 dương lịch tại đây.
Đối chiếu với các lễ hội hoa ở một số nước mà chúng ta điểm qua trên đây, có thể thấy, nếu muốn thực sự tạo ra một lễ hội hoa đúng nghĩa, thu hút du khách, chúng ta có quá nhiều việc phải làm. Đó là câu chuyện của sự sáng tạo; của việc lựa chọn loài hoa đặc trưng gắn với địa phương mình để tổ chức thành quy mô lễ hội; của thông điệp, ý nghĩa văn hóa – lịch sử,…Khi quyết định tổ chức một lễ hội hoa, chúng ta nhất thiết không thể không đặt ra những câu hỏi: Loài hoa đó đã gắn với lịch sử, văn hóa, con người của vùng đất ra sao? Mức độ phổ biến như thế nào? Hiện nay nó có ý nghĩa thế nào đối với người dân địa phương? Quan trọng hàng đầu là loài hoa đó phải thực sự gắn vời đời sống văn hóa của đại bộ phận cư dân nơi đây, có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của họ.
Còn quá sớm để đánh giá về những lễ hội hoa mới hình thành trong nước nhưng qua một vài lần tổ chức có thể thấy cách tổ chức còn đơn điệu, chưa hàm chứa được thông điệp ý nghĩa và do đó chưa thực sự thu hút người dân cũng như du khách. Hy vọng bất kỳ địa phương nào, khi có ý định tổ chức một lễ hội hoa sẽ xem xét lại thật kỹ lưỡng các lễ hội hoa trên thế giới, bài học từ những thành công và chưa thành công của các lễ hội hoa khác trong nước để tìm được hướng đi đúng đắn. Một khi chưa trả lời đầy đủ các câu hỏi, chưa hội tụ đủ điều kiện để thực hiện và chưa có thông điệp để chuyển tải thì thiết nghĩ không nên tổ chức bởi chắc chắn nếu có làm cũng sẽ sớm thất bại.