Cuộc sống quanh ta

Đối với Trump, sẽ là khả thế, nếu Việt Nam...

Không việc gì phải bùi ngùi[1], không có gì phải bâng khuâng[2]! Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể sẽ là một khả thể cho bang giao Mỹ—Việt, khả thể cho vấn đề Biển Đông, nếu tinh thần đồng thuận Diên Hồng của ta được phát huy, nếu chúng ta chứng tỏ Việt Nam là một dân tộc tự cường, một quốc gia biết tự trọng và tự quyết.

Ông Donald Trump từng kể lại rằng, ông đã ủng hộ TNS Mit Romney và TNS John McCain vào Nhà Trắng nhưng rồi cả hai đều không qua nổi vòng gửi xe trên đường Pennsylvania cắt phố 17 (góc đường Tòa Bách Ốc tọa lạc). Bực mình, ông tuyên bố sẽ tự ứng cử và cầm chắc ông sẽ thắng lớn (win big). Mọi người nghe, tưởng như một câu chuyện đùa, vì vị tỷ phú này có cách ăn nói bốp chát, chả cần biết người khác phản ứng ra sao. Giới truyền thông cả năm qua dùng câu chuyện này để câu views, nhưng đấy chính lại là con đường dẫn Trump đến với những cử tri chưa từng biết tới tên tuổi của ông. Truyền thông Mỹ và thế giới càng chỉ trích ông thì ông càng tiến sâu vào vòng trong và cuối cùng đã “cán đích” một cách vẻ vang. Chiến thắng của Donald Trump cũng cho thấy, tư duy chính trị và các học thuyết chính trị truyền thống trên thế giới và ngay cả trong lòng nước Mỹ đã bộc lộ những bất cập, không giải quyết được các mâu thuẫn thời đại đặt ra trong thực tiễn. Chiến thắng đầy thuyết phục ấy đã báo động cho thế giới, rằng mọi việc từ nay sẽ không còn như xưa nữa. Từ nay, các vấn đề thương mại, an ninh và nhiều vấn đề khác sẽ được “tái” quan niệm, không giống với trước đây và khác cả với cách giải quyết vấn đề cho đến nay. Có thể đồng ý với Hiệu Minh[3], rồi đây các học giả sẽ còn tốn không biết bao nhiêu giấy mực để bàn luận tại sao Trump lại có thể thắng lớn đến thế. Đây là một vụ “big bang” còn hơn cả với Brexit, một “vụ nổ” làm hàng tỷ người trên hành tinh choáng váng.

 

Số phận chính sách “xoay trục”

 

Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ Donald Trump chắc chắn sẽ bắt tay thiết lập chính quyền mới, ban cố vấn mới để giúp ông tìm kiếm và thực hiện các giải pháp liên quan đến nhiều vấn đề cốt lõi trong lòng nước Mỹ. Về đối ngoại, không sắp theo thứ tự quan trọng, nhưng đấy chắc chắn sẽ là những vấn đề liên đới tới châu Âu, tới nước Nga, Trung Đông, các quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á, Mỹ—Latinh và châu Phi. Vượt lên trên những vấn đề khu vực là các hồ sơ tác động đến toàn hành tinh như biến đổi khí hậu, nghèo đói, dịch bệnh, khủng bố, vũ khí hạt nhân và các cuộc xung đột đang diễn ra trên khắp các lục địa. Giờ này, chưa ai trong chúng ta có thể nắm bắt một cách cụ thể các nội dung trong các bộ hồ sơ khu vực và chuyên ngành ấy (cross-cutting). Tuy nhiên, chiến thắng của Trump cũng đặt ra một vấn đề lớn về chính sách nội trị và ngoại giao của nước Mỹ trong kỷ nguyên tới có thể sẽ có những khía cạnh bấp bênh, khó dự báo.

 

Điều mà các nước tầm trung ở châu Á lo ngại nhất là phải chăng bức màn đã hạ trên chiến lược “xoay trục” nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ để khắc chế sự bành trướng của Trung Quốc tại một vùng được xem là then chốt đối với an ninh và thịnh vượng của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ[4]. Những diễn tiến trước cuộc bầu cử 8/11 vừa qua cho thấy xu hướng “hạ màn” ấy. Sau Rodrigo Duterte của Philippines là Najib Razak của Malaysia (đều là đồng minh và đối tác nặng ký của Mỹ) đã xích lại gần hơn với Trung Quốc. Đấy là chưa nói tới Campuchia và Thái Lan… Chuyện gì xẩy ra nếu các thành viên khác trong ASEAN cũng sẽ “rủ nhau” lần lượt xoay trục. Ông Trump và bộ sậu rồi đây không thể không nhận ra nguy cơ “tan đàn xẻ nghé” của tổ chức khu vực mà Mỹ đã dày công vun đắp. Nước xa khó cứu được lửa gần. Chừng nào mà chiến lược “xoay trục” của Mỹ, cho dù đã bước sang giai đoạn hai, vẫn sẽ không định hình rõ nét dưới “triều đại” Trump, chừng đó, các thành viên ASEAN có thể vẫn tìm kiếm các phương án thay thế. Nếu để Trung Quốc chặt đứt mất mắt xích Đông Nam Á, không chỉ hòa bình và an ninh ở đấy bị đe dọa.

 

Hẳn nhiên là châu Á không cần “dạy khôn” Trump. Trong chiến dịch tranh cử, ứng viên Cộng hòa Trump đã nhận thức rất rõ, Trung Quốc đưa đến ba mối đe dọa lớn đối với Hoa Kỳ. Thứ nhất là thao túng tiền tệ quá đáng; thứ hai là nỗ lực phá hủy nền tảng sản xuất của Mỹ một cách có hệ thống và thứ ba là các hoạt động gián điệp công nghiệp cùng với việc tiến hành chiến tranh mạng chống lại người Mỹ. “Trung Quốc đã hà hiếp chúng ta nhiều năm rồi!” Lời ca thán của Trump đi đôi với cáo buộc chính quyền Obama dường như đồng lõa trong việc muốn giúp người Trung Quốc chống lại lợi ích của nước Mỹ. Tuy nhiên, Donald Trump tự tin và cho rằng, mình có thể vượt qua các mối đe dọa của Trung Quốc bằng một một chiến thuật khôn ngoan và một đối sách thương thuyết cứng rắn. Ông thanh minh, mình không phải là người chống Trung Quốc và những người đại diện của đất nước này. “Sự thật là tôi rất nể trọng người dân Trung Quốc. Tôi cũng rất nể trọng những người đại diện cho Trung Quốc. Điều tôi không nể trọng là cách chúng ta thương lượng và đàm phán với họ”. Nhiều năm qua, ông Trump tỷ phú đã thực hiện nhiều thỏa thuận và giao dịch với người Trung Quốc. Ông đã kiếm được những khoản tiền khổng lồ, đã bán các căn hộ với giá 53 triệu USD, 33 triệu USD và nhiều mức giá thấp hơn. Trump tuyên bố: “Tôi biết rõ người Trung Quốc, tôi hiểu và tôi tôn trọng họ”[5].

 

Trên dòng thời cuộc…

 

Chính xác điều gì sẽ xảy ra với nước Mỹ sau cuộc tranh cử và bầu cử tổng thống có một không hai vẫn là một câu hỏi mở. Mặc dù dựa trên một vài dữ liệu có thể làm cơ sở để suy đoán, nhưng điều chắc chắn xác thực duy nhất là 96% dân số thế giới, trong đó có Việt Nam, không tham gia bỏ phiếu trong cuộc tranh cử ở Hoa Kỳ; nhưng 96% dân số ấy, trong đấy có người dân Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng không kém những gì người Mỹ sẽ trải qua. Toàn thế giới vẫn đang nín thở, kể cả sau cái “ngày phán quyết” 8/11, để xem những cam kết trong 100 ngày đầu ở Nhà Trắng của vị tân tổng tổng thống lấy khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” (America first!) và khẩu khí “Không chịu bị xếp xuống loại hai” (Second to None!) làm cương lĩnh hành động sẽ như thế nào. Ông Trump chắc không quên lời răn của Tổng thống Franklin D. Roosevelt khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra: người Mỹ trước hết phải là công dân của thế giới, thịnh vượng của nước Mỹ nhiều khi tùy thuộc vào thịnh vượng của những đất nước xa xôi, nước Mỹ không thể chỉ sống như con đà điểu rúc đầu vào cát. Vì vậy, hạt giống của chủ nghĩa biệt lập thật khó có chỗ nảy mầm trên đất Hoa Kỳ.

 

Khi được hỏi về mối quan hệ Việt—Mỹ sẽ như thế nào dưới thời của tổng thống mới, một chuyên gia có tiếng ở Việt Nam cho biết: “Nếu bà Hillary Clinton đắc cử Tổng thống thì việc xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, đặc biệt nữ tổng thống sẽ hành động rất cứng rắn với yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Còn với ông Donald Trump, chính sách này sẽ tiếp tục được duy trì nhưng có thể có những điều chỉnh”[6]. Vấn đề là điều chỉnh theo hướng nào? Ở đây thiết nghĩ cần làm rõ một số nội dung để tránh phải “bâng khuâng” khi cử tri Mỹ đã không chọn bà Clinton. Nếu bà Tổng thống “cứng rắn với yêu sách phi lý của Trung Quốc” thì chắc chắn bà cũng chỉ cứng rắn trên căn bản lợi ích của nước Mỹ. Còn nếu ông Trump “có những điều chỉnh” thì ông cũng điều chỉnh vì lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ. Nghĩa là nếu như Việt Nam nằm ngoài “dòng chảy” chiến lược ấy, thì sẽ chẳng có ông/bà tổng thống nào đoái hoài tới, chưa chưa nói đến việc hỗ trợ hay giúp đỡ! Ngược lại, nếu Việt Nam là một dân tộc đoàn kết, có một sự đồng thuận quốc gia như thuở Diên Hồng, nếu Việt Nam là một đất nước tự cường—tự trọng—tự quyết, nghĩa là nếu chúng ta là mắt xích đáng nể trong một thế cờ địa-chính trị kỷ nguyên Trump, chắc chắn tiếng nói của Việt Nam sẽ có trọng lượng. Bằng không, chẳng ai sẽ là “đấng cứu thế” giúp Việt Nam cả.

 

Về tranh chấp chủ quyền Biển Đông, ông Trump cũng chưa nói rõ lập trường của mình, trong khi đấy là một trong những hồ sơ gai góc nhất trong quan hệ Mỹ-Trung vừa qua và trong những thập kỷ tới. Trước một Trung Quốc hung hãn và đầy quỷ kế trên Biển Đông, theo chuyên gia Sarah Graham, từ Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ (Úc), khi đắc cử tổng thống, ông Trump sẽ tạo dựng một êkíp lâu bền để giúp kiến tạo nên một chính sách về châu Á làm sao cho các chính phủ khu vực này cảm thấy yên tâm. Đừng quên, Biển Đông vốn là hải trình của mọi thời đại và là quà tặng của Thượng đế cho nhân loại. Với lưu lượng 90% hàng hóa của Mỹ và của đồng minh chuyên chở qua Biển Đông, mà ông Trump lại coi lợi ích nước Mỹ là tối thượng, muốn làm mới lại “Giấc mơ Mỹ”, muốn nước Mỹ trở lại vĩ đại, chắc chắn ông không thể để cho các lợi ích quốc gia bị xâm hại, không thể để một mình Trung Quốc làm mưa làm gió trên Biển Đông. Để hòa đồng với lợi ích của Mỹ và của các nước trong khu vực, đòi hỏi Việt Nam phải nhất quán, phải bản lĩnh trong vấn đề tìm giải pháp cho các tranh chấp phức tạp hiện nay.

 

Hẳn nhiên trong bốn năm tới, chúng ta sẽ không thể trông đợi ông Trump ca lại “bài hát” của Tổng thống Obama: “Từ nay ta biết quê người, từ nay ta biết thương người” (theo lời của Văn Cao); hay chỉ ngồi yên cầu mong cho “mối quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển vững chắc hơn, một mối quan hệ đã đi một vòng tròn, từng là đối thủ trong chiến tranh, bây giờ thành bạn bè, đối tác”. Trump có thể kế thừa triết lý của Obama: trong khi nhiều cuộc xung đột không thể giải quyết thì tấm lòng mỗi chúng ta đều có thể biến đổi, nếu chúng ta không chấp nhận làm tù nhân của quá khứ. Nhưng cũng chưa biết ông Trump sẽ “bốp chát” như thế nào với một Việt Nam đang cố gắng kiến tạo và duy trì thế quân bình giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cũng chưa biết ông Trump và bộ sậu có vấn của ông có tính toán làm ăn với Việt Nam theo kiểu “lời ăn lỗ chịu”. Tỷ phú Trump nổi tiếng với câu nói khi tuyển người “You are hired – anh được chọn, you are fired – anh hỏng rồi”. Nếu chúng ta thực sự có bản lĩnh, chúng ta có quyền đón đợi khi Tổng thống Trump sang Hà nội dự APEC 2017, ông ấy sẽ nói với Việt Nam: “You Are Hired!” Thế giới có thể trở nên vô định, nhưng lợi ích quốc gia—dân tộc là cụ thể và trường tồn. Chỉ có khi ta mạnh cả trong lẫn ngoài thì mới đủ sức, cùng các bạn bè và đối tác, để bảo vệ các lợi ích được cho là cốt lõi ấy!

*

Cả giới truyền thông lẫn hàn lâm của Việt Nam những ngày này đang “săm soi” một vấn đề: Trump là một hiện tượng “đột biến” trên chính trường Hoa Kỳ, hay ông đang đại diện cho một xu hướng mới, một sự đổi thay vượt ra ngoài “tư duy lối mòn” của chúng ta? Về cuộc bầu cử vừa qua, có một số bạn trẻ nói với tôi, nó hấp dẫn và kịch tính hơn cả giải ngoại hạng Anh hoặc thú vị hơn cả theo dõi chung kết bóng đá thế giới. Tôi chia sẻ với các bạn ấy, chúng ta hãy dùng “tư duy đột phá” (breakthrough thinking) để xem xét hiện tượng này. Phần lớn cử tri Mỹ năng động và thích thay đổi, không chấp nhận gia đình Clinton và đảng Dân chủ lấn sang nhiệm kỳ thứ ba. Và Trump chính là làn sóng phẫn nộ của bộ phận lớn cử tri chán ghét chính quyền đã tràn lên “con đê” Hillary vốn được dựng lên để bảo vệ giới tinh hoa. Thành quả vừa qua còn là sản phẩm của một sự kết hợp giữa chính trị kinh điển với hành động mang tính cách mạng nhằm phục vụ cho lợi ích của Hoa Kỳ. Không loại trừ một sự dàn dựng nào đấy, nhưng cũng có thể tất cả đều vượt ra ngoài kịch bản có trước đó./.

 


[1] Một học giả viết: “Dù bùi ngùi, nhưng bữa tiệc nào chẳng đến lúc phải chia ly”, xem: http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Mat-Troi-van-moc-vao-buoi-sang-post172274.gd

[2] Một nhà báo khác lại bày tỏ “đôi cảm nhận bâng khuâng” khi bàn về bầu cử ở Mỹ, xem: http://baovannghe.com.vn/bau-cu-tong-thong-hoa-ky-2016-doi-cam-nhan-bang-khuang-15759.html

[3] http://soha.vn/tu-washington-dc-den-my-moi-thay-su-ung-ho-ngam-danh-cho-trump-khong-he-nho-20161109173423752.htm

[4] TTXVN, số 225, ngày 10/11/2016: Chiến lược “xoay trục của Mỹ đã đến lúc hạ màn?

[5] Trích từ cuốn sách “Donald Trump – Đã đến lúc phải cứng rắn” được Alpha Books và NXB Thế giới phát hành toàn quốc vào ngày 18/7/2016.

[6] http://www.phapluatplus.vn/quan-he-viet--my-ra-sao-khi-my-co-tong-thong-moi-d28701.html

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558284

Hôm nay

2266

Hôm qua

2379

Tuần này

21843

Tháng này

225827

Tháng qua

122920

Tất cả

114558284