Việc ban hành các chính sách, quyết định cụ thể nhằm xây dựng nếp sống văn minh trong nhiều năm qua đã được các cơ quan nhà nước lẫn chính quyền địa phương quan tâm. Và cũng đã có nhiều chính sách, quy định được ban hành, tuy nhiên, không phải khi nào cũng đạt được hiệu quả như mong muốn. Nhiều vấn đề xã hội, văn hóa vẫn hiện hữu và ngày càng cấp bách hơn trong khi việc ban hành, thực thi các chính sách lại chưa thể giải quyết được. Trong bối cảnh đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, các địa phương có xu hướng xây dựng những quy định nhằm thúc đẩy nhanh hơn quá trình thay đổi đời sống văn hóa. Việc UBND tỉnh Nghệ An ban hành quy định về tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội cũng nhằm can thiệp/tác động vào các thiết chế, hoạt động văn hóa của các cộng đồng. Trong quy định này còn nhiều vấn đề để bình luận mà trong bài viết ngắn này chỉ có thể trao đổi về các quy định liên quan đến việc tổ chức lễ cưới.
Trong điều 4 chương II của quy định có 3 mục ghi rõ:
1. Tổ chức lễ cưới tại một địa điểm, trong một ngày.
2 Tổ chức tiệc mặn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chỉ mời cơm trong gia đình, thân tộc, bạn bè và đồng nghiệp thân thiết cùng cơ quan trực tiếp công tác với số lượng hạn chế và chỉ được mời tối đa không quá 600 khách. Cán bộ công chức, viên chức không dự tiệc cưới trong giờ hành chính; khi cưới hoặc tổ chức lễ cưới cho con phải báo cáo với chính quyền nơi cư trú và thủ trưởng cơ quan nơi công tác về cách thức tiến hành việc cưới.
3. Cơ quan đoàn thể, gia đình cá nhân tổ chức mừng lễ cưới vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của địa phương, tôn giáo, dân tộc và hoàn cảnh của gia đình.
Ngoài trừ mục 3 tương đối mở và không có nhiều điều cụ thể để bình luận thì mục 1 và 2 đều có những vấn đề riêng. Ở mục 1 quy định tổ chức lễ cưới tại một điểm trong một ngày thì không rõ đây là quy định cho một gia đình hay cả hai gia đình, nhà trai và nhà gái. Ở nông thôn, thường thì tiệc cưới tổ chức riêng lẻ ở nhà trai và nhà gái, sau đó tổ chức lễ rước dâu từ nhà gái về nhà trai. Tuy nhiên, ở thành thị đang có cách tổ chức lễ cưới tại nhà hàng, khách sạn mà hai gia đình nhà trai và nhà gái cùng dự tiệc. Trong trường hợp này lại có vấn đề khác liên quan đến số lượng khách mời cần phải tính của một gia đình hay hai gia đình.
Ở mục 2 có 3 vấn đề cơ bản cần được bình luận thêm. Trước hết đó là quy định số lượng khách mời tối đa không quá 600 người. Thực ra, ở Nghệ An, thành phố Vinh, cách đây 10 năm cũng đã từng có quy định tương tự nhưng khi đưa vào thực tiễn không được như ý muốn. Và, cách đây không lâu, tháng 9/2012, UBND Thành phố Hà Nội cũng đã đưa ra bản dự thảo xin ý kiến về quy định cho việc cưới xin trong đó có việc quy định số khách mời tối đa cho một đám cưới không quá 300 người. Sau khi nhận được nhiều ý kiến trao đổi và xem xét kỹ thì quy định này không không có tính khả thi nên người ta quên lãng. Có vẻ như khi xây dựng quy định ở Nghệ An người ta đã không tham khảo vấn đề này hoặc là đã tham khảo và đưa ra một giải pháp là nâng số khách mời tối đa lên gấp đôi với hy vọng quy định sẽ có hiệu quả. Nhưng con số 600 khách mời có gì đó không phù hợp với tình hình tổ chức đám cưới hiện tại. Một nhóm các nhà Nhân học đã tiến hành một khảo sát với 715 đám cưới được tổ chức từ 1976 đến 2012 ở một làng thuộc vùng Bắc Bộ, vốn là nơi có mạng lưới xã hội dày đặc hơn so với tình chung của Nghệ An đã đưa ra một kết quả là số khách mời trung bình của các đám cưới được tổ chức trong giai đoạn 2006 đến 2012 là hơn 400 người và cao gấp 2 lần giai đoạn 1976 đến 1985. Cũng tiến hành khảo sát tương tự ở một làng thuộc vùng Nam Trung Bộ thì con số trung bình chỉ bằng một nửa so với ở Bắc Bộ. Một địa phương mật độ dân cư chưa phải quá cao như Nghệ An thì trung bình số khách mời trong một đám cưới rất khó vượt con số 600 người. Nội bộ tỉnh Nghệ An thì quy mô lễ cưới giữa thành thị và nông thôn cũng khác nhau. Ở những vùng nông thôn và miền núi có mật độ dân cư thưa thì lễ cưới cũng được tổ chức với lượng khách khiêm tốn hơn so với ở thành thị. Vậy nên con số này đưa ra hơi miễn cưỡng, mang tính định lượng cao nhưng không mấy hợp lý. Một vấn đề cần trao đổi thêm là khái niệm “khách mời”. Ở vùng nông thôn, việc dọn mâm và số lượng khách mời không phải khi nào cũng rạch ròi được theo một cách tính. Có một số lượng không nhỏ đến ăn cỗ cưới những không phải là khách mời, đó là lực lượng đến giúp đỡ gia đình có đám cưới. Đám cưới có thể có ba lần dọn cỗ: lần đầu có thể vào chiều ngày trước hôm lễ cưới, anh em, làng giềng, bạn bè thân thiết đến giúp đỡ gia đình trong việc chuẩn bị tổ chức lễ cưới và gia đình cũng làm cỗ mời những người này. Số mâm cho lần dọn này du di khoảng từ 15 đến 20 mâm (tức 90 đến 120 người). Lần dọn cỗ chính cho các khách mời được chủ nhà mời đến ăn cưới, cũng là anh em họ hàng, hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp. Đây chính là “khách mời” mà quy định trên đề cập đến, và đa phần khách mời mang tính đại diện cao, đi ăn cưới và có quà mừng cưới. Lần cỗ cuối cùng được dọn ra sau khi lễ cưới tổ chức xong và mời chủ yếu là những người thân thiết đã tần tình giúp đỡ gia đình trong quá trình tổ chức lễ cưới (có nơi gọi là mời “ăn lại”), và số mâm cỗ cho bữa sau này cũng khoảng chục mâm. Và tất nhiên, có nhiều người do quan hệ với gia đình mà có tham gia ăn cỗ ở cả ba lần này. Như vậy, việc tính số lượng khách mời như thế nào trong các trường hợp này, nếu chỉ tính những người đến ăn cưới với tư cách “khách mời” vào có quà mừng cưới trong ngày lễ chính thì liệu có hợp lý. Việc tính một con số cụ thể cho khách mời trong một đám cưới rất khó mà chính gia đình có đám cưới cũng không tính chính xác được. Điều này cũng làm cho tính hiệu quả của quy định giảm đi, vì cho dù chính quyền cử đến kiểm tra số khách mời thì họ cũng không dễ gì tính được. Bên cạnh số lượng khách mời thì việc quy định cán bộ công chức, viên chức không đi dự lễ cưới trong giờ hành chính cũng có vấn đề. Ở đây đang có sự trùng lặp với các quy định khác của nhà nước. Nếu một cán bộ đi ăn cưới trong giờ hành chính thì phải xét vi phạm kỷ luật lao động theo luật công – viên chức chứ không thể quy vào việc vi phạm quy định về tổ chức lễ cưới được. Trường hợp đi ăn sinh nhật, ăn giỗ hay ăn liên hoan nhà mới... trong giờ hành chính thì sao, hay chẳng lẽ với mỗi một sinh hoạt như vậy đều phải xây dựng quy định? Tạo ra quá nhiều điều luật chồng chéo lên nhau sẽ tạo nên những khoảng mờ làm khó cho việc xử phạt khi có sai phạm cũng như việc chạy tội trong quá trình xem xét sai phạm do sự nhập nhằng giữa các quy định. Hay việc gia đình phải báo cáo với chính quyền địa phương và thủ trưởng cơ quan về cách thức tiến hành lễ cưới thì phải báo cáo ở mức độ nào? Chẳng lẽ cơ quan can thiệp vào việc riêng của con cán bộ, công chức, viên chức ttrong khi xét về lý họ chẳng có liên quan gì đến cơ quan của bố mẹ. Thực tế là có báo cáo thì cũng chỉ là một hình thức gọi là chia sẻ chuyện vui của gia đình mà thôi.
Đám cưới là một hoạt động văn hóa mang tính gia đình và cộng đồng, là một nghi lễ quan trọng trong vòng đời của một con người. Hoạt động này được quan tâm và coi trọng vì nhiều phương diện khác nhau, đó là sự thể hiện cho mong muốn sinh sôi nẩy nở, kế thừa giống nòi trong một cộng đồng. Trên phương diện văn hóa xã hội, đám cưới vừa thể hiện tình yêu thương của đôi nam nữ đã chín muồi, thể hiện vị thế xã hội, quan hệ xã hội và mạng lưới xã hội của gia đình và cá nhân người làm lễ cưới. Trước đến nay, việc cưới xin vẫn được coi là “chuyện nhà”, do hai gia đình quyết định và tổ chức có sự giúp đỡ, chứng kiến của hai họ và cộng đồng. Chính vì đám cưới là “sự kiện lớn” trong đời nên người ta có tâm lý muốn tổ chức sao cho trọn vẹn, đầy đủ và đông vui nhất. Thế nên chuyện mời bao nhiêu khách mời là vấn đề được gia đình chuẩn bị cả tháng trước khi tổ chức lễ cưới. Họ phải lên danh sách, phân tích các mối quan hệ để xem mời những ai sao cho hợp lý nhất. Nhìn chung, đó là một sự chọn lọc dựa trên nhiều tiêu chí, nhiều yếu tố khác nhau. Do vậy, về mặt văn hóa xã hội, số lượng khách mời trong đám cưới tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, quan hệ xã hội của gia đình và các mạng lưới xã hội mà họ tham gia. Việc đưa ra một con số cụ thể về số khách mời để can thiệp vào việc tổ chức đám cưới là không nên làm và cũng không hiệu quả. Hơn nữa, ai cũng coi đám cưới là một ngày lễ vui vẻ của cá nhân, gia đình, dòng họ và cả cộng đồng. Nếu có ai đó cố ý làm ảnh hưởng đến ngày vui của người khác thì bị cả cộng đồng lên án. Với cán bộ địa phương, đây cũng là một câu chuyện nan giải. Như một cán bộ lãnh đạo xã chia sẻ: “Trên có quy định xuống thì phải thực hiện. Vừa rồi trong xã có đám cưới, lãnh đạo có cử người xuống tham gia và kiểm tra số khách. Nhưng đến đó cho có lệ thôi, chứ trong làng với nhau, quen biết nhau cả, ai lại có thể làm cho gia đình người ta mất đi không khí vui vẻ của đám cưới. Rồi cũng có lúc gia đình mình phải tổ chức đám cưới cho con, cho cháu, làm vậy thì mặt mũi nào mời bà con đến dự...”.
Ở một góc độ nào đó, đám cưới cũng cần nhiều sự giúp đỡ cả về mặt vật chất từ cộng đồng xung quanh. Và những giúp đỡ này được thực hiện qua những món quà mừng cũng như công sức, đặc biệt hiện nay là nguồn tài chính từ quà mừng chiếm vị trí khá quan trọng. Vì gia đình nào cũng trải qua việc tổ chức lễ cưới nên việc giúp đỡ qua lại được cộng đồng coi như một món nợ vừa tình cảm vừa tiền bạc và phải “trả” được cho nhau mới thấy thoải mái. Không phủ nhận là có những trường hợp thông qua việc cưới xin để thực hiện các hành vi mang tính mua bán, hối lộ với những món quà có giá trị lớn để trao đổi những lợi ích cá nhân khác. Và một trong những mục tiêu mà chính quyền muốn can thiệp là để hạn chế những hành vi này. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rõ ràng, với những hành vi mang tính phạm pháp đó cần phải được quy về tội phạm tham nhũng hay có hành vi trái pháp luật ở các điều khoản khác, bộ luật khác chứ không thể khép vào việc vi phạm quy định về tổ chức lễ cưới. Trên thực tế, với những người dân thường thì khó có thể xẩy ra những vi phạm mà quy định này đưa ra, còn với quan chức, việc thiếu đi một chế tài cụ thể sẽ không giải quyết được những vấn đề đó. Quan tâm đến vấn đề này, GS.TS Tô Duy Hợp, một chuyên gia về xã hội học nông thôn trao đổi: “Việc chính quyền nhà nước đưa ra những quy định để can thiệp vào các thiết chế xã hội, các hoạt động văn hóa hay các cấu trúc văn hóa đã định hình lâu dài cần phải suy xét, phân tích kỹ lưỡng. Khi ra một văn bản cần đặt ra nhiều dự tính về sự hiệu quả và những tác động mà chính sách, quy định đó có thể gây nên. Những quan hệ xung quanh đám cưới cũng là một biểu hiện cho mạng lưới xã hội và sự cố kết cộng đồng mà việc can thiệp vào đó có thể làm đứt gãy, xung đột cộng đồng trỗi dậy. Các gia đình, các cộng đồng tồn tại nhiều năm có tính cố kết cao và có những cơ chế thích ứng, vận động riêng. Nó cũng có cơ chế tự cân bằng giữa các nhóm và các gia đình. Vậy nên nhà nước không nhất thiết can thiệp sâu quá vào các hoạt động văn hóa mà để cho các thiết chế xã hội khác tự vận động. Trong trường hợp này, đám cưới hãy để là “việc nhà” của người dân”.
Trong lịch sử, các nhà nước luôn muốn tìm cách can thiệp vào các hoạt động của các cộng đồng để thắt chặt quản lý. Nhưng do những đặc thù nhất định, việc can thiệp chỉ gây được ảnh hưởng chứ không mấy khi nắm được hoàn toàn các hoạt động cộng đồng. Ở một địa phương có tính đa dạng về văn hóa, xã hội cao như Nghệ An, việc đưa ra một quy định cụ thể, mang tính định lượng cao liên quan đến tổ chức đám cưới, đám tang và lễ hội như vậy không dễ gì thực thi có hiệu quả. Như TS Vi Văn An (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) nhận xét: “Nghệ An có nhiều cộng đồng dân tộc cùng sinh sống, với sự đa dạng về văn hóa, xã hội nên việc ban hành một quy định cụ thể cho tất cả các đối tượng là không hợp lý. Và trong trường hợp này, không nên quy định về số khách mời trong đám cưới cũng như không nên can thiệp quá sâu vào các hoạt động văn hóa cộng đồng và văn hóa gia đình”. Ở một góc nhìn rộng lớn hơn, GS.TS Lương Văn Hy (Đại học Toronto, Canada), một chuyên gia Nhân học có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam đã chia sẻ: “Việt Nam nói riêng và cấp độ thế giới nói chung, các cá nhân và các cộng đồng đang có xu hướng mở rộng các mạng lưới xã hội của mình. Mạng lưới xã hội và quan hệ xã hội là một nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển hiện nay. Những hoạt động như cưới xin, ma chay... là những dịp để người ta củng cố các mạng lưới xã hội và quan hệ xã hội của mình. Vậy nên nhà nước muốn can thiệp quá sâu vào các hoạt động này là điều không nên và lịch sử cũng đã chứng minh là không làm được điều đó”.
Trong nhiều năm qua, việc ban hành các chính sách từ cấp độ trung ương hay địa phương liên quan đến các hoạt động văn hóa, xã hội rất được quan tâm. Và thực tế là có nhiều chính sách đã được ban hành kịp thời để giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước cũng như địa phương. Bên cạnh đó, do ý chí chủ quan của những người quản lý nên cũng có nhiều chính sách, quy định được đưa ra mà thiếu các cơ sở khoa học lẫn thực tiễn nên không đạt được hiệu quả trong cuộc sống. Pháp luật là công cụ để quản lý xã hội và việc ban hành những quy định cũng cần phải đi sát với thực tiễn xã hội, cần được soạn thảo cẩn thận và lấy ý kiến của nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, đặc biệt là các nhà khoa học. Chính sách là để giải quyết các vấn đề thực tiễn và nó phải được bắt nguồn từ thực tiễn nên việc xây dựng chính sách phải gắn liền với thực tiễn cuộc sống./.