Thanh Yên [Thanh Chương] là một xã thuộc vùng trung du của tỉnh Nghệ An, nơi có 1410 hộ gia đình sinh sống với hơn 6400 nhân khẩu. Tuy nhiên số người thường xuyên sống trên địa bàn xã vào ngày thường thì ít hơn nhiều do một lực lượng lao động lớn đi làm việc xa nhà theo mùa hay một bộ phận đi học ở các thành phố lớn chỉ về quê vào dịp tết và nghỉ hè. Dù không phải là một xã giàu có, trù phú nhưng cũng không quá khó khăn so với nhiều địa phương khác trong huyện, nhưng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lại tương đối cao. Theo thông kế của xã thì tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 là 5,3%, tương đương với 75 hộ và tỷ lệ cận nghèo là 16,20% tương đương với 228 hộ. Trong khoảng hơn một thập kỷ qua, nhìn chung sự phát triển của toàn xã tương đối ổn định, các gia đình đều có sự tăng trưởng khá nhanh, nhiều nhà giàu lên nhưng phần lớn đều có điều kiện tốt hơn, nhà cửa khang trang hơn, phương tiện, trang bị và cuộc sống vật chất cũng đầy đủ hơn. Nhiều người đi xa về không rõ lại tưởng rằng sự nghèo đói đã biến mất trên quê hương của mình. Nhưng không phải, bên trong vẻ hào nhoáng đó, con người đang thực sự có vấn đề. Nếu không phải được chứng kiến và trò chuyện với mọi người về việc điều tra và xác định hộ nghèo thì có lẽ không hình dung được. “Nghèo” từ một trang thái kinh tế trở thành một “nguồn lực” mà nhiều gia đình muốn tìm cách để có nó trong quá trình phát triển. Về một xóm nhỏ ngày đầu xã với hơn trăm hộ dân sinh sống tập trung quanh một quả đồi, được nghe người dân bàn tán, trò chuyện mới hiểu thêm rằng quê mình còn nhiều vấn đề bức bách đang ngấm ngầm chờ dịp để bùng nổ, trong đó có chuyện tranh nhau “hộ nghèo”. Chuyện là, theo tỷ lệ từ trên xã, dựa vào thu nhập cũng như quy mô số hộ gia đình thì xóm Đ (là xóm tôi tiếp cận) sẽ “được” phân cho chỉ tiêu là có 5 hộ nghèo. Sau khi tiến hành điều tra thì có một việc quan trọng là họp dân để lấy ý kiến về các hộ nghèo trong xóm nhằm đưa danh sách lên xã để được “công nhận”. Từng được quan sát nhiều cuộc họp ở các mức độ khác nhau, nhưng có lẽ hiếm có cuộc họp nào sôi nổi và phức tạp, khó đi đến kết luận như cuộc họp về hộ nghèo này. Có khi cuộc họp tiến hành buổi tối và đến khuya vẫn không thể thống nhất được. Bởi có quá nhiều gia đình xin được là “hộ nghèo”. Chưa bao giờ thấy sự nghèo đói lại có một sức hấp dẫn lớn như vậy. Và có lẽ cũng chưa bao giờ người dân lại thấy thích được là “hộ nghèo” như vậy. Và có lẽ, đây không phải là một tình trạng đặc thù ở quê tôi, mà có lẽ trên nhiều địa phương khác, vấn đề hộ nghèo, chính sách cho hộ nghèo và cuộc tranh đấu giành “hộ nghèo” cũng diễn ra căng thằng dù có thể ở các mức độ khác nhau.
“Hộ nghèo” được những gì mà sao có sức hấp dẫn khiến nhiều người dân tranh giành với nhau như vậy? Có cả những người là họ hàng, là bạn bè nhưng cũng “đấu” với nhau đến cùng để mong giành được nó vậy? Trao đổi với lãnh đạo địa phương tôi được biết, khi “được” vào danh sách hộ nghèo thì các gia đình được hưởng những trợ cấp nhất định từ nhà nước. Tiêu biểu như hộ nghèo ở xã trung du như xã tôi thì được nhà nước đóng bảo hiểm y tế, con cái đi học không phải đóng học phí hoặc miễn giảm nhiều ít theo cấp học và theo quy định, được cấp sữa cho trẻ em học mầm non và tiểu học (hay chương trình sữa học đường cho con nhà nghèo), được hỗ trợ 30 ngàn đồng tiền điện/tháng. Bên cạnh đó là những hỗ trợ khác trong dịp tết hay lúc khó khăn, bệnh tật, hay lúc có chương trình phức lợi xã hội từ các tổ chức khác. Như vậy, sức hấp dẫn bắt nguồn từ những lợi ích mà “hộ nghèo” đưa lại cho con người ta. Và quả thật, những lợi ích trên đây không phải là nhỏ so với đời sống con người ở nông thôn. Và nó cũng là một nguyên nhân, mầm mống gây nên những xung đột hoặc trực diện hoặc ngấm ngầm trong xã hội nông thôn hiện nay.
Trong xã hội phát triển, sự phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc và một bộ phận trong xã hội rơi vào tính trạng yếu thế, kém phát triển và không theo kịp mức phát triển chung của cộng đồng. Vậy nên càng phát triển thì các chính sách hỗ trợ từ nhà nước và các tổ chức xã hội càng có vai trò quan trọng đối với những bộ phận kém phát triển trong xã hội, mà người nghèo là một bộ phận cần được quan tâm. Hiện nay, “nghèo” không chỉ được xem xét trên góc độ kinh tế, mà còn trên nhiều phương diện khác, được các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách gọi là nghèo đa chiều. Việc hỗ trợ chỉ xuất phát từ góc độ kinh tế vô hình chung lại làm “nghèo” con người trên nhiều góc độ khác, trong đó có góc độ tâm lý, ý chí vươn lên của chính người nghèo. Và vấn đề này từng được nhiều nhà nhân học ý kiến khi nghiên cứu về các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng hình như không giải quyết được. Càng ngày, nó phổ biến hơn trong xã hội nông thôn và đang ăn mòn ý chí của một bộ phận con người vốn không quá nghèo. Những căn bệnh gì đang đi cùng với các chính sách hỗ trợ hộ nghèo xét từ góc độ tâm lý của chủ thể:
Trước hết, đó là sự ỷ lại, lợi dụng và lạm dụng sự hỗ trợ của nhà nước để hợp lý hóa tính lười biếng, không chịu lao động, không chịu vươn lên thoát nghèo. Có những trường hợp mẹ hóa con côi, được công nhận hộ nghèo và được nhận hỗ trợ. Nhưng ngay cả khi con cái đã lớn, đi làm và thực chất không còn quá nghèo thì vẫn muốn tiếp tục được “hộ nghèo” và kiên quyết không chịu thoát “nghèo”. Có trường hợp còn đau lòng hơn khi con bị bệnh tật và nhận được hỗ trợ từ chính sách dành cho hộ nghèo, nhưng sau đó chính những người làm cha làm mẹ lại có tâm lý không muốn chữa trị cho con khỏi hẳn bệnh, cũng vì cứ muốn làm “hộ nghèo” lâu năm. Sự hỗ trợ cũng làm cho người ta có tâm lý lười lao động hơn, không muốn tự mình phát triển.
Xuất hiện tâm lý bình quân chủ nghĩa, xem sự hỗ trợ của nhà nước cho hộ nghèo là một nguồn “lộc”, và “lộc bất tận hưởng”, phải chia nhau ra mỗi gia đình hưởng một ít. Có người dân đã đứng lên chia sẻ trong cuộc họp bình bầu để công nhận hộ nghèo rằng “mấy gia đình này đã được hưởng “hộ nghèo” rồi, giờ đến lượt gia đình tôi hưởng chứ”. Hay có những gia đình vốn dĩ không thuộc thành phần nghèo đói trong xóm, nhưng do có con đi học đại học ở thành phố nên cũng muốn xin “hộ nghèo” để đỡ phần nào tiền học và hưởng các chế độ ưu đãi. Ngay giữa các xóm cũng có những tranh luận về chuyện xóm tôi sao được ít “hộ nghèo” còn xóm kia sao được nhiều hơn vậy... Lúc này, sự hỗ trợ của nhà nước không còn mang tính nhân đạo mà trở thành một tài sản mang tính chiếm dụng.
Trong cuộc sống cộng đồng, “hộ nghèo” còn trở thành một tấm “hộ chiếu” mà người mang nó có thể làm bình phong cho các hành vi của mình. Nó làm cho chủ nhân không chỉ được miễn giảm, hỗ trợ từ phía nhà nước mà còn được xem nhẹ hơn trong các hoạt động cộng đồng. Nếu họ có cái gì đó không đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng hay không hoàn thành nhiệm vụ được giao, như đóng góp làm đường sá trong lối xóm, hay đóng góp xây dựng các công trình công cộng của làng... thì họ vẫn có thể lý giải là vì họ là “hộ nghèo”. Hay trong những lễ nghi như mừng cưới, mừng nhà mới... nếu như họ có “mừng” ít hơn thì vẫn coi như được chấp nhận. Điều này càng cổ súy cho sự yếu nhược về tâm lý của chính họ.
Và, môi trường cho những tâm lý yếu nhược trên phát triển cho đời sống nông thôn chính là sự cố kết thân tộc, các nhóm lợi ích và sự yếu kém trong công tác quản lý của chính quyền. Trong một xã hay trong một xóm, các gia đình có hoàn cảnh như thế nào gần như cán bộ địa phương đều nắm khá rõ. Ấy vậy mà tại sao khi điều tra, họp hành và công nhận danh sách hộ nghèo vẫn luôn có sự tranh cãi không hồi kết?. Một thực tế là dù đã đưa ra nhiều phương pháp cụ thể để bình bầu hộ nghèo, như lập phiếu phân tích, tính mức thu nhập và điều kiện con người trong gia đình, lấy ý kiến người dân, họp các đoàn thể để trao đổi... nhưng lúc nào cũng có những “hộ nghèo” mà không nghèo chút nào. Có những hộ còn khá giả trong xóm. Và nó trở thành chủ đề bàn tán sôi động trong các dịp diễn ra những công việc này. Nhiều cán bộ có tâm lý thân tộc và ưu ái với người nhà trong việc lựa chọn hộ nghèo. Các dòng họ cũng có những tác động trong việc lựa chọn hộ nghèo, nhất là các họ có đông hộ gia đình trong một xóm, một xã. Và có cả những chuyện liên quan đến chạy chọt hộ nghèo. Hệ quả của những vấn đề này là gây nên những mâu thuẫn trong xã hội nông thôn. Có những lúc mâu thuẫn bùng phát với những cuộc tranh cãi, thậm chí chửi bới, lôi những chuyện riêng tư ra để xúc phạm nhau. Nhưng nguy hiểm hơn là những mâu thuẫn đang hình thành một cách âm thầm mà khi điều kiện đủ thì nó sẽ bùng phát, lúc đó hậu quả thật khó mà nhận biết được.
Trong xã hội nào cũng có những người đói nghèo, khó khăn. Và họ là một phần của cuộc sống, là phần cần được nhà nước và xã hội quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ. Sự hỗ trợ từ phía xã hội và nhà nước cũng luôn mang tính đa diện, nó vừa giúp đỡ những người nghèo giải quyết được những khó khăn trước mắt, nhưng nó cũng có thể làm cho người nghèo dựa dẫm, ỷ lại, thiếu ý chí vươn lên. Vậy nên các chính sách hỗ trợ của nhà nước, cần gắn liền với các chương trình giáo dục đi cùng, đặc biệt để nâng cao năng lực lao động, ý chí vươn lên và tâm lý tự tin cho người nghèo. Cần phải nhận thức rằng nghèo là một căn bệnh và sự tự trọng, tâm lý tự tin, ý chí vươn lên để phát triển là một loại thuốc kháng sinh để chữa căn bệnh đó. Nghèo cần bị coi thường, phải bị lên án chứ không phải là một danh hiệu, một vinh quang để người ta kiếm tìm. Người nghèo trong xã hội cũng đa dạng, và nguồn gốc khiến họ phải nghèo cũng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có những người không muốn nhưng do gặp quá nhiều trắc trở mà phải nghèo đói, họ là những người bất hạnh, đáng thương và cần được trân trọng để giúp đỡ. Nhưng cũng có những người muốn nghèo, thèm nghèo và thích nghèo mãi thì để được nhận sự hỗ trợ từ nhà nước, tức là vứt bỏ lòng tự trọng của mình ra khỏi cuộc sống thì những người này không thể dung dưỡng trong một xã hội phát triển lành mạnh./.