Cuộc sống quanh ta

An ninh con người trong xã hội nông thôn dịp Tết nguyên đán

Tết Nguyên đán - lễ hội lớn nhất của người Việt, là dịp mọi người tìm về cội nguồn, về quê hương để sum họp với gia đình, thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên... Nhưng đây cũng là thời điểm mọi người phải đối diện với nhiều nguy cơ cả trực diện lẫn tiềm ẩn. Xét trên bình diện lý luận về an ninh con người, những ngày tết là khoảng thời gian con người đối diện với nhiều rủi ro nhất, mức độ đảm bảo an ninh xuống thấp nhất. Nhưng vấn đề này hiện nay vẫn chưa được nhận thức và giải quyết thỏa đáng.

An ninh con người (Human Security) được hiểu như hiện nay là sự phát triển của đấu tranh về quyền con người và sự mở rộng của lý thuyết an ninh. Từ sau chiến tranh thế giới thứ I, với sự ra đời của Hội Quốc Liên thì vấn đề quyền con người được quan tâm với điểm nhấn là lấy quyền tự quyết của các quốc gia làm nền tảng. Sau chiến tranh thế giới thứ II, nhận thấy quyền tự quyết quốc gia chưa đủ sức đảm bảo quyền con người, nên người ta phải nghĩ đến các biện pháp khác để đảm bảo quyền con người. Khái niệm an ninh lúc đầu cũng được dành cho các quốc gia với điểm nhấn là chính trị và quân sự. Năm 1994, trong Báo cáo phát triển con người do Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) đã đưa ra định nghĩa về An ninh con người như là sự đảm bảo an toàn trước những hiểm họa như đói kém, bệnh tật và sự áp chế, bảo vệ khỏi những đổ vỡ đột ngột và đau đớn trong các khuôn mẫu của cuộc sống hàng ngày. Từ đó, nhấn mạnh 7 vấn đề chính để bảo vệ an ninh con người là an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh y tế, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị. Như vậy, an ninh đang thay đổi từ việc coi nhà nước là trung tâm (về chính trị, quân sự) sang lấy cá nhân làm trung tâm. Trong Báo cáo An ninh con người hiện nay của Liên Hợp Quốc (2003) đã nhấn mạnh: “An ninh đặt trọng tâm vào con người-chứ không phải vào nhà nước”, trong đó con người được nhìn nhận như là các cá nhân và các cộng đồng được bảo vệ khỏi những mối đe dọa” (Orcar Salemink 2010: 2). Cho đến hiện nay, khái niệm an ninh con người bên cạnh một số quan điểm đồng nhất là nhấn mạnh các lĩnh vực kinh tế (không thiếu thốn), thể lý (không bệnh tật, không sợ hãi) và sinh thái (được hưởng môi trường tự nhiên lành mạnh cho hiện tại và cả tương lai), thì nhiều vấn đề khác cũng đang tiếp tục tranh luận, như vấn đề con người tự do hay không khi tự do thường gắn nhiều với rủi ro...

Ở Việt Nam, từ giữa những năm 1990, đã có nhiều tài liệu phổ biến quan niệm an ninh con người của Liên Hợp Quốc. Tiêu biểu kể đến một số nghiên cứu của Bùi Huy Khoát (2009), Vũ Dương Ninh (2009), Đào Thị Minh Hương (2013), Trần Việt Hà (2016)... Các nghiên cứu này nhìn chung tập trung vào phân tích khái niệm và các vấn đề lý luận trên thế giới và Việt Nam. Và “lý luận về an ninh con người đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện nhận thức của chúng ta không chỉ về lĩnh vực an ninh mà còn về bản chất của quá trình phát triển, cũng như những điều kiện cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước và con người” (Đào Thị Minh Hương, 2013). Về mặt đường lối, an ninh con người cũng được Đảng quan tâm và gắn với bảo vệ an toàn xã hội (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016: 135). Tuy nhiên, nghiên cứu về an ninh con người vẫn còn nhiều hạn chế: “Trong khi tập trung vào phân tích thực trạng an ninh con người ở Việt Nam trên một số chiều cạnh riêng biệt, các nghiên cứu trong nước còn ít quan tâm đến việc làm rõ những điều kiện, cơ chế đảm bảo an ninh con người ở Việt Nam phù hợp với trình độ phát triển của đất nước trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (Đào Thị Minh Hương, 2013). Hiện tại, con người vẫn đối diện với nhiều bất an, nguy cơ rủi ro mà tết Nguyên đán là một dịp thể hiện rõ điều đó:

Trước hết, đó là nguy cơ mất an toàn do lạm dụng quá nhiều bia, rượu.Anh em gặp nhau cũng uống, bạn bè gặp nhau cũng uống, láng giềng hàng xóm thăm hỏi nhau cũng uống. Người đi xa về đến nhà cũng tụ tập bạn bè thì làm bữa rượu, rồi trước khi đi làm xa cũng lại uống để chào nhau. Thôn xóm cuối năm thì tất niên, sang đầu năm thì liên hoan chào năm mới. Nói chung, trong cả một khoảng thời gian dài trước và sau tết gắn liền với những cuộc ăn uống liên miên. Năm mới, không đi thăm hỏi anh em, họ hàng, bạn bè, hàng xóm thì bị coi là khinh họ, đến thăm thì phải uống chúc sức khỏe vì đầu năm ai lại từ chối nhau. Đối với những người xa quê về thì sự việc càng tấp nập hơn, đi thăm hỏi chúc tết còn tất bật hơn cả nghệ sĩ chạy diễn cuối năm. Rõ ràng người Việt đang có sự lạm dụng bia rượu thái quá trong cuộc sống. Việt Nam đang được biết đến như là một trong những nước hàng đầu về tiêu thụ rượu bia. Trong năm 2015, Việt Nam tiêu thụ hết 3,4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu công nghiệp và ước tính rượu tự nấu khoảng hơn 200 triệu lít (chưa tính lượng rượu nhập khẩu tăng khá nhanh)[1]. Trong đó, dịp tết nguyên đán, theo báo cáo của Bộ công thương thì sản lượng bia tháng 1/2015 đạt 261,4 triệu lít, hay số liệu từ Công ty cổ phần cồn rượu Hà Nội bán ra 2,8 triệu lít phục vụ ngày tết[2]. Lượng rượu lớn nhất trong ngày tết là rượu tự nấu từ các gia đình ở các thôn xóm để tự phục vụ hay bán cho người trong làng xóm. Và lượng rượu này thì khó thống kê được, những chắc chắn nó cao gấp nhiều lần số lượng rượu công nghiệp sản xuất từ các nhà máy. Một xóm nhỏ ở trung du Nghệ An với hơn một trăm hộ gia đình sinh sống, nếu tính từ rằm tháng Chạp đến rằm tháng Giêng thì mỗi hộ gia đình tiêu thụ trung bình khoảng 25 đến 30 lít rượu. Trung bình mỗi người đàn ông trong xóm uống từ 0,5 đến 0,8 lít rượu một ngày, trong khi Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo không nên uống quá 30ml/người/ngày đối với các loại rượu có nồng độ trên 30 độ (rượu tự nấu thường hơn 35 độ). Sử dụng quá nhiều rượu bia gây ra những hệ lụy rất lớn. Và không chỉ những người sử dụng mà cả những người xung quanh cũng đối diện với nhiều nguy cơ, rủi ro do rượu bia mang lại. Theo thống kê của Sở Y tế Nghệ An, trong dịp tết Nguyên đán 2016, toàn tỉnh có 5880 người nhập viện cấp cứu do tai nạn, ngộ độc thực phẩm, trong đó có 1285 người do tai nạn giao thông. Có 68 trường hợp nhập viện do đánh nhau sau khi uống rượu[3]. Những số liệu trên thực tế có thể cao gấp nhiều lần so với thống kê. Có nhiều trường hợp say rượu lái xe đâm vào người đang đi trên đường, bạo hành gia đình ngày tết cũng tăng lên do uống bia, rượu. Từ chỗ uống chén rượu tết cho vui, để rồi cả xã hội phải buồn vì chén rượu tết. Đó là một thực trạng khá phổ biến ở nông thôn Việt Nam hiện nay. Không chỉ bia rượu, hiện nay còn có một số chất kích thích độc hại khác đang tràn về nông thôn như các loại ma túy đá, các loại cỏ có hàm lượng ma túy... Nó còn khiến cho người ta lo lắng hơn về an ninh ngày tết.

Nguy cơ thứ hai là tai nạn giao thông đe dạo tính mạng nhiều người.Với việc dân cư tập trung về nông thôn đông hơn thường ngày rất nhiều, lượng xe máy tăng nhanh và mật độ ra đường cao hơn. Trong khi đường sá giao thông nông thôn vẫn còn hạn chế, đường đất, đường trơn vẫn còn nhiều, chưa đáp ứng được hết nhu cầu đi lại ngày tết. Bên cạnh đó là sự tác động của các chất kích thích như bia, rượu khiến cho tai nạn giao thông trở thành một hiểm họa đe dọa mọi người trong dịp tết. Năm 2015, Việt Nam có 8727 người chết và 21069 người bị thương vì tai nạn giao thông, trong 6 tháng đầu năm 2016, số người tử vong do tai nạn giao thông là hơn 4300 người và đến đầu tháng 9/2016, con số này lên đến hơn 5700 người. Trong 9 ngày tết năm 2015, cả nước có 317 người chết do tai nạn, tăng 35 người so với năm 2014. Hay chỉ trong 6 ngày tết nguyên đán năm 2016, cả nước cũng có  160 người chết và 248 người bị thương vì tai nạn giao thông. Riêng Nghệ An, theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong dịp tết 2015, có 14 vụ tai nạn giao thông làm chết 16 người, bị thương 13 người, sang tết năm 2016, số vụ tai nạn giao thông có giảm xuống còn 7 vụ, làm chết 6 người và bị thương 6 người[4]. Những con số này chỉ là những trường hợp mà công an xử lý, còn số vụ tai nạn ở những vùng hẻo lánh mà cơ quan chức năng không thống kê được thì cao gấp nhiều lần. Phần lớn những người chết vì tai nạn giao thông đều đang trong độ tuổi lao động, là chủ lực kinh tế của gia đình. Tai nạn giao thông ngày tết trở thành ám ảnh khiến nhiều gia đình, khi con cái đi xe ra khỏi nhà thì bố mẹ lo lắng bất an và chỉ yên tâm khi con về đến nhà. Có nhiều người không dám tham gia giao thông ngày tết vì sợ rằng dù mình đi cẩn thận nhưng người khác uống rượu say đâm vào mình thì nguy.

Nguy cơ thứ ba là nạn đánh bạc ở nông thôn. Ở quê tôi, vốn là một vùng nông thôn nghèo thuộc trung du Nghệ An, trong khoảng chục năm gần đây việc đánh bạc rất phổ biến trong ngày tết. Phần lớn thanh niên trong xóm đi làm công nhân ở các khu công nghiệp trong Nam, ngoài Bắc và thành phố Vinh. Một bộ phận thì đi làm thợ mộc ở các huyện miền núi Nghệ An. Thường thì đi làm cả năm cũng chẳng dư được bao nhiêu. Nhưng nửa sau của năm thì phải tập trung làm để dành dụm một khoản tiền về tiêu tết. Lúc đầu, chỉ là một số ít người đánh bạc với nhau với khoản tiền ít và chủ yếu cho giải trí. Nhưng sau đó, một số khác tham gia vào và ngày càng trở nên phổ biến. Hiện nay, phần lớn nam thanh niên trong xóm đều bị lôi kéo vào nạn đánh bạc trong ngày tết. Dù công an có triển khai bắt phạt nhưng gần như họ thay đổi cách thức và địa điểm khiến việc đánh bạc vẫn không dẹp được. Có nhiều người, đi làm cả năm, dành dụm được một ít tiền về tiêu tết nhưng sau vài ba cuộc chơi thì hết sạch, rồi bắt đầu cầm đồ, bán điện thoại, xe máy... Đến hết tháng Giêng, chỉ dăm ba người thắng bạc thì vui vẻ còn phần lớn thua bạc dẫn đến tâm lý bi quan cho đầu năm. Nạn đánh bạc gây nhiều hệ lụy: trước hết là phần lớn những người đi lao động xa về thường thua bạc và bị mất hết tiền vào tay một số người hay đánh bạc ở quê; thứ hai là quan hệ gia đình, vợ chồng có người tham gia đánh bạc bị sứt mẻ, xung đột, những vụ việc chửi bới nhau, đánh đuổi nhau vì chuyện bài bạc xuất hiện ngay cả trong ngày tết, vốn được xem là ngày gia đình đoàn tụ vui vẻ đầu xuân; và tiếp nữa là những xung đột xã hội giữa những người chơi đánh bạc với nhau và cả với những người không tham gia.

Nguy cơ thứ tư là vấn đề an toàn thực phẩm trong ngày tết.Gia đình giàu có hay nghèo đói cũng đều phải mua khá nhiều loại lương thực, thực phẩm về để phục vụ ngày tết. Với sự phát triển của kinh tế thị trường, việc luân chuyển hàng hóa trở nên dễ dành thì việc mua các thực phẩm cho ngày tết không quá khó. Nhưng cũng vì vậy mà an toàn thực phẩm trở thành vấn đề quan trọng. Trước kia, nói đến an ninh lương thực với nghĩa đảm bảo sự không thiếu thốn, còn hiện nay, việc đảm bảo lương thực, thực phẩm an toàn mới là vấn đề chủ chốt. Những thực phẩm người dân sử dụng ở nông thôn thường ít được kiểm tra, không rõ nguồn gốc xuất xứ và khi xẩy ra sự cố thì cũng khó quy trách nhiệm cho ai được. Chính vì vậy mà số người bị ngộ độc thực phẩm trong ngày tết tăng nhanh theo số liệu ở các bệnh viện.

Còn vô vàn những rủi ro mà người dân phải đối diện mà trên đây chỉ là một số nhóm chính. Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho những vấn đề này trong đó có sự yếu kém về mặt quản lý xã hội của chính quyền, sự tự ý thức trách nhiệm của người dân còn thấp, sự sa sút về đạo đức xã hội... Ở đây, xin được nhấn mạnh hai yếu tố ít được nói đến hơn là sự nghèo nàn về đời sống tinh thần của con người vàsự lưng chừng về văn hóa. Trước đây, dù đời sống vật chất thiếu thốn, nhiều khi con người ta chỉ chờ đến tết để được ăn no hay ăn ngon nhưng bù lại có nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng như các trò chơi dân gian, lễ hội làng, sinh hoạt các nhóm xã hội... tạo cho các tầng lớp những sân chơi riêng. Hiện nay, khi vật chất ngày tết không còn là vấn đề phải quá lo lắng, thì đời sống tinh thần lại có sự thay đổi. Phần lớn các sinh hoạt văn hóa cộng đồng đang bị mai một và mất dần, thay vào đó là những hoạt động văn hóa khác mang tính thị trường hơn. Các phương tiện để thưởng thức đời sống tinh thần được trang bị hiện đại hơn nhưng lại ít mang tính kết nối, không mang giá trị kết nối cộng đồng. Đời sống cá nhân được coi trọng làm cho mối dây liên kết cộng đồng trở nên mong manh và dễ bị dứt. Những giá trị văn hóa tinh thần mới chưa được định hình rõ nét, trong khi những giá trị văn hóa truyền thống mất dần khiến người ta tìm vào những trò chơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro như đánh bạc, uống bia rượu, chơi các chất kích thích khác... Sự đứt đoạn trong hệ thống giá trị cũng tạo nên tình trạng lưng chừng văn hóa của xã hội nông thôn. Nông thôn ở vùng đồng bằng và trung du, do ảnh hưởng của đô thị hóa và tiếp thu lối sống đô thị nhưng cơ sở nền tảng xã hội vẫn là xã hội nông thôn. Hệ giá trị của văn minh đô thị chưa được xác lập trong khi hệ giá trị đời sống văn hóa nông thôn lại bị mất đi, khiến cho một bộ phận trẻ bị rơi vào trạng thái lưng chừng về văn hóa, “phố không phải phố mà quê không ra quê”. Ở miền núi, tình hình này còn phổ biến hơn khi các cộng đồng dân tộc thiểu số đang bị quá trình “Kinh hóa” nhanh chóng. Họ tiếp thu và chịu ảnh hưởng của văn hóa người Kinh, làm cho bản sắc văn hóa truyền thống bị phai nhạt. Nhưng họ cũng không thể tạo ra hệ giá trị giống người Kinh và cũng khó khôi phục hệ giá trị truyền thống. Như một già làng người Thái ở Quế Phong tâm sự: “Những thanh niên Thái ở đây hiện nay nửa giống người Thái, nửa giống người Kinh, nhưng họ không phải người Kinh như dưới xuôi, và cũng không còn giống người Thái ở trên núi nữa. Họ là những con người sống trong sự lưng chừng của văn hóa Thái và Kinh”.

Trong cuộc sống hiện đại, càng ngày con người phải đối diện với nhiều nguy cơ, rủi ro hơn. An ninh con người ở nông thôn hiện nay cần gắn với phát triển bền vững cả 6 trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, con người và môi trường theo hướng kinh tế hiệu quả, chính trị ổn định, xã hội lành mạnh, văn hóa đa dạng, con người tự do và môi trường trong sạch. Để hướng đến một cái tết Nguyên đán an lành và hạnh phúc, chẳng có lý thuyết hay lý luận nào bằng việc mỗi một con người tự trang bị hiểu biết và bản lĩnh để bảo vệ an ninh cho mình và cộng đồng.

Tài liệu tham khảo

Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

Trần Việt Hà (2016). An ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số 7 (104).

Đào Thị Minh Hương (2013). Phương pháp luận về an ninh con người và sự cần thiết triển khai nghiên cứ ở Việt Nam. Bản online: http://ihs.vass.gov.vn/noidung/tapchi/Lists/TapChiSoMoi/View_Detail.aspx?ItemID=88.

Bùi Huy Khoát (2009). An ninh con người: quan niệm châu Âu - vấn đề của Đông Nam Á. Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 04 (103).

Vũ Dương Ninh (2009). An ninh con người và sự bất an trong cuộc sống hôm nay. Tạp chí Phát triển Khoa học Công nghệ, tập 12, số 01.

Orcar Salemink (2010). Tìm kiếm an toàn tinh thần trong xã hội Việt Nam đương đại. In trong  “Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: những cách tiếp cận nhân học”, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Bản thảo đầu tiên trình bày tại hội thảo “Nhân học về An ninh con người” ở Vrije Universitei Amsterdam, ngày 29-30/8/2005).

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442773

Hôm nay

2287

Hôm qua

2299

Tuần này

2586

Tháng này

217947

Tháng qua

112676

Tất cả

114442773