Những góc nhìn Văn hoá

Tiếp nhận Truyện Kiều từ tâm thức truyền thống

“Truyện Kiều” là “kì quan của nền văn hoá Việt Nam” (GS Mai Quốc Liên), kết tinh những truyền thống tư tưởng và nghệ thuật dân tộc, là kết quả của gần 10 thế kỉ xây dựng nền văn hoá Đại Việt. Vì vậy, thiết nghĩ nên xuất phát từ tâm thức truyền thống của dân tộc, đặt tác phẩm trong tiến trình văn hoá dân tộc để tiếp cận, đánh giá.

1. “Truyện Kiều” và truyền thống nhân đạo của dân tộc
Tình cảm yêu thương con người chính là hạt nhân tạo nên giá trị của “Truyện Kiều”. Tình cảm đó được nâng đỡ bởi trào lưu nhân đạo chủ nghĩa của nền văn học dân tộc thế kỉ XVIII-XIX.
“Chủ nghĩa nhân văn (nhân đạo) là một hệ thống quan điểm triết học, đạo đức, chính trị xã hội coi con người và đời sống hiện thực trần thế của nó, một đời sống văn minh, hạnh phúc, hữu ái là mục đích cao nhất” (Từ điển thuật ngữ văn học)
Còn nhà nghiên cứu Vônghin (Nga) viết: “Chủ nghĩa nhân đạo là một học thuyết đạo đức và chính trị coi việc giải phóng những năng lực và thoả mãn những nhu cầu lành mạnh của con người trên trần thế chứ không phải một thế giới hoang tưởng nào đó làm mục đích của mình”.
Lịch sử nhân loại là lịch sử lao động và đấu tranh không ngừng của con người. Song song với những thành tựu lớn lao mà chúng ta đã biết, tội ác và bất công chưa bao giờ chấm dứt, đã và đang tạo nên những đau thương nhức nhối. “Nhân loại đã sáng tạo ra một nền văn minh, nhưng đồng thời hơn 2.000 năm nay đang mắc một lỗi lầm lớn là đã đẻ ra cảnh người bóc lột người. Đã có một thời gian dài trong lịch sử, người với người không phải là bạn, mà người với người là chó sói” (Điđơrô).
Chủ nghĩa nhân văn, nguồn cảm hứng lớn nhất của văn học nghệ thuật đã xuất hiện như một yêu cầu có tính lịch sử, nhằm đấu tranh với những áp bức, bất công, góp phần đem lại hạnh phúc cho con người. Tuy nhiên ở mỗi thời đại, mỗi dân tộc, cảm hứng nhân đạo lại có màu sắc riêng. 
Cảm hứng nhân đạo trong văn học Việt Nam thời trung đại chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo. Nhưng Nho giáo có những quan niệm trái ngược với chủ nghĩa nhân văn, xét theo những tiêu chí phổ quát.
Thứ nhất, tư tưởng Nho giáo xem thường các giá trị cá nhân, từ đó đi đến hạn chế những quyền lợi chính đáng của con người, nghi kị tài năng, cái độc đáo, thích chủ nghĩa quân bình. Con người lí tưởng của Nho giáo là trung dung, quân bình, sống hài hoà, chịu sự chi phối của các mối quan hệ đã thành kinh điển.
Thứ hai, Nho giáo chủ trương quả dục tức là hạn chế những nhu cầu, ham muốn của con người, thích thú với cái nghèo. Con người của tư tưởng Nho gia là con người của tinh thần trách nhiệm, sự hi sinh cho mọi người.
Thứ ba, với quan niệm “nam tôn nữ ti”, Nho giáo coi thường, xem nhẹ người phụ nữ. Quan niệm này đã đẩy phụ nữ thành những nạn nhân thê thảm.
Tuy nhiên, các nhà văn Việt Nam trong quá trình sáng tạo luôn đấu tranh, khắc phục những hạn chế của tư tưởng Nho giáo, “phản bội” tín điều Nho giáo vì hạnh phúc chính đáng của con người. Có thể nói lịch sử văn học trung đại Việt Nam là lịch sử đấu tranh vì dân chủ và nhân đạo. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cũng tiếp thu tư tưởng từ bi bác ái của Phật giáo, vô vi của Lão Trang để làm phong phú thêm các giá trị nhân đạo trong tác phẩm.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi là tư tưởng nhân nghĩa. Ở đây không còn là thứ nhân nghĩa giáo điều, bế tắc và bó hẹp trong phạm vi cá nhân mà là tình cảm lớn, lẽ sống lớn đối với chủ quyền dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, những người lao động cùng khổ, người đi cày, đi ở, đánh cá…đã làm nên chiến thắng long trời lở đất. Bài học của Nguyễn Trãi là tình cảm yêu thương và tôn trọng nhân dân, tư tưởng gắn liền giá trị độc lập dân tộc với hạnh phúc của nhân dân…Nguyễn Trãi có thể xem là người khai sáng cho tư tưởng dân chủ trong lịch sử văn học dân tộc.
Đến thời đại Nguyễn Du (thế kỉ XVIII-XIX), chủ nghĩa nhân đạo đã tạo nên một thời kì văn học rực rỡ nhất. Do yêu cầu của lịch sử, những tác phẩm lớn nhất đều hướng đến con người, bảo vệ quyền sống, quyền lợi của người phụ nữ và đặc biệt nhấn mạnh con người trên góc độ cá nhân. Điều đó chứng tỏ văn học trung đại đã “phá bỏ đạo lí phong kiến từng quãng một” (GS Phan Ngọc).
Tác phẩm “Chinh phụ ngâm” (Đặng Trần Côn) đã đứng trên góc độ hạnh phúc lứa đôi để phủ nhận chiến tranh phong kiến, phủ nhận những vinh quang giả tạo của nó: “Khi ngoảnh lại thấy màu dương liễu-Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong”.
Hình ảnh người chinh phụ đơn chiếc vò võ với tâm trạng tràn ngập nhớ thương, khao khát hướng về người chồng đã để lại những dư vị thấm thía trong trái tim độc giả. Có nhiều câu thơ cất lên như những tiếng kêu thương: “Nỡ nào đôi lứa thiếu niên. Quan san cách trở hàn huyên sao đành”; “Đèn có biết dường bằng chẳng biết. Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi. Buồn rầu nói chẳng nên lời. Hoa đèn kia với bóng người khá thương”.
 “Cung oán ngâm” (Nguyễn Gia Thiều) lại tố cáo xã hội phong kiến ở góc độ khác. Đó là chế độ cung tần mĩ nữ đã đày đoạ biết bao người phụ nữ vô tội, cướp mất tuổi xuân và hạnh phúc của họ. Cái giá phải trả cho danh hiệu cung phi là quá đắt, bao nhiêu mơ ước sụp đổ tan tành, người cung nữ mới thấm thía: “Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm”…Song hối hận thì đã muộn! Cô đành chấp nhận cuộc sống “Trong cung quế âm thầm chiến bóng”. Ở đây, tác giả đã lột trần bản chất tráo trở, phản bội của giai cấp thống trị, lột trần vẻ hào nhoáng bên ngoài để phơi ra cái tủi nhục, xót xa triền miên của những người nô lệ.
Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng thơ độc đáo lạ lùng của một người phụ nữ. Vẻ đẹp hình thể, phẩm chất, thiên chức của người phụ nữ được khẳng định một cách vô cùng mạnh mẽ. Ví dụ “Tranh tố nữ”, “Thiếu nữ ngủ ngày”, “Dở dang”…Và cũng hiếm có một hình tượng đầy đủ về nỗi đau của người phụ nữ được khắc hoạ ấn tượng đến thế: khát khao đến cháy lòng, cô đơn đến bẽ bàng, phẫn nộ đến mức chửi văng cả lên. Lần đầu tiên trong văn học có một người phụ nữ dám chế giễu những “đấng nam nhi”, những “anh hùng”, “quân tử” với một tầm cao ngất ngưởng.
Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng thơ của sự đối cực: mãnh liệt mà dịu dàng, cười lanh lảnh sắc nhọn mà âm thầm nuốt nước mắt. Hồ Xuân Hương dám đối mặt với con người thật của mình, cả tích cực lẫn tiêu cực, cả vẻ đẹp thanh cao và những khát vọng trần tục.
Cảm hứng nhân đạo đã phát triển đến đỉnh cao rực rỡ ở “Truyện Kiều”. “Truyện Kiều” thực sự là một “tiếng thơ kêu xé lòng” cất lên “trong trường dạ tối tăm trời đất”.
 “Truyện Kiều” là bản án kết tội giai cấp phong kiến một cách mãnh liệt nhất. Kế tục truyền thống phản phong của văn học dân gian, “Truyện Kiều” đã dựng nên một bức tranh xã hội rộng lớn, sâu sắc, đầy rẫy những cạm bẫy đe doạ con người mà thế lực ghê gớm nhất, bỉ ổi nhất là quan lại biến chất và những kẻ “buôn thịt bán người”. Ở đó, người lương thiện như Thuý Kiều sẩy chân ra khỏi gia đình là bị vùi dập đến mức không thể cất đầu lên. “Đày đoạ Kiều là cả một xã hội” (Hoài Thanh). Xã hội đó xem con người là một thứ cỏ rác, biến con người thành một món hàng. Cho nên câu thơ mỉa mai nhất của “Truyện Kiều” là “Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng”. “Truyện Kiều” bảo vệ, bênh vực cho những lợi ích chính đáng của con người, ủng hộ khát vọng tự do, khát vọng tình yêu của tuổi trẻ. Tiếng của Nguyễn Du là tiếng nói của người trong cuộc nên càng tha thiết, mãnh liệt.
Đặc biệt, hiếm có một thái độ trân trọng, tôn vinh con người đạt đến mức độ như Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”. Con người được nhìn nhận như một sự tổng hoà giữa thể xác và tinh thần. Tiếng nói khẳng định vẻ đẹp của người phụ nữ đã có từ ca dao, thơ Hồ Xuân Hương nhưng chưa ở đâu và bao giờ lại được cất lên một cách hùng hồn như ở “Truyện Kiều”. Vẻ đẹp của Thuý Kiều đã bị đày đoạ trong 15 năm gió bụi mà vẫn “Dung quang chẳng khác chi ngày bước ra” là một đòn đánh quyết liệt vào quan niệm coi thường, khinh rẻ người phụ nữ.
Hình ảnh con người cá nhân từ trong ca dao, thơ Hồ Xuân Hương, “Chinh phụ ngâm”…đã được kế tục và hoàn thiện trong “Truyện Kiều”. Con người không phải là một khái niệm siêu hình chung chung mà chính là con người cá nhân, cá thể (individu).
Nguyễn Du đã đi sâu vào thế giới tâm hồn phong phú, phức tạp và kì diệu của con người để mà đồng cảm và đồng vọng. Từ những rung động tinh tế nhất cho đến những rung động mãnh liệt nhất đều được diễn tả với một nghệ thuật bậc thầy. Thành công của tác phẩm không phải ở phương diện kĩ thuật, kĩ xảo mà là ở cái nhìn, tấm lòng của người nghệ sĩ. GS Phan Ngọc đánh giá “Truyện Kiều” là cuốn sách của một ngàn tâm trạng”. Và đó cũng là lí do để “Truyện Kiều” trở thành cuốn sách duy nhất cho đến nay được dùng để bói.
2. “Truyện Kiều” và những bản sắc văn hoá Việt Nam
 “Toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Du đặc biệt là “Truyện Kiều” được đông đảo nhân dân ta, từ thế hệ này qua thế hệ khác hết sức yêu mến” (Chỉ thị của Ban Bí thư TƯ Đảng ngày 26-10-1965). Chỉ thị của Ban Bí thư TƯ Đảng đã chỉ ra sức sống bất diệt của “Truyện Kiều” trong đời sống tâm hồn dân tộc. Một tác phẩm chỉ được nhân dân yêu quý khi nó là tiếng nói cất lên từ sâu thẳm tâm hồn nhân dân, cùng hoà một nhịp với những rung cảm của nhân dân trong cuộc đời và trước con người; hay nói cách khác tác phẩm đó phải là kết tinh, tinh hoa của nền văn hoá dân tộc. Tìm hiểu các đặc sắc của nền văn hoá Việt Nam để có một cái nhìn sâu sắc hơn đối với “Truyện Kiều” là một hướng tiếp cận khoa học và đem lại nhiều khả năng thú vị. 
Tìm hiểu về cuộc đời Nguyễn Du chúng ta biết rằng thân mẫu ông là một ca nữ nổi tiếng đất Kinh Bắc, mảnh đất hào hoa, văn hiến và chắc rằng từ thưở ấu thơ, Nguyễn Du đã may mắn được tắm mình trong bầu sữa ngọt ngào của ca dao dân ca. Cái trong sáng, mượt mà đằm thắm có phần bi ai của những tác phẩm văn nghệ dân gian đã trở thành máu thịt của tâm hồn nhân cách Nguyễn Du. Như ông đã từng tâm sự: “Thôn ca sơ học tang ma ngữ” (Bài học đầu tiên là tiếng hát nơi thôn dã của người trồng dâu trồng đay).
Lớn lên, cuộc đời chìm nổi phiêu bạt, ông quan họ Nguyễn càng lịch duyệt, trải đời, thấm thía nỗi đau khổ chồng chất ngàn đời của nhân dân.
Mặc dù sinh ra ở Thăng Long, song Nguyễn Du có nhiều năm tháng gắn bó với quê cha Hà Tĩnh, mảnh đất có bề dày truyền thống văn hoá. Nguyễn Du là người rất yêu thích các làn điệu hát ví, hát phường vải ở quê nhà. Ông thường xuyên tham gia hát và gà lời cho các đội hát đối, hát đố…Nguyễn Du đã tiếp thu tinh hoa văn hoá, văn học dân gian để sáng tạo nên kiệt tác “Truyện Kiều”. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra nhiều hiện tượng cho thấy ảnh hưởng qua lại giữa ca dao dân ca và “Truyện Kiều”. Ví dụ: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi-Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng?” (Ca dao); “Vầng trăng ai xẻ làm đôi-Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” (“Truyện Kiều”).  
Người Việt có lối nói giàu thanh điệu, thích ngâm nga, ca hát. Người Việt hát để giao tiếp, bày tỏ tâm tình, khát vọng, làm con người xích lại gần nhau, xoá tan đi khoảng cách, để tìm bạn đồng điệu, tri âm…“Một đàn cò trắng bay tung-Bên nam bên nữ ta cùng hát lên”; “Hỡi anh đi đường cái quan-Dừng chân đứng lại em than đôi lời”. Mỗi vùng miền đều có những làn điệu dân ca, những loại hình nghệ thuật riêng đặc sắc.
Người Việt nói riêng và người phương Đông thường chú trọng đời sống tâm linh, đi vào khám phá chiều sâu không cùng của tâm hồn. Trữ tình là truyền thống lớn của văn học nghệ thuật Việt. Truyền thống đó đã tạo nên một dòng sông thơ ca vĩ đại trong lịch sử văn học dân tộc từ ca dao đến Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tú Xương…Có thể nói “Truyện Kiều” là chỗ rộng lớn và sâu thẳm nhất trong dòng sông thơ ca dân tộc.
Lịch sử văn học là lịch sử tâm hồn dân tộc. Cuộc đời ngày xưa “chồng chất đắng cay” trong “đêm dài thăm thẳm” (Xuân Quỳnh) nên buồn thương da diết là âm điệu chủ yếu của thơ ca. Các nhà thơ-nghệ sĩ có một trái tim đặc biệt nhạy cảm dường như được sinh ra để khóc thương cho những bi kịch trong cuộc đời. Từ những nỗi đau khổ lớn lao như oan khiên, chết chóc, tan vỡ, biệt li cho đến một thoáng ưu tư, một tiếng thở dài, một chút hắt hiu của bờ lau, khóm trúc…đều được các nghệ sĩ đồng cảm, san sẻ. Muôn ngàn giọt lệ đã kết tinh thành những viên ngọc thơ ca, “như những viên ngọc kim cương long lanh dưới ánh sáng mặt trời” (Sóng Hồng). “Truyện Kiều” chính là nhưng giọt nước mắt khóc thương cho Thuý Kiều mà cũng là cho mọi nỗi khổ đau của người phụ nữ, của con người nói chung đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều”.
Tuy nhiên, những nỗi đau khổ đó không khiến con người bi luỵ, gục ngã mà giúp con người thực sự là người, sống sâu sắc, biết cảm thông, san sẻ, biết rung động, yêu thương. Bài học lớn nhất của “Truyện Kiều” là sức mạnh của tình yêu thương con người. Nguyễn Du xây dựng nhân vật Thuý Kiều thành một tính cách bi kịch hoàn chỉnh với kích thước khổng lồ. Đó là đóng góp của Nguyễn Du trên cơ sở “thơ ca cảm thương” truyền thống.
Nền văn hoá Việt Nam có bản chất tĩnh, âm tính, với hình tượng trung tâm là người phụ nữ. Từ nhân vật Thánh mẫu Liễu Hạnh, Phật Bà trong tín ngưỡng dân gian đến hình tượng người mẹ, người vợ, cô gái trong văn học dân gian, thơ Hồ Xuân Hương, “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm”…đến “Truyện Kiều” là một sự phát triển có quy luật. Trân trọng, yêu thương người phụ nữ là biểu hiện tinh thần dân chủ, nhân văn của nền văn hoá Việt Nam.
Nho giáo phủ nhận người phụ nữ, trong xã hội nam nữ bất bình đẳng, người phụ nữ là những nạn nhân đau khổ nhất. Những bi kịch của người phụ nữ luôn là “vùng đau” nhức nhối trong trái tim bao thế hệ nghệ sĩ. Có thể nói hình tượng Thuý Kiều là tập trung, kết tinh những phẩm chất đẹp đẽ nhất và nỗi đau khổ khôn cùng của người phụ nữ trong xã hội cũ. Đó là những nỗi oan khiên thảm khốc đến mức lạ lùng khiến cho không một ai có thể dửng dưng: nỗi đau vì tình yêu tan vỡ, vì sự xúc phạm nhân phẩm, thân thể, vì nỗi niềm xa xứ, lưu lạc, nỗi đau vì bị lừa lọc, phản bội, cô đơn và cuối cùng là nỗi bất hạnh của người không chồng không con. Ngoài ra, Thuý Kiều còn phải gánh chịu bi kịch của người “tài hoa bạc mệnh”. Thuý Kiều chính là hình tượng tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam với phẩm chất trong sáng, trọng đạo lý, thuỷ chung, sức sống bất diệt. Người Việt yêu quý “Truyện Kiều” bởi đây là tác phẩm ngợi ca những phẩm chất dân tộc.
Khi nói về cảm quan thẩm mỹ của người Việt Nam, người ta thường ví với hình ảnh hoa sen: cánh hoa mềm mại, phẩm chất cao khiết, hương thơm quyến rũ hay cây đàn bầu: chỉ một dây mà khi rung lên là cả một thế giới âm thanh. Đó là cảm quan thẩm mĩ nghiêng về cái đẹp tinh tế, giản dị, thanh đạm mà hàm súc sâu xa. Thiên hướng đó khiến cho thơ ca Việt Nam tìm đến thể lục bát như một tất yếu. Từ ca dao đến “Truyện Kiều”, thể thơ lục bát đã đi một chặng đường đến hoàn thiện. Thể thơ lục bát có âm điệu hài hoà, phong phú, biến hoá, vừa thích hợp với trữ tình lại có khả năng tự sự, có khi được cất lên như những lời nói thường, lại vừa được sử dụng với vẻ bay bổng, lãng mạn, sâu xa. Thể thơ này có sức mạnh của một dòng sông, đủ sức hàm chứa bao mảnh đời, bao tâm sự.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi nhận xét: “Tiếng nói Việt Nam trong “Truyện Kiều” như làm bằng ánh sáng vậy”. Vẻ đẹp của ánh sáng đó mãi mãi rạng ngời trong tâm hồn các thế hệ người Việt.
3. Nghĩ về hướng tiếp nhận “Truyện Kiều”
Như vậy, có thể thấy “Truyện Kiều” là sự tiếp nối, phát huy đến đỉnh cao truyền thống nhân đạo, một trong hai truyền thống lớn của nền văn hoá dân tộc. Chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” là kết quả sự tác động của nhiều luồng tư tưởng: Nho-Phật-Lão, văn học dân gian…và đã có những bước phát triển ở một tầm cao mới. “Truyện Kiều” là một trong những tác phẩm báo hiệu sự xuất hiện của cái Tôi cá nhân trong văn học. “Truyện Kiều” phản ánh tình hình tư tưởng, bản sắc văn hoá, truyền thống nghệ thuật dân tộc và đạt đến một trình độ kết tinh hiếm có.
Lịch sử nghiên cứu “Truyện Kiều” là sự tiếp nối của các phương pháp tiếp cận, lí giải. Vấn đề đặt ra là cần đánh giá, lựa chọn phương pháp phù hợp. Tiếp cận từ góc độ quan điểm đạo đức phong kiến là cứng nhắc và bất cập song dựa vào những phương pháp tiếp cận hiện đại của phương Tây cũng không thật hợp lý (ví dụ lí thuyết phân tâm học). Thậm chí, từ góc độ quan điểm giai cấp và chủ nghĩa hiện thực hiện hành cũng còn không ít những băn khoăn. Ví dụ: Thuý Kiều thuộc giai cấp nào? Tại sao có những nhân vật đã đạt đến trình độ điển hình, còn một số nhân vật chỉ dừng lại ở mức độ loại hình? Mối quan hệ giữa các chi tiết ngẫu nhiên và tất nhiên trong tác phẩm?...
Có nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định chủ nghĩa hiện thực trong “Truyện Kiều” thực chất là chủ nghĩa hiện thực tâm linh, “hiện thực của trái tim” chứ không phải là kiểu chủ nghĩa hiện thực thấm nhuần quan điểm giai cấp và có tính duy lí như trong văn học hiện đại. Vì vậy chúng tôi cho rằng tiếp nhận “Truyện Kiều” từ tâm thức truyền thống là một hướng đi có thể lí giải được được những giá trị, sức sống bất diệt của tác phẩm cũng như thế giới hình tượng của tác phẩm.
Vẻ đẹp, sức hấp dẫn của “Truyện Kiều” chính là hương thơm của đoá hoa sen mềm mại, tinh khiết, của cánh cò trắng muốt, lời ru êm ái bên nôi, của câu chuyện bên bếp lửa…nghĩa là tất cả những gì thân thuộc và thương mến nhất đối với mỗi người Việt Nam và đã trở thành máu thịt trong tâm hồn mỗi người.
 “Truyện Kiều” nói mãi không cùng” như “ngọn núi cao còn ẩn trong tầng mây xa, như núi băng đầm mình trong lòng biển thẳm” (GS Trần Đình Sử). Điều đó xuất phát từ chiều sâu, bề dày của truyền thống văn hoá dân tộc mà tác phẩm kế thừa và kết tinh.
 
      
 
Chú thích: Những tài liệu tham khảo chính:
 
1.Lê Bá Hán-Trần Đình Sử-Nguyễn Khắc Phi. Từ điển thuật ngữ văn học. NXB Giáo dục. H.1992.
2.Lại Nguyên Ân-Bùi Văn Trọng Cường. Từ điển văn học Việt Nam. NXB Giáo dục. H. 1995.
3.Trần Đình Hượu. Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại. NXB Văn hoá thông tin. H.1995.
4. Trần Đình Sử. Thi pháp “Truyện Kiều”. NXB Giáo dục. H. 2002.
5.Nhiều tác giả. Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam. NXB Giáo dục. H.1998.
6.Nguyễn Phạm Hùng. Tìm hiểu khuynh hướng sáng tác trong “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ. Tạp chí Văn học số 2-1987.
7.Phan Ngọc. Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”. NXB Khoa học xã hội. H.1985.
8. Xuân Diệu. Các nhà thơ cổ điển Việt Nam. Tập 1. NXB Văn học. H. 1981.
9. Nguyễn Lộc. Văn học Việt Nam (Từ cuối thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX). NXB Giáo dục. H.2001.
10. Nguyễn Đình Thi. Nguyễn Du và “Truyện Kiều”. Tạp chí Văn học số 12-1965.
 11. Trịnh Bá Đĩnh (chủ biên). Nguyễn Du về tác gia và tác phẩm. MXB Giáo dục. H.2002.
 
  
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513074

Hôm nay

2175

Hôm qua

2436

Tuần này

21011

Tháng này

219947

Tháng qua

121356

Tất cả

114513074