Những ngày giáp Tết, Vinh tấp nập, hối hả, cho không khí khẩn trương chuẩn bị. Những cửa hàng hoa rực rỡ bên đường, vô hình như những dấu lặng điểm xuyết làm cho tâm hồn người qua lại được thảnh thơi, nhẹ bẫng.
Có những nghề không chỉ đem lại lợi nhuận cho người kinh doanh mà tự nó đang lặng lẽ góp cho đời tình yêu, cái đẹp. Kinh doanh hoa tươi là vậy. Ai đã gắn bó với nó thì cũng thật thủy chung, bền chặt. Bạn cứ thử tìm hiểu xem, các cửa hàng hoa ở vinh hầu như đều có tuổi đời từ 10 năm trở lên, ai không trụ được thì vài năm đã bỏ cuộc. “Kinh doanh hoa tươi phải phải yêu, phải say mê và chịu khó nữa mới giữ được nghề”. Khẳng định đó được chị Quyên, chủ cửa hàng hoa khá nổi tiếng ở 68 đường Lê Hồng Phong rút ra qua hơn 10 năm trải nghiệm. “Yêu mới chịu khó tìm tòi, học và sáng tạo trong cắm hoa. Yêu mới nhẫn nại chiều theo những đòi hỏi, nhiều khi rất vô lý của khách. Yêu mới vượt qua được vài ba dịp lễ liên tục phải đổ hoa đi vì ế. Và những lúc như vậy, ngắm hoa cũng làm cho mình nhẹ lòng hơn”. Đồng quan điểm này, chị Ngọc, thợ của cửa hàng Việt Hằng cũng tấm tắc khen chủ: Chị chủ ở đây chiều khách vô cùng. Chưa bao giờ tỏ thái độ không hài lòng, dù có những khách đòi hỏi rất tai ương, đáp ứng cho đến khi nào khách vừa lòng. Có cả những lúc chấp nhận bán lỗ để giữ khách, vì sẽ có những lần sau họ trở lại hoặc lấy số lượng nhiều làm lãi”.
Cái nghiệp kinh doanh hoa tươi như là một môi trường tốt cho sự kéo theo của những người thân cùng theo nghề. Thử điểm lại những cửa hàng hoa ở Vinh, không ít điểm cả nhà, hoặc anh chị em, cháu chắt cùng kinh doanh hoặc tham gia phục vụ. Việt Hằng, Y Ly, Lá Trường Xuân, Thủy Cương... Điển hình như gia đình Thủy Cương, từ đất Nam Định vào Vinh cũng đã mấy chục năm, giờ cả hai mẹ con và các cháu họ đứng bán, con trai thì vào Đà Lạt trồng hoa tạo nguồn cung, các chị em họ cũng trồng hoa ly ở Nghĩa Đàn gửi xuống. Cửa hang hoa cũng mang lại cho nhiều lao động việc làm. Thường mỗi ki ốt cũng phải thuê hai ba đến mười nhân công. Thợ cắm chính (không kể thợ Sài Gòn, Hà Nội) có thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng; Thợ phụ (người làm công) 3 triệu đồng/tháng; đều nuôi cơm hai bữa (01 bữa chính và bữa sáng). Ai trụ được với nghề kinh doanh hoa tươi, cũng đều phương trưởng. Nó là nghề mang lại nhiều lãi, nhưng phải biết tính toán, dự báo tình hình, và phải tìm được những mối hàng ổn định. Nếu không, như chị Quyên cho biết: có những khi mình dự báo sai phải đổ cả loạt hoa, tiếc ngơ ngẩn. Vậy mới có chuyện, một bình hoa khi được giá một triệu đồng, lúc ế ẩm chỉ bán 100.000đ hoặc vứt đi. Mới có chuyện khóc cười với hoa, nhất là những người tranh thủ làm “vài quả” buôn hoa khi Tết đến, hay ngày lễ về. Nguồn kinh phí cho các cửa hàng hoa cũng khá lớn, nhất là các dịp lễ tết, tối thiểu cũng phải dự trữ tới 100 triệu tiền hàng, những ốt chơi hoa sang lên tới vài ba đến năm trăm triệu đồng. Chuẩn bị cho nguồn hoa Tết, các cửa hàng hoa từ trước đó vài chục ngày đã tìm hiểu và đặt hàng.
Cũng đã có những hình thức kinh doanh hoa tươi trên mạng, như địa chỉ fb Mai Hiên, tuy nhiên ở Vinh hình thức này chưa nhiều. Chủ yếu các chủ hàng vẫn kinh doanh theo kiểu truyền thống có cửa hàng, bán trực tiếp hoặc qua điện thoại. Mỗi cửa hang cũng hướng đến những loại đối tượng khách nhất định. Các quầy hoa ở chợ Vinh chuyên buôn hoa cúc phục vụ nhu cầu thờ cúng. Các cửa hàng hoa Y Ly, Lá Trường Sinh, Caluky, v.v… chuyên hoa cao cấp, hoa ngoại; những của hàng hướng đến khách bình dân có Việt Hằng, Thủy Cương, v.v…
Bây giờ ở Vinh, hầu như đường phố nào cũng có cửa hàng hoa tươi. Như đường Nguyễn Văn Cừ có tới 6 cửa hàng; đường Đinh Công Tráng, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn, Phong Đình Cảng... đều có 2-3 kiốt bán hoa. Các chợ cũng có một vài ốt và dăm ba người bán mấy thùng hoa lẻ. Còn dịp lễ, Tết thì đâu đâu trên các trục đường cũng thấy trải đầy hoa. Có lẽ chưa bao giờ như lúc này, người người bán hoa, nhà nhà mua hoa. Mấy cậu học sinh, sinh viên, mấy bác nghỉ hưu cũng tranh thủ đưa hoa từ Hà Nội, Đà Lạt... về kiếm mấy đồng lời. Chẳng cần ốt, chẳng cần kệ, các giỏ hoa cứ rải ra vỉa hè vậy là có kẻ bán người mua. Sự thuận lợi trong việc vận chuyển hoa từ các nới về đã góp phần quan trọng cho việc tăng nhanh lượng người bán hoa trong các dịp lễ. Do vậy, sự cạnh tranh trong kinh doanh hoa tươi hiện nayở Vinh khá lớn. Điều này cũng phản ánh nhu cầu dùng hoa tươi của người thành Vinh đã khá nhiều và tăng nhanh trong dăm năm trở lại nay. Không chỉ tặng hoa ngày lễ lớn: 8/3, 20/10, 20/11, 22/12, Noel, 1/1, rồi ngày truyền thống của các ngành đã trở thành một nhu cầu thường trực của người Vinh. Mặc dù, như chị Bảy cho biết, năm nay, do tình hình kinh tế có khó khăn hơn nên nhu cầu dùng hoa có giảm đôi chút. Như ngày 20/11, thường các phụ huynh tặng quà kèm hoa tươi, năm nay nhiều người đã cắt giảm hoa để tiết kiệm một khoản. Không chỉ dịp lễ, tặng hoa ngày sinh nhật, các sự kiện của cá nhân đã khá phổ biến trong sinh hoạt tinh thần của dân Vinh. Sinh nhật của người yêu, người đang tán, người thân, của bạn bè, của xếp, đồng nghiệp; kỷ niệm ngày quen nhau, ngày nhận lời yêu, ngày cưới... tạo nên một nguồn tiêu thụ thường trực cho các ốt hoa tươi. Dù chưa nhiều, nhưng vài ba năm nay, ở một số cửa hàng hoa đã có vài chàng trai khá lãng mạn thường xuyên đặt hoa theo tuần hay theo tháng để tặng cho người mình theo đuổi. Rồi các doanh nghiệp cũng tri ân khách hàng bằng hoa.
Cách thưởng thức hoa cũng phong phú hơn nhiều. “Khách hàng của tôi bây giờ chủ yếu là các cơ quan, đơn vị cần hoa cho các sự kiện. Tôi không phục vụ khách khách lẻ nữa, vì cách cắm hoa của mình đã lạc hậu lắm rồi. Cắm hoa theo truyền thống, kiểu dáng cân đối, monotol không còn thu hút được khách hàng. Giờ người ta thích những kiểu cắm hoa phá cách, hiện đại, từ kiểu dáng đa dạng, đến màu sắc phải thể hiện được các ý tưởng của mình, phụ kiện kèm theo cũng phải đặc biệt để tôn vẻ đẹp của lẵng hoa.” Chị Bảy thừa nhận. Bởi vậy, phụ kiện đẻ cắm hoa hiện nay rất đa dạng từ các loại giấy (không chỉ là giấy màu, thô đơn giản mà phải là giấy Hàn Quốc đủ loại trơn, lưới...); giỏ (ngoài tre, nan như trước, giờ có cả gỗ, các vật liệu từ các loại cây tự nhiên như xơ dừa, các loại bình với đủ kiểu dáng cách điệu, lớn, bé, cao thấp v.v...), nơ; các loại lá và quả (của nội hoặc nhập ngoại). Một số ít cửa hàng hoa lớn ở Vinh như Y Ly,... thỉnh thoảng nhân các ngày lễ lớn, đặc biệt là dịp Tết thường mời thợ ở Sài Gòn về cắm hoa vừa tập huấn cho thợ nhà, vừa quảng cáo mẫu và phục vụ những vị khách khó tính, sẵn túi tiền. Tất nhiên tiền công cho những thợ này khá cao. Thường được trả theo đợt phục vụ; hoặc dịp Tết nếu trồng các bình hồ điệp thì trả công theo cây, tiền công dịp này cũng đến vài ba chục triệu đồng/người. Nói về sự thưởng thức hoa của người Vinh, anh Quân, thợ cắm hoa từ Sài Gòn ra làm việc tại Y LY cho biết: So với Sài Gòn, Hà Nội những thành phố lớn tôi đang làm việc, thì nhu cầu thưởng thức hoa mang tính nghệ thuật cao của Vinh chưa nhiều, lượng khách VIP còn ít. Do vậy nên khi phục vụ số khách này, chúng tôi cũng gặp khó do đôi khi không đủ loại hoa hay phụ kiện để đáp ứng đòi hỏi của khách. Người Vinh đã dùng một số loại hoa nước ngoài nhưng số này không nhiều và chủ yếu cũng chỉ vào dịp Tết và ngày lễ trọng. Cũng có những khách sang xài những chậu hoa tới vài ba chục triệu đồng. Hay dùng tới dăm chục triệu đồng tiền hoa cho đám cưới. Còn chị Minh, làm việc tại cửa hàng hoa Thủy Cương (đường Lệ Ninh) cũng bảo: Người Vinh lạ lắm, cứ biết cắm hoa một tí là mở cửa hàng, không chịu đi học các lớp dạy cắm hoa nên số người cắm hoa đẹp ở Vinh không nhiều. Lại có cả những người dùng hoa buồn cười lắm, cứ chạy theo phong trào làm cho việc thưởng thức hoa mất ý nghĩa. Khi ta tặng, dù chỉ một bông hoa thôi, nhưng đẹp và được đóng gói trang trọng, lịch sự, đó đã là tấm lòng. Nhưng, với họ phải là giỏ hoa, hoa lưa thưa cũng được, đẹp hay xấu không biết. May mà số này không nhiều.”
Dù là gì đi nữa, kinh doanh hoa vẫn là nghề hấp dẫn với những ai yêu, say hoa. Nó vừa làm căng túi tiền vừa đem cho ta cảm giác bình yên, yêu đời. Tết đang đến, những cửa hàng hoa tươi thành Vinh lại rực rỡ khoe sắc, tỏa hương, những chủ hàng hoa lại tất bật với những giỏ hoa, những mối hang đem lại cho đời, cho người những giây phút bình yên, lãng mạng sau bao bon chen, cật vật của sự đời. Lỗ, lời còn phải chờ Tết đi qua. Hoa cứ tươi, và người cứ hối hả làm đẹp cho đời, cho Tết.