Cuộc sống quanh ta

Nữ họa sĩ Phương Bình: Mỗi người đàn bà là cả thế giới

Nữ họa sĩ Phương Bình sinh năm 1974. Chị được biết đến như một họa sĩ trẻ tài năng, cá tính. Tranh của Phương Bình rất đa dạng, nhưng nổi tiếng nhất là những tranh vẽ đàn bà. Vốn là người yêu hội họa, lại sớm trải qua những đổ vỡ, mất mát, nên Phương Bình thấu hiểu mình và những người đàn bà xung quanh mình. Chị mang đàn bà vào tranh, như cách để nói hộ giới mình những khát khao thầm kín, những ước vọng tinh thần, những xúc cảm vui buồn, những hạnh phúc và cả những tuyệt vọng. Niềm vui của Phương Bình là được vẽ mỗi ngày, được sống hết mình cho đam mê hội họa.

-Chào họa sĩ Phương Bình, nghe nói chị đang chuẩn bị cho một cuộc triển lãm cá nhân mang tên “Đàn bà”. Bao giờ thì triển lãm đó diễn ra vậy?

+Tôi dự định sẽ làm triển lãm “Đàn bà” vào sinh nhật mình, khoảng tháng 5 sắp tới. Công chúng xem tranh của tôi ở nhiều triển lãm chung rồi. Tôi vẽ sơn dầu, vẽ trên dó, vẽ sơn mài là chủ yếu. Nhưng ở triển lãm lần này, tôi sẽ trình làng những tác phẩm của mình được thể hiện trên gốm. Và có cả các tác phẩm điêu khắc nữa.

-Người xem biết đến Phương Bình phần lớn là những tranh vẽ nude trên chất liệu giấy dó. Vậy trên gốm và trong điêu khắc chuẩn bị cho triển lãm sắp tới, chị vẫn vẽ đàn bà chứ?

+Tôi vẫn vẽ đàn bà thôi. Tất nhiên có một vài đề tài khác nữa, nhưng đàn bà luôn là một đề tài xuyên suốt trong tác phẩm của tôi. Tôi yêu họ, và muốn vẽ mãi về họ.

-Thường thì trong hội họa, những người vẽ về đàn bà đẹp nhất, nổi tiếng nhất lại là các nam họa sĩ. Tôi nghe một vài họa sĩ lâu năm trong nghề nói, họa sĩ nữ mà vẽ đàn bà điêu luyện như Phương Bình là rất hiếm. Chị có giải thích được điều này chăng?

+Tôi cũng không biết phải giải thích cách nào. Thông thường thì phụ nữ chúng tôi đôi khi không “thuộc” mình bằng cánh mày râu. Chúng tôi hiểu mình thì đương nhiên, nhưng cái hiểu đó có lẽ phù hợp với thi ca, còn sự “thuộc” mình lại là câu chuyện của đường nét, bố cục. Ngay cả khi đứng trước một mẫu nữ, chắc chắn những rung cảm của người họa sĩ nam sẽ khác với người họa sĩ nữ. Những người đàn ông yêu phụ nữ theo cách của họ. Tôi là một người nữ, tôi vẽ đàn bà ít nhiều là vẽ về chính mình, thì cách bộc lộ và chia sẻ của tôi có lẽ cũng theo một kiểu khác. Nhưng tôi cũng không chắc chắn lắm về điều này đâu, vì bạn biết đấy, khi thực sự ở trong việc vẽ, tôi không đủ tỉnh táo hay lý trí để nhận ra mình là ai. Tôi có thể là chính mình hoặc phân thân. Và khi vẽ, tôi cảm thấy như có ai đó cầm tay mình chỉ dẫn. Đôi khi ngắm một vài bức tranh của mình, tôi có cảm giác không phải mình vẽ là vậy.

-Nghe một vài người bạn của chị chia sẻ, chị thường vẽ về đêm. Những bức tranh đàn bà ma mị nhất là những bức chị vẽ trong đêm, có đúng không vậy?

+Thực tế tôi có thể vẽ bất cứ lúc nào. Tôi chỉ có một việc chính là vẽ mà. Ngoài ra không có việc gì đáng kể. Có một dạo tôi thường vẽ trong đêm. Hai, ba giờ sáng bạn bè vẫn nhìn thấy tôi sáng đèn trên facebook, là bởi khi vẽ xong một bức tranh tôi hay chia sẻ trên đó. Vẽ trong đêm cũng có những cảm xúc lạ lắm. Bóng tối và sự yên ắng của không gian khiến cho tôi có cảm giác mình chiếm hữu toàn bộ cuộc sống, chiếm hữu nghệ thuật. Hơn nữa, đàn bà với bóng đêm luôn có một sự liên hệ, một sự gắn kết nào đó khiến cho tâm trí tôi bị quyến rũ. Tôi cũng không biết những bức tranh vẽ đàn bà trong đêm có phải là những bức tranh ma mị nhất hay không, nhưng đối với tôi, trò chuyện với nghệ thuật trong đêm là cảm giác thú vị.

-Những người đàn bà trong tranh của chị thường rất đặc biệt. Họ có gì đó hơi trầm cảm, hơi sầu bi, và như đang trong vũ điệu của riêng họ. Khuôn mặt của họ đôi khi cho người xem cảm giác, họ không đến từ cuộc sống này…

+Đàn bà vốn là loài phức tạp mà. Mỗi người đàn bà có thể chứa cả thế giới trong mình. Họ là một khối mâu thuẫn. Để hiểu được họ không dễ chút nào. Khi vẽ những người đàn bà, tôi không dụng ý cụ thể gì về họ. Tôi vẽ cái tinh thần, những gì đó có thể biểu cảm về tính nữ, về nỗi vui buồn, về thân phận của họ. Vì sao trong tranh của tôi đàn bà hay nhảy múa? Vì tôi đang cố hiểu khát vọng tự do của họ. Trong mỗi người đàn bà có một khát vọng tự do rất lớn. Họ muốn được là mình, muốn được thoát khỏi những cái thông thường của đời sống.

-Theo chị, những người đàn bà làm nghệ thuật và những người đàn bà bình thường có điều gì khác nhau?

+Tôi nghĩ họ cũng chẳng khác nhau nhiều lắm. Một người đàn bà làm nghệ thuật thì cũng vẫn phải đi chợ, nấu cơm, nuôi con, làm đủ mọi thiên chức của mình. Đôi khi họ cằn nhằn, cáu kỉnh, tham lam. Đôi khi họ là gai nhọn, đôi khi họ mềm như nước chảy. Nghĩa là họ cũng bình thường như đàn bà bình thường thôi. Cái khác của người đàn bà làm nghệ thuật có chăng là tự thân họ làm khổ mình. Họ thường không bằng lòng với mình. Họ vừa chấp nhận đời sống hiện tại lại vừa muốn vượt thoát nó. Họ không yên ổn bằng những người đàn bà bình thường.

-Vì sao chị chọn cuộc sống một mình lâu quá vậy. Một mình nuôi con suốt hơn 20 năm qua. Phải chăng không có một bờ vai nào đủ mạnh mẽ cho chị tựa vào?

+Tôi không lựa chọn gì cả. Cuộc sống cứ trôi theo lý lẽ của riêng nó. Những gì đến tôi nhận, những gì đi tôi buông. Càng sống tôi càng hiểu rằng, mình sẽ không có gì nếu phương pháp của mình là níu kéo. Cái được và cái mất đã ở một nghĩa khác. Tôi học cách hài lòng và vui với hiện tại. Một bờ vai đủ mạnh mẽ để tựa thì tôi nghĩ đàn bà ai cũng ước mong. Nhưng với tôi, hình như tất cả không chỉ là như vậy. Tôi là người làm nghệ thuật, tôi cần tự do, cần được là chính mình nữa. Nếu bờ vai đủ mạnh đó đến, nhưng bắt tôi phải khác mình, phải hy sinh con người nghệ thuật của tôi, thì tôi xin thôi…

-Nhưng đàn bà nuôi con một mình thì quá cực. Lại phải lo toan chuyện cơm áo gạo tiền, thì nghệ thuật cũng có khi rời bỏ mình…

+Tôi đã ở thời điểm mà những lo âu ấy ở đằng sau rồi. Nếu nghệ thuật định rời bỏ tôi thì nó đã đi từ lâu, vào lúc mà mẹ con tôi phải dắt díu nhau đi thuê nhà, phải đối mặt với cuộc sống khó khăn chật vật vô cùng. Một người đàn bà từ tỉnh lẻ đến Thủ đô, gia tài chỉ có đứa con nhỏ và lòng đam mê hội họa, tôi có thể đánh đổi vài điều, nếu nghệ thuật không phải là tiếng gọi đủ lớn. Nhưng giờ này tôi vẫn vẽ, vẫn hoàn toàn thuộc về hội họa. Thậm chí, tôi còn tước bỏ một số thứ khác trong đời sống để trọn vẹn cho hội họa. Con trai tôi thì cũng đã lớn, có thể tự đi làm nuôi sống mình. Tôi đâu còn phải lo lắng về điều bạn hỏi nữa.

-Chị vừa nói chuyện tự tước bỏ một số thứ, có phải chị nhắc đến chuyện bỏ nghề dạy học. Vì như tôi biết, chị đã là thạc sĩ và nhiều năm đi dạy môn hội họa ở trường đại học?

+Tôi đi dạy nhiều năm, đấy cũng là công việc tôi yêu thích. Nhưng đến một thời điểm tôi nhận ra mình nên dừng lại. Và tôi dừng thôi, quyết định đó cũng không quá khó khăn. Dù không ít người tiếc cho tôi và khuyên tôi nên tiếp tục phấn đấu. Đối với tôi, phấn đấu nếu có, là được làm công việc mình yêu thích, được là chính mình.

-Chị có phải là người mẹ nấu ăn giỏi không, và có thường xuyên vào bếp nấu nướng không?

+Tôi không giỏi bếp núc lắm, nhưng nếu con trai tôi thèm ăn món gì tôi đều có thể vào bếp phục vụ con vô điều kiện. Đối với cậu ấy thì món gì mẹ nấu cũng là ngon nhất quả đất…

-Trên trang cá nhân, chị khoe con trai chị đã có người yêu. Chị có tiêu chuẩn đề ra với con khi con chọn bạn gái, chọn vợ không?

+Có đấy, tôi có tiêu chuẩn đấy. Tôi nói với con trai là, đã yêu ai thì phải yêu hết lòng đừng nửa vời. Người đàn ông khi đã yêu thì cư xử làm sao cho đáng mặt, đừng bao giờ làm tổn thương người đàn bà của mình. Và nếu một ngày có hết yêu, cũng vẫn cứ phải cư xử làm sao cho đáng mặt.

-Ngày mùng 8-3 hàng năm con trai chị tặng quà gì cho chị?

+Thường thì cậu ấy mua hoa tặng mẹ. Đôi khi có quà nữa. Tôi may mắn có cậu ấy bên cạnh, một người đàn ông rất lịch thiệp, ga-lăng. Đối với tôi, có bờ vai của cậu ấy cũng là yên tâm rồi.

-Xin cảm ơn họa sĩ Phương Bình.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434772

Hôm nay

243

Hôm qua

2349

Tuần này

21422

Tháng này

211820

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434772