Khách mời văn hóa

Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và tác phong Hồ Chí Minh: Phải là học thật, làm thật, không thể là nói suông!

Lời Tòa Soạn: Ngày 27-3-2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về “Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”,.Năm 2005, Bộ Chính trị khóa IX đã quyết định làm điểm việc tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trên cơ sở kết quả việc làm điểm, ngày 7-11-2006, Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tiếp theo đó, Đại hội Đảng lần thứ XI yêu cầu đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân. Ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị khóa XII lại ban hành Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê lần thứ nhất (6.1957 – 6.2017), tạp chí Văn hóa Nghệ An tổ chức bàn tròn trao đổi về cuộc vận động học tập và làm theo tư tuwngr, đạo đức tác phong của Người. Khách mời tham gia bàn tròn có các ông PGS.TS Bùi Đình Phong đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và PGS.TS Nguyễn Thế Thắng đến từ Học viện chính trị khu vực I.

Phan Văn Thắng:Thưa các ông, tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh là một giá trị có ý nghĩa cốt lõi trong hệ thống giá trị xã hội mà Đảng ta đang hướng tới và nỗ lực xây dựng. Việc học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, tác phong của Người là cả một quá trình lâu dài. Nhưng hình như càng về sau thì cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương Hồ Chí Minh càng trở nên cần thiết hơn, cấp thiết hơn. Phải chăng trong Đảng và trong xã hội của chúng ta, tư tưởng, đạo đức, tác phong, nhất là của cán bộ, đảng viên đang có vấn đề, đang khủng hoảng, sa sút và càng ngày càng trầm trọng hơn?

Bùi Đình Phong: Điều này thì quá rõ và đúng như vậy. Chỉ cần căn cứ vào các nghị quyết của Đảng gần đây thì có thể trả lời được câu hỏi của anh. Đại hội XI của Đảng chỉ ra rằng “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước.

Nên nhớ rằng 12 năm trước, tại Nghị quyết Trung ương sáu (lần 2) của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (1-1999) đã đề cập ở mức độ “vừa phải”, rằng “trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém: sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn. Tông Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó cũng đã nói đến “quan liêu, tham nhũng, cá nhân chủ nghĩa làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng”. Lúc này chưa có cụm từ “không nhỏ” và Đảng đã thấy được có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn.

Đến Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI thì đúng như anh nói “càng ngày càng trầm trọng hơn”. Đảng ta khẳng định “công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Nghị quyết nhắc lại cụm từ “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”, thêm cụm từ “trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”.

Thế là sa sút, càng ngày càng nghiêm trọng chứ còn gì nữa.

Phan Văn Thắng:Nhưng theo quan sát của tôi thì tình trạng này những năm gần đây càng có xu hướng gia tăng và Đảng ta cũng đã nhận thức ra điều này một cách sâu sắc.

Bùi Đình Phong:Tôi đồng tình với nhận xét đó. Đúng là, tình hình những năm gần đây diễn biến có nhiều điều còn đáng lo ngại hơn. Đảng ta, đến Đại hội XII đãkhẳng định bốn nguy cơ Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại. Một trong bốn nguy cơ đó là “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp; khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Từ Đại hội XII đến nay, những cụm từ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và Nhà nước” được Đảng ta nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Đảng chú ý là Đại Hội XII nói đến “giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên vào Đảng, Nhà nước” chứ không phải chỉ có giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Minh chứng rõ nhất cho điều anh nói về “sa sút ngày càng nghiêm trọng”, tức là sa sút về sau nặng hơn sa sút giai đoạn trướclà ở Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, một số cụm từ đã được nói nhiều lần ở các nghị quyết trước như “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”, thì lần đầu tiên xuất hiện một số cụm từ mới cho thấy mức độ nguy hiểm của tình hình. Chẳng hạn khi nói về suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nghị quyết chỉ ra “có một bộ phận diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào một số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”.

Phan Văn Thắng: Trong các văn kiện của Đảng cũng đã chỉ ra khá rõ nguy cơ và các biểu hiện khủng hoảng, suy thoái về tư tưởng, đạo đức của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên.Với tư cách là những nhà nghiên cứu, các ông có thể khái quát hóa thành những “dạng thức” cơ bản của sự suy thoái này? Nó “khu trú” ở đâu, lĩnh vực nào nhiều nhất, những đối tượng nào“mắc bệnh” trầm trọng nhất?

Nguyễn Thế Thắng: Thực ra 27 biểu hiện bao gồm 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện về đạo đức và lối sống, 9 biểu hiện về "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" mà Nghị quyết TW 4, khóa XII nêu ra là hết sức cụ thể, đầy đủ rồi.

Còn nếu phải khái quát lại cho gọn, dễ nhớ, thì theo tôi có mấy dạng suy thoái, biến chất nổi bật và có tác hại nặng. Đó là: Tham ô, tham nhũng; độc đoán, chuyên quyền thao túng công tác cán bộ; Lạm dụng chức quyền mưu lợi cho cá nhân và gia đình, họ hàng và lợi ích nhóm; Nói, viết, làm trái với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

                Những nơi và người dễ suy thoái, biến chất là cán bộ, lãnh đạo, quản lý  và người làm trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quản lý tài chính; các cơ quan kế hoạch, đầu tư; thanh tra, kiểm tra, công an kinh tế, cảnh sát giao thông; các ngành hải quan, xây dựng, giao thông cầu đường, v,v…

Bùi Đình Phong: Tôi nghĩ, nói chữ “dạng thức” làm gì cho nó rắc rối ra. Tôi thích chữ “căn bệnh”, chữ “bệnh” trong di sản của Bác. Quan điểm của Đảng ta từ Đại hội VI cách đây hơn 30 năm, được khẳng định lại ở Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”. Cứ nói thẳng ra cho nó rõ. Có rõ mới có thể sửa chữa. Cho nên Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII mới chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng ta đã chỉ ra ba “dạng thức”: suy thoái về tư tưởng chính trị; suy thoái về đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với 27 biểu hiện cụ thể.

Nói quan liêu, tham nhũng, lãng phí cũng là một cách hiểu về “dạng thức”. Lại có thể nói biểu hiện, “dạng thức” một cách khác. Đó là những suy thoái trong công tác tư tưởng, lý luận; công tác cán bộ; trong các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng; trong mối quan hệ với nhân dân; về tinh thần trách nhiệm; về sự trung thực; về thực hành dân chủ,v.v..

Tôi nghĩ có thể nói khái quát không phải “những” mà là một “dạng thức”: đó là nhân cách. Suy thoái về nhân cách-nhân cách làm người, nhân cách cán bộ, đảng viên, nhân cách văn hóa.

Còn nó “khu trú” ở đâu, lĩnh vực nào nhiều nhất, những đối tượng nào “mắc bệnh” trầm trọng nhất ư ?

Nói ở đâu nhiều nhất thì cũng khó đấy. Vì bây giờ nó tinh vi lắm, phức tạp lắm, nhiều lắm. Thậm chí nó nằm ngoài cả 27 biểu hiện. Ví dụ một ông bộ trưởng, ông bí thư tỉnh ủy, ông Ủy viên Trung ương hằng ngày, hằng giờ, vẫn rất hùng hồn trên diễn đàn. Ai biết ông ấy suy thoái nếu lấy 27 biểu hiện mà rà soát, mà cân, đo, đong, đếm. Chỉ đến khi nhân dân, báo chí, phát hiện thì mới biết ông ta suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Dân gian gọi là “kính thưa các ông chưa bị lộ”.

Nhưng tôi muốn nói ở khía cạnh khác để trả lời cho một câu hỏi khác: “Ở lĩnh vực nào đáng quan ngại nhất?”. Chính là ở những lĩnh vực mà cả xã hội luôn luôn kỳ vọng, trông chờ, tin tưởng, “dựa vào đấy mà sống” thì cũng đã nhúng chàm, tỷ như tòa án, thanh tra, kiểm tra, tổ chức, giáo dục, ngành y, công an. Một ông đứng đầu thanh tra nhà nước mà tay nhúng chàm thì nguy quá. Nguy là nguy cho chế độ, cho Đảng, cho sự tồn vong của đất nước. Vì như thế thì dân chúng còn biết tin vào ai? Vào bộ phận nào?

Những đối tượng nào mắc bệnh trầm kha nhất ư? Ở đội ngũ cán bộ, đảng viên, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.

Vì sao ư? Dễ thôi. Vì họ có chức, có quyền. Mà quyền lực thì có xu hướng tha hóa. Quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối. Điều này không có gì mới cả. Từ thực tiễn, các nhà tư tưởng, lý luận đã tổng kết rồi. Ta đang nói về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tôi dẫn tư tưởng của Bác. Người nói rằng “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đuch khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”.

Có người dân nào tham nhũng được không? Không bao giờ. Có ai đút lót cho dân không? Không bao giờ

Phan Văn Thắng: Và về phương diện văn hóa - đạo đức dân tộc?

Bùi Đình Phong: Văn hóa, đạo đức, lối sống xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam (Hội nghị Trung ương 9 khóa XI) đã thẳng thắn chỉ ra “thành quả trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ tầm mức để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh”. Kể ra nhiều lắm, nhưng kể ra để làm gì, kể ra bao nhiêu cho đủ, càng kể ra bao nhiêu càng đau lòng bấy nhiêu.

Nguyễn Thế Thắng: Đời sốngvăn hóa tinh thần của người dân, nhiều nơi ngay ở thành phố cũng còn nghèo nàn, đơn điệu. Trong các sinh hoạt văn hóa vẫn có tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội. Xuất hiện nhiều vi phạm đạo đức truyền thống trong quan hệ hàng xóm láng giềng, trong quanhệ gia đình: vợ chồng, bố mẹ và con cái; trong quan hệ xã hội: thày giáo với học trò, học trò với học trò, v,v,

Phan văn Thắng: Tính từ năm 2003, khi Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về “Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”, chúng ta đã có 14 năm liên tục thực hiện cuộc vận động này. Theo quan sát và nghiên cứu của các ông thì những kết quả đạt được lớn nhất là gì?

Nguyễn Thế Thắng:Trước hết, nó có phần lay chuyển được tư tưởng, tình cảm của những người lương thiện hướng tới những tư tưởng, tình cảm, việc làm tốt cho con người, cho xã hội. Trong số đó, đã xuất hiện những tấm gương điển hình về người tốt, việc tốt trên tất cả các lĩnh vực, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, theo tôi, nhìn chung kết quả chưa đáp ứng với mục tiêu của các Chỉ thị 03, 06, 05 của Bộ Chính trị đã đặt ra.

Bùi Đình Phong: Đạt được cái lớn thứ nhất là làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân có điều kiện nhận thức đầy đủ hơn, hệ thống hơn, có thể là sâu sắc hơn tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Có nhiều câu chuyện tôi tin rằng nếu không có việc học tập Chỉ thị 23, 06, 03, 05 thì có lẽ nhiều người không biết về tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác. Đạt được điều thứ hai là làm xuất hiện trong xã hội những tấm gương sáng, noi gương Bác, thực sự cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân. Còn những cái được khác sẽ nói ở dịp sau.

Phan văn Thắng:Nếu so với yêu cầu thì còn những khoảng cách nào?

Nguyễn Thế Thắng:Một khoảng cách khá xa. Đó là nhận thức về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong số đông còn chưa thực sự sâu sắc. Việc làm theo nói chung còn chưa mạnh.  Chưa có được đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Bùi Đình phong: Đảng nói rồi, thẳng thắn thừa nhận rồi: “Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chưa thực sự đi vào chiều sâu, ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, làm theo chưa đạt yêu cầu”

Phan văn Thắng:Có ý kiến là căn bệnh suy thoái đạo đức và tư tưởng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ đảng viên đang diễn biến phức tạp hơn, trầm trọng hơn. Còn ý kiến của các ông?

Bùi Đình Phong: Ý kiến của tôi trùng với ý kiến của Đảng, đó là “bản thân Đảng, bên cạnh mặt tích cực, bản chất và truyền thống tốt đẹp được phát huy, đang có những hiện tượng tiêu cực, phức tạp mới. Tình trạng suy thoái chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng.

Ng.uyễn Thế Thắng: Theo tôi,gần đâycăn bệnh suy thoái đạo đức và tư tưởng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ đảng viên đang diễn biến phức tạp hơn, chứ chưa trầm trọng thêm mà cũng chưa giảm đi.

 

Phan Văn Thắng. Hình như đây là một cái nhìn đầy lạc quan của ông Nguyễn Thế Thắng. Tạm thời không nhắc lại những kết quả, những cách làm hay mà ở nhiều diễn đàn khác đã đề cập, chúng tôi muốn chúng ta sẽ trao đổi về những chỗ cần phải xem xét lại để khắc phục. Có ý kiến cho rằng, bên cạnh những điển hình tốt, vẫn có những lúc, những nơi việc thực hiện cuộc vận động này còn mang tính hình thức, chưa thực chất, không những không mang lại kết quả thiết thực mà còn gây ra lãng phí thời gian và vật chất, đặc biệt sự không nghiêm túc còn làm phương hại đến hình ảnh và uy tín của tổ chức Đảng…Các ông có nhận xét gì về ý kiến này?

Bùi Đình Phong:Đảng ta nói “chưa thực sự đi vào chiều sâu, ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, làm theo chưa đạt yêu cầu” trong đó cần hiểu rằng là chưa thực chất, lãng phí. Đã hình thức thì tất yếu hệ quả kéo theo là lãng phí. Mà đã hình thức, lãng phí thì ít hoặc nhiều làm phương hại đến đến uy tín của Đảng là điều dễ hiểu, dễ nhận thấy. Cái phương hại rõ nhất ở đây là làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, một nguy cơ đe dọa trực tiếp sự tồn vong của Đảng. Tất cả dẫn đến lực cản trên con đường phát triển của đất nước.

Phan Văn Thắng:Có lúc nào các ông nghĩ đến rằng trong cuộc sống bây giờ ít tấm gương sáng về lý tưởng, về đạo đức của cán bộ, đảng viên mà lại càng ngày càng nhiều quan chức giàu có một cách bất thường nên ảnh hưởng đến chất lượng và kết quả của cuộc vận động?

Bùi Đình Phong: Tổng Bí thư Đảng ta nói rồi. Trong Đảng đang có sự phân hóa giàu – nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động. Nhà triết học cổ điển Đức L. Phoi-ơ-bắc đã từng nói rằng người sống trong lâu đài nghĩ khác người ở trong nhà tranh. Ông băn khoăn “liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không? Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai? Có giữ được bản chất là đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc không? Sự giải bày tiếp của ông có thể một phần thay cho câu trả lời. Ông nói thực tế đã có bộ phận suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tình trạng tham nhũng, quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm. Đây là điều đáng lo ngại nhất và cũng là nguy hiểm lớn nhất đối với một đảng cầm quyền.

Đã như vậy thì làm sao có lý tưởng, có ý thức phục vụ nhân dân, và tất yếu ảnh hưởng đến chất lượng, kết quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nói cách khác, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức có quyền nói một đằng, làm một nẻo, làm trái, làm ngược tư tưởng của Bác. Đó là điều hết sức nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc vận động mà lớn hơn là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Bộ phận không nhỏ suy thoái đó là trở lực lớn nhất trên con đường hưng thịnh của đất nước.

Nguyễn Thế Thắng: Theo tôi tương quan giữa những lực lượng tốt và những lực lượng suy thoái đang ở thế giằng co quyết liệt.

Phan văn Thắng:Gần đây, cộng đồng xã hội bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ sự quyết liệt của Đảng khi xử lý một số vụ việc nghiêm trọng. Qua quan sát chúng tôi thấy ở một mức độ nào đó người dân đã bắt đầu tin hơn về những quyết tâm của Đảng trong việc thiết lập lại trật trự kỷ cương của Đảng, và của xã hội. Tôi nghĩ đến mối liên hệ giữa xây và chống, giữa nói và làm, đến vai trò của tấm gương, của thực tiễn sinh động trong việc học tập, tiếp nhận và làm theo tư tưởng và đạo đức, tác phong của Bác Hồ. Thưa các ông, để tiếp tục thúc đẩy sự hưởng ứng có kết quả, hiệu quả tốt hơn cuộc vận động, ngoài những vấn đề mà trong các văn kiện, văn bản của Đảng đã đề cập, từ thực tiễn, có những vấn đề gì, từ nội dung đế cách thức học tập, tiếp nhận và làm theo mà chúng ta cần quan tâm, những gì cần phát huy, những gì cần điều chỉnh, cần khắc phục?

Bùi Đình Phong: Đúng là Đảng, Chính phủ, trong xã hội thời gian qua đã và đang có sự chuyển động theo hướng tích cực cần phải được ghi nhận và đánh giá đúng mức. Nhưng vẫn phải nhắc lại quan điểm của Đảng về nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật nói rõ sự thật để bàn tiếp những vấn đề anh đặt ra với một mục đích duy nhất vì lợi ích của nhân dân. Theo tôi, thứ nhất, giữa xây và chống cần làm có tính thuyết phục hơn. Xử lý một số vụ việc nghiêm trọng như vừa qua là cần thiết và rất đáng khen nhưng đó đã phải là cái gốc chưa? Dân chúng vẫn có quyền đặt câu hỏi liên quan đến Formosa, đến luân chuyển cán bộ(như kiểuTrịnh Xuân Thanh) và đến nhiều vấn đề khác. Những con người đó có tự một mình làm nổi những việc đó không?. Nhóm lợi ích đây là ai? Có đường dây, liên kết không? Có người chống lưng không? Không đào tận gốc thì ngọn lại tiếp tục mọc ra. Lênin, Bác Hồ nói rồi, xử một tên trộm cắp có nghĩa lý gì khi hàng nghìn, hàng vạn tên khác lại tiếp tục mọc ra.

Thứ hai, nói và làm, nêu gương của ta còn yếu quá, nhất là một bộ phận cán bộ lãnh đạo, đứng đầu, cán bộ cao cấp. Tôi nhớ khi Bác Hồ viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân” (2-1969), Bác nói phải đưa cho các đồng chí Trung ương, Bộ Chính trị đọc để xin ý kiến, trí tuệ của mọi người, nhưng cũng để cho những đồng chí cao nhất nêu gương chống chủ nghĩa cá nhân.

Tôi có vinh dự đi nói chuyện Chỉ thị 23 từ năm 2004 cho đến Chỉ thị 05 vừa rồi. Nhiều nơi họ hỏi tôi có bao nhiêu đồng chí Trung ương đã học theo tinh thần Chỉ thị 05 “trên trước dưới sau”. Tôi nói có thể các đồng chí đó học kín ở đâu đó, không truyền hình trực tiếp, không đưa tin báo chí, nên tôi không được biết. Họ lại nói nếu Trung ương giới thiệu được một, hai tấm gương của Trung ương để nhân dân học thì quý biết bao, có tác dụng biết bao. Họ lại nói Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) có tổ chức cho cán bộ chủ chốt cả nước học, sao các chỉ thị của Trung ương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không tổ chức theo cách đó?

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh có nội dung cốt tủy là theo đúng đường lối nhân dân; phải lắng nghe dân, học dân, hỏi dân, hiểu dân. Những tiếng nói của dân nêu trên phải được lắng nghe thật sự cầu thị thì cuộc vận động học tập và làm theo Bác mới có kết quả.

Nguyễn Thế Thắng: Thực tiễn chứng tỏ nơi nào người đứng đầu, cấp ủy Đảng, chính quyền coi trọng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thì nơi đấy mới tìm ra nội dung, phương thức thực hiệnphù hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương mình, thì nhất định sẽ thành công. Thiếu một cái đầu tầu mạnh, thì mọi tham mưu hay cũng đều ít hiệu quả.

Phan Văn Thắng:Từ cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những trải nghiệm, những kinh nghiệmthực tiễn, theo các ông, có cần xác định và xác lập những điều kiện tiên quyết để cuộc vận động này có kết quả và hiệu quả tốt hơn nữa? Những điều kiện đó là gì?

Bùi Đình Phong:Trên thực tế Đảng đã nêu rồi mà vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Những điều kiện đó là sự gắn kết, chỉnh thể từ tính khoa học của bộ máy, tính dân chủ, công khai, minh bạch, tự tu dưỡng của con người. Nghị quyết Trung ương ương 4 khóa XII nói rồi. Đặc biệt, người đứng đầu các cấp, ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm. Anh không làm hay làm thiếu trách nhiệm là phải xử lý nghiêm, làm cho dân tâm phục khẩu phục. Xử lý một người không phải chỉ để cứu muôn người mà cứu cả chế độ, cứu Đảng, bảo đảm cho Tổ quốc trường tồn.

Phan Văn Thắng:Cảm ơn các ông đã tham gia trao đổi. Hẹn trở lại đề tài này vào một dịp gần đây. Đúng là “Lý thuyết là chất xám, cây đời thì mãi xanh tươi”, lý thuyết hay nhưng điều cuối cùng vẫn là phải thực hành tốt. Một việc làm tốt hơn ngàn lần lời nói hay. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là phải học thật, làm thật, không thể là nói suông.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511964

Hôm nay

2290

Hôm qua

2337

Tuần này

22338

Tháng này

218837

Tháng qua

121356

Tất cả

114511964