Khách mời văn hóa

Bạo lực xã hội sẽ tàn phá tương lai!

Lời Tòa Soạn: Bạo lực xã hội đã và đang có xu hướng gia tăng. Ngày nào truyền thông cũng đầy rẫy các thông tin về xô xát, đâm chém, giết người, về các âm mưu thủ đoạn hãm hại nhau….Bạo lực là một báo hiệu xấu không chỉ trong hiện tại mà cả trong tương lai. Điều đó hầu như ai cũng biết. Nhưng hình như không phải tất cả mọi người đã nhận diện đầy đủ về nó. Các khách mời của tạp chí văn hóa Nghệ An kỳ này sẽ thêm một cái nhìn để cùng mọi người nhận diện chính xác hơn nhằm lên án và đấu tranh chống lại nó – bạo lực xã hội.

Phan Văn Thắng (Nhà báo, tạp chí Văn hóa Nghệ An): Thưa các anh, theo nhận định của rất nhiều người thì bạo lực xã hội ở nước ta đang gia tăng, kể cả khu vực nông thôn hay thành thị, ở hầu hết các giai tầng xã hội. Một điều khác lạ là bây giờ cán bộ, đảng viên, giáo viên…cũng đánh lộn nhau. Bạo lực len lỏi vào cả trong giới trí thức. Các ông có thông tin gì thêm và đánh giá như thế nào về tình trạng này?

Lê Thanh Nga (Tiến sĩ, giảng viên đại học Vinh): Đúng là nhiều người, rất nhiều người có chung nhận định không mấy lạc quan như thế. Tuy nhiên, điều tôi muốn chúng ta cùnglưu ý là: những nhận định ấy chỉ là sự thừa nhận một sự thực hiển nhiên mà thôi. Trên thực tế, đấy là một thực trạng, đúng hơn là một thảm trạng đang gây ra những tổn thương sâu sắc cho văn hóa, đạo đức xã hội,một biểu hiệncủa quá trình suy đồi theo nghĩa rộng nhất, bản chất nhất.Mới vài ngày nay thôi đã xảy ra bao nhiêu vụ: lái xe containe gây thương tích kinh hoàng cho cảnh sát giao thông ở Hà Tĩnh; người nhà bệnh nhân đâm chết bảo vệ bệnh viện ở Nghệ An; một thanh niên chém rơi hẳn đầu đối thủ ở Vĩnh Phúc (điều mà xưa nay tôi chỉ đọc được hay xem được trong các tác phẩm văn học, điện ảnh về chiến tranh); một người được cho là Phó giáo sư Tiến sĩ đập phá xe của người nước ngoài ở Hà Nội, vì chiếc xe ấy đậu trước cửa nhà mình...

Trần Hoài (Nhà báo, báo Quân đội Nhân dân): Đây là một hiện tượng bất thường, phản ánh một xu hướng vận động tiêu cực, đi ngượcvới sự tiến bộ của các mối quan hệ xã hội. Giới trí thức là bộ phận “có học”, có hiểu biết, có ý thức cá nhân cao, vì thế, cách ứng xử của họ thường được xem là chuẩn mực. Nhưng nay, thì đúng là bạo lực xã hội đã xâm nhập vào giới này, khiến một phần trong số họ ứng xử với nhau không giống với những gì đáng ra họ phải có theo hình dung của mọi người. Rõ ràng đang có sự suy thoái về văn hóa ứng xử trong giới trí thức. Sự tha hóa về văn hóa giao tiếp, ứng xử xã hội khiến bạo lực “lên ngôi”, gây tổn thương sâu sắc cho xã hội không chỉ trong hiện tại mà với cả tương lai. Một xã hội không nỗ lực đấu tranh loại trừ sự hành hoành của bạo lực là một xã hội đang suy tàn. Mặt khác, nếu cuộc đấu tranh chống lại bạo lực kém hiệu quả, hoặc thậm chí còn kích thích sự gia tăng bạo lực xã hội, thì chắc chắn dẫn đến sự rạn nứt, đổ vỡ trên mọi phương diện đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa v.v…Mỗi một thông tin về bạo lực xã hội là một tín hiệu báo động về tương lai cho tất cả chúng ta.

Phan Văn Thắng: Trước đây, khái niệm bạo lực xã hội gần như đồng nghĩa với gây lộn, gây thương tích thể xác. Còn bây giờ nên chăng nhìn nhận bạo lực xã hội còn là cả về tinh thần nữa, gây đau đớn cho nhau về tinh thần, làm tổn thương tâm hồn. Quan điểm của các ông về quan điểm này như thế nào?

Trần Hoài: Tôi nghĩ, bạo lực tinh thần chỉ được tính đến khi cá nhân/tập thể sử dụngmột cách có chủ ý rõ ràng về lời nói, hành vi, cử chỉ để gây tổn hại, bất công, gieo nỗi đau lên tình cảm, tinh thần đối với người/nhóm người khác. Tôi muốn nhấn mạnh đến tính chủ ý của việc gây hậu quả mang tính bất công bạo lực tinh thần. Ví dụ một người nói lời chia tay với bạn tình, anh ta ý thức được lời nói đó sẽ gây tổn thương sâu sắc, gây đau đớn cho bạn tình, nhưng đó không phải là bạo lực tinh thần, bởi vì nó không mang tính bất công.

Có lẽ, nên “khoanh vùng” cách hiểu bạo lực tinh thần là các biểu hiện cụ thể như chửi mắng, hạ nhục bằng lời lẽ thô thiển, nặng nề, xâm phạm đến nhân phẩm và danh dự người khác; sự đe dọa, khủng bố tâm lý, hoặc hình thức khác là sự im lặng, không nói cùng với hành vi, cử chỉ ngôn ngữ cơ thể thể hiện thái độ khinh bỉ, xem thường đối với người khác.

Bạo lực tinh thần - một hình thức của bạo lực xã hội, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu và quản lý xã hội, là khá phổ biến; nó diễn ra nhiềuvà trầm trọng hơn ở tầng lớp trí thức, trong gia đình, nhất là các gia đình khá giả.

Lê Thanh Nga: Tôi tán thành với quan niệm phải hiểu bạo lực bao gồm cả về mặt thể chất và về mặt tinh thần. Bạo lực tinh thần giống như một kiểu “vũ khí phi sát thương”ngày càng phổ biến trong đà phát triển của xã hội, trong sự suy thoái ngày càng sâu sắc của đạo đức và sự toan tính ngày càng tinh vi của các loại thủ đoạn.Nó gây nên những khủng hoảng, những chấn thương tâm-sinh lí nạn nhân, có thể để lại di chứng mạnh mẽ. Biểu hiện của bạo lực tinh thần rất đa dạng, bao gồm chửi mắng, hạ nhục; quấy rối, kìm kẹp, khống chế bằng các chiêu trò, gây áp lực với đối tượng bằng sự an nguy của chính họ hay cả những người liên quan như vợ/chồng con, họ hàng thân thích... dạng biểu hiện sau cùng này thường xuất hiện trong những âm mưu quy mô lớn trên thương trường, hoặc chính trường của các chính thể độc tài, phản tiến bộ...

Phan Văn Thắng: Tôi nghĩ là bạo lực tinh thần còn nguy hiểm và đáng sợ hơn bạo lực thể xác. Các ông có nghĩ vậy không?

Trần Hoài: Thông thường khi bạo lực thể xác xảy ra, cũng kèm theo bạo lực tinh thần. Đánh đập thường kèm theo mắng chửi, nhục mạ. Đó phải gọi là một “tổ hợp bạo lực”. Và dấu tích của bạo lực trong đời sống tinh thần, trong tâm hồn nạn nhân, là vết thương khó lành nhất, có khi vĩnh viễn đến suốt đời. Ở trong gia đình, khi xảy ra bạo lực thì tất cả mọi thành viên đều phải nhận lãnh hậu quả trực tiếp hay gián tiếp. Kể cả đối với người sử dụng bạo lực. Và nhất là đối với trẻ em. Chúng sẽ mang vết thương do bạo lực gây nên dù không phải với chúng, trong tâm hồn, làm chúng biến dạng, lệch lạc nhân cách. Nếu vết thương ấy đủ lớn, đủ sâu sẽ làm những đứa trẻ ấy mang “khuyết tật” về đời sống tinh thần, và nhiều khả năng, chúng lại trở thành những người thường sử dụng bạo lực.

Lê Thanh Nga: Thưa anh Trần Hoài, tôi cho rằng ở đây chúng ta cần phân biệt, dù chỉ là tương đối, bạo lực thể xác và bạo lực tinh thần. Cần phải thấy bạo lực tinh thần nguy hiểm hơn rất nhiều so với bạo lực thể xác. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng bạo lực tinh thần nguy hiểm ở chỗ có khả nănggây ức chế, tổn thương gấp nhiều lần và thường để lại hậu quả, di chứng rất nặng nề không chỉ với đối tượng của bạo lực, mà cả với người thân. Tôi tán thành với ý kiến cho rằng bạo lực tinh thần nhiều khi còn bị che giấu trong bóng tối bởi sự im lặng bị cưỡng bức, đôi khi là tự nguyện của nạn nhân, để đổi lại một đời sống an toàn về thể chất -thứ mà đôi khi người ta thấy khá “thấp kém”. Nhưng biết làm sao được, lòng ham sốngmột đời sốngyên ổn, lành lặnvề thể chất luôn luôn được đặt lên hàng đầu trong bản năng muôn thuởcủa con người. Đây chính là điểm yếu mà các đối tượng sử dụng bạo lực thường nắm lấy để tấn công các nạn nhân. Từ một góc nhìn khác, bạo lực tinh thần là kiểu bạo lực tinh vi và nhiều khi quy mô với các chiêu trò, thủ đoạn được tính toán, sắp xếp một cách có hệ thống nên rất khó đối phó. Không phải ngẫu nhiên mà loại bạo lực này thường được vận dụng triệt để trong các hoạt động thương mại, chính trị, đặc biệt là chính trị. Một điểm nguy hiểm nữa là so với bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần rất khó bị phát hiện và xử lí bởi ít khi để lại bằng chứng một cách rõ ràng trên cơ thể nạn nhân.

Phan Văn Thắng: Tôi nghĩ rằng, hình như người Việt ta, nhất là lớp trẻ, đang có xu hướng bạo liệt, hung hãn và manh động hơn?

Trần Hoài:Tôi đồng tình với nhận xét này mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác. Tuy nhiên, tôi thấy không nên nhìn nhận vấn đề bạo lực xã hội khi tách riêng “lớp trẻ”. Hãy xem xét, nhìn nhận với tư cách cộng đồng rộng lớn – quốc gia, dân tộc, vùng miền hay theo chiều thời gian - từng thế hệ, thì mới có thể toàn diện được. Bởi vì không một người trẻ nào không được sinh ra trong một gia đình, chung sống, chịu ảnh hưởng từ nhiều thế hệ, lứa tuổi. Người trẻ hôm nay gây bạo lực nhiều hơn trong trường học, trên đường phố, không thể không có nguyên nhân từ nền giáo dục, văn hóa gia đình, dòng họ, tức là từ những người lớn tuổi hơn họ. Nắm đấm của người trẻ văng vào mặt bạn mình hôm nay trong lớp học, đôi khi có nguyên nhân sâu xa từ bạo lực giữa cha mẹ, ông bà, anh chị em; hoặc chính người trẻ ấy từng đã bị bạo hành, bị người lớn đánh đập, nhục mạ từ thơ bé…Di chứng bạo lực xã hội lan truyền từ trong gia đình ra xã hội và ngược lại, từ thế hệ trước sang thế hệ sau, và rất có thể sẽ bị cộng hưởng, khuếch đại lên nhiều lần. Đó chính là điều khiến chúng ta có cảm nhận rằng bạo lực xã hội ngày càng gia tăng, người Việt đang có xu hướng bạo liệt, hung hãn, manh động hơn như anh vừa nói. Càng sống thì càng hung dữ? Phải chăng đó là một tiến trình đau đớn mà chúng ta đang phải đối mặt? Là cái giá chúng ta phải trả để đánh đổi những thứ khác cần thiết hơn như cơm áo, gạo tiền? Hay là vì chúng ta đã buông rơi phẩm giácủa mình; vì đã không nhận thức được hậu quả, lơ là thiếu chăm nom nền tảng nhân cách, văn hóa, hóa giải bạo lực từ khi nó mới hình thành? Nhìn vấn đề ở quy mô toàn cục, tôi nghĩ sẽ làm đau xót lương tri bất cứ người Việt nào vì nó hiển hiện nguy cơ băng hoại về văn hóa, đạo đức vô cùng tồi tệ, đang diễn ra…

Phan Văn Thắng: Tôi xin thông báo,theo số liệu mới nhất thìchỉ trong 6 tháng đầu năm, đã xảy ra 20.595 vụ xâm phạm trật tự xã hội với 42.785 đối tượng bị bắt và xử lý. 6 tháng là 182 ngày. Và 20.595 vụ. Gần đây, rùng rợn nhất là là vụ chém đứt hẳn đầu ở Hương Canh (Vĩnh phúc) và ê chề nhất là vụ một vị PGS.TS ném vỡ kính trước, bẻ gãy gương chiếu một chiếc ô tô của người nước ngoài do đỗ trước lối vào nhà ông ta.Tôi xin nói rõ, đây là những vụ việc được công an phát hiện và xử lý. Vấn đề là còn bao nhiêu vụ việc công an không biết, chưa biết, không và chưa xử lý nữa. Chắc là nhiều lắm. Đó là chưa nói đến bạo lực tinh thần mà có khi chỉ có hai người biết với nhau.

Lê Thanh Nga: Cảm ơn thông tin của anh Phan văn Thắng.Đó là những con số có sức hủy diệt hạt nhân. Tôi nghĩ,những điều anh Trần Hoài vừa nói rất phù hợp với mục đích chỉ ra nguyên nhân của bạo lực. Còn nói về biểu hiện của nó, tôi đồng ý với suy nghĩ của anh Thắng. Dù nhìn một cách tổng quan, bạo liệt hơn, hung hãn hơn là xu thế khá phổ biến trong mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi trong xã hội ngày nay nhưng trong số tác giả của những hành vi bạo lực, lớp trẻ vẫn chiếm tỉ lệ khá lớn. Nguyên nhân có thể đến từ nhiều yếu tố: tâm lí lứa tuổi, sức khỏe, sự giáo dục, sự ảnh hưởng của các yếu tố của đời sống hiện đại như mạng xã hội, các trò chơi mang tính chất bạo lực đang ngày càng phổ biến, việc sử dụng các loại chất kích thích như rượu bia, ma túy… Những việc xảy ra hàng ngày mà tôi thấy hay những sự việc được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng đều cho thấy điều này.

Phan Văn Thắng: Tôi xin cảm ơn anh Lê Thanh Nga và chia sẻ sự lo lắng trên đây của nhà báo Trần Hoài. Hồi nhỏ tôi đi học vỡ lòng, rồi lớp một, lớp hai, nghịch ngợm, không chịu học, thậm chí chỉ vì viết chữ xấu cũng bị thầy giáo phạt, thậm chí bị đánh. Chúng tôi rất sợ nhưng không ai dám hỗn với thầy và cố làm theo lời thầy. Còn bây giờ, vô vàn trường hợp, nếu bị thầy phạt, học trò không những không nghe mà còn phản ứng lại, thậm chí đánh cả thầy, và cô giáo. Chúng ta có thể mổ xẻ hành vi này như thế nào từ các góc độ khác nhau, đạo đức, văn hóa, pháp lý, từ trò, và thầy, và xã hội?

Trần Hoài: Bạo lực xã hội một khi đã lan tràn thì hầu như không có “vùng cấm”, không nơi nào, không mối quan hệ xã hội hay lĩnh vực nào nào chống lại nổi sự xâm nhập của nó. Với truyền thống tôn sư trọng đạo, kính yêu cha mẹ của dân tộc ta, thì khi trò đánh thầy, con đánh cha, dù chỉ là những hành động đáp trả bạo lực, thì vẫn là một tổn thương quá sâu sắc. Đấy là những cú đánh trực diện và công phá thành trì đạo đức, văn hóa, luân lý của dân tộc. Xem xét hiện tượng này ở một góc độ khác, cùng với sự phát triển chung đời sống xã hội, vị trí, vị thế người thầy trong xã hội ta nay đã khác xưa. Người thầy không còn độc quyền về tri thức và nhân cách nữa. Giáo dục, mối quan hệ thầy - trò trong nền kinh tế thị trường, có lúc, có nơi được xem như là việc cung cấp dịch vụ đào tạo, là mối quan hệ cung - cầu, lợi ích. Dĩ nhiên, đây là một nhận thức phiến diện ở một số người và nó chi phối, quyết định đến hành vi ứng xử bạo lực của họ, từ nhiều phía, để giải quyết xung đột. Mặt khác, dư luận xã hội, luật pháp chưa đủ sức mạnh điều chỉnh, răn đe và trừng phạt hành vi bạo lực này.

Lê Thanh Nga: Thế hệ chúng tôi, sau anh Thắng đến vài thập kỉ, cũng thế thôi. Nghĩa là vẫn thường xuyên chịu sự trừng phạt nghiêm khắc, nhiều khi thậm chí là nghiệt ngã từ các thầy cô giáo, nhất là các thầy. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều trận đòn các thầy dành cho bạn bè tôi, bằng chân ghế hỏng, bằng gậy học quân sự, lên lưng, lên đầu (có đội mũ), nhưng bản thân người bị đánh cũng im lặng chịu đựng, rồi xin lỗi thầy. Thế hệ chúng tôi không ai dám mách với phụ huynh vì không những sẽ không được bênh vực mà thậm chí còn phải chịu thêm những hình phạt khác từ chính bố mẹ chúng tôi. Bây giờ thì như anh thấy, thầy cô giáo đang bị đặt trước một tình thế vô cùng ngặt nghèo: không quản lí tốt học trò thì bị đẩy xuống phía cuối của bảng xếp loại thi đua, thậm chí bị phụ huynh lên án vì dạy con họ không nghiêm nếu con họ phạm phải lỗi gì đó khiến nhà trường hay dư luận để ý. Nhưng nếu ngược lại, nếu lỡ miệng xúc phạm học trò bằng một câu nói, lỡ tay đánh học trò một bạt tai, lập tức phụ huynh kêu gào, truyền thông vào cuộc, như là người thầy/cô ấy vừa phạm phải một tội gì ghê gớm lắm! Nguyên nhân ư? Rất khó nói hết trong một cuộc trò chuyện như thế này, nhưng có thể quy về mấy điểm cơ bản sau: Thứ nhất đấy là sự suy đồi của đạo đức xã hội mà đạo đức học đường là một bộ phận trong đó; Thứ hai là sự lỏng lẻo của pháp luật, của các quy chế, chế tài đối với hành vi vi phạm đạo đức học đường, trong đó có cả sự bất công nữa. Điều này chính ngành giáo dục phải chịu phần nào đó trách nhiệm. Anh biết đấy, một học sinh chửi bới, hành hung giáo viên thường chỉ bị đành chỉ học một vài buổi, cùng lắm là một vài tuần, trong khi nếu ngược lại, một giáo viên lỡ tay tát một học sinh, giáo viên này có thể bị đành chỉ công tác một tháng, hai tháng, bị đuổi việc, bị xã hội lên án và những tổn thương về mặt tinh thần là khó mà kể xiết; Thứ ba là giáo dục gia đình (có liên quan đến chính sách dân số). Chúng tôi thuộc thế hệ trước mốc kế hoạch hóa gia đình, hồi ấy các gia đình thường đông con, nên quan niệm và cách giáo dục con cái cũng khác. Mấy chục năm nay, mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hay hai con, nên tự nhiên những đứa bé rất bình thường ấy bỗng nhiên trở thành con vàng con bạc. Mà đã là con vàng con bạc thì làm sao có thể nặng lời hay dùng roi vọt để dạy dỗ, nên việc hư hỏng trong gia đình là chẳng lạ; đã là con vàng con bạc thì ai được động vào, nên phản ứng của phụ huynh chính là sự nối dài quá trình suy đồi đạo đức học đường, trong đó có các hành vi bạo lực với chính người dạy mình. Thứ tư, có sự hiểu sai hoặc lợi dụng tinh thần dân chủ để trục lợi. Thứ năm, vấn đề nằm ở chỗ truyền thông. Chắc chắn ngày xưa các phương tiện thông tin không nhiều như ngày nay và nếu có, phụ huynh hay học sinh cũng không có thói quen tìm đến truyền thông như một phương tiện để kêu oan và bêu xấu giáo viên hay cơ quan giáo dục. Ngày nay, nhiều khi tôi thấy các phương tiện thông tin (xin lỗi anh, cả báo chí) vào cuộc quá nhanh và một số trường hợp có phần thiếu thiện chí, thiếu tinh thần xây dựng. Đó là một cách trực tiếp hay gián tiếp tạo áp lực lên các cơ quan giáo dục từ bộ cho đến tận những trường tiểu học, mầm no vùng sâu vùng xa tạo áp lực lên những người làm nhiệm vụ trong ngành giáo dục.

Phan Văn Thắng: Trở lại với tình trạng bạo lực xã hội nói chung, chúng ta có thể đi tìm nguyên nhân sâu xa, sâu thẳm nhất của nó?

Trần Hoài: Tôi nghĩ, sâu xa, bạo lực xã hội bắt nguồn từ sự cô đơn, cảm giác bất an và thiếu lòng tin của con người. Và chắc chắn, đấy là biểu hiện của những con người từng bị chấn thương bởi bạo lực, bởi áp lực, bởi những bất công từ cuộc sống. Đấy là cách phản kháng của những con người yếu đuối, không đủ năng lực kiểm soát hành vi. Những người có thói quen sử dụng bạo lực thường lo sợ, hay mặc cảm về bản thân và khi sử dụng bạo lực, họ cảm thấy dường như có sức mạnh, có vị trí, vị thế trong xã hội, họ cảm thấy họ được tôn trọng, nể sợ, có uy quyền. Bạo lực nhiều khi được sử dụng như một phương tiện để giải tỏa những uất ức vốn tích tụ từ trước; như một hình thức rửa một nỗi hờn sâu xa mà nạn nhân là một số phận cụ thể với một nguyên cớ trực tiếp, đô khi oan ức. Đây là một dạng phản ứng phòng vệ trong một nỗi sợ mơ hồ. Dưới góc nhìn này, những người có thói quen sử dụng bạo lực phải được xem là những bệnh nhân tinh thần, cần được chữa trị. Nếu một gia đình, tập thể, xã hội được thiết kế, vận hành ra sao đó khiến cho thành viên của nó luôn cảm thấy an toàn, thân thiện, nhân cách phát triển toàn diện, tiến bộ, chắc chắn bạo lực xã hội được ngăn ngừa từ gốc. Quyền lực tồn tại trong gia đình, tập thể, xã hội là yếu tố khách quan nhưng lại dễ gây tổn thương nhất lên từng cá nhân. Điều đó đặt ra vấn đề sử dụng quyền lực như thế nào cho khoa học, giúp cho cá nhân nhận thức và hành động thực hiện nghĩa vụ, bổn phận của mình trên tinh thần nhân bản, đóng góp cho phát triển xã hội. Đồng thời, quyền lực có vai trò thiết lập và duy trì hành lang pháp lý, đạo đức, tạo điều kiện các cá nhân ứng xử, giải quyết mâu thuẫn, xung đột lợi ích với nhau với nhau theo phương thức phi bạo lực. Một xã hội hay là một thế giới phi bạo lực là điều lý tưởng, là ước mơ của con người, tuy thật xa nhưng không phải là không thể đạt được.

Lê Thanh Nga: Tôi muốn nhấn mạnh mấy nguyên nhân: Thứ nhất, bạo lực, một cách sâu xa, có nguồn gốc từ những chấn thương như nhà báo Trần Hoài đã phân tích khá đầy đủ. Nhưng tôi muốn hiểu khái niệm “chấn thương” ở đây theo nghĩa rộng hơn. Người Việt chúng ta thực ra đã chịu đựng quá nhiều những va chạm vượt ngưỡng để có những vết thương không bao giờ lành trong vô thức tập thể. Những chấn thương cộng đồng ấy sẽ chi phối từng cá nhân, là nguyên cớ sâu xa của tình trạng bạo lực với tư cách là một công cụ để giải tỏa ức chế. Thứ hai, tình trạng quá tôn sùng quyền lực có vẻ đang ăn sâu vào đời sống cũng có thể coi là nguyên nhân của bạo lực. Có quyền lực chính trị, quyền lực thương mại, quyền lực vỉa hè, quyền lực học đường… Xét đến cùng, việc một nữ sinh bắt bạn phải quỳ lạy, lột đồ, đánh chửi bạn cũng là một kiểu khẳng định quyền lực, và điều này về bản chất không khác mấy so với việc khẳng định quyền lực trong những địa hạt tôi đã nêu trên. Thứ ba, đấy chính là sự lỏng lẻo của pháp luật. Một nguyên nhân nữa là sự suy giảm niềm tin vào bộ máy công quyền: công dân bất tín với một bộ phận công an, bệnh nhân nghi ngờ bác sĩ, học sinh, phụ huynh ngờ vực thầy cô, nhà trường…, còn nữa, người ta, ngày nay, nhất là người trẻ đặc biệt thiếu lí tưởng sống, thiếu niềm tin con người, từ đó sinh tâm lí ăn thua. Trước sự suy tàn của niềm tin là khát vọng vứt bỏ những áp chế bằng những phản ứng hết sức manh động. Đấy là phản ứng của những con thú yếu.

Phan Văn Thắng: Nó có căn nguyên nào từ lịch sử không?

Trần Hoài:Tôi nghĩ là có. Người Việt xưa nay đã phải sử dụng bạo lực một cách khá thường xuyên để giữ nước, thậm chí sử dụng nó trong cả các cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt thời trung đại. Tôi có một suy nghĩ nhỏ rằng: dù việc sử dụng bạo lực ấy vì mục đích chính nghĩa và có ý nghĩa tích cực, nhưng trong một tác động tiêu cực của nó, tuy không lớn, không rõ rệt lắm, là tạo nên thói quen sử dụng bạo lực đối với các cá nhân. Dân tộc nào may mắn không phải trải qua chiến tranh trong tiến trình lịch sử của mình, chắc rằng dân tộc ấy sẽ có phần nhu thuận hơn. Mệnh đề này có thể không đúng khi đặt ngược lại, nhưng có thể cho ta một suy nghĩ nào đấy, gợi mở ra những liên tưởng để lý giải nguyên nhân hiện tượng bạo lực xã hội hiện nay.

Lê Thanh Nga:Tất cả những gì của hôm nay, kể cả chúng ta, đều là một phần của lịch sử. Nếu xét từ góc nhìn lịch sử, tôi cho rằng bạo lực bất cứ ở đâu cũng có nguồn gốc từ sự tranh đoạt và hoài nghi.

Phan Văn Thắng: Cái quyết liệt đến hung hãn có phải/như là một bản tính của người Việt?

Trần Hoài:Với câu hỏi này của anh, trước hết ta hãy quay lại gốc rễ nền văn minh lúa nước của người Việt. Đó là một nền sản xuất nông nghiệp với nhịp điệu chậm rãi, ít xung đột. Văn hóa làng xã với tính chất co cụm, cố thủ trong những lũy tre, sân đình, bờ ao, những cánh đồng nhỏ bé, chia cắt, những ngọn núi không cao lắm, những con sông xinh xinh, yên bình, yên phận, có lẽ đã  góp phần hình thành nên những phẩm chất đặc trưng trong tính cách người Việt cổ xưa. Đó là hiền lành, chăm chỉ, cam phận, sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi. "Một điều nhịn chín điều lành". Cuộc sống hiện đại đã phá vỡ các thiết chế đó, đồng thời như trên tôi đã nói, gây áp lực ngày càng cao lên đời sống tinh thần cá nhân mà không được xã hội tạo cho hay giúp cho cá nhân giải tỏa kịp thời, hữu hiệu. Bạo lực xã hội từ đó phát sinh và hoành hành, là hiện tượng bất thường, nhưng nếu cứ mãi thế, cho đến một khi nó trở thành bình thường, thì đó sẽ là bi kịch của dân tộc. Tính cánh của dân tộc sẽ biến đổi/biến dạng theo xu hướng đó, chỉ trong vài thế kỷ! Một dân tộc, một quốc gia mà người nào cũng hung hãn, manh động thì thật đáng sợ!

Lê Thanh Nga: Tôi nghĩ hơi khác một chút. Theo tôi, chính văn minh nông nghiệp lúa nước cũng ít nhiều phải chịu trách nhiệm về thói bạo lực, nếu thói quen ấy là có thật.. Người ta hay nói đến tính ích kỉ tiểu nông, đấy cũng là nguyên nhân của bạo lực. Hoặc một nên kinh tế quá lệ thuộc vào thiên nhiên thì đôi khi chỉ cần một chút đỏng đảnh của thời tiết cũng là cái cớ để bạo lực xuất hiện. Sự ăn thua từ những thứ nho nhỏ cũng khiến người ta bớt hiền lành, nhân ái đi. Sinh ra ở nông thôn, tôi đã chứng kiến không ít vụ đánh lộn kinh hoàng giữa những người cùng làng vì tranh giành lấy nước ruộng, giành không gian phơi rơm; giữa vợ chồng vì rơm lúa bị ướt mưa… Thậm chí, một số trò chơi mang tính bạo lực chính là sản phẩm của văn minh nông nghiệp lúa nước như lễ hội chọi trâu, lễ hội chém lợn…Mặt khác có thể thấy, hung bạo, tàn ác là cái mà con người ai cũng có. Tôi thích quan niệm của Tuân Tử: con người ta sinh ra vốn đã ác. Và xem ra, một dân tộc càng nhiều bi kịch thì con người càng có lí do để trở nên hung hãn, và sự hung hãnđôi khi cũng cần thiết. Điều quan trọng là con người và xã hội anh ta sống có đủvăn minh để nói không với bạo lực; có đủcác biện pháp và quyết tâm để hạn chế sự hung hãn trong đời sống bình thường hay không.

Phan Văn Thắng: Trở lại với thực trạng, các ông có nghĩ đến cách gì để cho người Việt ta bây giờ bớt manh động và hung hãn hơn chứ cứ đụng nhau một caí là chửi bới và đâm chém thì thật đáng sợ. Vừa rồi xem hình ảnh hai anh thanh nhiên Việt hùng hổ nhảy xuống đánh anh thanh niên người Mỹ và cô gái Việt đi cùng tôi vừa sợ vừa xấu hổ quá.

Trần Hoài: Muốn trị bệnh thì phải biết bệnh. Hãy xác định hệ thống các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp, bên trong và bên ngoài, nhất thời và dài lâu, truyền thống và hiện đại, lịch sử và văn hóa, cá nhân và cộng đồng v.v… để rồi rồi xử lý hệ thống đó, làm cho tập hợp hệ thống nguyên nhân, điều kiện, yếu tố đó mất đi… Ví dụ, về một nguyên nhân mà tôi có nêu ở trên, là các thiết chế xã hội cần tạo cảm giác an toàn cho các cá nhân, chẳng hạn. Khi người ta không lo sợ, không cảm thấy mối đe dọa nào từ xã hội, người ta sẽ ít hoặc không manh động, hung dữ. Hoặc, khi người ta biết mình sẽ bị trừng phạt nặng nề, người ta sẽ cân nhắc rất nhiều khi sử dụng bạo lực xã hội… Chắc chắn là như thế.

Lê Thanh Nga: Tôi nghĩ điều này khó nhưng không phải là bất khả. Vấn đề ở chỗ chúng ta có muốn, có đủ nhẫn nại hay không mà thôi. Cần có một sự vào cuộc thật đồng bộđể giải quyết các vấn đề có tính chất gốc rễnhư:điều hòa trạng thái tinh thần xã hội, cải thiện văn hóa, giáo dục, pháp luật để con người luôn biết cách nhắc nhở mình trước khi làm một việc gì đó.

Phan Văn Thắng:Với đà này, nếu không ngăn chặn được, bạo lực sẽ tàn phá tương lai, xã hội sẽ hỗn loạn. Rất đơn giản, vì nó hủy hoại Nhân tính, của kẻ gây bạo lực và của người bị bạo lực.Tôi nghĩ câu chuyện này vẫn còn bỏ ngỏ nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh của nó, và cần phải tiếp tục trao đổi kỹ lưỡng, sâu sắc hơn, của nhiều người khác. Tại sao là nạn nhân của bạo lực mà nhiều người, đa phần thì đúng hơn, trong đó, có lúc, là tôi, là các anh, vẫn phải câm nín. Phải chăng cái tốt còn lại quá ít trong xã hội, trong mỗi con người? Phải chăng công lý chưa được thực thi nghiêm khắc, cái ác vẫn nhởn nhơ và người yếm thế chưa được bảo vệ như họ đáng được hưởng? Nhiều lắm chuyện cần bàn tiếp…

 Cảm ơn các anh đã tham gia cuộc trao đổi. Hẹn gặp lại các anh vào một dịp khác , gần đây, về câu chuyện này.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114485454

Hôm nay

295

Hôm qua

2310

Tuần này

22025

Tháng này

212766

Tháng qua

120271

Tất cả

114485454