Cuộc sống quanh ta

Nhịp cầu văn hóa (1)

 Lời tòa soạn: Năm 2017, nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1997 – 2017), Nhà xuất bản Tri Thức đã tái bản có bổ sung Nhật ký của ông với tiêu đề: ƯỚC MƠ & HOÀI NIỆM (Qua lời tự kể cuối đời ). Được sự đồng ý của gia đình bác sỹ, chúng tôi xin trích đăng phần IV  -  Nhịp  cầu văn hóa của cuốn Nhật ký. (các tiểu mục là do VHNA đặt). Trân trọng giới thiệu cũng bạn đọc.

 

Trở về

Với niềm hy vọng chớm nở từ thực tế đất nước đang có những chuyển biến bước đầu, tôi vững tâm nhận công tác mới.

 Theo yêu cầu của tình hình và xét khả năng, nguyện vọng, tổ chức phân công tôi làm ủy viên Ủy ban liên lạc văn hóa đối ngoại. Ủy ban này ngang với một Bộ nhỏ, do anh Phạm Ngọc Thuần làm Chủ nhiệm. Thực chất công việc của Ủy ban này là vấn đề đối ngoại, sử dụng phương tiện văn hóa (sách, báo, phim ảnh...) để giới thiệu đường lối, tình hình... Việt Nam với nước ngoài, chủ yếu là với các nước tư bản phương Tây, các nước Đông Nam Á. Còn việc trao đổi với các nước xã hội chủ nghĩa, với Liên Xô và các nước anh em về văn hóa, khoa học, kỹ thuật... do Bộ Văn hóa và các Bộ chuyên môn đảm nhiệm, đồng thời đã có cơ quan thường trú các nước đó làm.

Thực chất công việc của Ủy ban liên lạc văn hóa đối ngoại do Đảng đoàn (gồm vài ba người trong Ban chủ nhiệm) quyết định. Chủ nhiệm đồng thời là Bí thư Đảng đoàn. Tôi là Ủy viên cũng chỉ là phụ thôi. Cục Bảo vệ sức khỏe cán bộ xếp tôi vào loại mất sức 100%, nên việc cử tôi vào ủy viên Ủy ban Liên lạc Văn hóa đối ngoại cũng chỉ để cho có cương vị thế thôi, chẳng lẽ là một Chủ tịch Hội Việt kiều mà không có một vị trí gì trong bộ máy nhà nước. Tôi muốn làm thì làm, không làm thì thôi, không ai bắt buộc, không ai chờ đợi tôi làm một việc gì.

 

Tôi được xếp lương 150đ, và vì ốm yếu nên được tiêu chuẩn phiếu B mua thực phẩm ở cửa hàng đặc biệt Tông Đản dành riêng cho cán bộ cao cấp. Tôi chưa có vợ con nên với chừng ấy tiền và vài kilôgam thịt cá được mua theo giá rẻ cũng đủ sống dư dật. Sau lại còn được phiếu mua hàng ngoại, áo quần, vải vóc... ở cửa hàng Hữu Nghị dành riêng cho sứ quán nước ngoài. Tiêu chuẩn như vậy so với cuộc sống ở Âu châu thì chưa là cái gì, nhưng so với đời sống cán bộ ở Hà Nội hồi ấy thì đã là ghê gớm rồi. Buồn cười nhất là tôi không hút thuốc lá nhưng trong phiếu B Tông Đản lại được mua 30 bao thuốc lá, quá ư sang trọng! Hồi đó ở Pháp còn nghe báo chí nói ở Liên Xô có cửa hàng đặc biệt cho cán bộ cao cấp. Anh em Pháp với chúng tôi cứ nói: “Tụi báo chí tư bản nó bịa chuyện chứ chủ nghĩa cộng sản làm gì có chuyện phân chia như thế này”.

 

Lúc tôi mới về, trong nước đang mở đợt học tập Nghị quyết 9, chống chủ nghĩa xét lại. Tôi mới về, chưa rõ tình hình nội bộ Đảng như thế nào. Đảng tịch của tôi cũng chưa được giải quyết. Những đảng viên Đảng Cộng sản Pháp về nước từ năm 1960 về trước thì chỉ cần một vài thủ tục là đương nhiên vào Đảng Việt Nam. Còn sau năm 1960 vì có vấn đề chống “xét lại”, các đảng châu Âu bị coi như là “xét lại”, nên đảng viên các nước Âu châu về đều phải qua một quá trình thử thách. Đúng là tình hình chính trị năm 1963 khá phức tạp.

 

Nhưng dù sao cũng có mấy xu thế lớn tác động đến cảm nghĩ của tôi. Bao trùm lên tất cả là không khí xôn xao hướng về miền Nam, hy vọng, chờ đợi một cái gì lớn đang xảy ra, nhất là sau trận Ấp Bắc, mâu thuẫn giữa Mỹ - Diệm bộc lộ rõ ràng, Diệm đã bị lung lay, ngày sụp đổ chắc cũng không xa.

 

Phe xã hội chủ nghĩa tuy có rạn nứt nhưng chưa có gì lộ liễu ghê gớm. Bên trong vẫn là một khối có đủ sức mạnh đối phó với phe đế quốc. Việc Liên Xô đưa Xput-nhích lên trời, rồi Gagarin bay vào vũ trụ, đã gây niềm tin tưởng lớn vào sức mạnh phe xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là của Liên Xô, cả về quân sự và kinh tế. Sau này mới thấy rõ là niềm tin đó chưa đủ cơ sở. Mặc dù lúc đi ngang qua Liên Xô, thấy cơ sở vật chất, phố xá, hàng hóa... còn thua xa ở Pháp, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng Liên Xô trải qua chiến tranh ác liệt, phát triển sau, làm sao mà khôi phục kịp; tôi vẫn tin tưởng rằng với cái đà làm được vệ tinh, làm được con tàu vũ trụ, làm gì mà Liên Xô chẳng đuổi kịp.

 

Miền Bắc có thể thành cơ sở cho cuộc đấu tranh của miền Nam không? Dạo quanh Hà Nội chưa có gì thay đổi lắm, nhưng nông thôn miền Bắc đã có những dấu hiệu đổi mới khá rõ nét. Hồi ở Pháp, nghiên cứu về con đường đi lên của các nước thế giới thứ ba, nhiều học giả phương Tây và châu Phi đã thấy rõ những nước này lên được hay không, điều quan trọng là nông thôn phải thay đổi về cơ cấu kinh tế xã hội mới có bàn đạp để đi lên.

 

Anh em Việt kiều về nước có hai cách nhìn nhận khác nhau. Những anh em xuất thân từ thành phố, con quan lại, công chức, nhà buôn bán... tuy sẵn sàng từ bỏ cuộc sống đầy đủ tiện nghi ở Pháp và vui vẻ nhận mọi nhiệm vụ, nhưng đứng về kinh tế xã hội, so Hà Nội lúc bấy giờ với Hà Nội ngày xưa thì chưa thấy có gì đáng phấn khởi. Trái lại, những anh em trước là nông dân nghèo bị bắt đi lính, sau mấy chục năm về nước rất vui, vì thấy họ hàng làng xóm đã được đổi đời.

 

Nông nghiệp đã có những nét khởi sắc, con cái nông dân đã được học hành, có người đã làm cán bộ cấp này cấp khác. Đặc biệt, màng lưới y tế đến làng, xã là một thành tựu lớn, nhờ sự chỉ đạo tích cực của anh Phạm Ngọc Thạch. Sau này nó xuống cấp, nhiều anh em y tế quên đi hoặc chưa biết tổ chức y tế của nông thôn miền Bắc lúc bấy giờ. Một trạm xá như trạm xá Quỳnh Giang, một y sĩ xã như anh Nguyễn Xuân Trí, được đào tạo hình thành trong bầu không khí cách mạng miền Bắc hồi đó, rõ ràng là có một không hai trên thế giới. Phương hướng xây dựng màng lưới y tế cơ sở hồi đó, nếu ta biết gìn giữ, nâng cấp dần lên thì chẳng khác gì những vấn đề mà Tổ chức Y tế Thế giới ngày nay đưa ra như y tế cộng đồng, sức khỏe ban đầu. Tất nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới có những phương pháp hiện đại hơn. Nhờ có màng lưới y tế phổ biến đến thôn xóm như vậy, nên khi Mỹ ném bom miền Bắc, các bệnh viện thành phố phải sơ tán, thì mọi hoạt động của ngành Y tế, tuy không được đầy đủ bằng thời hòa bình, nhưng cũng đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và của cuộc kháng chiến.

 

Thành tựu nổi bật nữa là về mặt giáo dục. Ngày nay chúng ta than phiền là chúng ta học ngoại ngữ ít quá, đúng thôi. Nhưng đừng quên rằng việc đưa tiếng Việt làm tiếng chính trong tất cả các trường, trong tất cả các ngành đại học đã tạo một nền tảng văn hóa khoa học lâu dài. Một tiếng nước ngoài là ngôn ngữ chuyển tiếng của giới trí thức, còn tiếng mẹ đẻ là chuyển ngữ của nhân dân lao động, cho nên có sự cách biệt rất xa, trong ngành Y chúng ta thấy rõ. Hồi học Y ở Hà Nội, sinh viên bác sĩ với nhau thì nói tiếng Pháp, y tá với bệnh nhân thì hạn chế, mà dùng tiếng Việt thì anh em bác sĩ viết không ra. Thành tựu nữa về mặt giáo dục mà ai cũng thấy, là trường cấp I được mở khắp các làng xã ở đồng bằng sông Hồng.

 

Điểm nữa làm cho tôi hồi đó rất vui mừng, là ngoài gia đình, họ hàng, được gặp lại bạn bè thân quen bao nhiêu năm xa cách. Những anh em Việt kiều đã về nước năm 1950, 1960 như anh Lê Văn Thường, anh Trần Đại Nghĩa, anh Phạm Huy Thông, anh Trần Đức Thảo v.v... và rất nhiều anh em khác nữa không thể kể hết, tất cả đều thể hiện tinh thần hăng hái trong mọi nhiệm vụ. Về miền Bắc nghèo nàn đau khổ như vậy, anh em sẵn sàng chịu đựng, tuy có khi còn khó chịu trong cách đối xử hay làm việc nhưng anh em chấp nhận tất cả, không thắc mắc, không đòi hỏi. Đó là điều tôi vô cùng phấn khởi. Những anh em ở lại trong nước, trước đây là bạn học cùng lớp, cùng trường, sau này khi xa nhau, nhưng vẫn từng đọc những bài tôi viết từ Pháp gửi về đăng trên các báo. Những lá thư Paris này, tập hợp cùng với bài Paris - Hà Nội, được Nhà xuất bản Văn học in thành cuốn sách lấy tên là Paris - Hà Nội năm 1963. Đó là cuốn sách tiếng Việt đầu tiên sau khi tôi về nước.

 

Một việc buồn cười là hôm tôi đến câu lạc bộ Đoàn Kết nói chuyện về tình hình nước Pháp, có một anh bạn đến nghe. Sau này, anh ấy bảo tôi: “Tớ đến không phải để nghe câu chuyện mà chính là để xem cậu ở Pháp 26 năm rồi, có biết nói tiếng Việt nữa không. Tớ rất lạ cậu nói trong hai tiếng đồng hồ mà không chen vào một câu tiếng Pháp nào”. Tôi cũng cười: “Đúng thật lạ! Lúc tôi ở Pháp, phải trau dồi tiếng Pháp để nói chuyện với người Pháp, viết sách báo bằng tiếng Pháp. Đồng thời cũng viết sách báo bằng tiếng Việt và nói chuyện với Việt kiều. Vì thế cũng phải trau dồi tiếng Việt, học tập tiếng Việt, đọc sách tiếng Việt, ôn lại các tác phẩm văn học xưa của Việt Nam. Nhờ vậy, lúc về nước vẫn sử dụng thông thạo tiếng Việt”.

 

Nói chung, với những cảm nghĩ bước đầu lúc mới về nước như trên, tôi bước vào công tác với tâm trạng hào hứng, tạm dồn nén những thắc mắc trăn trở khác. Bao trùm lên tất cả là khí thế chống Mỹ của cả nước, miền Nam trên đà chiến thắng, phe xã hội chủ nghĩa vững mạnh, miền Bắc đang chuyển biến theo hướng tiến bộ.

 

Công tác tuyên truyền đối ngoại lúc này tập trung vào việc chống Mỹ xâm lược và giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Những việc này tôi đã từng làm, không có khó khăn gì về quan điểm tư tưởng cũng như về nghiệp vụ. Trong quan hệ với các nước phương Tây hồi đó, ngoại ngữ chính là tiếng Pháp, đây cũng là thuận lợi đối với tôi.

 

Trước yêu cầu công tác tuyên truyền đối ngoại, một số anh em trong nước, do phải đi kháng chiến dài ngày, không được chuẩn bị về nghiệp vụ đối ngoại. Điều đặc biệt là anh em có nhiệm vụ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, nhưng lại không được đọc sách báo của nó, không được biết nó nói gì, nó viết gì. Một Ủy ban liên lạc văn hóa đối ngoại mà không có một tủ sách ngoại ngữ, chỉ nhận một tờ báo tiếng Pháp, tiếng Anh độc nhất, báo đó thiên lệch, giáo điều đến như thế nào, mọi người đã biết. Còn sách báo của Mỹ, của các nước châu Phi, Ấn Độ... đều không được phép nhận, đấy là một hạn chế rất lớn.

 

Qua theo dõi sách báo của Nhà xuất bản Ngoại văn và tờ báo bằng tiếng Pháp do ta in ở Hà Nội mấy năm trước, tôi đề xuất một số ý kiến sau:

 

Về đối tượng, tức là người nào sẽ đọc sách báo của chúng ta? Trong nước hồi đó có quan điểm chung chung sách báo là cho đại chúng. Đại chúng là công - nông - binh. Ý tôi là đối tượng của sách báo đối ngoại không phải là công - nông - binh. Công nhân nước Pháp, công nhân nước Nga sẽ không có ai đọc báo từ Việt Nam gửi sang. Những người đọc báo của Việt Nam là trí thức, nhà báo, nhà làm phim... họ cần tin tức tài liệu, hoặc là người dạy học chẳng hạn thì để họ dạy học, viết sách; hoặc là chuyên viên của các Bộ Ngoại giao để giao dịch quốc tế. Đặc điểm chung của các đối tượng này là có trình độ văn hóa, chính trị, nên nếu mình viết đơn sơ quá thì không có tác dụng. Họ đọc vài trang rồi bỏ không đọc nữa. Có khi chưa đọc thì có thiện cảm với Việt Nam, nhưng đọc rồi lại giảm bớt thiện cảm ấy đi. Vì vậy, phải viết hay, dịch hay.

 

Muốn có tác dụng, thì sách báo đối ngoại của ta phải có chiều sâu, nhận định chính trị phải sắc bén. Như cuốn Lịch sử Việt Nam bằng tiếng Pháp chỉ có 40 trang. Đối với những người có trình độ, thì họ đã biết nhiều hơn nội dung đơn sơ của sách; những vấn đề họ cần biết thì sách lại không có. Họ lại quay đi tìm tài liệu các nước khác.

 

Xuất bản tạp chí Courrier du Vietnam

Tôi đề xuất chuyển tờ Le Vietnam en marche (trước ra hàng tháng) thành tờ thông tin hàng tuần để đáp ứng tính kịp thời của thời sự. Đó là tờ Courrier du Vietnam bằng tiếng Pháp rồi dịch sang tiếng Anh, hàng tuần gửi máy bay sang Bắc Kinh, sang Matxcơva, sang Praha... rồi từ đó sang phương Tây. Đồng thời ra một tờ tạp chí Etudes Vietnamiennes ba tháng một kỳ, mỗi tờ từ 150 - 200 trang, nội dung có tính nghiên cứu khoa học nghiêm túc, đi vào chiều sâu từng chuyên đề như nông nghiệp, giáo dục, tình hình miền Nam, chủ nghĩa thực dân mới v.v... Anh em từ trước chưa bao giờ làm tạp chí chuyên đề như thế này, nên lúc đầu băn khoăn, nghi ngờ không biết có làm được không?

 

Quan điểm thứ hai là viết sách báo đối ngoại là làm công tác ngoại thương. Thế nào là ngoại thương? Phải tự mình sản xuất ra các sản phẩm nhưng mình phải đi lùng trong nước những sản phẩm tốt đẹp, có thể xuất khẩu được, rồi chế biến bao bì thế nào cho người nước ngoài chấp nhận được. Đây không phải là hàng bán trong nước. Vì thế, phải tự mình nghiên cứu ra vấn đề, tập hợp chọn lọc tin tức để làm phóng sự, chụp ảnh. Nhưng không phải bê nguyên xi bài của báo Nhân Dân, tạp chí Học tập... rồi dịch ra, mà phải chế biến, xào nấu lại cho hợp khẩu vị, phải cân nhắc điều cần nói, điều không cần nói, cách viết, cách trình bày cho phù hợp. Phải có đội ngũ cán bộ nhạy cảm vấn đề này, biết ít nhất một ngoại ngữ, quen đọc sách báo nước ngoài. Còn việc phát hành, ta chỉ cần in một số bản gửi sang các nước. Tự các cơ quan thông tin, báo chí... nước ngoài, nếu họ thấy nội dung tốt, họ sẽ nhân rộng ra. Nếu đi con đường này, không phải tốn kém nhiều, không cần bộ máy lớn, mà chủ yếu là phải có một đội ngũ cán bộ biết làm được việc.

 

Hồi đó quan điểm chung thường chỉ nhấn mạnh chủ yếu là quan điểm lập trường, nhà báo, phóng viên chỉ cần nhớ cho kỹ những nội dung do cơ quan tuyên huấn phổ biến là viết được, còn nghiệp vụ không quan trọng lắm. Từ chỗ quan niệm khác nhau như vậy, sau này có những vấn đề về tổ chức, về chính sách rất khó giải quyết.

 

Về tờ tạp chí, Tổ chức bảo tôi “Anh đề xuất thì giao cho anh thực hiện”. Tôi được cử làm Chủ nhiệm tờ Etudes Vietnamiennes, với một Quyết định bằng ½ tờ pơ-luya mỏng, đánh máy chữ rất mờ (phải chăng để tiết kiệm giấy và ruy-băng?), đến nỗi một tháng sau không đọc được nữa. Vì vậy, cơ quan làm mất luôn Quyết định đó, lên Tổ chức hỏi cũng không tìm được, chỉ hiểu với nhau là tôi chịu trách nhiệm về tờ Etudes Vietnamiennes đấy, về đường lối, về tổ chức và tất cả.

 

Trước tình hình nhiều anh em bỡ ngỡ, một số anh em cũ cảm thấy bấp bênh, tôi bảo: “Anh em nào muốn sang chỗ khác thì tùy ý, ai muốn ở lại thì ở”. Tôi mời được một số anh em có khả năng như anh Vũ Cận, anh Vĩ, anh Chất, anh Phạm Cường, anh Nguyễn Đức Mộc v.v... tập hợp thành một ê kíp cùng chung sức làm tờ Etudes Vietnamiennes.

 

Đồng thời tôi được ban phụ trách tờ Courrier du Vietnam nhờ làm cộng tác viên, chủ yếu là viết các bài xã luận nhận định thời cuộc. Vấn đề quan trọng không phải là đưa tin nóng hổi, ví dụ như 1/11/1963 Diệm sụp đổ. Tin đó người ta đã biết qua tivi, đài phát thanh rồi. Điều người ta cần biết là Diệm đổ vì sao và sau khi đổ sẽ ra sao? Báo phải bình luận tin này thật sắc bén, ở đây không phải là thời sự mà là vấn đề chiến lược.

 

Từ 1964 đến 1984, nhờ sự cố gắng chung, trình độ anh em được nâng lên, chúng tôi đã ra được khoảng 70 số tạp chí Etudes Vietnamiennes. Sau đây, tôi sẽ kể lại một vài việc đáng chú ý.

 

Số đầu tiên ra năm 1964 là về tình hình miền Nam Việt Nam. Việc này không khó vì sẵn có tài liệu của ta, của các hãng thông tấn nước ngoài, nhưng đây là lần đầu tiên trong nước ra được một tài liệu dày như vậy (gần 200 trang) về một vấn đề thời sự. Kết quả bước đầu làm cho anh em phấn khởi, tin tưởng rằng tạp chí này có thể sống được.

 

Đến số thứ hai, tôi đề xuất nên đưa vấn đề nông nghiệp và nông thôn, vì dư luận thế giới, những nhà học giả, người ta quan tâm nhất đến vấn đề này, đó là nền tảng để một nước nghèo nàn lạc hậu có tiến lên được hay không. Một số anh em nói, vừa rồi chúng ta mất mùa, đây là quan điểm khi tuyên truyền ra nước ngoài, phải có thành tích mà nói. Tôi nói để anh em thấy rõ là không phải nhất thiết phải có thành tích, mà qua xem xét cách đặt vấn đề, người ta cũng có thể đánh giá được Đảng ta, Chính phủ ta, nhân dân ta, khôn khéo hay không khôn khéo, đi đúng đường hay không đi đúng đường.

 

Để chuẩn bị số này, tôi đi một chuyến trong 3 tuần lễ về Hưng Yên, nơi điển hình cho đồng bằng Bắc Bộ, nằm ở giữa 4 con sông. Nơi đây, từ ngày xưa thường bị vỡ đê, đói nghèo nổi tiếng về tình trạng dân phải đi ăn xin, nhưng nay đã có những chuyển đổi sâu sắc.

 

Trước khi đi, tôi tập hợp khá đầy đủ những tư liệu đã có về Hưng Yên, kể cả những báo cáo trước đây 30 năm của Công sứ Pháp và ông quan Tuần Vũ([1]) ở Hưng Yên. Một số anh em phóng viên thường quan niệm đi thực tế là không cần sách vở, cứ thế lao đi. Làm báo như vậy là rất nông cạn. Sách vở là thực tế của người đã đi rồi, đã quan sát và suy ngẫm rồi. Ngay từ lúc ở Pháp, tôi cũng đã nghiên cứu nhiều tài liệu đăng trên các báo về những thay đổi ở nông thôn. Vì vậy, khi cùng anh Cường (một phóng viên) đi xe đạp từ xã này sang xã khác, tôi cảm thấy như đi vào nơi quen thuộc. Lâu ngày được đạp xe về nông thôn nước nhà, những cánh đồng xanh mướt, những bờ tre kĩu kịt, cây đa, mái đình... khơi gợi trong lòng tôi nhiều cảm xúc đặc biệt. Có lần anh Lê Quý Quỳnh (Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên) trực tiếp dẫn chúng tôi đi. Qua trao đổi, anh Quỳnh cũng khá ngạc nhiên: “Anh mới ở Pháp về mà chuyện thôn xóm, chuyện lúa khoai anh đều nắm được”.

 

Để xem xét cụ thể, tôi đi sâu vào xã Như Quỳnh, gọi là xã “Tiên Tiến” theo phong trào thời ấy thường đổi tên dân gian, tên truyền thống từ trước lấy một tên có vẻ chính trị. Xã này cách Hà Nội 20km. Đây cũng sẽ là điểm cắm của tôi, để thường thường tôi có thể đạp xe về đây, theo dõi sự tiến triển của tình hình nông thôn

 

Mấy tuần ở Hưng Yên cho tôi thấy vai trò chí cốt của vấn đề thủy lợi cho cuộc sống ở miền Bắc cũng như của đất nước ta. Nhờ có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải mới xây dựng sau ngày hòa bình 2 năm (1956), dòng chảy sông Hồng qua cống Xuân Quang, đưa vào kênh lớn rồi tỏa ra nhiều kênh nhỏ của Hưng Yên. Nhờ đó mà bảo đảm được cho cả 4 mùa; những chỗ đất cao, trước đây bỏ trống vào mùa khô, nay đã có thể trồng dâu, khoai, lạc, rau, mía... làm ra nhiều tiền hơn lúa.

 

Cả một hệ thống kênh lớn mương nhỏ đưa nước sông Hồng tưới cho tỉnh Hưng Yên toàn làm bằng thủ công, cả một công trường chen chúc hàng vạn người gánh gồng. Sách báo hồi đó nêu lên cảnh trống giong cờ mở, coi như là ngày hội của quần chúng. Có phần đúng là do ở thời điểm đó, nông dân phấn khởi sau thắng lợi chống Pháp, được chia ruộng đất, được mùa năm 1959, uy tín của Đảng, Nhà nước, Bác Hồ còn rất lớn, cán bộ, đảng viên mới kháng chiến xong cùng với nhân dân nghèo nàn như nhau, gây ra không khí dễ hòa nhập, trên bảo dưới nghe. Tính cộng đồng này ta gọi là tính cách mạng, thực chất đây là cộng đồng cổ truyền, chưa có cái gì mới. Ngày xưa cũng huy động nhau để chống thiên tai dịch họa, đó là một truyền thống cổ truyền từ xưa đến nay mà Đảng ta kế tục. Muốn có cái gì mới, thì phải đưa cơ sở vật chất vào. Đi cả tỉnh Hưng Yên, ngoài cái trạm bơm, không có máy móc gì. Máy cày, máy xay, máy kéo chưa có. Một sự tương phản rất lớn giữa công cụ, kỹ thuật rất thô sơ lạc hậu, với hệ thống thủy lợi lớn như thế.

 

Đi đôi với thủy lợi là việc hợp tác hóa. Rõ ràng là nông dân cá thể không thể đào kênh mương. Nếu mỗi người một mảnh đất riêng, thì đưa nước vào ruộng ai, không đưa vào ruộng ai là việc rất khó. Có hợp tác mới dễ dàng làm thủy lợi. Sau này hợp tác hóa nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhưng cũng không thể nào tránh được để giải quyết vấn đề thủy lợi.

 

Tìm hiểu thêm về hợp tác xã, chính quyền, tổ chức, đoàn thể v.v... thấy có nhiều thuận lợi. Hợp tác nhỏ, chưa có máy móc gì, quản lý không có gì phức tạp. Cán bộ là đảng viên, từ xưa đã ở nông thôn, số đông đi bộ đội về, không có của cải gì nhiều, bộ máy chưa quan liêu hóa... Trạm xá, trường học, nhà mới xây ngói đỏ tô điểm cho cảnh nông thôn rất đẹp. Sinh hoạt ở nông thôn năm 1963 ấy thật tiến bộ. Một phần là thật chứ không phải hư cấu thêm lên... Sau này tình hình phát triển, mình nghĩ lại thấy lúc đó thật là ngây thơ, chỉ mới thấy mặt đẹp, mặt hay, mà chưa thấy được những nhược điểm của phong trào hợp tác hóa cũng như của toàn bộ đường lối xây dựng kinh tế, do Đại hội Đảng lần thứ ba năm 1960 đề ra.

 

Trong bài phóng sự về Hưng Yên L’eau, le riz et l,homme (dòng nước, cây lúa và con người), tôi nêu cả hai mặt: tiến bộ và lạc hậu. Quan niệm chung từ trước là tuyên truyền chỉ nói thành tích, những gì không hay phải giấu đi. Vì vậy, bài báo đưa lên trên duyệt vấp phải sự phản ứng của Đảng đoàn. Nảy ra một sự tranh luận gay gắt giữa Đảng đoàn với tôi: “Người nào làm báo mà chỉ nói một mặt, không ai tin cả, phí công vô ích”. Có đồng chí nói: “Thôi anh mới về, làm sao anh nắm hết”. Tôi trả lời ngay: “Vấn đề không phải tôi mới về còn các anh ở đây lâu. Bài báo sai chỗ nào các anh nói cho rõ, các anh dựa trên luận điểm gì. Nếu các đồng chí là cấp trên mà ra chỉ thị cho tôi phải thay đổi, tôi là đảng viên, làm sai tôi xin chịu kỷ luật. Nhưng ai ra chỉ thị, có văn bản ký vào đây cho tôi”. Tất nhiên không ai ký cả. Thế rồi bài báo phải đưa lên Ban Tuyên huấn Trung ương. Một thời gian sau, bài đó được chấp nhận, không phải thay đổi gì cả, được in vào tập Etudes Vietnamiennes số 2. Trong số báo ấy cũng có một việc nữa là bài của Tổng Bí thư Lê Duẩn tôi không để lên trang 1, mà lại mở đầu bằng bài phóng sự của tôi. Một số anh em trong nước không đồng tình. Tôi nói đối với người trong nước bài của Tổng Bí thư là chỉ thị để thi hành. Còn đối với người nước ngoài, đưa chỉ thị ra không để làm gì cả, chỉ để cho họ biết quan điểm chính thức của Đảng Việt Nam([2]) là thế. Họ cần xem bài phóng sự để biết cụ thể vì không ở tại chỗ, không thấy được. Họ kết hợp việc cụ thể tai nghe mắt thấy được ghi lại trong bài phóng sự với ý kiến của lãnh đạo Việt Nam mà hiểu và đánh giá tình hình Việt Nam.

 

Bài L’eau, le riz et l,homme đưa ra quốc tế được sự hoan nghênh của nhiều nhà nghiên cứu kinh tế xã hội của các nước nghèo nàn lạc hậu, và được tạp chí La Pensée ở Pháp cho in lại ngay.

 

Cũng trong năm 1964, tờ Etudes Vietnamiennes ra một số kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hồi ở Pháp, tôi đã theo dõi chiến dịch này khá chi tiết qua các báo của ta và của Pháp. Cũng năm trước đó tôi đã có dịp trao đổi về lịch sử Điện Biên Phủ cùng ông Philippe Devillers là một nhà văn Pháp, trước đã từng là đại tá quân đội viễn chinh Pháp. Ông cũng chuẩn bị viết sách về Điện Biên Phủ.

 

Số tạp chí Etudes Vietnamiennes này cần có bài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có tính chất đi sâu nghiên cứu, với tầm cỡ khoảng vài chục trang. Nếu đề nghị Bộ Quốc phòng chuẩn bị bài đó thì không thể nào ra kịp. Tôi chuẩn bị một bài phỏng vấn dài, đồng chí Giáp cũng quen biết tôi, đồng chí ấy học trước tôi một năm. Tôi đưa bản dự thảo lên cho đồng chí. Xem xong đồng chí nói: “Tốt quá, tất cả các chi tiết này đều đúng cả. Tại sao mà cậu nắm được nhiều thế?” - “Tôi phải làm cái nghề này. Nói chuyện với kiều bào ở Pháp, với những người Pháp có trình độ nghiên cứu cao, nhiều khi với các nhà sử học giỏi thì không thể nào sơ sơ được”.

 

Tạp chí Etudes Vietnamiennes những số ra về sau được dư luận quốc tế chú ý là một số về giáo dục, một số về y tế... Về giáo dục, chúng tôi đưa ra mấy điển hình: Trường Đại học Bách khoa, trường Bắc Lý, trường vừa học vừa làm Hòa bình. Đối với những nước thứ ba hồi đó, đây là những mẫu hình. Nhất là việc dùng tiếng Việt trong trường đại học là vấn đề rất quan trọng. Hồi đó và cả cho đến nay, nhiều nước vẫn chưa giải quyết được vấn đề dùng tiếng dân tộc đến bậc đại học, mà vẫn phải dùng tiếng Anh, tiếng Pháp.

 

Về miền Bắc, tạp chí Etudes Vietnamiennes chưa bao giờ đề cập đến đề tài công nghiệp hóa, mặc dù Văn kiện Đại hội III của Đảng nêu vấn đề ưu tiên phát triển công nghiệp. Ngay năm đầu mới về, tôi có lên thăm khu gang thép Thái Nguyên. Sau đó có viết một bài. Trong bài ấy có một ý mà bây giờ mới thấy là ngây thơ dại dột. Vì vậy không làm về đề tài công nghiệp nữa. Tôi đến khu gang thép Thái Nguyên vào lúc đang cao hứng. Đứng trước khu gang thép, cảm nghĩ của tôi có hai mặt: Một mặt là lo lắng trước thực tế cay nghiệt, phũ phàng, lạc hậu của miền Bắc hồi đó; không có vốn, không có kỹ thuật, không biết cách quản lý, mà dựng lên một khu công nghiệp to lớn như thế thì làm sao mà làm tốt được! Mặt khác lại cảm thấy hào hứng là nước ta dám làm một công trình lớn như thế. Tuy tôi đã đọc bao nhiêu sách vở nêu bệnh ấu trĩ là bệnh muốn làm lớn làm oai, bất chấp những điều kiện khó khăn thực tế, nhưng hồi đó chính tôi cũng mắc bệnh đó. Tôi nghĩ rằng Việt Nam là một ngoại lệ, thắng được Điện Biên Phủ, đánh được Pháp, huống gì một khu gang thép, có gì mà không làm được! Kết luận bài báo Cứu quốc tôi viết là khu gang thép sẽ thành công. Sau này nghĩ lại, thấy đây là một bài ngây ngô nhất của tôi, do ảo tưởng mà phủ nhận thực tế khách quan đập sờ sờ vào mắt.

 

Năm 1964, để cứu nguy cho chế độ Sài Gòn đang trên đà suy sụp, Mỹ uy hiếp miền Bắc hòng chặn đứng việc miền Bắc chi viện cho miền Nam. Tháng 8/1964, Mỹ bắt đầu bắn phá miền Bắc. Tiếp sau đó, chúng thả bom ở Thanh Hóa, Vĩnh Linh, Quảng Bình, Vinh v.v... cho đến năm 1967 thì máy bay phản lực Mỹ thả bom hầu như khắp nơi trên miền Bắc, đặc biệt cầu, đường là mục tiêu số một của chúng, nhằm ngăn chặn đường tiếp vận vào miền Nam.

 

Ở Vĩnh Linh, tôi viết một bài phóng sự về việc quân ta đánh máy bay đầu tiên ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, tả lại cảnh anh em dùng súng trường bắn máy bay. Anh em nói lúc máy bay phản lực chúi xuống, thấy rõ máy bay hình tròn, không thấy nó hình ngang nữa, lúc đó là nó nhào xuống chỗ mình, nó bắn mình. Nếu mình đủ gan dạ, đợi nó đến gần, nổ một phát thì đạn có thể trúng máy bay, làm cho nó bốc cháy. Sau này, khi Mỹ ra bắn phá Hà Nội hay Hàm Rồng, việc bắn máy bay tinh xảo hơn, hiện đại hơn, vì có 3 tầng: tầng trên có tên lửa và máy bay chiến đấu của ta, tầng thứ 2 là súng cao xạ, tầng thứ 3 là súng nhỏ. Lúc đầu phi công Mỹ tưởng việc như chơi nhưng thật không dễ. Chuyện dùng súng trường bắn máy bay là rất lạ đối với thế giới. Bài báo của tôi ghi Báo động ở vĩ tuyến 17 giới thiệu việc đó gửi ra nước ngoài, bè bạn rất mừng, đặc biệt anh em Cu Ba có hồi âm lại.

 

Đến tháng 3/1965, quân đội Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng và ồ ạt thả bom miền Bắc. Vấn đề thời sự chống Mỹ xâm lược trở thành đề tài trung tâm của tạp chí Etudes Vietnamiennes những năm sau đó. Nói chung trong thời đánh Mỹ, việc tuyên truyền đối ngoại không khó khăn lắm, vì trên dưới đều nhất trí quan điểm cần nêu lên chính nghĩa của dân tộc, tin tức thì dồn dập trong nước và từ ngoài nước. Tuy vậy, vẫn có một số chuyện gay cấn do sự khác nhau về cách nhìn nhận vấn đề và phong cách làm việc.

 

Có lần, để giới thiệu cho nước ngoài hiểu quá trình lịch sử cách mạng Việt Nam, nhất là lúc bắt đầu cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp, tạp chí Etudes Vietnamiennes có bài về nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 - 1946. Đó là bài của anh Nguyễn Kiến Giang đã in trong một cuốn sách của Nhà xuất bản Sự Thật. Tôi thấy bài này chính xác, đầy đủ, mạch lạc, rất tốt nên cho dịch ra và in lại. Anh Nguyễn Kiến Giang do liên quan tới Nghị quyết IX bị quy là “xét lại”, Đảng đoàn chất vấn tôi tại sao lại dùng bài đó. Tôi trả lời bài đó không có gì là sai trái quan điểm của Đảng. Trước hết đề nghị các đồng chí xét xem nội dung bài đó có gì sai không. Tất nhiên là Đảng đoàn không phát hiện được điều gì trong bài đó. Thứ hai là anh Kiến Giang, đứng về con người, tôi đã có đi công tác với anh vài chuyến. Tôi biết đây là con người trung thực, không phải là con người xảo quyệt, tôi không có lỗi gì khi đưa in bài này. Sau rồi chuyện này cũng êm, vì lúc đó việc chống Mỹ vẫn là hàng đầu.

 

Còn nhớ năm 1964, Bác Hồ mở Hội nghị chính trị đặc biệt để các tầng lớp nhân dân Việt Nam nói lên quyết tâm chống Mỹ cứu nước. Tôi được thay mặt Việt kiều đến dự. Văn phòng Mặt trận Tổ quốc đã chuẩn bị sẵn cho tôi một bài, giao cho tôi đọc. Lúc phát biểu, tôi không đọc mà tự nói. Đồng chí cán bộ Mặt trận ngó bộ ngơ ngác, có Bác Hồ ngồi đấy, không hiểu ông này nói cái gì đây mà không có giấy tờ gì cả như thế này? Vì chuyện này, giữa một số anh em bên Mặt trận và tôi cũng không được hòa hợp cho lắm, sau đó một anh Việt kiều khác thay tôi tham gia Mặt trận.

 

Năm 1969, lớn nhất là sự kiện Bác Hồ mất. Tôi không có dịp được gặp riêng Bác. Duy nhất là Hội nghị chính trị đặc biệt ấy, khi tôi phát biểu thấy Bác gật gù, có vẻ vui. Sau Bác chỉ vào mặt tôi hỏi: “Sao độ này thế nào rồi?” Bác biết tôi đau phổi. Chỉ chốc lát thế thôi. Nhưng khi Bác ra đi, cũng như toàn dân, tôi cảm thấy một sự mất mát lớn, từ nay vắng bóng một con người không bao giờ thấy lại được nữa. Tôi có làm một bài thơ, bài thơ độc nhất của tôi in ở báo nước ngoài, báo Nhân Dân cũng có đăng. Bạn bè chú ý nhất là câu:

 

Sáu mươi năm xây dựng cơ đồ

 

Không dẫm lên chân một con người

 

Chỉ biết đạp đầu thù mà tiến tới.

 

Có anh em hỏi là ngụ ý gì? Bác Hồ không dẫm lên chân một người khác. Thế thì ai dẫm lên chân người khác? Tất nhiên tôi không trả lời, nhưng anh em cũng biết.

 

Lúc Bác mất, tôi viết một bài đưa tin rất ngắn. Nhiều vị cấp này, cấp khác nhao lên hỏi tại sao một tin lớn như thế mà báo Le Courrier du Vietnam lại chỉ có một đoạn ngắn cun củn như vậy, nghĩa là thế nào? Tôi trả lời: Cạnh bài đó, tôi đăng điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương rồi. Nếu tôi viết một bài xã luận lặp lại những nội dung như bài điếu văn thì nó thừa. Chuyện cứ lặp đi lặp lại mãi như muốn nhồi người ta, độc giả nước ngoài rất ghét.

 

Lại còn việc dịch Di chúc của Bác cũng rắc rối. Trên giao cho tôi dịch. Một số vị tuy không thông thạo các từ ngữ, nhưng lại góp ý từ này nên dịch thế này, từ này dịch thế khác. Tôi không chấp nhận. “Về công tác Đảng, công tác tư tưởng, đồng chí là Bí thư Đảng ủy, đồng chí góp ý, chứ vấn đề tiếng Pháp là việc chuyên môn của tôi, đồng chí đừng lấy tư cách Đảng ủy mà góp ý kiến. Đồng chí nào muốn tôi sửa thì ký vào đây, tôi sẽ sửa, nếu không thì tôi làm theo cách của tôi”. Nhưng rồi mọi việc cũng xong, cũng trôi qua cả.

 

Như đã nói ở trên, thời đấy công tác tuyên truyền đối ngoại tập trung vào chuyện chống Mỹ, và tôi làm có thể nói là hết sức mình vì nhiệm vụ chung đối với đất nước.

Ngoài tờ thông tin hàng tuần và tạp chí Etudes Vietnamiennes để phục vụ kịp thời, sát sườn cho nhiệm vụ chính trị trước mắt, chúng tôi cũng dành nhiều công sức cho việc biên soạn hoặc dịch những công trình lớn để giới thiệu lịch sử và nền văn hóa của Việt Nam với nước ngoài.

.................................................

(Còn nữa)



([1]) Tỉnh trưởng của chính quyền Nam Triều thời Pháp thuộc.

([2]) Tức là Đảng Lao động Việt Nam (BT)

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444119

Hôm nay

261

Hôm qua

2309

Tuần này

21932

Tháng này

219293

Tháng qua

112676

Tất cả

114444119