Với mong muốn công tác tuyên giáo và công tác dân vận phục vụ tốt việc thực hiện Nghị quyết chỉnh đốn Đảng và Chủ trương cải cách hành chính, Hồ Phi Phục từ kinh nghiệm quan sát thực tế cuộc sống, từ tiếp thu suy ngẫm những thông tin kinh tế – xã hội đã cố gắng thể hiện khá bao quát và nhạy cảm đề tài mà anh quan tâm. Thời điểm bấy giờ, lúc kinh tế bao cấp đang tắt dần ở buổi đầu của thời kỳ đổi mới, dĩ nhiên việc viết Kinh tế ngầm có nhiều khó khăn hạn chế. Song điều hữu ích của công việc này là đã gợi mở một cách nhìn thật sự vào mặt trái của vấn đề. Mặt khác, cái nhìn đó không khoanh hẹp mà đã trải ra trên bình diện rộng lớn với sự nhấn mạnh những dự báo manh nha mà giờ đây có sự kiện đã gây nỗi kinh hoàng cho cả hành tinh.
Chúng tôi giới thiệu độc giả tham khảo nguyên bản chùm bài báo Hồ Phi Phục viết đã 15 năm, đã được thời gian minh chứng và hiện vẫn còn mang hơi nóng thời sự. (Bản thảo do tác giả cung cấp)
KINH TẾ NGẦM
Một nhà lãnh đạo cách mạng châu Mỹ có nói “Cách mạng rất đẹp, chủ nghĩa xã hội rất đẹp, nhưng không thể đùa với nó được vì nó mang theo chất nổ”. Đây là một trong những câu nói đáng chú ý của thế kỷ rực rỡ khoa học nhưng đầy bom đạn. Và phải chăng trong số chất nổ đó có kinh tế ngầm?
Khái niệm kinh tế và kinh tế ngầm trong lĩnh vực kinh tế khác hẳn với các khái niệm thật và ảo, vật chất và phản vật chất v.v... trong các lĩnh vực khác. Bởi kinh tế và kinh tế ngầm đều cùng tồn tại, không đồng nhất đổi dấu. Nền kinh tế chính thống (công khai và hợp pháp), cứ coi như là dễ thấy và dễ hiểu đi. Còn kinh tế ngầm thì không thấy, có khi thấy mà không biết, và có khi thấy rõ đến hoang mang đau lòng.
Từ xa xưa những chuyện kể thành văn của nhân loại đã nói nhiều đến kinh tế ngầm. Có thể xem Phạm Lãi, một nhân vật lịch sử độc đáo nhưng đồng thời cũng là người am hiểu và vận dụng kinh tế ngầm cao tay biết chừng nào. Đầu thập kỷ 80 có nhiều chuyên đề nghiên cứu kinh tế ngầm thời bao cấp; với cơ chế kinh tế hiện nay, dĩ nhiên nó phải uốn mình thích ứng. Nhìn chung, kinh tế ngầm tìm kiếm người sản xuất (mua lúa non, lạc non v.v...) và người sản xuất cũng tìm đến kinh tế ngầm (đẩy các gia súc bị bệnh ra chợ v.v...). Có trường hợp đôi bên say sưa tìm nhau cùng thiêu thân (tệ nạn ma tuý v.v...). Nhưng kinh tế ngầm phổ biến thì dính dáng trực tiếp hoặc gián tiếp đến giới viên chức Nhà nước, và vì thế, nó quan hệ mật thiết với tham nhũng.
Ở một nước gần ta có chuyện hai người làm kinh tế ngầm theo hai cách. Một người chức quyền không cao, vơ nhặt từng đồng, so với bạn bè lương thiện thì gia tài anh ta vẫn vào loại ăn trên ngồi trốc, cháu đích tôn mới đẻ cũng có biệt thự hẳn hoi. Anh ta chưa vào loại cá lớn, nhưng nhờ thế mà “đã may” và vẫn “còn may”, không như vị nguyên thủ quốc gia hớt công quỹ một khoản quá lớn (hàng tỉ đôla) đến nỗi khi chết thân xác không yên, để lại bà phu nhân hoa hậu lưu vong dở khóc dở cười trong cuộc sống kim cương vàng lụa. Phu nhân đã phải nát óc tìm mưu tính kế, luồn lọt che đậy, mà vẫn bị triệu ra toà...
Vào đầu thập kỷ 60 “tổng thống tân thế giới ăn kẹo đồng” đúng như lời đoán của Misen một nhà tiên tri người Âu đã nói trước đó gần 5 thế kỷ. Cả hành tinh rộn lên việc viên đạn quái ác từ đâu nhằm trúng đầu tổng thống khi đang ngồi trên xe hơi cùng vợ. Với bộ máy an ninh đồ sộ mãi đến bây giờ vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Thế là bà quả phụ đã phải sớm chấm dứt thời oanh liệt ngắn ngủi, mà trước khi làm đệ nhất phu nhân, với lối quảng cáo bầu cử rùm beng, bà đã được báo chí ca ngợi khá xôm trò và dự báo sẽ là giai nhân nghiêng nước nghiêng thành xứng đáng nện gót giày trên thềm toà Bạch ốc... Nghe đâu, còn có con tàu lớn đã kéo cái xu – chiêng của bà lên tận đỉnh cột buồm làm biểu tượng đầy tự hào trên đại dương sóng gió! Với con người được hâm mộ đến vậy, dĩ nhiên mấy năm sau, việc bà đi bước nữa với Anasi một chủ tàu người Achentina gốc Hylap, lại càng làm xôn xao dư luận. Cuộc hôn nhân với nhà tỉ phủ đến tuổi lục tuần này đầy rẫy tính toán. Một hợp đồng được quy định chặt chẽ gần 70 điều khoản: dinh cơ, số người hầu, loại son phấn thường dùng, tiền cấp hàng tháng, mỗi tuần gặp nhau mấy lần, hàng năm nghỉ hè ở đâu. v.v... và v.v... Điều muốn nói liên quan đến kinh tế ngầm là sau đó mấy năm Anasi chết, lần này dư luận báo chí nghiêng về phía bình luận cách làm ăn của người chồng thứ hai. Ông này một đời hoạt động đã cống hiến ba nguyên tắc gối đầu giường cho những ai muốn trở thành tỷ phú. Ba nguyên tắc đó đều hướng về hệ mở. Một là, phải luôn luôn tìm cách triệt để tận dụng vốn của kẻ khác (bất kể tư nhân hay các Nhà nước). Hai là, bất cứ lúc nào cũng phải tìm mọi cách đầu cơ, lậu thuế, chịu khó bòn mót đến cùng, tích tiểu thành đại. Ba là, phải làm quen bắt bạn với các nhân vật quyền lực và các nhân vật danh giá. Nguyên tắc thứ nhất và thứ hai của Anasi cực kỳ phong phú và đa dạng, đã từng làm sửng sốt ngã ngửa nhiều đối thủ các nhân và nhiều sân bay, bến cảng của nhiều thành phố ở các châu lục phải quy hàng bái phục trước những pha quyền biến lạ kỳ. Anasi đã dày công tìm hiểu pháp luật các quốc gia và lợi dụng đến cùng, hoặc vượt qua, hoặc né tránh trơn tuột như lươn chạch. Có thể từ đây viết được hàng chục cuốn sách về mánh khoé xuất quỷ nhập thần, cạnh tranh ma quái, vừa bán hợp pháp, vừa giả hợp pháp mà người đời không sao moi óc tưởng tượng nổi để gây dựng cơ đồ. Song không thể nào coi thường nguyên tắc thứ ba của Anasi được, vì nó là chiếc cầu kỳ diệu mai mối những thông tin quan trọng tin cậy bậc nhất quyết định sự thành bại. Những thông tin này có khi được tiếp nhận cả từ nguồn tình báo về những phát minh mới mẻ, những bí mật quốc gia, kể cả dự báo chiến tranh... Nguyên tắc thứ ba còn là chỗ dựa ô dù làm nên cái thế đứng xã hội vững chắc trụ lại được các cơn phong ba luật pháp. Có thể nói một con người đơn độc, vừa có tài năng vừa ma mãnh cũng không thể nào trở thành tỷ phú. Phải có không ít những người cộng sự, những kẻ tiếp tay, dây chuỗi, mạng lưới v.v... thì mới nhập nhằng dựa thế quốc doanh, chiếm cứ được các cơ sở hạ tầng ở những khu vực trắc địa... Cũng là điều dễ hiểu khi trên thế giới ngày nay, tháng nào, năm nào cũng có bộ trưởng vào tù, thủ tướng từ chức... Như vậy, cả ba nguyên tắc xoắn xuýt nhau và nguyên tắc thứ ba thực chất là bà đỡ, là nhũ mẫu cho hai nguyên tắc trên. Việc nhà tỷ phú cưới đệ nhất phu nhân một thời, là nằm trong ý đồ “kinh doanh” kép đó. Qua màu sắc của phái đẹp quyền quý sẽ tiếp cận các nhân vật quyền lực một cách hào nhoáng và hiệu quả hơn nhiều để nhanh chân chen lên hàng tỷ phú bậc nhì, bậc nhất. Với câu chuyện đầy ám ảnh của những làn sóng ngầm kinh tế từ nhiều phía lôi kéo và xô dạt người đàn bà này, có thể thấy mọi vinh quang, danh vọng, tiền tài, tình yêu và tội ác bủa vây con người đến cùng cực. Bà khiếp đảm kinh hoàng và phải chìm mình nhiều năm trong nghề biên tập đầy năng lực để quyên lãng cuộc đời. Sinh thời có gần vài chục cuốn sách viết ca ngợi bà nhưng bà lơ đễnh. Mới đây báo chí đưa tin bà qua đời trong tâm trạng thù ghét, chán ngấy cuộc sống và đất nước đã sinh ra bà, một đất nước hẳn vô địch thừa mứa các loại chất nổ...
Đến thăm cái đình làng xã nọ, mọi người còn đọc được một dòng chữ mờ nhạt trên tường: “Uống rượu là hút máu đồng bào”. Dòng chữ đó hình như được viết sau năm đói khủng khiếp chết 2 triệu người. Tới thời bao cấp, việc nấu rượu vẫn còn làm trộm, làm lén. Bây giờ thì ung dung hành nghề. Hãy thử tính sơ sơ mỗi địa phương có bao nhiêu hộ, hàng năm mỗi hộ dùng bao nhiêu rượu, mỗi lít rượu cần bao nhiêu gạo, thì con số lương thực chi cho công việc này quả là không nhỏ và sẽ nóng ruột nếu như không nhìn cái lợi ở phía chăn nuôi. Thuế nấu rượu vẫn chưa có trong danh mục, hay là đã có mà không ai thực hiện? điều này vừa vô lý vừa có lý (Nhân nhớ lại việc cấm nấu rượu theo kiểu nghị quyết của Goocbachốp thì đó lại là một ý đồ khác, ông ta muốn làm “một phép thử chính trị” thâm hiểm như có người đã bình luận). Bất luận thủ đoạn chính trị nào cũng đều lợi dụng cái lý của hoạt động kinh tế, kể cả trường hợp có khi tưởng như công khai nhưng vẫn làm ngầm...
Như vậy, qua vài ba hiện tượng dài dòng và cũng chỉ chấm phá được đôi nét về kinh tế ngầm, đã có thể khá rõ bức tranh kinh tế và kinh tế ngầm đầy lẫn lộn giữa ánh sáng và bóng tối. Ai mà biết được những gì quay cuồng điên loạn trong sự nhá nhem đó của đồng tiền phè phỡn, của nước mắt đắng cay và của tội ác rùng rợn. Công bằng mà nói, những điều rối ren đau xót cũng có khi được dẫn độ từ cái tốt đẹp buổi đầu; còn cuộc vật lộn trong quá trình phát triển diễn biến như thế nào thì lại là chuyện khác.
Hãy tạm rút ra một vài nhận xét:
1. Kinh tế ngầm là sản phẩm tất yếu của mọi nền kinh tế, nó có thể từ nhỏ bé phát triển đến khối lượng tiền bạc lớn, từ đơn lẻ tản mạn phát triển thành quy mô xã hội với nanh vuốt tham lam tàn bạo. Đã có kinh tế ngầm là có ý thức ngầm, vây cánh ngầm hàng giờ hàng ngày gây ra đủ loại tiêu cực xã hội.
2. Kinh tế ngầm cũng tồn tại và chen lấn kịch liệt với nền kinh tế chính thống . Nó cố tình mọc rễ sâu vào pháp luật, nó mặc nhiên là thước đo trình độ hệ thống quản lý Nhà nước và nó phát triển tỷ lệ nghịch với trình độ đó.
3. Kinh tế ngầm tự phân hoá thành hai bộ phận: bộ phận thứ nhất chạy theo thu nhập tối đa, lừa lọc, bất chấp pháp luật, trở nên cực kỳ độc hại. Bộ phận thứ hai lửng lơ, gây hại ít hơn, cần được quan tâm theo dõi thu nhập tối đa, lừa lọc, bất chấp pháp luật, trở nên cực kỳ độc hại. Bộ phận thứ hai lửng lơ, gây hại ít hơn, cần được quan tâm theo dõi, giới hạn hoạt động trong phạm vi hợp lý và có thể hướng nó từng bước hoà vào kinh tế chính thống (hướng rượu làng Vân xuất khẩu v.v...).
Kinh tế ngầm còn được nhiều nhà nghiên cứu gọi là kinh tế không có kết cấu, hoặc kinh tế không định hình. Nếu phân chia theo gốc gác thời gian thì có hai loại, là kinh tế ngầm truyền thống và kinh tế ngầm hiện đại. Một đất nước, một địa phương muốn phát triển tốt nền kinh tế – xã hội thì một trong những điều quan trọng là trước hết phải phát hiện và vẽ ra được đường đi nước bước của những con mồi quấy phá mà hệ thống bộ máy quản lý nhà nước phải cảnh giác, phải săn đuổi đến cùng - đó là chân dung các loại kinh tế ngầm độc hại – những mục tiêu cần được khoanh gọn trong kính ngắm.
Kỳ sau: Kinh tế ngầm độc hại và nguy cơ tham nhũng