Cuộc sống quanh ta

Kinh tế ngầm (Phần 2)

 

KINH TẾ NGẦM ĐỘC HẠI VÀ NGUY CƠ THAM NHŨNG
 
ở nhiều nước tỷ trọng kinh tế ngầm chiếm 25 tới 30% giá trị thu nhập quốc dân. Đó là con số kinh hồn, sản phẩm của tầng lớp con buôn và bọn làm ăn bất chính điên cuồng hoạt động quấy phá bằng những thủ đoạn đáng gờm.

1. Về đầu cơ - buôn lậu: Thời bao cấp thấy rõ đầu cơ và buôn lậu đứng riêng rẽ ở hai mục đề. Cái mới giờ đây là dường như là hai mục đề đó gắn lại thành khái niệm kép. Cơ chế thị trường mở cửa giải phóng mạnh mẽ lực lượng sản xuất, hàng hoá dồi dào xoá cảnh xếp hàng. Bài học kinh tế năm nào nói chủ nghĩa tư bản đổ hàng hoá xuống biển bây giờ mới vỡ lẽ cái hay và cái dở của nó. Kiểu tàng trữ hàng trước đây như kiểu tàng trữ lương thực càng lâu càng lãi, giờ đã biến mất. Thủ đoạn đầu cơ tự nó phải đổi mới: nắm chắc thông tin, chộp hàng hời giá, bán nhanh, thu lãi nhanh cả gói (có khi chỉ qua một đêm đã trở thành tỷ phú). Nghệ thuật đầu cơ (trừ một số hàng bất động sản) xoay quanh vấn đề giá, căng thời gian thành từng giọt, đẩy sự năng động kinh doanh đồng nghĩa với khả năng chỉ huy thời gian, tận dụng thời gian và luôn luôn tâm niệm thời gian là tiền. Nhưng nếu vậy thì đầu cơ kiểu ấy có gì là độc hại? Thực ra vấn đề lại là ở chỗ khác, ở chỗ kết hợp thoát thuế, buôn lậu. Và về lĩnh vực này thì bây giờ tài nghệ hoạt động quả là đến mức điêu luyện. Lậu từ khâu cấp giấy phép, định mức. Lậu A, lậu B trong thủ tục đấu thầu. Mức thuế cao thấp quá bất hợp lý nên lao đao hoặc là phất to, đánh thuế rồi mà vẫn là lậu. Lậu nổi, lậu chìm với nhiều tầng nấc. Dẫn đến nảy ra vấn đề: kinh tế ngầm! Chưa nói đến cái hại cho Nhà nước, mà đã quá mất công bằng ngay đối với các chủ thể kinh doanh.
2. Về hàng giả: Loại hàng không đúng tiêu chuẩn chất lượng này nói chung là trốn đăng ký kinh doanh, lừa lọc nhãn hiệu, không đáng giá tiền mua. Nó tác hại đến khách hàng và những người hưởng phúc lợi xã hội ở nhiều mức: hoặc giá trị sử dụng kém, tuổi thọ thấp; hoặc không có giá trị sử dụng (dược phẩm làm bằng bột mỳ, khoai tây...); hoặc thậm chí gây tai nạn chết người một cách vô nhân đạo (nhà sập, dược phẩm làm tăng bệnh...). Nên có cách nhìn rộng hơn để thấy hàng giả cũng còn rất nhiều “thể loại” khác dính dáng đến việc muốn làm vừa lòng cấp trên mang bệnh thành tích hoặc tham nhũng cả dây chuỗi. Nó được thể hiện ở đo lường và thống kê xô bồ không trung thực dẫn đến các công văn, các bản tổng kết, các quyết định cấp phát mang chất hàng giả. Cần nhớ rằng đo lường là khởi đầu của hạch toán, không có đo lường thì không có khoa học và phát triển khoa học. Đo lường giả hoặc mất chính xác dẫn đến tắc tỵ, phản khoa học, dẫn đến hàng giả. Thử tổng hợp lại các báo cáo nêu diện tích khai hoang để lấy tiền Nhà nước thì chắc chắn loại đất đai này đã... lấn sâu vào lãnh thổ các nước láng giêng! Chất lượng những dòng kênh mương đào đi đắp lại, những chiếc cầu đổ sập xuống sông nói rõ điều đó. Còn không ít những công trình xây dựng to đẹp, có thể sừng sững nhiều thập kỷ nhưng thực chất cũng là một loại hàng giả kín đáo. Thương hại thay cho những vật vô tri vô giác đó không biết đã bị lừa, đã bị mất từ 30 đến 60% số tiền được cấp để hoá thân ra nó. Như vậy bố mẹ nó là những hàng giả (dự án giả, thi công giả, kiểm tra giả...) và ông tổ đáng kính của nó thì chính là những cán bộ giả, viên chức giả đã quá tỉnh táo và mê muội sáng tác phù phép hàng loạt cung đoạn kinh tế ngầm tuyệt diệu...
3. Về tham ô - hối lộ: Đó là tên của hai đứa con sinh đôi của tham nhũng. Một đứa ham muốn chiếm đoạt tài sản về cho cá nhân mình. Một đứa muốn bắt người khác cống nạp của cải cho mình. Đã thèm tiền bất chính thì sẽ tìm cách xoáy tiền, hết cách xoáy khôn ngoan thì phải dùng đến cách xoáy trắng trợn là trộm cắp. Dân thường thì trộm cắp theo kiểu cổ điển của thường dân. Người có chức quyền thì trộm cắp theo chiều sâu, phải vận dụng trí tuệ để xuyên tạc các thủ tục, để lợi dụng sơ hở của các quy định, luật lệ đẩy của cải xã hội xê dịch về nơi không đúng chỗ của nó. Đã muốn bắt người khác cống nạp thì phải nghĩ ra cách bắt cống nạp. Nhiều cách lắm. Nhưng cái cách làm dân bực nhất là giải quyết công việc lập lờ, bắt đóng thật nhiều dấu, mở thật nhiều cửa trước, cửa sau, nghiên cứu thật kỹ những điều không phải nghiên cứu, để trước hết là gây phiền hà về thời gian. Thời gian là tiền, có người mất thời gian thì có kẻ được tiền, mất và được đều tăng lên nhiều lần và bất hạnh rơi vào ai thì đã rõ. Đất nước không còn vua, nhưng đã mọc ra quan hoạn xấu xa kiểu mới, lấp ló ở khắp cấp này, cấp nọ. Các thủ trưởng không đủ tư cách và tài năng điều khiển được họ thì họ điều khiển các thủ trưởng. Nhiều cách che mắt thế gian vừa mới, vừa cũ, dấu kín phần ngầm, xôm trò phần nổi, nhưng đều nằm trong cái mốt kinh doanh rất láu là khoét mạnh vào két Nhà nước. Họ vòng tay đằng sau “hồi” lại một khi đã nhận được những lô hàng ghi tăng giá cho công quỹ. Họ vòng tay đằng sau “hồi” lại một khi sau khi tập thể lãnh đạo nhỏ nháy nhau thanh lý cả loạt tài sản với giá rẻ mạt, mặc cho cơ sở tan hoang. Họ chờ bão lụt đi qua để trút những khoản từ lâu khó xử vào những biên bản, tờ trình thảm thiết. Họ lập nhiều hợp đồng với các đơn giá khác nhau. Họ nhập nhèm đánh tráo tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác, những khoản lãi xuất khẩu kếch xù không chia nhau nổi ở trong nước thì cho nó “đi nước ngoài” ít tháng rồi vòng về bằng hàng. Thiếu gì cách dấu doanh thu và lợi nhuận. Họ làm bạc giả bằng cách không đốt huỷ bạc thật rách, để đổi đi đổi lại nhiều lần. Chi dăm bảy trăm ngàn đồng thì bàn đi bàn lại, chi hàng tỷ đồng thì lại “quyết” vui vẻ nhẹ nhàng. Buồn cười nhiều cuộc tổ chức đấu thầu rôm rả trong khi ở nội thất cồng bà đã quyết! Vân vân và vân vân... Kịch cuộc đời quả là lắm ngóc ngách và hay hơn kịch trên sân khấu nhiều! Những màn diễn đó sẽ còn tiếp tục lố lăng và nguy cơ biết chừng nào khi chưa xây dựng được một đội ngũ cán bộ công nhân viên ngày càng trong sạch và vững mạnh, khi chưa tạo ra được sự chênh lệch trí tuệ thật sự giữa trình độ quản lý kinh doanh, quản lý Nhà nước, trước các mưu toan thủ thuật của kinh tế ngầm. Thời hiện đại, có nước có cơ cấu lực lượng kinh tế ngầm bộc lộ đến mức làm khuynh đảo không khí chính trị và sức mạnh của bộ máy Nhà nước, dẫn đến chạm trán vũ lực. Chưa có dự báo nào lường hết được những gì nguy hiểm sẽ diễn ra khi hoạt động của bọn chúng đã bắt đầu đánh cắp và buôn lậu nhiên liệu hạt nhân. Chúng không làm được bom H những chúng có thể làm được bom A. Chúng không làm được tên lửa vượt đại châu nhưng chúng có xe tài để chở những quả bom A cỡ nhỏ. Vốn liếng làm một kíp vũ khí này không quá sức đối với chúng và chúng có USD giả. Có lẽ cũng không phải là cường điệu quan trọng hoá vấn đề khi nghĩ rằng trong tương lai, việc khủng bố tống tiền bằng cách sử dụng một số con tin trên máy bay chẳng hạn, sẽ quá nhỏ bé so với việc sử dụng con tin là hàng triệu người dân một thành phố, một địa phương. Đã có dấu hiệu của những sự phát triển tất yếu đầy tội ác. Đó là điều cần cảnh giác cho cả hành tinh. Và các quốc gia, các địa phương không thể nào coi thường mà phải nghiêm khắc ngăn chặn chúng, một khi lực lượng của chúng hãy còn ở quy mô có thể xử lý đỡ tốn kém hơn nhiều.
 
Kỳ sau: Kinh tế ngầm độc hại và tính phức tạp - hệ thống của nó

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511382

Hôm nay

245

Hôm qua

2336

Tuần này

21756

Tháng này

218255

Tháng qua

121356

Tất cả

114511382