Cuộc sống quanh ta

Giáo sư Lê Quang Long, người thầy, người anh của tôi

Tác giả Ngọc Phúc có viết một bài về anh với nhan đề: Lê Quang Long, vị giáo sư không có tuổi già. (Những người trong hoàng tộc nhà Nguyễn đi theo cụ Hồ. Nhiều tác giả. NXB Lao động. Hà Nội, 2009, tr, 217 – 220). Cũng với ý ấy nhưng tôi muốn diễn đạt có hình ảnh hơn, cũng không muốn dùng cụm từ “vị giáo sư”. Do một thói quen không biết hình thành tự thuở nào, với những bạn thân của ông anh ruột kề tôi, dù là người đã trực tiếp dạy tôi, trong quan hệ thân tình, tôi vẫn thích gọi và thường gọi bằng anh: anh Phan Ngọc (thầy dạy tôi ở Đại học duy nhất còn sống), anh Vương Đình Lương (đại biểu Quốc hội khoá I, dạy tôi ở ở trường tư thục Đậu Quang Lĩnh), anh Đinh Nho Liêm (dạy tôi năm lớp Nhất ngay sau Cách mạng Tháng Tám), anh Nguyễn Dương Khư, từng là Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục…Anh Khư  thân với anh tôi tới mức, tên họ anh vốn không phải là Nguyễn Dương, song vì anh tôi tên là Nguyễn Khắc Dương nên anh đã đổi tên họ như vậy. Anh tôi không thân với anh Long bằng anh Khư nhưng cũng khá thân nhau và đặc biệt tỏ ra rất mến mộ nhau. Sau ngày đất nước thống nhất, ngoài những lần gặp nhau, hai anh vẫn thường hỏi thăm nhau qua tôi.

Tôi học môn Sinh vật - bấy giờ gọi là Vạn vật - với anh Long cách đây 60 năm, vào năm học 1950 – 1951, lúc còn học lớp 8 Phan Đình Phùng, trường cấp III đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh. Khi Pháp đánh vào Huế - quê hương anh, anh đã cùng bà ngoại (vợ vua Thành Thái), một người em trai và ba em gái sơ tán ra Hà Tĩnh; ít lâu sau, anh được bố trí dạy ở Trường Trung học Trần Phú, một trong 2 trường trung học đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh đóng ở thị trấn Đức Thọ. Lê Quang Huỳnh, anh ruột kề anh, ra từ trước, đang dạy trường Trung học Phan Đình Phùng, đóng tại Thị xã Hà Tĩnh. Năm học 1947 – 1948, Trường Phan Đình Phùng sơ tán về xã Đại Thành, huyện Cẩm Xuyên, sau lại chuyển về Đức Thọ nhập với trường Trần Phú nhưng vẫn giữ tên cũ vì Phan Đình Phùng là trường cấp tỉnh. Như vậy , vốn là giáo viên trường Trần Phú, tự nhiên anh trở thành giáo viên trường Phan Đình Phùng (xin xem: 50 năm xây dựng và phát triển Trường Phan Đình Phùng. Hà Tĩnh, 1995, trang 13). Lịch sử trường ghi lại “nhẹ nhàng” như vậy song trong thực tế, hành trình của anh những năm 1947 – 1950 gian truân hơn nhiều. Do lí lịch gia đình anh “ phức tạp”, anh đã bị điều chuyển nhiều lần. Thầy Hoàng Ngọc Cang biết anh đã từng dạy Quốc học Huế, dù chỉ vài tháng, đã kéo anh về dạy trường Trung học Chuyên khoa ở Chợ Bộng (Đức Thọ); tình hình không ổn, anh lại được chuyển sang trường Trung học Nguyễn Công Trứ đang sơ tán ở Tân Hợp (Nam Đàn); cũng không ổn, anh lại được điều chuyển lên dạy trường Trung học Hương Khê khi anh Lê Quang Huỳnh cũng đã được điều về đó. Anh Huỳnh là người có tính cách phóng khoáng, tài tử còn hơn cả anh nên mọi việc gia đình, anh Long phải cáng đáng. Căng thẳng tinh thần vì phải điều chuyển công tác liên tục, lại chồng chất thêm chuyện nhà vất vả ( bấy giờ lương giáo viên trung học  chỉ được 38 cân gạo!). Trong một số bài viết về anh, rất tiếc là thời kì hoạt động rất có ý nghĩa này hầu như đã không được nhắc tới. Rất có ý nghĩa vì đây là thời kì anh đã pkải vượt qua bao gian khổ để xác định đường đi, vì không ít học sinh Trần Phú và Phan Đình Phùng những khoá đầu ấy sau này đã trở thành những nhà hoạt động chính trị, xã hội, quân sự và khoa hoc, giáo dục thành đạt, trong đó có công đóng góp của anh, một người thầy tiêu biểu trong thế hệ giáo viên đầu tiên ở các cấp trung học dưới chế độ mới. Những lần gặp nhau, cựu học sinh trường Trần Phú và Phan Đình Phùng vẫn thường ôn lại kỉ niệm về các thầy cũ, trong đó thường không bao giờ thiếu những câu chuyện có thật mà dường như đã trở thành giai thoại về các giờ giảng sinh động và tài hoa của anh. Bạn thì kể chuyện anh minh hoạ một lúc bằng hai tay những hình không có hai phần đối xứng, bạn thì kể chuyện anh thường ngoặt tay ra phía sau vẽ hình minh hoạ trong khi vẫn ngoảnh mặt về phía học sinh giảng như bình thường, bạn thì nhắc lại chuyện anh thỉnh thoảng dùng những câu ca dao, tục ngữ, thậm chí cả  Truyện KiềuChinh phụ ngâm để khắc hoạ những kiến thức sinh học. Bọn nam lớp tôi hồi ấy hầu hết ở tuổi “thập lục” nên rất quái, giờ ra chơi khi các bạn nữ ra ngoài, không ít lần tìm cách lưu anh ở lại để hỏi linh tinh đủ thứ, kể cả những chuyện bấy giờ bị coi là cấm kị nhưng nay đã đưa vào chính thức trong chương trình phổ thông!

        Ra Hà Nội, tôi học ĐHSP Văn, còn anh thì từ năm 1955, sau khi tốt nghiệp Sư phạm cao cấp ngành Sinh học ở Nam Ninh (Trung Quốc), được phân công về dạy ở Khoa Sinh ĐHSP Hà Nội và trở thành một trong những cán bộ giảng dạy Sinh học đầu tiên của nền Đại học còn non trẻ của nước ta. Dầu không được học với anh nhưng qua bạn bè học ở Khoa Sinh và sau này công tác ở Khoa Sinh, tôi cũng biết được những đóng góp của anh đối với với sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học và hoạt động kĩ thuật. Tôi hết sức vui mừng khi biết anh cùng với anh Phan Cự Nhân và Phan Nguyên Hồng, học trò của anh và bạn của tôi ở trường Phan Đình Phùng, là 3 người đã bảo vệ thành công Luận án bồi dưỡng Cấp II tương đương với Luận án Phó tiến sĩ của Liên Xô đầu tiên của Việt Nam trong điều kiện không có thầy hướng dẫn khoa học và thiếu tài liệu chuyên khảo cũng như trang thiết bị hiện đại trong hoàn cảnh kháng chiến cứu nước. Càng vui mừng hơn khi biết với riêng anh, “cá vượt được ba bậc ở Vũ Môn” rất không dễ dàng. Hoàn thành được luận án đã khó, được ghi vào danh sách cho bảo vệ cũng gay go! Được bảo vệ luận án Phó tiến sĩ đầu tiên trong nước là một vinh dự đặc biệt, người tham dự phải bảo đảm mọi tiêu chuẩn theo quan niệm thời ấy. Vì lí lịch gia đình anh quá “phức tạp” nên một vài người có trách nhiệm trong khoa đã công khai bày tỏ ý kiến không đồng ý để cho anh bảo vệ. May thay, GS. Nguyễn Cảnh Toàn, hiệu trưởng nhà trường, người sáng suốt đề xướng chủ trương này, kiên quyết bảo vệ anh, GS. Tạ Quang Bửu cũng nhiệt tình ủng hộ anh:

 “Tôi lên gặp anh Bửu để xin được chỉ dẫn, anh cười hỏi: Thèm mác Phó Nghè à?

Tôi thanh minh: Đâu có anh! Chỉ là thi lấy “giấy thông hành” để được quyền dạy đại học và nghiên cứu hợp pháp thôi. Bạch vệ như tôi, lại thiếu lá bùa này, bấp bênh lắm, anh ạ!

Anh Bửu lại hỏi: Đủ sức làm không?

Tôi đáp: Đủ, nếu chỉ phải vật lộn với luận án, không phải chống chọi thêm với người!

Anh Bửu trầm ngâm một phút rồi nói: Toàn là một người giỏi, có hoài bão và có dũng khí, khi chọn Long chắc đã cân nhắc kĩ.

Anh lại nhìn tôi và nheo mắt cười, nhại giọng Huế: Vậy thì mệ cứ làm, hè!” (Lê Quang Long. Hồi kí trong sách TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI mở đầu đào tạo tiến sĩ ở trong nước. NXB Đại học Sư phạm. Hà Nội, 2009, trang 55).

  Đến khâu bảo vệ cũng chẳng thuận buồm xuôi gió vì đã dấy lên đâu đó một xu thế phản bác luận án của anh. Kết quả là thư kí Hội đồng chấm luận án đã tập hợp được 200 thiếu sót của bản luận án từ những người phản biện và các bản góp ý trong khi có 13 trả lời của các nhà khoa học và cơ quan khoa học của Liên Xô về bản Tóm tắt luận án thì tất cả đều tán thành luận án của anh là tốt, trong đó có 5 nhận xét là rất tốt, “vượt quá mức luận án Phó tiến sĩ ở Liên Xô”. Trong buổi bảo vệ, với một thái độ khách quan và bản lĩnh của một nhà khoa học, anh đã thừa nhận một số hạn chế của luận án, đồng thời cũng thẳng thắn trao đổi lại một cách thuyết phục với những nhận xét mà anh cho là không chính xác. Chẳng hạn, với nhận xét của GS. phản biện I cho rằng số liệu trong luận án của anh là thiếu trung thực vì đã có một sự trật khớp giữa nhiệt độ thấp mà cá rô phi đã phải chịu đựng trong các đợt gió mùa qua mấy mùa đông liền tôi nghiên cứu ở Hà Nội với nhiệt độ Đài Khí tưọng Láng đã thực tế ghi được ở các thời điểm tương ứng, anh đã bình tĩnh trả lời: “Kính thưa Hội đòng!...Các nhiệt độ của Đài Láng được ghi ở đâu? Ở trong không khí, cao hơn mặt đất một mét. Còn tôi thì nghiên cứu cá, nên dĩ nhiên ghi nhiệt độ của nước, thấp hơn mặt ao một mét…Khi gió mùa tràn về, nhiệt độ không khí thường lạnh xuống trước còn nhiệt độ nước thì mãi 5 – 10 giờ sau mới lạnh theo. Còn khi đợt gió mùa chấm dứt, thì nhiệt độ không khí ấm lên trước, một thời gian dài sau nhiệt độ nước mới ấm theo…”

Sau khi anh phát biểu, “Hội trường im lặng trong một phút rồi bỗng oà lên những tiếng cười vui sảng khoái và lác đác tiếng vỗ tay. Tôi thấy anh Thái Văn Trừng quay sang người bên cạnh và nói to: “Khá lắm! Thế mới gọi là bảo vệ luận án chứ!” ( TRƯỜNG ĐHSP HÀ NỘI mở đầu đào tạo TS trong nước , Sdd, trang 60)

Về thành tích nghiên cứu khoa học, hoạt động kĩ thuật của anh trước và sau khi bảo vệ luận án, trong phạm vi một bài báo, không thể phản ánh hết vì quá đa dạng và phong phú, vả lại cũng đã được một số tài liệu đề cập, ở đây chỉ nhấn mạnh một một vài nét tiêu biểu. Anh đã viết ngót 100 đầu sách, chỉ riêng trong những năm về hưu gần đây, đã viết trên 50 đầu sách, trong đó có các Giáo trình đại học và chuyên đề sau đại học, nhiều sách tham khảo và phổ biến sinh học. Về khoa học cơ bản, công trình đáng nói nhất của anh là cuốn Hoá điện phản xạ và trí nhớ xuất bản năm 1973 và được tái bản năm 2003. Trong Lời giới thiệu, GS. Tạ Quang Bửu đã nêu bật ưu điểm của cuốn sách:”Tôi đã đọc từ trang đầu đến trang cuối. Vì sách viết rất rõ ràng và rất hấp dẫn về những vấn đề quan trọng nên tôi đã đọc một mạch và sau khi đọc xong, sách để lại cho tôi một cảm giác thoải mái là đã tiếp thu được rất nhiều mà không phải lao động nhiều lắm”. Với NXB Giáo dục Việt Nam, anh là một trong những tác giả viết nhiều sách nhất, trong đó có những cuốn được tái bản nhiều lần, có cuốn được giải sách hay, sách đẹp, là tác giả cộng tác với nhiều bộ phận nhất, từ ban Sinh, ban Tiểu học, Công ti cổ phần Sách dân tộc đến Công ti cổ phần Sách dịch và Từ điển giáo dục…Anh cũng là một trong không nhiều tác giả luôn bảo đảm đúng kì hạn đã ghi trong hợp đồng, luôn có thái độ nhẹ nhàng, lịch lãm đối với đội ngũ biên tập viên. Anh đã viết khá nhiều bài báo đăng ở các tạp chí khoa học của nước ngoài. Anh là một trong những nhà khoa học đã nêu gương trong việc áp dụng những kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống. Hàng chục công trình nghiên cứu của anh đã góp phần nâng cao sản lượng cá rô phi, anh đã viết 5 công trình về việc thụ tinh cho lợn, đặc biệt đã tham gia 3 đề tài nghiên cứu “tuyệt mật” của Bộ Quốc phòng…Trong nhiều cuộc hội nghị quốc tế về Sinh học ở Việt Nam, anh không chỉ luôn có báo cáo mà còn nhiều lần được giao nhiệm vụ tham gia ban tổ chức hội nghị. Còn có thể gọi anh là nhà dịch thuật. Vì anh biết đến 8 thứ tiếng, nên anh có nhiều công trình dịch “xuôi” cũng như “ngược”, lại không chỉ về môn Sinh mà còn có cả Văn, Sử, Địa…Năm 2006, bản dịch cuốn hồi kí 300 trang của Đặng Văn Việt, một người bạn thân của anh và cũng là một nhà chỉ huy quân sự có tiếng của Việt Nam, ra tiếng Pháp của anh có nhan đề là Souvenirs d’un colonel Viet minh ( Những kỉ niệm của một đại tá Việt Minh), đã được NXB Indo xuất bản tại Pháp.

Dồn không biết bao nhiêu tinh lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học và kĩ thuật, anh vẫn không quên nghề chính của mình là dạy học. Kể từ năm 1946 lại nay, anh đã dạy liên tục từ cấp 2, cấp 3 đến đại học, sau đại học, không chỉ ở Hà Nội mà hầu như khắp đất nước và cả ở ngoài nước. Chuyện đi dạy ngoài nước của anh có khi lại cũng không dể dàng. Lần đi dạy ở Madagascar, mặc dầu được Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình rất ủng hộ, hồ sơ của anh vẫn phải chuyển lên cấp cao hơn mới giải quyết xong được thủ tục. 85, 86 tuổi. anh vẫn nhận lời đi dạy ở Quy Nhơn, Cần Thơ, Vinh, Đồng Tháp…Những giờ dạy của anh ở Đại học vẫn cuốn hút như ở Phổ thông ngày nào, song lên Đại học, anh đã tập trung váo 2 khâu chính của phương pháp giảng dạy là phát huy cao độ tinh thần độc lập suy nghĩ của sinh viên và sử dụng thiết bị dạy học, công nghệ tin học. Cũng dùng Overhead nhưng phần lớn chỉ biết hoặc chỉ thích dùng những mẫu chiếu sẵn có song anh lại chỉ dùng những “mẫu” tự chế tạo, cho đến nay đã có đến hàng nghìn. Thật cảm động là tuổi ngoài 80, bất cứ đi dạy đâu, dù là đi ô tô, tàu hoả hay máy bay, người ta vẫn thấy anh mang theo lích kích đủ các thiết bị dạy học! Anh đã hướng dẫn thành công 7 luận án tiến sĩ, nhiều luận văn thạc sĩ trong đó có 4 cho sinh viên nước ngoài.

Một người có hoàn cảnh thuận lợi về mọi mặt làm được nhiều việc như anh đã là rất đáng khâm phục, huống chi với anh, luôn có những vật cản (khách quan và chủ quan) trên con đường công tác. Năm 1985, tôi có dịp cùng anh đi thực tập tại Liên Xô. Khi dừng chân ở Đại sứ quán Việt Nam , nhân nhắc lại những chuyện xưa, anh trầm ngâm nói với tôi: “Em ạ, ở ĐHSP Hà Nội, chắc rằng anh là người duy nhất không được hưởng niềm vui đoàn tụ gia đình trong ngày đất nước thống nhất”. Anh không nói gì cụ thể hơn nhưng càng về sau, khi dần biết rõ hơn hoàn cảnh gia đình anh, tôi càng thấm hơn nỗi đau ẩn chứa trong câu nói ngắn gọn ấy. Quanh cuộc đời anh, quả có nhiều chuyện lạ, một số gần như giai thoại mà càng biết càng thấy thương anh, cảm phục anh. Hồi học ở cấp 3, tôi chỉ biết láng máng là anh Lê Quang Huỳnh đã đi sang “phía bên kia”, rồi sau đó các thành viên của gia đình anh sơ tán ra Hà Tĩnh, đều lần lượt về Huế, chỉ một mình anh ở lại. Chắc rằng hồi đó anh đã phải dằn vặt nhiều lắm. Gần đây, đọc hồi kí của anh, tôi thật không nén nổi xúc động vì không tưởng tượng nổi là anh lại xuất thân từ một gia đình trên cả loại “lá ngọc cành vàng”, “danh gia vọng tộc”:

“Tôi sinh ra ở Huế, trong một gia đình Hoàng tộc - đại quan lại. Công chúa Công nữ Lương Diên, con gái thứ chín của vua Thành Thái, là mẹ tôi. Bà cũng là chị ruột của vua Duy Tân - chị họ của vua Bảo Đại. Hồi còn trẻ bà ở trong cung cấm. Sau khi vua cha (Thành Thái) và vua cậu (Duy Tân) âm mưu chống Pháp bị bại lộ, hai người bị đày ra đảo Réunion (Châu Phi), mẹ tôi thoát khỏi cung cấm, ra ngoài ở và gặp vị phò mã là cha tôi. Hai người đã thành hôn. Bố tôi làm quan từ nhỏ đến lớn, làm đến chức Tuần phủ (Ninh Thuận), Thượng thư, Thủ hiến của 16 tỉnh miền Trung. 7 anh và em tôi đều làm to trong chế độ cũ. Sau khi miền Nam được giải phóng, đại gia đình tôi di tản sang California, bị Mĩ hoá và ngày nay đã định cư yên ổn, đông đúc bên kia bờ Thái Bình Dương, trên đất nước Hoa Kì”. Hèn chi, khi anh sang Mĩ thăm gia đình lần đầu, không ít người nghĩ rằng anh sẽ không trỏ về nữa! Xin hãy đọc phần cuối bài hồi kí, coi như lời giải đáp sự nghi ngờ ấy:

 “Có lần sang thăm nước Mĩ, một số anh em hỏi tôi:

-“Mệ theo cách mạng suốt đờimệ được cái gì?”

Tôi trả lời:

-“Theo cách mạng tôi được cái danh là”nhà giáo yêu nước”

-Vậy mệ qua đây với bà con, anh em - Mệ không thiếu dollars – nhà cao cửa rộng mô!”

Tôi mỉm cười và không trả lời.

Giữa cái được và cái mất,tôi đã được nhiều hơn mất

Tôi đã được cả giang sơndân tộc, độc lậpthống nhất.

Văng vẳng từ xa vọng đến lời ca:

Ta về ta tắm ao ta

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn

(Một bước vào Trường Thanh niên Tiền tuyếnsuốt đời theo Cách mạng. trong sáchTrường Thanh niên Tiền tuyến Huế 1945 - một hiện tượng trí thức và cách mạng. NXB Công an nhân dân . Hà Nội, 2008, trang 253 – 257).

Quan hệ giữa anh với gia đình làm cho tôi liên tưởng tới con đường đi của văn hào Lỗ Tấn. Cù Thu Bạch từng giải thích rằng, sở dĩ Lỗ Tấn trở thành kẻ nhị thần nghịch tử của giai cấp phong kiến Trung Quốc là vì, cũng như anh chàng Rơmuýt trong thần thoại phương Tây, vì được nuôi dưỡng bằng một giòng sữa khác lạ nên đã sớm có những đặc tính khác lạ so với nguồn gốc xuất thân. Sau khi đỗ Tú tài toàn phần ở Huế, Lê Quang Long ra Hà Nội học Đại học Y khoa. Nhật đảo chính Pháp, trường Y đóng cửa, anh lại trở về Huế. Được tin thầy Tạ Quang Bửu và luật sư Phan Anh mở trường Thanh niên Tiền tuyến, anh xin gia nhập. Trường học quân sự này là một hiện tượng lịch sử độc đáo rất đáng được nghiên cứu. Nói như GS. Đinh Xuân Lâm, đây “là một trường xanh vỏ đỏ lòng, bên ngoài là một trường thuộc Bộ Thanh niên của Chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng bên trong là một trường đào tạo các chỉ huy quân sự để phục vụ Tổ quốc”( Lời giới thiệu cuốn Thanh niên Tiền tuyến Huế. Sđ d, trang 8 -9). Không phải ngẫu nhiên mà khi Cách mạng Tháng Tám thành công, hầu hết học sinh trường này đều bị cuốn hút theo dòng thác cách mạng, phần lớn đã trở thành anh lính cụ Hồ, nhiều người trỏ thành tướng lĩnh và cán bộ cao cấp trong quân đội Việt Nam (xin xem: Hai Bộ trưởng Quốc phòng và 8 vị tướng từ một ngôi trường. Báo Tiền phong chủ nhật số ra ngày 20 tháng 11 năm 2005). Lê Quang Long cũng không phải là ngoại lệ. Sau khi tham gia giải phóng Huế, anh cùng 4 bạn khác được phái sang Lào ở bên cạnh Hoàng thân Xuphanuvông, vừa làm cố vấn quân sự, vừa làm bảo vệ. Hồi kí của anh cho chúng ta biết: “Qua một vài trận đấu (gần Viêng Chăn, 1946), tôi bị đạn xuyên qua bụng, qua bắp chân. Hoàng thân đã tự mình đưa tôi đến bệnh viện, chỉ thị cho việc cứu chữa. Viên đạn trong bụng vẫn chung sống cùng tôi cho đến nay. Thật là một kỉ niệm sâu sắc đáng ghi nhớ của cuộc đời tôi” (Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế 1945. Sdd, tr.255).

35 năm sau, anh lại phải giải phẫu bụng một lần nữa, nhưng trên đất Cămpuchia. Đang lúc thỉnh giảng tại Trường Đại học Sư phạm Phnôm Pênh, anh bị thủng dạ dày phải mổ cấp cứu. Gay go là máu anh thuộc loại hiếm nên các chuyên gia Việt Nam, kể cả thầy Nguyễn Lân, anh Hoàng Thiếu Sơn … đều phải thử máu; hình như đến bây giờ anh cũng chưa biết chị Hoà, cô chuyên gia trẻ dạy tiếng Việt ở Trường Đại học Sư phạm Phnôm Pênh lúc ấy – nay là vợ của GS, Phan Trọng Luận – là người đã hiến máu cứu anh! Lại một kỉ niệm đặc biệt nữa đến với anh: chẳng hiểu ai báo tin, đồng chí Hun Xen, ở Việt Nam về vừa xuống sân bay Pôchentông, đã đi thẳng vào bệnh viện thăm anh. Đồng chí càng xúc động khi biết người con trai của anh cũng là lính tình nguyện vừa tham gia chiến dịch giải phóng Phnôm Pênh. Dĩ nhiên là anh không hề cho biết chính người con trai ấy sau khi về nước không lâu đã ra đi một cách quá đột ngột, dữ dằn như do một trò đùa của số phận! Anh có hai người con trai, người con trai đầu đã qua đời vì bệnh tật ở Việt Bắc khi anh vừa mới ở Trung Quốc về nước.

Đúng 85 tuổi, anh lại lên bàn mổ, lần này ở Việt Nam nhưng cũng không kém phần đặc biệt. Đau bụng dữ dội, con gái lại đi công tác xa, anh đành để mọi người chuyển đến bệnh viện gần nhất. Chẩn đoán mãi không ra căn bệnh, may có người ở bộ phận cấp cứu quen GS. Nguyễn Lân Dũng. Được tin, GS. Dũng cùng một số GS. khác đều là học trò của anh, vào đề nghị bệnh viện thực hiện phẫu thuật. Vết mổ mở rộng dần, cuối cùng phát hiện được là anh đau ruột thừa! Thì ra, lúc mổ dạ dày ở Cămpuchia, khi sắp lại phủ tạng sau phẫu thuật, các bác sĩ đã đặt nhầm chỗ ruột thừa, từ bên phải chuyển sang bên trái nên gây khó khăn cho việc chẩn đoán!

 

Đầu năm 2011 này, tôi lại biết thêm một thông tin cũng vào loại đặc biệt về anh mà chắc rằng những sinh viên Sinh học khoá đầu của anh cũng chưa biết: anh vốn là dân tú tài Văn -  Triết (Philo – Lettres), từng dạy Văn ở Quốc học Huế và từng dự lớp bồi dưỡng giáo viên Văn tại Huế do nhà văn – nhà giáo Hoài Thanh phụ trách! Thảo nào từ năm 1957, anh đã nhận được giải văn học nghệ thuật toàn quốc với tác phẩm dịch Vichia Ma lê ep ở nhà và ở trường của Liên Xô! Thảo nào lời văn dịch “xuôi” của anh, bất kể là về môn học nào cũng rất dễ hiểu, thanh thoát nhẹ nhàng!

Tôi muốn dành phần cuối để nói về điều lạ này của anh: một nhà giáo trung thành với cách mạng như thế, tận tuỵ suốt 65 năm với nghề nghiệp như thế, có đóng góp to lớn với sự nghiệp khoa học kĩ thuật như thế, cho đến nay vẫn chưa nhận được một danh hiệu nào, dù là danh hiệu Nhà giáo ưu tú! Xét ở tầm vĩ mô, tôi nghĩ không nên để sót những người đáng được vinh danh. Cần có quan niệm thoáng về cái gọi là cơ sở đề nghị. Có thể là ĐHSP Hà Nội, cũng có thể là Hội Sinh lí học Việt Nam, là Hội Cựu giáo chức, thậm chí cũng có thể là Hội đồng môn lớp Vạn I, khoá sinh viên Sinh học đầu tiên của nước ta, trong đó đã có không ít học trò của anh Long nay đã trở thành những cán bộ khoa học đầu đàn. Với những người có đóng góp lớn như anh Lê Quang Long, cũng không nhất thiết là phải có danh hiệu Nhà giáo ưu tú đã mới được đề nghị phong Nhà giáo nhân dân.  

     Việc phong danh hiệu, đối với cá nhân người được phong, không có ý nghĩa bằng đối với tập thể, đối với hậu thế. Giáo dục là Quốc sách, những nhà giáo lão thành đã có công lao đặt nền móng cho nền giáo dục cách mạng, đã đi tiên phong trên các lĩnh vực và hình thức đào tạo mới như anh Lê Quang Long cần được vinh danh xứng đáng. Anh Long đã tự tặng cho mình danh hiệu Nhà giáo yêu nước khi trả lời bà con họ hàng đang sinh sống ở Mĩ. Anh Ngọc Phúc đã tặng anh danh hiệu Vị giáo sư không có tuổi già. Cô giáo Minh Ngọc, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định, tặng anh danh hiệu Người tiếp lửa. Cô giáo Ngọc tâm sự: “Cuộc đời không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Chúng ta có những phút giây vinh quang, nhưng cũng không ít những lúc thất bại và đau khổ. Tôi đang chập chững bước những bước đầu tiên trong cuộc đời của nghề nhà giáo. Và tôi luôn mang trong tim lời dạy của thầy:

                                                   “Money lost, nothing lost

                                                     Honour lost, much lost

                                                    Hope lost, everything lost

                                     Nghĩa là:

                                                  “Tiền mất, không có gì mất

                                                   Danh dự mất, nhiều thứ mất

                                                    Hi vọng mất, mất tất cả!”

 (TRƯỜNG ĐHSP HÀ NỘI mở đầu đào tạo tiến sĩ trong nước. Sdd, trang 80)

Anh Lê Quang Long là người như vậy đó!  Luôn giữ ngọn lửa trong trái tim mình và luôn muốn tiếp lửa cho bao thế hệ học trò; luôn ủ ấp hi vọng đẹp đẽ và luôn muốn truyền niềm hi vọng bất diệt ấy cho bao thế hệ trẻ.

Chính ngọn lửa ấy, niềm hi vọng ấy đã làm cho sức xuân còn mãi ở trong anh!

 

HN, 2011

................

P/S; giáo sư, NGND Lê Quang Long đã từ trần ngày 30 tháng 6 năm 2017 tại Hà Nội.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528510

Hôm nay

2166

Hôm qua

2291

Tuần này

2783

Tháng này

215206

Tháng qua

0

Tất cả

114528510