Cuộc sống quanh ta

An ninh con người trong mối quan hệ với an ninh quốc gia, phát triển con người và quyền con người

1. Mối quan hệ giữa an ninh con người và an ninh quốc gia

Khái niệm an ninh quốc gia phản ánh nhu cầu bảo vệ lãnh thổ và chế độ chính trị trước các mối đe dọa chủ yếu xuất phát từ bên ngoài và mang tính quân sự. Trong khi đó, khái niệm an ninh con người lại phản ánh nhu cầu bảo vệ các cá nhân và các cộng đồng cụ thể trước các mối đe dọa chủ yếu xuất phát từ chính môi trường sống xung quanh họ, là các mối đe dọa phi quân sự. Khái niệm an ninh quốc gia cũng hàm ý rằng nhà nước là người bảo vệ chính, trong khi đối với khái niệm an ninh con người thì nhà nước, xã hội, cộng đồng và mỗi cá nhân đều cần và phải tích cực tham gia bảo đảm an ninh cho mình. Cho dù cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm (people-centered) của an ninh con người khác với cách tiếp cận lấy quốc gia làm trung tâm (state-centered) của an ninh quốc gia, nhưng khái niệm an ninh con người không những không mâu thuẫn với khái niệm an ninh quốc gia, mà trái lại còn bổ sung cho khái niệm an ninh quốc gia vốn thiên về bảo vệ lãnh thổ và chế độ chính trị. Silva Guilherme (2011) trong “Human Security and Sovereignty: Polar Opposites or Simply Nodes in Network” cho rằng, an ninh quốc gia và an ninh con người có thể phối hợp, bổ sung cho nhau như những điểm nút trong một mạng lưới các vấn đề an ninh rộng lớn, mà nếu thiếu đi bất cứ điểm nút nào cũng có thể khiến tấm lưới an ninh bị rách tung. Gerd Oberleitner (2005) lập luận rằng, trong các xã hội hiện đại ngày nay, các cộng đồng, tổ chức xã hội dân sự có thể và cần phải đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp với chính quyền để tự bảo vệ an ninh cho mình.

Thể chế nhà nước và thể chế dân sự bổ sung cho nhau trong việc đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh cá nhân, nhưng cũng có thể xung đột với nhau. Bản thân quốc gia hay nhà nước có thể đóng vai trò nhà cung cấp an ninh quan trọng nhất đối với mỗi công dân, nhưng cũng có thể trở thành mối đe dọa đối với an ninh con người trong trường hợp chính quyền thi hành các chính sách đàn áp, cấm đoán trái pháp luật. Một số quan niệm cho rằng an ninh quốc gia cũng có thể làm suy yếu an ninh con người bằng cách biện hộ vì lợi ích an ninh quốc gia, từng bước hình thành và kiên quyết đi theo tầm nhìn thiển cận về chủ quyền quốc gia, dẫn tới việc cắt bỏ mối quan tâm đến lợi ích về an ninh con người của các nạn nhân, cho dù, “thật mỉa mai, chính an ninh con người - không chỉ của tập thể là quan trọng mà còn của cá nhân - cũng dẫn tới an ninh cho quốc gia” (Louise Arbour, Cao ủy Liên hiệp quốc về Quyền con người, 2005). Từ góc độ lý thuyết, tranh cãi gay gắt cũng nảy sinh giữa đại diện các nước phát triển và nhiều nước đang phát triển về ranh giới giữa an ninh quốc gia và an ninh con người, giữa cứu trợ nhân đạo và can thiệp nhân đạo trong các tình huống mất an ninh con người, hay ranh giới của quyền và trách nhiệm của các chính phủ và của các tổ chức quốc tế trong việc bảo đảm an ninh con người. Bất đồng cũng nảy sinh liên quan đến việc cái gì được xem là đe dọa đối với an ninh con người. Chính vì vậy, việc đưa khái niệm an ninh con người vào chương trình nghị sự quốc tế đã gây không ít va chạm với các quan điểm truyền thống về chủ quyền quốc gia. Mâu thuẫn chính xuất phát từ việc một số nước phát triển lợi dụng khái niệm an ninh con người vào mục đích chính trị. Trên thực tế, tình trạng bất ổn bên trong một số quốc gia đang phát triển có thể bị thổi phồng thành các “thảm họa nhân đạo” do “thất bại của các nhà nước”. Điều này có thể được sử dụng như cái cớ để đưa vấn đề mất an ninh con người ra các tổ chức quốc tế, thậm chí Liên hiệp quốc (LHQ) nhằm gây áp lực, tiến tới cô lập, bao vây cấm vận, tiến hành can thiệp nhân đạo, thậm chí can thiệp quân sự lật đổ các chính thể tại các quốc gia có chủ quyền. Học giả Lloyd Axworth (2001), nguyên ngoại trưởng Ca-na-đa còn nhấn mạnh trường hợp NATO ném bom Nam Tư vào năm 1999 như ví dụ điển hình của can thiệp nhân đạo bằng quân sự. Chính vì vậy, một số nước đang phát triển vẫn giữ thái độ nghi ngại đối với việc đưa an ninh con người vào chương trình nghị sự chính thức như “con ngựa thành Tơ-roa”. Mặc dù vậy, thành công của nhiều chiến dịch cứu trợ nhân đạo, gìn giữ hòa bình của LHQ đã chứng tỏ an ninh con người không mâu thuẫn với an ninh quốc gia, điều quan trọng là cần xóa bỏ những mập mờ trong thẩm quyền thực hiện các chiến dịch này. Kết quả của bốn cuộc thảo luận lớn tại Đại hội đồng LHQ[1] cho thấy, các quan ngại về nội hàm khái niệm an ninh con người từng bước được thu hẹp cùng với đòi hỏi xác định rõ quyền can thiệp nhân đạo của cộng đồng quốc tế được đáp ứng. Tuy nhiên, các tranh luận và bất đồng cũng chứng tỏ, LHQ cần đẩy mạnh hơn nữa các cuộc thảo luận để sớm đi đến sự đồng thuận chung về vấn đề an ninh con người.

 

Trên thực tế, hoạt động bảo đảm an ninh con người, nếu được tổ chức và định hướng chính sách rõ ràng thì không những không thách thức vai trò của nhà nước, mà trái lại, có thể bổ khuyết cho vai trò đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của nhà nước, các hoạt động bảo đảm an ninh con người của các cộng đồng dân cư, đoàn thể và cá nhân có thể phối hợp với chính quyền để cùng xử lý hiệu quả các mối đe dọa đối với cuộc sống của con người. Vấn đề là ở chỗ, ở nhiều nước trên thế giới trong một thời gian dài, nhà nước đã luôn là người đảm bảo an ninh duy nhất và cuối cùng cho mọi người, và ngược lại, mọi người đã quá quen thuộc với việc tự nguyện trao an ninh, an toàn của mình, gia đình và cộng đồng vào tay nhà nước. Do có định hướng chính sách rõ ràng nên các học giả và tổ chức an ninh con người thường có xu hướng hợp tác chặt chẽ với các tổ chức chính phủ trên thế giới để cùng tìm kiếm các giải pháp phối hợp, lồng ghép nỗ lực của các chính phủ và các tổ chức dân sự nhằm xử lý hiệu quả và đầy đủ hơn các mối đe dọa an ninh. Chính bà Sadako Ogata cũng từng tuyên bố: an ninh con người là về hành động thực tiễn - tức là giúp đỡ người dân - chứ không phải là lý thuyết hóa. Mối quan hệ giữa an ninh con người và an ninh quốc gia ngày càng thể hiện rõ ràng hơn. Lý do đầu tiên là vì các tổ chức hiện tại của LHQ đang thực thi một cơ chế đảm bảo an ninh con người dựa vào các giả định về an ninh quốc gia (Ogata, 2001:4). Thứ hai là sự phối hợp với các lực lượng an ninh nhà nước lại rất cần thiết đối với an ninh con người ở cấp quốc gia. Lý do thứ ba là các quốc gia thường xuyên đầu tư nguồn lực đáng kể trong dự đoán các mối đe dọa an ninh, bao gồm an ninh con người và an ninh quốc gia. Các báo cáo năm 2001 của Ủy ban Hart-Rudman về An ninh quốc gia Mỹ không chỉ chủ trương đầu tư vào giáo dục như một phần của chiến lược an ninh quốc gia, mà còn liên hệ tới sự thịnh vượng của những người sống ngoài lãnh thổ nước Mỹ như là sự giàu có về vật chất và xóa đói giảm nghèo. Thúc đẩy chủ nghĩa đa nguyên chính trị, tự do tư tưởng, ngôn luận và tự do cá nhân, đảm bảo an ninh con người không chỉ là các mục tiêu vốn có trong nguyên tắc của Mỹ, nó còn là những mục tiêu thực tế nhằm đảm bảo chống lại bạo lực và tội ác trên thế giới, đảm bảo an ninh quốc gia (Sabina Alkire, 2003). Việc mở rộng các quyền con người và điều kiện vật chất cơ bản sẽ tạo thành một bức tường thành vững chắc chống lại bạo lực và tội ác (United States Commission on National Security 21 st Century, 2001:5).

2. Mối quan hệ giữa an ninh con người và phát triển con người

An ninh con người không tách rời, mà gắn liền với phát triển con người. Hai khái niệm này có cùng cách tiếp cận - lấy con người làm trung tâm, cá nhân con người làm đối tượng quy chiếu, cùng lấy con người làm mục tiêu (chứ không phải phương tiện), đều có tính chất đa chiều cạnh và bổ sung cho nhau. An ninh và phát triển đều có nhiều cấp độ tùy thuộc vào chủ thể xã hội: quốc tế hay toàn cầu, quốc gia, cộng đồng, cá nhân. Tính chất đa chiều của an ninh và phát triển được quyết định bởi tính chất đa chiều cạnh của bản thân các chủ thể xã hội đó.

An ninh con người là điều kiện cần, là nền móng, bộ khung cho sự phát triển con người, còn phát triển con người lại góp phần đảm bảo, củng cố nền móng an ninh con người; mất an ninh con người tất yếu sẽ hủy hoại sự phát triển con người, còn không có sự phát triển con người tất yếu sẽ dẫn đến mất an ninh con người. Theo Astri Suhrke (1999), điểm then chốt nhất trong mối quan hệ giữa hai lý luận an ninh con người và phát triển con người nằm ở chỗ phát triển con người là lý luận rộng hơn và được xác định như quá trình không ngừng mở rộng các lựa chọn của con người, trong khi an ninh con người hàm ý rằng người dân có thể thực hiện được những lựa chọn đó một cách an toàn và tự do. Nói cách khác, an ninh con người có ý nghĩa sống còn đối với phát triển con người vì nếu không có sự ổn định và an ninh tối thiểu trong cuộc sống hàng ngày thì không thể có sự phát triển của con người. Những rủi ro, đe dọa an ninh con người làm sụt giảm năng lực của con người, hạn chế khả năng lựa chọn, xói mòn nền tảng phát triển con người. Hơn thế nữa, bản thân kết cấu an ninh con người phải thay đổi tùy thuộc vào mức độ phát triển con người, cũng như từng mức độ phát triển con người muốn duy trì tính bền vững đều phải dựa trên một kết cấu an ninh con người phù hợp tương ứng. Những bước tiến trong phát triển con người, sự phát triển dài hạn cải thiện cuộc sống về kinh tế, xã hội, thường góp phần trực tiếp hay tạo điều kiện gián tiếp củng cố an ninh con người và ngược lại, việc đảm bảo an ninh con người tốt hơn cũng tạo điều kiện để phát triển con người an toàn và bền vững hơn. Vì thế, không có sự tách biệt giữa phát triển và an ninh con người theo cả nghĩa trạng thái lẫn quá trình. Chính vì thế, hai khái niệm này được xem như bổ sung cho nhau. Các chiều cạnh của an ninh con người, vì thế, cũng gần như tương đồng với các chiều cạnh phát triển con người như đói nghèo, bệnh tật, phúc lợi. Có thể nói, việc sử dụng khái niệm an ninh con người đã bổ sung một chiều cạnh mới cho khái niệm phát triển con người - chiều cạnh đảm bảo sự bền vững, an toàn cho sự phát triển. An ninh con người mang đặc trưng bao trùm (inclusiveness), hàm ý rằng không một ai, cho dù ở đâu và địa vị như thế nào, đều không bị loại trừ khỏi môi trường an ninh chung. Khái niệm an ninh ở đây không còn mang tính thống kê, theo quy luật số lớn, tức là an ninh cho đa số, mà là an ninh cho từng cá thể con người và do đó cho tất cả mọi người. Cái đánh đổi ở đây là tất cả mọi người cho đến từng cộng đồng, từng cá nhân, không chỉ trông chờ vào sự bảo vệ của chính quyền mà đều có trách nhiệm và quyền hạn tham gia bảo đảm an ninh cho chính mình và cho mọi người. An ninh con người hướng mạnh đến bốn cụm (clusters) nội dung: đánh giá rủi ro, ngăn chặn nguy cơ, bảo vệ và đền bù thiệt hại.

Khái niệm an ninh con người chấn chỉnh một cách hiểu phiến diện về phát triển con người, rằng chỉ cần theo đuổi việc mở rộng các khả năng lựa chọn, tăng cường năng lực và trao quyền cho mỗi cá nhân là đủ để phát triển. Trên thực tế, khái niệm phát triển con người mới chỉ đề cập tới khía cạnh tiềm năng phát triển, tức là những điều kiện cần để mỗi cá nhân có thể phát triển, mặc định rằng chỉ cần có đủ những điều kiện đó thì mỗi cá nhân hoàn toàn có thể tối ưu hóa những nhu cầu, mong ước, cũng như giá trị cuộc sống của mình. Xuất phát từ cách tiếp cận tân tự do, khái niệm này không đề cập tường minh về mục tiêu của sự phát triển, cái đích mà các cá nhân hướng tới. Điểm hết sức quan trọng mà lý thuyết phát triển con người đã bỏ qua là sự phát triển của mỗi con người không diễn ra một cách tuyến tính theo một đường dốc đi lên, hơn thế nữa cùng với sự phát triển những nguy cơ, thách thức, rủi ro, đe dọa cũ có thể giảm đi, mức độ nguy hiểm không còn như trước, thậm chí triệt tiêu hẳn, nhưng đồng thời lại có thể nảy sinh những nguy cơ, thách thức, rủi ro, đe dọa hoàn toàn mới chưa từng gặp phải trước đó. Điều này có nghĩa cấu trúc các mối nguy cơ, đe dọa đối với an ninh con người không cố định, mà thay đổi theo chính quá trình phát triển của con người. Không tính đến những biến đổi này sẽ dẫn đến kết luận sai lầm rằng vấn đề an ninh con người là bất biến.

Chúng ta đều biết, vấn đề ô nhiễm môi trường, quá tải đô thị, tai nạn giao thông, giảm tỉ lệ sinh, già hóa dân số, biến đổi kết cấu gia đình, phá vỡ các kết cấu xã hội truyền thống, tình trạng stress do quá căng thẳng thần kinh, những biến đổi tâm, sinh lý sâu sắc,... là những hiện tượng thường đi kèm theo chiều hướng gia tăng cùng với trình độ phát triển, trong khi tình trạng đói nghèo, mất an ninh lương thực, mất vệ sinh nguồn nước, các bệnh dịch thông thường, bùng nổ dân số,... lại có xu hướng giảm đi. Rộng hơn nữa, sự phát triển bùng nổ trong điều kiện toàn cầu hóa kích hoạt hàng loạt nguy cơ an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, chủ nghĩa khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, các dịch bệnh mới đặc biệt nguy hiểm, xung đột tôn giáo, sắc tộc,... Bên cạnh đó, những xu hướng hệ quả của toàn cầu hóa như bất bình đẳng về kinh tế, tình trạng xói mòn, mai một các giá trị văn hóa truyền thống, phân tầng và phân hóa xã hội thành rất nhiều tầng lớp hay nhóm xã hội,...góp phần phá vỡ các cộng đồng cũ, gạt các nhóm hay cộng đồng yếu thế ra bên lề (maginalization). Theo Elmar Altvater, Brigitte Young và cộng sự, toàn cầu hóa cũng chính là nguyên nhân của tình trạng mất an ninh con người vì động chạm, chuyển đổi  tận gốc rễ các xã hội, theo đó con người bị rứt bỏ khỏi các cộng đồng nơi họ sinh ra và lớn lên, rứt bỏ khỏi các mối quan hệ xã hội quen thuộc vốn bao bọc, che chở cho họ, rứt bỏ họ khỏi môi trường văn hóa luôn tái sản xuất bản sắc của họ. Đây không phải là tình trạng “nhà giàu đứt tay hơn ăn mày sổ ruột”, mà có thể gọi là những “căn bệnh của phát triển”, đe dọa phá hủy không chỉ những thành quả phát triển đã đạt được, mà cả nền móng phát triển của mỗi cá nhân. Và điều này không chỉ xảy ra ở các nước đang phát triển, mà trên phạm vi toàn cầu, bao gồm cả các nước phát triển. Ngược lại, nếu đi sâu vào cuộc sống của một con người thì có thể thấy, sự phát triển của mỗi cá nhân luôn kéo theo sự thay đổi vốn con người, vốn kinh tế, vốn xã hội. Các hoạt động (activities), cường độ đi lại, di chuyển (mobility), môi trường sống, phạm vi và chiều sâu các quan hệ xã hội, nhất là quan hệ phân công lao động, cạnh tranh công việc trở nên đa dạng, gay gắt hơn, làm thay đổi không chỉ điều kiện sinh hoạt, ăn ở, đi lại, công việc, mà cả các quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng, quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội của cá nhân. Và cùng với những thay đổi về quan hệ xã hội này, các nguy cơ đe dọa đối với an ninh của cá nhân cũng thay đổi một cách căn bản. Có thể thấy rõ điều này qua ví dụ một công chức: khi chức vụ của anh ta càng cao thì trách nhiệm càng lớn, phạm vi ảnh hưởng càng rộng, thu nhập tăng lên, điều kiện làm việc được cải thiện, nhưng rủi ro công việc cũng biến đổi khác đi. Từ đây, không chỉ nhu cầu về an ninh của mỗi cá nhân thay đổi mà cả điều kiện và cách thức đảm bảo nó cũng thay đổi theo.

Vì vậy, lý thuyết về an ninh con người không chỉ đề cập đến các mối đe dọa đối với con người nói chung, mà là một vấn đề khó nắm bắt nằm sâu trong nền móng và kết cấu của chính sự phát triển - đó là sự phát triển càng lên cao càng đòi hỏi phải có nền móng và kết cấu an ninh vững chắc và phù hợp. Nền móng cho sự phát triển của mỗi con người hình thành từ trước khi con người đó sinh ra và được thay đổi, bồi đắp (hay ngược lại, xói mòn, hủy hoại) trong suốt cuộc đời của họ. Một cách khái quát, có ba nền móng quan trọng nhất: 1) Nền tảng thể chất; 2) Nền tảng đạo đức, văn hóa; 3) Nền tảng tri thức. Những nền tảng này hình thành trong môi trường gia đình, nhà trường, nơi cư trú, trong cộng đồng, và rộng hơn là trong môi trường xã hội. Bản thân những nền móng này có thể ngay từ đầu đã yếu ớt, sai lệch, thậm chí méo mó, bệnh hoạn nếu không được chú trọng vun đắp, chăm sóc tốt. Tuy nhiên, ngay cả một nền móng hôm nay vững chắc nhất, một kết cấu hôm nay bền vững nhất, thì ngày mai vẫn có thể suy yếu hoặc bị phá hủy dưới tác động của các nhân tố khác.

 Thứ nhất, vì mỗi nền móng đều có sức chịu đựng nhất định, nên chỉ những tác nhân có sức xói mòn lâu dài hoặc sức công phá đủ lớn mới có thể phá hủy được. Một dịch bệnh hiểm nghèo hay một tai nạn thảm khốc có thể biến một người khỏe mạnh thành tàn phế; một nhóm bạn lưu manh có thể biến một người tốt thành xấu; một môi trường trì trệ, bảo thủ, độc đoán, không chấp nhận cái mới, hay lệch lạc về trí tuệ có thể kìm hãm, thậm chí vô hiệu hóa tri thức đã tích lũy được. Nhận thức này đưa đến một cách hiểu chính xác hơn về các mối đe dọa đối với an ninh con người - đó là không phải bất cứ rủi ro hay nguy cơ nào, mà chỉ có những rủi ro, nguy cơ vượt quá giới hạn nhất định đe dọa hủy hoại những giá trị cốt lõi của cuộc sống con người. Đây là vấn đề tương đối mới, cho đến nay vẫn chưa được quan tâm làm rõ trong lý thuyết an ninh con người. Thứ hai, điều đáng ngạc nhiên là một nền móng vững chắc có thể bị đe dọa bởi chính sức nặng của công trình được xây trên chúng, nói cách khác, nền tảng về thể chất, đạo đức hay tri thức tích lũy được có khi không chịu đựng được khi cá nhân đó nhận được cương vị cao, trọng trách nặng nề, hay cường độ công việc lớn. Một bước phát triển mới trên đường đời một con người có thể tạo nên áp lực công việc, cám dỗ hay yêu cầu chuyên môn quá lớn khiến cá nhân không thể vượt qua, dẫn đến sa ngã, thất bại, bệnh tật. Thứ ba, nếu những nền tảng nêu trên có thể ví như gốc rễ của một cái cây, thì thân và tán cây chính là mạng lưới các quan hệ xã hội bao gồm các tổ chức chính trị, các phân công lao động, các nhóm xã hội,... mà mỗi người thiết lập, xây dựng hay tham gia trong quá trình phát triển của mình. Trong một số trường hợp, sự phát triển của mạng lưới các quan hệ này lại trở nên lệch lạc, mất cân đối so với nền tảng được xây dựng từ trước đến mức chỉ cần một tác động không quá lớn cũng đủ gây đổ vỡ, đảo lộn lớn. Ví dụ dễ thấy là một số “thiếu gia” lợi dụng tiền bạc hay quyền lực của cha mẹ phát triển các mối quan hệ xã hội bất hảo, có thể đi quá xa thành phạm tội.                   

Bên cạnh việc chung nhau về một số đặc điểm giữa an ninh con người và phát triển con người thì cũng có sự khác biệt không nhỏ. Phát triển con người hướng vào nâng cao mọi năng lực, mở rộng các cơ hội lựa chọn và trao quyền cho con người, còn an ninh con người hướng vào bảo vệ những giá trị cốt lõi, sống còn nhất của con người khỏi các mối đe dọa. Nếu phát triển con người hàm ý mở rộng các lựa chọn, nâng cao năng lực và trao quyền cho mỗi cá nhân, thì an ninh con người hàm ý mỗi cá nhân có thể thực hiện các lựa chọn và các quyền của mình một cách tự do và an toàn. Trong chừng mực nhất định, các nguồn lực giành cho lĩnh vực này sẽ không thể sử dụng vào lĩnh vực kia. An ninh con người gần với khái niệm về tính dễ bị tổn thương của con người trước các nguy cơ, đe dọa. Tính chất dễ bị tổn thương của mỗi cá nhân mang đặc điểm cấu trúc - tức là tùy thuộc ở mức độ lớn vào vị trí của người đó trong xã hội hay còn gọi là vị thế xã hội của người đó như: lứa tuổi, giới, dân tộc, trình độ văn hóa, tín ngưỡng, nơi sinh sống, nghề nghiệp, chức vụ. Những đặc điểm này có thể chồng chập lên nhau làm thành những nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương. Quan điểm “giá trị cốt lõi về sự sống” theo tiếp cận an ninh con người là tập hợp tất cả các khả năng cơ bản của con người. Mục tiêu của an ninh con người không phải mở rộng tất cả khả năng mà là khả năng sống còn được áp dụng bình đẳng với tất cả mọi người. Đối lập với an ninh con người, phát triển con người thường mở rộng hơn và chứa đựng tất cả những gì liên quan mặc dù trong những thứ liên quan đó không hoàn toàn là cơ bản nhất. An ninh con người bao gồm tập hợp ranh giới nghiêm ngặt những vấn đề liên quan đến phát triển con người và thậm chí bao gồm cả những vấn đề liên quan đến suy thoái kinh tế mà phát triển con người không đề cập tới nhưng an ninh con người lại loại trừ một số yếu tố của phát triển con người  bởi nằm ngoài nhiệm vụ của an ninh con người.

Sự khác nhau thứ hai là mối quan tâm an ninh con người nhấn mạnh đến mối đe dọa, chẳng hạn như bạo lực hay suy thoái kinh tế, còn phát triển con người tập trung vào bình đẳng cơ hội. Như Amartya Sen đã viết, mục tiêu đầu tiên của phát triển con người là “tăng trưởng trên cơ sở vốn chủ sở hữu”, an ninh con người tìm kiếm “sự suy thoái trong sự an toàn”. Ví lí do đó, chính sách an ninh con người dự đoán trước được những đe dọa một cách sớm nhất và tìm kiếm những khả năng nhằm ngăn chặn và đối phó với đe dọa xâm phạm đến sự cấu thành sự sống của con người. Chương trình về bảo vệ môi trường, các chương trình ngăn chặn dịch AIDS, nạn đói, mạng lưới an toàn xã hội, an ninh xã hội đều được cấu thành bởi vấn đề cốt lõi liên quan đến an ninh con người nhưng chúng lại chồng chéo, đan xen với việc giảm đầu tư cho phát triển con người.

Sự khác nhau thứ ba giữa an ninh con người và phát triển con người là phạm vi về thời gian. Phát triển con người nỗ lực tập trung trong việc xây dựng các thiết chế, xây dựng năng lực, mặt khác hoạt động từ góc nhìn phát triển con người luôn hướng tới tính bền vững trong suốt quá trình. Trong nhiều trường hợp, an ninh con người có cùng chung phương pháp tiếp cận này nhưng an ninh con người đảm nhận phạm vi trong thời gian ngắn hạn và không đòi hỏi sự tham gia. Nói cách khác, an ninh con người và phát triển con người có sự khác nhau nếu đặt chúng trong những phạm vi khác nhau, nếu nhấn mạnh đến cơ chế ngăn ngừa thì an ninh con người thường hẹp hơn và đặt trong phạm vi thời gian thì an ninh con người có thể tương đối ngắn. Sự khác nhau ở đây còn thể hiện thông qua việc nhấn mạnh đến các cách giải quyết những vấn đề chồng chéo tại một số khu vực. Mặt khác, sự khác nhau ảnh hưởng đến sự kết hợp các nguyên tắc và thể chế mà nó liên quan đến việc so sánh giữa an ninh con người và phát triển con người.

3. Mối quan hệ giữa an ninh con người và quyền con người

Mối quan hệ giữa an ninh con người và quyền con người được nhiều học giả đi sâu làm rõ do có sự chồng chéo giữa hai lĩnh vực này. Sự phân biệt chưa thật rõ ràng giữa hai khái niệm này là nguyên nhân gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí có ý kiến cho rằng an ninh con người chỉ là “vỏ bọc mới” cho khái niệm quyền con người. Ngược lại, có quan điểm, chẳng hạn của chuyên gia hàng đầu về quyền con người Bertrand G. Ramcharan (2007), cho rằng “quyền con người xác định và định hướng cho an ninh con người”. F. Hampson (2002) lại cho rằng chính việc nhấn mạnh đến thành tố quyền con người trong quan hệ quốc tế đã gây tình trạng mâu thuẫn, thậm chí xung đột, gây mất an ninh. Còn C. Thomas (2001) trong công trình “An ninh con người, quyền con người và phát triển con người” (Human Security, Human Rights and Human Development) thì lập luận rằng, việc đưa vào sử dụng khái niệm an ninh con người giúp dung hòa được sự căng thẳng trong quan hệ quốc tế gây ra bởi việc lợi dụng vấn đề quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ của một số quốc gia. Mối quan hệ này còn được thảo luận trong một số công trình như “Quyền con người, nhu cầu thiết yếu của con người, phát triển con người, an ninh con người” (Human Rights, Human Needs, Human Development, Human Security: Relationships between Four International Human Discourses) của Gasper Des (2007), “An ninh con người, quyền con người và phát triển con người” (Human Security, Human Rights and Human Development) của Ellen Seidensticker (2002), “Quyền con người và An ninh - Hai ngọn tháp?” (Human Rights and Security - The Two Towers?) của Gerd Oberlaitner (2003), “Quyền con người - An ninh con người - Phát phát triển con người: Đánh giá mối quan hệ giữa phát triển con người, an ninh con người và quyền con người trong xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam” (Human Rights - Human Security - Human Development: Assessing the inter-relationships of human development, human security and human rights in poverty reduction in Vietnam) của Nguyen Hong Hai (2005),...

Không thể phủ nhận rằng, việc tập trung vào an ninh con người của các tổ chức quốc tế, chú ý tới các vấn đề về đảm bảo an ninh con người của các quốc gia làm cho quyền con người trở thành một ưu tiên chính sách. Có thể nói, trong khi vấn đề nhân quyền ngày nay thường ít được các chính sách nhà nước quan tâm, vấn đề an ninh con người có thể nâng cao vấn đề quyền con người lên một tầm cao chính sách (Tadjbakhsh và Chenoy, 2007). Sự thực là nhân quyền đang gặp phải rất nhiều chỉ trích như là một công cụ được sử dụng bởi bá quyền Tây Âu, đặc biệt trái ngược với cái được gọi là “những giá trị Châu Á”. Trong khi thảo luận về vai trò của an ninh con người trong việc nâng cao sự chấp nhận của nhân quyền, có thể phân biệt hai mức độ khác nhau: an ninh con người là một khái niệm được áp dụng cho tất cả mọi người và do vậy nó có tham vọng toàn cầu. An ninh con người do vậy là khả năng để tăng cường sự chấp nhận về quyền con người.

Quyền con người và an ninh con người có mối liên hệ chặt chẽ với nhau như thế nào? Như đã được thảo luận rộng rãi trước đó, an ninh con người và các quyền con người được kết nối với nhau bởi cùng chung động lực và lĩnh vực quan tâm. Đầu tiênvà rõ ràng nhất, an ninh con người củng cố tranh luận rằng vi phạm các quyền là một việc không thể chấp nhận được. An ninh con người cam kết giải quyết những vấn đề được cho là cơ bản và phổ quát nhất về quyền con người. Các vi phạm về quyền con người cho thấy sự đe dọa tới an ninh con người, và do đó, chúng được sử dụng như những chỉ số trong các cơ chế cảnh báo sớm để ngăn ngừa xung đột. Tuy nhiên, quyền con người cũng có vai trò trong quản lý xung đột, biến đổi xung đột và xây dựng hòa bình sau xung đột. Nói cách khác, bên cạnh việc trở thành một công cụ thiết yếu để ngăn ngừa xung đột, quyền con người còn là cơ sở chủ đạo trong quản lý nhà nước và dân chủ. Chúng tạo ra một nền tảng để giải quyết các vấn đề xã hội và toàn cầu, thông qua việc tham gia tích cực của người dân, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. “Xây dựng cơ chế quản lý” gồm hai hình thức xây dựng nâng cao năng lực, đó là: “xây dựng nhà nước” và “phát triển xã hội”. Xây dựng nhà nước quy định về “an ninh dân chủ”, được coi là hình thức tốt nhất trong các nỗ lực để phục hồi và tái kiến thiết sau các xung đột. “Phát triển xã hội bao gồm giáo dục dựa trên quyền con người ở diện rộng, để trao quyền giúp mọi người biết đòi hỏi các quyền của mình và thể hiện việc tôn trọng quyền của người khác” (Walther Lichem, PDHRE). Thứ hai, an ninh con người và các quyền con người đều nhằm mục đích giải quyết cả vấn đề bạo lực và nghèo đói. Các luật quốc tế về quyền con người bao gồm các nhu cầu cơ bản như việc làm, giáo dục, thực phẩm, quyền tự quyết và chăm sóc sức khỏe. Các vấn đề về nhân quyền nghiêm cấm tra tấn, nô lệ, đàn áp tôn giáo hay phân biệt chủng tộc, diệt chủng. Bảo vệ và thúc đẩy “tự do khỏi sự sợ hãi” và “tự do làm điều mong muốn”, “sống cuộc sống có phẩm giá” là mục tiêu của an ninh con người cũng như quyền con người (UNDP, 2000; Amartya Sen, 2000). Từ định nghĩa của UNDP, có thể thấy an ninh con người và quyền con người có mối quan hệ mật thiết, tác động và hỗ trợ lẫn nhau. Việc bảo đảm bảy khía cạnh của an ninh con người, về bản chất, cũng chính là bảo đảm các quyền con người tương ứng. Ngược lại, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người tương ứng cũng chính là nhằm thực hiện, bảo đảm bảy dạng an ninh con người, giúp giảm thiểu, ngăn ngừa những mâu thuẫn xã hội, củng cố sự đoàn kết nhất trí, thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của con người. Cuối cùng, cả an ninh con người và quyền con người đều hướng vào việc thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ và sự phát triển về thể chế trong các xã hội như là những điều kiện để bảo đảm an ninh và các quyền của con người một cách bền vững.

Từ góc độ văn bản pháp luật, Lời mở đầu của Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người (UDHR) do Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua vào ngày 10/12/1948 sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đề cập tới “tự do khỏi sự sợ hãi và tự do làm điều mong muốn”. Khái niệm về an ninh con người có cách tiếp cận tương tự. Tại Hội thảo quốc tế về an ninh con người và giáo dục quyền con người ở Graz vào tháng 7/2000, an ninh con người được tuyên bố là hướng tới bảo vệ quyền con người, chẳng hạn bằng cách ngăn ngừa các xung đột và đề cập tới các nguyên nhân sâu xa của tình trạng mất an ninh và tính dễ bị tổn thương. Chiến lược an ninh con người có mục đích thiết lập nền văn hóa chính trị toàn cầu dựa trên quyền con người. An ninh con người được tăng cường trong xã hội theo cách phân quyền, bắt đầu từ các nhu cầu cơ bản của con người, của phụ nữ cũng như nam giới, ví dụ như từ an ninh cá nhân, nghèo đói, phân biệt đối xử, công bằng xã hội và dân chủ. “An ninh” dưới hình thức an ninh cá nhân (như bảo vệ khỏi bị bắt giữ vô cớ), an ninh xã hội (điều khoản về các nhu cầu cơ bản như an ninh lương thực) và an ninh quốc tế (quyền được sống trong một trật tự thế giới an ninh) là phù hợp với các quyền con người đang tồn tại. Mối quan hệ quyền con người và an ninh con người được tuyên bố tại nhiều diễn đàn quốc tế và ghi nhận trong Công ước quốc tế. Hội nghị Bộ trưởng lần thứ năm của Mạng lưới an ninh con người thông qua tại Graz vào ngày 10/5/2003 nói rõ rằng, quyền con người và an ninh con người gắn bó chặt chẽ, vì quá trình thúc đẩy và thực hiện quyền con người là một mục tiêu và một phần không thể thiếu của an ninh con người (Điều 1) (Tuyên ngôn Graz). Điều 3 của UDHR và Điều 9 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cũng bảo vệ quyền tự do và an ninh của con người, đặc biệt là quyền tự do khỏi sự sợ hãi. Ngoài ra, Điều 22 của UDHR và Điều 9 của Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa thừa nhận quyền được hưởng an ninh xã hội, cùng với các quyền kinh tế và xã hội, tương tự như quyền được làm điều mong muốn. Mối quan hệ giữa quyền con người và an ninh con người được diễn giải trong Báo cáo Thiên niên kỷ của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan năm 2000. Báo cáo cũng đưa ra sự phân biệt giữa thoát khỏi sự sợ hãi và tự do làm điều mong muốn trên cơ sở phân biệt với bốn tự do cơ bản mà Tổng thống Mỹ Roosevelt đã tuyên bố từ năm 1940 trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai như một quan điểm về trật tự sau chiến tranh. Cuộc đấu tranh chống lại nghèo đói và đấu tranh cho các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cũng có liên quan tới đảm bảo an ninh con người, giống như cuộc đấu tranh vì tự do chính trị và các tự do cơ bản. Quyền này không thể tách khỏi quyền kia, chúng phụ thuộc lẫn nhau, liên quan lẫn nhau và không thể chia cắt (đó là thoát khỏi nghèo đói, quyền về sức khỏe, quyền làm việc).

Sự khác biệt cơ bản giữa quyền con người và an ninh con người đó là an ninh con người thừa nhận những vấn đề có tính chất ưu tiên, những vấn đề có thể dẫn đến sự mất an ninh. Trong khi các nhà hoạt động về nhân quyền lại lập luận rằng tất cả các quyền là ngang bằng nhau, không có quyền nào hơn quyền nào và không thể tách rời nhau, do vậy các quốc gia không thể lựa chọn nên ưu tiên vấn đề nào hơn. Điều đó có nghĩa cách tiếp cận về nhân quyền đòi hỏi một danh sách bảo vệ tất cả các quyền con người. Cách tiếp cận của an ninh con người nhằm hướng vào giải quyết các vấn đề cấp bách cụ thể đe dọa đến an ninh của mỗi cá nhân hoặc theo nhóm nhỏ hơn. Đặc biệt trong các vấn đề xung đột, vấn đề quyền của nhóm này có thể mâu thuẫn với quyền của nhóm khác và dựa vào bối cảnh chính trị cụ thể, các quyết định chính trị khó khăn sẽ được lựa chọn (Sabina Alkire, 2003). Mặc dù sự không đồng thuận về việc thừa nhận tầm quan trọng ngang bằng của tất cả các vấn đề về nhân quyền đã khiến hai khái niệm quyền con người và an ninh con người trở nên tách rời nhau, nhưng phải thừa nhận rằng cả hai cách tiếp cận này đều là cần thiết (Sabina Alkire, 2003). Nếu nhân quyền cung cấp một khung lý thuyết cơ bản cho các nghĩa vụ phổ quát, an ninh con người nhấn mạnh vào một khía cạnh cụ thể của những nghĩa vụ đó, thuật ngữ về an ninh con người được thay thế thuật ngữ quyền con người khi nó trở nên nhạy cảm và gặp nhiều sự chống đối. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai khái niệm không chỉ nằm ở mặt khái niệm, nó còn dẫn tới sự khác biệt về cách thức thực hiện bao gồm thể chế và phương tiện (Sabina Alkire, 2003).  Mặc dù vậy, sự khác biệt về cách thức thực hiện này liên hệ chặt chẽ với nhau - quyền con người nhấn mạnh khía cạnh pháp lý, còn an ninh con người lại nhấn mạnh đến khía cạnh thực tiễn phối hợp nỗ lực của nhà nước, cộng đồng và các cá nhân để giải quyết trong trường hợp một hay một số quyền cơ bản của con người bị vi phạm nghiêm trọng. Ví dụ các nhà hoạt động nhân quyền nói chung thường sử dụng công cụ pháp lý để ngăn chặn vi phạm nhân quyền, hoặc để trừng phạt kẻ vi phạm; an ninh con người sẽ sử dụng lực lượng kinh tế, chính trị, và có lẽ quân sự và cả dân sự để cố gắng bảo vệ an ninh con người với cùng một nỗ lực như an ninh quốc gia. Rõ ràng là, nếu nâng cao được vấn đề an ninh thì cũng sẽ nâng cao được vấn đề nhân quyền và ngược lại.

Tóm lại, các khái niệm về an ninh con người, quyền con người và phát triển con người không trùng khớp, nhưng củng cố lẫn nhau và phụ thuộc lẫn nhau. “Theo đó, chúng ta sẽ không có sự phát triển nếu không có an ninh, chúng ta sẽ không có được an ninh nếu không có sự phát triển, và chúng ta sẽ không có cả hai nếu không tôn trọng quyền con người…” (Kofi Annan, Tổng thư ký Liên hiệp quốc, 2005).

Tài liệu tham khảo

 

1.              Arbour, Louise (2005), “The Right to Life and the Responsibility to Protect in the Modern World”, Boston, 9 December, http://www.jfklibrary.net/forum_ nuremberg_arbour_remarks.html.

2.      Axworthy, L. (2001), “Human security and global governance: Putting people first”, Global governance, 7, 19.

3.      Casper, D. (2007, June), “Human Rights, Human Needs, Human Development, Human Security: Relation ship between Four International Human’Discourses, In Forum for Development Studies (Vol. 34, No. 1, Pp. 9-43), Taylor & Francis Group.

4.      Hai, N. H. (2005), Human Rights-Human Security-Human Development.

5.      Hampson, F. O., & Daudelin, J. (2002), Madness in the multitude: Human security and world disorder, Don Mills, Ont.: Oxford University Press.

6.              Marks, S. P., Modrowski, K. A., & Lichem, W. (2008), “Human rights cities.Civic Engagement for Societal Development”, URL http://www. pdhre. org/Human_ Rights_Cities_Book. pdf [accessed August 9th 2012].

7.      Silva, G. (2011), “Human Security and Sovereignty: Polar Opposites or Simply Nodes in  Network?”, Available at SSRN 1910331.

8.      Oberleitner, G. (2005), “Human security: a challenge to international law?”, Global Governance: A Review of Multilateralism and International Organizations, 11(2), 185-203.

9.      Ogata, S. (2001), “Overview for the Commission on Human Security”.

10.  Ramcharan, B. G. (2002), Human rights and human security, The Hague: Martinus Nijhoff.

11.  Seidensticker, E. (2002), “Human security, human rights, and human development”, Harvard Kennedy School, 6.

12.  Sen, A. (2000), “Why human security?”, In International Symposium on HumanSecurity, Tokyo (Vol. 28).

13.  Oberleitner, G. (2003), “Human rights and security-The Two Towers?”, Center for the Study of Human Rights.

14.       Tadjbakhsh, S., & Chenoy, A. (2007), Human security: Concepts and implications, Routledge.

15.  Thomas, C. (2001), “Global governance, development and human security: exploring the links,” Third World Quarterly, Vol. 22(2):159-175.

16.  UNDP (2000), Human Development Report, Oxford and New York, NY: Oxford University Press.

17.  United States Commission on National Security/21st Century (2001), Road map for national security: imperative for change, the phase III report of the US Commission on National Security/21st Century, The Commission.

 


 

[1] Từ năm 2008 đến năm 2012, Đại hội đồng LHQ đã tổ chức 4 cuộc thảo luận lớn giữa đại diện các quốc gia thành viên về chủ đề an ninh con người. Kết quả của các cuộc thảo luận này được phản ánh trong bốn văn bản: “Thảo luận chuyên đề phi chính thức về an ninh con người, ngày 22/5/2008” (Informal Thematic Debate on Human Security, 22 May 2008), “Thảo luận và Hội nghị thường kỳ về an ninh con người, ngày 20-21/5/2010” (Panel Discussion and Plenary Meeting on Human Security, 20-21 May 2010), “Thảo luận chuyên đề phi chính thức về an ninh con người, ngày 14/4/2011” (Informal Thematic Debate on Human Security, 14 April 2011) và “Hội nghị thường kỳ về Báo cáo của Tổng Thư ký: Tiếp nối Nghị quyết 64/291 của Đại hội đồng về An ninh con người, ngày 4/6/2012” (Plenary Meeting on the Report of the Secretary-General: Follow-up to General Assembly Resolution 64/291 on Human Security, 4 June 2012). Trên cơ sở các cuộc thảo luận này, Đại hội đồng LHQ đã ban hành hai nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 64/291 “Tiếp tục xem xét Mục 143 về an ninh con người theo Kết luận của Hội nghị thượng đỉnh thế giới 2005” ngày 16/7/2010 và Nghị quyết 66/290 “Tiếp tục xem xét Mục 143 về an ninh con người theo Kết luận của Hội nghị thượng đỉnh thế giới 2005” ngày 10/9/2012. Nội dung các văn bản này cho thấy, một mặt, từng bước đã đạt được sự nhất trí giữa các nước thành viên LHQ về các nội dung cơ bản của an ninh con người, đặc biệt là tính chất nhân văn, toàn diện của cách tiếp cận an ninh con người trong việc xử lý các thách thức nhiều mặt đối với cuộc sống và nhân phẩm của người dân ở khắp mọi nơi. Mặt khác, quá trình thảo luận đã diễn ra không hề dễ dàng - đã phát sinh bất đồng giữa các nước phát triển Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po với các nước phát triển ở phương Tây như Ca-na-đa, Mỹ, Na Uy về trọng tâm của vấn đề an ninh con người: nhóm quốc gia dẫn đầu là Nhật Bản nghiêng về khía cạnh bảo đảm “thoát khỏi sự nghèo khó” nhấn mạnh đến vai trò của hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), trong khi Ca-na-đa và các nước phương Tây lại nghiêng về khía cạnh “thoát khỏi sự sợ hãi” nhấn mạnh đến hoạt động gìn giữ hòa bình và can thiệp nhân đạo. Bất đồng giữa hai cách tiếp cận trên thể hiện một cách rõ rệt trong bản Báo cáo của Ban thư ký Ủy ban LHQ về An ninh con người do Alkire chủ trì và Thư mở gửi Lãnh đạo Ủy ban (Open Letter on Human Security to the Chairs of the UN Independent Commision on Human Security) của 36 học giả nổi tiếng thế giới, đứng đầu là Mushakoji.

………………………

Nguồn:http://ihs.vass.gov.vn

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528507

Hôm nay

2163

Hôm qua

2291

Tuần này

2780

Tháng này

215203

Tháng qua

0

Tất cả

114528507