Cuộc sống quanh ta

Những Luật Chống Bạo lực Gia đình cấp Liên bang và Tiểu bang ở Hoa Kỳ

Luật cấp Liên bang

Năm 1994, chính quyền Hoa Kỳ phản ứng trước vấn nạn bạo lực gia đình và bạo lực tình dục trên cả nước bằng việc thông qua Đạo luật Chống Bạo lực đối với Phụ nữ (the Violence Against Women Act (VAWA) với dự định cải thiện cả khả năng giúp đỡ nạn nhân và việc bắt giữ và truy tố kẻ bạo hành. Đạo luật VAWA 1994 thúc đẩy những phản ứng mang tính phối hợp của cộng đồng đối với bạo lực gia đình và bạo hành tình dục (bao gồm hệ thống pháp luật hình sự, cơ quan dịch vụ xã hội, và những Tổ chức Phi chính phủ), hình thành một đường dây nóng [tiếp nhận phản ánh] về bạo lực gia đình trên toàn quốc và dùng nguồn tài chính lớn cho một số những chương trình và sáng kiến khác nhau, bao gồm nơi ở tạm thời và những sự giúp đỡ khác dành cho phụ nữ bị bạo hành, những chương trình đào tạo và giáo dục liên quan đến các vấn đề pháp lý, và những chương trình có mục đích mở rộng mức độ tiếp cận với phụ nữ ở vùng nông thôn. VAWA không chỉ tái ủy nhiệm những trợ cấp STOP, quỹ trợ cấp đầu tư cho những chương trình có mục đích cải thiện việc thực thi pháp luật và truy tố hành vi bạo lực gia đình, mà còn yêu cầu để những luật sư của các vụ bạo lực gia đình được tham gia vào việc lên kế hoạch và thực thi những chương trình này. VAWA cũng tái ủy nhiệm những nguồn tài trợ cho Luật sư của Nhân chứng và Nạn nhân [Victim and Witness Counselors], những người làm việc với những nạn nhân của bạo lực gia đình trong những vụ truy tố ở phạm vi liên bang, cung cấp những hình thức bảo vệ cho phụ nữ nhập cư bị bạo hành, và thiết lập những hình thức xử phạt cấp liên bang đối với những tội phạm bạo hành tình dục và bạo lực gia đình liên tiểu bang.

Vào lần tái ủy nhiệm VAWA năm 2000, Quốc hội đã mở rộng phạm vi để bao gồm những tội về bạo lực xảy ra trong giai đoạn hẹn hò [dating violence] và tội stalking [tội theo dõi, bám đuôi], xây dựng chương trình giúp đỡ về mặt pháp luật cho nạn nhân, và bắt đầu sử dụng U- và T-visa cho những người nhập cư bị bạo hành, cho phép họ ở lại Hoa Kỳ (một phần của Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân của nạn Buôn bán người và Bạo lực) [Victims of Trafficking and Violence Prevention Act].

Sự tái ủy nhiệm đạo luật VAWA năm 2005 đưa ra thêm mức độ bảo vệ cho người nhập cư; tăng thêm tài trợ cho những nỗ lực bảo vệ, giúp đỡ và tiếp cận gần hơn với nạn nhân; quy hành vi đuổi nạn nhân của bạo lực gia đình hoặc tội stalking, ra khỏi nhà trong phạm vi liên bang là phạm pháp, dựa trên tình thế nạn nhân của họ; và mở rộng những chiến lược phòng chống bạo lực.

Đạo luật VAWA năm 2013 mở rộng những hình thức bảo vệ về mặt nhà ở để bao gồm những chương trình bổ sung có liên quan đến vấn đề nhà ở được trợ cấp ở phạm vi liên bang mà không được bao gồm trong lần ủy nhiệm năm 2005, đưa ra những sự bảo vệ mở rộng với sinh viên và những nạn nhân nhập cư, và tái ủy nhiệm những chương trình trợ cấp VAWA có vai trò chủ chốt.

Ngoài VAWA, Quốc hội, vào năm 1996, ban hành Luật cấm sử dụng vũ khí đối với những người bị kết án liên quan đến bạo lực gia đình [the Domestic Violence Offender Gun Ban] (thường được nhắc đến với tên gọi “Sửa đổi Lauterberg” [“the Lauterberg Amendment”]). Luật này cấm việc gửi hàng, vận chuyển và sở hữu súng đạn đối với những người bị kết án phạm tội bạo lực gia đình ở mức độ nhẹ hoặc những người đang chịu án lệnh cách ly hoặc lệnh bảo vệ vì bạo lực gia đình.

Những Luật Tiểu bang

Hầu hết luật liên quan đến bạo lực gia đình ở Mỹ là những luật của tiểu bang. Trang Womenslaw.org cung cấp một cơ hội tiếp cận tới tất cả những đạo luật áp dụng ở bộ tộc da đỏ, đạo luật liên bang và tiểu bang [state, federal, and tribal statutes] liên quan đến bạo lực gia đình cũng như một cái nhìn khái quát về những hình thức bảo vệ sẵn có dành cho nạn nhân.

Dưới đây là những ví dụ về luật chống bạo lực gia đình ở các tiểu bang.

Tiểu bang Minnesota:

Điều Luật chống Bạo hành Gia đình [Domestic Abuse Act] của tiểu bang Minnesota, Mục 518B.01 của những đạo luật của Minnesota, xây dựng một biện pháp khắc phục về mặt dân sự [a civil remedy] cho Lệnh Bảo vệ [an Order for Protection](1), chỉ rõ những thủ tục phải theo trong việc yêu cầu và chấp nhận một Lệnh Bảo vệ, và miêu tả loại biện pháp khắc phục có thể được chấp nhận. Chẳng hạn, Đạo luật này trình bày chi tiết những trường hợp mà lệnh đơn phương [an ex parte order](2) có thể được chấp nhận và yêu cầu một phiên tòa sẽ được tổ chức trong vòng mười ngày sau lệnh. Đạo luật này cũng miêu tả hình phạt cho hành vi vi phạm cả Lệnh Bảo vệ và Lệnh Không Liên lạc, những lệnh triệu tập bị đơn trong việc xét xử hình sự hành vi bạo lực gia đình, và miêu tả cách thức những nhân viên thực thi pháp luật thi hành những lệnh này. Ngoài ra, Đạo luật gồm một số điều khoản tạo điều kiện cho sự tiếp cận của nạn nhân với hệ thống pháp luật. Chẳng hạn, Đạo luật bỏ chi phí tòa án đối với những lệnh bảo vệ và quy định rằng một cá nhân đang đệ trình yêu cầu một lệnh bảo vệ có thể thỉnh cầu không để địa chỉ của anh hoặc cô bị phơi bày trước công chúng

Điều mục 609.2242 của những đạo luật của tiểu bang Minnesota quy bạo lực gia đình là tội phạm. Theo điều luật này, một cá nhân phạm tội bạo hành gia đình khi khiến người khác lo ngại bị làm hại trực tiếp về mặt thân thể hay lo sợ bị giết, hoặc gây ra, hay cố gắng gây ra, những tổn hại đó. Hình phạt tăng lên khi thủ phạm trước đó một hoặc hơn một lần phạm tội bạo hành gia đình trong vòng một khoảng thời gian nào đó.

Minnesota cũng thi hành luật bắt giữ [đối tượng gây ra hành vi] bạo hành gia đình, Điều mục 629.341, cho phép cảnh sát bắt giữ một cá nhân mà không cần lệnh nếu có lý do chắc chắn để tin rằng cá nhân đó gây ra hành vi bạo hành gia đình, và yêu cầu nhân viên thực thi pháp luật cung cấp cho những nạn nhân của bạo lực gia đình những thông tin về quyền pháp định của họ.

Điều mục 629.342 của những đạo luật của Minnesota chỉ định rằng những sở cảnh sát phải mở mang những đường lối hành động và nghi thức để giải quyết nạn bạo lực gia đình, và yêu cầu một cách rõ ràng và chi tiết nhân viên thực thi pháp luật giúp đỡ nạn nhân được điều trị và cung cấp cho nạn nhân những thông tin về quyền pháp định của cô ấy hoặc anh ấy.

Điều mục 609.2247 của những đạo luật của Minnesota đưa tội bạo hành những thành viên trong gia đình bằng hành vi bóp cổ thành trọng tội, có thể bị trừng phạt lên tới ba năm tù giam.

Tiểu bang New York:

Đạo luật Phòng chống Bạo lực Gia đình (2004) [Domestic Violence Prevention Act] của Tiểu bang New York xây dựng một mạng lưới giúp đỡ toàn diện cho nạn nhân của bạo lực gia đình. Đạo Luật yêu cầu những khu dịch vụ xã hội cung cấp chỗ ở khẩn cấp và những sự giúp đỡ khác, gồm luật sư, tư vấn và việc chuyển tiếp nạn nhân tới bộ phận có khả năng giúp đỡ. Đạo Luật yêu cầu nơi ở [cho nạn nhân], những nơi được tài trợ theo điều khoản của đạo luật để duy trì một địa chỉ được giữ bí mật và cũng lệnh cho những cơ quan chính phủ khác giữ bí mật những địa chỉ này. Vào năm 2009, New York cấm hành vi phân biệt đối xử trong việc tuyển dụng lao động với những nạn nhân của bạo lực gia đình (từ năm 2012, New York là một trong chỉ sáu tiểu bang công nhận nạn nhân của bạo lực gia đình như một tầng lớp được bảo vệ trong những điều khoản luật liên quan đến việc làm của mình). Ngoài sự bảo vệ này, tiểu bang đưa trợ cấp thất nghiệp vào tình thế sẵn sàng cho những nạn nhân của bạo lực gia đình, những người mà công việc của họ bị ảnh hưởng bởi bạo hành.

Điều luật của Tiểu bang New York về việc bắt giữ không có lệnh (Thủ tục Tố tụng Hình sự điều khoản 2.20) cho phép những địa phương xây dựng những điều lệ hoặc những chính sách bắt giữ mang tính cưỡng bách. Điều luật của tiểu bang về những thủ tục tố tụng đối với hành vi sỉ nhục trong gia đình (Thủ tục Tố tụng Hình sự điều khoản 530.11) hướng dẫn những nhân viên thực thi pháp luật điều tra “một hành vi sỉ nhục trong gia đình” theo điều khoản đó để “thông báo cho nạn nhân trạng thái sẵn sàng của một nơi tạm trú và những sự giúp đỡ khác trong cộng đồng” và “trực tiếp đưa cho nạn nhân những thông tin bằng văn bản về quyền pháp định của họ và những biện pháp khắc phục sẵn có dành cho một nạn nhân của hành vi sỉ nhục ở gia đình.” Điều luật này cung cấp một ví dụ về loại thông tin một nhân viên thực thi pháp luật có thể đưa cho nạn nhân, và bắt buộc những [văn bản] thông tin đó phải được chuẩn bị theo nhiều thứ tiếng nếu cần thiết.

Tiểu bang New York cũng thông qua luật thành lập một Cơ quan dành cho mục đích Phòng chống Bạo lực Gia đình. Cơ quan này có nhiệm vụ tư vấn cho thống đốc bang và cơ quan lập pháp “về những biện pháp hiệu quả nhất cho chính quyền tiểu bang để đối phó với nạn bạo lực gia đình” và “để phát triển và thi hành những chính sách và những chương trình có mục đích giúp đỡ những nạn nhân của bạo lực gia đình và gia đình của họ, và cung cấp kiến thức và sự phòng chống, trợ giúp về mặt nghiệp vụ và đào tạo.” Website của Cơ quan bao gồm những bản tóm lược về [tình trạng] bạo lực gia đình Tiểu bang New York và những luật liên quan.

Tiểu bang Massachusetts:

Chương 209 A của những Quy chế Chung của Massachusetts [the General Laws of Massachusetts] hỗ trợ việc ban hành và thực thi Lệnh Bảo Vệ, [bằng việc quy định] sự bí mật về địa chỉ của nạn nhân, và [yêu cầu] việc giao nộp vũ khí của kẻ bạo hành. Điều mục 7 của Chương 209 A yêu cầu thẩm phán hướng dẫn việc kiểm tra hồ sơ của bị đơn “để xác định rõ liệu bị đơn có một lý lịch tư pháp hoặc lý lịch công dân có lưu về tội bạo hành gia đình hay tội bạo hành khác không,” đề ra rằng những thông báo về những hình phạt đối với tội vi phạm một Lệnh Bảo vệ phải được cung cấp cho người gây ra hành động bạo hành, và liệt kê chi tiết những hình thức liên lạc, vào khi mà một người bạo hành phải nhận một chương trình can thiệp dành cho người bạo hành [a batterers’ intervention program](3), nên có giữa chương trình, những nơi trú của phụ nữ bị bạo hành, tòa án, và văn phòng quản chế để đảm bảo sự an toàn của nạn nhân và trách nhiệm giải trình của người bạo hành. Việc đối phó xử lý tình trạng lạm dụng chất gây nghiện có thể được chỉ thị “[t]hêm vào, nhưng không thay thế” những chương trình can thiệp dành cho người bạo hành. Cuối cùng, điều khoản này yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại cho nạn nhân trong trường hợp vi phạm án lệnh cách ly đã được đưa ra bởi một quyền tài phán khác.

Đoàn Huyền lược dịch

Dịch từ bài viết State and Federal Domestic Violence Laws in the United States trên website:www.stopvaw.org.

Link:http://www.stopvaw.org/state_and_federal_domestic_violence_laws_in_the_united_states

(1)An Order for Protectionlà một lệnh được đưa ra bởi tòa án để hạn chế hoạt động của một người làm hại hoặc đe dọa làm hại người khác.

(2)An ex parte order là lệnh cho phép một bên được phép vắng mặt tại tòa, lệnh này thông thường nhất được thực hiện trong các vụ bạo lực gia đình hoặc lạm dụng trẻ em và nhìn chung trong một tình huống khẩn cấp.

(3)A Batterers’ Intervention Program là chương trình tư vấn dành cho những người bạo hành bạn đời, hoặc bạn tình của mình.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511033

Hôm nay

232

Hôm qua

2359

Tuần này

21407

Tháng này

217906

Tháng qua

121356

Tất cả

114511033