Tôi có biết ít nhiều về nhà văn Nam Cao, từ quãng 1940 cho tới 1951: ngay trước ngày anh hy sinh năm 33 tuổi trên đồng bằng sông Hồng, thì khi đó Nghĩa Đô làng tôi, khi ở Đại Hoàng quê anh khi Hà Nội hay trên Việt Bắc, chúng tôi thường ở cùng nhau.
Tôi có biết ít nhiều về nhà văn Nam Cao, từ quãng 1940 cho tới 1951: ngay trước ngày anh hy sinh năm 33 tuổi trên đồng bằng sông Hồng, thì khi đó Nghĩa Đô làng tôi, khi ở Đại Hoàng quê anh khi Hà Nội hay trên Việt Bắc, chúng tôi thường ở cùng nhau.
Chúng tôi cũng mang khá đủ tính nết và tâm tư thường thấy trong lớp người túng bấn mà có chút chữ nghĩa ở xã hội ấy. Dân nghèo ở chợ không coi chúng tôi là những người khố rách áo ôm như họ. Mà cũng không muốn bị khinh rẻ thế, chúng tôi cũng không có tính nết của những người khốn cùng ấy. Những nghĩ ngợi trong đầu óc chúng tôi khó đọng lại một cái gì là khẳng định. Tầng lớp trên nhìn chúng tôi là những kẻ mà họ xỉa tiền ra, có thể gọi dạ bảo vâng được. Mặc dầu, có khi âm thầm vắt tay lên trán mà nghĩ nước đời đến nông nỗi ấy chúng tôi xấu hổ, tủi nhục. Đối với xã hội cứ vừa nhìn ra cái bất công lại vừa loạng quạng mơ hồ. Lẫn lộn thấy và không thấy. Rồi thì tâm trạng vẩn vơ, quẩn quanh và cúi mặt. Rồi thì vừa bực bội, vừa buồn thương. Ở những người nào đó có được đôi chút niềm tin và mong ước, có thể anh ta đã biết bực bội và chán chường không phải chỉ đối với thời thế, mà cả với chính mình.
Nam Cao lớn lên trong một gia đình khá giả bị sa sút. Nhà anh gốc quê, nhưng ra làm ăn ngoài tỉnh khấm khá nên dọn cả ra tỉnh. Bố anh buôn gỗ và có cửa hàng đồ gỗ tiện ở thành phố Nam Định. Nhưng rồi ông rượu chè, cờ bạc. Tiền kiếm được không lại với ăn tiêu, cơ nghiệp cứ xuống dần. Rồi qua một vài chuyến buôn bán thua lỗ, bị mối lái lừa đảo, đâm khánh kiệt.
Bố anh phải bán cả cửa hiệu, trở về làng, nghèo khó hơn trước và tất nhiên trong nhà lục đục hơn trước. Cứ trông cuộc đời mấy anh em nhà Nam Cao cũng có thể thấy vẽ ra quang cảnh nhà anh và xã hội đổi thay thế nào. Nam Cao, anh lớn nhất, được học đến tốt nghiệp tiểu học lên bậc thành chung, mười một năm. Các em trai anh không biết cửa trường học ở đâu. Người thì gồng thuê gánh mướn, sống đời cố nông. Người đến tuổi, đi sở mộ vào Nam Kỳ làm phu cao su. Riêng có người em trai út, năm 1945 mới là thiếu nhi, đến 1954. khi hoà bình lập lại, được đi học thành kỹ sư.
Nam Cao kể với tôi khi anh đã lớn, biết rõ việc nhà, anh rất ghét bố anh. Tất nhiên ghét theo cách lặng lẽ của Nam Cao. Bây giờ ông cụ mất đã lâu.
Nhưng tôi tưởng ngay cả lúc sinh thời, cũng không bao giờ cụ biết được có lúc người con cả của cụ lại nghĩ về mình như thế. Ghét bố, bởi chỉ vì bố mà gia đình phải tay không về làng. Vì bố mà các em anh không đứa nào biết mặt chữ. Vì bố mà… bao nhiêu tội lỗi ở cái nhà này đều vì ông ấy cả. Có lúc anh đương cười to, chợt nhận thấy hình như mình có cái dáng vừa cười vừa giơ tay, bố anh cũng hay cười và giơ tay thế. Nam Cao cố chữa cho không cười và giơ tay giống vậy. Nam Cao cực ghét người đánh bạc và không biết cờ bạc là gì. Nam Cao kiểm lại những cử chỉ, các sinh sống, cái gì có thể giống bố, nhất định làm khác. Nhưng ngẫm nghĩ, rồi lại thương. Ông ấy phá, ông ấy làm ra, rồi ông ấy phá, công của ông ấy chứ nhà này ai đẻ được đồng tiền nào mà căm ghét gì ông ấy. Thế là lại thương, thương bố, thương mẹ, thương bà nội, cụ ngoại sống lâu quá, thương vợ, thương thân, thương những người đã cùng túng lại cứ cằn nhằn cấu xé làm khổ nhau trong cái bể khổ đầy vơi khắp thế gian này.
Cứ giận dỗi lại xót xa, lại hối hận như thế.
Nam Cao lấy vợ được chưa đầy một năm thì anh đi Sài Gòn. Cũng chẳng có mục đích gì mà đi. Duyên do vì ông Lễ, một người cậu họ có cửa hàng may đo Tây ở trong ấy. Ông cậu muốn có một người nhà vừa sổ sách, vừa tay hòm chìa khoá, thế là ông về mang cháu đi.
Cũng không phải chàng thanh niên này thất tình, thất chí gì đâu. Vợ chồng lấy nhau do cha mẹ gả bán từ khi còn ít tuổi, theo phong tục thông thường thời ấy. Cũng khó khăn đôi chút, vì chị ấy người bên lương, nhà anh đi đạo, nhưng họ đạo xôi đỗ mà anh thì tự nhiên đã nhạt đạo nên rồi cũng nên vợ chồng. Năm ấy, anh ốm, không thi hết bậc học thành chung ngoài Nam Định được đến năm ở Sài Gòn về, anh thi mới đỗ. Vợ anh thì chỉ như đứa con gái được mua bán đem về nhà để cha mẹ anh sai bảo. Với anh, mọi ràng buộc riêng tư chẳng thành vấn đề cản bước anh đi. Làm đời trai thử bay nhảy xem sao. Thế là đi.
Hơn hai năm trời ở Sài Gòn anh làm việc chí thú như mong muốn của người cậu: sổ sách, xuống tàu Tây cảng Nhà Rồng đo quần áo cho khách hàng và trông nhà. Nhưng cũng không phải anh chỉ bằng lòng và yên ổn sống như thế, anh cũng chút ít tìm ra ngoài xã hội.
Anh vào tráng đoàn hướng đạo. Một hôm, đoàn anh đi cắm trại ở Lái Thiêu. Mỗi tốp chia nhau ra chơi trò thỏ rùa, bịt mắt bắt dê… Sau đó về, từ đấy, anh không đến với đoàn nữa. Bao nhiêu năm rồi kể lại mà anh vẫn không nín được cười: thằng con trai to đầu đến độ có vợ rồi mà lại còn đi chơi trò trẻ trâu ấy làm gì! Anh cũng đến báo Kịch Bóng, xin được cái thẻ làm phóng viên. Rồi có lần phóng viên Kịch Bóng chưa viết được bài nào, cũng đi Nha Trang bằng tiền túi của mình dành dụm được.
Những hoạt động của phong trào Bình dân hồi 1935, 37 sôi nổi khắp thành phố và ngay cả quanh mình anh ở hiệu may Tây trong ngõ hẻm Chợ Cũ. Đêm đêm và buổi trưa anh nằm ngủ trên mảnh ván ghép kê dưới gầm chiếc bàn cắt to đặt giữa nhà. Quanh bàn và cả trên mặt bàn, những câu chuyện hào hứng về đình công, về biểu tình, về hội ái hữu, về nghiệp đoàn Đông Dương miên man đêm ngày không lúc nào ngớt. Ông Ngôn, cậu ruột anh khác ông Lễ cũng là tay hoạt động hăng hái trong ái hữu thợ may.
Nam Cao ngủ dưới gầm bàn, anh không để ý và cũng không ai để ý anh. Có thể có bạn nào nghiên cứu về Nam Cao sẽ nghĩ ra đại loại những câu hỏi: thế thì vì động cơ gì mà Nam Cao lại không tham gia phong trào chính trị lúc ấy rầm rộ đến thế. Tôi thì tôi chịu không cắt nghĩa được. Bởi tôi không thể nào tìm được vì cái gì cả. Nhưng, nếu thế, tôi xin hỏi ngược lại: vậy sao anh lại dửng dưng trước tài hùng biện của tờ-rốt-kít Tạ Thu Thâu, hầu như chủ nhật nào cũng diễn thuyết ở “bùng binh” chợ Bến Thành náo nức Sài Gòn.
Vâng, chỉ có điều dễ hiểu là lúc ấy anh chưa để ý, vậy thôi. Thời cơ chưa đến với tâm tư con người ta.
Mấy năm sau, khi cậu Ngôn bị mật thám Pháp truy lùng và ông ấy phải trục xuất về nguyên quán vì những hoạt động dính líu đến Nam Kỳ khởi nghĩa. Tôi được làm quen với ông Ngôn ở Đại Hoàng. Hồi ấy, những câu chuyện ông kể cho chúng tôi nghe về Tây đốt làng, Tây xâu dây thép vào tay người ném xuống biển, Tây bắt ông ấy… Hình ảnh ông Ngôn tham gia “cuộc phiến loạn ở Nam Kỳ” rồi bị xích tay giải về làng, lại đi làm thuê làm mướn như những ngày nghèo khó năm xưa, hình ảnh ấy đã xúc động Nam Cao nhiều. Nam Cao rất phục ông Ngôn. Trong cuộc đời và trong sáng tác của Nam Cao, tôi nhận thấy qua trò chuyện và ao ước của anh, cậu Ngôn là một hình ảnh sâu sắc mà chưa khi nào anh viết tới, tôi tin có những ảnh hưởng quyết định tới công việc tham gia hoạt động sau này của Nam Cao. Nhưng Nam Cao đã mất sớm, không biết, kháng chiến ở vùng giải phóng khu du kích Đại Hoàng, ông Ngôn bị bắt trong chỉnh đốn tổ chức và bị chết oan.
Hoàn cảnh và tâm sự con người ta thường éo le, khúc khuỷu, nổi chìm như thế.
Rồi cái hào hứng đi cho biết đó biết đây của Nam Cao bỗng biến thành một ân hận suốt đời. Ở Sài Gòn, anh ốm đến phù nề chân tay và phải trở về Bắc.
Một hôm, ngồi ăn cơm ở nhà, anh chợt để ý thấy bàn tay vợ rám nắng. Tôi nghĩ có khi bàn tay người làm đồng nắng mưa vất vả, dù ở tuổi con gái cũng bị rám nắng như thế từ đời thuở nào rồi, nhưng mà cái bệnh lo nghĩ của anh, anh rất cả lo, lan man lo, đã khiến lúc ấy anh thương vợ và anh giận anh đến thế.
Anh ân hận làm sao anh lại ngu dại đến bỏ đi Sài Gòn để đến nỗi bây giờ hai bàn tay người vợ yêu thương của anh đã nhăn nheo cả rồi anh mới về – tuổi thanh xuân và tình yêu đã qua đi, đã mất rồi, không bao giờ trở lại, không bao giờ vợ anh lại có được bàn tay của người đương xuân.
Bàn tay đẹp không bao giờ anh được thấy đã từ ám ảnh trở thành ước mơ. Cái đầu đề truyện ngắn Bàn tay đẹp ấy của Nam Cao in báo Quân du kích ở Việt Bắc viết về một cô du kích ở hậu địch đồng bằng sông Hồng có hai bàn tay đẹp cầm súng không có gì khác là ở nơi xa xôi nói được một câu về nỗi ao ước ngày trước của mình.
Trong sáng tác, Nam Cao thường viết rất thật – sự thật thông qua sức mạnh sáng tạo của anh. Đọc sáng tác nào của anh, tôi cũng có thể tìm ra và đoán được chuyện này anh thấy ở đâu, anh nghe ai kể, nhân vật ấy là ai. Khi viết xong tiểu thuyết Chết mòn (1) Nam Cao hay nói đùa: “Bao giờ những người trong tiểu thuyết này chết đi, mình mới đem in được sách. In bây giờ thì không dám nhìn mặt ai nữa!”. Nói huếch thế chứ tiểu thuyết Chết mòn dài mấy trăm trang, vào thời buổi khó khăn 1943, 1944, cũng chẳng nhà xuất bản ma nào hỏi đến.
Chỉ có mỗi nhân vật hay trở đi trở lại trong các tác phẩm của anh, thì hoàn toàn anh tưởng tượng. Mà tưởng tượng cũng đơn giản thôi: chỉ việc làm ngược lại Đó là vai “vợ” của các nhân vật thường xưng “tôi” trong truyện ngắn của Nam Cao. Khi nào người vợ ấy cũng nanh ác, lắm điều, luôn miệng rin rít chửi con, doạ đánh chồng, còn chồng thì sợ vợ một phép. Trong cuộc đời vợ chổng, chị ấy đối với anh, hiền như bóng.
Nhưng sáng tác, anh tưởng tượng nghịch ngợm khác đi, “vợ” tác giả thành dữ, thành ác. Có phải có vợ quá hiền cũng buồn, cũng muốn vợ lắm điều đôi chút, cuộc sống hằng ngày đỡ tẻ hơn chăng. Nhưng nghĩ cho cùng thì lúc nào con người và tình cảm anh cũng đượm buồn thương và một tấm lòng chân thành, thực như đếm được. Chúng tôi thường túng chuyện viết. Tháng nào cũng phải có truyện ngắn, truyện dài nộp cho báo và nhà xuất bản thì mới được người ta chi tiền. Khan cái để viết đến nỗi chúng tôi phải đi bói thầy bói Kế đương có tiếng ở Nam Định rồi về Nam Cao viết lại thành truyện ngắn tả quang cảnh và lời thầy bói đã nói tốt thế nào cho anh và người xem bói, anh chỉ sáng tạo ra có cái đuôi khi viết thành truyện ngắn: thầy bói vừa nói tốt số xong, ra khỏi vỉa hè, người xem bói bị ô tô chẹt chết. Túng đến nỗi có lần anh phải lấy chuyện Kinh Thánh ra viết phỏng theo thành truyện cho trẻ em đọc. Như truyện Bảy bông luá lép (2). Tôi cũng đã tìm báo Nam Phong xem bài của người ta nghiên cứu về đình chùa rồi đem viết lại thành truyện cho thiếu nhi.
Cả đến trong những cuộc chơi, anh cũng chỉ biết thương người. Hồi ấy, cuối năm lại cuối tháng rồi mà chẳng có gì để viết, một đêm chúng tôi cố tình đi chơi bơ vơ một chuyến hóng cái viết. Nghe còi tàu hoả trong đêm, tưởng như đã gợi hứng rồi. Nửa đêm, từ Hà Nội xuống Nam Định. Không phải về quê, nhà Nam Cao chỉ cách thành phố khoảng chục cây số. Chúng tôi đương giang hồ vặt mà. Tìm chỗ ngủ, sục vào nhà trọ, nhà nào cũng chật khách. Chúng tôi đến nhà săm (3) Đông Phương gần Bến Củi. Nhà này cũng chẳng còn phòng trống. Đã trở ra cửa, nghe có tiếng người gọi lại: “Các anh ở tạm phòng em vậy. Em đi ngủ nhờ nhà bạn cũng được”. Trông mặt cô em và câu mời với cung cách bả lả nói cười trong đêm hôm khuya khoắt như thế, ả này ắt gái làm tiền loại thuê tháng nhà trọ rồi đi kiếm khách hoặc có người bao.
Chúng tôi bằng lòng ngay. Rồi thì cô ấy cũng chẳng đi ngủ nhờ nhà ai cả. Cô ấy cứ mở chăn leo vào nằm giữa hai chúng tôi. Đến nửa đêm tôi nghe tiếng khóc ri rỉ bên cạnh đầu rồi tiếng Nam Cao rì rầm khuyên, can gì đó, tôi cũng không thủng được câu chuyện đầu đuôi ra sao. Sáng ra, Nam Cao kể lại.
Giọng anh rất xúc động, anh hỏi chuyện tình cờ mà được biết hoá ra trước kia cô ấy là em một người bạn anh ở Sài Gòn. Chẳng may yêu đương lỡ dở rồi cuộc đời chồng con mấy phen đau đớn, rồi giận đời đen bạc, cô cắt tóc đi tu, rồi sa chân lỡ bước đến đây…
Tôi thì tôi không tin. Bởi vì trong đêm tối có một lúc cô điếm ấy đã quay sang cắn tai tôi. Nhưng trông nét mặt cảm động vẻ sùng đạo của anh, tôi không đám nói. Trở về nhà tôi ở Nghĩa Đô, anh hì hục ngồi viết. Hồi ấy, chúng tôi viết khá khoẻ. Thường một truyện ngắn chỉ lia một mạch từ đầu chí cuối. Một truyện dài trên trăm trang cũng dăm bữa nửa tháng thì xong.
Nam Cao viết được một truyện vừa lấy tên là Một đời người, theo câu chuyện cô gái điếm đã kể đêm ấy ở nhà săm Đông Phương. Chỉ có một việc bịa: anh đặt cho nhân vật chính một cái tên “đầm”, là cô Suy-gian.
Rồi đem truyện Một đời người bán cho nhà xuất bản Cộng Lực, được chủ xuất bản ứng trước cho tám mươi đồng. Cuốn truyện này rồi nhà xuất bản đưa kiểm duyệt, bị bỏ. Lão kiểm duyệt Nguyễn Văn Chỉnh vốn là giáo học, nhắn tôi – như tôi đã có dịp viết trong Tự truyện (4): “Ông, bảo hộ tôi là cái ông Nam Cao thâm lắm, ông chửi Tây bằng cách đặt tên Tây cho nhân vật rồi bắt nó đi làm đĩ. Không được đâu!”.
Tám mươi đồng bạc hồi ấy không phải nhỏ đối với những người giật gấu vá vai quanh năm như bọn tôi. Huống chi, Nam Cao còn vợ con nheo nhóc ở quê, tháng tháng đợi chồng gửi tiền về đỡ đần.
Chiều hôm ấy, Nam Cao rủ tôi đáp tàu xuống Nam Định. Nhưng cũng không phải anh về nhà. Tám mươi đồng bạc tiền bản quyền anh đếm ra năm mươi đồng.
Anh đem năm mươi đồng về biếu cô gái điếm, cái cô mà anh cho là em người bạn cũ của anh ở Sài Gòn – mà tôi nghi ngờ chỉ là câu chuyện làm quà của cô điếm với khách làng chơi, mà anh thì thương xót, và anh nói nếu anh sẵn tiền, anh sẽ đưa cả tám chục cho cô ấy.
Nhưng không gặp lại cô gái điếm. Tìm mấy nhà săm nữa cũng không thấy. Nam Cao ân hận mãi về lần không gặp lại này.
Còn biết bao nhiêu chuyện tương tự như thế.
Những con người chúng tôi trôi giạt lúc ấy. Chúng tôi cũng mang đủ thói hư tật xấu của kiểu người như chúng tôi trong xã hội, những ích kỷ, ganh ghét nhỏ nhen, mọi thứ. Hỏi chúng tôi thích giàu có không.
Thèm đấy, mà không biết làm thế nào giàu được. Cũng bon chen, bon chen chứ, có khì chỉ vì không ngóc lên được thì đâm ra chán chường, nhưng chúng tôi cũng thấy được xã hội bất công. Những mơ hồ cứ dần dần bị bao nhiêu khủng khiếp của tình hình đất nước và thế giới thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ hai và những hoạt động quyết liệt của cả nước sửa soạn đứng lên – những sự kiện lớn lao ấy đã xoá đi cho chúng tôi biết bao mịt mù. Chúng tôi đến được với cách mạng bởi phần tốt đẹp còn có trong con người.
Những năm trước tháng tám 1945 cách mạng chưa trở thành không khí bao trùm đất nước một cách tất nhiên, như làn khí quyển bao quanh trái đất, như ngày nay. Những người viết văn ở Hà nội có thể chia thành từng loại:
1) Những người không biết thế nào là cách mạng, hoặc nếu biết cũng ngoảnh mặt đi. Các bạn ấy muốn sống cho đã, chơi cho đã. Các bạn ấy muốn yên thân, bởi làm cách mạng chẳng biết thế nào, dễ bị tội
2) Những người cũng muốn thay đổi, nhưng theo đuổi những con đường khác, anh tờ-rốt-kít, anh Đại Việt, anh Phật tử, anh Tin lành…
3) Có người được bè bạn thuyết phục, đọc sách báo bí mật giác ngộ đường lối của Đảng cộng sản và gia nhập các đoàn thể Việt Minh.
Nam Cao là một trong những bạn vào loại thứ ba ấy của tôi.
Nhưng đó mới chỉ là bắt đầu. Chúng tôi mới chỉ bước tới, mà trong mình vẫn mang theo vô khối thứ hành lý cũ lôi thôi. Từ đây về sau, trong tinh thần, cuộc đời tư tưởng và ngòi bút của chúng tôi mới bắt đầu và mãi mãi đấy lên cuộc chiến tranh đưa công cuộc sáng tạo kịp với thời đại, đòi hỏi cao hơn, mạnh hơn trong đời người cầm bút, khác trước kia.
(... lược bỏ đoạn về Trần Đăng vì không liên quan Nam Cao)
Cũng như với Trần Đăng, đọc tác phẩm Nam Cao viết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp – kết quả sau cùng của một lao động sáng tác, thấy được rất rõ bước đường phát triển của con người và nhà văn Nam Cao – từ truyện ngắn Đôi mắt cho đến nhật ký Ở rừng.
Trong các nhà văn nước ngoài mà Nam Cao đã từng đọc, Nam Cao mê nhất Sê-khốp. Tôi nhớ anh cũng chỉ phục có một mình tài năng Sê-khốp, với một số phận cùng cực và mong manh của những con người những nhân vật cỏn con của ông: người công chức già, cô gái ế, cậu bé mồ côi, những luẩn quẩn vụn vặt đến nhức đầu trong gia đình nghèo và những cái rởm đời của những người có máu mặt.
Ấy thế nhưng những lúc cao hứng lên, anh cũng chẳng coi ai ra gì. Nhưng chỉ từng lúc hứng chí mênh mông thế thôi. Rồi lại bần thần nghĩ lại, anh không cải chính và hối hận mình đã lỡ lời, đã bốc tếu, nhưng những việc anh cặm cụi hàng ngày làm đã trả lời rành rõ hộ anh, anh sửa mo-rát, anh viết tin, từng tin vặt trên báo Cứu Quốc – tờ báo hàng ngày mà chúng tôi làm phóng viên. Chủ nhiệm Xuân Thuỷ bảo anh viết cuốn sách giải thích về nhiệm vụ người công giáo kháng chiến (cuốn sách này chưa được xuất bản), anh cộng tác với Văn Tân soạn in những tập Địa lý thế giới cho học sinh phổ thông, anh viết bích báo cho cơ quan, mỗi tuần một tờ dán ở vách bếp ăn, anh viết ca dao, ký tên Suối Trong, khi chúng tôi làm tờ báo hàng ngày Cứu Quốc Việt Bắc. Nghĩa là việc gì thấy có ích, anh đều làm, không nề hà việc to việc nhỏ. Trong khi ấy anh mơ tưởng và thực sự anh đã bắt tay vào cuốn tiểu thuyết dài về làng Đại Hoàng kháng chiến. Cuối năm 1950, mấy chương đầu anh đã viết lại mấy lần, Nguyễn Huy Tưởng và tôi đã đọc những chương đó, rồi anh bỏ, anh chưa vừa lòng…
Nam Cao vốn không phải là người xông xáo, mạnh dạn. Tính anh trầm lặng, hay nhường nhịn và dường như nhút nhát. Nhưng tất cả những trường hợp không cần phải thế, đều tỏ rõ khí phách ở anh. Chiến dịch thu đông 1950, chúng tôi ghé lại Bắc Sơn rồi về ở Vũ Lăng. Máy bay địch bắn phá Vũ Lăng. Ba lô quần áo chúng tôi cháy hết. Sổ tay của anh bị đạn đâm nát.
Nhưng mặc đấy, anh đi cứu thương. Máy bay quay lại ném bom, anh vẫn cùng dân quân dọn dẹp các đám cháy cho tới tối mịt. Khi chiến dịch giải phóng biên giới sắp mở, chúng tôi vượt đường số 4 quãng Lạng Sơn sang với cánh quân của ta đóng bên kia huyện Thoát Lãng. Đường số 4 bị địch chiếm đóng, canh gác và tuần tra suốt ngày đêm. Chúng tôi đến trạm liên lạc, chờ giao thông vào báo lúc nào vượt đường được.
Người đợi ở các trạm giao thông không phải người của một tổ chức, một đơn vị, nên rất tạp. Không ai biết ai và hiểu ai như thế nào. Cách thức vượt qua đường: theo giao thông và đi hàng một, ai cũng trù trừ, không ai muốn là người thứ nhất đi sau người giao thông vượt qua đường. Bỗng dưng, Nam Cao lưng đeo ba lô, bước xuống đứng xếp hàng vào chỗ người đầu tiên sau người giao thông. Tính anh là vậy.
Tôi được nghe kể lại chuyện anh hy sinh (7) ở vùng đồng chiêm Hoàng Đan dưới khu ba, khi vào vùng địch chiếm, cũng tương tự như chuyện vượt đường số 4 mà tôi đã được chứng kiến. Có bảy chiếc thuyền nan lúc chập tối bơi vào vùng địch. Bảy chiếc đi cách quãng thành một hàng dài. Nam Cao ngồi ngay trong thuyền đầu. Hai thuyền đi đầu đã bị địch vây bắt. Nam Cao như thế đấy. Nó biểu hiện mạnh mẽ con người và cuộc sống của anh. Trước sau như thế, khi cần thì tất cả vì nhiệm vụ.
* Chú thích của tác giả:
(1) Tiểu thuyết Sống mòn, đầu tiên, Nam Cao đặt tên là Chết mòn.
(2) Bảy bông lúa lép, truyện của Nam Cao, Nhà xuất bản Cộng Lực 1941.
(3) Nhà săm (do chữ Pháp chambre), nhà chứa trọ, phòng cho thuê, thường có gái điếm
(4) Tự truyện, hồi ký của Tô Hoài, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1976 (tái bản 1984, 1997)
(5) Những đoạn văn ngắn của Trần Đăng, in trên tạp chí Độc Lập
(6) Một đồn của Pháp trên một quả đồi tên là Dóm ở bờ sông Thao địa phận tỉnh Yên Bái.
(7) Nam Cao hy sinh ngày 1-10-1951.
230
2359
21405
217904
121356
114511031