Bên cạnh đó, giấc mộng ấy còn được viết trên những cơn đau nội tại mà sự tác động qua lại giữa chúng hết sức phức tạp, bởi nếu chữa lành căn bệnh này lại làm trầm trọng thêm một căn bệnh khác. Để giải quyết những cơn đau ấy, theo một cách truyền thống được ưa chuộng, giới lãnh đạo Trung Quốc lựa chọn để “con rồng Trung Hoa” bung ra khỏi đường biên giới hiện tại đã trở nên chật hẹp đối với nó. Căn tính “bành trướng để chiếm đoạt” của Trung Quốc và giấc mộng bá vương đeo bám đến độ thành nỗi ám ảnh tâm thức dân tộc được vun trồng một cách có ý thức, làm trỗi dậy những nguy cơ tiềm tàng đối với thế giới và đặc biệt là các nước láng giềng.
Trung Quốc hiện đang phải đối diện với rất nhiều vấn nạn cần cấp bách giải quyết. Hẳn thế! Tuy nhiên, có hai “hố đen” trên con đường phát triển mà Trung Quốc luôn phải đặt trọng tâm và toàn bộ nỗ lực vượt qua: Vấn đề dân số và đi kèm với nó là đất đai.
Về dân số, dân số Trung Quốc chiếm 21,2% dân số trái đất[1] - hiện dân số đang là một vấn đề phức tạp của Trung Quốc khi mức tăng dân số tỉ lệ nghịch với nhịp độ phát triển của đất nước. Nhờ chính sách kế hoạch hoá dân số, trong khoảng 20 năm trở lại đây (1993-2013), dân số Trung Quốc chỉ tăng thêm có 250 triệu người, song dù vậy, với mức độ tăng dân số như trên, trong 10 năm tới (2015-2025), mỗi năm, dân số Trung Quốc sẽ tăng thêm hơn 10 triệu người. Ở thời điểm hiện tại, dân số khổng lồ của Trung Quốc đã vượt quá khả năng đáp ứng của điều kiện tự nhiên. Theo tính toán, với điều kiện đất đai, môi trường như Trung Quốc hiện có, dân số chỉ cho phép tối đa ở ngưỡng từ 700 đến 800 triệu người, nhưng trên thực tế, dân số Trung Quốc đã lên đến trên 1.3 tỉ và 94% dân cư đang sinh sống trên 46% lãnh thổ[2]. Diện tích đất khô hạn và bán khô hạn của Trung Quốc chiếm 31% và 22% (53%) tổng diện tích đất đai[3]. Trong một tương lai không xa, Trung Quốc sẽ thiếu hụt trầm trọng diện tích đất sinh kế.
Thu hẹp ruộng đất canh tác, thiếu nước, phá rừng, rác thải sinh hoạt... hậu quả của việc tăng dân số đang gây thảm họa cho môi trường, hủy hoại cân bằng sinh thái. Một trong những dạng thức phá hủy môi trường thường gặp ở Trung Quốc là xói mòn, xâm thực và sa mạc hóa đất đai. Đến những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, diện tích đất bị xói mòn ở Trung Quốc vào khoảng 1,6 triệu km2 (chiếm 1/6 diện tích cả nước); hàng năm, có khoảng 2.100 km2 đất đai bị biến thành sa mạc[4]. Nhà nghiên cứu A.Khramchilin phân tích: “Trung Quốc phải có không gian sống lớn hơn rất nhiều nếu như không muốn trở thành nhỏ đi rất nhiều. Nước này không thể tồn tại như hiện nay nếu không bành trướng để chiếm đoạt các nguồn tài nguyên và lãnh thổ và đây là một thực tế”[5]. Như thế, dễ dàng nhận thấy rằng, chính vấn đề đất đai và dân số đã làm nảy sinh, nuôi dưỡng một cách vô thức rồi có ý thức một tham vọng lớn, đưa tham vọng ấy ăn sâu vào máu thịt, não trạng các thế hệ lãnh đạo nước Trung Hoa xưa và nay, bất kể triều đại phong kiến hay cộng sản – tham vọng đất đai, lãnh hải. Cũng chính tham vọng ấy đã biến Trung Quốc thành con rồng hung dữ, sẵn sàng khạc lửa, sẵn sàng nhai nuốt các quốc gia láng giềng khi có cơ hội và điều kiện.
Có quan hệ địa - chính trị lâu đời nhất trên thế giới với Trung Quốc, trong suốt chiều dài tồn tại, Trung Quốc luôn ứng xử với Việt Nam theo tinh thần nước lớn và tham vọng đối với lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam chưa bao giờ nguội lạnh, đặt Việt Nam vào danh sách những nước bị ám bởi “lời nguyền địa lý”. Để thỏa mãn “cơn khát đất” vắt ngang nhiều thế kỷ, chiến lược của Trung Quốc với Việt Nam là nhất quán với hai điểm mấu chốt: 1- Lấn chiếm, đánh chiếm đất đai, sông biển; 2-Lan tỏa ảnh hưởng, quyền lực mềm/biên giới mềm.
Thực hiện chiến lược thứ nhất, Trung Quốc kết hợp hai chiến thuật: Xâm lấn, lấn dần và lựa chọn thời điểm đánh những trận quyết định, hướng tới mục tiêu duy nhất - tranh đoạt đất đai, sông biển của Việt Nam. Từ khi nước Trung Hoa mới ra đời cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã tiến đánh Việt Nam ba trận quyết định cả từ trên bộ và trên hướng biển: Hoàng Sa (1974), Biên giới phía Bắc (1979), Trường Sa (1988). Gần đây nhất là sự kiện giàn khoan HYSY- 981 được đưa vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và việc xây cất đảo nhân tạo - hành động liều lĩnh thay đổi luật chơi, dồn Việt Nam vào “sự đã rồi”, nhất là Việt Nam đang ở vào trong thế khó mọi bề trong những lệ thuộc nhiều mặt, hữu hình và vô hình vào Trung Quốc. Điều cần nói thêm về sự nguy hiểm của việc mở rộng đảo nhân tạo là nó nằm trong những tính toán và một lộ trình chặt chẽ, nhằm kết nối các điểm có thế mạnh về quân sự ngang dọc trên biển Đông của Trung Quốc với những điểm Trung Quốc cài cắm nhân lực trên đất liền Việt Nam[6].
Thực hiện chiến lược thứ hai, Trung Quốc chủ trương sử dụng thuyết "biên giới mềm" với rất nhiều biện pháp và bước đi cụ thể, có tính chi phối cao với những mối ràng rịt, quấn bó; một mặt, tạo ra một lực khiến Việt Nam bị hút một cách dễ dàng rồi rơi vào vòng xoáy ảnh hưởng của Trung Quốc; mặt khác, khiến Việt Nam tự nguyện rơi vào vòng xoáy đó bởi những lợi ích trước mắt – những lợi ích thiếu tầm nhìn.
Nếu như chiến lược thứ nhất được đánh giá là rất nguy hiểm đối với chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, thì chiến lược thứ hai được coi là cực kỳ nguy hiểm. Nếu chiến lược thứ nhất chỉ thành hiện thực vào những thời điểm xác định và bất cứ một cuộc chiến gươm súng nào xảy ra đều chịu sự phán xét của quốc tế, thì chiến lược thứ hai không chỉ tạo đà cho chiến lược thứ nhất thành hiện thực, mà nó ngấm dần, hủy hoại nền tảng, làm mục ruỗng quốc gia theo kiểu “mưa dầm thấm đất”, để lại hậu quả lâu dài, khiến nó suy yếu dần, từ từ đi đến “cái chết ngọt ngào”, không đánh cũng thua và với trận chiến ngầm ấy chẳng một lực lượng quốc tế nào có thể chạm tay tới. Hiểm họa từ Trung Quốc là có thực; đương đầu, hóa giải hiểm họa ấy là cấp bách! Song bắt đầu từ đâu và bằng cách nào? Trả lời câu hỏi đó, trách nhiệm trước tiên thuộc về các cấp hoạch định chính sách vĩ mô.
CHÚ THÍCH
[1] Л.И. Сосковец: Глобальные проблемы современности и Азиатско-Тихоокеанский регион, Томск: Изд-во ТПУ, 2005.
[2]Александр Храмчихин: Почему Китай сломает весь мир, Агенство политических новостей, 10-9-2007.
[3] Джан Хэ лань: Рост исленности населения -Факор социаьного давления в Китае, ecsocman.hse.ru, 2000г
[4] Джан Хэ лань: Рост исленности населения -Факор социаьного давления в Китае, Указ. Соч.
[5]Александр Храмчихин:Китай против России: Победа будет не за нами, Newsland, 14-3-2010
[6]Các đảo nhân tạo và căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Trường Sa (Gạc Ma và Chữ Thập) được kết nối với căn cứ hải quân Du Lâm (Hải Nam) và Tam Sa (Hoàng Sa); đồng thời ghép nối với dự án Đèo Hải Vân tạo ra một gọng kìm chiến lược khống chế và chia cắt 2 miền Bắc Việt Nam. Cần nhớ rằng, căn cứ Du Lâm chỉ cách đặc khu kinh tế Vũng Áng hơn 350km, nơi có hơn 7.000 công nhân Trung Quốc làm việc.