Góc nhìn văn hóa
Liên Xô với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam năm 1979

Cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam năm 1979 diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn, khi đất nước phải dàn lực ở cả hai đầu biên giới, song, trong tình thế hiểm nghèo ấy, Việt Nam không đơn độc. Sát cánh bên nhân dân Việt Nam có bạn bè quốc tế, ủng hộ Việt Nam trên nhiều phương diện khác nhau, từ tinh thần tới vật chất; trong đó, nổi bật phải kể đến vai trò của Liên Xô.
1- Ủng hộ về chính trị
Ngay sau khi Trung Quốc tấn công Việt Nam, Liên Xô đã lập tức có những động thái lên án Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam. Ngày 18/02/1979, Chính phủ Liên Xô ra Tuyên bố về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc. Trong Tuyên bố, Moscow khẳng định Trung Quốc đang có những hành động hung hăng, đi ngược lại các nguyên tắc của Liên Hợp Quốc và chà đạp thô bạo luật pháp quốc tế. Liên Xô nghiêm khắc cảnh báo “sẽ thực hiện các nghĩa vụ được thừa nhận theo Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Liên Xô và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”[1]. Bản Tuyên bố bày tỏ sự tin tưởng rằng, “quân và dân Việt Nam có đủ sức mạnh và ý chí để đánh bại kẻ thù xâm lược”, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc “chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa chống nhân dân Việt Nam và lập tức rút quân khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam!”[2].
Thời kỳ Chiến tranh Lạnh và đối đầu Đông - Tây, trong hệ thống XHCN nói chung, Khối Vacsava, Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV) nói riêng, trước mỗi một sự kiện quốc tế tiêu biểu, quan điểm, lập trường của Liên Xô là rất quan trọng, nó mang tính định hướng đối với các thành viên còn lại. Tương tự đối với trường hợp chiến tranh Trung - Việt, sau khi Liên Xô có phản ứng và thể hiện thái độ cứng rắn,kiên quyết lên án hành động xâm lược của Trung Quốc thì đại đa số các nước XHCN cũng lên tiếng. Trong 2 ngày18-19/02/1979, Trung ương Đảng và Chính phủ Tiệp Khắc, Bulgaria, Mông Cổ, Ba Lan, Hungaria, Lào…. đồng loạt ra tuyên bố, yêu cầu nhà cầm quyền Trung Quốc phải nhanh chóng rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Ở những nước XHCN nói trên, dấy lên một phong trào phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, tổ chức các cuộc mittinh, tuần hành, giương cao các khẩu hiệu: “Bọn xâm lược Trung Quốc cút khỏi Việt Nam!”, “Chấm dứt ngay những hành động gây chiến!”, “Không được đụng đến Việt Nam!”...
Lên án Trung Quốc xâm lược, bày tỏ sự ủng hộ, tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân Việt Nam, ủng hộ Việt Nam về chính trị được Nhà nước Xô viết thực hiện qua hàng loạt những hoạt động cụ thể, liên tục trong một khoảng thời gian khá dài. Ngày 18/02/1979, tiếp Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô Nguyễn Hữu Khiếu, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô A.A.Gromyko nhấn mạnh lại một lần nữa lập trường “kiên quyết lên án cuộc xâm lược đầy tội ác của tập đoàn phản động Trung Quốc chống Việt Nam”[3]; đồng thời, khẳng định “Liên Xô sẽ thực hiện những cam kết của mình theo Hiệp ước hữu nghị và hợp tác”[4] giữa hai nước. Trong cuộc họp của Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô (19/02/1979), Phó Chủ tịch V.Kyznetsov cho biết: Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô đã nhận được rất nhiều thư, điện của các cá nhân, tập thể nhân dân lao động Liên Xô phẫn nộ lên án chính sách bá quyền của Bắc Kinh đã gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Phó Chủ tịch V.Kyznetsov cho biết: Tất cả các đại biểu dự phiên họp hoàn toàn ủng hộ Tuyên bố của Chính phủ Liên Xô về hành động phiêu lưu quân sự của Trung Quốc đối với Việt Nam và sẽ đoàn kết với Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì sự bất khả xâm phạm của biên giới lãnh thổ[5].Ngày 20/02/1979, tiếp Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc cứu nước Campuchia, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô O.B.Rakhamanil tiếp tục thể hiện thái độ “kiên quyết lên án chính sách bành trướng của tập đoàn cầm quyền Trung Quốc phản bội tiến công nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”[6].Ngày 22/02/1979, đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm lần thứ 61 ngày thành lập Quân đội và Hải quân Liên Xô của nhân dân lao động và bộ đội Quân khu Moscow, Nguyên soái S.Socolov nêu rõ: “Cùng với nhân dân Liên Xô, các chiến sĩ Quân đội và Hải quân Liên Xô kiên quyết lên án cuộc xâm lược của Bắc Kinh và tuyên bố: Không được đụng đến nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”[7].
Từ ngày 20/02 đến ngày 05/3/1979, các lãnh đạo cấp cao hàng đầu của Đảng, Nhà nước Xô viết như Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Nhà nước I.Andropov, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng A.A. Kosygin, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô M.A. Suslov, Tổng Bí thư L.I. Breznev… đã có các cuộc tiếp xúc với cử tri ở nhiều địa điểm khác nhau. Tại các cuộc gặp gỡ này, vấn đề Trung Quốc xâm lược Việt Nam luôn là một trong những tâm điểm bàn luận; theo đó, chính sách hiếu chiến của Bắc Kinh bị phê phán một cách mạnh mẽ[8]. Đơn cử như vào ngày 23-02-1979, tiếp xúc với cử tri Moscow, khi đề cập đến thái độ hiếu chiến của Trung Quốc đối với Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô D.F. Ustinov phát biểu: “Cuộc xâm lược vũ trang này chứng tỏ rằng những người kế tục Mao không ngừng các âm mưu đẩy thế giới vào chiến tranh. Bằng cuộc tiến công phản bội vào nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bắc Kinh đã bóc trần trước toàn thế giới chính sách bá quyền của họ”[9].
Ngày 02/3/1979, khi quân đội Trung Quốc bắt đầu bao vây Lạng Sơn, Chính phủ Liên Xô ra Tuyên bố thứ hai với lời lẽ cứng rắn. Sau khi lên án hành động gây chiến tranh của Bắc Kinh đối với Việt Nam và việc nước này không ngừng gia tăng sức ép dọc tuyến biên giới với Lào, bản Tuyên bố chỉ trích chính sách dung túng cho hành động xâm lược của Trung Quốc mà một số nước trên thế giới đang theo đuổi[10]. Nhìn chung, tinh thần của bản Tuyên bố là Liên Xô sẵn sàng can thiệp và hành động theo các điều khoản của Hiệp ước với Việt Nam.
Ngoài Chính phủ Liên Xô và các lãnh đạo cấp cao của Nhà nước Xô viết lên tiếng phản đối Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam, các tầng lớp nhân dân lao động Liên Xô đã tổ chức mít tinh, tuần hành thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam. Công nhân nhiều nhà máy ở Liên Xô như nhà máy luyện kim Búa Liềm, nhà máy dệt Xoncov, nhà máy cơ khí Siberia, Xí nghiệp liên hợp sản xuất phân hóa học Vonxcorexenski… đã míttinh lên án Trung Quốc, bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam. Công nhân nhiều nhà máy, xí nghiệp còn đẩy mạnh sản xuất, quyết tâm hoàn thành các đơn đặt hàng của Việt Nam trước kế hoạch[11]. Không hiếm trường hợp công dân Liên Xô đã gửi thư và điện đến Đại sứ quán Việt Nam tại Moscow xin được sang Việt Nam chiến đấu. Các thủy thủ của tuần dương hạm Vladivostok đã gay gắt chỉ trích cuộc chiến tranh Trung Quốc gây ra; khẳng định hoàn toàn ủng hộ Tuyên bố của Liên bang Xô viết[12]. Các đoàn thể chính trị - xã hội như Ủy ban Phụ nữ Liên Xô, Hội Nhà báo Liên Xô, Hội Nhạc sĩ Liên Xô, Ủy ban Đoàn kết nhân dân Á- Phi của Liên Xô, Công đoàn công nhân ngành luyện kim và mỏ Liên Xô, Hội Sinh viên đại học Liên Xô…đều ra tuyên bố bày tỏ sự công phẫn sâu sắc đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam[13]. Ủy ban Hòa bình Liên Xô đã hoạt động rất tích cực: Chỉ trong vòng gần một tháng, Ủy ban này đã vận động và tập hợp được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức quốc tế khác nhau, tổ chức một hội nghị quốc tế ở Stockholm lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc[14].
Tại Việt Nam, cán bộ, chuyên gia Liên Xô đang làm việc tại đây cũng có những hành động cụ thể, thể hiện thái độ, lập trường của mình. Từ ngày 20/02 đến ngày 05/3/1979, đông đảo chuyên gia Liên Xô tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hòa Bình… đều tổ chức mittinh kịch liệt lên án hành động của Trung Quốc, khẳng định “quyết tâm sẵn sàng lao động quên mình”, “nguyện kề vai sát cánh với nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[15]. Đặc biệt, ngày 23/02/1979, phát biểu tại lễ kỷ niệm 61 năm ngày thành lập Quân đội và Hải quân Liên Xô tại Hà Nội, tùy viên quân sự Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam, Đại tá N.A.Saracov khẳng định: “Nhân dân Việt Nam anh hùng, nạn nhân của cuộc xâm lược mới có thể tự bảo vệ được”[16], nhưng họ “có những người bạn tin cậy. Liên Xô sẽ thực hiện những nghĩa vụ của mình theo bản Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam”[17].
Đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải thông tin về chiến tranh biên giới Trung - Việt; qua đó, giúp tranh thủ sự ủng hộ đối với Việt Nam của nhân dân Liên Xô và thế giới là mạng lưới báo chí Xô viết. Chỉ trong hai ngày 19 và ngày 20-02-1979, riêng trên báo Pravda đã có 25 bài về cuộc tấn công của Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam, chứa đựng những chỉ trích hết sức gay gắt, thậm chí có một bức tranh biếm họa còn so sánh các nhà lãnh đạo Trung Quốc với độc tài phát xít Hitler[18]. Từ khi chiến tranh Trung - Việt bùng nổ cho đến khi Trung Quốc rút quân và cả sau đó một thời gian dài, trên các tờ báo lớn của Liên Xô, với tần suất khá dày đặc thường xuyên thông tin đến độc giả về diễn tiến chiến tranh Trung - Việt, về sự tàn bạo của quân đội Trung Quốc, về quyết tâm chiến đấu của nhân dân Việt Nam, về tình đoàn kết, sự ủng hộ của Liên Xô và nhân dân tiến bộ trên thế giới đối với Việt Nam…. Bên cạnh đó, đã đăng tải không ít những bài báo phê phán chủ nghĩa Mao, phê phán chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc, chỉ trích chính sách của một số nước đồng lõa với Trung Quốc chống Việt Nam….
Ngoài những tuyên bố cứng rắn lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, Liên Xô còn giúp Việt Nam đấu tranh trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Ngày 23/02/1979, tại Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Quyền trưởng Đoàn đại biểu Liên Xô Đại sứ M.Khaclamov đọc diễn văn, nêu rõ: “Cuộc xâm lược của quân đội Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam là kết quả logic của chính sách khiêu khích và bành trướng của những người cầm quyền Trung Quốc…(..). Bằng cách đem quân chống Việt Nam, họ đã tỏ ra hoàn toàn không đếm xỉa đến Hiến chương Liên Hiệp Quốc”[19]. Đại sứ M.Kharlamov chỉ trích những người dung túng cho một chính sách như thế chính là đang tạo điều kiện cho Trung Quốc “đẩy thế giới vào vực thẳm của một cuộc chiến tranh tàn phá mới”[20]. Ông kêu gọi “cần kiên quyết chống lại những hành động đe dọa hòa bình của Trung Quốc”[21], đưa ra những biện pháp cấp bách chấm dứt trò chơi với lửa của nhà cầm quyền Trung Quốc. Đại sứ M.Kharlamov đã cảnh cáo rằng Liên Xô sẽ không ủng hộ một nghị quyết mà không lên án Trung Quốc và không yêu cầu binh sĩ Trung Quốc triệt thoái khỏi Việt Nam. Cùng với Đoàn đại biểu của Tiệp Khắc, Đoàn đại biểu Liên Xô đã trình một Dự thảo nghị quyết đòi quân đội Trung Quốc phải rút ngay khỏi lãnh thổ Việt Nam; yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường chiến tranh cho Việt Nam; kêu gọi tất cả các thành viên của Liên Hiệp Quốc chấm dứt cung cấp vũ khí cho Trung Quốc[22]; tuy nhiên, dưới áp lực của nhiều nước phương Tây, Nghị quyết đã không được thông qua. Ngày 24/02/1979, Liên Xô phủ quyết Dự thảo nghị quyết yêu cầu Việt Nam rút hết quân đội khỏi Campuchia do Trung Quốc đề đạt. Cuối cùng, Hội Đồng Bảo An đã không đưa ra và không thông qua được một nghị quyết trong suốt cuộc chiến tranh Trung - Việt[23]. Bên cạnh đó, Liên Xô cũng cáo buộc Mỹ phải gánh một phần trách nhiệm trong việc Trung Quốc có thể ngang nhiên tiến đánh Việt Nam. Trong cuộc hội đàm giữaNgoại trưởng Mỹ Vance và Đại sứ Liên Xô tại Hoa Kỳ A. Dobrynin, Dobrynin nêu quan điểm: Liên Xô cho rằng, Mỹ đã “bật đèn xanh” cho Trung Quốc xâm lược Việt Nam[24] -ám chỉ những bí mật mà Bắc Kinh và Washington đã thỏa thuận trong chuyến thăm Mỹ của Đặng Tiểu Bình, những thỏa thuận đã cho phép Trung Quốc không một chút do dự tiến hành chiến tranh, “bắt nạt” một nước láng giềng yếu hơn.
2. Giúp đỡ về quân sự
Trước khi chiến tranh Trung - Việt bùng nổ, các chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam (gồm 50 người đứng đầu là Trung tướng V.M. Mikhailov) đã tư vấn xây dựng ba tuyến phòng thủ ngăn chặn trong trường hợp Trung Quốc động binh. Tuy nhiên, do thiếu thời gian, nhân lực và vật lực, những tuyến phòng thủ này đã không kịp xây dựng.
Vào ngày đầu tiên cuộc chiến tranh Trung - Việt (17/02/1979), Trưởng đoàn chuyên gia quân sự tại Lào, Thiếu tướng A.G. Gaponenko đã được điều động đến Việt Nam. A.G. Gaponenko đã làm việc với Bộ Quốc phòng Việt Nam, nghiên cứu các báo cáo về tình hình chiến sự, đến một số nơi ở biên giới quan sát thực địa và gửi báo cáo về Liên Xô[25].
Chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam năm 1979 Nguồn: Internet
Ngày 19/02/1979, Đại tướng G.I. Obaturov cùng với 20 chuyên gia và cố vấn quân sự thuộc nhiều quân binh chủng khác nhau đã đến Hà Nội (Đại tướng G.I. Obaturov được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Liên Xô bên cạnh Bộ Quốc phòng Việt Nam)[26]. Đại tướng G.I. Obaturov đã ngay lập tức họp với Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam với sự có mặt của Tổng Tham mưu Trưởng Lê Trọng Tấn và Bộ trưởng Quốc phòng Văn Tiến Dũng, nghe báo cáo về diễn biến thực tế của cuộc chiến. Đại tướng G.I. Obaturov quyết định cùng với các chuyên gia đến vùng chiến sự, trực tiếp nắm bắt tình hình cụ thể để đưa ra những tư vấn chính xác và kịp thời. Theo như hồi ức của một số chuyên gia trong Đoàn thì khi đến địa bàn Lạng Sơn, ô tô của Đoàn cố vấn đã nằm trọn trong khu vực pháo kích của pháo binh Trung Quốc và “thoát ra khỏi đó cũng như sống sót được quả là một phép lạ”[27]. Để bảo đảm thông tin liên lạc cho Đoàn cố vấn quân sự với mặt trận và với Moscow, 188 chuyên gia về thông tin liên lạc (120 người đã có mặt ở Việt Nam từ năm 1978 và 68 người được cấp tốc cử sang Việt Nam khi cuộc chiến bùng nổ) đã làm việc không kể ngày đêm để mọi kênh thông tin liên lạc được thông suốt[28].
Sau chuyến thị sát, nhằm củng cố Quân đội và nâng cao hiệu quả chiến đấu, Đoàn cố vấn Liên Xô đưa ra một số đề nghị/khuyến nghị như: 1. Chuyển quân đoàn từ Campuchia về mặt trận Lạng Sơn[29]; 2. Nhanh chóng gửi tới Lạng Sơn một trung đoàn pháo phản lực BM-21 (trang bị hệ thống tên lửa "Grad" được Liên Xô chuyển giao cho Việt Nam từ giữa năm 1978);3. Huy động, tổ chức, sắp xếp lại một số bộ phận, đơn vị; 4. Ra lệnh rút khỏi vòng vây và rút về lực lượng đang chiến đấu trong hậu phương của đối phương[30]. Mọi đề xuất của nhóm cố vấn Liên Xô đều được phía Việt Nam thông qua và hiện thực hóa[31]. Đại tướng G.I. Obaturov cũng đề nghị lãnh đạo Liên Xô viện trợ khẩn cấp vũ khí và trang thiết bị cho Việt Nam.
Vận tải có vai trò trọng yếu trong đảm bảo nhu cầu của quân đội khi tiến hành chiến tranh. Đối với cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Việt Nam năm 1979, vận tải đặc biệt quan trọng trên hai phương diện: Thứ nhất, kịp thời vận chuyển hàng hóa viện trợ quốc tế đến với Việt Nam; thứ hai, vận tải vũ khí, khí tài và nhân lực phục vụ chiến đấu. Trong thời điểm Việt Nam hết sức khó khăn, vừa phải căng mình trên hai mặt trận, vừa thiếu thốn phương tiện vận tải một cách trầm trọng, thì sự giúp đỡ kịp thời, hiệu quả của Liên Xô trên lĩnh vực này là hết sức quý giá. Phi đoàn máy bay vận tải An-12 của Liên Xô đãkhẩn cấp giúp vận chuyển lực lượng vũ trang Việt Nam từ Campuchia về biên giới phía Bắc. Tiếp đó, một cầu hàng không từ Liên Xô đến Việt Nam được thiết lập. Trong vòng gần một tháng, “các máy bay của vận tải hàng không quân sự Liên Xô đã giúp vận chuyển 20.000 quân nhân của lực lượng vũ trang Việt Nam, hơn 1.000 đơn vị trang thiết bị chiến đấu, 3.000 tấn vũ khí trang bị, đạn và cơ sở vật chất phục vụ chiến tranh”[32]. Bên cạnh đó, hàng hóa viện trợ còn được gửi tới Việt Nam bằng vận tải đường biển. Tại các quân cảng Vladivostok, Nakhodka, Odessa, hàng viện trợ quân sự được khẩn trương đưa xuống các đoàn tàu vận tải quân đội để chuyển đến Việt Nam.Chỉ riêng ở Hải Phòng, trong thời gian Trung Quốc tấn công Việt Nam, hơn 20 tàu chở hàng hóa và tàu chở dầu đến từ Liên Xô đã được bốc dỡ. Để có thể bốc dỡ hàng nhanh chóng và an toàn trong điều kiện các cảng của Việt Nam không xa vùng chiến sự là bao nhiêu và các cảng của Việt Nam thiếu hụt trầm trọng nhân công (do các công nhân người Hoa đã bỏ về nước), Liên Xô đã cử sang Việt Nam một đội bốc dỡ chuyên nghiệp với 150 công nhân, kỹ sư và chuyên giađược thành lập từ nguồn nhân lực các cảng Vladivostok, Nakhodka và Vanina, Korsakov[33]. Trong thời gian ở Việt Nam, Đội đã bốc dỡ 26 tàu tải trọng lớn và hơn 100 nghìn tấn hàng hóa[34]. Riêng tại cảng Hải Phòng, Đội đã “xử lý 79.100 tấn hàng hóa, chuyển đến vận tải đường sắt 14.000 tấn, giải phóng 16 tàu hàng, còn tại cảng Sài Gòn, đã xử lý 25.700 tấn và giải phóng 13 tàu hàng, tiết kiệm hơn 4.500 giờ neo đậu tàu[35].
Tàu đổ bộ của Liên bang Xô viết vận chuyển trang thiết bị quân sự lên quân cảng Cam Ranh.
Nguồn: Internet
Để hỗ trợ Việt Nam về mặt tình báo, ngay khi chiến tranh Trung - Việt nổ ra, Bộ Tư lệnh Quân đội Liên Xô đã chỉ đạo phóng lên không trung một không ảnh vệ tinh do thám điện tử. Thiết bị này có khả năng chụp ảnh toàn bộ khu vực chiến trường và thu thập tin tức của quân đội Trung Quốc từ bức xạ điện từ. Liên Xô còn gửi đến Vịnh Bắc Bộ một số máy bay trinh sát điện tử Tu-95 được trang bị các thiết bị tiên tiến nhất[36] cùng với các tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương thu thập thông tin tình báo, theo dõi hoạt động của Không quân và Hải quân Trung Quốc. Theo Douglas Pike, “'Liên Xô đã lắp đặt một chuỗi sáu trung tâm radar (50 điểm) ở phía bắc Nha Trang, từ đó có thể theo dõi hoạt động của máy bay trong khoảng cách khoảng 100 dặm”[37].
Máy bay trinh sát chống ngầm Tu-95 chuẩn bị cất cánh trên sân bay quân sự Cam Ranh
Nguồn: Internet
Nhằm gây áp lực quân sự đối với Trung Quốc, lực lượng vũ trang Liên Xô gồm “250.000 quân nhân có sự yểm trợ của không quân cấp tốc áp sát biên giới với Trung Quốc và được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở cấp độ 1”[38]. Các sư đoàn của quân khu Baikal, quân khu Viễn Đông, Hạm đội Thái Bình Dương và tất cả các đơn vị tên lửa của Liên Xô ở Viễn Đông đều được đặt trong tình trạng báo động. Dọc theo chiều dài 4.500 km đường biên giới Xô - Trung, tùy thời điểm, khoảng từ 40 đến 44 sư đoàn quân đội Liên Xô được huy động trực chiến[39]. Tháng 02/1979, Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang vùng Viễn Đông được thành lập, đặt hai quân khu Baikal và Viễn Đông dưới sự chỉ huy chung, thống nhất, sẵn sàng hành động khi có lệnh[40].Giữa tháng 3/1979, Liên Xô phát lệnh tổng động viên và chỉ trong vài ngày, ở quân khu Viễn Đông, hơn 50.000 sĩ quan dự bị đã được gọi phục vụ quân ngũ; đồng thời, tại quân khu Turkestan, hơn 20.000 sĩ quan dự bị dày dạn kinh nghiệm quân sự đã được triệu tập[41], hơn 5.000 xe ô tô tải đã được huy động từ nền kinh tế quốc dân[42].
Một trong những hoạt động biểu dương sức mạnh và ý chí mang tính răn đe của Liên Xô đối với Trung Quốc là tổ chức các cuộc diễn tập quân sự hợp đồng binh chủng bắn đạn thật tại các khu vực trọng yếu ở biên giới đất liền giáp Trung Quốc và trên biển (từ ngày 12-26/3/1979). Phải nói rằng, đây là những cuộc tập trận hùng hậu vào bậc nhất trong lịch sửquân sự Xô viết với lực lượng huy động lớn và sự chuyển quân hết sức thần tốc. Cuộc diễn tập lớn nhất diễn ra tại Mông Cổ (nơi vốn được Bắc Kinh quan niệm là bàn đạp lý tưởng nếu Liên Xô quyết định tấn công Trung Quốc) với sự tham gia của 6 sư đoàn xe tăng và xe cơ giới, 2 lữ đoàn không quân và nhiều đơn vị, bộ phận khác[43]. Chỉ trong vòng 2 ngày, hàng trăm máy bay chiến đấu từ các căn cứ không quân ở Ukraine và Belarus đã vượt 7.000km đường hàng không để có mặt tại Mông Cổ; Sư đoàn Không quân 106 - một trong những sư đoàn tinh nhuệ nhất của lực lượng Dù, đã được chuyển bằng máy bay từ Tula đến Chita, vượt qua 5.500 km đường hàng không cũng chỉ trong có hai ngày[44]. Đặc biệt, cuộc tập trận ở biên giới Đông Bắc Trung Quốc diễn ra khá ấn tượng: “Chỉ riêng lực lượng xe tăng đã có 12 trung đoàn (với 100 xe tăng/mỗi trung đoàn) tham gia”[45]và về mặt lý thuyết, đội quân bọc thép này có thể cơ động đến các khu vực trung tâm của Trung Quốc chỉ trong một vài ngày. Góp mặt vào các cuộc diễn tập ở vùng Viễn Đông và Đông Kazakhstan - nơi có đường biên giới với Trung quốc, ngoài các đơn vị hiệp đồng binh chủng cấp sư đoàn trở lên, còn có các đơn vị Bộ đội Biên phòng Liên Xô.
Trên hướng biển, vào tháng 6/1978, ngay khi tình hình biên giới Việt - Trung ngày càng căng thẳng, “hai tàu tuần dương và hai tàu khu trục của Hạm đội Thái Bình Dương đã tiến hành các cuộc tập trận ở eo biển Bashi giữa Đài Loan và Philippines”[46]. Sau khi có tin tức tình báo về khả năng Trung Quốc gây chiến tranh với Việt Nam, nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Hà Nội, từ tháng 01/1979, các tàu tuần dương và tàu khu trục Liên Xô đã vào Biển Đông vừa biểu dương lực lượng, vừa giúp Việt Nam thu thập tin tức tình báo về hoạt động của lực lượng vũ trang Trung Quốc. Trên các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc, có gần 50 tàu chiến (trong đó có 6 tầu ngầm) của hạm đội Thái Bình Dương đồng loạt triển khai diễn tập tác chiến; đồng thời, ở vùng biển Primorie cũng thực hiện diễn tập đổ bộ đường biển[47]. Như vậy, “đã có 20 sư đoàn binh chủng hợp thành tham gia diễn tập với tổng số quân lên tới hơn 200.000 người, hơn 2.600 xe tăng, khoảng 900 máy bay”[48]; đã sử dụng hơn 1.000 quả bom và tên lửa[49]. Để bảo vệ lực lượng mặt đất trong các cuộc diễn tập cũng như phối hợp diễn tập, “3 sư đoàn không quân (đầy đủ), 2 trung đoàn trực thăng, 2 trung đoàn máy bay trình sát đã được huy động và họ đã thực hiện 2987 chuyến bay với tổng cộng 2834 giờ bay”[50].
Trong điều kiện chiến sự đang diễn ra ác liệt trên đất liền, thì việc bảo vệ vững chắc lãnh hải của Việt Nam là vô cùng cần thiết và Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô đã nhanh chóng vào cuộc. Đến ngày 20/3/1979, 13 tàu chiến Liên Xô đã hợp thành một phi đội hùng hậu và ngày 21/02/1979, một tuần dương hạm lớp Sverdlov và một khu trục hạm lớp Krivak đã đến biển Đông, nhập vào phi đội nói trên[51], còn đến đầu tháng 3/1979, số lượng tàu chiến của phi đội tiếp tục tăng, lên tới 30 chiếc[52].Các chiến hạm Xô viết đã bảo vệ an toàn tuyến vận tải biển chở hàng viện trợ vào Việt Nam, đảm bảo hành lang vận tải nối với cảng Hải Phòng chỉ cách vùng chiến sự hơn 100km (gần 2/3 hàng hóa được chuyển đến Việt Nam bằng đường biển qua cảng Hải Phòng); đồng thời, luôn sẵn sàng tham gia chiến đấu. Các tàu chiến Liên Xô đã “thực sự chặn lối vào Vịnh Bắc Bộ, không một tàu thuyền nào được phép đi qua ngả này, ngoại trừ tàu Liên Xô và tàu của các nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw mang vũ khí và thực phẩm đến Hải Phòng”[53]. Cũng cần nói thêm rằng,căng thẳng Trung - Việt đã lôi kéo sự có mặt của lực lượng hải quân Mỹ[54] đến biển Đông Nam Á. Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc đã triển khai một Hạm đội hỗn hợp mang phiên hiệu 217[55] ở các cảng Quảng Tây - Quảng Đông và quần đảo Hoàng Sa. Sự có mặt và tuần tiễu của các tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương đã góp phần cân bằng lực lượng trên biển, ngăn chặn, loại trừ những kế hoạch phưu lưu quân sự của các phi đội, hạm đội tàu của cả Mỹ và Trung Quốc.
Về viện trợ quân sự, trong thời gian ngắn nhất, Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhận được những vũ khí cần thiết để bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể làtừ khi chiến tranh bùng nổ (17/02/1979) đến hếttháng 3/1979, Liên Xô đã chuyển đến Việt Nam hơn 400 xe tăng, xe thiết giáp và xe bộ binh cơ giới; 400 khẩu pháo và súng cối; 50 tổ hợp pháo phản lực Grad BM-21; hơn 100 khẩu pháo phòng không, 400 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai cùng hàng nghìn tên lửa; 800 súng chống tăng RPG-7, 20 máy bay tiêm kích[56]. Vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật “được test bởi những đoàn kiểm tra hết sức nghiêm túc, được lắp ráp và vận hành thử bởi các chuyên gia lão luyện”[57]; vì thế, chúng có thể đưa thẳng ra mặt trận phục vụ chiến đấu mà không cần qua bất kỳ một cuộc thử nghiệm nào nữa.
3. Kết luận
Đã có nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau về sự trợ giúp của Liên Xô cho Việt Nam trong chiến tranh Trung - Việt năm 1979 quy chiếu theo Điều VI của Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa Liên Xô và Việt Nam (11/3/1978). Một số nhà nghiên cứu cho rằng, “Liên Xô đã không hoạch định can thiệp quân sự vào cuộc xung đột Trung Quốc - Việt Nam chừng nào mà quy mô của chiến sự còn được hạn chế”[58]. Henry Kissinger cũng nhận định rằng, trong khi lên án cuộc tấn công của Trung Quốc, “chính phủ Liên Xô chỉ ra tuyên bố vô thưởng vô phạt, nhấn mạnh nhân dân Việt Nam anh hùng ... một lần nữa có khả năng tự chống trả"[59]. Hoa Quốc Phong tổng kết một cách ngắn gọn: "Họ đã tập trận gần biên giới, gửi tàu tới Biển Đông, nhưng họ không dám làm gì. Vì vậy, rốt cuộc chúng ta vẫn có thể sờ mông cọp”[60]. Còn Bắc Kinh thì tuyên bố rằng việc Moscow không can thiệp đã chứng minh rằng Liên Xô chỉ là một "con gấu Bắc cực bằng giấy". Không ít ý kiến chỉ trích Liên Xô đã không giúp đỡ được đồng minh của mình, không tuân thủ đầy đủ Hiệp ước đã ký kết. Nhìn chung, những nhận định như thế chủ yếu dựa trên cơ sở Liên Xô đã không tấn công Trung Quốc ở khu vực biên giới và rõ ràng những suy luận đó là thiếu căn cứ vững chắc.
Để có thể đánh giá về sự giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam trong chiến tranh Trung - Việt năm 1979 một cách khách quan, công bằng, cần dựa ít nhất trên bốn yếu tố: 1. Lợi ích quốc gia của Liên Xô; 2. Cơ sở pháp lý và hàm ý thật sự của Hiệp ước giữa hai nước; 3. Yêu cầu và mong muốn của Việt Nam; 4. Hiệu quả thực tế những hỗ trợ của Liên Xô cho Việt Nam.
Trước tiên, cách tiếp cận mềm dẻo của Liên Xô trong việc hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược cần được đặt trên và giải thích trong bối cảnh chính trị liên quan đến vai trò siêu cường và quan hệ khu vực. Chắc chắn, Liên Xô muốn tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc - một hành động dễ dẫn đến sự can dự của Mỹ; từ đó, có thể bùng nổ một cuộc chiến tranh lớn (thậm chí là chiến tranh thế giới thứ ba với rất nhiều bên liên quan sở hữu vũ khí hạt nhân), ảnh hưởng đến tình hình toàn cục cũng như lợi ích của Liên Xô. Ngoài ra, việc phê chuẩn thỏa thuận SALT II mà Liên Xô và Mỹ đã dày công thương thuyết không thể để bị chìm vào làn sóng xung đột, đối đầu và nghi kỵ. Báo Pravda cũng đã lập luận rằng Liên Xô đủ bình tĩnh và thông minh để không rơi vào những khiêu khích quân sự của Trung Quốc, nhằm đẩy Liên Xô vào những căng thẳng không cần thiết với Hoa Kỳ.
Tiếp đó, khi nghiên cứu kỹ nội dung của Hiệp ước giữa Liên Xô và Việt Nam, nhất là Điều VI của Hiệp ước, có thể thấy giới hạn hỗ trợ lẫn nhau chỉ dừng lại ở việc “tham vấn để tìm ra các biện pháp hiệu quả” nhằm ngăn chặn mối đe dọa nếu một trong các bên bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công[61]. Như vậy, Hiệp ước không bắt buộc Liên Xô phải bảo vệ Việt Nam khi Việt Nam bị tấn công, nó khác căn bản so với nhiều hiệp ước về hợp tác và hữu nghị mà Liên Xô đã ký trước đó với các đồng minh của mình (như với Mông Cổ[62], với Bắc Triều Tiên[63] và thậm chí là ngay cả với Trung Quốc[64]). Theo hệ thống phân cấp các cam kết chiến lược của Liên Xô, thỏa thuận ở mức độ như vậy với Việt Nam cho thấy, Liên Xô chưa thực sự đặt Đông Dương và Đông Nam Á trong mối quan tâm số 1. Khi phê phán sự giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam trong cuộc chiến Trung - Việt, các nhà nghiên cứu đã bỏ quên sắc thái pháp lý này.
Tiếp nữa, khi lục tìm các văn bản, giấy tờ trao đổi giữa Việt Nam và Liên Xô, cũng không tìm thấy bất cứ một yêu cầu/đề nghị nào từ phía Việt Nam thể hiện mong muốn Liên Xô can thiệp sâu vào cuộc chiến (như đưa quân đội phối hợp chiến đấu với Trung Quốc chẳng hạn). Nhìn chung, Việt Nam hiểu rõ phạm vi và nội dung của Hiệp ước, hành động đúng/đủ trong khuôn khổ của Hiệp ước đó; đồng thời, tự tin vào thực lực, vào truyền thống và bản lĩnh quân sự, Việt Nam lựa chọn con đường dựa vào sức mình là chính trong cuộc đối đầu với người Trung Quốc như vốn đã từng hành động trong lịch sử.
Cuối cùng, các cuộc tập trận mà quân đội Liên Xô tiến hành đã làm quân đội Trung Quốc phải dàn lực trên hai hướng, không thể tập trung 100% sức mạnh vào mặt trận với Việt Nam. Các cuộc chuyển quân áp sát biên giới Trung Quốc cùng với các cuộc diễn tập hợp đồng binh chủng bắn đạn thật rầm rộ mà Liên Xô tiến hành đã khiến Đặng Tiểu Bình dù lý luận rằng một cuộc phản công tự vệ vào Việt Nam nhiều nhất cũng sẽ chỉ kéo theo một cuộc tấn công quy mô nhỏ hoặc trung bình của Liên Xô mà thôi, thì cũng đã phải thành lập mặt trận thứ hai ở khu vực biên giới với Liên Xô, đổ vào đó không ít nguồn lực vật chất cũng như nhân lực[65]. Với “44 sư đoàn luôn sẵn sàng chiến đấu, quân đội Liên Xô có thể thần tốc xuất hiện trên vùng đồng bằng tuyết phủ Tân Cương, có khả năng tấn công vào Mãn Châu - trung tâm công nghiệp nặng của Trung Quốc (…), vào các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc ở vùng hồ muối Lop Nor”[66] - tất yếu, điều đó không khỏi khiến Bắc Kinh e ngại và dè chừng, kiềm chế trong các hoạt động quân sự trên mặt trận với Việt Nam, giới hạn nó trong một cuộc chiến tranh hạn chế. Ngoài ra, các con số về hàng hóa viện trợ, về vũ khí, khí tài… cũng như sự ủng hộ chính trị là những hỗ trợ hết sức kịp thời, hiệu quả của Liên Xô đối với Việt Nam, nhất là trong điều kiện Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh chưa lâu, phải chiến đấu trên hai chiến tuyến và đang bị cô lập trên trường quốc tế cũng như ở khu vực sau sự kiện đưa quân vào Campuchia. Cũng cần phải nói thêm rằng, sự ủng hộ của Liên Xô đối với Việt Nam những năm tháng đó thực sự không hề nhỏ, khi nó không chỉ được đo đếm bằng các con số vật chất thông thường, mà bằng cả sinh mạng con người[67].
Những phân tích, luận giải trên đây góp phần khẳng định rằng, Liên Xô đã hỗ trợ Việt Nam trong khả năng và giới hạn cho phép, phù hợp với nội dung của Hiệp ước được ký kết giữa hai nước vào tháng 11/1979. Bất kể vì lý do nào, thì sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô cả về chính trị và quân sự trong những ngày tháng nhân dân chiến đấu bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ quyền dân tộc thiêng liêng là hết sức quan trọng, cần được ghi nhận và trân quý.
[1]Правдa, 19 февраля 1979 г, c.1. Xem thêm: TASS, February 18, 1979 và Báo Nhân dân, ngày 19-2-1979, tr.1.
[2]Правдa, Указ. Соч, c.1.
[3]Báo Nhân dân, Số 9022, 20 tháng Hai 1979, tr.4.
[4]Báo Nhân dân, Số 9022, Tlđd, tr.4.
[5]Báo Nhân dân, Số 9023, 21 tháng Hai 1979, tr.1.
[6]Báo Nhân dân, Số 9026, 24 tháng Hai 1979, tr.4.
[7]Báo Nhân dân, Số 9026, Tlđd, tr.1. Xem thêm: Foreign Broadcast Information Service, February 26, 1979, p. 2.
[8]Foreign Broadcast Information Service, March 5, 1979, p. 3.
[9]Báo Nhân dân, Số 9027, 25 tháng Hai 1979, tr.1.
[10]Báo Nhân dân, Số 9034, 4 tháng Ba 1979, tr.1.
[11]Báo Nhân dân, Số 9024, Tlđd, tr.1.
[12]Розин Александр: Советский ВМФ в сдерживании китайской агрессии против Вьетнама в 1979 г и создание ПМТО Камрань, Сайт Советский флот в войнах и конфликтах "холодной войны", 16 июля 2010 г.
[13]Báo Nhân dân, Số 9035, 5 tháng Ba 1979, tr.3; Báo Nhân dân, Số 9036, 6 tháng Ba 1979, tr.3
[14]Kруглый стол» по первой в истории войне между соцстранами - Вьетнамом и Китаем (1979) и военному конфликту за риф Джонсон (1988), Газете.Ru, 14 марта 2014 г.
[15]Báo Nhân dân, Số 9024, 22 tháng Hai 1979, tr.4; Báo Nhân dân, Số 9028, 26 tháng Hai 1979, tr.4; Báo Nhân dân, Số 9038, 8 tháng Ba 1979, tr.4;
[16]Báo Nhân dân, Số 9027, Tlđd, tr.1. Xem thêm: Foreign Broadcast Information Service, February 26, 1979, p.1.
[17]Báo Nhân dân, Số 9027, Tlđd, tr.1.
[18]А.Г. Дорожкин, В.В. Переверзев: Первые “Социалистические войны” в отражении советской периодической печати, Журнал Проблемы истории, филологии, культуры, Магнитогорский гос. ун-т, 2012, N0 1, c.246.
[19]Báo Nhân dân, Số 9029, 27 tháng Hai 1979, tr.1.
[20]Báo Nhân dân, Số 9028, Tlđd, tr.1.
[21]Báo Nhân dân, Số 9028, Tlđd, tr.1.
[22]UN Chronicle, Vol. XVI, No. 3 (March 1979), p.5.
[23]UN Chronicle, Vol. XVI, No.4 (April 1979), p. 46-49. Xem thêm: The New York Times, March 5, 1979, p.12.
[24]Cyrus Vance, Hard Choices: Critical Years in America’s Foreign Policy, New York: Simon &Schuster, 1983, pp.121-122.
[25]Александр Окороков: Секретные войны СССР: Самая полная энциклопедия, Изд. Яуза. Эксмо, Москва, 2008, c.439
[26]Мосяков Д.В: Роль СССР в отражении агрессии Китая против Вьетнама в 1979 г, Жур. Юго-Восточная Азия: актуальные проблемы развития. 2014. № 22, c. 133.
[27]Мосяков Д.В: Роль СССР в отражении агрессии Китая против Вьетнама в 1979 г,Указ. Соч, c.133.
[28]Александр Окороков: Секретные войны СССР: Самая полная энциклопедия, Указ. Соч, p.440. Xem thêm: Розин Александр: Советский ВМФ в сдерживании китайской агрессии против Вьетнама в 1979, Указ. Соч.
[29]Khi Trung Quốc tấn công Việt Nam, 85% lực lượng vũ trang Việt Nam đang ở Campuchia. Ở biên giới phía Bắc, chiến đấu với quân đội chính quy của Trung Quốc chủ yếu là lực lượng vũ trang địa phương và dân quân du kích.
[30]Мосяков Д.В: Роль СССР в отражении агрессии Китая против Вьетнама в 1979 г,Указ. Соч, c.133
[31]Tuy nhiên, Rosin Alexander cho rằng “việc quân đoàn thứ hai từ Campuchia về khá chậm chế, còn Trung đoàn BM-21 chỉ được đưa vào vị trí vào ngày 5 tháng 3 năm 1979, đóng ở đó cho đến ngày 24 tháng 3 và không hề khai hỏa, sau đó được đưa trở lại tuyến sau” (Розин Александр: Советский ВМФ в сдерживании китайской агрессии против Вьетнама в 1979 г).
[32]Владимир Сумароков: Как СССР помог Вьетнаму отразить китайскую агрессию, Военное обозрение, 26 ноября 2013. Xem thêm: Владимир Сумароков: Наглядная демонстрация военной мощи, Воздушно-космическая оборона, 30 апреля 2017.
[33]Đội bốc xếp làm việc hơn 3 tháng ở Việt Nam, dưới quyền của G.I.Pikusa -Giám đốc cảng vụ cảng Nakhodka. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ về nước, toàn bộ các trang thiết bị phục vụ việc bốc xếp đã được Đội tặng lại các cảng của Việt Nam.
[34]Александр Окороков: Секретные войны СССР: Самая полная энциклопедия, Указ. Соч, p.442.
[35]Александр: Советский ВМФ в сдерживании китайской агрессии против Вьетнама в 1979 г, Указ. Соч.
[36]Рози Розин Александр: Советский ВМФ в сдерживании китайской агрессии против Вьетнама в 1979 г, Указ. Соч. Xem thêm: Sheldon W. Simon: The Soviet Union and Southeast Asia: Interests, Goals and Constraints, Orbis, Spring, 1981,p.74.
[37]Douglas Pike: Vietnam, A Modern Sparta, Pacific Defence Reporter, Pacific Defence Reporter, April 1983, p.34.
[38]Владимир Сумароков: Наглядная демонстрация военной мощи, Указ. Соч.
[39]The New York Times, March 15, 1979.
[40]Алексей Волынец: Китайский фронт холодной войны, Военное обозрение, 5 июля 2014.
[41]Алексей Волынец: Китайский фронт холодной войны, Указ. Соч.
[42]Владимир Сумароков: Наглядная демонстрация военной мощи, Указ. Соч.
[43]Александр: Советский ВМФ в сдерживании китайской агрессии против Вьетнама в 1979 г, Указ. Соч. Tuy nhiên, theo con số mà Dmitry Mosyakov và Alexey Volynets đưa ra thì con số tham gia tập trận ở Mông Cổ là: 1.200 xe tăng, mười trung đoàn không quân (60-63 máy bay/trung đoàn) và sư đoàn lính dù (Kруглый стол» по первой в истории войне между соцстранами - Вьетнамом и Китаем (1979) и военному конфликту за риф Джонсон (1988), Указ. Соч; Алексей Волынец: Китайский фронт холодной войны, Военное обозрение, 5 июля 2014).
[44]Владимир Сумароков: Наглядная демострация военной мощи, Указ. Соч. Xem thêm Розин Александр: Советский ВМФ в сдерживании китайской агрессии против Вьетнама в 1979 г, Указ. Соч.
[45]Розин Александр: Советский ВМФ в сдерживании китайской агрессии против Вьетнама в 1979 г, Указ. Соч.
[46]Александр Окороков: Секретные войны СССР: Самая полная энциклопедия, Указ. Соч, p.441.
[47]Владимир Сумароков: Наглядная демонстрация военной мощи,Указ. Соч.
[48]Розин Александр: Советский ВМФ в сдерживании китайской агрессии против Вьетнама в 1979 г, Указ. Соч.
[49]Владимир Сумароков: Наглядная демонстрация военной мощи,Указ. Соч.
[50]Розин Александр: Советский ВМФ в сдерживании китайской агрессии против Вьетнама в 1979 г, Указ. Соч.
[51]The New York Times, February 22, 1979, p. 1 and p.6.
[52]Александр Окороков: Секретные войны СССР: Самая полная энциклопедия, Указ. Соч, p.441. Liên đội tàu gồm có: Tuần dương - Kỳ hạm Đô đốc Senyavin, tuần dương tên lửa Đô đốc Fokin, tầu chống ngầm Vasily Chapaev, Spasobnyi , Strogii, Tầu khu trục Vozbuzdennyi, tầu hộ vệ Razyaschiy và nhiều tàu khác.
[53]Розин Александр: Советский ВМФ в сдерживании китайской агрессии против Вьетнама в 1979 г, Указ. Соч.
[54]Đặng Tiểu Bình đã đề nghị Hoa Kỳ phái các tàu hải quân đến biển Đông Nam Á để ngăn chặn các hoạt động của Hải quân của Sô viết trong khi trợ giúp Việt Nam thu thập tin tức tình báo về hoạt động của lực lượng vũ trang Trung Quốc. Cụm lực lượng công kích chủ lực - tàu sân bay(AUG) gồm các tầu tuần dương hạm Leany (CG-16), khu trục hạm Morton (DD-948), tàu vận tải đổ bộ Takelma (ATF-113) do tàu sân bay Constellation (CV-64) dẫn đầu đã đến biển Đông Nam Á vào ngày 6-12-1979 và ngày 6-3-1979, rời đến khu vực Vịnh Aden, nơi xung đột giữa Bắc và Nam Yemen nổ ra.
[55]Hạm đội Trung Quốc phiên hiệu 217 có khoảng 300 chiếc tàu, gồm hai tàu khu trục tên lửa, một nhóm tàu hộ vệ tên lửa, một nhóm tàu phóng lôi, một nhóm tàu tên lửa cao tốc và các tàu tuần tiễu hạng nhẹ.
[56]Ромахина Мария: Как СССР помог Вьетнаму отразить китайскую агрессию, Указ. Соч. Xem thêm: Владимир Сумароков: Наглядная демонстрация военной мощи,Указ. Соч.
[57]Владимир Сумароков: Наглядная демонстрация военной мощи,Указ. Соч.
[58]Zhang Xiaoming: Deng Xiaoping and China’s Decision to go to War with Vietnam, Journal of Cold War Studies, Vol. 12, No. 2, Summer 2010, p.26.
[59]Henry Kissinger: On China, Penguin Books, 2011, p.464.
[60]Henry Kissinger: On China, Ibid, p.472.
[61]Договор о дружбе и сотрудничестве между Союзом Советских Социалистических Республик и Социалистической Республикой Вьетнам,http://docs.cntd.ru/document/901883310
[62]Điều II của Hiệp ước hữu nghị và tương trợ giữa Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết và Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ ghi rõ: “Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết và Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ cam kết, trong trường hợp một trong hai bên tham gia ký kết Hiệp ước bị tấn công quân sự, sẽ hỗ trợ nhau trên mọi phương diện, kể cả quân sự”("Ведомости Верховного Совета СССР", 30 апреля 1946 г. № 13(422), с. 2)
[63]Điều I Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa Liên Xô và CHDCND Triều Tiên (6 июля 1961 года) khẳng định: Trong trường hợp một trong các bên ký kết Hiệp định bị tấn công vũ trang bởi bất kỳ quốc gia hoặc liên minh các quốc gia nào và ở trong tình trạngchiến tranh, bên kia sẽ ngay lập tứctiến hành hỗ trợ về quân sự và những hỗ trợ khác với tất cả nguồn lực hiện có” (United Nations - Treaty Series).
[64]Điều I Hiệp ước Hữu nghị, liên minh và hỗ trợ lẫn nhau giữa Liên Xô và Trung Quốc (1950) viết: “Trong trường hợp một trong hai bên tham gia Hiệp ước bị Nhật Bản hoặc các quốc gia đồng minh của Nhật Bản tấn công, rơi vào tình trạng chiến tranh, thì bên còn lại sẽ ngay lập tức tiến hành hỗ trợ về quân sự và những hỗ trợ khác với tất cả nguồn lực hiện có” (“Ведомости Верховного Совета СССР”, 16 ноября 1950 г. № 36 (651), с. 4)
[65]Dọc tuyến biên giới Xô - Trung, Trung Quốc đã phải huy động khoảng 1,5 triệu quân trên tổng số quân thường trực chiến đấu là 3,6 triệu người và phải sơ tán hàng trăm ngàn dân thường khỏi các khu vực đó.
[66]The New York Times, March 15, 1979, p.1.
[67]Tháng 3-1979, khi hạ cánh gần Đà Nẵng, máy bay An-14 của Việt Nam chở các cố vấn quân sự Liên Xô bị rơi, 6 phi công - hoa tiêu với người đứng đầu là Thiếu tướng Malưi đã hy sinh. Ngoài ra, vào cuối tháng 2- 1979, khi một bộ phận của Sư đoàn 106 lính Dù đã hạ cánh tại khu vực biên giới Mông Cổ-Trung Quốc, hơn mười người đã thiệt mạng và bị thương vì gió bão. Trong cuộc tập trận vào tháng 3-1979, cơ trưởng V. L.Samoilov chỉ huy máy bay MiG-21bis đã thiệt mạng trong lúc cất cánh.
tin tức liên quan
Videos
Nghệ An bàn giao trang thiết bị cho nhà văn hóa thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023
Tự học - Hành trình dệt nên những ước mơ của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An
Đập tan luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị và thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Phát triển miền Tây: Thay đổi để vượt khó
Họp báo Lễ hội Làng Sen năm 2024 và Giải chạy Marathon "Hành trình về Làng Sen"
Thống kê truy cập
114561724

2152

2334

2837

229267

122920

114561724