Góc nhìn văn hóa

Có một Hồ Hữu Thới như thế…

Cách đây khoảng chín năm, một buổi sáng cuối tuần trong kí túc xá, đang uể oải lê bước dọc hành lang, tôi chợt lặng người đi khi bắt gặp câu hát vang lên từ phòng nào đó:

“Ai đi xa tới nơi núi cao hay biển rộng, chợt nghe câu hát quê hương

Có thêm thiết tha yêu quê mình núi Hồng và dòng sông Lam…”

Khỏi phải nói cảm giác nghèn nghẹn khi đó của một đứa mới bước chân xa quê, đến với mảnh đất Hà thành ồn ã. Tôi cứ thế đứng sững người nơi cửa phòng lắng nghe như nuốt từng câu hát. Đó là lần đầu tiên tôi nghe hết một bài hát mang âm hưởng dân ca, dòng nhạc vốn không phải sở thích của mình. Đó cũng là ấn tượng, cảm xúc mạnh mẽ nhất mà tôi từng có được trước một ca khúc. Trở về phòng, tôi vội vàng tìm thông tin và nghe đi nghe lại cả chục lần trong nước mắt. Lúc ấy tôi mới biết đến cái tên nhạc sỹ Hồ Hữu Thới.

Từ bấy tới nay, khi ra trường, trở lại quê hương và làm việc trong ngành Văn hóa, được biết đến nhạc sỹ nhiều hơn, có nhiều thông tin hơn nhưng tôi vẫn chưa một lần tiếp xúc với ông. Ngay cả trong đêm nhạc của ông, tôi chỉ lặng lẽ chào rồi ngồi riêng một góc thưởng thức. Tôi không liên hệ hỏi chuyện hay phỏng vấn dù đang ấp ủ một bài viết về người nhạc sỹ ấy. Dẫu biết khắc họa chân dung ai đó mà bản thân không được tiếp xúc nhiều, không trò chuyện,… là điều khó và mạo hiểm nhưng tôi vẫn muốn thử. Tôi muốn viết về ông một cách thật khác. Tôi muốn vẽ lên chân dung của người nhạc sỹ từ ấn tượng của một khán giả, một thính giả, từ những cảm xúc rất đẹp mà mình có bao lâu nay.

Gần mười năm biết đến nhạc sỹ Hồ Hữu Thới, tôi đã nghe gần hết các ca khúc của ông, đọc nhiều bài viết về ông và cũng được nghe không ít người kể chuyện ông. Tôi nhận thấy, hóa ra, đằng sau con người lặng lẽ, giản dị ấy là một tâm hồn, một tài năng lớn. Nhạc sỹ Hồ Hữu Thới thành công nhất ở mảng ca khúc quê hương, cụ thể là ca khúc mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ. Giữa rất nhiều nhạc sỹ viết thể loại này, ông vẫn khẳng định được tên tuổi của mình nhờ một phong cách rất riêng. Như nhạc sỹ Thụy Kha nhận xét, các sáng tác của ông kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh với âm nhạc hàn lâm. Điều này khiến cho những ca khúc trở nên sang trọng và giàu tình cảm. Dù là bài hát mang âm hưởng vui tươi, sôi nổi như “Hội làng bên sông Lam” hay da diết sâu lắng như “Câu hát quê hương”, “Ân tình xứ Nghệ” thì những giai điệu, ca từ đều dễ dàng đi vào lòng người và mang đến nhiều cung bậc cảm xúc. Xứ Nghệ trong những sáng tác của Hồ Hữu Thới luôn hiện lên đẹp, sống động và đầy trữ tình. Khả năng sử dụng chất liệu dân ca một cách tài tình ấy đã làm nên tên tuổi của ông và được nhiều người phân tích, ca ngợi. Vì thế, không nhắc đến nó sẽ là một thiếu sót nhưng nhắc đến lại gần như cứ nói mãi cái “sự đã biết”, quá quen thuộc với mọi người. Chính bởi vậy, trong bài viết này, tôi muốn đề cập đến một Hồ Hữu Thới khác, một Hồ Hữu Thới đầy lãng mạn trong những ca khúc trữ tình phổ thơ. Đây là mảng ít người biết đến và số lượng tác phẩm không nhiều song sẽ là một gam màu độc đáo, cần thiết trong bức tranh khắc họa chân dung ông, Có lẽ nếu thiếu đi “sắc màu” này, bức tranh sẽ chẳng thể truyền tải hết cái hồn người nghệ sỹ. 

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sỹ Hồ Hữu Thới có nhiều tác phẩm phổ thơ rất thành công nhưng ở đây tôi muốn đề cập đến ba bản trữ tình ít được biết đến là: “Em chưa về với biển” (Thơ Nguyễn Thế Trung), “Mưa đêm thành Vinh” và “Nếu Hà Nội không có mùa đông” (đều phổ Thơ Hồ Xuân Hùng). Tôi để tâm bởi nếu chỉ nghe, không được biết tên tác giả hẳn bạn sẽ khó lòng đoán ra đó là những tác phẩm của một nhạc sỹ mà tên tuổi đã gắn bó với dân ca, với những sáng tác về quê hương. Cho cả khi được nhìn thấy tên ông tôi vẫn còn ngờ ngợ. Hóa ra, Hồ Hữu Thới còn có những ca khúc trữ tình, lãng mạn như này ư?

Thoạt nhìn tên các tác giả lời thơ, hẳn nhiều người sẽ nghĩ các ca khúc thể loại này của ông phải chăng chỉ là “đơn đặt hàng” hay một điều gì đó dạng “làm vui lòng lãnh đạo” nhưng không phải thế. Ngồi trong một góc phòng đủ tĩnh lặng, nghe những giai điệu ấy cất lên ta sẽ thấy những rung cảm rất đẹp. Điều đó chỉ đạt được khi có những đồng điệu trong tâm hồn người nghệ sỹ. Sự đồng điệu đã giúp thăng hoa cảm xúc. Phổ nhạc cho thơ tưởng dễ nhưng lại là công việc rất khó. Phải thực sự thấu hiểu ý tứ, câu chữ trong bài, phải có sự đồng cảm và khả năng âm nhạc tài tình mới tìm được giai điệu, nốt nhạc phù hợp mà đặt để vào đó. Làm sao để mỗi ca từ khi được cất lên sẽ truyền tải được cảm xúc của ý thơ. Phải làm sao từng luyến láy, nhấn nhá đều như một cung bậc cảm xúc. Nhạc sỹ Hồ Hữu Thới đã làm được điều đó khá thành công.

Em chưa về với biển

Sóng bạc đầu chờ mong

Em chưa về với biển

Sao rơi vào hư không

Những câu hát đầu tiên trong bài “Em chưa về với biển” vang lên thực sự dẫn tôi đi trong miền cảm xúc mênh mang. Từng chữ, từng nốt cứ thế được tuôn ra như từng con sóng lặng lẽ vỗ bờ; như tiếng nói trầm buồn của một chàng trai nào đó; như lời tự sự của một tâm hồn cô đơn. Mỗi luyến láy, nhấn nhá ở đây (“chưa”, “với”,..)  mang đậm chất Nghệ, xoáy vào cảm xúc người nghe để rồi từ đó mở ra một khung cảnh mênh mông biển trời, đối lập với sự bé nhỏ của người đàn ông mang bao nỗi niềm khắc khoải. Ca khúc có sự chuyển điệu liên tục, mang đến người nghe nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Như ca sỹ Trọng Tấn đã nhận xét trong đêm nhạc Hồ Hữu Thới - Ân tình xứ Nghệ: “Các thầy cô ở trường nhạc có thể đem ca khúc này dạy cho học sinh vì ngoài tính trữ tình còn có phần mở rộng rất hay về âm nhạc. Những câu hát được viết khi ở giọng thứ, khi ở giọng trưởng, khiến người hát, người nghe như đang thấy từng con sóng, khi trữ tình, khi ồn ã vỗ bờ.” Quả đúng vậy, những năm tháng học ở nhạc viện đã cho ông khả năng tài tình để đặt âm nhạc một cách hợp lý nhất, giúp cho từng câu chữ thăng hoa. Trong bài hát, khi ta thấy được cái mênh mông, hào sảng; khi thấy được thổn thức chờ mong; khi thấy được những ngậm ngùi:

Em chưa về với biển sóng chưa thôi ầm ào

Em chưa về với biển sóng bạc đầu chờ mong, sóng bạc đầu chờ mong…”

Trong 2 ca khúc phổ nhạc cho thơ của Hồ Xuân Hùng, ta lại được thấy một Hồ Hữu Thới đầy lãng mạn, nhẹ nhàng trong chất nhạc.

Đêm nay đêm nay, Thành Vinh mưa giăng giăng

Cơn gió nóng trốn tìm nơi trú ẩn

Đêm nay đêm nay, Thành Vinh mưa không trăng

Ngọn đèn đường thẫn thờ nhìn ai đó

Anh một mình, một mình đi trong mưa gió

Tìm em, tìm em, đợi em…” (Mưa đêm thành Vinh )

Trước khi nghe bài hát này, mỗi lần đi về trên đường Nguyễn Du, tôi luôn băn khoăn tại sao thành Vinh có những con đường tình đến thế mà không có ca khúc nào trữ tình, lãng mạn như Hà Nội. Và rồi khi nghe được ca khúc “Mưa đêm thành Vinh” tôi thực sự xúc động. Vậy là ít nhất cũng có một giai điệu nào đó để ngân lên mỗi lần một mình đi trên con phố nhỏ. Dù có ý kiến cho rằng nhạc ca khúc này không có gì nổi bật, khá đều, thiếu những điểm nhấn hay cao trào song tôi lại thấy, vượt qua khỏi những điều đó là sự chứa chan cảm xúc. Nhạc đã nâng cánh cho lời thơ để từ đó thấy được cái tình da diết trong từng câu chữ. Những nốt nhạc chậm buồn, sâu lắng đoạn đầu đã làm nền để cho cảm xúc bùng nổ trong đoạn cuối với những nốt nhạc ngân lên cao vút:

“Trái tim mình cầu mong mưa thêm giăng

Trái tim mình cầu mong mưa giăng giăng”

Không chỉ thành công với những ca khúc viết về xứ Nghệ hay mang âm hưởng Ví, Giặm, nhạc sỹ Hồ Hữu Thới đã chứng tỏ mình cũng có khả năng viết về Hà Nội rất tình. Có lẽ, sau xứ Nghệ thì đó là mảnh đất gắn bó với ông, đã cho ông một khoảng thời gian thật đẹp để rồi cảm xúc mang vào từng câu hát thật tự nhiên.

“Nếu Hà Nội không có mùa đông

Chắc lá bàng không rơi đầy lối ngõ

Để em không đi về bên đó

Đây lối này anh đợi chờ em..”

Vẫn là chất nhạc trầm buồn, đậm chất tự sự, man mác tình và một nỗi niềm khắc khoải nào đó của ông. Dường như đấy là cái chất của chính con người tác giả. Tôi vẫn luôn thấy ở ông sự trầm tĩnh, sâu lắng ấy. Cũng như đằng sau vẻ ngoài giản dị, mộc mạc là một tâm hồn đầy rung cảm nghệ sỹ, mang chút lãng tử hào hoa, âm nhạc trong ca khúc này của Hồ Hữu Thới cũng vậy. Sau giai điệu có vẻ đơn giản là cảm xúc dạt dào mà phải có kiến thức âm nhạc bài bản mới đưa vào để chuyển tải một cách tự nhiên đến thế. Tự nhiên như hơi thở, như lời tự sự vậy.

Phải qua những ca khúc này của ông, chúng ta mới hiểu rõ hơn về con người nhạc sỹ tài hoa. Cũng nhờ đó, ta hiểu được tại sao hàng chục năm làm cương vị lãnh đạo, bận rộn với bao công việc, nhiệm vụ chính trị, Hồ Hữu Thới vẫn mang đến cho khán giả nhiều ca khúc hay, tha thiết, trữ tình. Đó là bởi trong con người ấy là một tâm hồn nghệ sỹ, một tâm hồn luôn căng như sợi dây đàn để rồi bất cứ vang động cuộc đời hay cảnh sắc nào cũng có thể làm nó rung lên những giai điệu đẹp. Lắng nghe những sáng tác trữ tình của ông, tôi tự nhủ lòng phải làm sao cho nhiều người hơn nữa biết đến chúng, để họ hiểu hơn chân dung nhạc sỹ. Sự thôi thúc đó đã giúp tôi bỏ qua mặc cảm về non yếu trong âm nhạc của mình để viết lên những dòng này bởi dù gì đi nữa, nó sẽ giúp công chúng biết đến rằng: còn có một Hồ Hữu Thới rất tình như thế!

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114564566

Hôm nay

2154

Hôm qua

2339

Tuần này

21507

Tháng này

223090

Tháng qua

129483

Tất cả

114564566