Cuộc sống quanh ta

Đừng bắt miền Trung gánh nợ đường sắt cao tốc

Chuyển dự án đường sắt cao tốc thành chương trình An cư miền Trung, thiết nghĩ là bài toán đúng đắn nhất, thiết cốt nhất chừng nào miền Trung chưa được hạn chế đến mức thiệt hại thấp nhất do thảm hoạ thiên nhiên gây ra.

 

Số tiền đầu tư dự án đủ để xây dựng miền Trung thoát khỏi thảm họa cả trăm năm. Đường sắt cao tốc có thể lùi lại thời điểm thích hợp, khi người dân nơi đây bớt tang thương vì bão lũ, bớt đói nghèo và bệnh tật.

VEF trân trọng giới thiệu bài viết, mời độc giả cùng suy ngẫm và tham gia tranh luận.

Từ dự án đường sắt cao tốc, nghĩ về miền Trung

Miền Trung - mảnh đất hẹp chạy dài dưới chân dãy Trường Sơn cao vút đổ dốc xuống mặt biển, xưa nay là vùng gian khổ nhất, nhiều năm qua gian khổ lại chồng chất hơn, phải luôn hứng chịu nhiều trận bão, lụt, lũ cuốn liên tục đổ về. Năm nay, chỉ trong vòng trên một tháng, phía Bắc chịu liên tiếp hai trận lũ kinh hoàng, phía Nam tưởng đâu mấy năm trước bão nối bão, nay sẽ "thoát"; ai ngờ lại lũ ngập khắp nơi!

Như vậy là năm nay riêng miền Trung bị "phủ nước" không sót một mét vuông nào. Hàng vạn ngôi nhà bị sập, bị trôi, hàng trăm người chết, mất tích, ruộng đồng bị cày xới, cát lấp, cây lương thực và nhiều cây trồng vật nuôi mất trắng, tan hoang, hệ thống giao thông bị phá hỏng...thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể! Miền Trung đang đói lả! Đau xé lòng khúc ruột miền Trung!

Người dân miền Trung, năm lại qua năm, liên tiếp sau lũ lụt dày đặc đã phải gượng dậy gồng mình trong khó khăn trăm bề, từ thiếu cái ăn, cái ở, thuốc chữa bệnh, thiếu sách vở, trường ốc cho con trẻ học hành...

Chống chọi liên miên trước mọi tai ương hiểm hoạ là cuộc đối đầu gian nan xưa nay cuả vùng đất này, và đến nay, một thực tế cần nhận ra, là càng gay gắt hơn, trong khi chưa thấy một tương lai nào sáng sủa hơn, bởi với mọi biện pháp phòng chống như lâu nay, cơ hồ từ đây sẽ trở nên bất lực.

Không ai dám bảo năm sau, năm sau nữa, ông trời sẽ bớt thịnh nộ đi; ngược lại, ngày càng dữ dội hơn, ghê gớm hơn với sức tàn phá khốc liệt ngày thêm tăng khi trái đất ngày càng nóng lên, khí hậu biến đổi khôn lường. Nhiều vùng miền trên đất nước ta sẽ chịu ảnh hưởng của thiên tai, trong đó miền Trung sẽ vẫn là nơi nhạy cảm nhất trước mọi tai ương.

Làm gì để hạn chế tai họa? Cả nước nói chung và miền Trung nói riêng đang cần những chương trình ngỏ hầu chế ngự đến mức cao nhất mọi thiệt hại đang rập rình tiềm ẩn từ thiên nhiên. Chúng tôi, và hẳn cũng như rất nhiều người, với nỗi lòng băn khoăn, thắc thỏm, xin được bày tỏ chút suy nghĩ.

Để giải bài toán Tương lai miền Trung sẽ đi về đâu, chúng tôi đề nghị Đảng, Nhà nước đặt vấn đề này chí ít cũng phải ngang tầm những Dự án lớn đã và đang đặt lên bàn nghị sự, chưa nói cao hơn, cấp thiết hơn, như Dự án Xây dựng Đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM (DAĐSCT).

DAĐSCT hiện lại được tái khởi động bàn luận. Trong kì họp thứ 8, khoá XII của Quốc hội, ngày 13/11, Bộ trường Bộ GTVT nói rõ việc tiếp tục chuẩn bị triển khai DAĐSCT, dù Quốc hội chưa có chương trình; khiến có ý kiến hỏi "Vì sao Chính phủ vẫn tiếp tục theo đuổi Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM, đưa nội dung này vào chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2011-2012, trong lúc tại kì họp trước Quốc hội đã không thông qua chủ trương đầu tư?".

Rõ ràng vấn đề rất cần được bàn thảo. Bài viết này, dẫu vậy, chúng tôi không nhằm bàn luận gì về Dự án nói trên; chỉ qua đó để tạo một sự so sánh, một góc nhìn trong việc nhằm bảo đảm cho tương lai của miền Trung trong những biến động khác thường của thiên tai tất yếu xảy ra.

Số tiền đó cứu miền Trung thoát thảm họa trăm năm

Nếu cứ để miền Trung chìm trong thảm cảnh hàng năm và năm sau đau hơn năm trước bởi công tác phòng chống bão lụt thiếu hẳn một tầm nhìn mới, một thái độ dứt khoát, một giải pháp đồ sộ, đồng bộ vô cùng quyết liệt, thì kết cục là chỉ nói riêng hệ thống Đường sắt cao tốc 1.570 km (mà phần chạy qua miền Trung dài nhất) cũng sẽ bị cuốn phăng khi đi qua miền đất dằng dặc, không năm nào không bão táp, lũ cuốn, lụt lội chia cắt, băm nát mọi con đường huyết mạch chạy qua đây! Một chương trình cho miền Trung như thế, chúng tôi xin tạm gọi là Chương trình An cư miền Trung (CTACMT).

Về vấn đề này, ta thử làm một phép so sánh nhỏ với DAĐSCT với con số dự toán 56 tỷ USD (phải vay vốn tài chính nước ngoài, cả vốn lẫn lãi phải trả sau khi hoàn thành, là 135,4 tỷ USD - chưa tính tới khâu "phát sinh"). Các nhà hoạch định tính toán cho hay, sau khi đưa vào sử dụng, sẽ thu hồi dần vốn nhờ tiền bán vé, sau đó là lãi, và con đường rất tiện dụng cho việc đi lại, tính kinh tế rất cao, đúng là "nàng tiên được đánh thức"...

Tuy nhiên, đây là vấn đề rất nan giải. Nhiều người lo lắng có lí, là mức lương của người lao động trung bình, vốn chiếm số đông lượng người đi lại, thường rất thấp, khó mua nổi cái vé tàu cao tốc gần bằng vé máy bay! Vậy có thu hồi đủ vốn để trả nợ đúng hạn không?

Có lẽ do vậy, nên có ý kiến tư vấn rất sát thực cho rằng trước năm 2050, Việt Nam chưa nên nói tới ĐSCT; một trong nhiều lí do, là GDP của Việt Nam thời điểm đưa ra Dự án là 110 tỷ USD, tức chỉ gấp đôi con số dự toán ban đầu cho ĐSCT là 56 tỷ USD, như đã trình bày phần trên. Bởi thế, nên có sự lựa chọn thích hợp. Có bốn lựa chọn cho đường sắt xuyên Việt những năm tới; trước mắt nên loại trừ lựa chọn DAĐSCT.

Vấn đề đặt ra, là với số tiền trên, nếu đem chi cho CTACMT, thì rõ ràng sẽ cứu miền Trung khỏi thảm hoạ hàng năm! Cứu miền Trung khỏi thiên tai, sẽ không sợ mất vốn, chỉ lãi.

Nếu người miền Trung an cư, sẽ lạc nghiệp, từ đó sẽ huy động nhân tài vật lực đóng góp cho đất nước thừa sức trả nợ vay (nếu phải vay). Không còn băn khoăn như tiền bán vé tàu cao tốc. Chúng ta không thể cùng một lúc, vừa cứu miền Trung khỏi lũ lụt, lại vừa triển khai DAĐSCT, bởi vậy cách làm trên là khả thi, phù hợp.

Chuyển Chương trình DAĐSCT thành Chương trình An cư miền Trung, thiết nghĩ là bài toán đúng đắn nhất, thiết cốt nhất chừng nào miền Trung chưa được hạn chế đến mức thiệt hại thấp nhất do thảm hoạ thiên nhiên; chưa nói tới, mất miền Trung cho bão lũ dày vò, thì đất nước sẽ đi về đâu! Phải có một miền Trung đứng vững trước thảm hoạ thiên tai đã; bấy giờ xin hãy triển khai Dự án nói trên.

Đường sắt cao tốc nên chờ thời điểm thích hợp

Trong điều kiện hiện nay, chúng tôi thấy DAĐSCT, đúng là nên trình Quốc hội "vào một thời gian thích hợp" khác! Thời gian ấy là lúc nào? Thiết nghĩ nó đang nằm ở thì tương lai. Nhiều quốc gia trên thế giới đến nay vẫn chưa có đường sắt cao tốc, đâu phải do nghèo, mà họ phải chờ "thời gian thích hợp" để làm.

Nói ngay nước Mỹ, đến hôm nay, dưới thời Tổng thống Barack Obama người ta mới tính tới đường sắt cao tốc; lâu nay họ đi lại chủ yếu bằng xe hơi trên đường bộ cao tốc và máy bay, đường sắt cũ chỉ dùng chuyên chở hàng hoá. Đó là chuyện cái gì làm trước, cái gì làm sau, để không cái gì bỏ mất; nếu không, sẽ chẳng làm được gì hết.

Không thể đặt miền Trung trong tình hình chung như lâu nay trong phòng chống bão lũ khi đất trời đã thay đổi. Rất cấp bách, rất khẩn trương, xin đừng vin vào bất cứ lí do gì để mặc miền Trung ngày càng chìm sâu trong bão lũ hoành hành! Tương lai sẽ ra sao? Không thể để mất miền Trung, trong lúc lại vừa phải gồng mình gánh những khoản nợ khổng lồ kiểu DAĐSCT!

Biến đổi khí hậu sẽ gây hậu quả nặng nề nhất cho châu Á. Theo báo cáo ngày 20/10/2010, của Hãng tư vấn rủi ro toàn cầu Maplecroft của Anh, thì Bangladesh, Ấn Độ, Philippines, Việt Nam và Pakistan sẽ bị nguy cơ tổn thương lớn nhất! Đồng bằng sông Cửu Long đang bị nước biển xâm nhập nặng, và miền Trung, hết hạn sang lụt ngày càng gia tăng. Chế ngự thiên nhiên là cuộc chiến cam go nhất, lâu dài, gian khổ nhất; nếu sự quan tâm vấn đề này chưa xứng tầm, thì tác hại khôn lường...

Cứu lấy miền Trung, An cư miền Trung phải là chương trình ưu tiên trong mọi ưu tiên. Đây là một chương trình lâu dài, nhưng không thể để chậm trễ một ngày nào!

Theo: vnn.vn

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511376

Hôm nay

239

Hôm qua

2336

Tuần này

21750

Tháng này

218249

Tháng qua

121356

Tất cả

114511376