Chỉ 30 phút văn nghệ chào mừng cho buổi lễ gặp gỡ những người khuyết tật phấn đấu tốt toàn thành phố Vinh năm 2010, nhóm những người khuyết tật hát đã khiến những người không lành lặn và những người lành lặn rơi nước mắt.
Chỉ 30 phút văn nghệ chào mừng cho buổi lễ gặp gỡ những người khuyết tật phấn đấu tốt toàn thành phố Vinh năm 2010, nhóm những người khuyết tật hát đã khiến những người không lành lặn và những người lành lặn rơi nước mắt.
Nhóm những người khuyết tật hát thành phố Vinh là Chu Vinh Đức - một thanh niên bị liệt hai chân; là vợ chồng Vi Văn Ngữ, Nguyễn Thị Hương. Ngữ cụt một cánh tay, mù 2 mắt, Hương thị lực 1/10; là bác Lê Sỹ Hòa - thương binh ¼, một cánh tay gửi lại chiến trường và vô số vết thương trên cơ thể; là Nguyễn Thị Hồng Sâm – mù cả hai mắt; là Trần Thị Kỷ - thị lực 3/10; là anh Phan Duy Dũng với đôi chân tật nguyền; là chị Nguyễn Thị Hoài Thanh – thương binh 4/4 và cuối cùng là bác Thái Khắc Hoàng, chủ nhiệm của nhóm – thương binh 2/4.
Chu Vinh Đức hát bài “Người về thăm quê”; Ngữ - Hương với “Thành phố tôi yêu”; Phan Duy Dũng thể hiện “Người mù hát tình ca”; Chị Thanh – anh Hòa song ca bài “Tình bạn”; rồi cả tập thể hát cùng nhau những bài “Vinh – Okayama”, “Thành Vinh khúc ca xuân”, “Tay trong tay ta hát”.
Nghe những người khuyết tật hát, mới thấy nghị lực sống và khát vọng được cống hiến của họ mãnh liệt biết chừng nào. Để lên được sân khấu biểu diễn, Đức phải dùng đôi nạng inox lê từng bước, từng bước khó khăn. Đến vị trí trung tâm sân khấu, em phải mất một phút sửa tư thế đứng để có tay cầm micro và lấy hơi. Vậy mà, khi Đức cất lên tiếng hát, người nghe không khỏi bàng hoàng. Những ca sỹ đã từng thể hiện thành công “Người về thăm quê”, có lẽ cũng chỉ gửi cái tình của mình vào bài hát đến độ của Đức là cùng. Vợ chồng mù Ngữ - Hương ăn mặc khá chỉnh chu. Hương trong tà áo dài màu rêu, Ngữ vận áo trắng quần âu khoác hờ chiếc gile thêu họa tiết dân tộc Thái. Dẫu vậy, vẫn không vơi bớt được nét phong trần của cả hai vợ chồng sau những tháng ngày lê la hát rong bên hè phố. Hai vợ chồng vịn vai nhau, rờ rẫm, chậm chạp đi ra sân khấu. Hương nửa ngồi nửa quỳ cầm micro cho Ngữ vừa hát vừa chơi đàn ghi ta bằng cánh tay duy nhất. Bài hát “Thành phố tôi yêu” được Ngữ thể hiện quá tuyệt vời. Nhìn Ngữ và cả Hương đôi mắt mờ đục cố dướn lên như muốn ngắm nhìn khán giả mà ngân nga “ Thành phố tôi yêu cho tôi trái tim tự hào/ Thành phố tôi yêu cho tôt ước mơ dạt dào/ Bao năm một kiếp người, trăm năm cuộc bể dâu… Đã qua bao cay đắng ngọt bùi, trẻ trung mãi mãi, thắm tươi thêm từng ngày” khiến không ai trong khán phòng không thổn thức. Rồi lần lượt Phan Duy Dũng, Nguyễn Thị Hoài Thanh, Lê Sỹ Hòa… và cả nhóm người khuyết tật cùng say sưa hát tập thể. Họ, không cùng tuổi tác, mỗi người một phận số éo le. Vậy nhưng trên sàn diễn, 9 người như một, cùng chung khát vọng đem lời ca tiếng hát dâng tặng cho mọi người.
Sau buổi diễn, Chu Vinh Đức kể vắn tắt: “Em tham gia nhóm những người khuyết tật hát được 3 – 4 năm gì đó. Ngoài công việc thường nhật, em hát để cuộc sống của mình, của những người có số phận không may mắn vui hơn, ý nghĩa hơn. Để xã hội thấy người khuyết tật và những người lành lặn không còn khoảng cách”. Ngoài giọng hát ngọt ngào giàu cảm xúc, Đức là một họa sỹ không chuyên tài ba, em có hẳn một cửa hàng tranh trên phố Trần Hưng Đạo. Vi Văn Ngữ - Nguyễn Thị Hương thật thà: “Đi bán tăm giờ không nuôi nổi con nữa rồi. Ngày trước, hai vợ chồng với một đứa con thì còn đỡ, nay mới thêm đứa nữa nên phải lăn lê đi hát kiếm tiền nuôi chúng. Hát rong là để kiếm cơm. Hát ở đây là để dâng tặng mọi người”. Ngữ và Hương thường ngày hay hát ở các quán cà phê bên hè phố, ở chợ, bến xe… Chủ nhiệm Thái Khắc Hoàng thì hồn hậu: “Câu lạc bộ văn nghệ người khuyết tật thành phố Vinh là một sân chơi nhỏ với mục đích giúp cho người khuyết tật vợi bớt những nỗi buồn trong cuộc sống”.
30 phút, nghe những người khuyết tật hát, chợt nhận ra khát vọng vươn lên, khát vọng khẳng định, khát vọng cống hiến của họ thật lớn. Và, cái tình của người khuyết tật dành cho nhau dường như cũng khác hơn, lớn hơn những người lành lặn.
30 phút, nghe những người khuyết tật hát, bỗng thấy ngoài kia, trong cuộc sống sôi động, ầm ào của những người lành lặn đầy rẫy sự bon chen, vị kỷ. Và tôi, và những người lành lặn khác trong khán phòng thật bé nhỏ, tầm thường./.
244
2336
21755
218254
121356
114511381