Khách mời văn hóa

Sử liệu phải được phê khảo đúng phép tắc! (Trao đổi với giảng viên Lý luận Sử học Lê Văn Sinh)

 

Giảng viên lý luận sử học Lê Văn Sinh

LTS: Sự kiện hàng chục cọc gỗ phát hiện tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, được nhiều nhà nghiên cứu cho là dấu tích của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của cha ông cuối thế kỷ XIII thời gian gần đây đã và đang thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận, đặc biệt là những ai quan tâm, yêu thích lịch sử nước nhà. Để tìm đáp án cho câu hỏi: Có đủ căn cứ để khẳng định nhóm hiện vật này là “bằng chứng” của cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên? Phóng viên Văn hóa Nghệ An đã có những trao đổi nhanh với ông Lê Văn Sinh, nguyên giảng viên Bộ môn Lý luận Sử học và Sử liệu học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 PV: Thưa ông Lê Văn Sinh, chiến thắng của vua tôi nhà Trần trước quân xâm lược Mông - Nguyên thế kỷ XIII là một trong những trang sử vẻ vang, hào hùng nhất của dân tộc. Nội dung này đã được chép lại khá cụ thể, chi tiết trong các bộ sử, chí…song dấu ấn vật chất của nó dường như vẫn còn rất “khiêm tốn”, ít ỏi?

Ông Lê Văn Sinh: Tôi cho rằng bất kỳ một sự kiện, hiện tượng lịch sử nào trong quá khứ, bên cạnh ghi chép của các sử gia thì bằng chứng cụ thể, thuyết phục nhất vẫn phải là “sử liệu trực tiếp”, gắn với sự kiện, hiện tượng ấy. Về cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông - Nguyên thời Trần, nội dung của nó là điều không phải bàn cãi song cho đến nay, dường như vẫn chưa có một “sử liệu trực tiếp” nào đủ sức thuyết phục.

PV: Xin ông nói rõ hơn, thực tế là nhiều năm trước, chúng ta đã phát hiện được rất nhiều cọc gỗ tại địa điểm thuộc phường Yên Giang (thị xã Quảng Yên, huyện Yên Hưng - tỉnh Quảng Ninh) được cho là cọc Bạch Đằng được sử dụng trong trận kháng chiến do Trần Hưng Đạo chỉ huy. Và mới đây là những phát hiện mới về hàng chục cọc gỗ tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng?

Ông Lê Văn Sinh: Trước hết, cần phải nói rằng, nghiên cứu về bãi cọc Bạch Đằng khá thuận lợi bởi tính tuyệt đối của niên đại. Dùng gỗ làm vũ khí chống thuyền giặc là vạn bất đắc dĩ và hiếm hoi nhưng sử cũ đã chép rất cụ thể chi tiết về các diễn biến trên sông Bạch Đằng “ba lần giặc đến ba lần giặc tan”. Thứ nhất là chiến thắng chống quân Nam Hán năm 938, thứ hai là trong cuộc kháng Tống năm 981 và thứ ba chính là chiến thắng quân Mông - Nguyên năm 1288. Hơn nửa thế kỷ trước, nhiều cọc gỗ Bạch Đằng đã được phát hiện và đã có những nghiên cứu bước đầu. Những năm 1960, Việt Nam đã gửi mẫu, nhờ các nhà khoa học Cộng hòa Dân chủ Đức giám định niên đại các cọc gỗ Bạch Đằng bằng phương pháp C14 (phương pháp xác định “tuổi “bằng đồng vị cacbon, áp dụng với cổ vật có chứa các chất hữu cơ- PV). Kết quả là “tuổi” các cọc gỗ ấy không trùng với các sự kiện lịch sử xảy ra được ghi lại bởi sử liệu chữ viết. Chưa tin tưởng kết quả này, chúng ta tiếp tục gửi “mẫu cọc” nhờ các chuyên gia Trung Quốc tính toán hộ. Tiếc thay, kết quả cũng tương tự với số liệu tính toán của người Đức.

PV: Điều này có nghĩa tính xác thực của cọc gỗ Bạch Đằng hiện được trưng bày tại một số bảo tàng ở Hà Nội với chiến thắng Bạch Đằng cần phải được kiểm chứng, nhận thức lại?

Ông Lê Văn Sinh: Đúng vậy! Đây là một phần bài giảng Cơ sở Khảo cổ học của cố GS Trần Quốc Vượng mà tôi không bao giờ quên. Mà một khi niên đại hiện vật “vênh” với sự kiện lịch sử thì không nên xem nó là “bằng chứng” hay dấu ấn vật chất để lại. Với trường hợp cọc gỗ Bạch Đằng, nhà nghiên cứu có chấp nhận gạt bỏ những chiếc cọc gỗ kia khỏi nguồn nhận thức lịch sử hay không? Nếu vẫn sử dụng chúng như nguồn sử liệu thì dư luận có quyền và có lí do để nghi ngờ.

PV: Nếu như niên đại cọc gỗ Bạch Đằng trùng khớp với sự kiện lịch sử diễn ra trên sông Bạch Đằng thì sao, thưa ông? Trong một phát biểu gần đây, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam - Nguyễn Gia Đối khẳng định: “Sự hiện diện của bãi cọc cùng kết quả giám định niên đại phóng xạ tuyệt đối khiến Viện tin tưởng bãi cọc liên quan chặt chẽ đến trận thắng quân Nguyên Mông lần 3 năm 1288” (trích “Tuổi Trẻ Online”, ngày 24/12/2019) - căn cứ này liệu đã đủ để kết luận?

Ông Lê Văn Sinh: Có thể các nhà khảo cổ học đã tiến hành giám định niên đại những mẫu vật gỗ ở bãi Cao Quỳ (Hải Phòng) và tất cả chúng có niên đại phù hợp niên đại cuộc chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ ba… nhưng như thế vẫn chưa đủ. Sử liệu phải được phê khảo đúng phép tắc, trả lời hàng loạt câu hỏi về tính xác thực và độ tin cậy của thông tin do sử liệu cung cấp. Tôi cho rằng để khẳng định “cọc gỗ Cao Quỳ” là minh chứng của chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 cần giải quyết được hai vấn đề. Thứ nhất: Chứng minh được khoảng 700 năm trước, địa điểm Cao Quỳ từng là dòng sông. Thứ hai, chứng minh những mẫu vật gỗ vừa phát hiện ở Cao Quỳ chính là cọc gỗ/chiến cụ của quân đội nhà Trần? Chính sử khẳng định nhà Trần đã đóng cọc gỗ trên sông Bạch Đằng nhưng không có nghĩa bất kỳ bãi cột gỗ nào ở ven hoặc dưới lòng sông đều là chiến cụ, đều được phục vụ cho hoạt động quân sự đương thời. Trên thực tế, việc sử dụng gỗ cho đời sống dân sinh là rất phổ biến trong trường kỳ lịch sử Việt. Rất nhiều công trình như nhà ở, đình, chùa… đã được cha ông ta làm bằng vật liệu này!

PV: Theo quan điểm của ông thì các cọc gỗ Cao Quỳ chưa hội đủ điều kiện cần thiết để có thể xem là một nguồn sử liệu?

Ông Lê Văn Sinh: Để nhận thức của chúng ta tiệm cận chân lý khách quan, nhà nghiên cứu phải rất cẩn trọng khi sử dụng sử liệu. “Cọc gỗ Cao Quỳ” có liên quan đến chiến thắng năm 1288 hay không, cụ thể hơn là có phải chiến cụ trong cuộc chiến cuối thế kỷ XIII hay không. Chỉ có thể nói “Có” nếu chứng minh một cách không thể bác bỏ rằng chúng đích thực là chiến cụ được dùng trong trận đánh chiến thuyền giặc năm 1288. Một công trình sử học sẽ không bị đánh đổ dễ dàng bởi quan điểm triết học của sử gia. Nhưng nó sẽ sụp đổ ngay lập tức, nếu người phản biện chỉ ra một cách không thể bác bỏ, rằng công trình đó được xây nên bởi những nguồn sử liệu thiếu tin cậy.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

                                                                          Hoàng Giang (thực hiện)


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511025

Hôm nay

224

Hôm qua

2359

Tuần này

21399

Tháng này

217898

Tháng qua

121356

Tất cả

114511025