Góc nhìn văn hóa
Huế Tết 1968: Những điều trái ngược với “cuộc thảm sát bởi Việt cộng”

Ngọ Môn bị phá hủy trong Tết Mậu Thân 1968
Ngay trong khi tiếng súng trên chiến trường Miền Nam Việt Nam chưa kết thúc, đã có nhiều điều tra độc lập của các phóng viên phương Tây về sự kiện mà về sau được phía Mỹ gọi là “cuộc thảm sát Mậu Thân ở Huế”.
Ai “hủy diệt Huế để cứu nó”[1]?
Một sĩ quan CIA đặc trách tỉnh Quảng Trị, Warrent Milberg là một trong những người Mỹ vào Huế đầu tiên khi phe cách mạng bắt đầu rút (cuối tháng 2/1968). Theo Milberg, Huế là “một cảnh tượng giống như nước Đức dưới trận ném bom của Đồng minh (Anh - Mỹ trong Thế chiến II). Tôi chưa từng thấy quang cảnh như vậy. Những ánh chớp của bom đạn vẫn nháng lên. Những tràng súng. Một số đơn vị thiết giáp vẫn đang dàn đội hình (pitched battle) giao tranh với quân Bắc Việt Nam trong Thành Nội”. “(Ở Huế) chúng tôi có nhiều lính (của đội quân ngầm)”, sĩ quan CIA Rudy Enders nói với tác giả Valentine. (85)
Sách báo thời trước 1975 viết gì?
Trên tuần báo The New Yorker, ký giả nổi tiếng Robert Shaplen, một thành viên của Hội những người Mỹ bạn Việt Nam, trong mục “Thư từ Sài Gòn” (Letter from Saigon), 23/3/1968, đã viết:
“Trong các cuộc chiến tranh Thế giới thứ hai, chiến tranh Triều Tiên, cũng như trong cuộc chiến đang diễn ở Việt Nam này, tôi chưa từng thấy sự tàn phá khủng khiếp như những gì vừa được chứng kiến ở Huế”.
Phần lớn những người thuộc phe dân sự bị giết hại trong giai đoạn Huế bị (quân của phe Mỹ) vây hãm, theo Shaplen, đã chết bởi “các cuộc không kích và pháo kích của Mỹ được tiến hành để đánh bật quân Bắc Việt Nam và Việt Cộng đang ngoan cường trụ tại thành phố tới chừng nào họ còn sức giữ. Ước tính cứ 4 căn nhà thì có 3 căn bị phá hủy hoặc bị tàn phá nặng nề bởi bom hoặc đạn pháo, trong khi “các tử thi được xếp cứ 5 xác người một vào mộ chung, xác người nọ chất lên xác người kia”. Các hố bom rộng 4 feet và sâu 20 feet nhan nhản trên mặt đường phố bên những bức tường của Thành nội Huế.
Trong Bạo lực Phản cách mạng: Tắm máu: Bằng chứng và Tuyên truyền (Counter-Revolutionary Violence: Bloodbaths in Fact and Propaganda, xuất bản tại Mỹ 1973), học giả Mỹ nổi tiếng Noam Chomsky dẫn lời một lính thủy đánh bộ Mỹ, rằng có nhiều vết xích xe ủi xung quanh rìa các mộ tập thể, cho thấy các tử thi đã được gạt xuống huyệt bởi xe ủi. Học giả phương Tây nhận xét là phía “Việt Cộng” không có xe ủi (bulldozer). Lính thủy đánh bộ Mỹ này cũng cho Chomsky hay các phóng viên độc lập đã không được mời tới khi phía Mỹ - Sài Gòn thông báo tìm ra những ngôi mộ chôn tập thể này. Theo Chomsky, những tác giả phương Tây nào cho rằng, các tử thi trong các ngôi mộ tập thể là nạn nhân của phe cách mạng, đã hoàn toàn dựa trên tin tức do Bộ máy tuyên truyền của Mỹ - Sài Gòn đưa ra thời đó[2]. Chomsky cũng chỉ ra, ngoài hỏa lực do không lực và bộ binh của phe Mỹ, các phảo từ Hạm đội ngoài khơi của Mỹ cũng bắn tan nát Kinh thành Huế.
Người phương Tây duy nhất được khảo sát các ngôi mộ tập thể (khi phía Sài Gòn công bố), là bác sĩ Canada Aije Vennema, người nhận thấy số lượng nạn nhân trong các ngôi mộ đã được cách đếm phía Mỹ - Sài Gòn thường tăng lên (chẳng hạn bảy lần, từ 68 lên 477…); các tử thi hầu hết có dấu hiệu bị thương do chiến sự; và hầu hết đều mặc quân phục (trong khi phía Sài Gòn loan báo các xác chết là dân sự bị đối phương “tàn sát”)[3].
Quay lại với bài của Robert Shaplen đăng trên báo New Yorker số ra 16/3/1968, các quan chức Mỹ lúc đó đã yêu cầu Ban Tình báo và nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Mỹ thẩm định bài báo này. Và các chuyên gia phân tích của Bộ Ngoại giao Mỹ cùng kỳ đã đi đến kết luận rằng bài báo này thể hiện tốt (well reflected) cả cách đánh giá lẫn tính khách quan (perpectivevness and general objectivity)[4].
Tới Huế vào giờ cuối cuộc phòng thủ Huế của phe cách mạng, nữ ký giả nổi tiếng người Italia, Oriana Fallaci, đã chứng kiến cuộc đấu súng giữa “rất nhiều lính thủy đánh bộ (Mỹ) với chỉ một Việt Cộng”.
Trong bài “Từng bước đi đến giết chóc” (Working Up to Killing)[5], đăng trên tạp chí Washington hàng tháng (Washington monthly) số ra tháng 2, 1972, Oriana Fallaci viết:
“Ngay sau thời kỳ Huế được giải phóng, ít nhất 200 người bị nghi là Việt Cộng hoặc có hợp tác với Việt Cộng đã bị quân Sài Gòn giết hại. Đã không hề có một phiên tòa sơ đẳng nhất hay một lời buộc tội. Chỉ thấy nổ hàng loạt tràng súng máy, thế là hết. Cuộc tàn sát này bắt đầu khi Lính thủy đánh bộ (Mỹ) chiếm lại Hoàng Cung… Tổng cộng đã có tới 1.100 người bị giết hại tại thời điểm đó. Phần lớn là sinh viên, giảng viên đại học, các nhà tu hành. Giới trí thức và giáo dân (Phật tử) ở Huế chưa bao giờ giấu thiện cảm của họ với Mặt trận Dân tộc giải phóng”.
Tác giả Richard West trong sách về Việt Nam của mình[6] viết về sự đàn áp tàn khốc đối với những người bị tình nghi thân “Việt cộng” sau khi phe Mỹ tái chiếm Huế mà ông tận mắt chứng kiến. Richard West viết (trang 66): “Hầu hết những người bị phía cộng sản hành hình là cảnh sát, chính trị gia, viên chức (của chính quyền Sài Gòn), nhưng cũng có những nhà tu hành, thày giáo và bác sĩ bị hành hình[7]. Điều này thường xảy ra trong những cuộc chiến dài ngày”.
Trong sách Giới hạn của can thiệp. tác giảTownsend Hoopes, mộtquan chức cao cấp Lầu Năm góc, được quyền truy cập thông tin mật Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, cho hay cuộc tái chiếm Huế đã biến 80% các tòa nhà thành đống đổ nát, và trong “đống đổ nátấy là xác của khoảng 2.000 dân thường”[8].
Bóng dáng Phượng Hoàng
Trong sách Các cuộc chiến tranh Việt Nam từ 1945-1990 (The Vietnam Wars 1945-1990, xuất bản ở Mỹ năm 1991, tr. 291) tác giả Marylin Young viết: “Trong những ngày cuối cùng dưới Chính quyền cách mạng Huế, những biệt đội của Chính quyền Sài Gòn đã thâm nhập được vào nội đô Huế trên diện rộng với những bản danh sách đen nhằm vào những người dân từng bộc lộ sự ủng hộ Mặt trận Giải phóng khi phe cách mạng chiếm đóng thành phố Huế”.
Trong Việt Nam: một thiên sử (Vietnam: A History, xuất bản 1984, trang 544), Stanlei Karnow viết rằng các cuộc ném bom trả đũa của Mỹ vào thành phố Huế “bị cộng sản chiếm đóng” đã “gây nên tổn thất nặng nề đối với dân thường”. Ông viết tiếp: “Các đội biệt kích của Việt Nam Cộng hòa đã thâm nhập vào Huế sau khi thành phố này bị cộng sản chiếm đóng và ám sát những người tình nghi có hợp tác với đối phương (phe cách mạng)”. Rồi các biệt kích VNCH này ném xác những nạn nhân này xuống các ngôi mộ chung với những người bị phe đối phương tiêu diệt trước đó, theo Karnow.
Cây bút kỳ cựu về Chiến dịch Phượng Hoàng,Douglas Valentine đã điểm mặt một chỉ huy của các đội biệt kích đã thâm nhập trở lại Huế được giải phóng. Đó là một quan chức CIA đặc trách về Phượng Hoàng, có mật danh là PVT, được nhắc tới khoảng 60 lần trong “Chương trình Phượng Hoàng”[9], nhưng trong sách tác giả Valentine chưa nói rõ là ai. Tới bài viết Một bài học tồi tệ của chiến tranh Việt Nam giành cho Afghanistan (A Bad Vietnam Lesson for Afghanistan)[10] ra 17/9/2009, Douglas Valentine tiết lộ PVT là Phu Van Tran. Tuy nhiên, trong danh sách nhân vật được Douglas Valentine phỏng vấn (99 sĩ quan CIA và quân đội Sài Gòn chịu trách nhiệm về “Phượng Hoàng”) để viết sách, PVT lại được Douglas Valentine chú (vào năm 2010) là Phan Van Tran. Theo Douglas Valentine, PVT là cả một “tài sản” (asset) của CIA, nhưng nếu tác giả làm rõ thêm lý lịch của nhân vật này, người đọc sẽ tiệm cận gần hơn sự công bằng về lịch sử.
Ra tay trước
Valentine viết trong “Chương trình Phượng Hoàng” (trang 179): “Một người biết rõ những gì xảy ra ở Huế tháng 2/1968 là PVT, giám sát viên của PRU (Provincial Reconnaissance units - các đơn vị trinh sát cấp tỉnh) và của chương trình Phượng Hoàng… Do cha của PVT là một sĩ quan cảnh sát ở Huế, PVT được nhận vào làm cho Sở mật thám Đông Dương của Pháp (Surete Federale) vào năm 1954. Khi người Mỹ ‘tiếp quản’ (Nam Việt Nam) vào năm 1955, PVT chuyển sang làm cho Nha Nghiên cứu (Vietnamese Bureau of Investigation), rồi lên tới Trưởng vùng Chiến thuật I ở Huế của mật vụ Sài Gòn. Sau khi Diệm bị đảo chính, PVT bị giam vài tháng do bị tình nghi dính líu đến Đảng Cần lao Nhơn vị (của Ngô Đình Nhu). Vài tháng sau, được thả, PVT và nhiều đồng nghiệp công giáo ‘tai tiếng’ (tainted) khác sang làm cho CIA, vì không thích chính phủ của Nguyễn Khánh…”
PVT không chỉ là chuyên viên cấp tỉnh của CIA, mà còn là trợ thủ cho Rudy Enders, cố vấn về hoạt động bán quân sự (paramilitary) cho Vùng chiến thuật I, rất đắc lực trong các hoạt động chống nổi dậy, phá hoại hạ tầng cơ sở “Việt cộng” (VCI) và trong chương trình Phượng Hoàng. Theo Valentine, Rudy Enders lấy người em gái của PVT.
Valentine viết tiếp, khi chiến sự ở Cố đô đang diễn ra dữ dội, Enders tới mặt trận Huế. Sau khi xem xét tình hình, Enders quyết định lần theo dấu những ai thuộc “hạ tầng cơ sở Việt Cộng” vừa lộ diện trong tiến trình tiến công Tết. “Chúng tôi có đầy đủ cơ sở dữ liệu ICEX (Chương tình phối hợp khai thác tình báo), và chúng tôi quyết định ra tay trước”, Enders nói trong phỏng vấn của Valentine.
“Nhưng để ‘ra tay trước’ chống hoạt động của chính quyền Việt cộng ở Huế, Rudy Enders còn cần đến dịch vụ của PVT”, Doulas Valentine viết tiếp. PVT cho Valentine hay, thời đó đã cùng một nhóm “Phượng Hoàng” vượt sông Hương, thẩm vấn những người bị phía Mỹ bắt trong tiến trình chiến sự, để lập những danh sách đen (!)
Trong điều tra Bạo lực Phản cách mạng: Tắm máu và Tuyên truyền, Noam Chomsky nhận định: “Khi bộ đội của Mặt trận Giái phóng và Việt Nam dân chủ cộng hòa rút khỏi Huế, nhiều cán bộ và người có cảm tình (với cách mạng) đã bị kẹt lại trong một tình thế nguy hiểm - trở thành nạn nhân của sự báo thù của chế độ Sài Gòn”.
Năm 1988, một học giả Mỹ có nhiều sách về chiến tranh Việt Nam là Douglas Pike tiết lộ thời chiến ông ta từng dính líu vào một nỗ lực hòng làm mất uy tín của Mặt trận Giải phóng (a conscious “effort to discredit the Vietcong”)[11].
Quay lại với bài trên Tạp chí Biên niên Đông Dương ra 24/6/1974, nói trên, nhà quan sát chính trị Gareth Porter đã viết vài nghìn chữ về sĩ quan tâm lý chiến Douglas Pike, một tay thao túng truyền thông có hạng (media manipulator par excellent), theo chỉ thị của đại sứ Mỹ Bunker, năm 1969, hợp tác chặt với Tiểu đoàn 10 Chiến tranh chính trị của Sài Gòn để ngụy tạo hoàn toàn (complete fabrication) một vụ “thường dân không có cảm tình với Mặt trận Giải phóng bị tàn sát” tại Huế, trong chiến cuộc Tết Mậu Thân.
Lê Đỗ Huy (thuật)
Chú thích:
[1] Myron Harrington, năm 1968 là Đại úy Thủy quân lục chiến Mỹ, người được phỏng vấn năm 1981 trong phim thời sự nhiều tập Việt Nam một thiên sử truyền hình Vietnam: A Television History, nhận định về “thắng lợi của phe đồng minh” giành lại được Huế với giá của sự phá hủy nó và giết dân cư của thành phố (the destruction of the town and the killing of its residents), đã nó câu nổi tiếng: Phải chăng chúng ta đã hủy diệt thành phố (Huế) để cứu nó.
http://openvault.wgbh.org/catalog/V_4AD7457960B34653AED6E6C0E1916EC9
[3] Cuộc Thảm sát 1968 ở Huế (The 1968 ‘Hue massacre’, tác giả Gareth Porter, đăng trên Tạp chí Biên niên Đông Dương (Indochina Chronicle) số 33, ra 24/6/1974.
[4] Dẫn theo sách Hành trình du lịch Việt Nam: Chiến tranh, Hướng dẫn lữ hành, và ký ức. trang 216). Tác giả Scott Lademan đã tra cứu lưu trữ ở Washington và dẫn các nhận định trên của chính quyền Mỹ về bài viết của Shaplen.
[5] Working Up to Killing, Washington monthly, Feb. 1972.
https://www.newyorker.com/magazine/1968/03/23/letter-from-saigon-11
[6] Victory in Vietnam, Richard West, NXB Private Production Limited, London, 1974.
[7] Richard West đề cập một danh sách ‘những kẻ phản bội” do phe cách mạng lập ra. Chomsky cũng đề cập các danh sách đen (black lists), trong đó có nhiều mức xử lý, kể cả “cho đi cải tạo” (reeducation), chứ không chỉ có hành hình. Gareth Porter dẫn việc Do uglas Pike đề cập danh sách đen những “kẻ thù của nhân dân”, có tới 15 thành phần…
[8] The Limits of Intervention, Townsend Hoopes, xuất bản năm 1969, tr.142
[9] Sách ra năm 2014 mang tên Chương trình Phượng Hoàng: CIA áp dụng khủng bố ở Việt Nam (The Phoenix Program: America's Use of Terror in Vietnam), NXB Forbidden Bookshelf. Sách này ra năm 1992 của NXB Universe, Hoa Kỳ mang tên Chương trình Phượng Hoàng (The Phoenix Program).
[11] Scott Laderman, Hành trình du lịch Việt Nam: Chiến tranh, Hướng dẫn lữ hành, và ký ức Tours of Vietnam: War, Travel Guides, and Memory,. tr. 90
tin tức liên quan
Videos
Câu đối Phan Bội Châu viết về xứ Nghệ và xứ Nghệ viết câu đối về Phan Bội Châu
Tư tưởng của Phan Bội Châu về nội lực
Về một khía cạnh phát triển của tiếng Việt (Thể hiện qua hiện tượng ngữ pháp hóa hình thành một số tiểu từ tình thái cuối câu)
Nghệ An năm 1924
Văn học thời Tần Hán [*]
Thống kê truy cập
114565132

2161

2263

22073

223656

129483

114565132