Tất cả cho dòng điện
Ông Nguyễn Tám, Phó trưởng Ban Quản lý dự án kiêm Giám đốc điều hành Dự án thủy điện Bản Vẽ cho biết, đến ngày 27/3, các đơn vị thi công đã hoàn thành toàn bộ công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị ở cửa nhận nước, đường hầm dẫn nước, đường dây 220 KV Bản Lả - Vinh, trạm phân phối điện, lắp đặt xong 9.400/10.000 tấn thiết bị…Còn các hạng khác đang gần hoàn thiện xong khối lượng như đập dâng đạt 1.241.000/1.519.000m3 (đạt độ cao 162,2m), hố xói đạt 117.000/171.000m3, hệ thống phòng cháy đang chờ nghiệm thu… trước đó, ngày 22/2, đã lắp đặt và chạy thử thành công Rotor tổ máy số 1, trọng lượng xấp xỉ 600 tấn và đang tiến hành lặp đặt tổ máy số 2. Hiện Trung tâm thí nghiệm điện 1 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đang tiến hành thí nghiệm hiệu chỉnh các thiết bị, phục vụ cho việc phát điện.
Những ngày này cán bộ, công nhân của ATĐ2 và tổ hợp nhà thầu, gồm nhiều đơn vị xây dựng có “tên tuổi”, như Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty xuất nhập khẩu Việt Nam (VINACONEX), Tổng Công ty Thành An (Bộ Quốc phòng), Tổng Công ty Cơ khí xây dựng (COMA), Tổng Công ty Xây dựng miền Trung (COSEVCO), Tập đoàn điện khí Đông Phan (Trung Quốc) đang huy động lực lượng, phương tiện để thi công các hạng mục công trình khẩn trương với chất lượng cao nhất để kịp đúng tiến độ và đạt đến cao độ 187m, nhằm phục vụ chống lũ.
Tính đến thời điểm hiện tại, mức nước tại lòng hồ đã đạt đến mức 156m (trên mức nước chết 155m), đến mức 158m sẽ chạy không tải và hi vọng đến ngày 15/4 sẽ đạt được mức 165m để tiến hành đóng điện chính thức. Và cũng theo ông Nguyễn Tám vấn đề lo lắng nhất hiện nay không phải là vấn đề về tiến độ mà vấn đề chống lũ. Hiện tại các quy trình điều tiết nước đang được kiểm tra và cố gắng hoàn thành mặt đập lên cao trình 195m trước tháng 7. Đối với lũ tiểu mãn sắp tới sẽ kịp đóng điện và tích nước.
Để hoàn thành đúng tiến độ thi công hạng mục đề ra, lực lượng công nhân của các công ty phải tiến hành làm việc 3 ca (24/24h ngày đêm) không kể ngày nghỉ trong điều kiện khí hậu vô cùng khắc nghiệt của vùng núi rừng Tương Dương. Anh Lê Văn Lâm - công nhân của Công ty sông Đà 1, quê ở Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết: đội của anh có 30 công nhân, phần lớn số này đã có vợ con, có người mới cưới vợ được vài tháng, nhưng không phải ai cũng được nghỉ để về quê ăn Tết cùng gia đình. Đội của anh cùng các đội khác trong đơn vị đã đảm nhận thi công đập dâng. Đây là hạng mục thi công đòi hỏi đội ngũ công nhân phải có tay nghề cao, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật bởi công trình thuỷ điện bản Vẽ đang áp dụng công nghệ thi công mới - bê tông đầm lăn (RCC). Nhiệt độ của bê tông khi thi công luôn phải đảm bảo dưới 240C bởi vậy có nhiều hôm trời nắng nóng lên đến ngưỡng 39 - 400C phải dùng đá lạnh xay nhỏ trộn với bê tông để đảm độ kết dính cho xi măng.
Với công trình thuỷ điện Bản Vẽ, trong điều kiện thi công khó khăn, các đơn vị thi công đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm năng suất, hiệu quả công việc và an toàn lao động cho công nhân. Hàng ngày, các đơn vị đều bố trí xe ca chở công nhân từ nơi ở lên công trường, vì từ nơi ở của công nhân đến nơi làm việc tại công trường phải cách xa trên 2,5 km. Nhiều cán bộ của BQL dự án cho biết, để làm tốt vô số vấn đề mới nảy sinh trên công trường xây dựng công trình Thủy điện Bản Vẽ, đòi hỏi cán bộ ATĐ2 phải vận dụng tổng hợp các kiến thức, trong đó có kiến thức rút ra từ thực tế thi công tại các công trình thuỷ điện trước đây đồng thời tích cực tìm tòi, nghiên cứu thêm các tài liệu chuyên ngành về thi công xây dựng công trình thủy điện. Trong dịp Tết, chỉ có một số ít cán bộ, công nhân thi công trên Công trình Thuỷ điện Bản Vẽ được về nghỉ Tết, số còn lại họ vẫn ở lại đón Tết trên công trường và làm việc bình thường; và có đơn vị vẫn làm việc đến tận đêm giao thừa mới được nghỉ và đến 2h chiều ngày mùng Một (Tết), họ lại tiếp tục ra quân sản
Và những sự hy sinh
Thủy điện Bản Vẽ là công trình được xây dựng trên nhánh sông Nậm Nơn, thuộc địa bàn huyện miền núi Tương Dương (tỉnh Nghệ An) với tổng vốn đầu tư trên 6.700 tỷ đồng, bao gồm các thông số kỹ thuật chính, như diện tích lưu vực 8.700 km2, mực nước dâng bình thường 200 m, diện tích ngập trong lòng hồ 4.842 ha, thuộc 9 xã, 34 bản của hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn. Nhiệm vụ chính của Thủy điện Bản Vẽ là tạo nguồn điện cung cấp cho lưới điện quốc gia 1,084 tỷ kWh/năm, tạo nguồn nước bổ sung cho khu vực hạ du vào mùa cạn kiệt, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất và đẩy mặn, tham gia chống lũ tiểu mãn và giảm lũ chính vụ cho vùng hạ du; trong đó có việc cắt toàn bộ lũ tiểu mãn của nhánh sông Nậm Nơn.
Thấu hiểu công trình thủy điện Bản Vẽ sẽ là “điểm nhấn” làm đổi đời cuộc sống của hàng ngàn hộ dân ở vùng sâu, vùng xa này nên 2.986 hộ dân với hơn 14.000 người thuộc các dân tộc Khơ Mú, Ơ Đu, Thái đã vâng lời Đảng - Bác Hồ, đã hy sinh nhường lại nơi chôn rau, cắt rốn của mình… để xây dựng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, về các các khu tái định cư (TĐC) xây dựng cuộc sống mới.
Việc bồi thường cho thực hiện công tác di dân, tái định cư giải phóng lòng hồ Bản Vẽ là vấn đề rất khó khăn và phức tạp, Ban quản lý dự án đã phối hợp và ký hợp đồng uỷ quyền cho hai huyện Tương Dương và Thanh Chương thành lập Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng - Di dời tái định cư. Sau 5 năm tích cực triển khai công tác di dời, giải phóng mặt bằng đến ngày 18/3/2010 đã có 2.863/2.986 hộ đã về nơi ở mới, còn 119 hộ chưa di dời trong đó số hộ lại dưới cao trình 165m là 21 hộ (sẽ di dời trước ngày 10/4) và 98 hộ người KhơMú (bản Cà Mong) trên cao trình 165m (do BQL dự án chưa bố trí được đất tái định cư).
Không chỉ người dân bản xứ mà những người thợ tham gia xây dựng công trình và hậu phương của họ cũng chịu gian khổ hy sinh không kém. Hầu hết đều phải sống xa nhà, mỗi năm đôi lần về nghỉ phép, nghỉ tết... Ở đây, người thợ không chỉ chịu đựng cái khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết mà còn chịu sức nóng từ áp lực tiến độ công trình.
Nhưng có một sự hi sinh mà chúng ta vẫn sẽ không thể bao giờ quên được đó là máu và nước mắt của những người công nhân thầm lặng để đổi lấy dòng điện cho ngày mai. 29 người đã ngã xuống, trong đó thương tâm nhất là vụ tại nạn sập mỏ đá D3 ngày 15/12/2007 đã cướp đi sinh mạng của 18 người công nhân, đó là chưa kể đến hàng chục vụ tai nạn lao động khác trên công trường
Chia tay công trường bản Vẽ, tôi thầm ao ước sau khi nhà máy thuỷ điện bản Vẽ hoàn thành sẽ có một tượng đài để ghi công lao của những người dân, những người công nhân góp phần đã xây nên công trình này và tưởng nhớ những người đã hi sinh trên công trường.