Khách mời văn hóa

Thế lưỡng nan trí thức

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đọc thơ ở Ấn Độ

LTS: Nhà thơ, PGS.TS Triết học Nguyễn Linh Khiếu, sinh năm 1959 tại Thái Bình. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam. Hiện sống và viết tại Hà Nội. Giải thưởng thơ báo Văn nghệ (1995), Giải thưởng thơ tạp chí Văn nghệ quân đội (2010). Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu và nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kếđã cuộc trao đổi rất thú vị về chuyện thơ, văn và chuyện đời. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Nguyễn Tham Thiện Kế (NTTK): Từ xưa đến nay bất luận thể chế, thì thân phận người trí thức luôn trong tình thế lưỡng nan nhập thế hoặc quan sát thế cuộc từ bên trong tháp ngà thi thoảng cổ vũ ý tưởng nào đấy cho hợp lẽ đời. Nhận định trên có gây cho ông cảm xúc nào không? Khi ông cũng là kẻ trong cuộc…

Nguyễn Linh Khiếu (NLK): Thực ra thì thời thế nào cũng thế. Xuất với xứ. Dấn thân hay lánh đời. Cái anh trí thức cứ tự mình dày vò làm khổ mình như thế. Khôn thì chưa đến mức làm đế vương bắt thiên hạ phải qùy lạy dưới chân mình. Dại cũng chưa đến mức làm nô tỳ cúc cung tận tụy phục tùng người khác. Bản chất là lưỡng lự. Hay nói trắng ra là hai hàng, cái gì cũng muốn, cái gì cũng muốn được cả. Cái anh trí thức, bao giờ cũng thế, vừa tham vừa nhỏ mọn vừa ranh mãnh lại vừa hèn. Vì thế mới thành ra dở giăng dở đèn. Mình phải biết thân phận mình chứ. Trong khi ngày tháng thoi đưa, thời đại nào cũng trôi vùn vụt, đời người lại quá ngắn ngủi. Ông thấy chưa, năm 1994, tôi và ông gặp nhau ở Hội nghị những người viết văn trẻ Việt Nam, khi đó chúng ta mới ngoài 30 tuổi, mắt long lanh nhiệt huyết, thế mà nay đã trở thành hai ông già rồi, mắt mờchân chậm còn thiết gì nữa.Ấy thế mà vẫn cứ loay hoay nhập thế hay xuất thế. Với tôi, quan trọng là mình phải hiện sinh và dấn thân. Không ở tâm bão thì nói gì về bão được. Không ở Niết bàn thì chớ bàn về Niết bàn. Vấn đề vẫn là tự ý thức - mình là ai. Không biết mình là ai thì với trí thức sẽ muôn phần cay đắng.

Cái câu chuyện ở tình thế lưỡng nan như ông nói, tôi nghĩ rằng nó hợp với trước đây hơn. Trong bối cảnh xã hội chuyển đổi, xã hội thông tin, trong một thế giới phẳng anh có muốn ẩn cũng không ẩn được. Ẩn ở đâu? Ẩn thế nào. Nhất là, trong những điều kiện nào đó, môi trường nào đó, vị thế nào đó... ai cho anh ẩn? Anh có được làm cái anh muốn không?. Vì vậy, một tiếp cận như thế có vẻ phù phiếm, xa hoa, cảnh vẻ - rất chi là trí thức.

Hình như ngày nay trí thức đều dấn thân. Đều vì sự phát triển của đất nước, sự phồn vinh của dân tộc, đều vì quốc gia đại sự. Dĩ nhiên, mỗi người dấn thân theo cách của mình. Không ai giống ai. Hơn thế, những giá trị họ lựa chọn lại cũng rất khác nhau. Và rồi, trong khi dấn thân thì họ lại phân thân. Rằng anh ta theo đuổi, anh ta cổ vũ những giá trị vĩnh hằng hay giá trị hiện thời. Nếu anh theo đuổi giá trị vĩnh hằng thì anh phải hy sinh đời sống hiện tại. Nếu anh theo đuổi giá trị hiện thời thì dù thành công đến mấy anh vẫn hoàn toàn có thể trắng tay về mặt giá trị.

Trí thức xưa nay vốn được xem là theo đuổi những giá trị vĩnh hằng trong khi chính trị lại cơ bản thực hiện những giá trị hiện thời. Làm sao trong khi nhập cuộc cùng chung tay thực hiện những giá trị hiện thời lại có thể đồng thời thực hiện các giá trị vĩnh hằng đây?. Đấy là chưa nói, những giá trị hiện thời lại trực tiếp mang lại cho anh ta “ấm no, hạnh phúc”, trong khi những giá trị vĩnh hằng kết quả lại quá xa vời chưa hình dung được nó như thế nào. Cái anh trí thức mắt trái thì chọn cái này nhưng mắt phải thì lại chọn cái kia. Thế mới sinh ra thân phận lưỡng nan của cái anh trí thức. 

NTTKÔng có nghĩ rằng mình nổi tiếng?Với nàng thơ được định danh là nhà thơ cách tân cùng thời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc… và trong giới hàn lâm ông cũng là người có học vị học hàm danh giá được kính trọng.

NLK: Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình nổi tiếng. Xin nói lại tôi chắc chắn là tôi không nổi tiếng. Đúng là tôi xuất hiện cùng thời với các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc và có thể nói chúng tôi là một nhóm bạn của Hội thơ Thanh Xuân (Minh không tham gia Hội) cùng khởi đầu chung một chí hướng sáng tác. Chúng tôi là những người bạn thân không chỉ trong thơ mà cả ở ngoài đời. Nhưng các nhà thơ ấy rất nổi tiếng, tôi không thể sánh được. Sau khi in 3 tập thơ mỏng: Chùm mơ tiên cảm (1991), Mùa thiêng (1995), và Hoa linh (2000), tôi dần dần rời xa đời sống văn học. Mặc dù tôi vẫn viết, thậm chí là viết hơi nhiều. Tôi viết các tập trường ca, các tập thơ, các tập tùy văn và đặt tên từng tập, sửa chữa kỹ càng, đóng quyển cẩn thận, xếp lên bàn. Để đấy. Đến nay dày mỏng cũng đã được gần 20 quyển. Phải nói thật viết mà không in là hết sức khó khăn với người cầm bút. Vượt qua cám dỗ của sự nổi tiếng không phải là chuyện dễ dàng. Rất có thể bắt đầu từ năm nay tôi sẽ dần dà công bố các tác phẩm của mình.

Ông nói về sự nổi tiếng, tôi xin nói thật, nổi tiếng về cái gì hình như cũng tốt cả nhưng nổi tiếng về văn chương thì hãy liệu hồn. Chả hay ho gì đâu, nhiều khi là rước họa vào thân. Chả ai thích một người cầm bút nổi tiếng. Người ta ghét một anh viết văn mà nổi tiếng lắm. Nhất là khi anh công tác trong một cơ quan mà lại nổi tiếng. Chưa có người lãnh đạo nào chịu được nhân viên của mình lại nổi tiếng hơn mình. Chả có mấy cán bộ chịu đựng được đồng nghiệp của mình lại nổi tiếng hơn mình. Trong một cơ quan có một anh viết văn nổi tiếng thì ai cũng ghét. Ghét thậm tệ, ghét cay ghét đắng. Sơ hở ra là ăn đòn ngay.

Họ ghét một phần là do họ vốn ghét. Thế nhưng một phần lại do cái anh viết văn cứ tưởng mình là ông trời nên họ lại càng đáng ghét. Người thường ghét thì đã nguy lắm rồi, lãnh đạo mà ghét thì sinh mạng anh nhà văn cứ gọi ngàn cân treo sợi tóc. Tôi nói thật đấy. Ông cứ thử nhìn lại các nhà văn Việt Nam hiện đại nổi tiếng xem cuộc đời họ thế nào. Văn chương thì lừng lẫy nhưng cuộc đời bi hài kịch, đau thương lắm. Văn chương là cái thứ hoang đường, viết ra toàn cái thứ chưa từng có trên đời. Nó phù phiếm, nó là ma đưa lối quỷ dẫn đường ông ạ. Nó ám vào ai thì người ấy phải chịu thôi. Thế mà lại mang nó ra khoe khoang trước thiên hạ để mua danh thì nguy lắm.

Lịch sử văn chương Việt Nam, các nhà văn nổi tiếng nếu không chết trẻ thì cuộc đời đa phần đều khốn nạn cả. Từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Phạm Đình Hổ, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh, Thạch Lam, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính, rồi nhóm Nhân văn - giai phẩm, Trần Độ, Hoàng Hữu, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Bế Kiến Quốc, Trần Hòa Bình, Trần Quốc Thực, Phạm Tiến Duật,… nhiều lắm không sao kể xiết.

Chả nói đâu xa ông ạ, đấy ông xem khi 4 anh em chúng tôi cùng bắt đầu hăm hở đến với thơ thì lúc đầu ai cũng sống chết với thơ. Người ta gọi là tử về thơ. Sau đó chỉ còn lại ba người là các ông Thiều, Minh và Ngọc, còn tôi thì bỏ cuộc, trốn đi nơi khác. Về thơ cho đến nay cả 3 ông ấy đều rất nổi tiếng. Nhưng nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc thì bị tai nạn chết năm 43 tuổi (1958-2001); nhà thơ Dương Kiều Minh bị bạo bệnh mất năm 52 tuổi (1960-2012). Cả hai ông đều nổi tiếng nhưng đoản mệnh và khi chết đều rất khốn khó, nghèo khổ. Duy chỉ có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là vừa nổi tiếng lại vừa rất thành công mọi nhẽ - ông hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, kiêm Giám đốc Nhà Xuất bản Hội Nhà văn. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là một trường hợp đặc biệt. Ông thấy nổi tiếng về văn chương đã khiếp chưa. Văn chương chữ nghĩa nó độc lắm. Tôi đã đọc kỹ tiểu sử các nhà văn nổi tiếng thế giới và các nhà văn Việt Nam nổi tiếng và chợt nhận ra điều đó. Nghĩ mà sợ. Những bậc kỳ tài về văn chương không đoản mệnh thì cuộc đời cũng vô cùng khốn đốn.    

Dù sao thì mấy chục năm qua tôi cũng hoàn thành công việc mà mình lựa chọn. Đó là làm báo, nghiên cứu triết học và dạy học. Tôi được đào tạo căn bản về triết học và tôi khai triển cái sở học của mình trong nghiên cứu, trong báo chí và trong đào tạo. Đến bây giờ nhìn lại thì cũng chẳng có gì thành công cả, nhưng biết làm sao được, cũng phải chấp nhận thôi.

Cũng xin thưa với ông rằng, trong lĩnh vực báo chí, triết học, tôi không hề có một miligam nổi tiếng nào. Tôi không có đóng góp gì cả. Những gì tôi viết ra ở các lĩnh vực đó đa số đều chẳng có ý nghĩa gì. Tôi thấy mình giống như một anh thợ thủ công làm hàng mã sau khi cúng lễ người ta hóa vàng xong là xong chỉ còn lại tro than. Nhìn đống tro than mà cứ ngơ ngẩn thương tiếc mồ hôi công sức của mình. Vì không có gì nổi trội nên mọi chuyện của tôi đều làng nhàng, suôn sẻ, ổn thỏa. Nghĩa là vô danh nên ở đâu cũng yên lành.

NTTKGiữa triết học và thơ, đã bao giờ nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu và triết gia Nguyễn Linh Khiếu phải khó xử với bản thân và công luận chưa? Ông làm sao để dung hòa hai thân phận trong một thể xác nhỉ?

NLK: Tôi thì chưa thành nhà thơ và cũng chẳng bao giờ thành triết gia cả. Không phải tôi khiêm tốn mà cho đến nay tôi chưa làm cái gì đến nơi đến chốn. Cái gì cũng làm một tí. Thơ thì chưa ra thơ mà triết thì cũng không thành triết. Báo thì cũng chẳng ra báo mà giáo thì cũng không ra gì. Cứ dở giơi dở chuột như thế. Cái mà cả đời tâm huyết và dồn mọi năng lượng là thơ thì cũng chẳng có tên tuổi gì. Tôi biết trong các cuốn sách của tôi in ra thể nào cũng có cuốn bị người ta gây sự. Bị gây sự thì công việc sẽ đổ bể. Không công ăn việc làm thì cuộc đời sẽ lao đao. Chẳng hạn trường ca Phồn Sinh năm 2007 tôi đã mang bản thảo đến 7 nhà xuất bản rồi nhưng không nhà nào cấp giấy phép. Cuốn Beijing - Lá phong vàng năm 2014, tôi cũng mang bản thảo đến 3 nhà xuất bản rồi nhưng họ cũng không được cấp giấy phép. Họ đều nói thế này thế kia. Tôi cũng có ý e ngại khi mình in ra người ta lại thu hồi, cấm phát hành chẳng hạn. Vào hoàn cảnh đó ở xã hội ta chả biết rồi cuộc đời sẽ bị đưa đẩy thế nào. Nhưng đã cầm bút phải viết đúng những gì mình trăn trở. Không vì để được in, để có giải thưởng mà mà bẻ cong ngòi bút của mình.  

Nhân đây cũng xin nói thêm, do công việc tôi có dịp tiếp xúc với nhiều vị lãnh đạo, quản lý, các nhà chính trị, tôi biết họ bận trăm công ngàn việc quốc gia đại sự nên không có thời gian quan tâm đến nhà văn này, nhà văn kia, tác phẩm này, tác phẩm kia. Các cuốn sách bị cấm, bị thu hồi, bị vân vân… và rồi các nhà văn bị kỷ luật, bị treo bút… đa phần do giới cầm bút tự triệt hạ nhau, tự giết nhau. Do ghen ghét, đố kỵ, hẹp hòi, do thù oán, do muốn tâng công, lập thành tích mà lên bẩm báo, kích động, xúi bẩy các nhà quản lý, lãnh đạo để họ ký các lệnh này, lệnh kia. Chuyện những kẻ ác tâm, cơ hội, hạ đẳng trong giới cầm bút ai cũng biết, đều rất khinh bỉ nhưng tiếc rằng những kẻ đó trong giới cầm bút thời nào cũng có, thậm chí ngày nay lại có rất nhiều.

Đối với tôi gọi là nhà thơ phải là một tác giả thơ có khối lượng tác phẩm đủ nhiều và phải có một hệ thống tư tưởng nghệ thuật đặc sắc khác biệt. Đã là nhà thơ nghĩa là phải có một đóng góp nào đó thực sự mới, chưa từng có về mặt nghệ thuật, chữ nghĩa hoặc tư tưởng nghệ thuật. Chẳng hạn như sáng tạo ra một tưtưởng, một hình ảnh, một chữ hoàn toàn mới, chưa từng có. Một đôi tập thơ mỏng cóp nhặt, gom góp mấy bài thơ lẻ chữ nghĩa nhếch nhác, ngô ngọng, thi ảnh sáo mòn, mốc meo mà cũng gọi là nhà thơ sao.

Còn triết gia, xin nói thậttheo cái sự hiểu biết của tôi thì so với các triết gia trên thế giới, ở Việt Nam từ xưa đến nay tôi chưa thấy ai là triết gia cả. Có người nói Việt Nam không có truyền thống triết học, điều này rất đáng lưu tâm, không phải họ nói không có căn cứ đâu. Đã là triết gia phải vượt thoát khỏi thời đại của mình, vượt thoát khỏi hoàn cảnh mình đang sống. Nếu không thì sẽ gặp họa. Những suy tư triết học bao giờ cũng hết sức nguy hiểm bởi nó hoàn toàn tự do. Không có tự do suy tư sẽ không có triết học. Nhưng suy tư tự do lại mất mạng như chơi. Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam có hai nhân vật rất giầu chất triết gia - đó là Nguyễn Trãi và Trần Đức Thảo. Một người thì bị tru di tam tộc, còn một người thì như ông biết đấy, đúng là “sự khốn cùng của triết học”.

Câu hỏi của ông làm tôi nhớ lại chuyện xưa mà xấu hổ quá. Xin kể thực tình thế này, khi còn học phổ thông tôi rất thích làm thơ vì vậy sắp tốt nghiệp phổ thông (1977) tôi nộp hồ sơ thi vào khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngày đó trẻ con, ở quê có biết gì đâu, cứ nghĩ học Văn Tổng hợp ra sẽ nghiễm nhiên trở thành nhà thơ. Năm đó, tôi trượt đại học bởi môn Văn của mình chỉ được 1 điểm, dù 2 môn sử, địa điểm cũng khá cao. Năm sau, đang học cao đẳng sư phạm khi được nhà trường cho phép cùng một số sinh viên  thi đại học, tôi vẫn nộp đơn thi vào khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm đó tôi đỗ đại học nhưng vì môn Văn vẫn chỉ được 1 điểm nên không được học khoa Văn mà bị trường chuyển sang khoa Triết. Nhục quá ông ạ, học văn cũng khá, lại có thơ in khi học phổ thông thế mà 2 lần thi vào khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội môn văn đều chỉ được 1 điểm. Đến tận bây giờ tôi cũng chả được đào tạo bài bản gì về văn chương. Khi đó tôi chẳng biết triết học là gì. Không có lựa chọn nào nữa. Không lẽ lại thi vào khoa Văn lần thứ 3, mà chắc gì đã được hơn 1 điểm.

Sau khi học xong triết học ra trường về Viện Triết học nghiên cứu triết học một thời gian rồi tôi chuyển sang làm báo. Thực tình làm báo là do mình chọn. Nhưng cái chọn của mỗi người nhiều khi lại do những lý do bất khả kháng chả liên quan gì đến chuyên môn đào tạo và đam mê cả. Ông thấy đấy, trong khi làm báo, tôi vẫn nghiên cứu triết học và làm thơ. Rõ ràng là rất phân thân và bi hài kịch. Tôi được đào tạo một nghề (triết học), lại đi làm một nghề khác (báo chí), và lại đam mê một cái khác (thơ). Ông thấy đấy tôi luôn xoay xở trong trạng thái bi hài như thế nào. Nhiều khi tôi cứ bật cười thấy mình chả khác gì một gã buôn thúng bán mẹt. Ấy là lúc nào hai tay cũng bê một mẹt hàng xén trên đó không chỉ có triết học, báo chí, thơ ca mà còn tạp phí lú mấy thứ lăng nhăng, lặt vặt nữa.

Mỗi con người phải thực hiện cái vai của mình trong đời sống và không phải ai cũng từ bỏ được đam mê của mình. Ai không bỏ được đam mê cá nhân thì luôn sống bất ổn như bị trời đày. Đến bây giờ thì tôi phải thú nhận tôi không từ bỏ được thơ. Triết học và báo chí chắc là cũng góp phần trợ giúp thơ tôi ít nhiều. Đó chí ít là giúp tôi không chết đói và có thể chúng góp một phần nào đó làm cho thơ tôi có một chút khác biệt nào đó với thơ của các nhà thơ đồng thời.

NTTKĐịa chỉ công việc của ông ở Tạp Chí Cộng Sản. Tôi hình dung và không ít người hình dung đó là những công việc vô cùng nghiêm túc và khắc khổ. Nếu không có gì bất nhã thì ông có thể kể một ví dụ về công việc hàng ngày của mình…?

NLK: Mọi người đã đúng khi hình dung công việc của những người làm ở Tạp chí Cộng sản là “vô cùng nghiêm túc và khắc khổ”. Tạp chí Cộng sản là cơ quan lý luận và chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Các bài báo hầu như là sản phẩm của sự đan xen giữa lý luận, chính trị, khoa học và tuyên truyền. Do tính chất đặc thù của tờ tạp chí nên đòi hỏi các nhà báo phải đề cao các phẩm chất chính trị, lý luận và tuyên truyền khá riêng biệt.

 Tôi được giao phụ trách ấn phẩm Tapchicongsan.org.vn với 4 trang: tiếng Việt, Anh, Trung và Lào. Riêng trang tiếng Việt lượng truy cập khoảng từ 180 đến 220 ngàn lượt/ngày (đây là trang tạp chí lý luận có số lượng người truy cập đông nhất Việt Nam, trong đó có 30% số người truy cập từ nước ngoài), các trang tiếng nước ngoài lượng truy cập ít hơn. Ngày nào chúng tôi cũng cấp nhật từ 25 đến 35 tin, bài. Tin chủ yếu là tin chính trị tổng hợp. Bài là những bài nghiên cứu lý luận hay bài tổng kết thực tiễn. Tòa soạn chỉ có 6 người, khối lượng công việc lại quá lớn mà lại nhậy cảm. Tôi là người đọc duyệt lần cuối tin, bài và trực tiếp phát lên mạng, vì vậy, ngày nào cũng đến 12 giờ đêm tôi mới cập nhật xong tin, bài.

Là cán bộ quản lý đơn vị trong giờ làm việc nếu không phải họp hành thì tôi đọc duyệt tin, bài các của cộng tác viên gửi về sau khi các biên tập viên đã biên tập. Cũng có thể tôi tham gia đào tạo sau đại học ở các Học viện và các trường đại học. Hiện tôi là giáo viên thỉnh giảng và tham gia đào tạo tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Báo chí và tuyên truyền và một số viện nghiên cứu, trường đại học khác. Ngoài ra, nhiều năm qua tôi còn tham gia chủ trì các đề tài khoa học cấp bộ, cấp nhà nước. Công việc này ngốn của tôi rất nhiều thời gian, trí tuệ và sức lực. Dĩ nhiên, khi chủ nhiệm thực hiện các đề tài khoa học bên cạnh công tác quản lý điều hành thì số trang khoa học tôi viết hàng năm cũng khá nhiều.

Do ôm đồm nhiều việc nên lịch làm việc của tôi thường được bố trí từ trước 1 đến 2 tuần. Công việc của tôi là khá bận nhưng đến giờ cơ bản tôi vẫn quản trị được. Bằng chứng là mỗi năm tôi vẫn tranh thủ viết được 1 tác phẩm văn chương.

NTTKÔng đã viết những bài  có tính tổng kết “giữa lý luận và thực tiễn” từng bị dư luận “chiều âm” cho là “gai góc”. Nhưng dư luận “chiều dương” thì bảo ông đã “dấn thân bằng tất cả tâm thành”với thế chế, với dân tộc và đất nước. Ông có thể dẫn thêm về điều này được chứ?

NLK: Không chỉ trong thơ mà cả trong báo chí, lý luận đôi khi các bài viết của tôi khi xuất hiện thường có nhiều ý kiến trái chiều. Có bài những người chính thống đồng tình thì những người phi chính thống lại phản đối. Có bài những người phi chính thống tán đồng thì những người chính thống lại không bằng lòng. Tôi cũng có một số bài viết đã in trên Tạp chí Cộng sản rồi lại có lệnh “gỡ bài”. Những bài này được những trang BBC, CNN, RFA, Vietj-studies… có những bình luận nào đó. Người cầm bút làm sao có thể làm tất cả mọi người đều bằng lòng được. Tác phẩm ra đời thì người yêu, kẻ ghét, người đồng tình, người phản đối cũng là chuyện thường tình. Trước sự phân hóa người đọc như thế đôi khi cũng buồn. Nhưng lại nghĩ những gì viết ra mà chả ai thèm đọc có khi lại buồn hơn.

Trong những tình huống này bao giờ tôi cũng im lặng. Kể cả những trường hợp rất ồn ào trên báo chí và các trang mạng không chỉ trong nước mà cả ngoài nước. Có khi họ xa xôi, cạnh khóe, nhưng đa số họ nêu đích danh tên tôi nhưng tôi chưa bao giờ nói lại một câu nào. Khi người ta phê phán mình, chửi bới mình, thách thức mình mà mình không nói gì cũng thú vị lắm ông ạ. Ngay cả những trường hợp ai cũng nghĩ phen này tôi nguy to đến nơi rồi… nhưng tôi vẫn im lặng và lắng nghe. Và tôi thấy, rất nhiều người trong số những người phê phán tôi kiến văn rất sơ sài, suy nghĩ rất nông cạn, tâm tính rất hẹp hòi, thái độ ghen ghét đố kỵ, đạo đức rất tầm thường, phẩm chất rất hạ đẳng. Những kẻ như thế thì mình có đáng để tâm không?.

Và, mọi thứ cho đến nay cũng chả sao cả. Tôi biết tôi là ai, tôi đang làm gì, đang làm việc ở đâu, đang làm việc vì cái gì, đang phụng sự ai. Đối với nhà văn, đừng ảo tưởng với những gì được tung hô, đừng bi quan với những gì chưa được chấp nhận, bị phê phân, thậm chí bị cấm đoán. Tác phẩm văn học có đời sống riêng của nó, có số phận riêng của nó. Vì vậy, tôi luôn lắng nghe mọi ý kiến, mọi dự luận và vẫn tiếp tục kiên trì thực hiện tâm nguyện của mình. Điều ấy chắc là theo cách nói của ông là luôn luôn “dấn thân bằng tất cả tâm thành” với thế chế, với dân tộc và đất nước.

NTTKDường như Thái Bình, quê hương ông luôn có những “sự kiện xã hội” hoặc “nhân vật”được lịch sử trao cho xứ mệnh “báo sáng” cho dân tộc ở những thời điểm khác nhau, cho đất nước vượt thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Là hậu duệ của Nguyễn Công Trứ - ông có đồng tình nhận định “bốc đồng” của tôi?

NLK: Thái Bình quê tôi là một mảnh đất có truyền thống lịch sử văn hóa rất đáng tự hào. Tôi tin rằng không ít người hơn một lần mơ được sinh ra trên mảnh đất Thái Bình. Đó là nơi cửa sông Hồng, là mảnh đất tách rời với toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ. Nơi bồi tụ phù sa màu mỡ nhất của châu thổ sông Hồng.

Thái Bình không chỉ là vùng đất trẻ, mà con người ở đây đa số đều là những tinh hoa của các gia đình, các dòng họ dám dứt áo rời bỏ quê cha đất tổ phiêu lưu dấn thân ngăn sông lấn biển xây dựng quê hương mới. Ngay từ nhỏ tôi đã tận mặt chứng kiến cha ông mình vật lộn với bão gió quai đê lấn biển, ngăn sông chặn lũ như thế nào để mở đất, lập làng.

Những người đối diện với biển cả, với thiên nhiên khắc nghiệt không thể là những người thường. Họ phải là người có chí lớn, giầu nghị lực và dồi dào năng lượng. Phải là người hơn người thì mới có thể tồn tại ở nơi đầu sóng ngọn gió được. Điều ấy chắc là được kết tinh trong phẩm giá và tính cách của người Thái Bình. Và có thể họ như chính là như ông và mọi người đã nhận thấy.

Quan Dinh điền Nguyễn Công Trứ là người đã lập ra toàn bộ vùng đất quê tôi. Không chỉ là Tiền Hải mà là toàn bộ vùng đất mới lập của Thái Bình trong gần 200 năm qua đều do cụ đưa lưu dân đến quai đê lấn biển lập đất. Trong những lưu dân theo cụ tụ tập về đây không ít người là tinh hoa, mẫu mực, chí lớn, phi thường; không ít người là quan thất sủng, trí thức bất mãn, nhân tài bất đắc trí; không ít người là hàm oan, tù tội, phát vãng; không ít người là lưu manh, giang hồ, trộm cắp, du thủ du thực; Nói tóm là đủ mọi loại người... và dĩ nhiên, không ít người là con cháu của cụ. Chính sự đa nguồn gốc ấy tạo nên phẩm chất và tính cách của người Thái Bình.  Hay dở thế nào tôi không dám luận bàn cha ông tổ tiên của mình nhưng có một sự thực là vào những thời điểm bước ngoặt của lịch sử dân tộc bao giờ cũng xuất hiện hình bóng người Thái Bình ở đó. Dấu ấn của con dân Thái Bình trong những bước ngoặt, trong những sự kiện lịch sử dân tộc như thế nào thì ai cũng biết tôi không cần nói lại làm gì.

Ngôi nhà mẹ tôi đang ở ở quê là ngôi nhà tổ tiên tôi truyền lại liền tường với khuôn viên ngôi đền thờ Quan Dinh điền Nguyễn Công Trứ. Từ nhỏ chúng tôi chơi đùa ở đó và bây giờ mỗi khi về thăm quê chúng tôi đều sang đó thắp hương kính cụ. Ở quê tôi ai ai cũng nghĩ mình là con cháu của Quan Dinh điền cả.

NTTK: Cách đây 68 năm nhà thơ “siêu thực”Đoàn Phú Thứ đã cảm khái khi dự tiệc cưới của đại tá quân nhu Trần Dụ Châu:“Bữa tiệc cưới của chúng ta sắp chén đẫy hôm nay,/Được dọn bằng xương máu của các chiến sĩ”. Ông có một liên tưởng nào về sự dấn thân của các nhà thơ sáng tác theo phương pháp “hiện thực xã hội chủ nghĩa”và giới trí thức hôm nay trong công cuộc chống tham nhũng không ?

NLK: Tôi không phải người làm thơ theo phương pháp “hiện thực xã hội chủ nghĩa” nên cũng xin không lạm bàn về thơ ca chống tham nhũng hiện nay. Có một sự thực là những bài thơ trực diện như kiểu thơ của nhà thơ Đoàn Phú Tứ là một truyền thống rất nhiều thành tựu của của thơ Việt Nam hiện đại. Hình như những gì được xem là thành tựu của thơ Việt Nam hiện đại chủ yếu là thơ chính trị cổ vũ, tuyên truyền, diễn ca. Thơ ấy bao giờ cũng ở tâm điểm sự kiện, ở điểm nóng của xã hội nên nó luôn lôi cuốn mọi người tạo thành phong trào quần chúng rất mạnh mẽ. Chỉ với một bài thơ ứng khẩu tức thì họ đã thành nhà thơ nổi tiếng trong sự phản kháng xã hội hay chống tham nhũng. Đó là một sự dấn thân rất đáng trân trọng. Nhưng chỉ là một lựa chọn dấn thân.

Thực ra thơ Việt Nam từ 1945 đến nay chỉ có 2 nhà thơ là Tố Hữu và Bút Tre. Đây là hai chủ soái của thơ Việt Nam. Họ chia làng thơ ra thành 2 nhánh rất đông đảo. Hai người là chủ nhân ông còn lại toàn là nô tỳ của họ. Các nhà thơ Việt Nam mấy chục năm qua hoặc là viết y như Tố Hữu, hoặc là viết y như Bút Tre. Cả hai loại thơ này đều làm công tác tuyên truyền rất hữu hiệu. Vì vậy thành tựu lớn nhất của thơ Việt Nam mấy chục năm qua là thơ tuyên truyền, cổ vũ chính trị, ngợi ca lãnh tụ. Nhưng xem ra thơ Bút Tre vui hơn và có sức sống mạnh mẽ hơn. Cũng có một vài gương mặt thơ thoát ra khỏi hai trường phái thơ này nhưng không đáng kể. Sài gòn trước 1975, có vài người, cả nước sau 1986 cũng có vài người. Mong rằng bên cạnh thơ Bút Tre và Thơ Tố Hữu thơ Việt Nam sẽ có những gương mặt mới.

Nhiều trí thức chưa có uy tín hoặc đã có uy tín cũng chọn con đường dấn thân theo “phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa” như ông nói ấy trong phản biện xã hội và chống tham nhũng. Chỉ cần vài phát ngôn, một hai bài viết, xuất hiện ở một vài sự kiện “nóng” đã trở thành người nổi tiếng, người đi đầu, người tiên phong rồi. Đó cũng là một cách dấn thân chống tham nhũng.

Tuy nhiên tôi xin nói thế này tham nhũng là một hiện tượng phổ biến của mọi xã hội, mọi thời đại từ xưa đến nay. Ở đâu có nhà nước, ở đâu có quyền lực thì ở đó có tham nhũng. Tham nhũng là bản tính của con người chưa trưởng thành, con người man rợ. Khi có quyền lực thì bản tính ấy trỗi dậy và phát huy. Quyền lực nếu không được kiểm soát thì tham nhũng trở thành phổ biến và trầm trọng. Quyền lực tập trung vào một nhóm người thì tham nhũng đạt đến cao độ, cực điểm.

Vì vậy, chống tham nhũng chưa bao giờ là một câu chuyện đơn giản, mà phải nói rằng đó là câu chuyện hết sức gay go và nguy hiểm. Đó là cuộc chiến sinh tử. Lẽ thường tình là mình chống họ thì họ cũng chống mình. Do đó để cuộc chiến chống tham nhũng thực sự thành công phải rất cẩn trọng, bài bản và quyết liệt. Phải tiến hành một cách căn cơ cả lý luận và thực tiễn theo đúng kịch bản và lộ trình. Phải có sự tham gia của cả thống chính trị, của toàn dân. Phải xây dựng được một “phong trào xã hội” kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Theo tôi mỗi người cần tích cực tham gia tạo dựng và đồng hành cùng phong trào quần chúng sâu rộng đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì cuộc chiến này mới đạt được kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, ở mọi thời điểm mọi dấn thân trong cuộc chiến chống tham nhũng đều thể hiện trách nhiệm công dân của mỗi người đều rất đáng trận trọng.

NTTKTrong thơ hay văn xuôi ông tôn sùng, cổ súy triết lý “phồn sinh” bằng kỹ thuật tu từ và “sử” các dấu thanh dấu biểu cảm. Phải chăng nền tảng triết học cũng đóng góp một phần của những biểu hiện kia?

NLK: Nói rằng tôi tôn sùng, cổ suy triết lý “phồn sinh” thì to tát quá, chỉ đơn giản thế này thôi, theo cảm nhận của tôi phồn sinh là tinh thần gốc của châu thổ sông Hồng. Khi viết về châu thổ sông Hồng muôn đời tốt tươi màu mỡ với dòng chảy cuồn cuộn của sông Hồng trĩu nặng sa hồng cùng lớp lớp trầm tích văn hóa thì cần phải có một hình thái thi ca phù hợp mới chuyển tải được tinh thần và các thông điệp. Vì vậy, những vấn đề mà ông nói về “kỹ thuật tu từ và sử các dấu thanh biểu cảm” trong các tác phẩm của tôi một mặt là do cái vô thức bản năng gốc của châu thổ sông Hồng qui định, mặt khác là do chủ ý của người sáng tác. Triết học dĩ nhiên có vai trò không nhỏ trong những tìm tòi và khám phá của tôi. Không có nền tảng triết học thì mình không thể cắt nghĩa được các huyền thoại, các cổ mẫu, các biểu tượng văn hóa của châu thổ sông Hồng. Những thiên tình sử của châu thổ sông Hồng không đơn thuần chỉ là chuyện trai gái mà còn mang nhiều thông điệp về bản chất tộc người, bản sắc văn hóa bản địa và những động lực ẩn chứa sâu sa tạo nên năng lượng trường tồn của dân tộc.  

NTTK“Phồn sinh” tự nó quá hàm ngôn, theo thiển ý chẳng riêng tôi, chắc cũng nhiều bạn đọc cũng muốn ông chú diễn sâu hơn “phồn sinh” liên quan thế nào đến “tình yêu sinh học” và “tinh yêu tinh thần”hoặc tình yêu với dân tộc và đất nước? Khi yêu một ai đó, hẳn ông làm thơ để tỏ bày…

NLK: Đối với thơ tôi, cái chữ “phồn sinh” xuất hiện lần đầu tiên trong bài thơ Phù sa sông Hồng, in báo Văn nghệ năm 1995. Lúc ấy nó chỉ có nghĩa thể hiện sự sinh sôi nảy nở của châu thổ sông Hồng. Năm 2002, nhóm 5  nhà thơ bên sông Hồng (Đoàn Hữu Nam, Đinh Công Thủy, Ngô Kim Đỉnh, Nguyễn Thành Tuấn và Nguyễn Linh Khiếu) chủ trương in một tuyển tập thơ chung Dọc sông Hồng. Mỗi nhà thơ có tên tập riêng của mình trong tuyển tập chung này. Tập thơ của tôi tên là Phồn Sinh. Đây là tập thơ tuyển chọn thơ của mỗi người nên khi phát hành đã gây tiếng vang nhất định. Năm 2002, khi tôi viết trường ca Khuôn mặt Islam ở Malaysia với bối cảnh Malaysia - Islam nhưng trong quá trình viết, sông Hồng đã xuất hiện và đã kéo tuột cái trường ca ấy về bối cảnh của châu thổ sông Hồng phồn thực. Từ một bản tình ca ngọt ngào lãng mãn nó đã biến thành một bản trường ca tụng ca sự thiêng liêng của thánh địa sinh sôi nảy nở - nghĩa là thánh địa của phồn sinh.

Về hai chữ “phồn sinh”, là một người nghiên cứu triết học tôi thừa biết ngôn ngữ được hình thành là một quá trình. Một chữ xuất hiện không phải từ trên trời rơi xuống mà bao giờ cũng là sự kế thừa và sự kết hợp nào đó. Do là công cụ giao tiếp của con người nên ngôn ngữ bao giờ cũng có sự giao thoa và vay mượn. Hai chữ “Phồn sinh” được hình thành bởi sự ghép lại của hai từ “phồn” và “sinh” trong tiếng Hán. Cái sự ghép này dĩ nhiên nó đã có từ bao đời rồi. Phồn sinh là đông đúc, sinh sôi, náo nhiệt và phồn thực.

Nghĩa là hai chữ “phồn sinh” mà tôi tìm ra nó khi viết bài thơ Phù sa sông Hồng thì nó đã có từ lâu rồi. Tôi chỉ là người tìm ra nó chứ không phải sáng tạo ra nó, sinh sản, phát minh ra nó. Tìm ra nghĩa là đã có rồi, đã tồn tại rồi nhưng không hiểu vì một lý do nào đó mà bị che mờ, khuất nẻo và ít được dùng trong ngôn ngữ đời sống và trong văn bản văng chương. Tìm ra và sử dụng lại nó thì nó làm sao có thể là của riêng mình được. Tuy nhiên vẫn với vỏ âm thanh ấy khi sử dụng trong thơ của tôi “phồn sinh” có thể sẽ có thêm những nghĩa mới. Ông cứ hình dung, tôi tìm ra từ phồn sinh cũng giống như khi ra vườn cuốc đất trồng rau tôi lại nhặt được một cục vàng. Cục vàng ấy, dĩ nhiên, nó nằm ở đó lâu rồi và tôi chỉ ngẫu nhiên tìm ra nó mà thôi. Tôi tìm ra cục vàng ấy hoàn toàn không thể đồng nhất với việc tìm ra vàng (Au - L.aurum) với tư cách là một kim loại quý đã được nhân loại sử dụng từ lâu rồi và dĩ nhiên cũng không có nghĩa tôi sáng tạo hay phát minh ra vàng. Đây là vấn đề của tư duy, nếu tư duy “có vấn đề” thì gặp trường hợp này sẽ lúng túng.

Không nói thì ai cũng biết, châu thổ sông Hồng là cái “rốn” của văn hóa Việt. Trầm tích văn hóa không chỉ của rất nhiều lớp tầng chồng lấn mà đó chính là giao điểm của giao thoa văn hóa. Cái tên xứ Indochina (trong khu biệt riêng của vùng châu thổ) đã phần nào nói lên cái vị trí địa văn hóa kỳ lạ của châu thổ sông Hồng.

Nhưng đó là về văn hóa, còn với tư cách là người sáng tác tôi xin nói thế này, khi anh cầm bút thì toàn bộ vốn liếng của anh cả về văn hóa, tri thức, cảm xúc và vô thức đều hội tụ về ngòi bút. Thật vậy, đối với một cậu bé sinh ra và lớn lên ở cửa sông Hồng thì những ấn tượng lũ sông Hồng, bão biển và đời sống đồng quê, thôn dã, mùa màng, gặt hái nơi miền nước đỏ cửa biển là một vốn liếng mạnh vô cùng quý báu đối với người cầm bút.

Suốt từ sáng đến tối cậu ta chứng kiến cây cối đâm chồi nảy lộc, nở hoa kết trái. Suốt ngày này tháng khác cậu ta chiêm ngưỡng cào cào châu chấu, chuồn chuồn, bọ xít giao hoan với nhau. Suốt năm suốt tháng cậu ta ngắm nghía những chú trâu đực cưỡi lên lưng chú trâu cái, gà đực ngồi chồm hỗm trên lưng gà cái, nhìn lợn đực được dắt đi nhảy cái khắp làng. Thâu đêm suốt sáng cậu ta lắng nghe tiếng quẫy đạp hân hoan của bầy cóc bầy ếch ộp oạp thủy giao, bầy cá chép tưng bừng vật đẻ…

Từ đó cậu ta nhận thấy hóa ra châu thổ sông Hồng quanh năm muôn loài cứ nhảy tưng tưng, muôn loài cứ gọi nhau ời ợi, muôn loài cứ sặc sỡ. Tóm lại, nhịp điệu của châu thổ sông Hồng là tưng tưng, âm thanh của châu thổ sông Hồng là ời ợi, và sắc màu của châu thổ sông Hồng là sặc sỡ. Với những thông điệp như thế, ai cũng hiểu châu thổ sông Hồng quanh năm lúc nào cũng là mùa động dục, mùa sinh sôi nảy nở, mùa nở hoa kết trái, mùa ân ái, mùa phồn sinh.

Rồi đến một ngay đi học cậu ta được nghe câu chuyện về Tiên Dung và Chử Đồng tử, Sơn Tinh và Mỵ Nương, Khâu Đà la và Man Nương… cậu ta chả thấy tình yêu đâu cả chỉ thầy nhục dục và sinh con đẻ cái. Rõ ra là trong bối cảnh tự nhiên của châu thổ sông Hồng thì cái văn hóa được kiến tạo nên từ cái nôi ấy cũng thấm đẫm nhịp điệu tưng tưng, âm thanh ời ợi và sắc màu sặc sỡ sinh sôi. Khi nàng Tiên Dung gặp chàng Chử Đồng tử trần truồng hiện ra trên bãi cát sông Hồng thì nàng ta quên béng thân phận công chúa cao quý của mình. Vào lúc ấy không biết nàng nghĩ gì chỉ biết là nàng đã bỏ luôn vua cha, hoàng tộc, triều đình, bỏ luôn lầu son gác tía, bỏ tất cả lễ giáo, bỏ tất tần tật để theo chàng Chử bần hàn không một tấm khố che thân. Thử hỏi nếu chàng Chử Đồng tử ăn diện sang chảnh, đi đứng khoan thai, ăn nói hào hoa phong nhã, hành xử lễ nghi thì liệu có mon men đến gần được công chúa không? Thử hỏi nếu chàng Chử đầy đủ quần áo thì có làm nàng công chúa Tiên Dung xúc động đến mức hành xử quyết liệt như thế không? Ông thấy chưa cái bản năng gốc phồn sinh của châu thổ sông Hồng khủng khiếp chưa?

Ông thử nghĩ xem nếu Man Nương không có thai với sư Đà La thì cái Phật giáo du nhập từ Tây Trúc xa lắc xa lơ ấy liệu có căn cốt nền tảng để phát triển rực rỡ cùng văn hóa dân tộc ta suốt mấy ngàn năm qua không. Ông thử nghĩ xem nếu Trương Chi và Mị Nương không chỉ yêu đương, tương tư thuần túy tinh thần mà lại có một cơ hội nào đó chàng và nàng gặp gỡ và ăn nằm với nhau, sinh con đẻ cái thì câu chuyện tình của họ có kết thúc một cách đau thương đến thế không. Có phải chỉ vì tình yêu mà cuộc đời họ đã kết thúc trong tuyệt vọng không. Rồi chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy… nếu chỉ tình yêu thuần túy bao giờ cũng dẫn đến bị kịch.

Như vậy, ở đây rõ ràng là chỉ có “tình yêu sinh học” thôi tìm đâu ra “tình yêu tinh thần” được nhỉ. Ta thấy thông điệp từ những câu chuyện tình đặc sắc của văn hóa sông Hồng rất rõ ràng rằng, tình yêu có thể rất tuyệt vời nhưng tình dục mới là cái bản thể của vùng đất này. Nghĩa là đối với vùng đất này so với tình yêu, tình dục lại tuyệt vời hơn. Có thể ông tin có một thứ tình yêu “tình yêu tinh thần” tồn tại trên cõi đời này, rất tiếc là tôi nghi là trong rất nhiều trường hợp cái cảm xúc xa hoa ấy chỉ là thoang chốt, nhất thời.

Hai chữ “phồn sinh” là thể hiện tinh thần như tôi nêu trên. Tuy nhiên, trong các tác phẩm của tôi, nhất là ở hai tập trường ca “Phồn sinh”, “Hoa linh thảo” và các tập tùy văn “Hoa khởi trinh”, “Miền nước đỏ”, “Sa bồi”, “Miên hương”… phồn sinh được đẩy lên như một chủ thuyết, một thứ tín ngưỡng, một xác tín của người viết, và người viết cho mình cái quyền được rao giảng, phán truyền đôi điều về xứ sở Phồn Sinh.

NTTKĐọc ông, người ta phấp phỏng cảm giác rằng ông chuẩn bị bùng nổ một thứ gì đó khác thường nhưng rồi đành ẩn ức với những gì đã có. Một tình thế lưỡng nan, bạn đọc phải chấp nhận. Tại sao viết nhiều nhưng ông hạn chế xuất bản nhỉ?Hà cớ làm sao. Hay ông đang lưỡng nan?

NLK: Từ năm 2000 đến nay tôi không công bố thêm tác phẩm văn học nào nữa. Ngay cả in thơ trên các tờ báo văn nghệ cũng rất hy hữu. Đôi khi tôi chỉ công bố một vài bài thơ ngắn trên một số trang mạng hải ngoại hay các trạng mạng phi chính thức trong nước, mặc dù tôi vẫn viết khá đều và khá nhiều.

Nhiều bạn viết, nhất là các bậc đàn anh mỗi lần gặp tôi thường hỏi tôi rằng tại sao đang viết lại dừng in. Đối với nhà văn viết tác phẩm là quan trọng nhất nhưng công bố tác phẩm cũng vô cùng quan trọng. Tôi cũng hiểu điều này, nhưng ngoài mọi lý do, thì lý do quan trọng nhất là tôi chủ động không in. Không in là lựa chọn của tôi. Có thể vì tôi không muốnbị dự luận làm phân tánquá trình sáng tác của mình. Có thể vì sợ bị ai đó qui chụp. Có thể là tôi sợ một cái gì đó rất khủng khiếp nhưng lại mơ hồ. Có thể đúng là tôi đã rơi vào thế lưỡng nan. Nhưng tôi đã cân nhắc kỹ về các điều này và tôi quyết định không in. Có thể tôi đã sai lầm khi quyết định không tiếp tục in thơ thời gian qua.

Viết rồi mà không in không phải là chuyện dễ. Đó cũng là một gánh nặng đối với người cầm bút. Khi một tác phẩm văn học chưa được in nghĩa là tác phẩm ấy chưa hoàn thành. Ông thấy không tôi một lúc có đến gần 20 tác phẩm chưa hoàn thành xếp ngay ngắn ở trên bàn làm việc của mình. Mỗi khi ngồi vào bàn lại đối diện với chúng. Đôi khi có cảm giác chúng nhất tề nhìn chằm chằm vào mặt mình như muốn nấc lên: Tại sao. Nhiều lúc cứ nghĩ đó là một lũ con gái già của mình chưa đi lấy chồng cứ ở mãi với bố mẹ. Chúng cấu chí nhau vừa cam chịu vừa oán trách các bậc sinh thành. Thật lòng mà nói viết mà không in cũng nhiều áp lực lắm.

Nhưng, dù với lý do nào thì mọi chuyện đã qua và bắt đầu từ năm nay tôi sẽ lần lượt in. Rất mong các nhà văn ủng hộ, mong rằng bạn đọc son sắt vẫn chưa quên cái tên tôi và tìm những bài thơ mới, những bản trường ca mới thấm đẫm tinh thần phồn sinh châu thổ sông Hồng của tôi.

NTTKCó những nhà thơ thuộc thế hệ ông, không hề đặt vấn đề canh tân thơ mà để thơ tuân theo qui luật cảm xúc, nhưng vẫn có thơ hay và thu hút bạn đọc từ tri thức đến sinh viên và cả nông dân. Ông là nhà thơ canh tân nhưng bạn đọc ít khi thuộc thơ ông, ông có thấy đó là một vấn đề?

NLK: Tôi hoàn toàn nhất trí với ông và luôn coi đó là chuyện bình thường của thơ ca. Chúng ta không nên so sánh bạn đọc của Bút Tre và Chế Lan Viênđể buồn phiền. Tất cả mọi người đều ít nhất thuộc 1 câu thơ của Bút Tre, nhưng có mấy người thuộc được 1 câu thơ của Chế. Cách tân hay không cách tân thơ hình như nó không liên quan gì đến bạn đọc, nhất là đông đảo bạn đọc. Tôi biết phân khúc bạn đọc của mình ở đâu trong chuỗi bạn đọc thơ hôm nay. Ngay cả khi rất ít bạn đọc tôi cũng không thay đổi cách viết của mình. Sự thành công hay thất bại của tôi trong hành trình thơ mình không phụ thuộc vào bạn đọc, không phụ thuộc vào các nhà phê bình và không phụ thuộc vào ai cả. Tôi biết bạn đọc của tôi là ai và tôi tin họ luôn luôn tin cậy tôi. Dù đã gần 20 năm không in tập thơ nào nhưng tôi rất tin những người yêu thơ tôi sẽ rất vui khi tôi xuất hiện trở lại. Không biết tôi nghĩ thế có đúng không?

NTTK: Sống ở Hà Nội, nhưng dấu vết “văn hóa” Thái Bình trong con người ông dung hòa ra sao với văn hóa “Thăng Long” để làm nên “một Nguyễn Linh Khiếu đương đại? Phẩm tính nào của người Thái Bình là đặc sắc, nổi trội nhất? Nếu được chọn, thì ông làm nhà thơ hay nhà khoa học? Ông là người Thái Bình ở Hà Nội hay người Hà Nội gốc Thái Bình?

NLK: Quê tôi ở Thái Bình, tôi là người sinh ra ở Thái Bình và dù chỉ sống ở Thái Bình 18 năm nhưng tôi là một người Thái Bình với đầy đủ ý nghĩa của từ này. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người Hà Nội và không bao giờ mong muốn mình trở thành người Hà Nội.Làm người phải nhớ gốc rễ, quê hương bản quán của mình.

Những gì gọi là văn hóa “Thăng Long” không có một chút mảy may lưu dấu vết nào trong tính cách và tác phẩm của tôi. Rất tiếc là thời kỳ tôi sinh sống ở Hà Nội hình như “văn hóa Thăng Long” mà mọi người hằng tôn vinh và ngưỡng vọng đang thoái trào, giải cấu trúc, tan rã. Những giá trị hào hoa, đài các, quý phái, thanh lịch của người Hà Nội phôi pha phai mờ; những phản giá trị thị dân, kẻ chợ, thị trường, lưu manh trỗi dậy trở thành chuẩn mực. Thật là buồn trong thời kỳ chuyển đổi từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại, Hà Nội rơi vào tình thế ấy. Tôi hy vọng đến một lúc nào đó, những gì là giá trị đích thực của người Hà Nội sẽ lấy lại vị thế giá trị của mình.

Người Thái Bình như tôi đã nói ở trên. Đó là những con người có rất nhiều phẩm chất tốt đẹp. Nhưng có một phẩm chất là trung thực khá tiêu biểu cho người Thái Bình. Trung thực đến cá biệt là phẩm chất của tổ tiên tôi mà chúng tôi dù ở đâu cũng phải gìn giữ.

Nếu một lúc nào đó tôi có quyền lựa chọn thì tôi sẽ chọn thơ. Dù mấy chục năm qua tôi hầu như đã không chọn thơ. Nhưng hình như thơ chọn tôi thì phải. Đúng là từ khi là một đứa trẻ đói ráchcơ hànở một làng quê nghèo khổ cửa sông Hồng tôi đã mơ ước trở thành nhà thơ. Và, đối diện với ông hôm nay tôi vẫn không ngừng mơ cái ước mơ ấy. 

NTTK: Đội ngũ “văn chương phú lục” xuất xứ Thái Bình trong văn đàn Việt khá dồi dào, ông có thể kể nhanh vài cái tên thân thiết với mình không?

NLK: Thái Bình không chỉ là mảnh đất địa linh nhân kiệt. Đó là quê hương không chỉ của các anh hùng mà còn là mảnh đất của văn chương, chữ nghĩa. Không ít danh nhân văn chương quê Thái Bình. Tôi tiếc là không có điều kiện đọc được nhiều tác phẩm của các nhà văn Thái Bình quê hương hiện đại. Nhưng tôi thường xuyên đọc văn của Đức Hậu và thơ của Trần Anh Thái, Đỗ Trọng Khơi/.

                                               Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế thực hiện

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511946

Hôm nay

2272

Hôm qua

2337

Tuần này

22320

Tháng này

218819

Tháng qua

121356

Tất cả

114511946